VĂN HÓA TÂM LINH ẤN ĐỘ DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HOÁ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

VĂN HÓA TÂM LINH ẤN ĐỘ DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi hangthu » Thứ 4 01/12/10 22:40

I. Lý do chọn đề tài
Văn hóa là một thực thể có sự vận động trong không gian và thời gian. Nhìn theo chiều thời gian, văn hóa là một diễn trình lịch sử có những quy luật phát triển của nó. Nhìn trong không gian, văn hóa cũng có sự vận động qua các vùng, xứ, miền khác nhau. Các yếu tố như điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử của các vùng không giống nhau nên sự vận động của văn hóa ở mỗi vùng, miền, xứ luôn chịu sự tác động của những điều kiện này cũng không giống nhau. Có thể nói, điều kiện tự nhiên, địa lý không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự vận động của những nền văn hóa, tuy nhiên khi xem xét bất cứ một thành tố văn hoá nào ta không thể không xét chúng dưới góc nhìn địa văn hóa( yếu tố tự nhiên, địa lý). Ấn Độ là một trong hai nền văn minh vĩ đại của nhân loại tồn tại liên tục từ khi xuất hiện đến nay, cũng là một đất nước có nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Nơi đây được mệnh danh là xứ sở của tôn giáo và triết học, của thầy tu và vũ nữ. Nhiều ý kiến cho rằng từ điều kiện tự nhiên dẫn đến việc con người nơi đây rất nhạy cảm với những vấn đền siêu hình, nên đời sống tinh thần và đặc biệt là văn hóa tâm linh vô cùng đa dạng. Với đề tài này hy vọng có thể mở rộng hướng tiếp cận văn hóa tâm linh Ấn Độ dưới góc nhìn địa văn hóa để có một cái nhìn cụ thể hơn về một nền văn hóa độc đáo, bí ẩn thuộc hàng bậc nhất thế giới.
II. Đề cương chi tiết
1. Đất nước Ấn Độ
1.1 Địa lí
Ấn Độ là một bán đảo ở Nam Á, từ Đông Bắc đến Tây Bắc có núi chắn ngang, trong đó có dãy Hymalaya nổi tiếng. Ấn Độ chia làm hai miền Nam Bắc lấy dãy núi Vinđya làm ranh giới. Miền Bắc Ấn Độ có hai con sông lớn là sông Ấn ( Indus) và sông Hằng ( Gange). Cả hai dòng sông này đã bồi đắp thành hai đồng bằng màu mỡ ở miền Bắc Ấn vì vậy nơi đây trở thành cái nôi của nền văn minh Ấn Độ. Về cơ bản, có thể nói đến Ấn Độ với 3 phức hợp địa hình lớn: vùng núi Hymalaya, miền đồng bằng Ấn- Hằng, cao nguyên Decan. Tất cả những đặc điểm địa lí tự nhiên trên đều trở thành một phần quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các yếu tố tâm linh Ấn Độ
1.2 Con người
Ấn Độ là một quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới( hiện nay 899 triệu người). Cùng với sự đông đúc cư dân là sự phức tạp về nhân chủng. Qua mấy ngàn năm lịch sử, với những cuộc thiên di, những lần giặc giã xâm lăng, cư dân Ấn Độ trở thành một hỗn hợp chủng tộc đa dang, phức tạp. Vì vậy Ấn Độ được mệnh danh là “ triển lãm các tộc người trên toàn thế giới.” Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát thì có thể nói đến hai chủng tộc cơ bản: Dravida đóng vai trò yếu tố bản địa và Arya đóng vai trò yếu tố chủ thể.
1.3 Tôn giáo và triết học
Có thể nói Ấn Độ là một dân tộc mộ đạo và trọng triết học bậc nhất thế giới. Đối với người Ấn, tôn giáo cốt yếu hơn chính trị, còn triết học thì ích lợi và cần thiết nhất trong tất cả mọi hình thức hoạt động của con người. Ấn Độ là nơi xuất phát và chung sống của nhiều tôn giáo khác nhau tuy nhiên sự thống nhất của các tôn giáo( bản địa) và triết học Ấn Độ dưới những hình thức khác nhau đều nhằm giải phóng tinh thần và tri thức khỏi giới hạn của thân xác. Các tôn giáo và triết học tâm linh Ấn Độ thường không cố định trong các giáo điều mà là những “ ức thuyết có hiệu lực của con nguời được thích nghi với các giai đoạn khác nhau của sự phát triển tinh thần và các điều kiện khác nhau của cuộc sống”. Hai tôn giáo, triết học chính của Ấn Độ là Hindu giáo và Phật giáo đều là những tôn giáo bản địa và trở thành hai trong số những tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra còn có các tôn giáo bản địa khác như đạo Jain, đạo Sikh và các tôn giáo ngoại nhập: đạo Hồi, Thiên Chúa giáo, bái hỏa giáo, Do Thái giáo…
2. Văn hóa tâm linh Ấn Độ dưới góc nhìn địa văn hóa
2.1 Himalaya dãy núi thiêng
Đây là dãy núi hùng vĩ nhất, nóc nhà của thế giới, trùng trùng điệp điệp suốt 2600 km, trong đó có hơn 40 ngọn cao trên 7km. Đây chính là dãy núi định mệnh của Ấn Độ, là Vạn Lý Trường Thành tự nhiên đã ban tặng cho đất nước này. Sừng sững án ngữ toàn bộ phía Bắc,himalaya trở thành bức tường thành tự nhiên đồ sộ, vững chắc tuy không phải hoàn toàn bất khả xâm phạm vì vẫn có những đèo thấp như Khyber nhưng vai trò của Himalaya giữ cho Ấn Độ nhiều thế kỷ bình yên, xây dựng nền văn hóa riêng của mình là một điều chắc chắn. Biển rộng, núi cao là những chướng ngại tự nhiên đáng kể làm cho Ấn Độ trở thành một khu vực văn hóa tương đối riêng biệt, chừng nào đó tách rời với thế giới bên ngoài.
Ngoài những ảnh hưởng trên, núi rừng Himalaya còn tác động lớn lao tới tư duy của người dân Ấn Độ. Ngay từ khi họ bắt đầu tư duy và mơ mộng, nhiều ngọn núi cao trong trí tưởng tượng của họ đã trở thành nơi cư ngụ của thần linh, giống như Olympus với người Hylap. Cũng trong những núi rừng Himalaya, những trường học tu tập đã ra đời, nơi đây các thầy trò Upanishad thảo luận và tư duy về bí mật của nhân sinh, vũ trụ. Qua nhiều thế kỷ, Himalaya cũng là nơi ghi lại nhiều dấu chân của những con người từ bỏ cuộc sống trần tục để kiếm tìm và thực hiện khát vọng giải thoát (điều này được xem như mục tiêu cao nhất của đời người). Himalaya dường như mãi mãi vẫn giữ sự xa cách, thâm nghiêm, mãi mãi là một miền thần bí siêu thực và khêu gợi tâm linh với người Ấn. Con người càng trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, bí ẩn, điều này khiến cho đời sống tâm linh Ấn Độ trở nên phức tạp, đa dạng vô cùng. Trong Ấn giáo, Himalaya là nơi cư ngụ của thần Shiva và nàng Pavarti (con gái của Himalaya). Đứng trước dãy núi cao vời vợi đó, người Ấn tự nhiên cảm nhận sự cao cả vô cùng của tinh thần thuần khiết. Đối với người Ấn, Himalaya là ngôi đền tự nhiên, và những ngôi đền khác cũng đã xây theo hình ảnh của nó. Có thể khẳng định rằng những tư tưởng lớn của Ấn Độ đã nảy nở trong bối cảnh tĩnh mịch của núi rừng:“ Điều kì diệu nhất chúng ta nhận thấy ở Ấn Độ là tại đây rừng núi chứ không phải thành thị là ngọn nguồn của tất cả nền văn minh của nó… chính núi rừng đã nuôi dưỡng hai thời đại lớn : thời Veda và thời Phật giáo… dòng nước văn minh chảy từ những rừng núi đó đã tưới nhuần khắp cõi Ấn Độ”.
2.2 Những dòng sông định mệnh
Ấn Độ được thiên nhiên ưu đãi ban cho một hệ thống sông ngòi phong phú, có tới 7 dòng sông , có những dòng sông thuộc loại lớn nhất thế giới: Indus( sông Ấn), Ganga( sông Hằng). Từ lòng chảo của hai con sông này đã hình thành dồng bằng Ấn- Hằng vĩ đại, một trong những đồng bằng màu mỡ và rộng lớn nhất thế giới, hình thành cái nôi của một nền văn minh, văn hóa cổ xưa và rực rỡ nhất châu Á. Phù sa màu mỡ cùng nguồn nước tưới tiêu phong phú của hai con sông đã hào phóng cưng chiều những cư dân nông nghiệp xứ này từ buổi đầu lịch sử và về sau vẫn rộng rãi chở che cho Ấn Độ trở thành quê hương của cuộc “cách mạng xanh”, “cách mạng trắng”.
Chính bởi nhiều ưu ái mà những con sông đã ban tặng cho đất nước này mà người Ấn luôn có tình cảm đặc biệt với những dòng sông, với họ hầu hết các con sông đều là linh thiêng. Hình ảnh dòng sông chảy ra biển lớn gợi cho người Ấn ý niệm về sự hòa nhập của linh hồn cá thể hữu hạn vào với linh hồn vũ trụ vô hạn, sự hòa nhập của tiểu ngã với đại ngã. Hơn tất cả các dòng sông khác, Hằng hà gắn bó với lịch sử văn hóa và đời sống tinh thần của Ấn Độ. Người Ấn gọi sông Hằng là “ sông mẹ” vì với họ, sông Hằng chính là một bà mẹ giàu tình cảm, nước sông Hằng theo niềm tin Ấn Độ có khả năng tự thanh lọc, vĩnh viễn trong trẻo thiêng liêng. Trong tiềm thức của người Ấn, sông Hằng vốn là con sông trên trời. Nó chảy tung bọt dưới chân thần Vishnu nên nó tên là Vishnupadi, chảy ngang qua núi Himavati, rồi tiếp tục chảy xuống thế giới âm phủ. Những người Ấn Độ tin rằng đến được với sông Hằng, uống nước sông Hằng, tắm trong làn nước sông Hằng hay được chết bên bờ sông Hằng thì được tẩy rửa mọi ô uế vật chất và tinh thần. Vì phẩm chất thanh lọc đặc biệt đó mà việc tắm sông Hằng trở thành một hành vi tôn giáo. Khi một người Ấn chết, họ mong được nhỏ vài giọt nước sông Hằng vào miệng trước khi hỏa táng và tro thiêu được thả xuống dòng sông mong tìm được sự giải thoát linh hồn như hòa vào với dòng sông mẹ. Với Ấn Độ sông Hằng nói riêng, những linh giang nói chung đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, nhất là trong tâm linh mỗi con người. Hầu như mọi nghi lễ tôn giáo trên đất nước này đều ít nhiều gắn với những dòng sông, đặc biệt là sông Hằng.
2.3 Khí hậu
Do địa thế rộng lớn, địa hình đa dạng, Ấn Độ có nhiều vùng khí hậu khác biệt. Trên nền chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, phía Bắc Ấn Độ với Himalaya có tính chất của khí hậu ôn đới, trong khi phía Nam tiến tới gần sát xích đạo lại là nhiệt đới điển hình. Phía Đông và phía Tây ít nhiều ảnh hưởng của khi hậu đại dương. Cách Himalaya băng tuyết chừng 100km là sa mạc Thar nóng bỏng. Trong khi đồng bằng Ấn – Hằng với lượng mưa 2000mm/năm thì cao nguyên Decan lại rất ít mưa. Nhìn chung ở Ấn Độ có những cực đoan khí hậu: hạn – lụt( từ tháng 6 đến tháng 9 với 90% lượng mưa cả năm), nóng – lạnh( 52 độ, -15 độ). Từ đó có thể thấy rất rõ ảnh hưởng của khí hậu đối với tính cách và đời sống tâm linh của họ. Trường phái thiền tọa, Yoga có lẽ cũng ra đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy của thiên nhiên. Nếu như trong suốt cả mùa khô cái nắng cái nóng dai dẳng như thiêu đốt, thì những giọt mưa do gió mùa mang tới chính là phúc lành và niềm ân huệ lớn lao. Hơn tất cả những nơi có gió mùa khác, người Ấn khao khát và đón nhận những cơn mưa đầu mùa thật rộn rã. Vì sau một thời gian dài khô nóng, lúc này thực sự là mùa xuân, thời kì sống lại và sinh sôi của vạn vật cùng con người. Chính những đặc điểm về khí hậu trên cũng đã quy định những đặc trưng trong văn hóa tâm linh Ấn Độ. Những người tu sĩ lang thang ở Ấn chỉ đến mùa mưa mới dừng chân lại trên một mái nhà. Vào mùa mưa, do đi lại khó khăn và cũng một phần vì đây là thời điểm vạn vật sinh sôi, các tu sĩ bớt đi lại nhiều để tránh dẫm đạp lên những sinh linh bé nhỏ ấy( tư tưởng Ahimsa: bất tổn sinh). Mùa mưa cũng là thời kì hệ trọng trong tổ chức và sinh hoạt của các tôn giáo để trau dồi và truyền đạt giáo lý. Đây là thời kì Phật giáo gọi là “kết hạ”. Trong suốt thời kì này các thầy tu lo việc học tập, rèn luyện phẩm chất, đánh dấu một bước tiến mới trên con đường tu hành của mỗi người. Vì vậy tuổi đạo của Phật giáo mới gọi là “hạ lạp”.
Nói tóm lại, điều kiện tự nhiên Ấn Độ đã ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần dân tộc, tính cách dân tộc. Trước một thiên nhiên vừa rộng rãi, khoáng đạt vừa khắc nghiệt con người đã chọn cách ứng xử hòa hợp hơn là chinh phục tự nhiên. Điều này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa tâm linh của người Ấn, đó là: không nơi đâu trên thế giới như đất nước này nhiều tôn giáo lại có thể chung sống hòa hòa hợp với nhau đến như vậy. Cả tôn giáo bản địa lẫn những tôn giáo ngoại lai cùng tồn tại vì mục tiêu cao đẹp: giải thoát con người, hướng tới sự tốt đẹp, hoàn thiện của con người. nhìn chung sông núi, thiên nhiên còn in đậm ảnh hưởng của mình lên văn hóa tâm linh Ấn Độ, một dân tộc khuôn hình theo sông núi, một mảnh đất đầy rẫy thần linh và truyền thuyết.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diane morgan, Triết học và tôn giáo phương Đông, Lưu Văn Hy dịch, NXB Tôn giáo 2006
2. Nguyễn Ước đại cương triết học phương Đông, NXB Tri thức 2009
3. Đặng Hữu Toàn, Các nền văn hóa thế giới, tập 1, NXB Từ điển bách khoa
4. Vũ Dương Ninh, Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giao dục 2008
5. Nguyễn Tấn Đắc, Văn hóa Ấn Độ, NXB TP HCM 2000
RANDOM_AVATAR
hangthu
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/09 21:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA TÂM LINH ẤN ĐỘ DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi hangthu » Thứ 4 01/12/10 22:48

Đây là đề cương chi tiết cho môn địa văn hoá thế giới của mình. Văn hoá tâm linh Ấn Độ là một đề tài đã được đề cập rất nhiều nhưng vói bài này mình xem xét nó dưới góc nhìn địa văn hoá một cách cụ thể. Bởi tuy không phải lúc nào cũng là yếu tố quan trong nhưng địa lí, môi trường là một phần không thể thiếu đối với bất cứ một thành tố văn hoá nào trong sự hình thành và phát triển của nó. Mong được sự góp ý, bổ xung của mọi người để mình có những hiểu biết thêm về vấn đề này. Cảm ơn các bạn!
RANDOM_AVATAR
hangthu
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/09 21:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: VĂN HÓA TÂM LINH ẤN ĐỘ DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HOÁ

Gửi bàigửi bởi ronaldjack » Thứ 7 29/01/11 16:27

hi guys,,,
i am mới đến ở đây, tuy nhiên tôi đánh giá cao
chia sẻ thông tin tốt đẹp bởi hangthu với chúng tôi,
nhờ để chia sẻ :mrgreen:
RANDOM_AVATAR
ronaldjack
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 7 29/01/11 16:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách

cron