cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi viet_huong47 » Thứ 2 24/01/11 17:53

CÂY LÚA NƯỚC TRÊN BÌNH DIỆN VĂN HÓA XÃ HỘI

3.1 Cây Lúa Nước Thúc Đẩy Quá Trình Đi Tìm Và Khai Thác Các Đồng Bằng Châu Thổ
Lúa nước được gieo trồng chủ yếu trên các các loại đồng bằng châu thổ của các dòng sông hay trên những đồng bằng ven biển.
Myanmar có châu thổ sông Irrawady, châu thổ sông Sittang là một vựa lúa lớn.
Việt Nam có đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long trở thành hai vựa lúa lớn của Việt Nam.
Malaysia lúa nước được trồng ở vùng Tây Malaysia. Đồng bằng Bang Keda là vựa lúa lớn của Malaysia.
Ở Lào và Campuchia có đồng bằng sông Mekong.
Ở Indonesia có đồng bằng ven biển Bắc Jawa. Nhưng vì đất châu thổ không nhiều, nên những núi đá lửa được san thành những ruộng bậc thang trên các sườn núi.
Thái Lan có đồng bằng châu thổ sông Menam Chao Phraya và sông Tachin cũng là một vựa lúa lớn.
Nói tóm lại Đông Nam Á ở đâu có nước là có cây lúa trồng ở đó và người trồng lúa đóng vai trò chủ thể xã hội.
3.2/ Cây Lúa Nước Thúc Đẩy Quá Trình Hình Thành Các Tổ Chức Xã Hội, Làng Và Các Quốc Gia Nông Nghiệp.
- Ở Đông Nam Á có hai loại hình thức nhà nước cổ đại:
+ Một là các quốc gia nảy sinh trên sự phát triển của nông nghiệp lúa nước.
+ Hai là các quốc gia nảy sinh trên nhu cầu của giao thương quốc tế.
- Do sự phát triển của nông nghiệp lúa nước, cho nên ở thung lũng và ở các châu thổ đã hình thành những tụ cư lớn mà Đông Nam Á người ta hay gọi là mường, mường là tổ chức tiền quốc gia.

1. Trích theo địa chí vĩnh phú,văn hóa dân gian vùng đất tổ .tr 11)


*Một số quốc gia hình thành từ nền nông nghiệp
- Mataram là một vương quốc nông nghiệp ở Nam và trung Jawa
- Senlendra xuất hiện từ thế kỷ VII ở Jawa. Kinh tế dựa trên nông nghiệp và đã xây dựng Borobudur hùng vĩ đến nay vẫn còn.
- Mataram là một vương quốc nông nghiệp ở nam và trung Jawa, vào thế kỷ VIII. Nước này cũng đã huy động nhân lực vật lực từ nông nghiệp và xây dựng những công trình kiến trúc đẹp ở Jawa, tiêu biểu là khu Prambanam.1
- Đại Việt là tên cũ của nước việt nam từ thế kỷ thứ XI. Tổ tiên người Việt Nam đã định cư rất sớm ở vùng trung du trước khi di chuyển xuống vùng châu thổ sông Hồng.Cư dân ở trung du không bám núi rừng, đã đi xuống được đồng bằng châu thổ để phát triển nông nghiệp. Ở đây họ phải đắp đê chống lũ lụt để lấy đất trồng lúa. Công cuộc trị thủy ở châu thổ sông Hồng để trồng Lúa đã làm theo 3 hướng. Đắp đê tránh lụt; Tưới nước để đảm bảo được hai vụ lúa một năm; Tháo nước tránh úng.
- Angkor được xây dựng vào năm 802. Khi văn minh Khmer phát triển, thì kỷ thuật nông nghiệp và cách quản trị sử dụng nước của họ càng trở nên phức tạp. Đỉnh cao của kỷ thuật thủy lợi Cambodia là vào những năm 1000, vào triều Suryavarman 1, người ta đã xây dựng một hệ thống đường dẫn nước, bể chứa, kênh mương và giếng kỳ vĩ trong thủ đô. Các bể chứa có khi xây bờ bằng gạch, và chia thành từng ô có bờ đắp, nhưng có đường thông cho nước chảy. Tại Angkor có đến 1000 bể chứa nước được bố trí theo sơ đồ của cả thành phố. Mỗi đền chùa cũng có bể chứa của mình. Có thể nói Angkor là một kinh thành thủy lợi với hệ thống Baray Ấn Độ. Angkor dựa trên hai sức mạnh là nông nghiệp và tôn giáo Thần – Vua.
- Sailendra, xuất hiện từ thế kỷ VII ở Jawa. Kinh tế dựa trên nông nghiệp. Chính quyền dựa vào việc kiểm soát và huy động được nhân lực và vật lực nông nghiệp để xây dựng và tiến hành chiến tranh.
3.3/ Cây Lúa Nước Thúc Đẩy Hình Thành Nền Văn Hóa Nông Nghiệp. Nhìn Từ Mối Quan Hệ Với Đất Đai, Nền Văn Hóa Nông Nghiệp Có Những Đặc Điểm Sau:
* Bám đất : yếu tố thứ nhất của một nền nông nghiệp là đất, cho nên văn hóa nông nghiệp trước tiên là bám lấy đất.
“Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Sau cái nhà là cái làng, nơi có họ hàng, mồ mả tổ tiên”

1. Tìm Hiểu Văn Hóa Indonesia, tr 22
Nền kinh tế nông nghiệp không khuyến khích đi xa. Con người luôn luôn dính chặt với đất, và vì vậy cũng ít thích thay đổi.
* Tự túc: nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu sản xuất ra lúa gạo trước tiên vì nhu cầu của bản thân người sản xuất. Họ không sản xuất ra hàng hóa để thúc đẩy thị trường mua bán. Sản phẩm nông nghiệp chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu trong vùng đó. Vì vậy nước nông nghiệp thời xưa sản xuất ra sản phẩm phần lớn là thỏa mãn nhu cầu tối thiểu trong nước đó. Nền kinh tế chủ yếu là tự cấp tự túc.
* Hướng nội: Do bám đất và tự túc, nên cư dân nông nghiệp không hướng ra ngoài mà hướng vào trong. Người nông nghiệp hướng nội không biết những việc bên ngoài làng của mình, ngoài nước của mình.
* Đóng cửa: Chính sách bế quan tỏa cảng là chính sách thường dùng trước đây của các nước nông nghiệp. Không khuyến khích buôn bán với nước ngoài. Luôn bế quan tỏa cảng, ngăn cản mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.
* Nông nghiệp trồng trọt lúa nước ở Đông Nam Á thu hút nhiều lao động. Trước hết là do sự cần thiết phải chuẩn bị đất gieo mạ và cây lúa, tốn nhiều lao động hơn là chỉ gieo hạt như trồng lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Thứ hai là tốn thời gian trong cách gặt hái bằng dao nhỏ hoặc bằng liềm. Đồng lúa Đông Nam Á thường ẩm ướt, dễ làm hỏng hạt khi rơi xuống nước và có khi bị ngập lụt vào mùa gặt. Thứ ba lao động cực nhọc do mùa mưa chỉ diễn ra nhất định trong năm có khâu làm mạ rất tốn công. Nhìn chung nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á và ảnh hưởng yếu tố gió mùa nên đòi hỏi khối lượng lao động rất lớn nên mật độ dân số đông hơn so với các nước phương tây.
* Nông nghiệp lúa nước cũng khó cơ giới hóa. Máy cày dễ hoạt động bao nhiêu trên đất khô thì trên ruộng nước lại khó bấy nhiêu và cũng hao tốn hơn. Bánh cao su hoạt động trên đất khô phải thay bằng bánh lồng sắt để chạy trên ruộng nước.
 Tất cả những yếu tố dẫn đến mật độ dân số tăng và đất đai trồng trọt ngày càng hiếm, dân số nông thôn ngày càng tăng, việc làm ngày càng khó và ít, quy mô nông trại thường nhỏ.
* Hệ thống đê điều: Một nét quan trọng của nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á là hệ thống đê điều, mạng lưới thủy lợi có tính chất chung của một làng, nhiều làng hay cả vùng. Sự duy trì mạng lưới thủy lợi rộng lớn và điều tiết nước do cấp chính quyền trung ương đảm nhiệm, đã tạo sự ổn định chính trị, còn những hệ thống thủy lợi nhỏ trong phạm vi làng tạo sự ổn định và gắn kết của từng làng, và quyết định mối quan hệ giữa các làng.
* Ý thức thời vụ: cư dân Đông Nam Á rất chặt chẻ về thời vụ, là những người nông nghiệp truyền đời, khuôn thời vụ theo mùa mưa nắng, nên từ lâu đã hình thành ở họ một quan niệm thời gian theo chu kỳ khép kín của nông lịch. 1
*Tiết kiệm và không tiết kiệm: Người Đông Nam Á biết tiết kiệm tiền nhưng không biết tiết kiệm thời gian.
* Tính cần cù, ưu lao động: Nhu cầu lớn về lao động trong thời vụ nông nghiệp trồng lúa nước có tác động thuận lợi đối với sự cần cù, khuynh hướng ưa lao động, đặc biệt là đối với lao động trẻ con khi cấy lúa và gặt lúa cần nhiều lao động phụ giúp. Nó trở thành một hình ảnh lao động gia đình ngay cả phụ nữ, trẻ em cũng làm việc ngoài đồng phụ nam giới.
*Tính hợp tác tương trợ: Lúa nước thời vụ trong những tháng bận rộn nên lao động lao động phải lệ thuộc vào họ hàng, láng giềng, vào tập đoàn. Do đó lao động tập thể tương tác và hổ trợ tập thể đoàn kết, liên kết hoài hòa trở thành nếp sống lý tưởng của cộng đồng. Chính lao động tập thể đã nảy nở lối hát giao duyên trong lao động Đông Nam Á.
* Triết lý sống của sự nghèo khổ: Người nông dân coi trọng cái nghèo mà trong sạch hơn là xoay sở làm ăn buôn bán kinh doanh “đói cho sạch, rách cho thơm”. Người nông dân truyền thống chỉ quan tâm đến việc lấy sức lao động ra để kiếm tiền, không quan tâm đến kinh doanh.
Về tâm thức : Con người Đông Nam Á coi trọng cộng đồng hơn cá nhân thích hòa hợp hơn cạnh tranh, lấy tình nghĩa làm chính trong mối quan hệ giữa người với người. Làm Lúa nước chính yếu cũng có cuộc sống ổn định, những người sống gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẻ với nhau thành xóm làng. Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú là bước phát triển của làng xã. Tính cồng đồng rất cao, mọi người trong làng gắn bó mật thiết và hỗ trợ nhau cho kịp thời vụ, đối phó với moi trường tự nhiên luôn đe dọa đến mùa vụ cũng như đối phó với môi trường xã hội (nạn trộm, cướp..) đều phải tập trung sức mạnh cả làng mới có hiệu quả.
Văn hóa Đông Nam Á có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng: sự đa dạng của các phong tục tập quán còn được biểu hiện ở các lễ hội lễ tết. Tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á cũng đa dạng nhiều vẻ nhưng trong mỗi thành tố văn hóa chúng ta vẫn tìm thấy được cái thống nhất trong cái gốc chung mang tính khu vực, đó là sự phản ánh bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp lấy cây lúa làm nền tảng văn hóa.


1. Lễ Hội Cổ Truyền, Lê Trung Vũ, tr 21
RANDOM_AVATAR
viet_huong47
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 25/09/10 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi viet_huong47 » Thứ 2 24/01/11 17:53

7 Văn Hóa Vật Chất Phục Vụ Đời Sống
* Ẩm Thực
Sản phẩm chính của cây lúa là gạo làm lương thực. Từ gạo có thể nấu cơm, chế biến thành các loại món ăn khác như bánh đa nem, phở, bánh đa, bánh chưng, bún, rượu. Ngoài ra còn bánh Rán, bánh Tét, bánh Giò và hàng chục loại thực phẩm khác từ gạo.
Sản phẩm phụ của cây lúa
+ Tấm: Sản xuất tinh bột, rượu cồn, Axêtôn, phấn mịn và thuốc chữa bệnh.
+ Cám : Dùng để sản xuất thức ăn tổng hợp; sản xuất vitamin B1 để chữa bệnh tê phù, chế tạo sơn cao cấp hoặc làm nguyên liệu xà phòng.
+ Trấu: sản xuất nấm men làm thức ăn gia súc, vật liệu đóng lót hàng, vật liệu độn cho phân chuồng, hoặc làm chất đốt.
Thức ăn của cư dân Đông Nam Á chủ yếu là thực vật mà cụ thể là lúa gạo, rau cỏ và hoa củ. Từ gạo người ta nấu ra cơm và cơm trở thành thức ăn chính chủ đạo của vùng này. Cơm nếp cũng là món ăn chính của nhiều dân tộc miền núi. Có nhiều món cơm nổi tiếng như cơm Lam của người Lào và một số dân tộc Việt Nam, Cơm Rang (Nasi Goreng), cơm rau sống (Nasi Ulam) của người Melayu ở Malaysia, Indonesia, Brunei, v.v..1
*Trang phục
Trang phục phù hợp với công việc trồng lúa như váy, khố. Hiện nay khố vẫn còn được một số dân tộc ít người ở Đông Nam Á sử dụng như ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam,Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar.
Khăn đối với phụ nữ cũng khá phổ biến vừa trang sức vừa có tác dụng che mưa, che nắng do đó giúp con người lao động dễ dàng.
Thực tế trang phục ở khu vực này rất đa dạng.ở đây chỉ đề cập đến những trang phục phù hợp với công việc đồng áng.
* Đặc điểm cư trú: Phần lớn cư dân đông nam á cư trú tập trung những vùng thung lũng và đồng bằng các con sông lớn nhỏ, ở những nơi trồng lúa nước mà ít sống rải rác như các nước chăn nuôi du mục.
1. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS. Mai Ngọc Chừ, NxB Phương Đông, tr 172-173.
RANDOM_AVATAR
viet_huong47
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 25/09/10 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi viet_huong47 » Thứ 2 24/01/11 17:54

CÂY LÚA NƯỚC TRÊN BÌNH DIỆN VĂN HÓA TINH THẦN
Cư dân Đông Nam Á có một đời sống văn hóa khá cao, thành tựu rõ nhất là việc tạo nền nông nghiệp lúa nước. Trong năm trung tâm xuất hiện các cây trồng thì Đông Nam Á là một Đây cũng là đặc trưng và phổ cập của các vùng châu thổ Đông Nam Á, nơi đây có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Gạo còn là cơ sở hình thành các giá trị văn minh vật thế và phi vật thể ở Đông Nam Á.1
1 Văn Hóa Dân Gian
1.1 Truyền Thuyết
Xung quanh tín ngưỡng về hồn lúa, có nhiều truyền thuyết rất hay ở Đông Nam Á.
Truyện thứ nhất được lưu truyền ở bán đáo Mã Lai. Truyền thuyết kể: Ngày xưa, những nông dân không phải gặt lúa ở ngoài đồng. Hàng ngày, một hột lúa tự lăn vào nhà, chui vào nồi và người ta chỉ việc nấu thành cơm. Theo nguyên tắc, người chồng không được nấu cơm (vì lúa gạo là con gái, cấm kị với đàn ông). Việc nấu cơm chỉ dành cho vợ, mẹ hoặc con gái. Khi nấu cơm không được mở vung. Mở vung là điều cấm kị, cứ để thì đến trưa cơm sẽ chín. Một hôm, người mẹ phải đi làm, dặn con ở nhà không được mỡ vung. Khi mẹ đi rồi, cô bé tò mò mỡ vung ra xem. Thật kì lạ, trong nồi có một cô bé xinh đẹp, tự nhiên biến mất, để lại một hạt gạo nhỏ. Khi mẹ về thấy trong nồi không có cơm, biết là con gái đã phạm vào điều cấm kị. Từ ngày hôm ấy, tất cả mọi người phải làm những công việc đồng áng vất vả, nặng nhọc: cày cấy, gặt hái, đập lúa, phơi thóc, quạt sạch và mang vào nhà.
Truyền thuyết Việt Nam kể rằng ngày xưa khi vua Hùng mới dựng nước, ven các con sông Thao, sông Đà, sông Lô đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Cư dân Văn Lang vẽ chàm vào người xuống đồng bắt cá về ăn. Vùng đồng kẻ Gáp, kẻ Vầy cá nhiều vô kể, ăn cá mãi cũng chán. Các cụ già làng thường thấy trên những bãi bồi hàng năm nở lên những vạt cây tốt nhanh, lá giống lá mía, thân như thân lau, nở từng bụi sum suê, bông trĩu, quả to, có quả như cái thuyền con, khi quả chín rụng xuống đất, chim sóc cứ mổ mà ăn không xuể. Các già làng liền rủ nhau lấy rìu bổ ăn thử, ăn vào đến đâu thấy dễ chịu đến đấy, nếu đem cho vào ống nứa đốt như nấu khoai mài, ăn thấy càng thơm ngon. Thấy vậy, dân làng rủ nhau đi nhặt về để dành ăn vào mùa đông rét mướt. Nhưng có năm cây vẫn tốt, lúc ra hoa trời nắng bông lại lép kẹp, bông thì to nhưng cứ giơ thẳng lên trời như những mũi mác.

1. Việt Nam – Đông Nam Á quan hệ lịch sử văn hóa, NXB chính trị Quốc gia, Hà Nội,1993, trang 30 .
Cả làng cả bản tha hồ đốt cây trầm hương gọi là vía, gọi hồn hạt cũng không to, bông vàng không trĩu xuống. Vua Hùng thấy vậy, cùng các già làng tìm một ngọn núi cao im lặng trèo lên trên đỉnh, đốt hương khấn vái bốn phương mong Long Quân về phù hộ. Vua Hùng cùng các già làng cầu khấn mãi từ sáng đến hết đêm. Sáng hôm sau, bỗng nhiên trời nổi sấm sét, mưa từ đâu như trút nước xuống, rồi từ trong đám mưa có vị thần nói to lên rằng: "Từ nay trở đi cứ sáng mồng một Tết, nhà nào cũng phải quét sạch nhà cửa cổng ngõ sân bãi đến giờ "dần" sẽ có lúa thần về mới được ăn, bằng trái ý là lúa bay đi". Tan cơn mưa, vua Hùng và các già làng như tỉnh giấc mộng, nhìn thấy ngay trước mắt mình một hạt lúa thần thật to bằng chiếc thuyền con. Từ đó về sau năm nào cũng vậy, cứ khoảng tháng bảy, tháng tám khi nước các con sông rút đi là tất cả cư dân Văn Lang, cùng với vua Hùng nghe theo lời thần dạy, ra những bãi bồi ven sông cày bừa vun xới, chăm chút nâng niu những cây lúa thần. Từ đấy năm nào lúa cũng về đều đặn, dân cư no lành, vui mừng ca hát, nhảy múa. Nhưng bỗng một năm có hai vợ chồng nhà quan lang còn trẻ, chị vợ ngủ trưa, khi mở mắt ra những tia sáng của thần trời đã le lói chiếu qua khe liếp nhà, mới vội vàng cầm chổi đi quét sân. Chị vợ đang quét thì lúa tới giờ đã lăn từ ngoài bãi bồi lăn về. Hạt lúa thật to, thật đẹp, nhưng cổng nhà rác quá, lúa không vào được, chị vợ sợ chồng mắng mới quay ra mắng lúa: “ lúa già mà chưa đến giờ đã mò về”. Lúa giận rồi bỏ đi. Trước khi đi, lúa còn bảo: "Nhà chị lười quá, từ nay cứ lấy ngoèo tre, lưỡi sắt cắt từng bông chứ đừng hòng ta lăn về cho mà ăn nữa". Chị vợ hối hận chạy theo van nài, nói thế nào cũng không được. Lúa thần bay đi, cư dân Văn Lang lại lao đao vì thiếu cái ăn. Vua Hùng lại phải cùng các già làng lên đỉnh núi cầu khấn trời đất, thắp hương suốt ngày đêm, gọi vía lúa, lúa thần vẫn không về. Còn những cây lúa hằng năm vẫn chăm sóc ở bãi bồi ven sông thì lá bé đi, bông nhỏ lại chỉ bằng phần nghìn, phần vạn hạt lúa thần và phải lấy cái ngoèo tre, đóng một miếng sắt (gọi là liềm) đi cắt từng bông một mang về. Từ đó, hằng năm cứ sắp đến mùa lúa nở, cư dân Văn Lang và vua Hùng lại cầu khấn thần lúa. Và mỗi khi nước sông rút đi, lại ra sức chăm sóc những cây lúa ven sông rồi mang ngoèo tre, lưỡi sắt đi cắt từng bông lúa mang về.
2.1.2 Thần Thoại
Các nhân vật văn hóa trong truyện cổ Đông Nam Á. Trước hết cũng phản ánh về nền văn hóa trồng trọt, trồng lúa.
Ở Indonesia có thần thoại về cây lúa có một anh thanh niên dũng cảm muốn lên trời xem trên đó họ làm gì. Anh ta cưởi trên một con ngựa có cánh và bay vào một làng ở trên chín tầng mây. Anh nhìn thấy mặt trời đang làm khô thóc. Anh không biết đó là lúa nên mới hỏi một người dân ở trên trời : “cái gì thế này ?”
Người trời ngạc nhiên vì sự ngờ nghệch của anh và hỏi lại “ anh từ đâu tới? anh không phải là dân ở đây à?”
Anh thanh niên đáp: “tôi từ hạ giới đến” Người trời mách cho anh đến gặp thần Pue Lamôla. Thần tiếp anh niềm nở, mời anh ăn món cơm. Món cơm làm anh thanh niên ăn thấy ngon miệng và thích thú. Anh ngõ ý xin thần đem một ít lúa xuống mặt đất. Thần từ chối nhất định không cho.
Khi ra về, người thanh niên đi qua đám thóc đang phơi, một số hạt đã mắc vào chỗ da nứt nẻ ở gót chân. Anh đem những hạt thóc ấy về gieo trồng ở trần gian. Từ đó lúa được gieo trồng khắp nơi ở dưới trần gian. 1
Chàng thanh niên trong thần thoại là nhân vật văn hóa, giúp ít cho loài người. Môtip này giống cốt truyện thần thoại của nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á. Các nhân vật từ hạ giới lên trời bằng nhiều cách khác nhau: trèo lên cây cao đến tận trời, hiện thực phản ánh một điều : văn hóa nông nghiệp hình thành, con người đã biết lấy lúa để canh tác. Những truyện về sự tích cây lúa, giải thích tại sao ngày xưa hạt lúa lại nhỏ như thế và hạt lúa cứ ở ngoài đồng, không tự về nhà.
Thần Thoại “Sơn Tinh-Thủy Tinh” của Việt Nam là thiên anh hùng ca của dân tộc ngợi ca tổ tiên ta đã thắng lũ lụt để giành lấy những vùng đất màu mỡ ven sông để trồng lúa.
1.3 Truyện Cổ
Trong các truyện cổ của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, chúng ta bắt gặp các văn bản truyện nói về các tục lệ thờ cúng cây lúa.
Xuất xứ từ một truyện cổ về hai anh em người nông dân, người em muốn làm nghi lễ Bun chín lần trong một vụ lúa, nhưng người anh không nghe nên ruộng phải chia đôi. Hàng năm, người em vụ nào cũng làm nghi lễ trên nửa ruộng của mình tuần tự từ lễ gieo mạ, lễ lúc lúa con gái, cốm non, cớm già, gặt lúa, bó lúa, vun thóc, chuyền thóc vào kho đến lễ cơm mới. Nhờ vậy, nửa ruộng của người em luôn thu hoạch bội thu. Người em sống sung túc nhờ có nhiều thóc lúa nhưng vẫn không bỏ các nghi lễ thờ cây lúa.
Inđonêxia có truyện cổ tích về nguồn gốc cây lúa của bảy dân tộc khác nhau ở Indonêxia. Đó là truyện về cây lúa của các dân tộc ở Banhumat, key, Bali, Madura, Tây Giava, Kalimantan, Sulavesi.

1. Vài Nét Về Thần Thoại Indonêxia, Đức ninh, Tạp Chí Văn Học Số 5-6/, năm 1988.
2. Tìm Hiểu Về Văn Hóa Lào, Đồng tác giả Quê Lai, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Đức Ninh, Nguyễn Hào Huy, NxB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 1985, tr 47.
Nội dung là có hai vợ chồng người nông dân ngày đêm làm lễ cầu khấn thần lúa để thần xuống mặt đất. Sau cùng chỉ có người vợ ở hẳn ngoài đồng, ngày đêm tâm niệm cầu khấn thần trên trời đem hạt giống xuống cho mình. Quả nhiên thần Hiang Kanekaputra đã đem hạt giống xuống đồng và dặn vợ người nông dân cách chăm sóc. Người vợ kiên nhẫn làm theo lời dặn của thần. Sau bảy ngày bảy đêm hạt giống mọc lên cây lúa và nó cứ sinh sôi thêm nhiều giống lúa mới. Có được giống lúa mới rồi, vợ người nông dân đem phân phát cho những người nông dân khác. Từ đó người ta biết trồng lúa. Lúa trở thành lương thực chính của loài người. Vợ người nông dân được gọi là Mẹ (Ibu) lúa, người có công chăm sóc gieo trồng đầu tiên. 1
Trong văn bản truyện các dân tộc miền Tây Giava thì kể lại những trận chiến giữa các thần và sau cùng thần Sangiang Sri bị chết, đem mai táng dưới mặt đất. Từ ngôi mộ của thần mọc lên các loại cây do các bộ phận trên thi hài của thần biến thành. Cây lúa mọc ra từ con mắt của thần trở thành lương thực chủ yếu của người dân. Người dân gọi lúa này là lúa Sangiang Sri. Còn văn bản ở đảo Kalimantan thì thần Luing Indung Bunga chúa tể cai quản lúa trên mặt đất, là nữ thần của nông nghiệp. Trong văn bản của cư dân đảo Sulavesi, nhân vật văn hóa là đứa con trai út của hai vợ chồng người nông dân lên thiên đường tìm mọi cách lấy cắp được lúa vàng của nhà trời đem xuống mặt đất gieo trồng. 2
Người dân đảo Key có truyện về cây lúa tuy tình tiết có khác nhau nhưng hiện thực về con người biết canh tác lúa thì không thay đổi. Nhân vật văn hóa trong truyện là Lét Vi, cùng chó đi săn trong rừng. Con chó sa xuống cái hang sâu. Lét vi đến cửa hang tìm chó rồi đi xuống hang, xuống tới bảy tầng, lạc vào một thế giới khác. Lét vi gặp người đàn bà già ở thế giới âm và được mời ăn món cơm chưa nấu chín. Lét vi không thể ăn được nên lấy bậc lửa ra đun nấu cho cơm chín. Hai người thành vợ chồng. Về sau Lét vi nhớ quê hương muốn về cõi trần. Sau nhiều lần tìm cách đấu tranh với vợ, nhân vật này cũng giấu được hai hạt thóc, một giống hạt gạo đỏ, một hạt giống gạo trắng đem về trần gian, gieo trồng ở trong vườn nhà. Lúa cứ thế sinh sôi nhiều lên. Hạt lúa đỏ cứ thế đi “chu du” khắp nơi, mọi chốn và sinh trưởng. Lúa tự đến ruộng nhà người khác, mọc lên như cây cỏ, rồi chín vàng. Lúc đầu người ta không biết hạt lúa có ăn được không. Sau nhiều lần thử cho mèo ăn, cho chó ăn, cho nô lệ ăn thấy không bị ngộ độc chết nên người ta


1. Về Một Số Vấn Đề Văn Hóa Dân Gian Đông Nam Á, GS.TS Đức Ninh, NXB Khoa Học Xã Hội, tr 68.
2. Về Một Số Vấn Đề Văn Hóa Dân Gian Đông Nam Á, GS.TS Đức Ninh, NXB Khoa Học Xã Hội, tr 69-70.


mới đem nấu thành cơm để ăn và thấy rất ngon. Từ đó hai giống (hạt đỏ) và lúa nước được trồng ở khắp nơi.
Người Myanmar có câu chuyện kể về cây lúa như sau: bấy giờ trên trái đất chưa có người ở. Có chín vị thần Biamma rời cõi trần đi xuống đất. Đầu tiên họ cầu xin có ánh sáng. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao động lòng thương ban cho họ ánh sáng. Đất đai thơm ngon, đó là loại ăn đầu tiên của họ, họ ăn mãi, dần dần loại thức ăn đó cũng hết, họ ăn đến loại dây leo Paxalata để sống. Cây Paxalata cũng hết, họ tìm đến cây Thalêxan, loại cây có vị ngọt ngọt, ăn vào thấy người khỏe mạnh. Đó là cây lúa mà ngày nay người Myanmar đang trồng.
Nhờ có những thức ăn cây cỏ đó mà chín người Biamma trở nên to béo nặng nề, ngày ngày nảy sinh lòng ham muốn nhục cảm. Trong số chín người đó bỗng sinh năm người đàn ông, bốn người đàn bà. Bốn cặp đàn ông đàn bà thành vợ chồng, còn trơ trọi người đàn ông sống độc thân. Người này tức giận bèn lấy đá ném tới tấp vào bốn cặp vợ chồng kia. Cũng từ đó, loài người sinh sôi nảy nở, cây lúa Thalêxan hiếm đi. Mới ban đầu ban ngày con người ăn hết lúa, tối đến lúa lại mọc ra. Nhưng về sau con người quá đông, lúa không cung cấp nổi nên lúa biến mất. Để nuôi sống mình và giữ hạnh phúc, con người lại phải tìm cách gieo trồng lúa. Nhờ sức lao động của con người mà ngày nay cây lúa càng phát triển.
Ở Việt Nam có truyện cổ về nữ thần lúa. Nữ thần Lúa là một cô gái xinh đẹp - nàng là con gái Ngọc Hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất và sai Nữ Thần lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm. Một hôm, cô con gái kia đang bận việc. Sân chưa quét dọn, cửa kho cũng chưa mỡ, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Cô gái cuốn quít và đâm cáu. Sẵn tay đang cầm chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng. Người ta chưa dọn dẹp xong đã bỏ về rồi. Gì mà hấp tấp thế. Nữ thần lúa đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy sân, đường bẩn thỉu rác rưởi đã bực ttong lòng, lại bị phang một cán chổi vào đầu, tực lắm cả đám lúa đều thốt lên: Muốn mệt thì tao cho mệt luôn. Từ nay có hái tre, liềm sắc cắt cổ tao, tao mới về.
.Những môtip truyện giống nhau về nội dung ở các nước Đông Nam Á đều muốn nói Việc thuần dưỡng cây lúa và phát triển nghề trồng lúa nước là thành tựu văn hóa của cư dân Đông Nam Á. Các nhân vật văn hóa có công phát hiện ra cây lúa nước chính là anh hùng của thị tộc, và con người muốn có cây lúa phải lao động vất vả.


2 Tín Ngưỡng Sùng Bái Tự Nhiên
Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên cư dân Đông Nam Á đặc biệt coi trọng thần lúa hay rộng hơn là thần mùa màng. Đây là vị thần mang lại no đủ và rất quen thuộc với con người. Việc thờ cúng thần lúa, thần mùa màng được coi là rất thiêng liêng cả trong các nghi lễ, trong dịp hội hè, cả trong truyền thuyết dân gian ở các quốc gia Đông Nam Á .
2.1 Tín Ngưỡng Hồn Lúa
Ở Đông Nam Á, bản thân lúa được tôn thờ như một tôn giáo. Người Tagbanuwa ở Philippines cho rằng lúa là cây thiêng, một tặng vật của thần linh, và là lương thực đích thực của con người và các thần linh. Mặc dù Tagbanuwa còn trồng nhiều loại cây khác nữa, ở rẫy có bắp, kê, ở vườn có khoai lang, đậu, chuối. 1
Người Malaysia, theo truyền thống xem cây, đá, sông, lúa đều có hồn như một sức mạnh bảo hộ hay là sự sống đích thực của sự vật đó. Những nghi lễ về lúa rất nhiều, nó phản ánh mối quan hệ giữa con người với môi trường. Cây lúa được đối xử rất tử tế vì nó nuôi sống con người. Có khi lúa được gọi là công chúa (Anak Raja) và được trông nom hết sức cẩn thận từ khi gieo đến khi gặt vào kho. Cấm không được gõ, đập, đá vào bồ lúa, vì làm như vậy hồn lúa sợ bỏ đi, và mùa sau sẽ mất mùa . 2
Nhiều dân tộc miền núi Việt Nam có tập quán thờ ông bà lúa. Dân tộc Katu ở trường sơn, Thừa Thiên dành chỗ đẹp nhất trong bếp và làm cây Tơru để thờ ma. Tâm là cái rọ đan dày, treo trên cột bếp, trong có những mảnh vải đẹp và có một cái hộp nhỏ đựng thóc. Mỗi năm chọn một ít hạt thóc mới, đẹp và mẩy đặt vào hộp, thay cho thóc cũ. Khi chuyển bản, dời nhà thì mang theo hộp thóc thờ và làm Tơru mới. Một số dân tộc Tây Nguyên khi phát nương làm rẩy cũng tuân thủ những điều cấm kỵ. Già làng làm lễ cúng Yàng rồi mới ra chỉ nương cho phát. Nếu thấy hiện tượng dây leo không bình thường là điềm Ông lúa, Bà lúa không cho ăn, thì tìm nương khác. 3
Ở Bali (Indonesia), người ta gọi nữ thần Lúa là Nini hay Trili, hoặc Devi Sri. Nghi lễ về nữ thần Lúa được tiến hành trên cánh đồng vào thời gian đập lúa.
Đối với cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, cây lúa là tất cả cuộc sống của họ. Vì vậy, Thần lúa là vị thần thiêng liêng nhất. Người dân Đông Nam Á có niềm tin mãnh liệt vào hồn lúa. Họ cho rằng nếu hồn lúa bay đi thì họ sẽ mất mùa.

1. Tagbanuwa, Robert B.Fox, Tr 201
2. Questioning Development in Southeast Asia. Nancy Chng, Singapore, 1977, Tr 112.
3. Văn Minh Lúa Nước Việt Nam, Bùi Huy Đáp, Tr 49.

Trong con mắt người dân Đông Nam Á thì hồn lúa rất đẹp. Người Malaysia gọi cây lúa được gọi một cách âu ếm là “chú bé chín tháng”, công chúa mặt trời hoặc công chúa Pa lê. Còn ở Jawa (Indonesia) thì cây lúa được coi là hiện thân của nữ thần Dewi Sri, do đó nó thuộc đẳng cấp cao hơn các cây lương thực khác ở Thái Lan. Ở Thái Lan thần lúa được rước vào các nhà kho và giữ ngài ở đó đến tận mùa sau. 1
2.2.2 Nghi Lễ Nông Nghiệp
Từ quan niệm về hồn lúa như vậy, người ta có những nghi lễ phức tạp diễn ra trong chu trình trồng lúa. Khi chọn hạt giống, khi nhỗ mạ, khi cấy lúa, khi làm cỏ, khi gặt hái, khi chất thóc vào kho, khi thổi cơm mới. Người ta khấn nguyện để hồn lúa ở lại với cây lúa, ở lại với dân làng. Những nhánh lúa đầu tiên được gặt bằng chiếc liềm rất nhỏ, chỉ bằng lòng bàn tay và được cắt thật nhẹ nhàng nhằm tránh làm phật lòng hồn lúa. Bảy nhành lúa tốt nhất sẽ được các Pawang bó lại và xếp vào một trong cái giỏ riêng, đó là cái nôi của hồn lúa. Họ cất cái giỏ ấy vào trong thạp đựng thóc giống và giữ gìn cẩn thận cho đến mùa sau. Nghi lễ này thể hiện việc mời hồn lúa về nhà.
Ở Thailand, khi lúa ngậm đòng, nông dân ở tỉnh Ayutthay tổ chức lễ cầu phúc cho nữ thần lúa. Họ chuẩn bị các lễ vật bao gồm cam, chuối và một gói lá chuối đựng những khẩu mía tiện. Ngoài ra còn có cả phấn, nước hoa và một cái lược đặt trên một cái giá. Họ đem treo cái rổ cùng với những lễ vật lên một cái cột và rắc phấn cùng nước hoa lên những lá lúa và những cây lúa. Họ làm điệu bộ chảy tóc cho những lá lúa và những cây lúa. Đó là động tác trang điểm cho nữ thần lúa. Cam là để bồi dưỡng sức khỏe cho mẹ lúa lúc có thai. Khi mọi việc đã làm xong, họ khấn rằng hiện nay nữ thần lúa đã mang thai, tức là đã ngậm đòng, họ mang những lễ vật và những thứ để trang điểm cho người .
Trước khi cắt những nhóm lúa đầu tiên, người ta xin tha thứ tội làm cho mẹ lúa đầu tiên, người ta xin tha thứ tội làm mẹ lúa đau. Người Malaysia, người Jawa, người Ban cắt những khóm lúa đầu tiên bằng một cái liềm nhỏ được giấu kín trong tay người hành lễ. Những khóm lúa đầu tiên đó chính là em bé lúa.
Trong số các nghi lễ, như đã nói phổ biến và quan trọng hơn cả là những lễ hội gắn với cây lúa và vòng đời của cây lúa, hay nói cách khác, quy trình sản xuất lúa. Bước đầu tiên của quy trình sản xuất lúa được phản ánh trong các lễ hội như lễ xuống đồng hay tịch điền của người việt.

1. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS Mai Ngọc Chừ, Nhà Xuất Bản Phương Đông.
Lễ dựng chòi cày của người Chăm, lễ mở đường cày đầu tiên của người Thái Lan , lễ ban phát giống thiêng ở Campuchia,v.v…
Ở Myanmar, lễ “đường cày hạnh phúc” được tổ chức rất linh đình. Ngày giờ cho lễ này được các nhà chiêm tinh tính toán, lựa chọn rất cẩn thận.Và một điều rất đặc biệt là chính nhà Vua là người thực hiện “đường cày hạnh phúc” đầu tiên, sau đó đến các hoàng tử, quan lại, quý tộc.
Kết thúc vụ thu hoạch là thời gian “cô dâu lúa” xuất hiện. Có cả những phong tục và nghi lễ gắn liền với việc rước “ cô dâu lúa” về nhà chủ ruộng rồi đưa vào kho. Tại đây diễn ra “lễ thành hôn” của “cô dâu lúa” với người chồng thần linh của mình. Đám cưới ấy bảo đảm cho vụ lúa năm sau co kết quả 1
Ở Campuchia có lễ hội ban phát những giống lúa thiêng về các địa phương. Trong lễ hội, người đón Vua Mâkh châm lửa vào lúa. Nhân dân té nước dập lửa. Lúa đã qua lửa đỏ và nước lạnh được phân phát cho người đứng đầu các tỉnh để mang về làm giống cho các địa phương. Trong lễ hội 2
Một lễ hội khác gắn với phát triển quan trọng nhất của cây lúa-giai đoạn lúa chửa-thường được tổ chức ở Campuchia là lễ Dolta. Torng lễ hội này người ta mang cơm, bánh cúng tổ tiên và thần Đất, thần Lúa, cầu mong tổ tiên và các vị thần phù hộ độ trì cho cây lúa phát triển tươi tốt, mùa màng bội thu. Đồng thời với việc tế lễ là các trò chơi giải trí như thả đèn trên sông, bơi thuyền, v.v..và nghi thức nhét chuối chín và cốm vào miệng một vài đứa trẻ, biểu hiện ước muốn về cuộc sống no ấm, đủ đầy.
Về giai đoạn thu hoạch lúa, có thể kể đến lễ hội Bun Khun Khau Nay Lan (vun thóc trên sân) của dân tộc Lào- được tổ chức trên sân đập lúa ở bìa ruộng. Lễ vật cho lễ hội là bánh, bún, xôi, hương, hoa, nến và một vài thau nước lạnh. Trong lễ hội người ta tổ chức vui chơi ngay trên sân đập lúa. Và lễ hội kết thúc bằng lễ cầu may cho sân đập lúa.3
Việc thờ cúng thần lúa, thần mùa màng được coi là rất thiêng liêng cả trong các nghi lễ, trong dịp hội hè. Các lễ rước thần lúa, Cúng cơm mới, Lễ hội xuống đồng mừng trồng lúa được các thế hệ dân cư ở rất chú trọng
Người Việt cổ sùng bái tự nhiên: trời, đất, thần mưa, thần sấm, thần gió... Họ cũng sùng bái cây lúa. Nhiều dân tộc miền núi có tập quán thờ ông bà Lúa.
1. Trích luận văn của Chu Thị Quỳnh giao
2. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS. Mai Ngọc Chừ, NXB Phương Đông, tr.181
3. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS. Mai Ngọc Chừ, NXB Phương Đông, tr.181

Như dân tộc Kà Tu ở Thừa Thiên-Huế dành chỗ đẹp nhất trong bếp làm nơi thờ lúa.
Một số đồng bào Tây Nguyên khi phát nương làm rẫy cũng tuân thủ nhiều điều kiêng kỵ. Già làng làm lễ cúng Giàng rồi mới ra chỉ nương cho phát. Nếu thấy hiện tượng dây leo không bình thường là điềm “Ông Lúa, bà Lúa không cho ăn nên tìm nương khác”. Tín ngưỡng cây lúa còn thấy ở lễ hội đền Hùng, ở dấu tích trên trống đồng, trong dân gian và cả trong triều đình, được xem như công việc của Nhà Nước.
Tóm lại Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên Cư dân Đông Nam Á đặc biệt coi trọng thần lúa hay rộng hơn là thần mùa màng. Đây là vị thần mang lại no đủ và rất quen thuộc với con người. Việc thờ cúng thần lúa, thần mùa màng được coi là rất thiêng liêng cả trong các nghi lễ, trong dịp hội hè, cả trong truyền thuyết nhân gian ở các quốc gia Đông Nam Á. Có thể nói không có quốc gia nào nào ở Đông Nam Á không có tục thờ thần lúa hay thần mùa màng. 1
2.3 Tín Ngưỡng Phồn Thực
Ngoài tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, một loại tín ngưỡng nữa cũng khá phổ biến đó là tín ngưỡng phồn thực.
Biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực rất đa dạng, nhiều vẻ. Tục cầu mưa, lễ cầu Mẹ nước, tục té nước, tục đi lấy nước thờ của người Thái, người Lào và một số dân tộc Campuchia, Myanmar, Phillippines, Việt Nam, v.v..thực ra cũng là tín ngưỡng phồn thực bởi mục đích của nó là sinh nước cho mùa màng phát triển tốt. Thêm nữa, tục vũ hội dưới trăng hay múa khèn của người Dao, người Li, người Bui hay người Hmông có tục đánh trống thi cho đến trống thủng và kèm theo đó là cảnh quan hệ tình dục tự do vào lúc kết thúc đêm khuya của người Thái, người Mường, người Việt, v.v…tục nhảy múa tập thể của người Lào, người Khmer, tục đánh đu, tục hát đối nam nữ cầu cho mùa màng bội thu đều phần nào thể hiện nghi thức phồn thực của một xã hội nông nghiệp.2
Tuy nhiên biểu hiện rõ nhất của tín ngưỡng phồn thực ở Đông Nam Á là tục thờ sinh thực khí, tục này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ở Thái lan có tục nặn hình người bằng đất sét để cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt .hay tục đốt pháo thăng thiên. Lào có tục thờ Linga và tục thờ sinh thực khí có phạm vi phổ biến rất rộng ở Đông Nam Á: Thái Lan, Camphuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, v.v..ở Việt Nam tục thờ sinh thực khí không chỉ có ở người việt mà còn có ở dân tộc ít người như Thái, mường, chăm, v.v..

1 Tìm Hiểu Nền Văn Minh Đông Nam Á, Đinh Trung Kiên , NXB Giáo Dục , t r. 47
2. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS. Mai Ngọc Chừ, NXB Phương Đông, tr. 199


4 /Tâm Lý Cầu Mưa
Đối với người dân Đông Nam Á sống bằng nông nghiệp lúa nước thì có nước là có tất cả
Ở Thái Lan người dân làm ruộng coi trọng mùa mưa. Họ phải cầu cứu đến ma thuật để đảm bảo lượng nước dồi dào. Nếu sau tết vào tháng tự âm lịch mà thời tiết vẫn nóng và khô, họ cần đến ma thuật là làm đám rước một con mèo cái cột chặt vào một cái đòn khiêng đi qua làng. Trẻ con và thanh niên đi theo hát to và đánh trống hay cồng thật mạnh. Đến mỗi nhà họ dừng lại hát:”Nang Meo( mèo cái) cầu trời cho mưa, Cho xin nước thánh, rưới đầu Nang Meo. Xin tiền xát gạo, Xin trả công rước Nang Meo đến. 1
Trước đây ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam có lễ cầu mưa và gọi lễ cầu mưa là “đi bơi”. Trước khi làm lễ, những người có chức sắc đều phải cúng thần, tụng kinh phật và phải ăn chay, nằm đất 5-7 ngày liền. Ở miền Trung Việt Nam có các lễ liên quan đến nguồn nước. Đó là các nghi lễ cầu mưa, lễ khai mương đắp đập và các nghi thức cúng tế các vị thần tự nhiên (nhiên thần). Trong các nghi lễ như hệ thống lễ Rija như Rija Nưgar, Rija Pruang, Rija Harei, Rija Jơw lễ Palau Rija Sah và Yôr Yang là những nghi lễ để cầu. Ngoài ra còn có lễ chặn nguồn nước (Chakap Kroong Halơw) là lễ cúng nhằm ngăn các nguồn nước từ các dòng sông lớn làm cho ruộng đồng lũ lụt. Mục đich của lễ còn là tạ ơn trời đất, thần thánh đã cho mưa xuống để cấy cày nhưng mặt khác cũng xin ngưng mưa để không bị ngập úng cho lúa chín bước vào mùa thu hoạch. Người Jarai ở Tây Nguyên Việt Nam có những pháp sư gọi là vua Lửa ( Pơ tao Pui), vua Nước (M’tao Ya) và Vua Gió (Pơtao Nghing) chuyên làm phép cầu mưa và dịch bệnh cho dân chúng.
Ở vùng trung Thái Lan thường dùng một vật gọi là Pặn Mệt, nghĩa là nặn đám mây để cầu mưa. Vật này làm bằng đất sét nặn hình một người đàn ông và một người đàn bà trong tư thế ngồi hay nằm ôm nhau do trẻ con hoăc thanh niên làm.
5 /Lễ Tết Nông Nghiệp
Tại Indonesia, Tết bắt đầu từ đầu vụ mới, có cuộc diễu hành của các cây ngũ cốc diễn ra rất trọng thể bằng những chiếc xe hoa. Để chuẩn bị cho Tết, người nông dân Indonesia chọn 16 ngôi sao gọi là Be-rang-vê-lu-cu, bằng cách lấy 16 cây mạ tốt cấy thành một vòng tròn giữa ruộng đã cày bừa kỹ để tỏ lòng tôn sùng Chúa Gạo. Sau đó 16 cây lúa tốt lên, trổ bông, chín hạt thì được gặt cất riêng với niềm tin mùa tới sẽ bội thu.

1. Văn Hóa Dân Gian Thái, Phya Anunman Rajadhon; NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1988

*Tết Chuyển Mùa
Cư dân nông nghiệp Đông Nam Á lại có quan niệm về năm mới là lễ hội chuyển mùa, giống nhau về thời gian và các nghi lễ như: Tết năm mới Soong Kran của người Thái ở Thái Lan, Tết năm mới Bun Pi May (hốt nậm) của Lào, tết Chon Chnam Thmây của người Khơme và tết Thagyamin ở Myanma , Lễ hội Nước (Bon Om Touk) ở camphuchia . Trong những lễ hội đầu năm của các dân tộc nói trên đều có nghi lễ cầu mưa hoặc té nước, thậm chí có múa phồn thực để cầu sự sinh sôi nảy nở. Đặc biệt, thời gian các “tết” năm mới của các dân tộc này đều trùng nhau vào thời điểm chuyển mùa (khoảng đầu năm theo lịch Chăm và vào khoảng tháng tư dương lịch)
Tục té nước trong ngày tết năm mới có lẽ vốn là một phần nghi lễ phồn thực nào đó nhằm mang lại nước mưa dồi dào theo nguyên tắc “cái giống nhau tạo ra cái giống nhau” của ma thuật bắt chước.1
Tục té nước còn thể hiện ước vọng giã từ hế giới cằn cỗi không sinh khí và đón chào mùa mưa sắp đến. Đó là nghi lễ cầu mong sự sinh thành, dồi dào và thịnh vượng của những người làm nông nghiệp. 2
Lễ tắm phật cũng gắn liền với tín ngưỡng cầu mưa của người dân Đông Nam Á. Chính câu tán lễ Phật Đản “Cửu Long phún thủy thiên thượng lai” (chín rồng phun nước trên trời xuống) cũng được hiểu ngầm là cầu mưa. Văn hóa truyền thống Đông Nam Á, là văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Sân khấu truyền thống Đông Nam Á do vậy “bám” khá sát theo chủ đề sản xuất nông nghiệp.
6. Nghệ Thuật Biểu Diễn
Trên sân khấu các quốc gia Đông Nam Á không nước nào là không có những vở diễn hoặc điệu múa liên quan đến các quy trình sản xuất lúa đều được diễn tả bằng thủ pháp ước lệ, tượng trưng. Từ việc vãi mạ, nhổ mạ, cấy lúa đến làm cỏ, bỏ phân rồi gặt, đập, thậm chí đến cả xay thóc, giã gạo, sàng sẩy, v.v..
Tất cả những động tác thể hiện công việc đồng án đều được trình diễn một cách ước lệ, không có một cái sàng, cái mẹt cụ thể nào, thậm chí đến sàng giả, mẹt giả cũng không, nghĩa là chỉ với đôi tay thuần túy nhưng qua vài ba động tác xoay lắc của các nghệ sĩ, mọi khán giả đều hiểu rằng đó là công việc sàng sẩy 3
1. Văn Hóa Dân Gian Thái, Phya Anuman Rajadhon, NXB Văn Hóa, Hà Nội 1988, tr .202
2. Ở Xứ Chùa Vàng, Viện Đông Nam Á, tr 41
3. Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Phương Đông, GS.TS. Mai Ngọc Chừ, NXB Phương Đông, tr 228
RANDOM_AVATAR
viet_huong47
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 25/09/10 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 4 26/01/11 2:06

em Hương làm tiểu luận "về cây lúa" cho chuyên đề văn hóa Đông nam á? ah! trong phần bầu chọn quốc hoa cho Việt Nam cũng có một số ý kiến chọn "hoa lúa" nữa đó em Hương ui!vào đó xem bổ sung cho vai trò cây lúa trong đời sống tinh thần một số quốc gia ĐNA.
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi viet_huong47 » Thứ 4 16/02/11 22:13

cám ơn chị linh giang nha
RANDOM_AVATAR
viet_huong47
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 25/09/10 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: cây lúa trong văn hóa Đông Nam Á

Gửi bàigửi bởi PHAM THU THUY » Thứ 2 04/04/11 15:46

cám ơn bạn đã cung cấp cho mình nhiều thông tin vê đề tài trên .Mình đang tìm tư liệu về sự tương đồng và ý nghĩa của cây lúa trong văn hóa làng Việt Nam.
RANDOM_AVATAR
PHAM THU THUY
 
Bài viết: 14
Ngày tham gia: Thứ 5 31/03/11 15:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách

cron