DẠO BƯỚC DÒNG SÔNG DAYA ĐỊNH MỆNH: Lịch sử và hiện tại

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

DẠO BƯỚC DÒNG SÔNG DAYA ĐỊNH MỆNH: Lịch sử và hiện tại

Gửi bàigửi bởi Odisha India » Thứ 7 01/10/11 13:16

[justify]Nói đến Ấn Độ không thể không nói đến một Ấn Độ tâm linh, huyền bí và thường được nhắc đến với cụm từ tiếng Anh "Incredible India" - Một Ấn Độ - "Không thể tưởng tượng được".

Có lẽ nói như vậy thì hơi quá đối với một đất nước có nền văn minh lâu đời như thế này. Bởi vẫn còn hiện hữu nơi đây những kho tàng văn hóa đồ sộ có giá trị, những công trình kiến trúc mang ý nghĩa lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Vẫn còn đó những địa danh ghi dấu ấn những sự kiện lịch sử, những con người vĩ đại với nhiều đóng góp cho lịch sử nhân loại. Và Daya, dòng sông định mệnh nơi diễn ra trận chiến Kalinga của Hoàng đế Asoka chính là nơi đây.

Nói đến Ấn Độ, người ta thường biết đến dòng sông Hằng linh thiêng, đặc biệt đối với những tín đồ Hindu giáo. Người Hindu gọi sông Hằng là “ sông mẹ” vì theo họ, sông Hằng chính là người Mẹ đáng kính, giàu tình cảm, nước sông Hằng theo niềm tin Ấn Độ có khả năng tự thanh lọc, vĩnh viễn trong trẻo thiêng liêng. Trong tiềm thức của người Ấn, sông Hằng vốn là con sông trên trời. Nó chảy tung bọt dưới chân thần Vishnu nên nó tên là Vishnupadi, chảy ngang qua núi Himavati, rồi tiếp tục chảy xuống thế giới âm. Những người Hindu tin rằng đến được với sông Hằng, uống nước sông Hằng, tắm trong làn nước sông Hằng hay được chết bên bờ sông Hằng thì được tẩy rửa mọi ô uế vật chất và tinh thần. Vì phẩm chất thanh lọc đặc biệt đó mà việc tắm sông Hằng trở thành một tín ngưỡng tâm linh. Khi một tín đồ Hindu chết, họ mong được nhỏ vài giọt nước sông Hằng vào miệng trước khi hỏa táng và tro thiêu được thả xuống dòng sông mong tìm được sự giải thoát linh hồn như hòa vào với dòng sông mẹ.

http://vanhoahoc.edu.vn/imagehost/view/6204

Cũng mang tên một dòng sông nhưng không được nhắc đến nhiều trong lịch sử Ấn Độ. Nó chỉ được biết đến sau trận chiến Kalinga của Vua Asoka (273 - 236 trước công nguyên). Đây được xem như là chiến thắng Kalinga lẫy lừng nhưng cũng được coi là chiến trận bạo tàn nhất từng diễn ra trên đất Ấn. Kể từ năm 231 trước CN, trận chiến Kalinga đã có khoảng 100.000 người bị giết, hàng trăm ngàn người thương vong và 150.000 bị bắt làm tù binh.

Dòng sông Daya định mệnh đã đi vào lịch sử như vậy đó. Nó bắt nguồn từ nhánh của con sông Kuakhai, Saraideipur gần Badahati, Orissa, chảy dọc theo sườn đồi Dhauligiri (giri: hill/vùng đồi núi). Những tàn tích vùng Dhauligiri, một làng nhỏ trong bang Orissa, thường khơi dậy ký ức về một biến cố lịch sử vĩ đại nằm cách thủ phủ Bhubaneswar của tiểu bang Đông Ấn này chừng 10 km, làng Dhaulirigi vẫn còn giữ được gò đất và con lạch nhỏ dưới chân gò. Ngày nay, vùng Dhauligiri luôn nhắc nhở cho con người thấy sự vô nghĩa của bạo lực và khiến cho họ phải lắng lòng suy nghĩ thật sâu sắc.

Kalinga là trận chiến thắng cuối cùng của Đại đế Asoka. Cuối cùng, chính là vì những nỗi khổ đau của kẻ chiến bại và lòng hối hận của người chiến thắng tràn ngập trong lòng Đại đế đến mức độ ngài từ giã chiến chinh mãi mãi, vì hoàng đế ăn năn đã chấp nhận đạo Phật thành một tín ngưỡng được tôn trọng suốt đời mình và đem hết những năm tháng còn lại ra sức thuyết giảng giáo lý phổ biến đạo từ bi khắp mọi tầng lớp quần chúng không chỉ trong quốc độ ngài mà còn vượt cả biên giới Ấn Độ mãi cho đến bao đời sau. Và vẫn vang vọng đâu đây hùng tráng trường ca Kalinga:

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào một bãi trường sa!
và giáo và gươm, và hịch truyền loa rúc
và ngựa và người, và chiến xa chen chúc
dưới gầm trời sát khí nghẹn mây đen
và A Dục Vương lẫm liệt giữa rừng tên
trên bạch tượng nghiêng mình xoay ngọn kiếm
xua hết máu xương vào vòng hỗn chiến

Tiếng vọng:
«dừng tay lại bớ Ðại Vương
« tiền thân hẹn có Chuyển Luân Vương hội nầy

Ngày nay, tại đồi Dhauli vẫn còn đó những bia ký và sắc dụ của vua Asoka. Radha K. Moorkerji, chia các sắc dụ này thành ba loại. Loại thứ nhất là "Sắc dụ Kalinga"; bao gồm mười bốn sắc dụ trong đó có cả các sắc dụ liên hệ vùng Dhauligiri này. Sắc dụ XIII khắc trên trụ đá diễn tả nỗi khổ đau sâu sắc của vua Asoka vì đã gây nên sự việc, mà theo lời ngài, là cuộc bạo hành đối với nhiều người vô tội đầy lòng mộ đạo trong suốt cuộc chiến Kalinga này. Vì thế, ngài cầu mong mọi người hưởng được niềm hạnh phúc của nếp sống bất hại, từ điều thân, bình đẳng và thân ái. Quan niệm "chinh phục bằng vũ khí" trước kia đã được thay thế bằng lý tưởng chiến thắng bằng Đạo pháp. Và đạo Asoka theo đuổi không phải là đạo cuồng tín, mà thấm nhuần tính nhân đạo giải thoát.

http://vanhoahoc.edu.vn/imagehost/view/6205

Đối với vua Asoka, an lạc hạnh phúc của toàn dân là điều tối quan trọng. Ôngtuyên bố: "Tất cả thần dân đều là con ruột của Trẫm và ví như Trẫm ước mong các con Trẫm được hưởng mọi thứ an lạc hạnh phúc trong đời này lẫn đời sau, Trẫm cũng ước mong mọi thần dân được như nguyện". Bằng các thiết lập một mối quan hệ đầy tình người giữa nhà vua cai trị và thần dân bị trị, ngài cho phép mọi triều thần và cận vệ trình tấu ngài mọi việc từ quốc sự đến dân tình vào bất cứ giờ phút nào, ngay cả khi ngài ở trong các hậu cung của các vương phi. Trường ca Kalinga vẫn còn đó, nhưng bây giờ đó là sự ngợi ca chuyển luân Vuơng Asoka:

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào Máu Lửa hóa Sen Toà!
Kalinga, lau đi dòng nước mắt
hỏi làm chi ai còn ai mất
bạo chúa giờ đâu?
đây chỉ có Chuyển Luân Vương
bạo chúa là ai?
đây chỉ có đau thương
đây chỉ có một tâm hồn ray rứt
quằn quại giữa muôn niềm đau ấm ức
Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương
Vương suốt một đời ngang dọc ngọn trường thương
uy vũ lệch nghiêng trời đất
đầu lâu rắc nẻo biên cương
mà hôm nay
khi chiến thắng hồi loa vừa ngây ngất
níu xương máu vút trời lên chất ngất
Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương
và chùa xa chuông vẳng tiếng du dương ...
mà tiếng vọng cứ triền miên trong gió rít
như giục giã như chan hòa như quấn quít
như nức lên từ giữa khối hư không
hồn ai kêu ơi ới giữa mông lung
như chuỗi máu nhiểu dài trong bóng tối
Vương ngắm đôi tay: tay đầm những máu
Vương ôm hồn gục xuống giữa hoang vu
và chùa xa chuông vẳng tiếng vi vu ...
đầu gục trên niềm hối tiếc
tay buông nhẹ hết triều nghi
chắp lại một lời tha thiết :

« Con nguyền sám hối qui y
« gươm giáo đó sẽ là chuông là tượng
« thân tâm này sẽ là bát là y
« con thành kính dưng lên niềm tin tưởng
« trên khung đời tạc lại nét từ bi
«Nam Mô Thích Ca Mâu Ni ! »

Cũng là một may mắn và cơ duyên khi được đặt chân đến đây, sống và học tập trong khoảng ba năm. Cũng phải nói có ít người Việt chúng ta có được cơ duyên đó. Nhiều nguồn sử liệu đã ghi lại nơi đây in dấu chân Ngài Huyền Trang khi sang Tây Trúc chiêm bái và thỉnh kinh (Beal, Samuel: Si-yu-ki, Buddhist Records of the Western World; Life of Hieun Ts'ang by the Shamana Kwui Li and Watters, T. On Yuan Chwang's Travel in India ...). Huyền Trang đã đi qua các nước Ðông và Nam Ấn Ðộ như nước Kalinga, Kosala, Andàra, Dravida v. v... Ðến nước nào, nghe có vị cao Tăng có thể chỉ giáo cho mình về các môn Đạo học, Triết học, Thiên văn, Địa lý v.v... thì Huyền Trang liền đến xin thụ giáo va đồng thời Huyền Tang cũng ghi chú chính xác các địa thế, sinh hoạt, phong tục của người dân bản xứ.

http://vanhoahoc.edu.vn/imagehost/view/6207

Có thể nói nơi đây đã ghi lại những bước ngoặt lịch sử và truyền thống văn hóa Ấn Độ cổ đại. Bên dưới đống đá lởm chởm và con lạch kia là cả câu chuyện thương tâm về việc cảm hóa một anh hùng viễn chinh của Ấn Độ thành một sứ giả nhiệt tình vì hòa bình và nhân ái trên khắp thế giới. Ngày nay, để ghi lại dấu ấn lịch sử này, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ và xây dựng một ngon tháp Shanti-stupa trên đỉnh đồi Dhauli, tỏa bóng xuống dòng sông Daya lịch sử.[/justify]
Hình đại diện của thành viên
Odisha India
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 7 01/10/11 11:15
Đến từ: Hà Nội
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách

cron