Quyền lực của tỉnh trưởng – “Chao Mương” ở Thái Lan

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Quyền lực của tỉnh trưởng – “Chao Mương” ở Thái Lan

Gửi bàigửi bởi thanhtuyennguyen » Thứ 2 17/02/14 19:13

Mỗi nền văn hóa đều có bản sắc, đặc điểm riêng của nó. Đối với châu Á thì bản sắc của nó chính là sự cố kết mạnh mẽ của những yếu tố tự nhiên và xã hội tạo nên tính chất nông nghiệp - nông thôn đặc thù ở châu Á. Bản sắc nông nghiệp – nông thôn của văn hóa châu Á đã chi phối mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng cư dân sống ở khu vực này từ xưa đến nay.

Theo GS.TS Mai Ngọc Chừ khi nghiên cứu những vấn đề về châu Á, đặc biệt là văn hóa thì phải chú ý đến bản sắc nông nghiệp - nông thôn châu Á: thứ nhất, bản sắc nông nghiệp - nông thôn châu Á là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử văn hóa châu Á từ thời tiền sử đến nay. Ngay cả những nước ở châu Á tuyên bố đã trở thành nước công nghiệp thì yếu tố nông nghiệp - nông thôn vẫn đang tồn tại, chi phối sự phát triển đi lên của các quốc gia ở châu Á, cho dù là các quốc gia này chọn con đường phát triển là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản. Đặc điểm này chi phối một loạt những đặc điểm văn hóa khác ở khu vực này. Đó là một trong những lý do giải thích sự trì trệ của xã hội châu Á nói riêng và xã hội phương Đông nói chung. Từ đó, dựa trên cơ sở này chúng ta có thể giải thích một số vấn đề khác đang tồn tại trong xã hội, đang kìm hãm sự phát triển của xã hội. Mục đích cốt lõi là tìm kiếm những giải pháp hạn chế ảnh hưởng của nó lên đời sống xã hội hiện đại. Thứ hai, nó cũng chính là nét chủ đạo phân biệt giữa phương Đông và phương Tây. Thứ ba, nền sản xuất nông nghiệp - nông thôn là cơ sở hình thành bản sắc nông nghiệp - nông thôn của văn hóa châu Á. Ngay tại lưu vực của các dòng sông lớn ở châu Á đã nảy sinh ra những nền văn hóa – văn minh lớn của nhân loại.

Đông Nam Á nằm trong khu vực châu Á rộng lớn cũng chịu ảnh hưởng của những đặc trưng văn hóa châu Á. Nhìn khu vực Đông Nam Á dưới góc độ văn hóa, đó là nơi “Đông Nam Á một khu vực lịch sử văn hóa, một chỉnh thể được sản sinh trong một môi trường sinh thái tự nhiên và xã hội từ tiền sử cho đến ngày nay. Đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước được phân bố từ Nam sông Dương Tử đến Đông Bắc Ấn Độ sang cả Châu Đại Dương” ( Phạm Đức Dương, Việt Nam – Đông Nam Á: ngôn ngữ và văn hóa, NXB Giáo dục, 2007, trang 348). Đông Nam Á ngày nay về mặt địa – chính trị đã gói gọn trong 11 nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong suốt chiều dài lịch sử thời cận hiện đại, Đông Nam Á là một trong khu vực mà bàn chân của chủ nghĩa thực dân đặt chân đến, báo hiệu sự xuất hiện một cuộc tấn công quy mô lớn đe dọa sự tồn tại của nền quân chủ chuyên chế. Thái Lan là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu rực rỡ vào thời kỳ cận và hiện đại. Lịch sử đã cho thấy ở châu Á chỉ có hai trường hợp duy nhất thoát khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa thực dân, không trở thành thuộc địa, nửa thuộc địa hay lệ thuộc hoàn toàn vào thực dân phương Tây, đó là Thái Lan và Nhật Bản.

Nếu xem xét ở nhiều góc độ, chúng ta có thể có được nhiều nguyên nhân trong việc Thái Lan thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Tuy nhiên có một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là vai trò của người đứng đầu đất nước, tiêu biểu là vua Rama IV và Rama V. Họ đã nhận thức được rằng quốc gia của họ không đủ mạnh để có thể chống chọi với sức mạnh đến từ phương Tây. Vua Rama IV đã từng nói “một quốc gia bé nhỏ nước ta có thể làm gì, khi mà từ hai mặt hoặc từ ba phía bị bao vây bởi các quốc gia hùng mạnh”, “vũ khí duy nhất mà chúng ta có và có thể áp dụng trong tương lai đó là những cái lưỡi và quả tim của chúng ta thực hiện những tư tưởng lành mạnh và sự sáng suốt. Chỉ có chúng mới bảo vệ được chúng ta” (Lời của vua Rama IV, trích từ Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 139). Nhà sử học Lê Văn Quang đã nhận định: “đó là ý thức rất sáng suốt về thực trạng lịch sử mà nhà vua là người có những hiểu biết sâu sắc” (Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 139).

Trong quá trình canh tân đất nước, bên cạnh những chính sách thúc đẩy phát triển xã hội, các vua Thái tập trung củng cố sức mạnh trung ương bằng nhiều chính sách. Tìm hiểu những nội hàm lịch sử Thái Lan sẽ cho chúng ta câu trả lời cho lý do vì sao các vương triều Thái Lan phải tập trung sức mạnh trung ương.
1. Chủ nghĩa địa phương ở Thái Lan – biểu hiện hạn chế của văn hóa châu Á do tính chất nông nghiệp – nông thôn gây ra.
Xét về lịch sử Thái Lan, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng “người Thái có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ rất lâu đời. Họ là cư dân trồng lúa nước có nhiều kinh nghiệm thiện xảo với hệ thống thủy lợi phong phú. Chính phương thức canh tác lúa nước đã tạo cho họ một lối sống truyền thống mà cho mãi tới nay vẫn khó bị phai nhạt” (Quế Lai (CB), Thái Lan: truyền thống và hiện đại, NXB Thanh niên, 1999, trang 1.). “Người nông dân Thái Lan giải quyết các vấn đề của làng bản thường bằng sự nhất trí của cộng đồng và coi đấy là cơ sở của sự hòa thuận, của tình bằng hữu xóm giềng…” (Quế Lai (CB), Thái Lan: truyền thống và hiện đại, NXB Thanh niên, 1999, trang 18). Bên cạnh đó vai trò của người trưởng bản cũng được đề cao “người trưởng bản thường điều hành mọi việc của bản, thông qua sự nhất trí của cộng đồng” ( Quế Lai (CB), Thái Lan: truyền thống và hiện đại, NXB Thanh niên, 1999, trang 18).

Nền văn minh nông nghiệp lúa nước đã cho ra đời những biểu hiện văn hóa đặc thù của nó. Sự đòi hỏi phải dựa vào cộng đồng để tồn tại và phát triển đã hình thành nên một ý thức cố kết cộng đồng, dựa vào nhau mà tồn tại khác hẳn với phương Tây với ý thức cá nhân cao độ. Sự quần cư dưới dạng huyết tộc đã giúp cư dân châu Á bảo vệ họ, giúp họ tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiện và những khó khăn vất vả trong quá trình sản xuất, làm nông, cày cấy.

Chính vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, Thái Lan đã giữ lại những truyền thống phương Đông, đó là chính là sự sùng bái cá nhân và nhà nước với nhà vua là biểu tượng của tinh thần thống nhất, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Thái Lan bước vào thời hiện đại cũng không thể tách ra khỏi những văn hóa chính trị truyền thống đã được hình thành trên nền tảng bản sắc văn hóa châu Á.

Do vấn đề tập trung quyền lực nhà nước luôn được đặt lên hàng đầu ở các nước châu Á nên các nhà nước Sukothai, Ayutthaya, hậu Ayutthaya, Chakri không ngừng thực hiện các chính sách bảo vệ và duy trì chế độ của mình, nhưng đồng thời cũng tại ra những tầng lớp sống ngoài vòng luật pháp của triều đình trung ương, đó chính là các Chao Mương. Nhìn lại lịch sử Thái Lan, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó, nhà vua đã xây dựng xung quanh mình một bước từng vững chắc để bảo vệ chế độ thông qua việc phân phong cho các hoàng tử, hoàng thân cai trị những khu vực gần trung ương.

Vào thời kỳ nhà nước Sukhothai, vua chỉ thực thi quyền hành trực tiếp trong một khu vực nhỏ (thủ đô và một số khu vực xung quanh).Thủ đô được bao quanh bởi 4 công quốc do các con trai của nhà vua điều hành. Còn vào thời nhà nước Ayuthaya, gồm khu hoàng cung và lãnh đạo bao quanh hoàng cung: gồm 4 tỉnh – đứng đầu các nội tỉnh là các hoàng thân quốc thích trong hoàng tộc, ngoại tỉnh là đại biểu quý tộc. Bên cạnh đó còn có các công quốc chư hầu. Tình trạng phân tán ấy làm hạn chế sức mạnh quyền lực của trung ương. Chính vì vậy, nó tạo nên lối sống quần cư, bó hẹp trong khuôn khổ một khu vực nhỏ bé. Bàn tay của Đức vua không thể vươn dài để có thể nắm lấy các con dân của mình. Trong khi đó, con dân của Đức vua cũng không quan tâm đến Ngài mà họ chỉ quan tâm đến các đại nhân đang trị vì trong khu vực họ tồn tại, sinh sống.

Thời gian sau nhà nước trung ương dần được tổ chức chặt chẽ hơn. Gồm 4 kun (hay bộ) – đứng đầu là quan lại người Thái. Nhà vua quan tâm là xây dựng một chính quyền trung ương mạnh. Các cơ quan hành chính cai trị cũng như toàn bộ đất nước được chia làm 2 bộ phận: dân sự và quân sự. Các hoàng tử, hoàng thân lãnh đạo các tỉnh tiếp giáp với khu vực hoàng cung. Bên cạnh một số người thuộc vương triều địa phương hoặc những quan lại cấp cao thì lãnh đạo các tỉnh phía Nam, Đông và Tây. Nhưng điều đó cũng không thể nào ngăn cản sự phát triển của sức mạnh địa phương.

Sự phân chia ấy vô tình tạo ra hai thế lực một ở trung ương, một ở địa phương. Chính vấn đề này càng làm sâu sắc sự tồn tại và ảnh hưởng của chủ nghĩa địa phương trong đời sống chính trị - xã hội - kinh tế của người Thái từ thời phong kiến và cả đến ngày nay.
Nhìn về Việt Nam, chủ nghĩa địa phương thể hiện qua tổ chức cộng đồng làng xã, nhưng nó không hề đe dọa đến sự cai trị và quyền lực của chính quyền trung ương. Ở Thái Lan, chủ nghĩa địa phương được thể hiện rất rõ nét, sự lớn mạnh của những kẻ đứng đầu địa phương đã gây cản trở sự tập trung quyền lực và đe dọa sự tồn tại của đế chế.

Sự tồn tại và ảnh hưởng của tỉnh trưởng – “Chao Mương” đối với đời sống xã hội Thái là biểu hiện rõ nét tính chủ nghĩa địa phương của văn hóa châu Á ở Thái Lan. Qua nghiên cứu quyền lực các tỉnh trưởng – Chao Mương thế kỷ XVII chúng ta sẽ có cái nhìn chính xác nhất “các tỉnh của Xiêm được lãnh đạo bởi một tập đoàn đặc biệt của các quan lại, theo đó, chính quyền ở tỉnh là hình ảnh thu nhỏ của chính quyền trung ương, nhưng trên thực tế, toàn bộ quyền lực ở đây đều thuộc về tỉnh trưởng – “Chao Mương”. “Chao Mương” là người có quyền tối cao trên thực tế giải quyết tất cả các vấn đề dân sự, quân sự, tư pháp trong tỉnh của mình. Họ chỉ không có quyền tuyên bố chiến tranh, ký kết hòa ước; không có quyền thay đổi các điều khoản văn bản pháp luật đã được ban hành, mặc dù vẫn có thể vi phạm chúng trên thực tế mà không bị trừng trị. Không một người dân nào trong tỉnh có thể ra khỏi biên giới của tỉnh mình, nếu không được phép của “Chao Mương”. Nếu có những đơn tố cáo, thỉnh cầu gửi về thủ đô Ayutthaya, thì những đơn từ đó thường bị ách lại không có kết quả gì” ( Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 78 – 79).

“Các tỉnh trưởng – “Chao Mương” khi đó, đặc biệt là ở các tỉnh xa, trên thực tế đã trở thành một vị “vua” của một xứ. Họ cố gắng lợi dụng việc ở xa chính quyền trung ương để củng cố chính quyền thế tập của mình trong một chính sách ngày càng độc lập với chính quyền trung ương” (Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 78 – 79).
Những quan hệ đã được hình thành trong quá trình sản xuất nông nghiệp đã giúp Thái Lan xây dựng, tạo lập những giá trị văn hóa đặc sắc riêng, nhưng đồng thời cũng hình thành những giá trị đặc trưng của đời sống nông nghiệp – nông thôn. Để có thể cùng nhau trị thủy, xây dựng những hệ thống phục vụ cho canh tác lúa nước, họ cần có một cá nhân có uy tín, kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo họ. Và những tỉnh trưởng – “Chao Mương” đã đáp ứng được yêu cầu đó, họ xây dựng một hệ thống thành lũy vững chắc, bảo vệ người dân trong khu vực họ quản lý. Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống quyền lực khác biệt so với trung ương mà người Việt đề cập “phép vua thua lệ làng”.

2. Các triều đại Thái Lan luôn tìm cách hạn chế quyền lực các tỉnh trưởng – “Chao Mương” nhằm bảo vệ và tập trung quyền lực trung ương
Tính chất nông nghiệp - nông thôn của văn hóa châu Á đã sinh ra cái gọi là chủ nghĩa địa phương cục bộ, và người thể hiện rõ ràng nhất là các tỉnh trưởng –“Chao Mương”. Sự áp đặt quyền lực thống trị của cá nhân mình lên một cộng đồng nhỏ, thoát ly khỏi sự bảo hộ của triều đại Thái Lan và ngày càng đe dọa đến sự tồn tại của quyền lực của nhà vua lúc bấy giờ.

Chính vì sự tồn tại của các “Chao Mương” đã đe dọa đến quyền lực tập trung của triều định trung ương nên các triều đại đều tìm cách hạn chế, tiến tới xóa bỏ nó. Nếu như “trước thời Praxat Tông, các tỉnh trưởng – “Chao Mương” thường sống ở tỉnh của mình và giữ chức vụ đó suốt đời. Trong điều kiện đó, ngay các “Chao Mương” ở gần thủ đô hàng năm cũng chỉ báo cáo một đến hai lần, còn có các tỉnh xa thì thậm chí ba năm mới báo cáo một lần. Khi lên cầm quyền, Praxat Tông đã kiên quyết phá vỡ truyền thống này. Cứ từ 4 đến 8 tháng một lần, ông thuyên chuyển các “Chao Mương” và các đại thần từ chức vụ này sang chức vụ khác, không cho họ “cắm rễ” ở đâu lâu. Mặt khác, Praxat Tông buộc các “Chao Mương” phải luôn luôn sống ở thủ đô, còn nhiệm vụ ở tỉnh thì giao cho phó của “Chao Mương” đảm trách. Viên phó này là do Praxat Tông bổ nhiệm và phụ thuộc trực tiếp vào nhà vua. Các “Chao Mương” và đại thần phong kiến khác tập trung tại thủ đô Ayutthaya, thực tế đã biến thành các con tin. Họ bị tước bỏ nhiều quyền tự do trước đây và bị giám sát nghiêm ngặt” ( Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 82). “Chẳng hạn, họ chỉ được phép nói chuyện trong phòng tiếp tân của cung điện, mà phải nói sao cho mọi người cùng nghe thấy. Vi phạm quy định đó, họ có thể bị mất chức hoặc bị tử hình. Không được phép của nhà vua, họ thậm chí không được quyền gặp con cái và cha mẹ mình” ( Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 82).

3. Chủ nghĩa địa phương ở Thái Lan đã hình thành và xây dựng người Thái với những đặc trưng riêng biệt, theo PGS.TS Hoàng Văn Việt thì “khác với các nước Đông Nam Á, các tiêu chuẩn của người Thái chế định nghiệt ngã các hành vi cá nhân” (Hoàng Văn Việt, Các quan hệ chính trị ở phương Đông, Lịch sử và hiện tại, NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2009, trang 146).

Nền văn hóa sản sinh ra một thứ chủ nghĩa địa phương, bó hẹp con người trong một khuôn khổ, làm cho con người bàng quan trước những sự kiện chính trị đang diễn ra, yếu ớt giữa những biến cố chính trị, hạn chế sự sáng tạo và phát huy năng lực của mỗi cá nhân.
Sự tồn tại của chủ nghĩa địa phương - biểu hiện tính chất nông nghiệp – nông thôn ấy vẫn còn tồn tại ở nước Thái hiện đại. Nó thể hiện qua các cuộc vận động tranh cử, khi mà “các cử tri dành phiếu bầu không phải cho đảng này hay đảng khác, mà cho người có mối quan hệ với cử tri…” (Hoàng Văn Việt, Các quan hệ chính trị ở phương Đông, Lịch sử và hiện tại, NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2009, trang 144) tại địa phương hay là các “Chao Mương” thời hiện đại. Ngày nay, sự kiện một số tỉnh trưởng miền Nam Thái Lan đòi tự trị, ngoài yếu tố sắc tộc, tôn giáo thì sự ảnh hưởng của quyền lực chủ nghĩa địa phương phải nhắc đến khi xem xét các hiện tượng chính trị, xã hội Thái Lan thời hiện đại.

Nghiên cứu về văn hóa của một quốc gia, một khu vực sẽ cho chúng ta cái nhìn cụ thể, toàn diện về những đặc trưng vốn có của khu vực đó. Văn hóa như là một chiếc chìa khóa mở cánh cửa về quá khứ, giúp con người hiện tại và tương lai có thể thấu hiểu về những thời điểm lịch sử huy hoàng trong quá khứ cũng như những hiện tượng xã hội đang tồn tại. Con người chúng ta sẽ trở thành như thế nào nếu không có văn hóa, một quốc gia, dân tộc sẽ ra sao nếu không có đặc trưng văn hóa của mình. Con người ngày nay sống trong một xã hội hiện đại, tân tiến những điều đó đã dần làm xóa nhòa đi những yếu tố văn hóa truyền thống tích cực.

Bản sắc văn hóa châu Á đã xây dựng cho chính con người châu Á những dấu hằn dai dẳng, tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Châu Á là nơi khởi nguồn sớm nhất của những nền văn minh, những nền văn minh đã tồn tại một cách kỳ bí và vĩ đại trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Chủ nhân của những kiệt tác ấy đã trở thành những con người vĩ đại. Nhưng rồi có thời kỳ châu Á lại bị bỏ rơi sau những dòng chảy của thế giới, nó mãi chìm đắm trong thứ hào quang xa xôi, tự ru ngủ mình bằng những thành quả của quá khứ, và nó cũng để lại những dấu ấn riêng của mình, tạo cho nó sự khác biệt so với những vùng khác.

Những điều kiện tự nhiên thuận lợi đã giúp châu Á sớm bước vào nền văn minh và đạt được những thành tựu rực rỡ. Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, nó đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng biệt của mình mang đậm tính chất nông nghiệp – nông thôn. Từ đây, những sản phẩm từ bản sắc văn hóa được sinh ra, có cái tích cực nhưng cũng có cái hạn chế. Hiểu rõ những vấn đề cốt lõi của bản sắc văn hóa sẽ giúp chúng ta trả lời cho nhiều câu hỏi liên quan đến các hiện tượng chính trị, xã hội, kinh tế ở châu Á không riêng gì Thái Lan. Từ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề nghiên cứu. Điều đó đã được giải thích qua việc chúng ta thảo luận về quyền lực của tỉnh trưởng – “Chao Mương” ở Thái Lan, đó là biểu hiện hạn chế văn hóa châu Á do tính chất nông nghiệp – nông thôn gây ra.
(Bài viết của HVCH Nguyễn Thanh Tuyền, khoa Châu Á học đợt 1 khóa 2012-2014).

-Tài liệu tham khảo
1. Đức Ninh (chủ biên), Về một số vấn đề văn hóa dân gian (Folklore) Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.
2. Hoàng Văn Việt, Các quan hệ chính trị ở phương Đông, Lịch sử và hiện tại, NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2009.
3. Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
4. Luận án Tiến sĩ – chuyên ngành lịch sử cận – hiện đại, Đào Minh Hồng, Chính sách đối ngoại của Thái Lan (Xiêm) nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, TS Lê Văn Quang hướng dẫn.
5. Lương Duy Thứ (chủ biên), Phan Thu Hiền, Phan Nhật Chiêu, Đại cương văn hóa phương Đông, NXB Giáo dục, 1996.
6. Mai Ngọc Chừ, Văn hóa và ngôn ngữ phương Đông, NXB Phương Đông, 2009.
7. Nguyễn Khắc Viện, Thái Lan – một số nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử, NXB Thông tin lý luận, Hà Nội, 1988.
8. Phạm Đức Dương, Việt Nam – Đông Nam Á: ngôn ngữ và văn hóa, NXB Giáo dục, 2007.
9. Phạm Hồng Tung, Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị (chuyên luận), NXB Chính trị quốc gia, 2008.
10. Quế Lai (CB), Thái Lan: truyền thống và hiện đại, NXB Thanh niên, 1999
11. Trịnh Huy Hóa, Vương quốc Thái Lan, NXB Trẻ, 2001.
Hình đại diện của thành viên
thanhtuyennguyen
 
Bài viết: 21
Ngày tham gia: Thứ 5 13/02/14 18:57
Cảm ơn: 5 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron