Văn hóa Ấn Độ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Văn hóa Ấn Độ

Gửi bàigửi bởi TOTO » Thứ 7 24/05/08 12:27

[center]VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI CỦA ẤN ĐỘ[/center]
Sau khi nhóm 4 thuyết trình đề tài "Văn hóa ứng xử với môi trong xã hội" của môn Văn hóa Ấn Độ vào chiều thứ tư (ngày 21/5/2008), trong
lớp có nhiều ý kiến trao đổi nhưng do thơì gian có hạn nên không thể tiếp tuc. Nay nhóm tải bài lên diễn đàn, mong các bạn tiếp tục đóng góp để nhóm có sự chỉnh sửa hợp lý.
MỤC LỤC
CHƯƠNG MỘT: TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA ẤN 6
1. Điều kiện tự nhiên 6
2. Tôn tời gian có hạn
3. Tổ chức xã hội 9
4. Văn học nghệ thuật truyền thống 10
* Tiểu kết 11
CHƯƠNG HAI: VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI 12
1. Quân sự - ngoại giao 12
2. Ảnh hưởng của Hy Lạp – Ba Tư 18
3. Hỗn dung văn hóa Ấn - Hồi 20
3.1 Tôn giáo 20
3.2 Nghệ thuật 22
4. Giao lưu với văn hóa phương Tây 25
4.1 Văn học 25
4.2 Nghệ thuật 27
4.3 Điện ảnh 29
KẾT LUẬN 31
TÀI LIỆU THAM KHẢO 32

DẪN NHẬP

1. Lý do chọn đề tài:
Trong lịch sử các quốc gia trên thế giới, có lẽ Ấn Độ là một trong những trường hợp đặc biệt nhất. Đất nước này đã ghi tên mình lên bản đồ thế giới như một trong những cái nôi sớm nhất của văn minh nhân loại. Vì thế, khi bắt gặp Ấn Độ, Burnouf đã thay người Châu Âu thốt lên: “Đấy không phải chỉ là Ấn Độ, mà là một trang về nguồn gốc của thế giới, là lịch sử nguyên thủy của tinh thần nhân loại…”. Đến nay không ai có thể phủ nhận được vị trí của văn hóa Ấn Độ trong nền văn hóa thế giới. Văn hóa Ấn Độ có sức lan tỏa kì diệu đến những phương trời xa xôi nhất và đồng thời cũng có sức thẩm thấu, dung hợp lạ kì.
Xưa nay, khi nhắc đến Ấn Độ người ta thường không quên gắn liền sau nó mỹ từ “huyền bí”. Ấn Độ huyền bí và phương Đông huyền bí cũng vì có Ấn Độ. Cảm giác “huyền bí” mà đất nước này đem đến cho người tiếp cận phải chăng vì đây là quê hương của những tôn giáo lớn, của những tư tưởng triết học cao siêu đã lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới… Tôn giáo và triết học là hai vấn đề được sự quan tâm nhiều nhất khi tìm hiểu về Ấn Độ. Tuy nhiên, đó không phải là những khía cạnh duy nhất để khám phá về văn hóa Ấn. Nhìn lại lịch sử, Ấn Độ liên tiếp trải qua những biến động với những giai đoạn chiến tranh và hòa bình luân phiên tiếp diễn. Từ năm 1.500 trước CN trở về sau, Ấn Độ liên tục đối đầu với những thế lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, không giống như nhiều quốc gia khác, nền văn minh Ấn Độ chưa bao giờ bị tàn lụi hay đứt quãng mà vẫn trường tồn trong lịch sử. Để làm được điều kì diệu ấy, Ấn Độ đã ứng xử với các tác nhân bên ngoài theo một cách rất riêng. Tìm hiểu văn hóa ứng xử với môi trường xã hội của Ấn Độ sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn bản sắc cùng bản lĩnh văn hóa của đất nước này. Đó cũng chính là lí do để nhóm chọn đề tài này để bước đầu nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài “Ấn Độ - văn hóa ứng xử với môi trường xã hội”, nhóm thực hiện mong muốn thông qua một thành tố là văn hóa ứng xử (môi trường xã hội) để có thể làm nổi bật bản sắc văn hóa Ấn cũng như làm rõ thêm đặc trưng của các thành tố văn hóa khác thuộc nền văn hóa này.
3. Đối tượng nghiên cứu
Cách thức ứng xử với môi trường xã hội là một trong những nét độc đáo không thể không nhắc đến khi tìm hiểu về văn hóa Ấn. Nhìn lại lịch sử, hầu như giai đoạn nào Ấn Độ cũng đều có sự tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, sự giao lưu và tiếp biến của văn hóa Ấn với các nền văn hóa khác có những đặc điểm riêng. Vì thế, nhóm sẽ tiếp cận vấn đề theo hướng tìm hiểu văn hóa ứng xử với môi trường xã hội theo từng giai đoạn. Theo đó, nhóm sẽ khảo sát sự giao lưu và tiếp biến của văn hóa Ấn trên mọi phương diện, đặc biệt là: tôn giáo, chính trị, kĩ thuật, tổ chức gia đình – xã hội…

CHƯƠNG MỘT: TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA ẤN
1. Điều kiện tự nhiên
Nằm ở một khu vực tương đối biệt lập, phía bắc là dãy Himalaya sừng sững, phía nam là biển rộng mênh mông đã tạo nên cho đất nước Ấn Độ một vị trí đặc biệt, ngăn cách với thế giới xung quanh, cho nên Ấn Độ đã xây dựng được cho mình một nền văn hóa tương đối biệt lập, ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Đồng thời, cũng do chính vì có địa hình núi cao, biển rộng bao quanh nên hầu như người Ấn Độ ít quan tâm đến thế giới bên ngoài lãnh thổ của mình, đồng thời ít có ý thức đối phó với giặc ngoại xâm từ bên ngoài tiến vào.
“An tâm” với sự che chở của núi rừng Himalaya rộng lớn và đại dương mênh mông, người Ấn Độ hầu như không có khả năng chống trả đối với những thế lực ngoại xâm từ bên ngoài tiến vào, họ nhanh chóng thất thủ và quy hàng. Tuy nhiên, với cửa ngõ duy nhất là đèo Khyber nằm ở phía Tây Bắc, dường như mọi lực lượng ở bên ngoài tiến vào Ấn Độ đều gặp một tình huống chung là khó liên hệ lại với mẫu quốc, những thế lực ngoại xâm này trải qua thời gian hầu hết đều hòa mình vào cuộc sống của người bản địa và dần dần bị Ấn hóa.
Địa hình Ấn Độ là một phức hợp gồm ba loại cơ bản: “dãy núi định mệnh” Himalaya, đồng bằng Ấn-Hằng với hai con sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Ganges) và vùng cao nguyên Deccan. Ấn tượng về Himalaya có thể nói là rất đậm nét trong tâm thức người Ấn Độ, không chỉ là nơi ẩn thân tu hành của các bậc hiền triết, những tán rừng rậm nhiệt đới này còn dạy cho người Ấn Độ bài học về cuộc sống, về mối tương quan chặt chẽ giữa vũ trụ và con người.
Khí hậu Ấn Độ phong phú đa dạng, chế độ gió mùa tạo nên những cực đoan khí hậu – mưa tập trung trong ba tháng từ tháng sáu đến tháng chín (90% lượng mưa cả năm) gây nên lụt lội cực kỳ dữ dội, khoảng thời gian còn lại trong năm thì lại là thời kỳ hạn hán khủng khiếp.
Có thể nói, điều kiện tự nhiên đã có những ảnh hưởng nhất định đối với tính cách người Ấn Độ. Thiên nhiên vừa rộng rãi, phóng khoáng nhưng đồng thời cũng rất khắc nghiệt, chính điều này đã phần nào quy định tới tính cách của người Ấn Độ, họ không có khát vọng chinh phục tự nhiên, cải tạo thiên nhiên, trong ứng xử với tự nhiên luôn thể hiện sự hòa hợp hơn là chinh phục.
2. Tôn giáo
Ở Ấn Độ, tôn giáo và triết học cực kỳ phát triển, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Ấn Độ là “xứ sở của tôn giáo, xứ sở của tâm linh”. Và đã nói đến tôn giáo ở Ấn Độ thì không thể không đề cập đến đạo Hindu – một thứ “tôn giáo mẹ” đã đi cùng dân tộc Ấn trong suốt chiều dài 3.500 năm lịch sử, đồng thời tạo nên những đặc trưng tính cách điển hình của con người nơi đây.
Giáo lý của đạo Hindu thời kỳ Bàlamôn giáo nằm trong tư tưởng Nhất nguyên luận – cho rằng linh hồn vũ trụ (Brahman) đồng nhất là một với linh hồn cá thể (Atman). Linh hồn vũ trụ hòa tan vào tất cả cũng giống như muối khi hòa tan vào nước, vĩnh viễn không thể tách ra được nữa. Giáo lý nhất nguyên luận và triết lý bất tổn sinh (Ahimsa) của đạo Hindu đã trở thành cơ sở nền tảng chi phối cách sống của người Ấn Độ, nền tảng cho sự mở rộng tình yêu với đồng loại, với chúng sinh trong một cuộc sống hòa bình.
Đạo Hindu là tôn giáo cổ xưa nhất của người Ấn Độ, đồng thời cũng là tôn giáo đặc biệt nhất. Tôn giáo này không có người sáng lập, không có giáo chủ, cũng không có một giáo hội chặt chẽ và những giáo điều cứng rắn. Trải qua những biến động thăng trầm (từ thời Veda đến thời Bàlamôn rồi đến đạo Hindu như giai đoạn hiện nay) bản thân tôn giáo này đã thể hiện được những đặc tính điển hình trong tư duy của người Ấn Độ - không hề đoạn tuyệt với truyền thống mà luôn luôn tự biến đổi cho thích ứng nhu cầu thời đại để bảo tồn và phát triển.
Triết lý bất tổn sinh Ahimsa từ thời Bàlamôn giáo của đạo Hindu đã được vận dụng trong các tôn giáo khác của Ấn Độ và trở thành một dấu ấn đặc trưng của lối sống của con người ở xứ sở này. Phật giáo phát triển Ahimsa thành nguyên lý cấm sát sinh, mở rộng tình yêu thương đối với toàn thể chúng sinh trong tư tưởng nhất thiết bình đẳng. Đạo Jain thì thực hành Ahimsa đến mức cực đoan (người theo đạo Jain có thói quen cầm chổi quét đường phố trước mỗi bước chân để tránh không làm tổn thương các sinh vật, luôn bịt khẩu trang để tránh hít thở và ngáp phải những sinh vật nhỏ, không làm nông nghiệp để tránh sát sinh những côn trùng trong lòng đất...) Triết lý Ahimsa phát triển qua nhiều tôn giáo đã tạo nên một đặc điểm chung trong tính cách con người là trân trọng sự sống của mọi đồng loại. Có thể nói tinh thần hòa hợp khoan dung qua tư tưởng Ahimsa đã trở thành truyền thống lớn của văn hóa Ấn và gần như trở thành phong cách Ấn.
Không chỉ là nơi đã sản sinh ra nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như đạo Hindu, đạo Phật... Ấn Độ còn được biết đến như một xứ sở nổi tiếng với tinh hòa hợp tôn giáo từ những truyền thống lâu đời. Chính tại nơi đây, những tôn giáo lớn hầu như đối nghịch vẫn có thể chung sống hòa bình bên cạnh nhau.
“Những nhân cách lớn trong lịch sử Ấn từ Asoka, Harsha Vardhana đến Akbar đều là những mẫu mực về tinh thần khoan dung tôn giáo. Một hệ quả của tinh thần khoan dung là những hàng rào ngăn cách các tôn giáo ở Ấn Độ không bao giờ trở nên không thể vượt qua. Tất cả chúng đều ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng lẫn nhau...” [Lương Duy Thứ (chủ biên) 1998: 150]

3. Tổ chức xã hội
Xã hội Ấn Độ đặc biệt có sự phân chia đẳng cấp rất rạch ròi, bao gồm bốn thành phần:
Brahman là đẳng cấp tăng lữ thống trị, thực hành tôn giáo Bàlamôn và truyền dạy kinh Veda.
Ksatriya là đẳng cấp vương công, quý tộc, võ sĩ có trách nhiệm bảo vệ cho chính quyền đứng vững.
Vaisya là thương nhân, nông dân, thợ thủ công có trách nhiệm lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội
Sudra là đẳng cấp thấp nhất, là những người nô lệ phải phục tùng ba đẳng cấp trên vô điều kiện.
Từ chế độ phân chia đẳng cấp này cũng cho thấy được tính cách của người Ấn Độ - coi trọng tôn giáo, coi trọng đời sống tâm linh chứ không chú trọng đến việc xây dựng lực lượng quân sự cho chiến tranh. Điều này hoàn toàn đối lập với các xu hướng chung thường thấy trong xã hội phương Tây – những nhân vật có vị trí cao nhất trong xã hội thường là những lãnh tụ về mặt quân sự chính trị, chẳng hạn như Julius Caeser – vị thánh đồng thời cũng là lãnh tụ quân sự của đế chế La Mã. Hay Alexandre đại đế - nhà vua đồng thời cũng là một chiến binh thiện nghệ đã dẫn dắt binh sĩ và dân tộc mình thực hiện những cuộc chiến tranh chinh phục, mở rộng bờ cõi.
Trở lại với sự phân chia đẳng cấp trong xã hội Ấn, chúng ta thấy rõ ràng những chiến binh chỉ đứng ở vị trí thứ hai và thậm chí đứng sau giai cấp vua chúa, quý tộc trong cùng đẳng cấp với mình. Trong khi đó, đẳng cấp tăng lữ Bàlamôn – những người chăm lo đời sống tôn giáo tinh thần lại được xếp ở cấp bậc cao nhất, qua đó thấy rõ người Ấn rất coi trọng đời sống tâm linh mà ít chú ý đến phương diện chính trị, quân sự.
4. Văn học nghệ thuật truyền thống
Tính cách một dân tộc ít nhiều còn được thể hiện qua nền văn học của của chính dân tộc ấy, trong trường hợp của Ấn Độ tính cách đó thể hiện rõ rệt nhất qua các sử thi truyền thống.
Những bộ sử thi nổi tiếng trên thế giới luôn là các tác phẩm miêu tả những trận chiến đấu hoành tráng. Tiêu biểu nhất là Iliad sử thi của người Hy Lạp – minh họa rõ rệt cho tính cách con người thời đại – chiến đấu hết mình để giành lấy vinh quang, tô điểm thêm cho những chiến công của mình và giành lấy của cải, nô lệ góp phần cho sự phát triển của bộ lạc.
Sử thi Ấn Độ cũng miêu tả chiến tranh, cũng thể hiện một bức tranh chiến trận hoành tráng, tuy nhiên vượt lên tất cả những trận đánh đẫm máu đó vẫn là một khát vọng sống hòa hợp, hòa bình.

Sử thi Mahabharata mô tả cuộc chiến tranh giữa hai phe thuộc cùng dòng họ trên đất nước Ấn Độ là 100 anh em Dhritarashtra và 5 anh em Pandava. Qua những trận đánh khốc liệt, qua những mưu toan giết chóc, những kế hoạch ám hại lẫn nhau... người Ấn Độ cuối cùng vẫn đi đến kết luận rằng mọi cuộc chiến tranh đều đưa đến những hậu quả tàn khốc nhất – chẳng phải những kẻ thù mà ta đang cố tiêu diệt cho bằng được chính là những người anh em cùng chung dòng máu với ta hay sao? Chẳng phải loài người dù có bao nhiêu màu da, tiếng nói đều cùng chung một nguồn gốc đó sao? Và từ trong ngọn nguồn của lịch sử xa xưa, người Ấn Độ kết luận rằng chỉ có cuộc sống hòa bình mới có thể mang đến cho con người sự thanh thản và niềm hạnh phúc thực sự.
Không chỉ thể hiện trong tác phẩm văn học, nhìn vào các tác phẩm hội họa, điêu khắc kiến trúc nổi tiếng của Ấn Độ, chúng ta cũng không hề tìm thấy vết tích của các cuộc chiến tranh, những phương tiện, vũ khí chiến tranh mà chỉ là hình ảnh của thiên nhiên cây cỏ hoa lá, động - thực vật, hình ảnh của các vị thần linh…
* Tiểu kết
Qua một số phương diện điều kiện địa lý tự nhiên, vấn đề tôn giáo, cơ cấu tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật... đã phần nào cho thấy một số đặc trưng cơ bản trong tính cách của người Ấn Độ - đó là tinh thần hòa hiếu, khoan dung. Chính những nét tính cách này sẽ có những ảnh hưởng rất sâu đậm trong thái độ ứng xử của người Ấn trong đường lối quân sự, ngoại giao với các quốc gia bên ngoài. Trong nhiều chặng đường lịch sử, Ấn Độ liên tiếp bị những thế lực bên ngoài tấn công, xâm lấn và hầu như không có khả năng chống trả. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh nhằm đồng hóa người Ấn ấy hầu như đều có tác dụng ngược lại – những kẻ đi đồng hóa dần trở thành người bị đồng hóa. Ấn Độ đã thực sự thể hiện bản lĩnh văn hóa của mình bằng một sức mạnh đồng hóa vĩ đại được ví như đại dương mênh mông, để luôn luôn “duy trì được sự sống của mình và từng thời kỳ lại tự trẻ hóa” (J. Nehru).

CHƯƠNG HAI: VĂN HÓA ỨNG XỬ VỚI MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI
1. Quân sự - ngoại giao
Nét nổi bật trong cách ứng phó với môi trường xã hội của người Ấn (cụ thể trong chiến tranh) là tính khoan dung, tinh thần yêu chuộng hòa bình. Có thể thấy, từ khi những thế lực ngoại xâm đầu tiên đặt chân đến Ấn Độ cho đến bước chân xâm lược của những quốc gia sau này thì tâm thế chung của con người nơi đây là cố gắng tránh đối đầu, tránh chiến tranh.
Khoảng 1.500 trCN, người Arya vào Ấn Độ qua cửa ngõ Tây Bắc đã chiếm lấy đồng bằng sông Ấn, tiếp tục sang phía đông, định cư trên lưu vực sông Hằng. Người Arya đi tới đâu hòa nhập luôn vào cư dân bản địa ở đó và những cư dân Harappa đã không thể chống nổi những người dân bán du mục năng động và có ưu thế về quân sự này. Sau một vài thế kỉ, người Arya đã hoàn toàn chinh phục vùng bắc Ấn Độ và những người Ấn Độ bản xứ đã phải hòa nhập vào lớp người mới tới, kết quả là một lớp chủ nhân mới của Ấn Độ hình thành. Bên cạnh việc mang đến cho Ấn Độ kỹ thuật quân sự, những phương tiện dùng làm vũ khí trong chiến tranh như cung tên, áo giáp, chiến xa, búa, rìu... Người Arya cũng dần dần bị đồng hóa với các cư dân bản địa – từ những người du mục, họ bắt đầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp và sống định cư, xuất hiện lịch tính theo mặt trăng... Ngoài hai con vật bò và ngựa (chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người dân Arya) được dùng trong chiến tranh, người Arya còn biết đến dê và biết nuôi cừu để lấy lông dệt vải. Bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm các nghề: thợ rèn, thợ mộc, thợ dệt, làm đồ gốm… Nghề đóng xe được coi trọng, chiếc bánh xe sau này trở thành biểu tượng trong văn hóa Ấn Độ (biểu tượng của lần truyền đạo đầu tiên của Đức Phật gọi là Chuyển pháp luân)

Sự phân chia đẳng cấp của người Ấn cũng bắt đầu từ khi người Arya du nhập vào. Khi đến Ấn, xã hội bộ lạc của người Arya đã có sự phân hóa thành hai đẳng cấp: quý tộc (Kshatra), thường dân (Vish). Đến cuối thời Rig Veda thì chia thành bốn đẳng cấp (như đã đề cập)
Chúng ta thấy rằng nến văn minh Ấn – Arya và nền văn minh Indus tuy có những điểm gần gũi nhưng vẫn có những khác biệt.
Và lịch sử văn hoá Ấn chính là quá trình kết hợp nhào nặn của hai truyền thống Arya và truyền thống bản địa phi –Arya đó
Thế kỉ thứ V người Hung Nô mở cuộc bành trướng ở Trung Á, nhưng đến Ấn Độ một thời gian thì họ đã bị đồng hóa vào với dân bản xứ.
Các vương triều Hồi giáo chính thức du nhập vào Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ XI, khi Sultan Mahmud thống lĩnh đại quân tiến đánh vào đất Ấn, đặt nền móng vững chắc cho sự cai trị của mình với khu vực rộng lớn, phì nhiêu từ lưu vực sông Indus miền Tây đến khu vực sông Hằng (Ganges) miền Đông vào năm 1205. Quốc gia Đại Mogul ở Ấn Độ (vào khoảng cuối thế kỷ XVII) với triều đại Akbar chinh phục gần như toàn bộ Ấn Độ.
Sau một thời gian dài chung sống hòa mình vào đời sống Ấn Độ, sự suy yếu cùng những chính sách hà khắc cuối triều đại Mogul đã tạo điều kiện cho những người phương Tây bắt đầu đặt chân vào đất Ấn. Dưới sự cai trị của thực dân Anh, người Ấn Độ sống trong những năm dài tăm tối và tủi nhục nhất trong lịch sử của chính mình.
Nhằm chống lại chính sách lợi dụng những mâu thuẫn tôn giáo để chia rẽ dân tộc của người Anh, từ nửa cuối thế kỷ XIX ở Ấn Độ xuất hiện những phong trào đấu tranh của tầng lớp tư sản dân tộc Ấn Độ. Khởi đầu là trào lưu phục hưng văn hóa và tôn giáo do Ram Mohanroy (1772 – 1883) lãnh đạo, thành lập “Hiệp hội thần Brahma” nhằm cách tân đạo Hindu cho phù hợp và nhằm đoàn kết dân chúng. Kế tục ông là những trí thức yêu nước khác như Rama Krisna (1836 – 1880), Vivecananda (1862 – 1992), Dayananda Sravasti (1824 – 1883)… tiếp tục công cuộc đấu tranh vì nền văn hóa truyền thống Ấn Độ bằng con đường hòa bình.
Tháng 7-1905, thực dân Anh công bố quyết định chia cắt Bengal (một trong những quyết định nằm trong chính sách mở rộng lãnh thổ, chia rẽ Ấn Độ để cai trị và bóc lột), khắp Ấn Độ đã bùng lên cuộc đấu tranh chống đạo luật này và coi ngày Đạo luật chia cắt Bengal có hiệu lực là ngày quốc tang. Hôm đó, các nhà máy, cửa hiệu ngừng hoạt động và mọi người xuống đường vừa đi vừa hát bài ca Kính chào người mẹ hiền tổ quốc rồi tiến ra bờ sông Hằng để làm lễ tuyên thệ đấu tranh…
Có thể nói, tinh thần và phương pháp đấu tranh của nhân dân Ấn Độ thời cận – hiện đại đã được cô đọng trong một nhân cách vĩ đại Mahatma Gandhi – vị thánh của dân tộc Ấn Độ. Nhận thức được truyền thống từ xa xưa của dân tộc mình là ít có khả năng chống ngoại xâm bằng con đường bạo động lật đổ, ý thức về xây dựng lực lượng quân sự kém... Gandhi đã đề ra nguyên tắc trong đấu tranh là Chân lý (Satyograha) và Bất bạo động (Ahimsa).

“Gandhi cùng Đảng Quốc đại đã kêu gọi đề kháng bất hợp tác với Anh về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội. Bao gồm chương trình hành động: các tri thức và viên chức bỏ hết văn bằng, chức tước mà Anh đã cấp cho, tất cả mọi tầng lớp nhân dân tẩy chay hàng hóa Anh, không đóng thuế cho Anh… phong trào lan rộng sôi nổi. Kết quả thực sự của nó không chỉ nằm trong con số những thẩm phán, luật sư Ấn Độ đã đốt Âu phục, xé nát bằng cấp, số vải ngoại bị thiêu hủy, hay số những khung cửi dân Ấn đã theo gương ông Thánh của họ mà tự dệt lấy vải mặc… Có ý nghĩa hơn nhiều là giá trị đào luyện dân chúng. Gandhi đã tấn công vào những nền tảng của chế độ cai trị Anh là uy tín văn minh Tây Âu, sự sợ hãi và hợp tác của dân Ấn…” [Lương Duy Thứ (chủ biên) 1998: 216]
Trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa của các dân tộc khác, người Ấn chỉ tiếp thu những giá trị về mặt vật chất như phương tiện kĩ thuật nhưng vẫn duy trì đời sống tinh thần, đời sống tâm linh. Đây chính là yếu tố giúp Ấn Độ ảnh hưởng trở lại và đồng hóa những quốc gia đã đến chinh phục mình.

Trong quan hệ quốc tế của Ấn với các nước phương Tây, chúng ta không thể không nhắc đến Jawaharlal Nehru – người kế tục Gandhi đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Ấn Độ đạt đến thành công. Và trên cương vị thủ tướng đầu tiên, Người đã lãnh đạo đồng bào mình chống đế quốc, xây dựng một đất nước phồn vinh, hòa bình, hữu nghị. Có thể nói sau một thời gian dài tủi nhục dưới ách thống trị của thực dân xâm lược, Nehru đã vực dậy cả một nền văn hóa Ấn Độ vĩ đại, đặc biệt là trên phương diện chính trị với trí tuệ, tài năng thiên bẩm và tinh thần yêu nước nồng nàn của mình.
Là người khởi xướng và phát triển phong trào không liên kết, Nehru đã từng bước đưa dân tộc Ấn Độ tiến lên, xây dựng một đất nước phát triển phồn vinh mà vẫn giữ vững những truyền thống lịch sử ngàn năm của mình. Sức mạnh tích cực của phong trào nằm ở chỗ các nước mới tự do phải bảo vệ nền độc lập chân chính và tìm kiếm sự hữu nghị và sự hợp tác kinh tế với tất cả các nước.
“Bao dung, hài hòa, thu hẹp các bất đồng thông qua thương lượng, không dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp là một chính sách mang tính nhất quán, là sự nhất trí mang tính dân tộc ở Ấn Độ”. Nehru cũng đã từng tuyên bố “Hòa bình đối với chúng tôi không chỉ là niềm hy vọng nhiệt thành mà còn là một nhu cầu khẩn thiết” [Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý 1997: 294]
Gần nửa thập kỷ kể từ khi giành được độc lập dân tộc, mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời hiện đại vẫn là con đường phấn đấu vì hòa bình giữa các dân tộc và không liên kết do Nehru khởi xướng. Đường lối đó thực sự đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt dẫn đường cho dân tộc Ấn Độ kể từ khi hình thành đến thời hiện tại và có lẽ trong cả tương lai.
Có thể thấy tinh thần ưa chuộng hòa bình, hiếu hòa của người Ấn đã có những tác động mạnh mẽ trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao – tạo nên sức mềm dẻo kỳ lạ của dân tộc này. Với truyền thống khoan hòa, ít quan tâm đến các thế lực bên ngoài nên trong những tình thế phải đối phó chống lại ngoại xâm, người Ấn luôn ở thế bị động và hầu như là luôn chiến bại trong các cuộc chiến đấu. Các lực lượng ngoại bang hầu như đều không phải tốn quá nhiều công sức để bước vào Ấn Độ, tuy nhiên qua thời gian – bằng các cuộc hôn phối, hòa hợp với lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán... các lực lượng này hầu như đều bị Ấn hóa dưới sức mạnh đồng hóa vĩ đại tại xứ sở của tâm linh này.
Đối với các trường hợp ngoại lệ như vương triều Hồi giáo và người Anh – mặc dù không thể đồng hóa hoàn toàn vĩnh viễn nhưng người Ấn đã biết uyển chuyển vận dụng, tiếp thu tiếp biến những giá trị tinh hoa cốt lõi của hai nền văn hóa này, tạo nên một sức mạnh “trẻ hóa” kỳ diệu cho chính dân tộc mình. Đặc biệt, sự kết hợp giữa Hồi giáo và dân tộc Ấn Độ dường như đã tạo nên một giá trị văn hóa tuyệt vời mà cả nhân loại đều công nhận – có thể thấy rõ, mỗi khi nhắc đến công trình nổi tiếng nhất của kiến trúc Hồi giáo, người ta lại nghĩ ngay đến Ấn Độ như chứng minh cho sức mạnh dung hòa tôn giáo vĩ đại của xứ sở tâm linh này.
2. Ảnh hưởng của Hy Lạp – Ba Tư
Vào giữa thế kỉ thứ IV TCN Alexandre tấn công Ấn Độ nhưng thất bại. Khoảng cuối thế kỉ thứ II, Hy Lạp lại tiếp tục mở những cuộc tấn công bành trướng đế chế của mình ở Châu Á. Đến thời điểm này thì văn hóa Ấn Độ bắt đầu tiếp thu những ảnh hưởng từ thế giới Hy Lạp (các thuyết về thiên văn, y học...)
Ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp đến Ấn Độ thể hiện rõ nhất qua nghệ thuật điêu khắc tạo hình với hình tượng Đức Phật.
Trường phái Gandhara: thể hiện hình tượng Đức Phật dưới ảnh hưởng từ phương Tây và được các nhà nghiên cứu ví von là “một đứa trẻ xinh đẹp, kết quả sự hợp hôn giữa người cha phương Tây và người mẹ Ấn Độ”. Các tượng Phật được tạc bằng phiến đá thạch xanh, nét mặt hơi Âu (mặt trái xoan, lông mày hình cánh cung, mũi thẳng, tóc lượn sóng), mặc áo cà sa dày có nếp gấp (ảnh hưởng của điêu khắc Hy – La). Đức Phật ở đây được thể hiện dưới hình thức một chàng thanh niên Châu Âu – hình ảnh của một vị thần Hy Lạp tư thế ngồi, động tác của đôi tay… thuần Phật giáo. Đôi tai to, con mắt thứ ba giữa trán và những tia sáng tỏa trên đỉnh đầu. Theo các nhà nghiên cứu thì trường phái này sử dụng chất liệu là nham thạch màu lam xám và xanh lá cây nhạt; những họa tiết thường dùng là chùm nho, lá dừa, hình lực sĩ đỡ bộ mái, các kiểu đầu tóc, trang phục, trang sức.... Cũng từ trường phái này những dấu hiệu đặc trưng của Đức Phật đã xuất hiện: Urna ở giữa hai lông mày, lòng bàn tay chạm bánh xe pháp luân...
Bên cạnh những ảnh hưởng của Hy Lạp, Ấn Độ còn tiếp thu thêm những ảnh hưởng của Ba Tư. Những người Ba Tư khi chạy trốn sự xâm lược của quân Arab đến Ấn Độ cũng đã mang đến đây một thứ tôn giáo mới thường gọi là Bái hỏa giáo – thờ phụng Ahura Mazda do Zoroaster sáng lập.
Trong nghệ thuật điêu khắc thì xuất hiện thêm trường phái Mathura (ảnh hưởng của Ba Tư đồng thời vẫn có nguồn gốc bản địa). Chất liệu ưa thích của trường phái này là sa thạch hồng. Thể hiện rõ trong việc điêu khắc tượng Đức Phật và ảnh hưởng nhiều của Ba Tư trong trang phục của Đức Phật. Tượng Phật có đầu tròn, khuôn mặt đầy đặn, miệng nhỏ hơi cười, áo cà sa sát người có nếp gấp, vai phải để trần, dáng vẻ mập mạp, béo tốt và trần tục, cử chỉ mềm mại và nhiều nữ tính.
Sự giao thoa giữa văn hóa Ba Tư và Ấn Độ còn được thể hiện trên một phương diện nữa đó là văn học. Điều này thể thấy rõ trong Truyện con vẹt – loại truyện phổ biến và rất được ưa thích ở Ấn Độ. Tập truyện này đã có từ lâu đời và phổ biến rộng rãi vào thế XII. Năm 1330, Truyện con vẹt được Nahbasi soạn bằng tiếng Ba Tư. Về sau thì các nhà văn Ấn Độ tiếp tục soạn lại (lượt bỏ một số truyện) nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu truyện khung (frame stories) của nó.
Truyện con vẹt rất được yêu thích ở Ấn Độ và Ba Tư. Đối với người Ấn, con vẹt được xem là một con vật thông minh, khôn ngoan và đặc biệt là rất trung thành. Nó là một “người quản gia đáng tin cậy” của gia đình, thậm chí còn được người Ấn xem là “kẻ bảo vệ danh dự của gia đình”. Trong tập Truyện con vẹt này, ngoài những tính chất Ấn Độ, còn có thể nhận ra những đề tài yêu thích của văn học Ba Tư như người đàn bà ngoại tình, những nhà buôn Arab, thậm chí cả những người Hồi giáo và đức tin của ho. Từ một tập truyện dân gian, ta có thể thấy những ảnh hưởng đan xen, hòa quyện lẫn nhau giữa các nền văn hóa Ấn, Ba Tư và cả Hồi giáo...
3. Hỗn dung văn hóa Ấn - Hồi
3.1 Tôn giáo
Ấn Độ là xứ sở của tôn giáo, của sự dung nạp hòa quyện tất cả những nền văn hóa, trong tư tưởng triết học của họ luôn mang dấu ấn của sự khoan dung, độ lượng. Cho nên khi Hồi giáo mang những dấu ấn văn hóa của mình định áp đặt vào người Ấn Độ thì chính bản thân nó cũng đã bị nền văn hóa bản địa dung hợp.
Hồi giáo khi mới du nhập đều nhất thiết coi Thánh kinh Koran là tuyệt đối bảo trọng và sống với tinh thần “Hồi giáo siêu dân tộc”, ít chịu giao thiệp với giới trí thức Ấn Độ. Tuy nhiên sau này Hồi giáo muốn lôi kéo tín đồ, tranh thủ những tầng lớp bình dân Ấn, cho nên tầng lớp lãnh đạo đã thay đổi chính sách, áp dụng đường lối uyển chuyển cho phù hợp với phong tục bản địa. Về phía những người dân bản địa khi họ đã trở thành tín đồ Hồi giáo, họ mang theo những phong tục tập quán cổ truyền vào khiến cho phong sắc của Hồi giáo trên đất Ấn biến thành hỗn dung phong sắc Ấn – Hồi.
Như tập tục mỗi năm tín đồ kéo nhau về mộ phần những giáo chủ, đi vòng quanh mà thành khẩn cầu nguyện không phải vốn do lễ điều của Hồi giáo mà là do tập tục tín ngưỡng cổ truyền của khối tín đồ Ấn tạo nên. Tập tục đó xuất phát từ nghi thức hành lễ của tôn giáo mà họ đã mang theo trước kia, đến khi họ cải đạo sang Hồi giáo vẫn mang niềm tin cũ và thực hành như thế. Ngoài ra, việc một số tín đồ của thần bí chủ nghĩa (Sufi) đưa nhau đến định cư tại những khu vực Hồi giáo khiến cho giới bình dân Ấn bị pha loãng, cũng làm cho Hồi giáo thay đổi một phần diện mạo của mình.
Nhận ra tầm quan trọng của chữ viết trong việc truyền đạo, các vương triều Hồi giáo cũng đã tiến hành viết lại kinh Koran bằng chữ Sanskrit, ngay cả khối nhân sự tổ chức trung ương giáo hội Hồi giáo cũng là những người Ấn thông bác về Sanskrit.
Quốc gia Đại Mogul ở Ấn Độ (1526 - cuối thế kỷ XVII) với triều đại Akbar chinh phục gần như toàn bộ Ấn Độ. Tuy nhiên ông vẫn tham khảo tập quán Hồi giáo và luật Manu (luật cổ của Ấn Độ) và trên cơ sở đó thi hành luật pháp. Xử sự mềm dẻo với các tiểu vương thuộc dòng Hindu, kết nạp Kỳ-na giáo, cho phép các linh mục Gia-tô đi truyền đạo, cải cách chế độ thuế, bỏ thuế dị giáo, cấm tảo hôn, cấm hỏa thiêu góa phụ, bỏ chế độ nô lệ, cấm giết sinh vật tế thần... Akbar đồng thời cũng là một vị vua biết lắng nghe triết học của mọi tôn giáo (từ Mahabharata đến Tân Ước). Ông mang dây lưng thiêng của đạo Zoroastre, theo đạo Jain không đi săn và ăn chay tháng vài ngày, cưới những bà vợ theo các đạo Bàlamôn, Phật, Hồi... để khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo trong cộng đồng.
Đền Tôn – giáo – hợp – nhất ở sân Hòa Bình tại Fathpur-Sikri
Chính sách ôn hòa tôn giáo của nhà vua này đã cho ra đời đạo Sikh như một sự cố gắng để dung hợp Ấn – Hồi.
* Đạo Sikh
Do Guru Nanak sáng lập vào khoảng thế kỷ XV tại Punjab. Giáo lý cơ bản của đạo Sikh nằm trong kinh Adi Granth, đó là sự kết hợp giữa đạo Hindu và đạo Islam như một cố gắng đề dung hợp những tinh túy trong tôn giáo của hai nền văn hóa lớn cùng chung sống trên một lãnh thổ này.
Đạo Sikh chỉ thờ một Đấng Tối Cao Chân Lý duy nhất, nhấn mạnh trạng thái tôn giáo tại tâm của các tín đồ. Người theo đạo Sikh không chấp nhận phương thức sống thụ động, tu hành khổ hạnh hoặc ẩn dật mà cho rằng chỉ cần tu thân ngay trong cuộc sống hiện tại để vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.
Hiện đạo Sikh có khoảng 20 triệu tín đồ, đa số sống ở bang Punjab, Ấn Độ.
3.2 Nghệ thuật
Khi xác lập nên thống trị trên đất Ấn, các vương triều Hồi giáo đã cho xây dựng nhiều công trình; cung điện, lăng tẩm, thành lũy cùng các thánh đường. Những công trình kiến trúc Hồi thiên về thể hiện những đường nét đơn giản và sự thoáng đãng của những hình khối đồng thời trong kiến trúc Hồi chúng ta cũng không thấy dáng dấp của các tượng thờ, các loại điêu khắc đặc tả người. Điều này hoàn toàn trái ngược với kiến trúc truyền thống Ấn. Chính vì vậy trong giai đoạn đầu sự hỗn dung giữa hai nền nghệ thuật Ấn - Hồi mang tính gượng ép và phải sau nhiều thế kỉ mói tìm được sự hòa hợp thật sự.
Nghệ thuật Hồi đã cung cấp cho kiến trúc Ấn những kiểu trang trí hình vòm cửa hình bán nguyệt, đỉnh chóp, trụ tháp... Việc phát minh ra kiểu trang trí trên nền motif hoa lá làm cho những công trình kiến trúc Hồi ở Ấn trở thành những công trình nghệ thuật Hồi quan trọng trên thế giới.
Những trụ tháp xây dựng vào thế kỉ XIII ở Delhi đã cho thấy sự kết hợp hai truyền thống Ấn - Hồi với những motif hoa lá phong phú và những đường rãnh trên thân tháp thuộc phong cách Ấn, những đường viền có khắc chữ, ghi những đoạn kinh Koran bằng chữ nasi bên trong cạnh những motif hình học gợi lên kiến trúc Hồi.
Một trong những công trình mang đậm nét văn hóa Ấn – Hồi phải nói đến đền Taj Mahal (bằng đá cẩm thạch trắng) được xây dựng bởi Shah Jahan, nhà vua của Đế chế Mogul trong giai đoạn cực thịnh của nó, nắm trong tay nhiều nguyền tài nguyên to lớn. Năm 1631, người vợ thứ hai của ông đã qua đời và dân gian cho rằng Shah Jahan xây dựng ngôi đền này chính là để tưởng nhớ người vợ yêu của mình.
Taj Mahal được xem là kiệt tác của kiến trúc Ấn - Hồi và của thế giới, là sở hữu và là nơi phát triển nhiều truyền thống kiến trúc, đặc biệt là sự kết hợp kiến trúc Hindu, Ba Tư và kiến trúc Mogul trước đó. Một số cảm hứng đặc trưng lấy từ một số công trình Timurid và Mughal đã thành công trước đó. Chúng gồm Gur-e Amir (mộ của Timur, người khởi lập triều Mughal, tại Samarkand), Mộ của Humayun, Mộ Itmad-Ud-Daulah và chính thánh đường Jama của Shah Jahan tại Delhi. Dưới sự bảo trợ của ông, công trình Mogul đã đạt tới đỉnh cao hoàn thiện mới. Trong khi các công trình Mogul chủ yếu được xây bằng đá sa thạch đỏ, Shah Jahan đã ủng hộ việc sử dụng đá marble trắng được khảm các loại đá quý khác.

Bên cạnh Taj Mahal cũng cần phải nói đến Quwat – ul – Islam ở Delhi - đây là giáo đường đạo Hồi đầu tiên được xây dựng trên đất Ấn vào cuối thế kỉ XII. Về kĩ thuật và phong cách thể hiện tính chất Hồi giáo nhưng vẫn mang dáng dấp nghệ thuật Ấn Độ. Vật liệu: dùng lại những cột đá của đạo Jain bị phá (các công trình Hồi giáo chủ yếu xây bằng gạch, vôi và vữa), người thực hiện là những nghệ sĩ và thợ thuyền bản xứ.
Khi nhắc đến kiến trúc Ấn - Hồi, người ta cũng không quên nhắc đến tháp tháp Kutab Minar do một ông vua Hồi giáo tên là Kutab Ud Din Aibak xây dựng từ năm 1.200. Ông chỉ hoàn thành được tầng 1 của tháp và các triều đại sau đó tiếp tục xây dựng tu sửa hoàn chỉnh như ngày nay. Kiến trúc của Kutab Minar độc đáo, mang màu sắc của nhiều thời đại, kết hợp các đặc điểm kiến trúc đạo Hồi và đạo Hindu. Từ ban công của tháp Kutab Minar có thể thả mắt theo dòng sông Yamuna. Nhánh lớn của dòng sông mẹ Ganga, có thể quan sát thành phố Delhi. Trong chuyến đi thăm đầu tiên Công hoà Ấn Độ năm 1988, Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước ta là vị chính khách đầu tiên đứng trên tầng cao của tháp Kutab Minar lịch sử vẫy chào Ấn Độ mới.. Điều đặc biệt của tháp là có một chiếc cột thép ở ngay chính giữa khu đền thờ có trên 500 năm tuổi vẫn đứng vững cho đến ngày nay. Đây được xem là một bản anh hùng ca về tài nghệ luyện kim và thành tựu của nền khoa học cổ Ấn Độ . Chính vì vậy người Ấn cho rằng người nào có vòng tay ôm hết chu vi cột thép, thì người đó hạnh phúc.
Cùng với nghệ thuật kiến trúc điêu khắc thì nghệ thuật hội họa Mogul cũng là sự dung hợp hài hòa của nghệ thuật Ba Tư, Mông Cổ và Ấn Độ. Các tác phẩm của trường phái này thường được vẽ trên giấy, vải lụa, gỗ và lá cọ với kích thước nhỏ (60cm x 40cm). Màu sắc chủ đạo là những gam màu nóng, chủ yếu là màu đỏ. Đề tài thường là chân dung các vị vua cùng các hoàng gia, sinh hoạt cung đình.
Do nguyên tắc tôn giáo nên nghệ thuật Hồi-Ấn không có điêu khắc người và động vật nên họ chú ý đến điêu khắc kiến trúc, thư pháp, hội họa mà nguồn gốc là nghệ thuật Ba Tư - ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Mông Cổ
Ngoài những phương diện trên, sự kết hợp giữa hai yếu tố Ấn - Hồi cũng đã cho ra đời thứ tiếng mới đó là tiếng Urdu, tiếng Perse (Ba Tư).

4. Giao lưu với văn hóa phương Tây
4.1 Văn học
Văn học Ấn Độ là nền văn học đa ngữ, được bồi đắp và sáng tạo bởi nhiều dân tộc và nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Qua sự du nhập của ngôn ngữ phương Tây đặc biệt là tiếng Anh, người Ấn đã có cơ hội tiếp xúc với văn học và văn hóa phương Tây.
“Sự giao lưu và hỗn dung của văn học và văn hóa Phương Tây với văn học và văn hóa cổ truyền Ấn Độ đã thiết lập những giá trị văn chương mới, những hình thức văn học mới” [Lương Duy Thứ (chủ biên) 1998: 181]
Quá trình giao lưu tiếp xúc với phương Tây trước hết đã làm sản sinh ra một lớp nghệ sĩ, tri thức xuất thân từ giai cấp tư sản sớm tiếp xúc với văn học phương Tây mà chủ yếu là văn học Anh... Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của nghề in và xuất bản cũng là điều kiện thuận lợi khẳng định vị trí của văn học phương Tây trên nền văn học truyền thống Ấn Độ. Trước kia, văn học Ấn Độ chỉ chú trọng đến kịch, thơ ca, giờ đây thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn phát triển ngày càng nhiều. Nhiều khuynh hướng văn học đua nhau xuất hiện (văn học lãng mạn, văn học suy đồi, văn học hiện sinh, văn học hiện thực…) [Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (chủ biên) 1997: 146]
Nhắc đến nền văn học Ấn Độ giai đoạn này có lẽ không có một nhân vật nào phù hợp hơn Rabindranath Tagore (1861 – 1941) – bậc Thánh sư, người dắt dẫn tinh thần, người hướng đạo tâm linh dân tộc.
Chỉ một mình Tagore thôi đã có thể sánh ngang hàng với những thời đại văn hóa trong lịch sử dân tộc Ấn Độ.
“Nghĩ về ông, người ta nghĩ đến toàn bộ năng lực sáng tạo của nước Ấn, bấy lâu đứt đoạn vì ngoại xâm, nay tìm thấy đường đi và hiện lên qua con người kỳ lạ này” [Lương Duy Thứ (chủ biên) 1998: 224]
Không chỉ là một nhân vật vĩ đại đã hồi sinh mọi tinh hoa của những giá trị văn hóa truyền thống Ấn Độ bằng tài năng của mình, Tagore còn phát triển nó thông qua những tiếp xúc của mình với ngôn ngữ và văn học phương Tây.
“Tâm hồn Tagore như vậy đã được chung đúc từ cả cái trầm tư, sâu thẳm của Ấn Độ, cả cái sôi nổi, phóng khoáng, cách mạng của phương Tây” [Lương Duy Thứ (chủ biên) 1998: 226]
Với tập Thơ Dâng - Gitanjali bằng tiếng Bengal và cả tiếng Anh, Tagore trở thành người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel văn học của thế giới.
Đi khắp nơi trên thế giới, đến đâu Tagore cũng phổ biến thông điệp hòa bình, đoàn kết các dân tộc vì một thế giới tốt đẹp hơn. Trong bức thông điệp cuối cùng, ông viết:
“Tôi sẽ chờ đợi cái ngày mà sự chém giết nhau chấm dứt và bầu không khí trở lại trong lành với ý thức phục vụ và hy sinh...”
Có lẽ, chỉ với một mình Tagore, ta thấy được cả tâm hồn và trái tim Ấn Độ. Một tâm hồn rộng mở với một trái tim nhân ái luôn khao khát hòa bình và hướng thiện. Tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới để bồi đắp thêm cho trí tuệ hiểu biết của mình, đồng thời bổ sung những tinh hoa của nó làm giàu thêm cho truyền thống vốn có của dân tộc mình. Đến những hơi thở cuối cùng dâng lên trời đất, Người vẫn tha thiết nguyện cầu cho tình yêu sẽ cứu vớt cả nhân loại này.
4.2 Nghệ thuật
4.2.1 Nghệ thuật tạo hình
Hội họa: trong sự tiếp xúc với văn hóa phương Tây, lần đầu tiên trong hội họa Ấn Độ xuất những bức tranh về chúa Kitô, Đức mẹ đồng trinh và những bản sao các tranh vẽ nổi tiếng Châu Âu… Một số họa sĩ thuộc nhiều trường phái khác nhau (chẳng hạn như trường phái Mogul) đã tiếp thu các kỹ thuật hội họa của Châu Âu như luật xa, gần, luật sáng, tối…trong phong cách hội họa của mình.
Kiến trúc: trong không gian kiến trúc Ấn Độ truyền thống giờ đây nổi lên những công trình kiến trúc mang phong cách Châu Âu: loại hình kiến trúc Ấn – Bồ Đào Nha ở miền Tây (lãnh địa Goa), những kiểu kiến trúc của vua Louis XV ở những lãnh địa của Pháp và tình hình cũng tương tự đối với các lãnh địa thuộc Anh… Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này của phong cách kiến trúc Châu Âu đã không trở thành là trào lưu có tính chất áp đảo nghệ thuật kiến trúc truyền thống Ấn Độ. Người Ấn không đấu tranh chống lại sự ảnh hưởng này bằng cách không xây dựng, đập phá các công trình hay ở các hình thức khác… mà tiếp thu, sáng tạo và hình thành nhiều trường phái kiến trúc vừa mang màu sắc Châu Âu vừa mang những đặc trưng kiến trúc truyền thống Ấn.
Một trong những trường phái đáng chú ý là Trường phái Bengal. “Những tác phẩm của trường phái này xuất hiện trong suốt khoảng thời gian dài (từ 1895 đến 1947) và đó cũng là giai đoạn được coi là giai đoạn phục hưng của nghệ thuật Ấn Độ. Các chủ đề của trường phái này thường lấy từ những anh hùng ca, sử thi, huyền thoại và lịch sử Ấn Độ. Các nghệ sĩ của trường phái này đã cố gắng chống lại khiếu thẩm mỹ kinh viện của Anh và hướng thẩm mỹ của nhân dân trở về những tác phẩm nghệ thuật của quá khứ vinh quang của mình…” [Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (chủ biên) 1997: 187]
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Trường phái Bengal là hiện tượng nghệ thuật đáng lưu ý nhất của nghệ thuật Ấn Độ từ khi có sự tiếp xúc với nghệ thuật Phương Tây cho đến nay” [Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (chủ biên) 1997: 188]
4.2.2 Nghệ thuật biểu diễn
Nổi bật là nghệ thuật Múa: Có thể nói những điệu múa cổ điển trên đất Ấn là những di sản cực kỳ quý báu, nó không những nhận được sự ngưỡng mộ của người dân Ấn mà còn chứng kiến sự khâm phục của cư dân ngoài đất Ấn. Không dừng lại ở đây, khi tiếp nhận nghệ thuật múa hiện đại của phương Tây, Ấn Độ đã có những cải biên, lồng ghép những tinh hoa của múa truyền thống Ấn và kết quả đã cho ra đời loại hình múa mới, đó là loại hình múa ballet. Loại hình múa hiện đại này không những chỉ khai thác mảng đề tài là những vấn đề xã hội đương đại mà còn lấy cảm hứng từ các đề tài trích trong các bộ sử thi, thần thoại Ấn.
Cuối cùng, cũng như múa cổ điển, loại hình múa ballet đã được cư dân Ấn hoan nghênh tiếp nhận như một sản phẩm văn hóa phương Tây đã được “Ấn hóa” hoàn thiện và được cả cư dân nước ngoài thán phục. Một lần nữa ta thấy tính cách của người Ấn trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa bên ngoài.
4.3 Điện ảnh
So với các loại hình nghệ thuật khác của Ấn Độ thì điện ảnh là ngành nghệ thuật còn khá non trẻ. Điện ảnh là một sản phẩm của văn hóa phương Tây đã được du nhập vào Ấn Độ, từ các tư liệu lịch sử cho thấy Ấn Độ là nước Châu Á đầu tiên tiếp xúc với điện ảnh.
“Vào ngày 7-7-1896, hai anh em Louis Lumière và August Lumière đã mang “máy chiếu phim” của họ từ Paris về Ấn Độ và chiếu 6 bộ phim ngắn tại khách sạn Watson ở Bombay. Còn người Ấn Độ đầu tiên đã quay những bộ phim ngắn và phim tư liệu là H.S.Bhatavadekar vào năm 1899. Từ sau đó, điện ảnh đã có một cái đà đi lên ở Ấn Độ với sự ra đời của những bộ phim truyện ngắn không có tiếng động. Sự kiện quan trọng đầu tiên của Điện ảnh Ấn Độ là sự ra đời của bộ phim dài không có tiếng động mang tựa đề: Raja Harischandra của đạo diễn Dadasaheb Phalke. Với bộ phim này ông nghiễm nhiên được coi là “người cha đẻ của Điện ảnh Ấn Độ” và Chính phủ Ấn Độ đã lấy tên ông để đặt cho giải thưởng quốc gia cao nhất về Điện ảnh ở Ấn Độ vào năm 1969…” [Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (chủ biên) 1997: 206]
Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX điện ảnh Ấn Độ thường khai thác các mảng đề tài huyền thoại, lịch sử và văn hóa dân gian các vùng… như là sự tất yếu. Trong các giai đoạn về sau, các đoàn làm phim hướng vào những chủ đề của xã hội đương đại…
Ngành công nghiệp sản xuất phim nổi tiếng nhất ở Ấn Độ hiện nay có thể kể đến Bollywood (sản xuất phim tiếng Hindi), cùng với một số trung tâm sản xuất phim khác ở Tamil, Telegu, Bengal, Malayalam... đã tạo nên một nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ.
Bollywood không chỉ trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa Ấn Độ mà những ảnh hưởng của nó còn lan sang cả khu vực Trung Đông, các cộng đồng Nam Á... trên toàn thế giới.
Ngày nay, Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất nhiều phim nhất thế giới (trên 900 bộ phim/năm), đưa đất nước này trở thành quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh thuộc loại bậc nhất thế giới.
KẾT LUẬN
Là một nền văn hóa bắt nguồn từ trong những suy tư triết học, mang đậm tính tôn giáo nên hầu hết các tôn giáo khi đến với Ấn Độ qua con đường chiến tranh đều được tiếp nhận một cách dễ dàng. Các thế lực ngoại xâm khi đến Ấn Độ gần như đều chiến thắng về mặt quân sự, nhưng xét về khía cạnh văn hóa thì Ấn như lại như biển cả - tất cả các nền văn hóa khác khi đến với Ấn Độ như trăm sông đổ ra biển, như một nhúm muối hòa vào ly nước, tạo cho ly nước thêm hương vị.
Tinh thần văn hóa Ấn Độ là tinh thần yêu chuộng hòa bình, khoan dung, độ lượng, không thích chiến tranh. Điều đó thể hiện rất rõ trong tiến trình lịch sử Ấn Độ “Ấn Độ là nước điển hình trên thế giới đã truyền bá văn hóa của mình ra ngoài chỉ bằng con đường hòa bình”. Rõ ràng trong lịch sử, trước tất cả các cuộc xâm chiếm của các thế lực bên ngoài, Ấn Độ đều chiến bại nhưng về văn hóa họ lại là những người chiến thắng. Các quốc gia xâm chiếm khi chiến thắng ở lại Ấn Độ kết hôn cùng người bản xứ, bị ngăn cách với các mội quan hệ bên ngoài, bị tách khỏi mẫu quốc nên họ tan hòa vào đời sống Ân Độ. Đồng thời Ấn Độ cũng là quốc gia biết hòa nhập vào cuộc sống quốc tế, tiếp nhận những yếu tố mới từ bên ngoài đồng thời biết trân trọng, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc chính vì thế đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Xuân Phổ - Trần Thị Lý (chủ biên) 1997: Ấn Độ xưa và nay – HN: Nhà xuất bản khoa học xã hội, tr 102-107.
2. Nguyễn Tấn Đắc 2000: Văn hóa Ấn Độ - NXB Tp. Hồ Chí Minh.
3. Will Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch) 2006: Lịch sử văn minh Ấn Độ - HN: NXB Văn hóa thông tin, tr: 76-80.
4. ww.cinet.vn
ww.cinet.vn/?ctl=usc_NewsViewsdetail&zoneid=31&rootId=4&newsid=9886 - 55k -
5. dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.v ... mQ9&page=2
6. http://www.vi.wikipedia.org
http://vi.wikipedia.org/wiki/%E1%BA%A4n_%C4%90%E1%BB%99
NGUYỄN THỊ LÊ[justify][/justify]
RANDOM_AVATAR
TOTO
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 03/12/07 20:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Ấn Độ, Nam Á và Đông Nam Á

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến42 khách

cron