Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Phương Tây

Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 5 21/10/10 20:14

Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19


Tại các nước nói tiếng Anh, từ “Anthropologist” xuất hiện đầu tiên trong tài liệu chữ in vào năm 1805 (Kujlick 1991:6), trước 75 năm so với khi bộ môn Nhân loại học được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học lần đầu tiên. Tuy nhiên, thật chính xác thì bộ môn Nhân loại học không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà nó là sự kết hợp hai trào lưu tư tưởng đã từng tồn tại từ lâu trước đó nữa. Ban đầu là việc nghiên cứu về những gì mà chúng ta gọi là các khác biệt về văn hoá giữa các cộng đồng dân cư. Thứ hai liên quan đến nguồn gốc sinh học giữa loài người với các giống loài khác. Cả hai lãnh vực này là chủ đề của việc điều tra nghiên cứu và suy đoán trong nhiều thiên niên kỷ qua. Mặc dù việc phân tích toàn bộ chương tiền sử của Nhân loại học nằm ngoài phạm vi bài viết này, nhưng chúng tôi muốn tái hiện vắn tắt một số diễn tiến chủ yếu đã dẫn đến việc hình thành ngành Nhân loại học trước khi khảo sát tỉ mỉ tư tưởng mang tính tiến hoá và tình hình nghiên cứu về Nhân loại học thế kỷ 19.

Thật ra, bất cứ nơi nào khi các nền văn minh có chữ viết tiếp xúc với những thành viên của các cộng đồng dân cư khác thì cái gì đó như thể tài liệu viết theo kiểu Dân tộc học mô tả xuất hiện. Ví dụ, các tác giả cổ đại như Hedorotus, một sử gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, đã cống hiến cho độc giả những mô tả kỳ lạ về các cộng đồng dân cư không phải người Hy lạp. Vào thế kỷ thứ 14, một sử gia kiêm chính trị gia người Tunisia tên là Ibn Khaldum đã viết tác phẩm Mudqaddimah (Introduction to History), qua đó ông ta cho rằng việc nghiên cứu về văn minh và tổ chức xã hội loài người là một ngành khoa học độc lập (Lacoste 1984:169).

Tại châu Âu có truyền thống lâu đời quan tâm đến những gì bên ngoài châu Âu. Các tác phẩm như Wonder of the East (Kỳ quan Phương Đông), The Travels of Marco Polo (Các chuyến du hành của Marco Polo) đã làm mê hoặc người châu Âu. Tuy nhiên, mãi cho đến thế kỷ 15, châu Âu tương đối vẫn còn biệt lập và có tác phong tỉnh lẻ. Thế rồi, các tiến bộ trong kỹ thuật hàng hải và trong chế tạo vũ khí đã cho phép người châu Âu mở rộng ảnh hưởng xuyên địa cầu. Lúc đó, họ thường xuyên tiếp xúc với các cộng đồng dân cư từ những xã hội mà về căn bản khác hẳn với xã hội cộng đồng dân cư châu Âu. Cuộc chạm trán này làm nảy sinh một loạt các vấn đề triết học. Cách sống của các cộng đồng cư dân ấy có giống như người châu Âu không? Diễn tiến của các cộng đồng cư dân ấy theo qui luật nào? Bản năng hoang dã hay có ý thức, có luân lý? Các khác biệt xã hội được lý giải như thế nào?

Từ thời Phục hưng đến thế kỷ 18, dựa vào giải thích của Kinh Thánh về sự khác biệt văn hóa, thuyết Thoái hóa đã mê hoặc người châu Âu. Theo quan điểm này, trước khi có tháp Babel, toàn thể nhân loại có chung một nền văn minh duy nhất. Khi tháp ấy bị phá huỷ thì Thượng đế mới tạo ra nhiều ngôn ngữ khác biệt khiến cho loài người phải bị phân tán. Trong đó, một số bị thoái hoá, đánh mất văn minh và chẳng bao lâu sau trở thành người hoang dã.

Thuyết Tiến triển cho rằng đời sống xã hội là sự chọn lựa. Các nhà theo thuyết Tiến triển cho rằng đúng hơn việc làm suy thoái điều kiện đã từng văn minh trước đây, các cộng đồng dân cư đã khởi từ cuộc sống sơ khai mà không hướng đến tình trạng tiến bộ hơn. Người đề xướng tiếp cận này là John Lock (1632–1704), triết gia người Anh. Trong tiểu luận Essay Concerning Government (bản đầu tiên, 1690). Lock cho rằng trí óc con người là một tấm bảng bằng đá đen trống rỗng, còn kiến thức và lý luận thì từ kinh nghiệm mà có. Vì thế, tất nhiên những ý tưởng khác nhau sản sinh từ những trải nghiệm khác nhau. Do đó những con người lớn lên trong những cộng đồng xã hội khác nhau thì có những trải nghiệm khác nhau. Vì thế, chúng ta có thể giải thích tại sao có những khác biệt giữa các xã hội loài người.

Khi việc điều tra nghiên cứu khoa học và việc kiểm tra theo lối kinh nghiệm đem lại hiệu quả ngày càng cao, cả về phương diện học thuật lẫn kinh tế thì cáí ý tưởng cho rằng con người đã tiến bộ hơn là thoái hoá đã trở thành phổ biến. Khi khởi đầu cuộc cách mạng Công nghiệp, có một số ít người châu Âu nói chung không tin rằng nhân loại đã làm nên những tiến bộ, còn đa số người châu Âu thì cho rằng họ là người tiến bộ nhất trong xã hội loài người.

Với ý tưởng tổng quát về sự tiến bộ hết sức bảo thủ, các triết gia đã tạo ra các kế hoạch khác nhau để giải thích thế giới tự nhiên và giải thích tiến trình sự tiến triển của xã hội. Mục tiêu của họ nói chung là kiến tạo một lịch sử toàn diện của loài người từ thời nguyên thuỷ cho đến khi phát triển thành các quốc gia ở châu Âu. Một trong các tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất là tác phẩm The History of the Declin and fall of the Roman Empire 1776–1788) của Edward Gibbon (1737–1794). Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm khác cũng viết tương tự như vậy. Triết gia người Ý Gambattista Vico (1668–1744) trong công trình The New Sccience, công bố vào năm 1974, đã cố gắng viết một bộ lịch sử về toàn thể nhân loại. Vico cho rằng bản chất con người do lịch sử hình thành và do đó nó luôn biến đổi theo thời gian. Vì thế, ông cho rằng trong việc tìm hiểu nhân loại thì ngành Lịch sử là người hướng dẫn tốt hơn các ngành khoa học tự nhiên. Một chính khách người Pháp, ông Anne Robert Jacques Turgot (1727–1781) công bố tác phẩm Plan for Two Discourse on Universal History vào năm 1750. Turgot cho rằng theo Kinh Thánh sau trận đại hồng thuỷ, thì loài người đã trải qua từ giai đoạn hoang dã rồi dã man đến văn minh nông nghiệp rồi văn minh đô thị. Một mẫu điển hình sau cùng cho nhận thức này là tác phẩm Sketch for a Historical Picture of the Progress of the Human Mind, của một nhà toán học kiêm triết gia người Pháp Hầu tước De Condorcet (1743 – 1794). Condorcet viết tác phẩm này vào năm 1794 khi đang trốn tránh các kẻ thù cách mạng Cấp tiến, ông đề ra một sơ đồ gồm 10 giai đoạn mô tả sự tiến bộ của loài người từ xã hội bộ lạc sơ khai qua việc thành lập nền Cộng hoà Pháp kéo dài đến tương lai khi mà xã hội loài người được hoàn thiện. Các ý tưởng này đóng vai trò trụ cột cho các tư tưởng về Tiến hoá văn hoá xã hội sau này (Stockíng 987:15).

Việc bành trướng của Châu Âu khắp thế giới bắt đầu vào thế kỷ 19, đã tạo ảnh hưởng sâu sắc lên các ngành khoa học tự nhiên cũng như ngành triết học. Các tường thuật của các nhà thám hiểm về hệ thực vật và hệ động vật tại các vùng đất mới đã thách thức quan điểm mô tả trong Kinh Thánh về đời sống con người dựa theo câu truyện về trận đại hồng thuỷ. Trước Darwin rất lâu, các nhà Tự nhiên học đã trình bày về sự phân bố cây trồng, giới động vật và sự biến đổi mà họ đã khảo sát khám phá được thời bấy giờ, mà không còn dựa theo thuật ngữ trong Kinh Thánh nữa.

Hình thành việc nghiên cứu về Tiến hoá sinh học đã được dự kiến từ thế kỷ 17 trong các tác phẩm có tính miêu tả của các nhà Tự nhiên học như là Gilbert White (1920 – 1793) và John Ray (1627 – 1705), họ đã sắp xếp và mô tả sự đa dạng của các hình thức đời sống mà họ quan sát được. Ray gây ảnh hưởng lên Carolus Linnaeus (1707 – 1778 ) là một người nổi tiếng nhất về nghiên cứu phân loại các dạng đời sống qua công trình Systema Nature, công bố năm 1735. Trước đó, danh xưng các loài thực vật và các loài động vật còn rất lộn xộn thì hệ thống nghiên cứu phân loại của Linnaeus đã cung cấp một bộ khung có hệ thống, có tổ chức cho việc sắp xếp các dạng đời sống. Bộ khung ấy cần thiết cho việc điều tra nghiên cứu khoa học về tiến hoá sinh vật.

Linnaeus lại tin vào tính bền vững của các giống loài. Với sự uyên bác của mình, Linnaeus cho rằng các hình thái đời sống do Thiên chúa tạo ra và không hề thay đổi, nên ngành Sinh học chỉ có nhiệm vụ đặt tên và phân loại sắp xếp chúng mà thôi. Tuy nhiên, quan điểm này bị một số nhà thông thái khác thách thức. Ví dụ, trong cuốn sách của Benoit De Mallet (1656 – 1738) phổ biến rộng rãi vào giữa thế kỷ 18, tác phẩm “Telliamed: or Discourses Between an Indian Philosopher and a French Missionary on the Dimimution of the Sea, the Formation of the Earthe, the Origine of Man and Animal…” phác thảọ một sơ đồ Tiến hoá sinh học. Ông suy đoán rằng tuổi của trái đất lớn hơn nhiều so với tuổi như người ta tưởng lâu nay. Ông xác nhận các hoá thạch đều lưu giữ các dạng đời sống và ông còn cho biết có một số hoá thạch thuộc các giống loài đã bị tuyệt chủng .

Nhà Tự nhiên học khác chỉ đứng sau Linnaeus là Geores Louis Lecler, tức Bá tước Buffon, (1707 – 1788). phác thảo một lý thuyết Tiến hoá mà ông gọi là “Suy thoái”, nhưng chứa đựng nhiều yếu tố mà hơn một trăm năm sau Darwin đưa vào tác phẩm của mình. Một số quan sát chủ yếu của Buffon là :

- Có sự biến đổi thể chất trong các giống loài,

- Các loài động vật khác nhau có sự tương tự ở cấu tạo cơ bản,

- Đời sống tăng bội nhanh hơn nguồn cung cấp thức ăn, thúc đẩy cuộc đấu tranh sinh tồn và một số dạng đời sống bị tuyệt chủng .

Jean Lamark (1744 – 1829 ) và người ông của Charles Darwin là Erasmus Darwin (1731 – 1802 ) là hai nhà Tiến hoá học kiệt xuất ở thời kỳ cuối thế kỷ 18. Công trình của họ đã tạo tác động sâu sắc đến việc phát triển thuyết Tiến hoá sau này. Mặc dù có cùng một quan điểm, nhưng lý thuyết của Lamark được cho là có hệ thống hơn. Lamark cho rằng những khác biệt tại các vùng địa lý và khí hậu tạo áp lực lên đời sống của động thực vật. Qua các thời kỳ dài lâu, các áp lực ấy gây biến tính trong các dạng đời sống. Theo quan điểm này, các thay đổi mang tính tiến hoá là vì các dạng đời sống phải biến đổi một phần cơ thể của chính mình để sử dụng hiệu quả nhất trong nỗ lực thích nghi với các điều kiện thay đổi mà môi trường đặt ra. Trong đó có thể đòi hỏi phải xúc tiến việc tạo ra một số bộ phận cơ thể mới hoặc phải biến đổi một số bộ phận cơ thể cũ. Các đặc tính đạt được sẽ được các thế hệ giống nòi trong tương lai kế tục. Mặc dù có nhiều cách diễn tả khác nhau về thuyết này trong thế kỷ 18, song Lamark và Erasmus Darwin đã chỉ ra một cách rõ ràng mối liên quan giữa cơ thể sinh vật với môi trường.

Như thế là vào cuối thế kỷ 18 bộ khung triết học và sinh học về Nhân loại học đã được xác lập. Các nhà tư tưởng thế kỷ 19 lại bị lôi cuốn vào số dữ liệu mới rất phong phú từ các hoá thạch đựơc tìm thấy ở Anh và trong các tường thuật của các nhà thám hiểm trên đất Châu Phi. Họ đưa ra các thuyết mới về Tiến hoá sinh học và Tiến hoá xã hội, là chìa khoá phát triển ngành Nhân loại học. Các phát hiện sâu sắc của Charles Darwin (1809 – 1880) và Herbert Spencer (1820 – 1903) là đặc biệt quan trọng.

Darwin cho rằng, sự biến đổi trong các giống loài phải tuân thủ các quy luật tự nhiên giống như phát hiện của các ngành khoa học tự nhiên. Trong tác phẩm “ On the Origin of Species” (bản đầu tiên, 1859), ông phác họa lý thuyết mà ông gọi là “Chọn học tự nhiên” và ông cho rằng chọn lọc tự nhiên là nguyên tắc cơ bản của biến đổi sinh học. Darwin khởi bắt đầu với ý tưởng cho rằng số sinh vật được sinh ra thì nhiều hơn số sinh vật được lớn lên đến khi trưởng thành, đó là quan niệm rút ra từ công trình “An Essay on the Principle of Population” của Thomas Malthus (1766 – 1834) đã được chấp nhận rộng rãi. Sau đó, ông dự đoán các yếu tố định đoạt các cá thể sống được và không sống sót. Căn cứ vào các biến đổi dù nhỏ hiện ra ở bề ngoài hay ở các tính chất hành vi của các thành viên bất lỳ một cộng đồng dân cư nào đó và căn cứ vào các cá thể này buộc phải tranh miếng ăn, chỗ ở, người bạn đời với nhau, Darwin giả định rằng các biến đổi này có ý nghĩa công cụ cho việc xác định sự tồn tại trong các hoàn cảnh môi trường đặc thù. Cụ thể là có một số cá nhân được trang bị để tồn tại trong môi trường của họ tốt hơn những người khác. Darwin gọi các đặc tính đó giúp họ thích nghi để tồn tại. Ông cho rằng mối quan hệ giữa sinh lý, hành vi, và môi trường như thế, xác định những gì giúp con người tồn tại, trưởng thành, tái sản xuất và sau đó truyền lại những đặc chất thích nghi của họ cho các thế hệ giòng giống về sau. Vả lại, việc thay đổi môi trường cũng lại có thể tác động lên các đặc tính đã được chọn lọc, hoặc tiếp tục tác động lên các giống loài đã ổn định. Do đó, qua nhiều thời kỳ, lâu dài về sau, các giống loài có thể bị biến dạng hoặc có thể cho ra đời một giống loài mới. Vì thế, thuyết Tiến hoá của Darwin đã giúp giải thích thông suốt các biến đổi đã xảy ra trong các dạng đời sống qua bằng chứng hoá thạch.

Trong khoảng thời gian từ 1831 đến 1836, Darwin đi du khảo bằng đường biển trên tàu H.M.S Beagle như một nhà Tự nhiên học. Darwin bắt đầu hình thành ý tưởng về “Chọn lọc tự nhiên”, chẳng bao lâu sau ông trở vê nước Anh. Ngoài các tư liệu đã thu nhập được, ông còn chú ý đến cây trồng thương mại và những người chăn nuôi gia súc gia cầm mà ông thấy họ áp dụng trong thực tế phù hợp với các quan niệm của ông. Ông thu nhập dữ liệu, hình thành các ghi chép vào năm 1844, soạn một phác thảo theo ý tưởng mà ông đã từng bày tỏ với người bạn thân của ông, một nhà Thực vật học nổi tiếng, Joseph Dalton Hooker (1817 – 1911). Tuy nhiên, ông đã kịp giữ lại không cho công bố phác thảo ấy mà tiếp tục hoàn thiện lý thuyết của mình kéo dài đến hai mươi năm sau đó, cho đến khi một nhà Tự nhiên học trẻ tuổi tên là Alfre Russl Wallace gởi cho ông một bức thư. Wallace (1823 – 1913) lúc bấy giờ đang làm việc ở Malaysia. Theo những gì anh ta quan sát được đã giúp anh ta “công thức hóa” các lý thuyết mà Darwin đã miệt mài theo đuổi nghiên cứu để chứng minh. Wallace gởi bức thư cho Darwin về những lời bình luận của vị lão thành, được chép đăng trong sách này, đề nghị nếu Darwin nhận được thư thì vui lòng chuyển thư cho nhà Địa chất học lừng danh Sir Chales Lyell (1797 – 1875 ). Thư của Wallace khiến Darwin rất chán nản, nhưng các bạn đồng nghiệp của ông đã tổ chức giới thiệu cùng một lúc hai ý tưởng của Darwin và Wallace vào năm 1858 và như thế là lần đầu tiên Darwin bị thúc đẩy và cũng là cơ hội công bố công trình nghiên cứu vĩ đại của mình. công trình “Origin of species by Means of Natural Salection” vào tháng 9 năm 1859. Tuyển tập này chọn các thuyết trình của Darwin và Wallace đọc trước Hội Linnean Society vào tháng 7 năm 1858. Trước các thuyết trình có lời dẫn của hai nhà bác học Joseph D. Hooker và Sir Charles Lyell giải thích trường hợp đưa đến việc giới thiệu chung.

Thuyết Chọn lọc tự nhiên được đưa ra tranh luận trong giới tôn giáo và bị dư luận đại chúng chế nhạo. Thuyết này bị giới trí thức Pháp chê bai (và họ giới thiệu nó một cách sai lệch, thiếu sót, đáng chê trách khi nó mới được trình làng). Giới trí thức Đức thì không ngó ngàng đến nó mãi cho đến cuối thế kỷ 19 sắp sửa chuyển qua thế kỷ 20. Ngược lại, ở Anh và ở Mỹ, các học giả đã chú ý đến thuyết Tiến hoá từ giữa thế kỷ 19, ví như Herbert Spencer, người tiếp tục nghiên cứu chuyên về Sự tiến hoá trong xã hội loài người nhiều năm trước khi tác phẩm của Darwin được công bố. Thậm chí, Darwin cũng đã đưa vào thuyết Tiến hoá sinh học của chính mình một số quan niệm đã được phát triển trong công trình của Spencer. Cuối cùng thì thuyết Tiến hoá của Darwin dễ dàng được giới khoa học chấp nhận.

Spencer xem tiến hoá là một hiện tượng chung, không phải riêng trong xã hội loài người và ông ứng dụng tiếp cận tiến hoá của ông cho nhiều lãnh vực nghiên cứu. Garbarino (1997: 21) gọi Spencer là “Triết gia về tiến hoá phổ quát” vì Spencer xem tiến hoá là một trong những quá trình tự nhiên cơ bản trong vũ trụ. Các ý tưởng của ông có ảnh hưởng rất mạnh và rộng lớn ở Anh và Mỹ, không những trong lĩnh vực Nhân loại học và Xã hội học mà còn trong lĩnh vực Văn học, Chính trị và Văn hoá bình dân ( Carneiro 1967 : xi ). Spencer cho rằng chính tiến hoá cũng tiến triển và sự thay đổi mang tính tiến hoá từ trạng thái đơn sơ đến trạng thái phức tạp hơn. Ông lập luận rằng tiến trình tiến hoá xảy ra vì đời sống là cuộc đấu tranh sinh tồn mà chỉ những gì có kỹ năng và đặc chất vượt trội mới tiếp tục tồn tại.

Spencer cũng nổi danh về phép loại suy có hệ thống của ông. Như đã minh hoạ trong tuyển chọn để tái bản sách này. Trong công trình “The Social Organnism”, Spencer so sánh các xã hội loài người với cơ thể sinh vật. Ông sử dụng phép loại suy để liên kết tiến hoá sinh học với tiến hoá xã hội loài người, ngụ ý rằng sự phát triển sinh học cũng như sự phát triển xã hội loài người, từ đơn sơ, những tình trạng không thể phân chia được nữa, đến phức hợp, những tình trạng đan xen qua lại theo các qua trình giống nhau. Điều đó có nghĩa là người ta có thể nghiên cứu tiến hoá xã hội loài người theo cách dùng trong nghiên cứu tiến hóa sinh học. Phép loại suy có hệ thống của Spencer rất có ảnh hưởng. Định nghĩa của ông về xã hội nguyên thủy khi đem so sánh xã hội ấy với kỹ thuật học giản đơn, cấu trúc xã hội không thể phân chia được và thiếu các chuyên môn kinh tế đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Spencer xem công trình của Darwin như là sự củng cố vững chắc lý thuyết của ông và ông đã sử dụng phép loại suy có hệ thống như một cơ chế cho việc áp dụng tiến hoá vào thuyết về thay đổi xã hội của ông. Chính Spencer chứ không phải Darwin, đã sáng tác cụm ý tưởng “Survive for fittest”.

Toàn thể nhân loại đều cho dân tộc mình hơn các dân tộc khác, và vào thế kỷ 19, thì người châu Âu và người Mỹ không phải là ngoại lệ. Căn cứ vào tiến bộ công nghiệp, sự phát triển kinh tế và sức mạnh quân sự đầy kiêu hãnh của họ, trong tiến hoá thì các xã hội phương Tây cho rằng họ là đỉnh cao. Hậu quả của công trình của Spencer là đại chúng hóa quan điểm được gọi là chủ nghĩa Darwin về xã hội. Người theo chủ nghĩa Darwin về xã hội giải thích chọn lọc tự nhiên theo nghĩa cho rằng vì tiến hoá là tiến bộ và chỉ những gì phù hợp nhất mới được tiếp tục tồn tại, thì việc phương Tây thống trị những nơi có kỹ thuật lạc hậu hơn là đúng với quy luật. Theo chiều hướng lập luận như vậy, thì một xã hội nắm quyền thống trị chứng tỏ khả năng hơn hẳn của nó và mức tiến bộ thích hợp của nó. Một xã hội cao hơn chinh phục một xã hội thấp hơn là kết quả của hoạt động theo quy luật tự nhiên và vì thế không chỉ là hợp đạo lý mà còn là đáp ứng nhu cầu. Đây là một cách lý giải có lợi cho việc bành trướng mau chóng của sức mạnh châu Âu và được sử dụng để biện hộ cho chủ nghĩa Thực dân xâm lược và chủ nghĩa Vị chủng. Ở Mỹ, chủ nghĩa Darwin về xã hội được viện dẫn khi biện hộ cho chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa Tư bản công nghiệp tự do.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng trong khi hầu hết các nhà tư tưởng thuyết Tiến hoá mô tả xã hội của chính họ tiến bộ hơn bất cứ xã hội nào khác thì họ phê phán xã hội của họ cũng rất kịch liệt. Họ cho rằng sự tiến hoá hướng đến sự hoàn hảo. Xã hội phương Tây có thể tiến bộ hơn bất cứ xã hội nào khác, nhưng cũng còn rất xa sự hoàn hảo. Sự thật là Spencer cho rằng các chương trình phúc lợi, giáo dục và y tế công cộng mâu thuẫn với các quy luật của tự nhiên và cần phải tránh xa vì nó làm chậm quá trình tiến hoá, quá trình mà những thành phần không phù hợp của xã hội phải bị loại trừ. Mặt khác, ông cũng lập luận chống lại quân đội, giáo hội nước Anh và những thừa hưởng của giai cấp địa chủ. Ngoài công dụng của các lý thuyết như thuyết của ông để bào chữa cho việc chinh phục thuộc địa, thì chính Spencer là một địch thủ đáng gờm của đế quốc Anh và ông đã phê phán nước ông về việc “đi gây chuyện với thổ dân và chiếm đất đai của họ” (trích dẫn Carneiro 1967: xlvi).

Hai nhà Nhân loại học của thế kỷ 19 khác gây chú ý như là hiện tượng trong lãnh vực tiến hoá văn hoá, đó là Lewis Henry Morgan (1818 – 1881) người Mỹ và Sir Edouard Durnet Tylor (1832–1917) người Anh. Cả hai người cho rằng có những giai đoạn tiến hoá phổ quát trong phát triển văn hoá làm thành đặc điểm quá độ từ xã hội sơ khai đến xã hội phức hợp. Vì thế, hai người này được biết đến như là những người theo thuyết Tiến hoá không trực hệ. Mặc dù Morgan và Tylor chia sẻ một bộ khung tiến hoá giống nhau, nhưng các nghiên cứu của họ khảo sát các khía cạnh văn hoá khác nhau. Morgan tập trung khảo sát tiến hoá các yếu tố như là gia đình và các kiểu đời sống. Còn đóng góp chủ yếu của Tylor là lý thuyết liên quan đến tiến hoá về tôn giáo.

Chú ý đầu tiên của Morgan là văn hoá bản địa ngay tại Mỹ, trong các mô hình đặc biệt về hôn nhân và dòng dõi gia đình. Tác phẩm ông viết năm 1871, “Systems of consanguinity and Affinity” là nghiên cứu so sánh đầu tiên về mối quan hệ họ hàng. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của Morgan là “Ancient Society” xuất bản năm 1877. Trong sách này, ông cố gắng vạch ra tiến hoá của xã hội loài người từ thời nguyên thuỷ đến kỷ nguyên Victoria (là thời điểm ông cho là đỉnh cao của văn minh nhân loại). Theo Turgot và các tác giả của thế kỷ 18, sự phát triển văn hoá gồm 3 thời ký lớn: Thời kỳ dã man, thời kỳ hoang sơ và thời kỳ văn minh. Hai thời kỳ đầu bao gồm 3 giai đoạn, giai đoạn sớm, giai đoạn giữa và giai đoạn muộn. Morgan thừa nhận ý tưởng của Spencer cho rằng tiến hoá tiếp diễn từ đơn sơ đến phức hợp và trong tác phẩm Ancient Society, ông phác thảo tiến trình này bằng việc so sánh sự tương quan giữa các tình trạng tiến hoá ngoài xã hội với những phát triển riêng biệt trong cấu trúc gia đình, sinh kế và kỹ thuật. Ví dụ trong kế hoạch của Morgan thì vào giai đoạn giữa thuộc thời kỹ dã man bắt đầu phát triển nghề chài lưới để sinh nhai, Giai đoạn muộn thuộc thời kỳ dã man đánh dấu bằng việc phát minh ra cung tên. Không như Spencer, Morgan cho rằng tiến bộ mang tính tiến hoá không hoàn toàn thông qua đấu tranh, mà được thúc đẩy bằng “sự nở rộ” của “các mầm mống tư duy”. Sự nở rộ được phát triển bởi các chiến lược sinh nhai mới mẻ đẩy tới việc làm sản sinh tình trạng gia tăng các kỹ thuật phức tạp.

E.B.Tylor là người sống cùng thời với Morgan và có lẽ ông là nhà Nhân loại học hàng đầu của nước Anh thế kỷ19. Trong công trình chính của ông, “Primitive Cultue” (1871), Tylor phác thảo 2 ý tưởng mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến công lao của ông. Thứ nhất, ông cho rằng người ta có thể tái dựng các giai đoạn tiến hoá văn hoá thời cổ xưa bằng cách nghiên cứu “những gì còn sót lại”. Tyler cho rằng vật gì thực sự tồn tại trong xã hội đương thời mà không đảm trách một chức năng nào thì ông cho đó là cái tồn sót lại của thời kỳ tiến hoá văn hoá trước kia. Do đó, người ta có thể biết được một số điều về thời quá khứ thông qua việc nghiên cứu các di sản văn hoá. Ý tưởng thứ hai của ông liên quan đến tiến hoá trong tôn giáo, là điều mà Tyler đặc biệt quan tâm và là chủ đề của tập II, tác phẩm Primitive Culrural. Ông lập luận rằng hầu hết các quan niệm cơ bản của tôn giáo đều nằm trong thuyết Vật linh. Ông phác họa một chuỗi phát triển liên tục về mặt tôn giáo mà khởi đầu là thuyết Vật linh, tiến lên thuyết Đa thần, cuối cùng tiến đến cái mà ông xem như là hình thức cao nhất của niềm tin tôn giáo, thuyết Đơn thần.

Cả hai người, Morgan và Tyler đều cho rằng tư tưởng nhân loại về thế giới cơ bản giống nhau. Đồng bóng thì rõ là khái niệm chung của toàn nhân loại. Quan niệm này là cơ sở nền tảng cho các quan điểm Tiến hoá không trực hệ của họ và khuyến khích sự đua tranh của họ để các xã hội tiến triển song hành (không độc lập) với những thời kỳ tiến hoá.

Nhận thức về Tiến hoá không trực hệ vào cuối thế kỷ 19, xoay quanh một vài chủ đề có liên quan. Trước hết, giả sử toàn thể các xã hội đã xuất phát cùng một thời kỳ và tiến lên văn minh mà xã hội thời Victoria đại diện cho văn minh ở dạng cao nhất thời bấy giờ. Thứ hai, toàn bộ viễn cảnh có gốc rễ từ phương pháp so sánh. Phương pháp này dựa vào việc giả định rằng các nền văn hoá nguyên thủy thời bấy giờ giống với những gì mà các “hoá thạch cho biết”, tương tự như thời kỳ đầu của những nền văn minh tiên tiến trên thế giới hiện đại. Vì thế, chúng là những đầu mối của sự phát triển tiến hoá về văn hóa. Người ta có thể nghiên cứu lịch sử tiến hóa của xã hội Tây phương bằng việc khảo sát những xã hội nguyên thủy thời bấy giờ. Hiệu lực của phương pháp so sánh nầy dựa trên sự chấp nhận quan niệm thống nhất mang tính đồng bóng. Các xã hội đơn giản và các xã hội phức hợp có thể so sánh được vì trí tuệ loài người phát triển theo các qui luật giống nhau. Nếu trí óc con người hoạt động giống cách như trong tất cả các hoạt động văn hoá, giả sử khi nghiên cứu các xã hội không có mối liên kết thì phải khai thác theo cách song song. Tin tưởng ở phương pháp so sánh, sự thống nhất mang tính đồng bóng, tiến hóa song song và tiến triển đều ủng hộ cho quan điểm tiến hóa xã hội không trực hệ.

Karl Marx (1818 – 1883) và Friedrich Engels (1820– 1895), người bạn và thường là đồng tác giả với Marx, được biết đến vì những đóng góp của họ cho những ngành học khác nhiều hơn là cho các nghiên cứu của họ về Nhân loại học. Marx và Engels đều quan tâm đến thuyết Kinh tế - chính trị và họ tập trung nghiên cứu sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Tư bản. Mặc dù họ không phải là những nhà Nhân loại học, nhưng các ý tưởng về Nhân loại học của họ hay bị chỉ trích và là đề tài của nhiều cuộc tranh luận giữa những nhà Nhân loại học.

Thuyết Tiến hoá xã hội của Marx được rút ra có thay đổi từ thuyết Biện chứng của triết gia Georg Wilhem friedrich Hegel (1770 – 1831) cộng với hiểu biết của ông về thuyết Tiến hoá. Nhưng trái lại, các học giả như Locke và Tyler thì cho rằng các thể chế văn hoá mới là kết quả của tư tưởng Duy lý. Marx cho rằng toàn bộ tư duy là sản phẩm của các thể chế văn hoá hơn là nguyên nhân sản sinh ra chúng. Marx, một triết gia Duy vật, đã đưa ra tính ưu việt cho việc phân tích các điều kiện sản xuất trong xã hội.

Nhiều công trình nghiên cứu của Marx và Engels tập trung khảo sát sự xung đột phát sinh do việc tích lũy của cải của giới tư bản (giai cấp tư sản) do bóc lột giai cấp lao động (giai cấp vô sản ) mà có, khiến những ngươi nghèo khổ không ngóc đầu lên nổi. Marx và Engels nhận ra rằng xã hội thay đổi khi sự tiến triển mang tính tiến hoá đánh dấu bằng một cuộc cách mạng mà trong đó các vị trí phát triển mới về xã hội, chính trị và kinh tế được hoàn thành thông qua đấu tranh giai cấp. Họ cho rằng lịch sử như thể là một chuỗi nối tiếp các thời kỳ tiến hoá, mà trong đó mỗi thời kỳ được ghi dấu bởi một phương thức sản xuất duy nhất. Giống như các lý thuyết gia Tiến hoá không trực hệ đã vạch ra hướng tiến hóa của xã hội của loài người là từ thời kỳ hoang dã đến thời kỳ văn minh, Marx và Engels cho rằng lịch sử châu Âu chuyển từ chủ nghĩa Phong kiến lên chủ nghĩa Tư bản, rồi sẽ đến chủ nghĩa Cộng sản. Họ tin rằng chủ nghĩa Cộng sản là bước tiếp theo trong tiến trình ấy một cách tất yếu.

Trong tác phẩm cuối cùng của họ, Marx và Engels chịu ảnh hưởng sâu đặm của công trình Ancient Society của Louis Henry Morgan. Trong công trình này, Morgan cho rằng các thới kỳ tiến hoá về văn hoá của loài người tương quan với các thành tựu vật chất và kỹ thuật học. Do đó, Marx và Engels cho rằng tác phẩm của Morgan làm cho thuyết Tiến hoá của họ có giá trị. Dù Marx xem thường Spencer (là người mà Marx cho là kẻ biện hộ cho chủ nghĩa Tư bản), nhưng cả hai đã tập trung chú ý đến khái niệm xung đột như là cơ chế cho tiến hóa xã hội.

Tác phẩm của Marx phần nào đã thu hút sự chú ý trong lãnh vực Nhân loại học đầu thế kỷ 20. Mặc dù một số nhà tư tưởng xã hội như Durkheim là những người Xã hội chính trị, nhưng cho đến cuối những năm 1920, Marx mới tương đối có được một số ảnh hưởng về phép phân tích Dân tộc học tại các nước bên ngoài Liên Bang Xô Viết. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, các nhà Nhân loại học ngày càng chịu ảnh hưởng tư tưởng của Marx. Nhiều lý thuyết hiện hành trong cả hai ngành Nhân loại học văn hóa và Khảo cổ học bắt đầu dựa vào các kiến giải sắc sảo của Marx. Đây là sự thật cá biệt về mặt lý thuyết của các nhà Sinh thái học văn hoá, các nhà Tân Duy vật, các nhà đòi nữ quyền và các nhà tư tưởng Hậu – Hiện đại sẽ được đề cập tiếp theo sau. Ngày nay, một bối cảnh tư tưởng Marxist là cơ sở của việc giải thích lý thuyết văn hoá.

R. Jon Mcgee - Richard L. Warms
Southeast Texas State University
Lê Sơn Phương Ngọc dịch
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19

Gửi bàigửi bởi vantiensinh » Thứ 4 27/10/10 17:49

Hiện nay lớp mình đang học môn Các lý thuyết văn hóa học của PGS.TS Phan Thu Hiền, và một trong những lý đầu tiên mình được cô giới thiệu là thuyết Tiến hóa luậnTân tiến hóa luận.
Rất cảm ơn bạn Quang Tuan đã cung cấp thêm cho mình 1 nguồn tư liệu vô cùng quý giá để thẩm thấu nhiều hơn các lý thuyết mà cô Hiền đã giảng.
Nhờ bạn bổ sung thêm nguồn trích dẫn để mình cùng mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn cũng như có thêm cơ sở để làm tư liệu cho những tiểu luận sau này ha.
Where there's a will there's a way
Hình đại diện của thành viên
vantiensinh
 
Bài viết: 121
Ngày tham gia: Thứ 2 05/10/09 19:21
Đến từ: Pleiku City, Gia Lai Province
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 4 27/10/10 22:26

Chào anh Vantiensinh thân mến! bài này em chọn một phần của R. Jon Mcgee - Richard L. Warms,....anh cũng có thể tham tham gia dịch các bài viết của ông anh ha......em sẽ gửi cho sau, nguồn thì chính là R. Jon Mcgee - Richard L. Warms đó, anh có thể tìm đọc, chúc anh vui vẻ.
Note: anh có thể ghi mail cho em, em sẽ gửi bản tiếng Anh cho anh xem thử sao ha.
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Thuyết tiến hóa Thế kỷ 19

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 5 28/10/10 17:24

Anh Vantiensinh, nếu học chung lớp thì gặp em, em gửi anh cho....số trang nhiều quá em gửi không được........hihihi...vậy nhé anh.
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Văn hóa Phương Tây

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách

cron