BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi thienphuong » Thứ 5 12/03/09 18:36

Gửi bạn Mèo Hen.
Cảm ơn bạn đã trích lại giúp chúng tôi câu định nghĩa về Bản sắc Văn Hóa của Giáo sư Trần Ngọc Thêm (hy vọng tôi không lầm). Tôi đã đọc định nghĩa này trong cuốn Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam từ khi còn là sinh viên năm 4, và cũng vì cuốn sách ấy, định nghĩa ấy, mà bây giờ tôi có mặt ở đây để làm một học viên Cao học. Tôi hoàn toàn tán đồng định nghĩa về Bản sắc Văn hóa của Giáo sư Trần Ngọc Thêm (bởi nếu không tán đồng, cho là sai, thì ngay từ đầu tôi đã học ngành khác rồi, làm gì còn tin tưởng mà vào đây). Mà cũng bởi hoàn toàn đồng ý, cho nên, tôi, bản thân tôi, không còn điều gì để bàn luận hay phản biện nữa. Nếu bạn đọc câu phản đề của tôi, bạn sẽ thấy rất rõ ràng: câu phản đề đó được khai sinh từ định nghĩa của Giáo sư Trần Ngọc Thêm về Bản sắc Văn hóa. Tôi đặt phản đề ấy ra không có nghĩa là tôi hồ nghi hay mâu thuẫn chính mình, bởi tôi đã khẳng định ở trên rồi. Nhưng tôi muốn thử khám phá từ góc nhìn ngược lại, như thế, ta sẽ hiểu sâu sắc hơn. Tôi chân thành cảm ơn bạn, vì câu định nghĩa của bạn gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm về một thời gian học tập rất say mê. Cảm ơn bạn rất nhiều.

Gửi anh dokhoa
Đầu tiên, rất cảm ơn anh đã quan tâm góp ý cho phản đề tôi thử nêu ra. Thực ra, có hai điểm tôi muốn anh rõ ý tôi hơn. Thứ nhất, đây không phải là tôi "cho rằng", cũng không phải là quan niệm của tôi, vì tôi chưa bao giờ quan niệm thế cả, mà là tôi thử đặt một phản đề thôi, thứ hai, cũng như điều thứ nhất, tôi không "phản biện hay lật lại" vấn đề mà là "giả thiết" vấn đề (hai điều này tôi đã nói trong phần nêu ra phản đề đến hai lần). Còn chuyện "cách lật lại vấn đề theo kiểu này sẽ đến một lúc nào đó khoa học sẽ suy tàn" thì rất mong anh xem xét lại cho. Tôi không "lật lại" vấn đề theo kiểu cho vui miệng, "ba hoa xả stres", cụ thể là tôi đã nêu ra lý chứng rõ ràng. Tôi nêu ra phản đề, cũng là "thực hiện" một bài tập, một câu hỏi mà Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu đưa ra "Liệu có Bản sắc Văn hóa không?", tôi muốn thử giả thiết nếu không có thì sẽ thế nào? Giáo sư Trần Ngọc Thêm có lần đã nói: "Lật lại vấn đề để cái gì họ đúng thì ta sửa, cái gì ta đúng thì ta hiểu sâu hơn, và cả hai cùng bổ sung cho nhau, thế mới là làm Khoa học". Theo chủ quan của tôi thì sở dĩ Khoa học phát triển được là do quá trình phủ định, hồ nghi. Nếu Galilea mà không lật lại vấn đề trái đất hình vuông thì trái đất liệu có hình tròn như hôm nay? Kính mong anh một lần nữa hiểu cho, đây là tôi giả thiết phản đề chứ tôi không phản biện vấn đề.
Còn về lý luận phản biện cái phản đề mà anh nêu ra thì tôi thấy có sức thuyết phục cao. Tôi cho rằng, những gì anh nêu lên là hợp lý, đã giải quyết được phần lớn những viện dẫn trong phản đề của tôi, như thế, phản để giả thiết của tôi đã không đứng vững. Tuy nhiên, tôi chỉ xin anh giải thích rõ hơn về hai vấn anh nêu ra sau: 1) " khu biệt không có nghĩa là ngồi tưởng tượng hay sáng tạo ra được. Nó được tạo ra từ thực tiễn cuộc sống và sự giao lưu và tiếp biến văn hoá, nó có thể là sự tổng hợp nhiều yếu tố của nhiều nền văn hoá khác nhau nhưng nó vẫn có những nét riêng, nét riêng đó chính là sản phẩm của sự tổng hợp trên", dù là thực tiễn thì cũng cần phải sáng tạo chứ? nếu mỗi cộng đồng không "tự sáng tạo ra được" cái đặc thù thì lấy gì mà giao lưu, tiếp biến với nhau? Nét riêng chính là "sản phẩm của sự tổng hợp", thế thì nó đâu có gọi là riêng, nó gọi là "thập cẩm" chăng? 2) "Bản sắc văn hoá hay văn hoá là sản phẩm của con người tạo ra trong hoạt động thực tiễn chịu chi phối bởi thực tiễn, cho nên một khi thực tiễn thay đổi nó sẽ phải thay đổi theo. Nhưng nếu khu biệt trong một giai đoạn lịch sử nhất định thì nó là cái bền vững. Và nếu nó mất đi nhưng tâm thức của người dân về nó vẫn tồn tại". Nếu chỉ trong một giai đoạn Lịch sử nhất định thì liệu có gọi là Bản sắc? Và một giai đoạn Lịch sử thì được quy ước ra sao? Vậy từ khi có nước Việt Nam ta là đã qua bao nhiêu giai đoạn Lịch Sử?
Kính mong anh giảng giải giúp. Chân thành cảm ơn sự quan tâm và trao đổi của anh cũng như những chỉ dẫn quý báu của anh. Chúc anh nhiều sức khỏe :mrgreen:
Non ministrari , sed ministrare
Hình đại diện của thành viên
thienphuong
 
Bài viết: 200
Ngày tham gia: Thứ 3 04/11/08 17:12
Đến từ: LocHung
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi SongBiec » Thứ 5 12/03/09 23:57

Cách đặt vấn đề của thienphuong khá thú vị. Nó khiến ta phải suy nghĩ, không tư duy theo lối mòn.
Về ba phản đề thienphuong đặt ra, tôi có ý kiến như sau
thienphuong đã viết:Thứ nhất: Không có gì là đặc trưng Văn Hóa hết, vì cái gì muốn gọi là đặc trưng phải hôi đủ hai yếu tố: khu biệt (khác người) và bền vững. Nhưng ngày nay, ta có thấy cái gì là bền vững đâu

Nếu đặt vấn đề văn hóa vào hệ tọa độ C-T-K thì ta sẽ có ngay câu trả lời. Nhìn tổng chiều dài, văn hóa phải thay đổi, cùng với sự thay đổi của xã hội. Nhưng xét trong từng giai đoạn lịch sử thì ta sẽ thấy có những yếu tố không đổi, hoặc đổi rất chậm so với các yếu tố khác. Đó chính là những yếu tố thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngày nay ta không còn dùng trống đồng, nhưng vẫn còn nhiều lắm những tàn tích của trống đồng trong các hoa văn trang trí, hình ảnh biểu trưng. Tục uống trà xanh thì đậm nét hơn. Người Việt Nam, kể cả giới trẻ,vẫn thích uống trà xanh hơn là Coca Cola. Nhưng cách thưởng thức thì không giống như cha ông ngày trước
thienphuong đã viết:Thứ hai: khi ta chấp nhận bản sắc trong một giai đoạon là biến đổi nhưng trong cả một quá trình lâu dài thì không thay đổi. Tôi đặt vấn đề như sau: quá trình lâu dài là tổng hợp các quá giai đoạn ngắn, mà khi giai đoạn ngắn ta chấp nhận là thay đổi, thì sao cả quá trình đứng yên được?

Để giải quyết vấn đề này, ta cần phân biệt giữa những biến đổi về lượng và những biến đổi về chất của sự vật. Về ví dụ của bạn đưa ra, tôi bây giờ và tôi 5 tháng tuổi, thì tôi vẫn là tôi. Tôi bây giờ khác tôi 5 tháng tuổi về thể chất, chiều cao, cân nặng, tình cảm, tri thức,.... Nhưng tôi chẳng thể là ai khác, ngoài tôi. Và cho tới 50 năm sau, tôi vẫn là tôi, khoa học vẫn nhận diện được, thông qua cấu trúc ADN, dấu vân tay.
Trong văn hóa cũng vậy. Tục uống trà đã từng rất phổ biến ngày xưa, ngày nay thì tục này đã thay đổi, có thể mai sau sẽ chẳng còn tục uống trà nữa. Nhưng tâm thức của người Việt, cách ứng xử của người Việt với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên hầu như không thay đổi trong một khoảng thời gian rất dài. Và chính cách ứng xử này sẽ tạo ra những phong tục mới trên con đường phát triển của nó. Những phong tục này sẽ khác với phong tục trong quá khứ về hình thức, nhưng về bản chất thì nó vẫn không thay đổi
thienphuong đã viết:Có thật có cái là bản sắc văn hóa không hay chúng ta chỉ là xâu chuỗi các sự việc ngẫu nhiên lại rồi ấn định nó là Bản sắc Văn Hóa? Nếu nói đặc trưng và bền vững thì sao cùng điều kiện, cùng lịch sử tương tự, nhưng chỗ bền vững, chỗ không?

Chính cái bền vững hay không bền vững cũng là một biểu hiện của bản sắc văn hóa. Đó là những kết quả khác nhau của những cách ứng xử khác nhau đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội
LÁ SÂN TRƯỜNG một thời áo trắng
SÓNG NGÀN KHƠI gửi đến muôn nơi
SongBiec
 
Bài viết: 156
Ngày tham gia: Thứ 3 04/03/08 12:14
Đến từ: Gia đình văn hóa K9
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi huynhvanthong » Thứ 7 14/03/09 11:54

Các bạn có nhận ra sự lòng vòng của cách định nghĩa như sau không: “cá tính là tính cách riêng của một người”? Hình như, cách mà nhiều người định nghĩa khái niệm “bản sắc” cũng có dáng dấp như thế. Xin miễn cho tôi khâu trích dẫn cụ thể ở đây.
Các lập luận hướng khái niệm “bản sắc” đến cái gọi là “tính đồng nhất” rất khiên cưỡng. Có thể đó là một ngộ nhận từ vựng do từ “identity” trong tiếng Anh có nét nghĩa thứ nhất là “tính đồng nhất”. Theo tôi, nét nghĩa thứ hai của từ “identity” (nhân dạng) mới liên quan đến nghĩa của từ “bản sắc”.
Bản sắc là “tự có” chứ không phải là do “tự nhận”, vì thế nói bản sắc do giáo dục mà có thì càng đáng ngại hơn. Và nói bản sắc là chuyện “nhiều chính trị mà ít khoa học” thì càng khiên cưỡng hơn.
Có lẽ chỉ nên nghĩ thật đơn giản, thật súc tích, rằng bản sắc văn hoá là “đặc trưng nền tảng” của văn hoá dân tộc. Nó là đặc trưng, thì đương nhiên nó phải khác biệt, thậm chí khác biệt đến mức độc đáo. Nó là nền tảng, thì đương nhiên nó phải bền vững, lâu đời và làm thành cốt cách. Áo dài của phụ nữ Việt Nam rõ là mới đây thôi, nhưng cốt cách của nó thì đã tự lâu đời. Cái cốt cách ấy của áo dài mới là bản sắc, kể cả khi áo dài đã phối không ít các chi tiết Tây Tàu vào đó.
Bản sắc là “đặc trưng nền tảng”, thế là quá đủ để bắt đầu, và đủ để chính xác (kể cả chính xác trên phương diện “chiết tự”). Một khái niệm muốn đạt được độ chính xác thì cách tốt nhất là nội hàm của nó phải “đủ mơ hồ”. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó lại là một nguyên lý logic được thừa nhận. Từ đó, chúng ta nên xác lập một cách thảo luận chủ đề này có tính “hành động” hơn hay không? Chẳng hạn, như những tác giả Trần Ngọc Thêm, Phan Ngọc, … đã làm trong những công trình danh tiếng của họ, là bắt tay vào thảo luận những nội dung cụ thể về bản sắc văn hoá dân tộc dựa trên một cách tiếp cận cụ thể nào đó. Câu chuyện của chúng ta, biết đâu, là thú vị hơn nhiều, vì vượt qua được cái cảm giác “trả bài” cho thầy. Chắc là thầy Hiệu cũng mong đợi điều đó từ học trò (xin lỗi, chính xác phải gọi là NGƯỜI HỌC).
Người ngoại đạo
RANDOM_AVATAR
huynhvanthong
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 20:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi dokhoa » Thứ 7 14/03/09 16:11

chào anh Hạnh, huynhvanthong, thienphuong
Theo cá nhân tôi, có một số ý kiến sau đây:
- Văn hóa và bản sắc văn hóa chỉ có thể lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường giáo dục, tuy nhiên giáo dục ở đây có nghĩa rất rộng, không đơn thuần là hoạt động truyền đạt của người dạy và hoạt động tiếp thu của người học giống như giáo dục ở nhà trường. Giáo dục ở đây gắn bó với con người từ lúc sinh ra, từ lúc còn ẵm ngửa cho đến lúc mất đi, giáo dục có thể thông qua nhưng lời ru, câu hò của bà, của mẹ, thông qua những tấm gương của các thành viên trong gia đình, thông qua cách cư xử của những người xung quanh, thông qua cách tổ chức cuộc sống của gia đình, của cộng đồng... Tất cả những hoạt động ấy đều mang tính giáo dục, góp phần hun đúc các giá trị văn hóa dân tộc cho mỗi cá nhân, góp phần hình thành nên nhân cách con người. Anh Hạnh có đặt vấn đề liệu tính cộng đồng có được lưu truyền bằng con đường giáo dục không, theo tôi, tính cộng đồng vẫn được lưu truyền bằng con đường giáo dục. Ngay cả trong giai đoạn hiện nay, mỗi người Việt Nam vẫn mang trong mình một chút gì đó của tính cộng, đồng tính cộng đồng ấy chúng ta được tiếp thu từ tuổi ấu thơ trong gia đình, trong cách cư xử với các cộng đồng xã hội khác, đó đều là hoạt động giáo dục theo nghĩa rộng.
- Đối với Thienphuong, có lẽ cách dùng từ "cho rằng" của tôi đã khiến bạn hiểu lầm, thật ra tôi biết bạn đang lật lại vấn đề như một cách để chúng ta trao đổi thảo luận thêm, vấn đề này không có gì phải tranh luận nữa.
Thienphuong có nêu 2 vấn đề và yêu cầu giải thích:
1- " Nét riêng chính là "sản phẩm của sự tổng hợp", thế thì nó đâu có gọi là riêng, nó gọi là "thập cẩm" chăng?". Có lẽ bạn đã không hiểu được ý của mình. Văn hóa nói chung và bản sắc văn hóa nói riêng được tạo ra từ thực tiễn của cuộc sống, đó là những hoạt động có mục đích của con người cải tạo tự nhiên và xã hội để phục vụ cho con người. Mỗi cộng đồng người tạo ra văn hóa đều xuất phát từ thực tiễn. Bản sắc văn hóa lại có thể được hình thành lại do sự tiếp thu, tổng hợp của nhiều yếu tố văn hóa khác, tuy nhiên những yếu tố văn hóa ngoại lai này không phải thuần nhất nguyên bản của nó mà đã được biến đổi, khúc xạ bởi nền văn hóa tiếp nhận. Vấn đề là làm sao để có thể tiếp nhận và biến đổi được mà không phải là "thập cẩm" đều đó phụ thuộc vào bề dày và bản lĩnh của nền văn hóa tiếp thu (văn hóa bản địa)
2- "Nếu chỉ trong một giai đoạn Lịch sử nhất định thì liệu có gọi là Bản sắc? Và một giai đoạn Lịch sử thì được quy ước ra sao? Vậy từ khi có nước Việt Nam ta là đã qua bao nhiêu giai đoạn Lịch Sử?. Phần này tôi đồng ý với sóng biết hãy đưa nó vào hệ tọa độ C-K-T sẽ rõ. Còn về phần một giai đoạn lịch sử được qui định ra sau, vấn đề này mang tính chất tương đối, tùy từng cách tiếp cận. Theo mình thienphuong cũng nên phân biệt hiện tượng văn hóa và bản sắc văn hóa.
Bạn huynhvanthong cho rằng bản sắc văn hóa là cái đặc trưng nền tảng, theo mình đây cũng là một cách định nghĩa hay. Tuy nhiên các định nghĩa trước đây không phải hướng đến tính đồng nhất mà cái đồng nhất ở đây phải đặt nó trong mối quan hệ với cái đặc trưng. Ví dụ tính cộng đồng là bản sắc văn hóa Việt Nam, thì tính cộng đồng là cái đặc trưng riêng có của Việt Nam, giúp phân biệt Việt Nam với các nước khác và trong mỗi người Việt Nam, ít nhiều vẫn mang trong mình tính cộng đồng
HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH
RANDOM_AVATAR
dokhoa
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 13/11/08 8:04
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi huynhvanthong » Thứ 7 14/03/09 19:57

@dokhoa: khái niệm "giáo dục" bị mở rộng quá mức rùi!
Người ngoại đạo
RANDOM_AVATAR
huynhvanthong
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 20:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi SongBiec » Chủ nhật 15/03/09 6:33

Khái niệm "giáo dục" như bạn dokhoa nói hoàn toàn chính xác.
Ta có giáo dục trong trường học, giáo dục từ xã hội và giáo dục trong gia đình
Đến lượt mình, giáo dục trong trường học lại được phân ra thành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục phổ thông,...
Bạn có thể tìm thêm định nghĩa về giáo dục để thấy rằng giáo dục không phải chỉ là giáo dục trong nhà trường
Và bạn cũng có thể đọc cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của Trần Ngọc Thêm. Trong cuốn sách này, tác giả đã khẳng định rằng một trong bốn chức năng của văn hóa là giáo dục.

Còn về việc định nghĩa "bản sắc văn hóa", thật ra đây là vấn đề mà thầy Hiệu đang giao cho chúng tôi giải quyết. Quả là không dễ dàng gì, vì trên thế giới đã có rất nhiều cách hiểu, định nghĩa khác nhau về "bản sắc văn hóa". Cám ơn bạn đã tham gia góp ý với chúng tôi.
Cá nhân tôi, tôi thấy bạn không hề là một người "ngoại đạo" như bạn đã từng nhận. Chúng tôi rất vui vì có bạn cùng tham gia thảo luận. Nhờ thảo mà cuộc thảo luận sinh động, sôi nổi hơn.
Chúng ta không đồng ý với ý kiến của nhau trên diễn đàn này, đó là vấn đề học thuật. Ở phương diện khác, chúng ta vẫn là bạn bè, đúng không? Miễn là ta luôn giữ được thái độ đúng đắn trong tranh luận.
LÁ SÂN TRƯỜNG một thời áo trắng
SÓNG NGÀN KHƠI gửi đến muôn nơi
SongBiec
 
Bài viết: 156
Ngày tham gia: Thứ 3 04/03/08 12:14
Đến từ: Gia đình văn hóa K9
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi huynhvanthong » Chủ nhật 15/03/09 9:08

@dokhoa & songbiec: Có lẽ đó là câu chuyện "di truyền xã hội" và "hấp thụ văn hoá" - những khái niệm cũng không mấy xa lạ trong văn hoá học. Còn khái niệm "giáo dục" thì nội hàm của nó luôn ràng buộc dấu hiệu "được tổ chức một cách có ý thức". Ngoại diên các khái niệm trừu tượng trong thực tế có thể có những phần overlap, vấn đề là các dấu hiệu nội hàm phải tách bạch những phần overlap này ra. Nếu không, các ranh giới khái niệm sẽ "nhoè" và không còn giúp ích gì trong việc phân định lý thuyết. Các giá trị văn hoá đương nhiên là được chuyển tải qua con đường giáo dục, nhưng đến mức "chỉ qua con đường giáo dục" thì không phải. Hình như, chính định nghĩa rất kinh điển của Tylor cũng nhắc nhở điều đó. (P/S: songbiec ui, mình chưa hề có ý kiến gì về chức năng của văn hoá trong các ý kiến của mình ở topic này. Và mình sẽ tìm đọc "Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam của GS. Trần Ngọc Thêm :D )
@all member: Diễn đàn luôn là diễn đàn! Đừng ngại thái độ - Hãy ngại quan điểm! Tự do hàn lâm là một yếu tố rất cơ bản của văn hoá đại học.
@K9 member: thầy Hiệu "giao" cho các bạn làm rõ khái niệm "bản sắc văn hoá". Có nhiều cách mà! Cách "T to T" (lý thuyết đến lý thuyết). Cách "R to T" (thực tế đến lý thuyết). Cách "B to T" (từ suy nghĩ đến lý thuyết). Chúng ta đang đi theo cách "T to T" hơi nhiều. Thử với cách "R to T" xem sao. "Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam" của GS. Trần Ngọc Thêm theo hướng R to T khá rõ. Chẳng hạn, bàn về chuyện "tè bậy" (lại nói tào lao rùi!!!) của người Việt trong chủ đề "bản sắc văn hoá", biết đâu lại "sáng ra" nội hàm đích thực của khái niệm này! Thầy Hiệu ui! Xin tha cho tội xúi giục! :D
Người ngoại đạo
RANDOM_AVATAR
huynhvanthong
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 20:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi Nguyen Van Hieu » Thứ 3 17/03/09 8:38

Các bạn thân mến,
Không dễ định nghĩa văn hóa. Đối với bản sắc văn hóa tình hình hẳn còn phức tạp hơn. Qua phần tư liệu đã gởi, tôi muốn góp phần giúp các bạn học viên tiếp cận với nhiều định nghĩa về bản sắc văn hóa từ nhiều góc độ khác nhau.
Riêng ở cấp độ bản sắc văn hóa dân tộc, có thể thấy định nghĩa của GS. Trần Ngọc Thêm do bạn meohen cung cấp là một định nghĩa có tính khoa học cao, có bổ sung những điểm cơ bản so với định nghĩa trước đó cũng của chính giáo sư (xem bài viết của GS. Trần Ngọc Thêm trong Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, Lê Ngọc Trà tập hợp và biên soạn, Nxb Giáo dục, 2001). Định nghĩa mới vừa đảm bảo được tính ngắn gọn, vừa chú ý đến hệ thống giá trị cốt lõi, bền vững lẫn những đặc trưng tạo nên tính đặc thù dân tộc, giúp khu biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Các bạn có thể dựa vào định nghĩa (mới) của GS. Trần Ngọc Thêm để nhận diện bản sắc văn hóa ở các cấp độ khác cũng như tìm hiểu kỹ hơn các sơ sở hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở đây tôi giới thiệu thêm về quan niệm của Émile Durkheim và P. Sztompka về tiêu chí và cơ sở hình thành bản sắc văn hóa cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc, trên cơ sở đó chúng ta suy nghĩ thêm về những giá trị cốt lõi, bền vững của một cộng đồng, một dân tộc:
Theo E. Durkheim, tính xã hội và chất lượng của bản sắc cộng đồng có 3 đặc điểm:
1. Nó được sẻ chia bởi toàn xã hội
2. Được các thành viên tôn trọng
3. Là chuẩn mực liên kết và xác định cách mà các cá nhân cảm nhận về họ và về xã hội [Dẫn theo P. Sztompka, From East Europeans to Europeans: Shifting identities and boundaries in a new Europe, 2004]
Còn theo P. Sztompka, đó là:
1. Cư dân lâu đời gắn với một lãnh thổ, môi trường nhất định,
2. Có chung truyền thống lịch sử, ký ức tập thể, có biểu tượng anh hùng chung, tổ tiên chung – dù hiện thực hay huyền thoại,
3. Có vốn văn hóa chung về ngôn ngữ, tín ngưỡng – tôn giáo, phong tục, lối sống…,
4. Có hệ tư tưởng chung, lý tưởng chung.
[P. Sztompka, bđd]
Như vậy, ít nhiều chúng ta cũng đã có “chỗ dựa” về định nghĩa bản sắc văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc. Vừa qua các bạn cũng đã có những ý kiến khá sôi nổi và hữu ích về vấn đề này.
Theo tôi, sắp tới chúng ta nên tập trung vào các cách tiếp cận, cả về lý luận lẫn thực tiễn, và cần tập trung vào bản sắc văn hóa Việt Nam.
Về tiếp cận hệ thống để tìm ra những giá trị cốt lõi và những biểu hiện đặc trưng của văn hóa Việt Nam qua các thành tố đã có một số công trình nghiên cứu, tiêu biểu là công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của GS. Trần Ngọc Thêm mà các bạn đã có dịp thảo luận. Nay các bạn có thể ưu tiên cho việc nghiên cứu từ góc độ thực tiễn như bạn huynhvanthong – một vị khách rất tâm huyết với chủ đề chúng ta đang thảo luận – đề nghị. Tôi chỉ nhắc lại ở đây một quan điểm tiếp cận đã từng nêu với các bạn trong lớp qua liên hệ với quan điểm của một nhà nghiên cứu nước ngoài: Nghiên cứu văn hóa phải nghiên cứu cái toàn thể và không thể giải thích những phần riêng biệt cho đến khi mối quan hệ của chúng đối với cái toàn thể có biểu hiện rõ ràng. Qua đó, nghiên cứu các hiện tượng cụ thể cũng phải đặc biệt lưu ý đến tính hệ thống của văn hóa. Chúng ta có thể bắt đầu từ một hiện tượng như bạn huynhvanthong đề xuất (hay « xúi » theo cách nói của bạn huynhvanthong) hay từ các hiện tượng khác, chẳng hạn có hay không có « văn hóa xếp hàng » trong văn hóa Việt Nam và điều đó nói lên đặc điểm gì của văn hóa Việt Nam, cách thức giải quyết vấn đề của người Việt trong so sánh với...
GHI CHÚ :
Tôi viết hơi dài nhưng cũng nhằm hướng đến việc chúng ta vừa có thể thảo luận trên diễn đàn vừa để dành thời gian cho các bạn trình bày một số đề tài cụ thể trên lớp. Các bạn nhớ chuẩn bị đăng ký đề tài và chuẩn bị cho trình bày trên lớp.
TS. Nguyễn Văn Hiệu
RANDOM_AVATAR
Nguyen Van Hieu
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 10/12/07 20:05
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi huynhvanthong » Thứ 7 21/03/09 22:34

Uả, vậy là topic này đóng luôn hả? Sau hổng thấy K9 member đâu nữa?
Người ngoại đạo
RANDOM_AVATAR
huynhvanthong
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: Thứ 5 18/12/08 20:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA VIET NAM

Gửi bàigửi bởi nguyenthihanh » Thứ 4 25/03/09 8:54

Nhân đây xin bàn về hiện tượng đái bậy theo như gợi ý của bạn huynhvanthong. Đã gọi là đái bậy tức là đã có cách nhìn nhận, đánh giá về nó. Đó là hành động không tốt, xã hội không đồng tình.

Đối với chủ thể của hành động thì sao? Đái bậy giúp giải tỏa nhu cầu cá nhân đúng lúc, kịp thời. Tại sao họ đái bậy? Với những người có ý thức thì cũng ráng tìm nhà vệ sinh công cộng nhưng không thấy. Vì cấp bách giải quyết nhu cầu nên đái bậy. Với những kẻ không ý thức được hậu quả hành động của mình thì cứ có nhu cầu là giải quyết mọi lúc mọi nơi. Một nguyên nhân nữa là nhà vệ sinh công cộng vừa bẩn vừa hôi, lại phải tốn tiền còn “đái đường” thì mát mẻ, thoải mái, dễ chịu, lại không tốn tiền nên nhiều người chọn cách thứ hai.

Xét về không gian thì chỉ ở thành thị người ta mới gọi đó là đái bậy. Còn ở nông thôn thì thực sự chẳng ai gọi đó là đái bậy. Chuyện đó hết sức bình thường. Nông thôn đất rộng bao la, cây cối um tùm. Người ta giải quyết nhu cầu bên bụi cỏ, sau những cây cổ thụ hay chui tuốt vào rẫy là chuyện thường thấy. Không phải chỉ nam giới mà cả phụ nữ. Ngay chuyện đại tiện, người ta cũng cầm cuốc ra vườn, ra đồng mà giải quyết. Điều này chẳng ảnh hưởng đến ai, mà cũng chẳng mấy ai nhìn thấy.

Xét cho cùng về nguồn gốc thì nước ta là đất nước với nền văn hóa nông nghiệp hàng ngàn năm. Lối sống nông thôn ăn sâu vào máu thịt con người. Những lề thói xưa khó mà bỏ được. Tiện đâu giải quyết đó chỉ thích hợp ở nông thôn. Bước vào đô thị thì chuyện đó không còn bình thường nữa. Nhà cửa, vỉa hè, đường sá… sầm uất. Vài hàng cây làm bóng râm, chẳng có bụi cỏ, nương khoai, đái bậy trên vỉa hè ai đi qua cũng thấy, vừa làm ô nhiễm môi trường lại mất mỹ quan đô thị. Vấn đề ở đây là hành vi này thực hiện không đúng chỗ, sai về mặt không gian.

Đô thị hóa nông thôn không phải là chuyện dễ dàng. Tâm thức nông dân đã ăn sâu vào máu thịt, không phải ai cũng bắt kịp thời đại. Chính vì vậy, đô thị hóa nông thôn sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc một số tính cách thói quen ở nông thôn đi vào thành thị, không phù hợp cho việc phát triển đô thị, chẳng hạn thói tùy tiện: tiện đâu giải quyết đó của không ít người.

Vấn đề là ở chỗ cần biết phát huy những nét văn hóa nào có ích cho sự phát triển xã hội, trở nên văn minh hơn, tốt đẹp hơn và hạn chế dần rồi xóa bỏ những nét văn hóa làm cản trở sự phát triển của xã hội mới.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải chú trọng phương pháp tổ chức quản lý đô thị, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và có những biện pháp cụ thể xử lý những hành vi vi phạm.
Hình đại diện của thành viên
nguyenthihanh
 
Bài viết: 52
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:34
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến19 khách