Con cò & con cóc-Suy ngẫm về thân phận người Việt

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Con cò & con cóc-Suy ngẫm về thân phận người Việt

Gửi bàigửi bởi ThuyOanh » Thứ 4 25/03/09 10:40

Giáo sư Phan Ngọc cho rằng văn hoá Việt Nam được đặc trưng bởi bốn thành tố: Tổ quốc, gia đình, thân phận và diện mạo. Đây là một nhận định chính xác và sâu sắc. Bốn thành tố trên có liên quan với nhau, là điều kiện cho nhau và trong một chừng mực nào đó là bổ sung và đối trọng của nhau. Mặc cảm thân phận có thể coi là một mẫu số chung nhạy cảm. Người Việt không chỉ bị ám ảnh và suy tưởng về thân phận cá nhân liên quan đến diện mạo trong cộng đồng, mà còn xót xa với thân phận gia đình và Tổ quốc trong những diễn biến trầm luân của nó. Khảo sát văn hoá Việt Nam mà không quan tâm đúng mức đến mặc cảm thân phận thì sẽ khó giải mã được những biểu hiện tinh tế, phức tạp của tâm thức văn hoá Việt.

Mặc cảm thân phận xuyên suốt và ám ảnh trong nhiều hình tượng văn học và biểu tượng văn hoá, trong đó, bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm" là một trong những biểu hiện đậm nét nhất. Đó là tiếng nói của thân phận nông dân Việt nói riêng và người Việt nói chung nhắn gửi ông Trời và con cháu. Hình tượng con cò trong ca dao Việt Nam mang tính chất một biểu tượng văn hoá, một hiện thân của thân phận người Việt và một biểu trưng của tính thơ. Trong tư cách là biểu tượng văn hoá, con cò là nhân vật đại diện chất thơ truyền thống Việt, đối trọng với con cóc là đại diện cho tính chất phi thơ. Sự đối trọng này không phải là ngẫu nhiên. Đối chiếu hai hình tượng này ta thấy rõ chúng đối trọng nhau, tương phản nhau đến từng chi tiết:

Con cò: Trắng, đẹp, mượt Con cóc: Đen, xấu xí, sần sùi

Con cò: Trên cánh đồng mênh mông Con cóc: Trong hang chật chội

Con cò: Bay lả bay la Con cóc: Ngồi đấy, nhảy ra

Con cò: Yếu ớt, hiền lành dịu dàng, Con cóc: Khoẻ, nghênh ngáo, cộc lốc

Con cò: Hành động khó khăn, phức tạp Con cóc: Hành động dễ dãi, giản đơn

Con cò: Có mục đích nhỏ, cụ thể thiết thực Con cóc: Vô mục đích hoặc có mục đích lớn

Con cò: Không bị châm biếm Con cóc: Bị châm biếm

Qua sự đối chiếu này ta thấy con cò là biểu tượng của thân phận con người lao động bình thường, nhỏ bé, an phận, giàu tình cảm và mơ mộng; con cóc là hiện thân của lớp người mạnh mẽ, giàu lý trí và ý chí, không chấp nhận thực tại - đó là những nông dân khởi nghĩa đòi đổi thay số phận và giới trí thức, quan lại giàu ý chí và lý trí. Nếu con cò và những hình tượng nằm trong hệ thống mô típ trữ tình kiểu con cò được coi là có chất thơ, hợp với tần số trữ tình của văn hoá Việt, thì con cóc hiển nhiên phải là hiện thân của cái phi thơ. Ở đây, xét từ góc độ ý thức về thân phận thì con cò được người Việt xưa này thương cảm vì nó tỏ ra "biết thân biết phận", dùng thơ con cò ru con có thể giáo dục cho con trẻ trở lên ngoan ngoãn, biết điều, không gây hấn mà năn nỉ van xin kẻ mạnh nới tay giữ cho mình một chút danh thơm trong sạch trong tư thế kẻ yếu, kẻ sa cơ lỡ vận, kẻ bị oan. Bài thơ con cóc không được đem ru con chắc là vì cha ông ta sợ nhồi vào trí não trẻ con những thái độ nhâng nháo, không biết thân biết phận (?!) Song, cả con cò và con cóc đều là những biểu tượng văn hoá phức tạp mang trong nó những chiều hướng khác nhau của tâm thức văn hoá Việt đầy nghịch lý, đều là những biểu hiện rõ nét của mặc cảm về thân phận bé nhỏ của người Việt với những biến tướng tự tôn và tự ti, khuất phục và phản kháng, kiêu hãnh và tủi hổ, lì lợm, bất cần và năn nỉ, cầu cạnh v.v...

Từ bao đời nay, tiếng kêu cứu của con cò trong bài ca dao "con cò mà đi ăn đêm" là lời tự thú, thanh minh và than thở của thân phận người nông dân Việt Nam, là lời khẩn cầu được cứu vớt cả thể xác và linh hồn. Nhu cầu giải phóng linh hồn xuyên qua cả cái chết. Người Việt Nam chấp nhận trả giá, chấp nhận sự trừng phạt, chấp nhận cái chết dù đó là cái chết oan, nhưng đòi hỏi kẻ mạnh phải tôn trọng, phải đối xử với cái chết của mình bằng những hình thức tương xứng với con người lương thiện. Trong một khía cạnh nào đó, lời khẩn cầu "có xáo thì xáo nước trong" còn có ý nghĩa biện minh cho một tội lỗi con người mắc phải trong tình thế ("đi ăn đêm","lộn cổ xuống ao"). Chỉ với sáu câu lục bát thôi, bài ca dao đã ghi chép tất cả cái tinh tuý của hồn Việt với ý thức về thân phận và khát vọng vượt lên thân phận nhược tiểu, lệ thuộc bằng sự tìm kiếm khôn nguôi những ý nghĩa cao cả, những giá trị đạo đức và văn hoá.
RANDOM_AVATAR
ThuyOanh
 
Bài viết: 23
Ngày tham gia: Thứ 3 16/12/08 17:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến31 khách

cron