ban sac van hoa

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

ban sac van hoa

Gửi bàigửi bởi minhphuc » Thứ 4 01/04/09 8:18

Qua tham khảo các quan niệm về bản sắc văn hóa do Thầy cung cấp và qua trao đổi của các bạn trên diễn đàn, tôi thấy rằng cũng như văn hóa, vấn đề bản sắc văn hóa hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau, tùy theo gốc độ tiếp cận của mỗi nhà nghiên cứu và mỗi quan điểm đều có những hạt nhân hợp lý của nó đòi hỏi phải lưu tâm tìm hiểu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì tôi đồng ý với quan điểm của GS. Trần Ngọc Thêm khi ông cho rằng: “bản sắc văn hóa là các giá trị tinh thần tồn tại tương đối lâu bền hơn cả trong truyền thống văn hóa của dân tộc ấy. Bản sắc văn hóa của một dân tộc rất gần với tính cách dân tộc” (Tập bài giảng LLVH – trang 46 – 47)
Từ góc độ tiếp cận này, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng: “chẳng có gì là bản sắc văn hóa hết, chẳng có gì bền vững đặc trưng. Tất cả chỉ là sự ngẫu nhiên lặp lại mà thôi”, bởi vì:
Một là, không thể có một cá nhân, một cộng đồng, một dân tộc nào trên thế giới tồn tại mà không có bản sắc. Nếu không có bản sắc thì cùng một vấn đề tất cả mọi người, mọi dân tộc đều có cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề như nhau. Đây là điều phi thực tế. Nếu văn hóa Việt Nam không có bản sắc thì không thể nào chịu đựng được “sự đồng hóa” của ngoại bang qua thời Bắc thuộc, bởi vì chúng ta có “bản sắc văn hóa làng”, ta mất “nước” nhưng không mất “làng”. Và từ những bản sắc văn hóa làng đã giúp chúng ta chẳng những trụ vững, mà còn “bản địa hóa” những giá trị tích cực của văn hóa ngoại bang thành những giá trị văn hóa của ta.
Không một nền văn hóa nào không đề cao bản sắc văn hóa dân tộc. Ngược lại, nếu không đưa bản sắc văn hóa vào bên trong của sự phát triển thì nền văn hóa ấy sẽ bị tha hóa.
Hai là, từ nhiều đặc điểm biến thiên của lịch sử, của địa bàn và không gian cư trú đã qui định cách tư duy, cách ứng xử và hành động trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội đã tạo nên các tố chất tinh túy làm nên bản sắc văn hóa dân tộc là cả một chuỗi thời gian nhiều thế kỷ liên tục đấu tranh và tự vệ, lan tỏa sức sống vào mọi lĩnh vực, phù hợp với qui luật phát triển. Đặc trưng tố chất tinh túy của văn hóa dân tộc được biểu hiện qua cung cách ứng xử, phong thái sinh hoạt là tâm lý dân tộc, tư duy, chiều sâu của trí tuệ, tâm hồn, là truyền thống đạo lý và quan niệm nhân sinh.
Ba là, bản sắc văn hóa dân tộc không phải là sự ngẫu nhiên lặp lại mà nó được tinh lọc qua thời gian và trở thành sức sống tự nhiên trong đời sống của dân tộc và nền văn hóa dân tộc. nó vẫn luôn được điều chỉnh, vận động, biến đổi như bất cứ hiện tượng nào. Mặc dù rất chậm và khó khăn, nhưng cùng với thời gian nó sẽ bổ sung những yếu tố nào đó làm phong phú thêm bản sắc và làm “rơi rụng” một số yếu tố nào đó một cách tự nhiên nếu nó không còn phù hợp nữa với thực tiễn cuộc sống.
Vài ý kiến trao đổi, mong nhận được sự tham gia đóng góp của các bạn.
RANDOM_AVATAR
minhphuc
 
Bài viết: 9
Ngày tham gia: Thứ 4 03/12/08 20:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến22 khách

cron