MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi violin » Thứ 5 16/04/09 19:50

mình định viết về những phương thức xử lý xác chết nhưng không thể đặt cái tựa đề ghê rợn thế được nên đành xài chữ mai táng :mrgreen:


Táng là biện pháp xử lý xác người chết với nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều hình thức mai táng như: địa táng (thổ táng), hỏa táng, thủy táng, không táng (thiên táng), huyền táng, điểu táng… nhưng ở Việt Nam phổ biến hiện nay là địa táng và hỏa táng, còn huyền táng, không táng, thủy táng chỉ có trong quá khứ hoặc rất hiếm ở các dân tộc ít người hoặc gặp trường hợp bắt buộc phải sử dụng.

1. Địa táng (Thổ táng)

“Địa táng (thổ táng) là một hình thức mai táng của loài người. Trong các hình thức mai táng: hoả táng, thuỷ táng, không táng, thổ táng... thì TT là hình thức phổ biến rộng rãi hơn cả.
Thổ táng gồm có 2 loại:

 Một loại chôn cất xuống đất vĩnh viễn, trừ phi "mả động", nghĩa là khi trong gia đình xảy ra sự cố gì bất trắc (có người ốm nặng, mất mùa, cửa nhà sa sút, chết bất đắc kì tử...), người ta mới phải cải táng.

 Một loại chôn xuống đất một thời gian nhất định (tuỳ theo tập tục quy định), sau đó bắt buộc phải cải táng (tức là lấy xương cốt còn lại đem chôn lầ nữa ở chỗ khác hay địa điểm cũ) lần này mới chôn vĩnh viễn”

Hình thức này có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Gồm có nhiều kiểu quan tài, phổ biến nhất là quan tài hình vò (hay chum) và hình thuyền có trong nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Đông Sơn và trãi khắp vùng Đông Nam Á.

Quan tài hình vò (còn gọi mộ vò, mộ chum): người xưa dùng vò để mai táng người đã khuất. Ở Sa Huỳnh, lần đầu tiên người ta lại sử dụng thuật ngữ mộ chum. Ở Làng Cả, người Đông Sơn lại dùng nồi gốm, vv. Vò hay chum được để hở hoặc đậy bằng những vung đặc biệt hoặc các hiện vật gốm nhưng cùng loại hình. Có trường hợp trong một chum, vò to còn có nhiều vò chum nhỏ đặt bên trong. Một số nhà nghiên cứu đề nghị nên sử dụng thuật ngữ mộ có quan tài gốm. Khi dụng cụ không vừa chiều dài của thi thể, người xưa có thể ghép 2 cái, hoặc đục đáy cái thứ ba để lồng vào giữa. Những quan tài được ghép bằng hai ba hiện vật thường được đặt nằm ngang. Loại hình này có phạm vi phân bố rất rộng vào thời đại sắt sớm ở khắp vùng lục địa và hải đảo Đông Nam Á. Trong thời đại đá mới, chúng tồn tại phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới nhất là đối với những cư dân chuyên làm nông nghiệp.

Quan tài hình thuyền: “người xưa dùng quan tài hình thuyền để mai táng. Còn gọi là quan tài thân cây khoét rỗng. Quan tài là một đoạn thân cây khoét rỗng lòng, chừa hai đầu hay ghép thêm hai miếng ván. Nắp quan tài có mộng hay chốt để khớp với quan tài. Trong đồ tuỳ táng thường có mái chèo. Phổ biến trong khu vực văn hoá Đông Sơn ở các vùng trũng. Ở Việt Nam hiện nay đã có gần 30 di tích cóquan tai hình thuyền thuộc văn hoá Đông Sơn được nghiên cứu. Nổi tiếng như khu mộ Việt Khê (Hải Phòng), Châu Can (Hà Tây). Tàn dư của loại quan tài này vẫn còn tồn tại nhiều nơi ở Việt Nam. Quan tài hình thuyền cũng được phát hiện ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), Thái Lan, Philippin .

2. Huyền táng (táng treo)

Hay còn gọi là tục táng treo. Một kiểu chôn người chết không phổ biến rộng rãi như địa táng nhưng xuất hiện rất nhiều trong thời xưa. Theo cách này, người ta để thi thể người chết lộ thiên, hoặc để nằm trên một tấm phên, hoặc để nằm trong quan tài hình thuyền. Có nhiều cách để quan tài như

 Đặt quan tài trên chạc ba một cái cây to hoặc treo lủng lẳng trên cành cây.

 Đặt quan tài dưới vòm mái đá hay trong hang đá ở lưng chừng núi, có khi đặt nằm sâu trong hang động. Những hang động thường nằm gần sông, có rào chắn cẩn thận, là hang thiên tạo hay do con người đào khoét. Hang được ngăn ra nhiều phòng, tạo chỗ để nhiều quan tài.

 Dùng những đoạn gỗ to ghim vào vách núi làm điểm tựa cho quan tài hoặc cắm một đầu quan tài vào những hốc đá trên lưng chừng núi,.

Ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều di chỉ về hình thức huyền táng này ở các dân tộc thiểu số miền núi và trung du như: quan tài treo ở động Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Hang đá với nhiều mộ treo ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La. Những rừng ma của các dân tộc ở Tây Nguyên nổi tiếng các làng Biên Loong, Đak Xay, Dục Lang và Vai Trang của dân tộc Giẻ-triêng ở xã Đak Long, huyện Đak Glei tỉnh Kon Tum … Hiện nay, táng treo không còn nữa vì tục này gây ô nhiễm môi trường, bệnh dịch…

3. Thủy táng

Là hình thức thả trực tiếp xác người chết xuống sông, biển, hồ… hiện nay hình thức này không còn vì gây ô nhiềm môi trường. Tuy nhiên trong những trường hợp bất đắc dĩ vẫn còn sử dụng. Nó liên quan nhiều đến điều kiện và môi trường sống cũng như ý nghĩa tâm linh của những cư dân sử dụng hình thức này. Thủy táng không chỉ có ở Việt Nam mà khá phổ biến ở những cư dân ven biển, trên các đảo nhỏ ở vùng Đông Nam Á (cả những vùng thuộc văn hóa Đông Nam Á cổ đại)

Hình thức này cũng xuất hiện trong tác phẩm văn học “Mùa hoa cải bên sông” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim “Lời nguyền của dòng sông” với hình ảnh thủy táng người vợ của lão chài họ Phạm. Hay bộ phim “Mùa len trâu” do Nguyễn Võ Nghiêm Minh làm đạo diễn với hình ảnh thủy táng người cha của Kìm giữa đồng nước mênh mông, đồng thời bộ phim này có hình ảnh cả tục táng treo trên cây, khi nước xuống mới đem chôn (mặc dù không đúng thật 100%). Điều này phần nào thể hiện cách thưc mai táng chịu ảnh hưởng rất nhiều của điều kiện tự nhiên.

4. Hỏa táng

Còn gọi hoả thiêu. Đây là phương pháp xử lí thi hài bằng cách đốt cháy thành tro (dùng gỗ, dầu mazut, dầu hoả, khí đốt; dùng điện là tốt nhất); tro của hài cốt tuỳ theo phong tục của cộng đồng mà cho vào bình kín để thờ cúng trong gia đình hoặc nơi thờ tự của tôn giáo như chùa, vv. hoặc để ở một nơi công cộng hoặc theo nguyện vọng của người quá cố (ví dụ như rải ngoài thiên nhiên).

Thuận tiện: sạch, gọn, không gây ô nhiễm môi trường, không phải cải táng, không tốn đất mở rộng nghĩa địa; tiện đối với trường hợp người chết ở nước ngoài không thể đem thi hài về nước.

Bất tiện: phi tang nếu là một vụ chết người có nghi ngờ về mặt pháp lí, không điều tra được nguyên nhân gây tử vong. Trước khi cho phép hỏa táng phải có giấy chứng nhận của thầy thuốc điều trị, của cơ sở y tế là chết tự nhiên; nếu có nghi vấn phải làm giám định y pháp trước khi hỏa táng.

Ở Việt Nam, trước đây tục hỏa táng không phổ biến lắm, chủ yếu ở người Khơ Me theo đạo Phật. Mỗi phum, sóc người Khơ Me có nơi hỏa táng riêng, nhiên liệu chủ yếu là củi. Trước khi hỏa táng, người ta tiến hành những nghi thức có tính tôn giáo nhằm đưa hồn người chết về thế giới bên kia. Hiện nay một số nơi ở nước ta như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... đã bắt đầu áp dụng hỏa táng.
Trong những tư liệu khảo cổ học cũng cho thấy tục hỏa táng đã có trong nền văn hóa Sa Huỳnh vì tìm thấy những mộ chum chứa tro cốt. Hiện vẫn chưa khẳng định được đây xuất phát từ tín ngưỡng bản địa hay du nhập từ bên ngoài.

5. Thiền táng (tượng táng)

Thiền táng (táng trong tư thế ngồi thiền) hay Tượng táng (làm thành tượng để táng), là một loại hình rất hiếm hiện nay chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt chỉ thấy ở những nhà sư Phật Giáo. Các tượng nhà sư vẫn còn nguyên vẹn xương cốt, nội tạng… được đặt trong tư thế thiền định. Đây là một hình thức táng vẫn đang dược nghiên cứu vì sự đặc biệt của nó.

Ở Việt Nam có hai trường hợp thiền tảng nổi tiếng là của nhà sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, tức Thành Đạo Tự, thuộc làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
"Theo truyền thuyết trong dân gian có nói rằng là hai thiền sư vào nhập thất có dặn là ta vào nhập thất 100 ngày, có gõ mõ niệm phật, hết 100 ngày thì toàn thân sẽ khô đi, thơm tho, nếu thực sự như thế thì để nguyên còn nếu có mùi như mọi người thì đem chôn… Đến nay di hài của hai nhà sư vẫn còn được lưu giữ theo thế ngồi thiền"

6. Hiến xác

Trong thời buổi hiện nay còn có một hình thức xử lý người chết khác là hiến xác cho khoa học nghiên cứu, chủ yếu là y học. Việc này chủ yếu là do tâm nguyện của người quá cố. Hình thức này mới có trong thời hiện đại ở Việt Nam (nhưng đã phổ biến trên thế giới ở những nước phát triển từ lâu) và rất ít thấy vì quan niệm của người dân vẫn muốn giữ cho thân xác người thân được nguyên vẹn.

Một vài thông tin: Ngày 7/2/2007, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ Tri Ân những người đã hiến xác cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa. Đại học Y dược cho biết trong 17 năm qua (1990 – 2007), Bộ môn Giải phẫu của trường đã nhận được 9.653 đơn tự nguyện hiến xác và đã tiếp nhận 228 thi hài .

Còn thiếu một hình thức nữa là Không táng nhưng mình không tìm được tài liệu. Bạn nào bổ sung giùm nhé. Cảm ơn rất rất nhiều. :lol:
con người dù có thánh thiện đến mấy thì vẫn là con người
Hình đại diện của thành viên
violin
 
Bài viết: 62
Ngày tham gia: Thứ 4 12/03/08 19:40
Đến từ: nơi tận cùng thế giới
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi violin » Thứ 5 16/04/09 19:56

* * * * *

[center]MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA TỪ CÁC HÌNH THỨC TÁNG[/center]

Qua khảo sát sơ lược, ta thấy ở Việt Nam có rất nhiều hình thức mai táng. Trong đó có thể khẳng định:

 Địa táng (thổ táng), thủy táng, huyền táng (táng treo) mang tính chất bản địa của những cư dân Đông Nam Á cổ đại, trong đó có các dân tộc Việt.

 Hỏa táng vẫn đang tranh luận, có thuyết cho rằng do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ vào văn hóa Sa Huỳnh mà hậu duệ còn lại là người Chăm ngày nay.

 Thiền táng (tượng táng) rất hiếm, chỉ có ở các nhà sư. Có thể nói hình thức táng này chỉ có từ khi đạo Phật vào Việt Nam.

 Hiến xác cũng là một hình thức mới có hiện nay.

Nhìn chung các hình thức táng ít nhiều mang tính chất bản địa đều liên quan đến đất, nước và trời. Ba thành tố quan trọng bậc nhất đối với cư dân nông nghiệp lúa nước. Ba yếu tố này được sùng bái từ rất xa xưa đến nay vẫn còn. Thể hiện rõ trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu của người Việt (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải).

Con người khi chết đi về với đất chính là về với mẹ vì Đất Mẹ đã sinh ra muôn lời, sinh ra vạn vật nuôi sống con người. Các thi hài đặt trung chum, vò cũng thể hiện cách ngồi của bào thai còn trong bụng mẹ. Những chom, vò hình tròn, bầu dục như những quả trứng vũ trụ trong quan niệm của người xưa.

Các quan tài hình thuyền, đôi khi chôn theo mái chèo thể hiện văn hóa sông nước đã in sâu vào tâm thức con người, thể hiện phương thức đi lại chủ yếu là thuyền và thuyền cũng là phương tiện đưa linh hồn người chết qua con sông ngăn cách thế giới người sống – người chết về với tổ tiên.

Khi táng treo chọn những nơi cao như trên cây, hang động, vách núi… với quan niệm linh hồn càng gần trời cao, càng dễ siêu thoát về thế giới người chết trên các tầng trời. Thể hiện rất rõ quan niệm về ba tầng thế giới của người cổ đại

Ngoài ra, các đồ tùy táng được chôn theo rất nhiều bao gồm cả đồ dùng và vũ khí cũng thể hiện ý niệm về cuộc sống bất tử của linh hồn ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, ở một số dân tộc cũng có những tục lệ thể hiện ý niệm tái sinh vào đời con cháu của ông bà tổ tiên. Cuộc sống theo quan niệm là một vòng bất tận “Đất – người – đất – người”


[center]KẾT LUẬN[/center]

Phương thức mai táng cùng với những tục lệ đi kèm thể hiện rất nhiều điều về nền văn hóa của một dân tộc không chỉ khía cạnh tinh thần mà cả vật chất. Nhờ việc nghiên cứu những ngôi mộ xưa, mà các nhà khoa học đã biết và hiểu được nhiều điều về cuộc sống của tổ tiên chúng ta.

Suy cho cùng sông chết là một vấn đề muôn thửơ mà con người quan tâm. Mai táng ngày nay không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt vẫn luôn mong muốn có “mồ yên mã đẹp” nhưng trong thời buổi dân số tăng nhanh, môi trường ô nhiễm như hiện nay thì hỏa táng đang là hình thức mà nhiều người nhắm đến và được dự báo là sẽ phát triển trong tương lai, với nền văn minh công nghiệp. Ngoài ra, gần đây có một số thông tin về việc các nhà khoa học đã có thể tạo kim cương từ tro hỏa táng. Hiến xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học cũng là một biện pháp đang được hướng đến nhiều trong thời đại ngày nay

tham khảo.
1. http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
2. http://tuvanonline.com
3. http://vietbao.vn bài

bài viết có nhiều sai sót mong mọi người góp ý :mrgreen:
con người dù có thánh thiện đến mấy thì vẫn là con người
Hình đại diện của thành viên
violin
 
Bài viết: 62
Ngày tham gia: Thứ 4 12/03/08 19:40
Đến từ: nơi tận cùng thế giới
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quananh » Thứ 5 16/04/09 22:44

Xin được bổ sung thêm như sau. Trong lịch sử Việt Nam, hiện tượng được gọi là "tượng táng", riêng trong Phật giáo Việt Nam thì gọi là “thiền táng” xuất hiện không phải là hiếm. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng hơn cả là ở chùa Thành Đạo, hay còn gọi là Chùa Đậu (tỉnh Hà Tây cũ). Và hiện tượng này được nhìn nhận như là một dạng của thuật xác ướp cổ. Hiện tại chùa này còn lưu giữ nhục thân của hai vị Thiền sư Đạo Chân (tục danh Vũ Khắc Minh) và Thiền sư Đạo Tâm (tục danh Vũ Khắc Trường) vào thế kỉ XVII đã tu hành đắc đạo ở chùa. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng : không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc và các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Đây là hai vị Thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.


Trong một đợt tu bổ và bảo quản hai pho tượng này do PGS.TS Nhân chủng học Nguyễn Lân Cường làm chủ nhiệm, các nhà khoa học đã gỡ bỏ các chất gắn cũ trên vết nứt, hỏng; diệt khuẩn trong tượng; gia cố xương; xông tượng bằng chất thy-mol; gắn các vết nứt bằng sơn ta trộn mùn cưa mịn. Sau đó sơn son thếp vàng, phủ màu hoàng kim, hoàn thiện và ủ trong buồng có nhiệt độ 20 – 23oC. Hai pho tượng này đã được tu bổ, tôn tạo từ ngày 18.4.2003 và chính thức được nghiệm thu ngày 06.11.2003. Cả hai phi tượng sau khi đã nghiệm thu xong được đặt trong hai khám bằng gỗ, ngoài có hộp kín bằng pha lê (đã rút hết không khí và bơm khí Nito) để lưu giữ và có độ bền đến cả trăm năm.


Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như : bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7 kg, sau khi tu bổ, tượng nặng 7,5 kg.


Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lụt lớn. Tượng hồi đó đã được ông Vũ Văn Tuyền, cháu của thiền sư Vũ Khắc Trường đắp lại bằng đất và sơn ta. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gãy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng 31 kg.


Không chỉ các pho tượng táng, VN đã khai quật được nhiều "xác ướp" trong các mộ táng cũng còn nguyên vẹn, không sử dụng hóa chất và không có dấu vết của việc lấy nội tạng ra khỏi cơ thể. Đáng kể nhất là xác ướp vua Lê Dụ Tông (tìm thấy ở Thanh Hóa), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử VN; xác ướp một bà quận chúa (tìm thấy ở Hà Tây), mà theo lời GS Đỗ Văn Ninh: "xác còn nguyên, mấy quả cau, miếng trầu vẫn còn tươi và nhúm thuốc lào còn thơm lừng đến có thể... hút được".


Một bí quyết của hình thức “tượng táng” là sơn ta. Sơn ta rất bền, nhưng trong điều kiện khí hậu của ta, nếu chỉ để trong chùa thôi, và đặc biệt nếu để trong các tháp rất ẩm ướt, tượng sẽ bị hỏng. Chỉ có điều, chắc còn những tháp khác có chứa thi hài mà chúng ta chưa biết được. Thêm vào đó, tượng hỏng, chẳng hạn tượng Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu là do một người Pháp lấy batong đập vỡ đầu gối vào những năm 1945 - 1946 nên ôxy lùa vào bên trong, làm nứt cả phần hộp sọ. Tất cả các vật chất nếu để trong tự nhiên đều bị oxy huỷ hoại, nhưng nếu trong môi trường Nitơ thì sẽ rất bền vững. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã để tượng sau khi sửa trong một hộp kính kín chứa đầy nitơ, nhờ đó có thể bảo quản hàng trăm năm là chuyện bình thường.


(trong bài sau sẽ posst hình ảnh, vì mạng lưới photobucket có vấn đề ^^)
Học, học nữa, học mãi, hộc máu!!!!!!!
Hình đại diện của thành viên
quananh
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 2 06/10/08 13:20
Đến từ: Giengel, Bayern, Deustchland
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quananh » Thứ 5 16/04/09 23:07

Một số dân tộc thiểu số vùng cao khi xưa còn có một kiểu mai táng nữa là: Mộc táng.


Người chết được quấn vải kín và người ta sẽ khoét thân của 1 gốc cây to. Sau đó đặt thi hài của người chết vào trong đó, rồi lắp mảnh cây vào cho kín. Cho nên, ở một số khu rừng, người ta phát hiện ra đó không chỉ là khu rừng bình thường, mà còn là một nghĩa trang.


Một hủ tục khác cũng có liên quan đến mai táng như sau (có thể là ở Việt Nam không có hình thức mai táng phản khoa học này). Đó là mồ chôn tập thể. Cũng thuộc dạng đại táng. NHưng đó lại là một mồ chôn mở. Cả một gia đình chỉ có 1 ngôi mộ. Khi có người chết, người ta sẽ chôn trong ngôi mộ đó. Và người khác chết, người ta sẽ cho mở mộ ra và chôn người mới chết bên cạnh những người chết đã lâu.


Và cuối cùng, là một hủ tục khác mà có thể được xem là nguồn gốc của hình thức địa táng sau này. Đó là hình thức mai táng kì lạ của người Dao: Thực táng. Đó là tục ăn thịt người chết. Câu chuyện này đã xảy ra từ rất lâu và người ta tưởng chừng như nó chỉ còn là cổ tích. Và vĩnh viễn tập tục này sẽ không bao giờ trở lại.


Ngày xưa, người Dao còn sống rất thưa thớt trong những bản làng xa xôi. Khi nhà nào có người chết, người nhà sẽ bắn những phát súng báo hiệu. Nếu bắn 3 phát thì tức là nhà có 1 người chết. Nếu bắn 4 phát thì có nghĩa là nhà có từ 2 người chết trở lên. Người Dao từ các bản làng khác sẽ nghe theo tiếng súng mà đến. Khi đi, họ mang một con dao và một chén dấm chua. Khi đến, họ sẽ tự động xẻo thịt người chết và nướng trên lửa, rồi chấm vào dấm mà ăn. Sở dĩ họ có cách mai táng phản khoa học như thế là bởi quan niệm: làm thế, người chết sẽ ở mãi trong lòng người sống và người sống sẽ không bao giờ quên người chết.


Và thuở ấy có một cậu bé chăn trâu, trong một lần con trâu cái nhà cậu đẻ con, cậu thấy nước mắt nó giàn giụa ra. Và từ đó cậu hiểu thế nào là tình mẫu tử cao quý. Thời gian trôi qua, cậu đã lớn và mẹ cậu cũng già đi. Một hôm, bà đã tắt thở. Lúc mọi người đến để chuẩn bị nghi thức mai táng là xẻo thịt. Thì cậu nhớ lại chuyện con trâu và cầu xin mọi người cho phép giữ thi hài của mẹ được nguyên vẹn và cho mổ trâu để thay thế. Còn về xác mẹ, cậu tự tay đi chắt một khúc cây to về và khoét một cái lỗ thật to đủ cho mẹ nằm vào tỏng và chôn xuống đất. Từ đó, già trẻ gái trai trong làng mới bàn bạc lại với nhau và cùng thay đổi cách thức mai táng cũ để chuyển qua hình thức mai táng mới.
Học, học nữa, học mãi, hộc máu!!!!!!!
Hình đại diện của thành viên
quananh
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 2 06/10/08 13:20
Đến từ: Giengel, Bayern, Deustchland
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi trungphien » Chủ nhật 19/04/09 18:24

Đề tài này hay đó, mình đang theo dõi. Mời các bác đóng góp tiếp
When the road ahead is not so easy, OUR LOVE will lead the way for us, like a guiding star ...
Hình đại diện của thành viên
trungphien
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: Chủ nhật 02/11/08 12:43
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi quananh » Thứ 3 21/04/09 23:30

Đây, hình ảnh đây, chia sẻ để cùng quan sát

Đây là tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh lúc trước khi phục chế :

[center]Hình ảnh[/center]

Và sau khi phục chế :

[center]Hình ảnh[/center]

Và đây là tượng của Thiền sư Vũ Khắc Trường trước khi phục chế :

[center]Hình ảnh[/center]

Và sau khi phục chế :

[center]Hình ảnh[/center]
Học, học nữa, học mãi, hộc máu!!!!!!!
Hình đại diện của thành viên
quananh
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 2 06/10/08 13:20
Đến từ: Giengel, Bayern, Deustchland
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC MAI TÁNG Ở VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi violin » Thứ 3 12/05/09 9:01

cảm ơn quananh đã bổ sung cho bài viết của mình. đây là một phần trong bài tập môn PPNCCN mà mình thực hiện. sẽ cố gắng hoàn thiện nó.

chân thành cảm ơn. :mrgreen:
con người dù có thánh thiện đến mấy thì vẫn là con người
Hình đại diện của thành viên
violin
 
Bài viết: 62
Ngày tham gia: Thứ 4 12/03/08 19:40
Đến từ: nơi tận cùng thế giới
Cảm ơn: 4 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến28 khách

cron