Lễ hội "đâm trâu"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Lễ hội "đâm trâu"

Gửi bàigửi bởi coutcung » Thứ 4 20/05/09 8:21

Thời gian: Khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê-táp giữa làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc buôn làng Gia Lai chuẩn bị đón Hội đâm Trâu.

Địa điểm: Lễ hội đâm Trâu được tổ chức tại buôn làng Gia Lai.

Đối tượng suy tôn: Giàng (thần).

Đặc điểm: Lễ hội đâm Trâu là do người Gia Rai và Bà Na tổ chức. Con Trâu được cột quanh cây nêu và có một thanh niên lực lưỡng được cử ra để lãnh trách nhiệm đâm Trâu. Máu hòa với rượu để cúng Giàng (thần).

Mỗi khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê-táp giữa làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc con trai, con gái các buôn làng Gia Lai chuẩn bị đón hội hè. Gặt hái xong xuôi là thời gian nghỉ ngơi, mọi nhà, buôn làng đều tổ chức các lễ hội như Hội bỏ mả (Mnăm Lui Msat), Lễ ăn cơm mới (Huă Esei Mrâo), Lễ đâm trâu (Mnăm thu)... tưng bừng, rộn rịp với các trò vui chơi, ăn uống no say.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Gia Rai, Bà Na ở Gia Lai tổ chức Lễ hội đâm trâu vô cùng hào hứng thu hút đông đảo mọi người cùng tham dự. Tùy theo gia cảnh và tùy theo số lượng người đến tham dự mà gia chủ có thể giết nhiều trâu để đãi khách. Và lần lượt mọi nhà có thể thay phiên nhau tổ chức những cuộc vui suốt sáng thâu đêm bên ghè rượu cần thơm ngon, bên gùi cơm lam nóng hổi và những xâu thịt nướng thơm phức...

Gần ngày lễ Mnăm Thu. Gia chủ cử người vào rừng chặt tre, cây blang (cây gòn núi) đem về làm cột blang Kbâo. Cột blang Kbâo giống như cây nêu ở miền xuôi nhưng công dụng thì khác hẳn.

Thầy cúng sẽ giúp gia chủ chọn chỗ để đào lỗ trồng cây nêu, thường là ở giữa sân nhà. Trong lúc đào lỗ, cả nhà ăn mặc quần áo mới đứng vây quanh, vừa la vừa hú, vừa khấn vái trời đất, xong mới chôn trụ nêu.

Sau khi dựng nêu xong, họ đem trâu đến cột dưới cây nêu. Dây cột trâu phải lựa dây thật mềm và chắc. Thế rồi giờ cử hành lễ bắt đầu. Người trong buôn làng kéo đến vây quanh cây blang Kbâo, khua chiêng, thúc trống rồi múa hát với giọng ê a. Trong lúc đó, thầy cúng lấy một chiếc nồi đồng đem ra đặt ở trước nhà, đứng hai chân trên miệng nồi rồi làm phép cúng vái. Một thanh niên nhanh nhẹn, thông minh và lực lưỡng nhất được cử ra để nhận lãnh trách nhiệm đâm trâu.

Anh chạy theo con trâu quanh cột cây nêu, tay cầm con dao Kgã, vừa chạy vừa múa dao, thừa lúc thuận tiện anh chém đứt khuỷu chân trái sau con trâu. Bị đau, con vật lồng lộn chạy bằng ba chân, anh rượt theo, vừa múa dao, thừa lúc thuận tiện nhất anh chém tiếp chân phải của nó. Con vật ngã khuỵu hai chân sau, lết quanh chân nêu. Lúc bấy giờ anh mới dùng cây giáo dài, vừa múa vừa chạy theo con trâu trong tiếng reo hò cổ vũ của mọi người tham dự. Đúng lúc thuận tiện, anh đâm mạnh cây giáo vào sườn trâu, trúng thẳng vào tim con vật làm cho nó chết ngay tức khắc.

Qua tài đâm trâu của anh, mọi người đều nhiệt liệt tán thưởng, còn các cô gái thì bàn tán xôn xao.

Con trâu vừa chết, các thanh niên trong buôn làng nhào ra phanh thây trong khi thầy cúng mang sẵn chiếc nồi đồng to tướng trong đó có chứa ít rượu đem đặt ngay cạnh vết thương con vật để hứng lấy máu. Máu hòa với rượu để cúng Giàng (thần). Người thầy cúng còn cắt một tí tai, mũi, mắt và lông đuôi con trâu rồi lấy máu bôi vào hai que tre để xin keo. Sau đó, thầy cúng đem những thứ nói trên vào nhà làm lễ và đặt hai que tre lên mái nhà.

Buổi lễ kể như đã xong, mọi người cùng nhau uống rượu cần, ăn thịt trâu nướng, dùng cơm lam và trứng gà...Trong khi đó, từng tốp thanh niên lực lưỡng khua chiêng, trống âm vang lan tỏa khắp buôn làng, nương rẫy, sông suối, núi rừng...

Nhiều bà con đến tham dự cũng mang theo các ghè rượu cần để góp vui cùng gia chủ. Rượu vào, lời ra. Các cụ già bắt đầu kể Khan Hơmon, còn gái trai Trường Sơn ra sức múa hát, quay cuồng bên bếp lửa hồng cho đến thâu đêm.


Con gái lớn lên để ngực trần
Tay tròn trịa múa mềm ngọn lửa
Họ đâm trâu thiêng liêng tiếng hú
Đôi mắt em thăm thẳm hoang sơ
Hơmon ơi có tự bao giờ
Nghe ai hát em theo về làm bạn
Không uống rượu sao ấm nồng giữa ngực
Bài hơmon nào không có chuyện yêu đương
(Thơ Xuân Mai)


Người ta túm tụm xung quanh các ghè rượu cần thơm ngon. Kẻ kéo, người mời, tiếng cười nói râm ran. Người ăn cứ ăn, người uống cứ uống, ai kể khan cứ kể, ai múa hát cứ tiếp tục... nguồn vui kéo dài hầu như bất tận. Nhiều người no say quá nằm ngủ ngay tại chỗ mãi đến ngày hôm sau mới trở về nhà.

Cứ như thế, từ gia đình này đến gia đình khác, từ buôn làng này đến buôn làng khác, lễ Mnăm Thu - tức lễ đâm trâu - được tổ chức suốt mùa tạnh ráo khắp buôn làng Gia Lai.
Hình đại diện của thành viên
coutcung
 
Bài viết: 71
Ngày tham gia: Thứ 4 25/03/09 14:53
Đến từ: thành phố hồ chí minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách