DÂN CA NGHỆ TĨNH

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

DÂN CA NGHỆ TĨNH

Gửi bàigửi bởi Ca Bong Nho » Thứ 4 20/05/09 20:23

DÂN CA NGHỆ TĨNH

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ… thì vô!”

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu lòng yêu nước với những con người hiên ngang bất khuất. Trước hết phải nói đến vị cha già kính yêu của dân tộc - Hồ Chí Minh, suốt một đời người luôn lo cho dân tộc Việt Nam và những anh hùng đã hi sinh cho sự thanh bình của tổ quốc. Con người xứ Nghệ không chỉ mến khách, mà ở vùng quê này còn có những danh lam thắng cảnh rất đẹp, ví dụ như: Làng Sen, các núi, hang, chùa… lạ mắt ( như hang Bua, hang Thẩm Ồm ở huyện Qùy Châu…). Ngoài ra xứ Nghệ cùng với Hà Tĩnh còn có một làn điệu dân ca rất hay và đặc biệt, đó là “Dân ca Nghệ Tĩnh”.
Ai đã từng nghe dân ca Nghệ Tĩnh thì chắc hẳn đều có chung một ấn tượng, đó là: tuy lời nói rất bình dị và đậm chất tiếng nói địa phương nhưng lại xuất hiện ra một “cá tính xứ Nghệ Tĩnh” mà phải ở lâu, ở gần người Nghệ Tĩnh, gần người con gái Nghệ Tĩnh mới thấm, mới ngấm được cái nồng nàn, ấm áp, sâu lắng của “cá tính xứ Nghệ Tĩnh”, thô mà tinh, lý đấy nhưng tình đấy. Sau đây là một số làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh
Đầu tiên là hát giặm, tiếng giặm có nghĩa là ghép vào, điền vào, đan vào nột chỗ thiếu… xuất hiện ở Nghệ Tĩnh cách đây khoảng ba, bốn trăm năm.
Về nội dung, có nhiều bài hát dặm rất tình tứ, cũng có nhiều bài có tính chất chống giai cấp phong kiến.
Về hình thức, phần lớn các bài hát dặm đều gồm những câu năm chữ và cước vận, tức vần ở cuối câu: cứ hai câu cuối mỗi đoạn lấy lại một ý, điệp cả về ý lẫn lời. Ví dụ:
“Tôi lấy chân khỏa lại
Tôi lấy bản khỏa lại.”
Hay:
“Thấy những lời kêu trách
Nghe những lời kêu trách”.

Bài hát có bao nhiêu đoạn thì có bấy nhiêu lần điệp lại như vậy, nghe đọc thì thấy vướng, nhưng khi hát nó làm nổi ý của câu hát và của cả bài. Hát giặm có ba lối trình diễn: nam nữ đối đáp, có lối vài ba người hát kể lên một giai thoại, hay một sự việc vừa xảy ra, lại có lối kể một sự tích gì có tình tiết nội dung và hình thức đều được trau chuốt.
Hát giặm Nghệ Tĩnh không phải hoàn toàn do dân sáng tác, có khi do một số nho sĩ sáng tác, được dân ưa thích và phổ biến rộng rãi. Ví dụ:
Trai:
Tiết thanh nhàn thong thả
Muốn thăm hỏi vài câu
Cuốc thánh thót kêu sầu
Gió phảng phất mùa sâu
Nhớ trong sách đã lâu:
Chuyện “Tư mã phượng cầu”
Thương thì mũi tìm trâu
Trâu đâu tìm chạc mũi
Gái:
Trời mở rộng phong quang
Giã ơn trời mở rộng phong quang
Em đánh tiếng đua sang
Đêm tàn canh vò võ
Tay em cầm con bấc đỏ
Mong bỏ đĩa dầu đầy
Mời bạn ở lại đây
Tình đó với nghĩa đây
……………………

Loại thứ hai là hát ví Nghệ Tĩnh: Hát ví Nghệ Tĩnh là những loại dân ca xuất hiện trong nghề nông và nghề thủ công. Có nhiều điệu hát ví như: hát phường vải, hát phường cấy, hát đò đưa, hát phường buôn… Trong những điệu hát này, hát phường vải và hát phường cấy có tổ chức và phổ biến hơn cả.
Hát phường vải:
Những câu hát phường vải là những câu biểu lộ tâm tinh của hai bên trai gái, hoặc là những ước mơ về yêu đương, hoặc là những lời oán trách kẻ chia rẽ tình duyên và bao giờ cũng lạc quan, tin tưởng. Hát phường vải là một loại hát ví đặc biệt trong gia tài dân ca của vùng Nghệ Tĩnh. Cũng như các loại dân ca khác, nó là một phương tiện văn nghệ tự túc của nhân dân Nghệ Tĩnh. Nội dung căn bản của nó mang đậm chất trữ tình, song nó có khác các loại dân ca khác ở chỗ có sự tham gia của những nhà nho. Cho nên tính chất một số câu hát, quy cách trong khi hát, hình thức câu hát, quá trình của một cuộc hát... có phức tạp hơn. Nghệ nhân dân gian là “tác giả” của những câu hát phường vải đầu tiên và cũng chính họ là những người bảo lưu, kế thừa và phát huy vốn hát ví, vốn ca dao, dân ca truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa quê hương, dân tộc này. Hát phường vải chỉ có ở Nghệ An.
Hát phường vải có bốn giai đoạn: giai đoạn thứ nhất: hát dạo, hát mừng, hát chào và hát hỏi. Giai đoạn thứ hai: hát đố và hát đối. Giai đoạn thứ ba: hát mời và hát xe kết. Giai đoạn thứ tư: hát tiễn.
Giai đoạn 1:
Hát dạo
“ Bấy lâu thức nhắp mơ nàng
Bên rèm tiếng gió, đầu gường bóng trăng

Bấy lâu nghe hết tiếng nàng
Bên anh nức tiếng đồn vang đã lừng
Nghe tin anh cũng vội mừng
Vậy nên chẳng quản suối rừng anh sang

Đồn rằng cá uốn than vây
Đồn em hay hát, hát hay anh tìm

Chốn này vui vẻ tưng bừng
Hạc nghe tiếng phượng xa chừng tới nơi
Đi qua nghe tiếng em reo,
Nghe xa em kéo muốn đeo em về.

Đi ngang trước cửa nàng Kiều
Dừng chân đứng lại dặt dìu đôi câu
Đi ngang thấy búp hoa đào,
Muốn vào mà bẻ, sợ bờ rào lám gai.
Hát mừng, hát chào:

Khi nháy mắt, khi nhện sa
Khi chuột rich trong nhà
Khi khách kêu ngoài ngõ
Tay em đưa go đủng đỉnh
Tay em chìa khóa đụng đào
Bước năm lần cửa, ra chào bạn quen

Mừng rằng bạn đến chơi nhà
Cam lòng thục nữ gọi là trao tay
Hát hỏi
Em có chồng rồi, em nói rằng chưa
Tội riêng em đó, nỏ lứa được anh
Em chưa có chồng, em mới đến đây
Chồng rồi chiếu trải, màn vây ở nhà
Giai đoạn 2:
Hát đố và hát đối
Anh về chẻ lạt bó tro
Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
Em về đục núi lòn qua,
Vắt cổ chày ra nước, thì làm chồng
Nghe anh bôn tẩu bấy lâu
Nghệ An có mấy chiếc cầu hỡi anh?
- Nghệ An có ba nươi sáu chiếc cầu
Phồn hoa đi lại bốn cầu mà thôi
Cầu danh, cầu lợi, cầu tài
Cầu cho đây đó làm hai giao hòa.

Bao đời nay dân ca Nghệ Tĩnh là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của bao lớp người con miền quê này. Nhưng trước sự du nhập của nhiều nền văn hóa ngoại lai khi chúng ta mở cửa hội nhập thì có một thực tế đáng buồn là dân ca Nghệ Tĩnh đang dần bị mai một. Các nghệ nhân dân gian bây giờ hiếm lắm, tuổi các cụ cũng xế chiều.
Hiện nay các nghệ nhân đang cố hết sức để tìm ra những lớp thanh niên để giữ gìn truyền thống ca hát của dân tộc. Tuy nhiên những tâm huyết đó chưa được đền đáp xứng đáng,ngày nay người mẹ ru con không thể thuộc lấy một dù chỉ một câu hát dân ca. Trẻ con ngày trước được nuôi lớn bằng những khúc hát dân ca trữ tình sâu lắng, đầy tính nhân văn, trẻ con bây giờ được nuôi lớn bởi hip hop, bởi những siêu nhân.
Ngày nay lớp trẻ không còn quan tâm nhiều đến dòng nhạc truyền thống. Có thể nói thời nào thì có nghệ thuật của thời đó. Vì vậy, dân ca muốn sống được chỉ còn cách duy nhất phải kịp thời cải tiến, nhưng cải tiến không phải là gieo vừng ra đỗ mà làm mất đi cái tinh túy của ông cha. Để bảo tồn phát huy dân ca xứ Nghệ, NSƯT Thanh Lưu cho rằng: “Trong bối cảnh mới ta không nên câu nệ một cách máy móc các nguyên lý có tính cách cổ điển để rồi tự bó tay mình nhằm đáp ứng thị hiếu đương đại”.
Tôi lại nhớ đến bài hát “Neo đậu bến quê” của nhạc sĩ An Thuyên: “Câu đò đưa thầm gọi tôi ghé về tuổi thơ. Người xưa đâu xa vắng, ai đưa tôi qua đò?...”.: Âm hưởng dân ca là đấy, nó luôn lắng đọng lại những ấn tượng khó quên sau mỗi lần nghe bởi nó ẩn chứa đầy chất dân ca! Và tôi tin rằng:Dân ca chắc chắn không thể chết được./.
RANDOM_AVATAR
Ca Bong Nho
 
Bài viết: 53
Ngày tham gia: Chủ nhật 10/05/09 8:14
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến11 khách