Dừa với thuyết âm dương ngũ hành

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Dừa với thuyết âm dương ngũ hành

Gửi bàigửi bởi Kim Thanh » Thứ 2 13/07/09 6:44

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA TRÁI DỪA
SỰ TƯƠNG ĐỒNG VỚI QUÁ TRÌNH SINH TRƯỞNG CỦA CON NGƯỜI

I. Hạn chế của các nghiên cứu trước đó
Đã có rất nhiều đề tài và luận văn thạc sỹ, tiến sỹ ở Việt Nam cũng như các nước nghiên cứu về cây dừa, giống dừa, những sản phẩm từ cơm dừa, dầu dừa, hiệu quả kinh tế từ cây dừa, … Chưa thấy đề tài nghiên cứu hoặc đề cập đến sự tương đồng về đặc điểm sinh học của trái dừa với vòng sinh trưởng của con người.
II. Các mục tiêu giải quyết của đề tài
II. 1. Mục đích nghiên cứu
- Phát hiện sự tương đồng của vòng sinh trưởng của trái dừa với con người
- Đưa ra cơ sở triết lý dừa để phát huy tính sáng tạo, tự khám phá bản thân mình của mỗi người
II. 2. Đối tượng và nội dung nghiên cứu
- Cây dừa và vị trí của cây dừa trong cuộc sống của người Việt Nam
- Vòng sinh trưởng và cấu trúc của trái dừa.
- Sự tương đồng đặc biệt giữa trái dừa và con người
- Hệ thống triết lý âm dương, ngũ hành với trái dừa
- Triết lý dừa thông qua ngạn ngữ “ lành làm gáo, vỡ làm muôi”
II. 3. Phương pháp nghiên cứu: Trực quan và phương pháp luận
III. Nội dung nghiên cứu
III. 1. Dẫn nhập
Với khả năng ứng dụng hết sức phong phú đa dạng của trái dừa trong cuộc sống hằng ngày đã kích thích chúng tôi tìm hiểu, suy luận để phát hiện ra sự trùng hợp ngẫu nhiên hết sức độc đáo của quá trình sinh trưởng và phát triển của dừa với con người. Làm phép so sánh với các loại cây trái khác, ta thấy dừa là một loại cây hết sức đặc biệt về cấu trúc, từ cây cho tới trái. Tuy là loài cây đơn trục, nhưng dừa có thể có một số hình dáng khác nhau trong quá trình phát triển tùy thuộc vào điều kiện sinh trưởng mà có cây thẳng đứng, cây uốn võng, cây uốn lượn chứ không thẳng đứng như loại cây cùng họ là cau và cọ. Đó có phải là tính cách thích nghi để tồn tại và phát triển của dừa như con người không?
Con người cũng vậy, tùy theo từng môi trường, tính cách mà mỗi người có một cách ứng xử riêng để tạo cho mình một giá trị khác nhau trong xã hội.
Từ đề tài nghiên cứu vật liệu gáo dừa, ban đầu chúng tôi chỉ muốn tận dụng nguồn nguyên liệu quý đã bị bỏ quên biến nó thành vật liệu sinh thái để làm ra những sản phẩm cụ thể và thiết thực phục vụ đời sống con người; nhằm giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, phục vụ nhu cầu trang trí nội ngoại thất, làm môi trường thiên nhiên đang ngày càng xấu đi.
Trong quá trình nghiên cứu chất liệu, chúng tôi đã cho ra đời nhiều sản phẩm giá trị cao như tranh gáo dừa: đã được chào bán trên sàn giáo dịch ý tưởng thành công với hai sản phẩm có trị giá: 100 triệu cho bức tranh Việt Nam quê hương tôi (do ông Nguyễn Hữu Tùng – giám đốc Bệnh viện Hoàng Mỹ đầu tư) và 200 triệu cho bức tranh Bác Tôn và quê hương An Giang (do UBND tỉnh An Giang đầu tư, đang được trưng bày tại Khu di tích lịch sử: Đền thờ Bác Tôn tại quê hương Mỹ Hòa Hưng của Người) và những lô hàng trang trí nội thất xuất khẩu trị giá trăm triệu.
“Đánh thức gáo dừa chính là đánh thức bản thân mình”. Chúng tôi đã làm cho chiếc gáo dừa thức dậy không phải bằng cách thể hiện bản thân nó qua những sản phẩm có ích, mà còn đánh thức cả chiều sâu nội tâm, bản chất của ý nghĩa của một loại chất liệu tưởng chừng như bỏ đi của gáo dừa để khẳng định một triết lý sống hết sức tích cực, đó là: Hãy luôn khám phá bản thân mình. Chúng ta ai cũng đều có ích, tùy từng hoàn cảnh, điều kiện và khả năng cụ thể của từng người mà chúng ta có thể góp ích được cho cuộc sống bằng những giá trị khác nhau.
III. 2. Cây dừa và vị trí của cây dừa trong đời sống con người
III.2.a. Khái quát về cây dừa
Dừa là một loại cây được trồng nhiều ở vùng ven biển nhiệt đới, dễ phát triển trong điều kiện đất ngập mặn có độ ẩm và nhiệt độ cao, đặc biệt là không cần phải chăm sóc nhiều. Được đánh giá là 1 loại cây thân thiện với môi trường, cây dừa còn được Hiệp hội dừa Châu Á Thái Bình Dương và Ngân hàng phát triển Châu Á chọn làm cây xóa đói giảm nghèo để đầu tư tài chính giúp cho các nước đang phát triển nằm trong vùng biển nhiệt đới, trong đó ở Việt Nam thì có Bến Tre.
Tại sao cây dừa lại được đánh giá là loại cây thân thiện với môi trường?
Thứ nhất: Cây dừa được trồng ở vùng nước lợ đất bồi, ít công chăm sóc mà các bộ phận của cây dừa ngoài cơm dừa đều có thể tạo ra đồng tiền: xơ dừa, lá dừa, cọng dừa, râu dừa, vỏ dừa, gáo dừa, …
Thứ hai: Sau khi chết đi, gốc dừa còn là một loại phân bón cho đất. Đặc điểm này ít có ở các loại cây khác.
Có hai loại dừa, theo dân gian thường gọi là dừa ta (dừa cao), và dừa lùn (loại dừa này trái nhỏ, chủ yếu để giải khát như: dừa xiêm, dừa dứa, dừa dâu,…)
Đề tài này, chúng tôi giới hạn ở loại dừa ta, vì dừa ta được khai thác khi trái đã già, nên khả năng ứng dụng của nó phong phú, đa dạng.
III.2.b. Vị trí của cây dừa trong đời sống của người Việt Nam
Ngoài việc đem lại lợi ích thiết thực cho con người, dừa được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ tôn giáo ở các nước có dừa trên thế giới. Trong nghi lễ của đạo Hindu, các quả dừa được dâng lên các vị thần, và quả dừa thường được đập ra thành nhiều mảnh trên mặt đất hay trên một vật nào đó như là một phần của lễ khai mạc hay khánh thành một công trình xây dựng, nhà cửa, tàu bè, v.v. . . (theo từ điển wikipedia)
Cây dừa có ở nước ta từ bao giờ cho đến nay cũng chưa ai nói được nhưng đã trở thành nếp sống văn hóa từ ngàn xưa và chỉ biết rằng đã từ rất lâu và rất lâu, tục nhuộm răng đen của người Việt Nam đã biết dùng đến than gáo dừa, bởi tính năng đặc biệt của nó là cực đen và xốp mịn.
Với những người dân sứ dừa, cây dừa là cây luôn gắn bó với cuộc sống của họ, vì vậy mỗi khi đến vùng đất mới, trái dừa luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu. Ta thấy ở mỗi miền đều có những vùng đất trồng dừa với diện tích lớn như: miền Bắc có dừa Thanh hóa, miền Trung dừa Bình định và miền Nam dừa Bến Tre. Riêng với miền Tây nam bộ, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi và phù hợp hơn, nên nét đặc trưng của các vùng quê miền Tây Nam bộ là những rặng dừa xanh và hầu như nhà nào cũng có 1 vài cây dừa không thể thiếu cho sinh hoạt hằng ngày.
Ngày xưa đi biển, không có 1 loại thừng chão nào có thể sánh kịp loại dây được làm từ xơ dừa. Ngay cả khi rửa nồi chảo, miếng gáo dừa cũng là một loại vật dụng không thể thiếu trong tay của các bà nội trợ.
Và hình ảnh chiếc lu nước với chiếc gáo dừa bên hè để khách tha phương đều có thể sử dụng khi lỡ bước giữa trưa hè đã trở nên vô cùng quen thuộc ở hầu hết các vùng quê Việt Nam khi xưa.
Những bó đuốc lá dừa cũng là vật không thể thiếu được trong mỗi gia đình của những người dân xứ dừa để dùng khi hữu sự và cũng là một nếp văn hóa để giúp nhau bó đuốc lá dừa để soi đường trong lúc đêm khuya.
Trong ẩm thực cơm dừa và nước dừa là một loại thức ăn gần gũi thân thuộc. Một loại gia vị không thể thiếu được trong các loại thức ăn, chè, bánh ngọt trong những bữa tiệc hoặc cúng kính trong những ngày giỗ chạp của người dân Nam Bộ. Và nước màu dừa cũng chính là đặc sản của người dân sứ dừa.
Gáo dừa cũng đã đi âm nhạc dân gian bằng cây đàn gáo, đàn bầu, nhịp song lang, …
Trong dân gian, đã có những cuộc thi hái dừa, trèo dừa, lột dừa, v.v…vào những ngày lễ, hội ở những vùng quê có dừa.
Ở Sóc Trăng, hằng năm đều có Hội Thác Côn. Hội Thác Côn có lệ cúng những chiếc bình hoa làm bằng trái dừa. Nét độc đáo của vật cúng khiến người ta còn gọi lễ này bằng cái tên - Lễ Cúng dừa. Hội Thác Côn là lễ cầu an, cầu ước thường tổ chức vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, lễ vật dâng cúng là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng giàu sắc thái bản địa của cộng đồng các dân tộc ở đồng bằng phù sa sông Hậu, trầu cau, hoa sen và trái dừa. Các thứ hoa trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng ấy tập trung quanh một vật cúng hết sức đặc biệt đó là bình hoa làm bằng trái dừa. Có hàng chục giống dừa to nhỏ, mầu sắc khác nhau thì có đến hàng trăm kiểu phối hợp để tạo nên vô số bình hoa đủ cỡ, đủ mầu. Người dự hội thường cầu phước cho cả gia đình nên cũng sắm sửa luôn hương hoa, dầu dó, chỉ đỏ để lấy may, lấy phước về nhà.
Ở Bình định, thì “…. chiếc gáo dừa còn đi vào đời sống văn hoá tâm linh của đa số các gia đình. Ngày ấy, khi cúng Tất niên cuối năm, ông tôi thường đặt chiếc gáo dừa trịnh trọng trên thau nước sạch. Khi khấn vái, ông đều đều nhịp gõ cốc... cốc vào chiếc gáo dừa, ánh mắt nhìn đầy vẻ thành kính, trang trọng lắm. Nhưng đó là chuyện của người lớn, trẻ nhỏ chúng tôi ngày ấy ít quan tâm. Chỉ biết đó là tập quán tín ngưỡng dân gian của người dân quê tôi” . Một chiếc gáo dừa có thể trở thành chiếc cầu tâm cảm đưa người ta về với những ký ức tưởng chừng đã nhạt nhòa. Nông thôn ngày nay đã đổi thay đáng kể, có mấy ai dùng gáo dừa để múc nước nữa? Có chăng nó chỉ còn trong hoài niệm! Nghĩ lại, mới thấy mình may mắn hơn nhiều, ngày nay trước những thăng hoa của cuộc sống, con người thường ngược tìm về ký ức của một thời xa xưa, để được tĩnh lặng, được nhớ nhung. Hình ảnh chiếc gáo dừa sẽ gợi lại trong ai đó một nỗi niềm nhớ quê đến vời vợi...! (bài viết Chiếc gáo dừa của Trần Hồng Dương – báo Bình Định)
Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, dù không phải xứ dừa, dân ta cũng đã có thêm trái dừa để cầu xin trong năm mới làm ăn thuận lợi để “vừa (dừa) đủ xài”.
Vẫn còn chưa hết, khi ông bà ta tổ tiên ta đã răn dạy con cháu cách làm người qua câu ngạn ngữ: “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Và điều mà chúng tôi muốn nói hơn, đó là ngày xưa, chiếc gáo dừa luôn tồn tại trong mỗi gia đình dù giàu sang hay nghèo khó trong vai trò chiếc gáo múc nước.
Ngày cưới hỏi, xưa kia hầu như tất cả các cổng nhà đều được trang trí bằng cổng dừa với nhiều kiểu dáng đa dạng, phong phú và rất đẹp và được cải tiến rất nhiều, nhưng tục này cũng dần bị mất đi và được thay thế bằng những chiếc cổng kết hoa giả hiện đại và tiện dụng hơn.

Là người hoài cổ và muốn tìm lại giá trị thật của văn hóa dừa, chúng tôi rất tiếc vì văn hóa truyền thống ngày càng bị mất dần. Riêng về văn hóa dừa thì vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, bởi các địa phương ở nước ta chỉ mới chú trọng đến văn hóa lễ hội dân gian mà chưa quan tâm đúng mức đến văn hóa dân gian truyền thống để bảo tồn và tạo nên phong cách riêng biệt cho từng vùng miền. Điều này rất phù hợp với chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, để người dân hiểu được và tự hào hơn về văn hóa truyền thống của địa phương mình. Đó chính là cội rễ của lòng yêu nước.
Trong nghệ thuật tạo hình cây dừa cũng dược khắc họa qua bức tranh “Hứng dừa” của loại hình tranh dân gian Việt nam nổi tiếng ở làng Đông Hồ.
Cây dừa đã đi vào ca dao
“Giả ơn ai có cây dừa
Cho tôi nghỉ mát đợi chờ người thương”
“Trăng lên khuất bóng cây dừa
Làm thân con gái phải chừa đi đêm”
Và trong bài thơ “Dừa ơi” rất nổi tiếng của Lê Anh Xuân
Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: "Dừa có tự bao giờ?"
……
Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.
…...
Rồi bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của Nguyễn Văn Tý: “Ai đứng như bóng dừa ……” và rất nhiều bài hát khác về dừa rất hay đã ca ngợi sự kiên cường bất khuất của cây dừa trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Cây dừa cũng đã cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc hiến chống ngoại xâm với công dụng che chở bộ đội bằng những căn hầm, những đọt dừa, những chiếc cầu dừa và cả những dấu tích chiến tranh đến giờ cũng vẫn còn đây đó. Nước dừa cũng là 1 trong những loại thần dược đã cứu sống biết bao chiến sỹ ngoài mặt trận khi thuốc men thiếu thốn, hoặc dùng để tôn tạo thêm sắc đẹp của người phụ nữ.
Và điều quan trọng hơn là cây dừa đã tạo cho làng quê Nam Bộ có sắc thái quê hương mà đi đâu ai cũng trăn trở hướng về. . .
Tuy nhiên, khi nói tới văn hóa dừa, ngày nay, hầu như ai cũng hết sức ngạc nhiên vì đó là cụm từ hết sức xa lạ, thậm chí khi đề cập tới vấn đề này, một số quan chức ngành văn hóa du lịch của sứ dừa Bến Tre vẫn chưa hình dung hết, nên vẫn coi là lĩnh vực không đáng quan tâm.
III.2.c. Nội dung nghiên cứu

a. Cấu trúc của trái dừa: bằng trực giác cảm quan

Dừa là một loại cây đơn trục có thể cao tới 30 mét. Hoa dừa là 1 loại hoa tạp chủng gồm hoa đực và hoa cái trên cùng một cụm hoa và trái được cấu trúc đặc biệt để phù hợp với đặc điểm của cây trong quá trình phát triển và sinh tồn. Quả dừa được cấu trúc bởi năm phần. Mỗi phần đều mang tính âm dương rất cụ thể:
1. Vỏ dừa: sợi chỉ sơ dừa là dương, mụn dừa là âm. Có tác dụng định hình và bảo vệ trái dừa bằng một lớp màng mỏng bóng, không thấm nước bởi những sợi chỉ sơ dừa dài với kích thước tương đối đồng đều nhau liên kết với nhau nhờ những nang nhỏ và mụn dừa kết nối thành
2. Sơ dừa: sợi chỉ sơ dừa là dương, sơ dừa là âm . Có tác dụng làm lớp đệm giảm chấn, bảo vệ gáo dừa không nứt vỡ khi rới từ trên cao xuống với cấu trúc tương tự như vỏ dừa, nhưng ở dạng khác hơn là các sợi chỉ sơ dừa này không liên kết chặt với nhau tạo thành lớp màng bảo vệ mà các sợi này nằm xen kẽ với những kích thước dài, ngắn không đều nhau nhằm kết nối chặt chẽ sơ dừa với gáo dừa
3. Gáo dừa: là phần cứng nhất của trái dừa khi đã tưởng thành (già), có tác dụng bảo vệ mầm sống cho trái dừa có cấu tạo bởi những mao dẫn (âm) xen kẽ với phần bột xenlulo (dương) và sừng hóa hoàn toàn khi trái dừa chín khô.
4. Cơm dừa: là phần thịt của trái dừa, được hình thành trong qua trình nhũ hóa từ nước dừa để phát triển phôi mầm. Cơm dừa (dương) ngậm đầy dầu (âm) ở bên trong
5. Nước dừa: nước dừa (âm) là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của phôi mầm với nhiều thành phần: hữu cơ và khoáng (dương)
b. Vòng sinh trưởng của trái dừa
Khi cây dừa có lá thứ khoảng từ 45 đến 50 (thông thường mỗi tháng dừa ra 1 lá) thì bắt đầu có hoa, nếu hoa bị ép để ra trước thời gian đó thì èo uột vì non tháng. Đặc biệt hơn các giống cây khác, hoa của dừa là loại tạp tính đồng chu, có cả hoa đực lẫn hoa cái trên cùng một cụm hoa (tính cộng đồng). Ngoài những loại dừa lùn tự thụ phấn thì dừa ta (dừa cao) lại thụ phấn chéo giữa cây này với cây kia (điều này khiến ta liên tưởng đến mối quan hệ huyết thống giữa con người với con người) Tại sao cùng là loại cho ra hoa tạp chủng đồng chu mà hoa đực và hoa cái của loại dừa ta lại không nở cùng một lúc để thụ phấn trực tiếp mà hoa đực lại nở trước hoa cái để đem phấn mình thụ cho hoa cái của cây khác? Khoa học chưa giải thích được hiện tượng này, nhưng xét về mối quan hệ khác, có phải chăng khi cùng một mẹ sinh ra, cây dừa ta đã tránh không cho “các con” thụ phấn cho nhau để duy trì và phát triển tốt nhất nòi giống của mình?
Khi nhìn vào trái dừa đã bị bóc hết vỏ và sơ, ta thấy đó chính là gương mặt của một chú khỉ con với đầy đủ mắt, mũi, miệng. Và có lẽ vì điều này mà các nước có dừa phần lớn đều coi đây là một loại trái thuộc về thế giới tâm linh với nhiều nghi thức cúng tế trang trọng. Xưa kia dân tộc Chăm cũng đã từng có bộ tộc dừa và là một trong những bộ tộc cao quý.
Xét về quá trình sinh trưởng và phát triển cuả trái dừa từ ngày ra hoa, kết quả cho đến khi chín rụng xuống đất khoảng một năm. Có thể chia quá trình phát triển của trái dừa ra làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn một: 6 tháng đầu tiên
Từ ngày ra hoa tới khi trái dừa hình thành thì thời gian này, là thời gian cơm dừa đã bọc kín hết phần gáo dừa, gáo dừa lúc bấy giờ còn non nên mỏng, có màu ngà vàng, dễ bị teo tóp và phân hủy nhanh chóng trong môi trường thiên nhiên.
- Giai đoạn hai: cho tới tháng thứ 9
Sang tháng thứ 9 trái dừa bắt đầu chín, nên không hút nước và dinh dưỡng để nhũ hóa thành cơm dừa nữa. Lúc này nước dừa đã ngọt, cơm dừa ổn định và bắt đầu tích lũy dầu. Sơ dừa chuyển từ màu ngà sang màu hồng và vỏ dừa bắt đầu chuyển từ màu xanh sang vàng, dần trở nên khô xốp và gáo dừa bắt đầu quá trình sừng hóa.
Gáo dừa được sừng hóa theo nguyên tắc vết dầu loang, nên tạo thành những hoa văn rất đẹp, ở vào giai đoạn này, gáo dừa đã cứng và bắt đầu bền vững.
- Giai đoạn ba: từ tháng 11 đến tháng 12
Sang tháng thứ 11, trái dừa đã phát triển hoàn thiện về phôi mầm để có thể làm giống được. Lúc này nước dừa đã có gas, cơm dừa đã cứng và tiếp tục tích luỹ dầu. Đến tháng thứ 12, nếu không được khai thác, dừa chín rụng xuống và tự động nảy mầm để tiếp một vòng sinh trưởng.
c. Sự tương đồng độc đáo giữa con người và trái dừa
Xét về quá trình phát triển của trái dừa, ta thấy có sự tương đồng khá độc đáo với con người. Ngay hoa dừa cũng là thể hiện sự gắn kết của một cộng đồng nguyên thủy gồm đực (nam) và cái (nữ) và tính thụ phấn chéo khiến ta liên tưởng tới mối quan hệ huyết thống của con người vậy. Và mỗi tháng, dừa đều cho ra 1 hoa, cũng tương đồng với chu kỳ sinh sản của con người.
Bào thai người phát triển tới tháng thứ sáu thì hoàn thiện và trái dừa khi tới tháng thứ sáu cũng hoàn chỉnh phần cơm dừa.
Đến tháng thứ chín, bào thai được sinh ra, thì tháng thứ chín gáo dừa bắt đầu sừng hóa nghĩa là cơm dừa bắt đầu cứng và tích lũy dầu.
Sang tháng thứ mười một, trái dừa có khả năng lên mầm để duy trì vòng sinh trưởng thì con người ở vào độ tuổi thứ 10 - 11 trở đi, sinh lý cũng đã bắt đầu hoàn thiện và có khả năng duy trì và phát triển nòi giống. Lúc bấy giờ gáo dừa đã sừng hóa hoàn toàn, có màu nâu xẫm và bền với thời gian.
Tại sao chúng tôi lại chia chu kỳ phát triển của trái dừa ra làm ba giai đoạn?
Vì đó chính là 3 cột mốc của sự phát triển của trái dừa cũng như sự trưởng thành của con người.
Với con người cũng vậy. Khi mới bước vào đời, với kiến thức non nớt, người ta dễ ngộ nhận khả năng của mình, nên thường có những việc làm nông nỗi dễ mắc sai lầm, dễ bị tổn thương và thậm chí có thể làm hại cả tương lai. Và đó cũng chính là cột mốc đầu tiên của trái dừa khi mới hoàn thiện phần cơm dừa, lúc đó cơm dừa còn đang mềm nhão, nước dừa chưa được ngọt, gáo dừa bắt đầu cứng, nhưng chưa chuyển hóa thành sừng, nên dễ bị móp méo và mục rữa trong môi trường thiên nhiên.
Cột mốc thứ hai của con người chính là ở lứa tuổi lập thân (khoảng trên 30 tuổi) với những tích lũy kiến thức từ nhà trường và cuộc sống, người ta đã vững vàng hơn, nhiệt tình cao hơn và khả năng cống hiến cũng nhiều hơn. Thì trái dừa ở giai đoạn này cũng đã cho ta nước ngọt hơn, cơm dừa béo mềm và gáo dừa trổ hoa trong quá trình sừng hóa. Vào giai đoạn này, gáo dừa đẹp nhất và bắt đầu có sự bền vững trong quá trình sừng hóa. Quá trình sừng hóa của gáo dừa theo nguyên tắc vết dầu loang, nên tạo ra những hoa văn hoàn toàn khác nhau. Cũng như con người khi tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, va chạm cuộc sống và trưởng thành về nhân cách cũng theo nguyên tắc của vết dầu loang này.
Cột mốc thứ ba chính là lúc con người trưởng thành. Bằng bề dày kinh nghiệm của cuộc sống và vốn kiến thức được tích lũy, người ta đã có thể tồn tại vững vàng dù cho cuộc sống có nhiều thay đổi do bản lĩnh được tôi luyện qua năm tháng. Và cũng ở thời điểm này thì nước dừa cũng đã có gas, cơm dừa có thể ép dầu được, còn chiếc gáo dừa thì đã sừng hóa hoàn toàn và có thể tồn tại theo thời gian.
Khả năng ứng dụng của chiếc gáo dừa từ lúc bắt đầu ra hoa (bắt đầu sừng hóa) cho đến khi sừng hóa hoàn toàn. Bắt đầu từ giai đoạn thứ hai của sự phát triển, chiếc gáo dừa có thể sử dụng được. Tuỳ vào khả năng tay nghề và ý tưởng sản phẩm, người thợ thủ công hoặc nghệ nhân có thể chế tác ra những sản phẩm khác nhau với sự tinh tế khác nhau. Cùng 1 sản phẩm, người ta có thể thể hiện những dạng ma-che khác nhau để tạo sự thô mộc hay bóng loáng tùy theo sở thích và cảm nhận của họ. Và mỗi sản phẩm ấy sẽ có một giá trị sử dụng khác nhau và giá trị vật chất khác nhau.
Đó chính là con người.
Mỗi sản phẩm được tạo ra chính là một con người thể hiện giá trị của mình ở những góc độ khác nhau. Với những người ít suy nghĩ, thiếu tính năng động chủ quan, khả năng sáng tạo sẽ thấp, họ thể hiện mình ở những sản phẩm đơn giản, những người năng động hơn, sẽ thể hiện mình ở những sản phẩm phức tạp hơn. Tùy theo từng tính cách, những sản phẩm đó thô mộc hay bóng bẩy, nhưng nó cũng chỉ thể hiện mình ở những đẳng cấp nhất định.
Quá trình phát triển sinh học của trái dừa và con người, ở một góc độ nhất định, ta thấy có sự tương đồng hết sức độc đáo và thú vị. Từ những nghiên cứu ứng dụng, khiến cho chúng tôi hiểu thêm được rất nhiều điều trong cuộc cuộc sống, đó là khả năng khám phá bản thân và cách thể hiện, cách ứng xử ở bản thân của mỗi con người, sẽ tạo cho mỗi người chúng ta một giá trị và vị trí khác nhau trong trong xã hội.
d. Các sản phẩm của dừa với cuộc sống
- Nước dừa: giải khát, nhưng lại có tác dụng điều hòa khí huyết, làm đẹp da và hơn hết là có thể sử dụng như một loại huyết thanh trong lúc cấp bách và đã cứu sống biết bao chiến sỹ ngoài mặt trận trong điều kiện thuốc men thiếu thốn.
- Cơm dừa: là một loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng lại có tác dụng giảm béo, nếu dùng nó thay cho những loại thức ăn khác. Ngoài ra, người ta còn chiết xuất ra dầu dừa để phục vụ cho các ngành thực phẩm chế biến, hương liệu, hóa mỹ phẩm, …
- Gáo dừa: dùng làm dụng cụ múc nước truyền thống từ bao đời nay, dùng làm chất đốt, làm than hoạt tính, hàng mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, …. và sản phẩm đạt giá trị tri thức cao nhất đó là than na no làm từ gáo dừa là một thành tựu lớn của khoa học hiện đại.
- Sơ dừa: làm thừng, chão, võng, các loại thảm chùi chân, lưới sơ dừa dùng cho những công trình chống sạt lở bờ kè, chậu hoa sinh thái, nệm sơ dừa dùng cho những người già hoặc có vấn đề về cột sống, những võ đường trở thành những miếng đêm giảm chấn, …
- Cọng lá dừa: đan giỏ đừng quà rất được ưa chuộng và đã được xuất khẩu, nhưng giá trị chưa cao, vì đó là vật dễ hỏng, rẻ tiền
- Râu dừa: được chế tác thành những chiếc đèn trang trí đa dạng
- Mụn dừa: đã trở thành đất sạch (sau khi được ủ để loại chất tanin”
- Vỏ dừa: ở quê được dùng để chà rửa nồi chảo rất sạch, giờ được đập dập để lấy chỉ sơ dừa không đủ để xuất khẩu.
- Rễ dừa: còn được dùng để làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng, đánh răng và chữa bệnh lỵ, … (theo wikipedia)
Những ứng dụng đa dạng và phong phú của dừa, khiến ta nghĩ đến khả năng vô tận của con người trong cuộc sống. Mỗi người làm 1 công việc khác nhau để xã hội ngày càng văn minh phát triển thì ứng dụng của dừa ngày càng phong phú đa dạng và giá trị gia tăng càng cao.
III. 3. Góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới triết lý nhân sinh
Trong quá trình nghiên cứu vật liệu gáo dừa, chúng tôi đã tìm ra được nguyên lý phát triển của gáo dừa trong quá trình sừng hóa ở dạng vết đầu loang. Từ đó rút ra được triết lý của gáo dừa:
Hãy tự khám phá bản thân, bạn sẽ biết được mình có được khả năng gì.
Hay nói cách khác:
Hãy tự đánh thức bản thân, bạn sẽ biết mình thức dậy như thế nào.
Vì sao chúng tôi lại có được triết lý đó?
Từ chiếc gáo dừa thô mộc, khi được sự đầu tư nghiêm túc về ý tưởng, chúng tôi đã làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Trên bề mặt của từng sản phẩm, chúng tôi có thể tạo ra nhiều dạng bề mặt khác nhau mà theo ngôn ngữ hội họa đó là ma-che.
Ví dụ: Trên một mặt bàn, với kết cấu đồng nhất, muốn tạo nên ấn tượng cho người tiêu dùng ở sự đa dạng hóa, chúng tôi có thể tạo ra ít nhất là hai ma-che khác nhau: sần và bóng. Cách thể hiện này hoàn toàn đơn giản, chỉ cần sử dụng dụng cụ, hay nói cách khác là đồ nghề khác nhau, ta có thể tạo ra được sự đa dạng phong phú của bề mặt sản phẩm.
Đó chính là cách thể hiện bản thân của một con người. Trong cùng một hoàn cảnh, và ngữ cảnh, ta có nhiều cách thể hiện bản thân để tạo nên sự khác biệt về tính cách. Mỗi tính cách thể hiện một khả năng tư duy sáng tạo của con người ấy.
Muốn có được tư duy sáng tạo, mỗi chúng ta đều phải hết sức chăm chỉ lao động và luôn cố gắng làm sao để kết quả đạt được tốt nhất, từ đó hình thành tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo đó được hình thành theo nguyên lý vết dầu loang để cuối cùng có thể đạt được đó là nền tảng của kiến thức. Hay nói xa hơn, đó chính là bản lĩnh của mỗi con người.
Từ những đúc kết đó, chúng tôi đã định hướng thêm cho ý tưởng nghiên cứu của mình ngoài nghiên cứu ứng dụng cho ra đời những sản phẩm với những giá trị khác nhau, chúng tôi còn hướng đến lĩnh vực xã hội nhân văn và giáo dục nhân cách. Do gáo dừa từ xưa tới nay, bị xem như 1 loại vật liệu vứt đi, không được trọng dụng, nên khi muốn đưa khả năng ứng dụng phong phú của gáo dừa vào giáo dục nhân cách một cách chính thống, sẽ có nhiều ý kiến cho đó là khiên cưỡng và áp đặt, thậm chí còn bị cho là lố bịch. Để thay đổi 1 suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, chúng ta cần phải có những lý luận sắc bén và thực tế cụ thể sinh động có sức thuyết phục, chúng tôi tin rằng vấn đề được nêu ra trên đây sẽ được chấp nhận, dù rằng từ ngàn xưa ông cha ta đã dùng chiếc gáo dừa để dạy bảo con cháu rằng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, làm người phải có ích cho xã hội. Tuy rằng cách nhìn của cha ông ta ngày xưa chỉ bằng trực quan mà chưa quan tâm tới quá trình sừng hóa của gáo dừa
Sau khi phân tích tỷ mỷ từng ý, từng lời của câu ngạn ngữ “lành làm gáo , vỡ làm muôi” mà ông bà ta đã dạy cho con cháu, chúng tôi đã đặt ra nhiều giả thiết và câu hỏi: Tại sao ông cha ta không dùng loại vật liệu nào khác để dạy dỗ cháu con rằng hãy sống cho xứng đáng. Từ đó chúng tôi đã xem xét kỹ cấu trúc của trái dừa bằng trực quan và nhận thấy có sự tương quan đặc biệt độc đáo và lý thú giữa con người và trái dừa với hệ thống triết lý Âm dương – Ngũ hành của triết học Phương Đông.
Và đề tài nghiên cứu này của chúng tôi cũng nhằm vào 2 lĩnh vực: Khoa học ứng dụng và Khoa học xã hội
Qua những đúc kết và suy luận trên, chúng tôi có được một góc nhìn khác về trái dừa liên quan tới âm dương ngũ hành và triết lý nhân sinh.
a. Khái niệm về thuyết Âm dương – Ngũ hành
Giới thiệu khái quát về thuyết âm dương, ngũ hành trong triết học Phương Đông
Âm và dương theo khái niệm cổ sơ không phải là vật chất cụ thể, không gian cụ thể mà là thuộc tính của mọi hiện tượng, mọi sự vật trong toàn vũ trụ
Thuyết âm dương được hình thành và phát triển trên nền tảng của hai hệ thống triết lý khác nhau, đó là:
- Tam tài, ngũ hành: thái cực sinh tam tài sinh ngũ hành. Hệ thông triết lý này nói lên mối tương quan giữa các sự vật và hiện tượng xung quanh nó.
- Tứ tượng, bát quái: thái cực sinh tứ tượng sinh bát quái. Hệ thống triết lý này chủ yếu được dùng cho Dịch, thiên về phong thủy và bói toán
Theo quan niệm của triết học Phương Đông thì càn khôn vũ trụ có ba ngôi (tam tài) là: Thiên, Địa, Nhân, tức: Trời, Đất, và con Người. Tuy là ba ngôi nhưng nó hợp nhất, không riêng lẻ, không đối lập. Một trong ba ngôi ấy mất đi thì không còn càn khôn vũ trụ nữa.
Quan niệm trên còn cho rằng con người là một tiểu vũ trụ, bản thân nó cũng có ba ngôi: Tính, hồn, xác. Các chu kỳ trong con người cũng giống như các chu kỳ trong vũ trụ. Phật giáo cho rằng vạn vật đồng nhất thể. Khoa học đã chứng minh trong con người có nước, các kim loại, các hợp chất có trong vũ trụ. Lý thuyết này có điểm tích cực là tôn trọng môi trường sống. Tàn phá môi trường sống là tàn phá chính mình. Các từ điển như: Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, từ điển Hán Việt Đào Duy Anh, từ điển Thành ngữ điển tích…cũng đều giải thích như vậy.
Người xưa còn mượn tên và hình ảnh của 5 loại vật chất để đặt tên cho 5 vị trí đó là Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thủy, và gán cho chúng tính chất riêng:
Học thuyết Ngũ hành nói lên mối quan hệ giữa mọi sự vật với nhau. Muốn nghiên cứu bất kỳ một sự vật, một hiện tượng gì luôn phải biết đặt trong mối quan hệ của nó với những sự vật và hiện tượng xung quanh nó. Điều quan trọng trong mối quan hệ giữa các sự vật và hiện tượng chính là quá trình Sinh và Khắc chứ không phải là con số 5 hoặc cái tên Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy. Và đó cũng chính là nền tảng của hệ thống triết lý âm dương: Tam tài, ngũ hành.
- Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để phát triển. Đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy 5 hành có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nữa là hành nào cũng có quan hệ trên hai phương diện: Cái sinh ra nó và cái nó sinh ra. Cụ thể là: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy.
- Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là áp chế lẫn nhau. Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì làm cho sự biến hóa trở thành bất thường. Trong tương khắc, mỗi hành cũng lại có hai mối quan hệ: Cái khắc nó và cái nó khắc. Cụ thể là: Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.
b. Mối tương quan giữa con người và trái dừa với thuyết Âm dương - Ngũ hành
Theo hệ thống triết lý âm dương tam tài, ngũ hành thì: Thái cực sinh tam tài, sinh ngũ hành, nghĩa là vũ trụ sinh ra trời đất và con người ( thiên - địa - nhân) để tồn tại và phát triển và trong trời đất và con người thì có ngũ hành ( kim, mộc , thủy , hỏa, thổ).
Trái dừa cũng chính là một tiểu vũ trụ, khi nhìn vào trái dừa đã bóc hết lớp vỏ và sơ, ta thấy dừa có 3 mắt. Nếu không có 3 mắt này thì trái dừa không thể phát triển, vì nó chính là bộ phận duy trì sự sinh trưởng và phát triển duy trì nòi giống của trái dừa. Và đó chính là hệ thống triết lý tam tài, ngũ hành ứng với trái dừa. Hai mắt được xem là “thiên” và “địa”, có nhiệm vụ hút nước và chất dinh dưỡng vào trái dừa thông qua hai ống dẫn nằm dọc theo hai mắt dừa và mắt còn lại “nhân” làm nhiệm vụ tổng hợp, sinh trưởng và phát triển của dừa, từ đó sinh ra ngũ hành với thuyết tương sinh của trái dừa như:
1. Thủy: có tính chất tàng chứa.
Nước dừa: Nước được hút từ thân dừa lên cuống dừa để vào sơ dừa. Vỏ dừa có nhiệm vụ quang hợp để tổng hợp dinh dưỡng cho nước dừa qua sơ dừa, nước sẽ được hút vào bên trong gáo dừa bằng hai ống dẫn nằm dưới hai mắt dừa (kim sinh thủy)
2. Mộc: có tính chất động, khởi đầu.
Cơm dừa: Cơm dừa được hình thành trong quá trình nhũ hóa của nước dừa. Khi mới hình thành, cơm dừa mềm, sau đó cứng dần lên đến khi già và từ đó lên mộng để nảy mầm (thủy sinh mộc)
3. Hỏa: có tính chất nhiệt, phát triển.
Gáo dừa: phát triển song hành với cơm dừa từ dạng bột, chuyển hóa sang dạng sừng nên gáo dừa cứng dần để trở thành chất liệu quý mà không một loại gỗ nào sánh được. Khi gáo dừa hình thành có tác dụng cho cơm dừa bám vào thì nó lại tiếp tục nhận phần dầu từ cơm dừa để hóa sừng (mộc sinh hỏa)
4. Thổ: có tính chất nuôi dưỡng, sinh sản.
Sơ dừa: Khi trái dừa hình thành, nó chỉ có phần vỏ và sơ và phôi dừa. Sơ dừa có nhiệm vụ hút nước và nhựa để nuôi cho phôi dừa phát triển thành gáo (hỏa sinh thổ)
5. Kim: có tính chất thu lại.
Vỏ dừa: sơ dừa giữ cho trái dừa có 1 sự ổn định về hình dáng và có nhiệm vụ bảo vệ cho nước trong sơ dừa không bị thoát ra ngoài và chính lượng nước của xơ cũng đã nuôi cho vỏ dừa có màu xanh bóng (thổ sinh kim)
Như đã được trình bày khái quát ở phần cấu trúc của trái dừa, ta thấy có năm phần, tương ứng với ngũ hành bởi nó thể hiện sự tương sinh tương khắc của học thuyết này qua sự hỗ trợ, áp chế và cân bằng lẫn nhau để trái dừa tồn tại và phát triển. Mối tương khắc trong trái dừa chính là sự áp chế để cân bằng lẫn nhau và để tồn tại.
Mối tương khắc đó cụ thể như sau:
1- Thủy (nước dừa) khắc hỏa (gáo dừa): Nước dừa được nhũ hóa để tạo thành cơm dừa, nhưng không tiếp xúc trực tiếp tới gáo dừa vì đã có lớp vỏ lụa ngăn cách và là nơi để cơm dừa bám vào trong quá trình nhũ hóa. Nếu không có lớp vỏ lụa này, quá trình nhũ hóa sẽ không thể xảy ra hoàn toàn. Gáo dừa khi còn non, cấu trúc rất mềm, nước dừa thấm vào, sẽ làm cho gáo dừa bị hỏng làm trái dừa bị thối.
2- Hỏa (gáo dừa) khắc kim (vỏ dừa): Khi gáo dừa bắt dầu chuyển sang giai đoạn sừng hóa, thì vỏ dừa cũng bắt đầu khô đi và mất dần sự bóng láng
3- Kim (vỏ dừa) khắc mộc (cơm dừa): Khi vỏ dừa khô đi là khả năng hút nước từ cuống dừa không còn nữa, nên lúc đó cơm dừa không còn phát triển mà bắt đầu ổn định để tích lũy dầu
4- Mộc (cơm dừa) khắc thổ (sơ dừa): Khi cơm dừa tích lũy dầu cũng là lúc sơ dừa khô dần, vì lúc đó trái dừa đã ngưng hoàn toàn quá trình hút nước.
5- Thổ (sơ dừa) khắc thủy (nước dừa): Sơ dừa khô đi là khả năng cung cấp nước cho trái dừa không còn xảy ra nữa, nước dừa lúc đó sẽ được tích vào cơm dừa để tích lũy dầu và chuẩn bị cho sự lên mầm, để tiếp tục cho 1 vòng sinh trưởng mới.
Khi trái dừa được bóc sạch vỏ, ta thấy dừa có 3 mắt với hình dáng giống như mặt người với các bộ phận, mắt, mũi, miệng. Hai mắt cứng luôn nằm đối xứng với nhau qua đường gân dừa tạo cho ta có cảm nhận đó là sự suy tư của một con người và cái miệng luôn có hình tròn. Gợi cho ta vấn đề tầm nhìn và đạo lý nhân sinh. Đó là trước mọi diễn biến của cuộc sống, ta phải hết sức nghiêm túc nhìn nhận sự việc để khi lời nói được phát ra không bị méo mó. Và cũng từ đó khiến chúng ta hiểu rằng không phải ngẫu nhiên ông cha ta ngày xưa đã từng gọi “sọ” người và “sọ” dừa, ví cái đầu người với cái “sọ dừa” (Đầu lâu, hoa cái, sọ dừa) và khi ra trận binh lính thường chúc nhau giữ được “cái gáo”. Quả dừa cũng được nhân cách hóa trong cổ tích “Hoàng tử Sọ Dừa” lan truyền trong dân gian. Căn cứ trên hệ thống triết lý tam tài ngũ hành để nói lên mối tương quan duy vật giữa con người với trái dừa qua sự vận hành tự nhiên của quy luật phát triển về thể chất để tồn tại.
Với ý tưởng muốn sản phẩm của mình tạo ra mang tính nhân văn, chúng tôi không ngừng nghiên cứu sâu thêm về giá trị văn hóa tinh thần của chất liệu để người tiêu dùng phần nào hiểu được giá trị đích thực của loại sản phẩm được tạo nên bởi một chất liệu mà từ xưa tới nay bị xem là đồ bỏ, là không có giá trị sử dụng. Mặc dù đó là một chất liệu truyền thống vô cùng bền vững, mang tính văn hóa và triết lý sâu sắc đã được ông bà ta chọn để dùng làm ngạn ngữ truyền dạy cho con cháu đó là câu “lành làm gáo, vỡ làm muôi” hoặc người dân xứ dừa có câu “gáo bể làm môi” (chữ môi nói trại từ chữ muôi của người miền Bắc). Từ đó, ý tưởng xây dựng nền tảng văn hóa dừa Việt Nam một cách hệ thống và có tính xuyên suốt đồng bộ bằng triết lý “Đánh thức gáo dừa” được hình thành.
“Đánh thức gáo dừa chính là đánh thức bản thân mình”. Chúng tôi đã làm cho chiếc gáo dừa thức dậy không phải bằng cách thể hiện bản thân nó qua những sản phẩm có ích, mà còn đánh thức cả chiều sâu nội tâm, bản chất của ý nghĩa của một loại chất liệu tưởng chừng như bỏ đi của gáo dừa để khẳng định một triết lý sống hết sức tích cực, đó là: Hãy luôn khám phá bản thân mình. Chúng ta ai cũng đều có ích, tùy từng hoàn cảnh, điều kiện và khả năng cụ thể của từng người mà chúng ta có thể góp ích được cho cuộc sống bằng những giá trị khác nhau.
Với chúng tôi, phần này hiện đang mang tính khảo cứu, vì mọi vấn đề được nêu ra hoàn toàn mới và có tính đột phá trong quá trình nghiên cứu một chất liệu được đúc kết. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng mọi chất liệu, nếu được quan tâm đúng mức, nó đều có triết lý riêng và đó mới chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Đây là 1 trong những phần quan trọng làm cơ sở cho chúng ta nghiên cứu về văn hóa dừa Việt Nam một cách có hệ thống trong đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất và sự góp sức của dừa trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Khi được nghiên cứu thành một đề tài, Văn hóa dừa Việt Nam sẽ góp phần tạo nên giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống xã hội và nhất là giá trị văn hóa của Dừa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam.
Văn hóa dừa là một mảng văn hóa dân gian truyền thống không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Bởi cây dừa gắn liền với đời sống của người Việt Nam từ bao đời nay từ tâm linh, cho tới sống đời thường, nhất là trong công cuộc bảo vệ tổ quốc khỏi ách ngoại xâm mà cụ thể điển hình nhất là trong công cuộc chống Mỹ cứu nước có biết bao giai thoại rất đáng ghi công như: tại Bến Tre bộ đội ta năm 1960 đã lợi dụng thủy triều dùng bè kết bằng những thân cây dừa đã phá xập cầu Bình Chánh (cầu dài 6 nhịp) triệt phá được con đường huyết mạch của địch từ tiểu khu Kiến Hoà đến chi khu Giồng Trôm và chi khu Ba Tri mà kẻ địch trông thấy, nã súng liên hồi nhưng cũng không làm gì được; hoặc những chiến công khác gắn liền với cây dừa trong chiếm đồn, triệt hạ máy bay, …


MONG ĐƯỢC CÁC BẠN THAM GIA GÓP Ý THÊM CHO "PHÙ THỦY GÁO DỪA" VỀ SỰ "CUỒNG" DỪA NÀY.
RANDOM_AVATAR
Kim Thanh
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: Thứ 2 15/06/09 17:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến34 khách