MẶC CẢ - THÚ CHƠI

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

MẶC CẢ - THÚ CHƠI

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 4 28/11/07 22:18

Đi chợ mà không mặc cả thì mất hết vui thú. Mặc cả sao cho nó thực sự thành thú vui lại là chuyện không kém phần tế nhị.

Không phải vì rảnh rỗi mà mặc cả. Vâng, trước hết là không!

Hỏi thử mà xem. Ai chả bảo mặc cả thì trước hết vì sợ mua hớ, vì sợ bị bắt nạt...

Thì tớ cũng thế. Ấy vậy mà ngẫm thật kỹ, té ra, với tớ, mặc cả vui lắm, thú vị lắm. Không có thú mặc cả thì tớ làm sao đủ kiên nhẫn làm vai trò nội trợ trong thời buổi vật giá cà tửng này cơ chứ.

Nhiều lý do cực kỳ.

Xin rào đón một chút. Thú chơi này đã được tớ thực thi khá lâu, nhưng nay cảm thấy muốn bật mí vì vừa mới hôm qua, một anh bạn từ TP Hồ Chí Minh "khoe" câu chuyện "điển hình" quá. Số là ông bạn ngồi dựa vỉa hè Hà Nội, xơi bát bún riêu hàng rong, thông thường chỗ ngon nhất, hàng hiệu cũng chỉ kịch bảng 12 ngàn, vậy mà nhân dịp líu lo tiếng Nam, bà chủ thân mật thủ thỉ cho em xin 20 ngàn. Rồi chưa kịp ra chuyện, thì bác TOU cũng bức xúc mà kể vụ mặc cả sớm ngày ra ở Hải Phòng năm kỉa năm nao, lãnh nguyên một mớ "xướng ca" hàng chợ. Cái sự phân biệt "vùng kinh tế" tàn bạo này quả không thể cho là thú vui được. Những chuyện tương tự xin kể vào lúc khác. Và tiện đây, thú thật rằng chuyện "mặc cả" dạng đàm phán làm ăn kinh tế to tát thì tớ không dám mon men, vì bản thân đếm tiền cũng không thạo.

Mặc cả sao cho vừa được việc mình, đảm bảo thâm thủng ngân quỹ gia đình ở mức ít nhất, mình ít bị ức chế nhất vì cảm giác mua bán gian lận với nhau, rồi thậm chí lại có bạn hàng quen, tiến đến thành bạn quen... là cả một quá trình tu luyện. Không thể nào đốt cháy giai đoạn. Bài viết này không có ý định trình bày các thủ pháp mặc cả, chỉ thuần tuý nói về niềm vui giao lưu trong mặc cả.

Tớ khoái đi chợ, mà là đi chợ chồm hổm, chợ cóc, chợ xanh, chợ thông thường, chứ không phải đi siêu thị đâu. Siêu thị thì máy móc quá, cứ chọn và tính tiền... Không vui, chỉ được cái sành điệu...

Lúc bé xíu, hình như học năm cuối tiểu học ấy, đi theo cô bạn Yến béo, mua thước kẻ ở hàng xén chân Gò Đống Đa. Mình thấy nó thật giỏi giang và người lớn. Chiêm ngưỡng nó như một tay sành điệu đáng nể. Mình còn chưa biết mua bán gì, mà nó dám mặc cả cái thước kẻ. Tài khiếp. Nó dám "Bà ơi, 1 hào một cái có được không?". Chà, bà hàng nhìn nó chằm chằm như vật thể lạ đang hiện hữu. Không gật đầu thì sợ nó đổi ý. Cái thước kẻ ra giá 5 xu đã được nó mua với giá 1 hào. Úi giời, phiên đấu giá đầu tiên tớ được chứng kiến trong đời đó. Yến béo quả là biết cách gây sốc.

Rồi lớn hơn chút nữa, mình cũng biết mua bán dần, cũng mặc cả nhưng theo chiều ngược với cô bạn vàng. Mặc cả để giảm giá chứ! Đương nhiên! Yến ơi, giờ Yến đang làm nghề gì vậy? Có theo ngạch kinh tế không?

Tưởng tượng chút đi, sớm mai, thư thái, ra chợ, nở nụ cười rất thân ái với cô em hàng thịt đang lăm lăm con dao bầu. Xương nó còn phạng đứt tan nữa là mình. Buộc phải tình cảm thôi. Thịt lợn mới lọc ra, tươi quá, còn giãy giãy thớ thịt. Nghe thì khiếp, nhưng mua cho nhanh kẻo mất ngon. Em ấy mời mọc: chị lấy đi, mông hay thăn em cũng cắt ngay... Thì cắt... Em mở hàng chưa em... Rồi, chị yên tâm đi... Ừ, thế mày bớt cho chị tý đi, giờ mới là mở hàng chị đi chợ đấy... Nó cười tít, nó bớt 1 ngàn... Thấy người mình cũng lâng lâng... Chả kịp hé mắt nhìn xem nó có cân điêu không nữa...

Hớn ha hớn hở đi tiếp tới hàng rau. Gái ơi, bao nhiêu một củ su hào thế? Hai ngàn rưỡi chị ơi. Sao tivi thông báo hôm nay nếu chị đi chợ sớm thì mày bán 2 ngàn hả? Úi giời, tivi nó chơi đểu em đấy chị... Thế à, mất dạy nhỉ, vậy thì hôm nay giở đi, tao không thèm xem tivi nữa, tao xem mày thôi... Thế túm lại mày bán cho chị mấy ngàn? Năm ngàn một đôi.... Hơhơ, gì thế, mày không bớt thì tao thấy nó hơi bị căng căng sao ấy mày ạ, ấm ức mất vui.... Gớm bà. Thì 4 ngàn hai củ nhé. Quả này thì không cân đâu mà điêu. Chắc cú lời 1 ngàn rồi.

À, bây giờ phải ghé vào hàng hoa quả chứ nhỉ. Ngon mắt thế kia! Bà chị ơi, ổi này có bán không đấy? Ớ, cô này, sao không bán, cô mua đi. Bao tiền ... 5 yến hả chị? Bà chị nhìn mình khiếp thật! Rất soi mói đánh giá. Chà, đã thế vung vẩy cái ví tý chơi. Cô mua để bán à. Không ạ, em mua ăn thôi. Nhiều thế chị lấy giá buôn nhé, giảm cho em 7 giá (chắc là 7 ngàn/yến đây), lấy đủ 5 yến hả? Úi, dạ không, em lấy thử 1 kg ăn cho biết, mai em mua. Thế thì không được, bán đủ giá thôi. Thôi, bà chị, em đang vui thế này mà bà chị làm khó em. Bán cho em đi, coi như em mua thêm vào phần cái chị mua buôn kia kìa... Hừ, thế mai lại nhớ mua cho tao nghe chưa. Giọng bà chị tớ đã có phần vui vẻ hơn... Vâng ạ. Ngoan quá. Chắc lần này lời chưa đến 1 ngàn, 700 đồng thôi. Vẫn sướng...

Tương tự, hỏi bao tiền 1 triệu bông hồng, để em hàng hoa thơm nức kia giật mình tưởng mình đang tranh thủ ngân nga lúc Pugatrôva với Ái Vân đi vắng. Cuối cùng, chả biết đắt rẻ ra sao, chỉ biết em ấy hào hứng chọn cho mình hoa rất đẹp. Và dù mình thích tự chọn mà lỡ xới tay hơi quá đà đám của hàng hoa thì em cũng không bực bội. Mua hoa, tiêu dùng văn hoá, nó phải vui chứ!!!

Thí dụ thế. Đi cả buổi chợ có khi chỉ hơn kém chừng 5-7 ngàn bạc. Nhưng mà vui. Cái mang về nhà không chỉ là nặng trĩu hai tay mà còn là một trời vui vẻ, thân ái. Cảm giác kinh tế thị trường chả chi phối được tình cảm con người.

Nhưng có chỗ là cấm kỵ mặc cả nhé bạn. Kể cả biết máy chém đang vận hành ở mức cao nhất. Chả biết ai nghĩ ra đầu tiên mà mình cứ răm rắp tuân thủ. Đi mua đồ lễ, vàng hương cúng kiếng thì không dám mặc cả đâu. Lòng thành mà. Đứa nào nói điêu thì nó phải tội (thật thế hay sao ấy nhỉ), chứ mình mua phải xông xênh thì cầu mới dễ ứng.

Nhưng cũng có chỗ, cấm nghĩ ngợi, cứ thế mà mua, vẫn vui như Tết. Ấy là mua của người quen. Có khi người đó là người quen của người quen, rồi bạn bè, rồi anh em họ mạc.... Vui lắm... Lọt sàng xuống nia. Có khi lại còn mở rộng hầu bao, không hỏi giá mà trả một khoản xênh xang... Ra lộc cho người thân mình mà. Cứ cho là đang "mê tín" đi, mình ra lộc một mà người của ta lại thu lời 10 từ thiên hạ thì còn gì vui bằng. Buôn gì lãi bằng. Lãi cả tiền lẫn tình cảm.

Vui nhỉ. Quá vui phải không bạn ơi.

Chả thế, nhớ cái lần mình với cô bạn thân Hạnh Thuỷ, hồi đầu những năm 90, lượn mỏi rũ ở Hàng Đào để mặc cả hết hàng này qua hàng nọ chọn mua cái hộp nhũ mắt xanh đỏ, hòng tặng cho bạn Như Anh chuẩn bị đi Nga. Đến lúc hai đứa giật mình, ố ồ, đi gần chết để chọn cái hàng nào bán 9 ngàn 8. Cười phá lên vì cái bản năng mặc cả, rồi ngoan ngoãn mua ngay giá 10 ngàn.

Bản năng này có phải bẩm sinh ở phái nữ không nhỉ. Hay là đúng nhỉ? Thì bác Phượng "trung niên xung phong", bạn đồng nghiệp của mình, một hôm đã hổn hển than thở. Mày ơi, chị hôm nay đồng bóng thật mày ạ. Trưa nắng chang chang, chọn gần chết được 5 kg cam, 50 ngàn. Thế mà nó chỉ tính gian có 500 đồng, chị tức quá, bỏ đi. Giờ hơi hối vì dở hơi. Mày cho chị ngụm nước lọc cho nó nguôi cơn đi!

Nhưng thú thật, có lần tớ gặp "tai nạn". Về cứ thấy ngậm ngùi mãi. Cũng không bị mua đắt, cũng "lời 500 đồng bạc" nhưng lỗ to về cảm giác con người.

Bản năng mặc cả và tính ham vui nó hại mình. Dừng xe ở chợ cóc, mua rau cải cúc, hình như trong Nam gọi là rau tần ô, còn mấy ông anh buôn rượu ở cơ quan thì hỗn loạn hơn, gọi là rau "cởi cúc". Gặp ngay cô bạn lâu ngày. Môi trên thì buôn với bạn. Môi dưới trề ra mặc cả tiền rau. Bốn mớ có hai ngàn bạc. Thế mà còn lý cố mặc cả ngàn rưỡi. Mắt tớn lên, soi nhau ngất ngây với bạn. Tai loáng thoáng nghe người bán nài nỉ. Chả hiểu sao mình cứ theo quán tính mà khăng khăng giữ giá ngàn rưởi. Rồi người kia bán, rồi mình móc 2 ngàn trả, rồi thản nhiên nhận lại đồng xèng 500 vứt tọt vào túi, chả biết nó rơi ngăn nào. Rồi cái túi bục, ngẩng lên đòi người bán túi khác. Và tim nghẹn lại.... Ôi, một chị chắc chả hơn mình bao nhiêu tuổi, hay bằng tuổi nhỉ. Lam lũ quá, mặt sương gió tướp táp. Mắt nhân hậu và buồn bã. Vô tâm chưa kìa mình ơi. Làm thế nào bây giờ. Thề, khi đó mình ngây đờ như gặp phải tiếng sét ái tình. Thì cũng sét đánh trúng tim. Vội vội vàng vàng để lấp liếm cái cảm giác tội lỗi. Chị ơi, bán cho em 2 kg cà chua. Chị ấy vội vàng lấy cả của hàng rong bên cạnh, cân cho mình. Chị bỏ vào hai túi cho em. Chị ấy chắc đang ngạc nhiên. Rõ ràng cải cúc không nấu với cà chua mà. Con bạn càng ngạc nhiên hơn khi mình dúi vào tay nó một túi. Ơ, quý báu gì mà biếu xén nhau thế này. Không, mày cầm đi, rồi tao bảo. Tới đây thì nó hiểu hiểu. Rồi hấp tấp rút tiền giả, rồi đi. Bản năng mặc cả biến đi tận đẩu tận đâu. Từ đó, mỗi khi mặc cả, luôn quan sát kỹ đối tượng bán hàng. Không dám sơ sẩy. Như một nguyên tắc.

Thế đấy, mặc cả như một thú chơi văn hoá. Đã văn hoá thì lại có lệch chuẩn nếu mình để nhân tính đảo chao.

Một người bạn vong niên, một nhà báo đáng kính có lời nhắc nhở khi mình tâm sự vấn đề này: nền "thương mại mặc cả" dễ thương ấy đang là lực cản trên hành trình ra biển lớn. VN cũng không thể một sớm một chiều có thể hội nhập. Du lịch VN cũng chẳng dễ gì cất cánh khai thác "vẻ đẹp tiềm ẩn" như mong đợi bằng ý chí của các nhà hoạch định...

Có đọc báo, có nghe đài, có biết đây là thời buổi WTO, hội nhập quốc tế. Biết đây là thời buổi phát triển thương mại điện tử, thời buổi chẳng riêng siêu thị mọc như nấm mà còn là thời nảy nở vô số loại hình bán hàng hoá và dịch vụ. Vậy mà văn hoá mặc cả vẫn đang còn ngấm sâu lắm trong tim mình và không ít người. Hay là trong thời buổi quá độ lộ trình thì nó còn đan xen như một giá trị. Và rõ ràng, ưu thế nhân văn của nó muốn hay không vẫn là điều không thể chối cãi.

Và như thế thì xã hội học tiêu dùng, xã hội học thực phẩm, xã hội học kinh tế vẫn còn đất để tìm hiểu thói quen tiêu dùng của người dân, nghiên cứu sự hình thành và phát triển mạng lưới xã hội trong hoạt động tiêu dùng. Thế thì tớ hẵn còn có việc làm, câu cơm.

Còn bạn bè tớ nữa, bao nhiêu người cũng làm kinh doanh cơ mà. Thì cũng phải cho bạn mình kiếm cơm chứ nhỉ. Kiếm được thì phải tán lộc lại, phải không mấy bạn?

Lại còn những cô bác bán hàng đang tận tâm phục vụ tớ ở chợ cóc. Thành bạn hàng, bạn quen rồi. Có lúc còn vẫy riêng ra tâm sự đủ thứ. Có lúc nghe ai bảo cu Tý ốm, cô Hà bán hàng khô còn gọi mẹ cháu, dúi cho một gói những đường, những cam. Mẹ cháu ngạc nhiên thật sự và lúng túng. Đâu dám nghĩ theo thói thường là cô ấy "lại quả". Nhà mình mua được mấy đồng cho cô ấy đâu. Tình cảm không thể chối mà thôi. Từ đó làm khách hàng trung thành, cô ấy cũng không có ý ép. Cái này vượt khỏi "văn minh thương mại" rồi.

Tớ cứ tận hưởng thú vui mặc cả thôi. Bao giờ vào siêu thị hay lên mạng mua bán, thành con người "hiện đại" thì tính sau. Té ra, văn hoá thuộc ý thức xã hội, bao giờ cũng lê bước chậm hơn tồn tại xã hội là cái mớ công nghệ bán mua kia. Lại thú vị ngẫm nghĩ, thế chả nhẽ văn hoá mặc cả của tớ không có ý nghĩa gì à? Chắc ở chỗ, để cuốn hút được khách hàng, các kiểu mua bán hiện đại không thể không tính đến "văn hoá mặc cả" của tớ và các bạn.

Ung dung nào. Có ai đi chợ với tớ không. Mặc cả đê, mặc cả nào! :roll:

ST từ blog "An Thao" HN
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: MẶC CẢ - THÚ CHƠI

Gửi bàigửi bởi phanthikimanh » Thứ 4 28/11/07 22:30

"Nền "thương mại mặc cả" dễ thương ấy đang là lực cản trên hành trình ra biển lớn. VN cũng không thể một sớm một chiều có thể hội nhập".
Có lẽ trong tương lai, các siêu thị mọc lên như nấm, rồi thì sẽ không còn chợ cóc cho mình thưởng thức và thực hành thú vui/kỹ năng/kỹ xảo mặc cả đâu. Rồi thì chuyện mặc cả sẽ dần dần trở thành..chuyện lạ!

Còn bây giờ, đi chợ và mặc cả - 1 thú chơi đã thành nét văn hoá của người Việt Nam
Mời các bạn cùng đóng góp những mẩu chuyện vui buồn xung quanh chuyện mặc cả và cả những kinh nghiệm mặc cả...
Cảm ơn các bạn. :D
Tiếng chim hót trong bụi mận gai...
Hình đại diện của thành viên
phanthikimanh
 
Bài viết: 381
Ngày tham gia: Thứ 7 30/06/07 20:55
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến27 khách