Người bạn Đức của tôi

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Người bạn Đức của tôi

Gửi bàigửi bởi ngungudainguyensoai » Thứ 7 05/01/08 19:06

[justify]Người bạn Đức của tôi

–TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG–

Đức

Tôi chơi thân từ hai mươi năm nay với anh bạn Đức, Hauke, phụ trách miền Bắc nước Đức cho một thương hiệu Mỹ nổi tiếng về chất tẩy rửa công nghiệp thực phẩm, lương ngang thị trưởng thành phố.

Cột mốc kết thân đầu tiên của chúng tôi là bữa tiệc tôi khao anh độc nhất món nem Sài Gòn tự làm. Trông Hauke ăn - xuýt xoa, tấm tắc tán thưởng, huơ tay phẩy gió vào món nem đang nóng hổi, giòn tan trong miệng, tôi thích thú giải thích cho anh cái tinh túy của văn hóa ẩm thực Việt Nam kết tinh trong đó: nấm hương, mộc nhĩ, đặc sản của núi rừng, trứng gà là phẩm vật của loài chim thuộc giống bay lượn trên bầu trời, thịt lợn, miến dong tiêu biểu cho đồng bằng mênh mông, cua là thứ thực phẩm thượng hạng nơi sông ngòi biển cả. Chiếc nem Việt Nam gói gọn đủ cả hương vị đất, trời, rừng, biển. Lại cô đọng đến mức lý tưởng chỉ bằng ngón tay cái, có thể thưởng thức mọi nơi mọi lúc, thích hợp bậc nhất cho thế giới công nghiệp hiện đại!

Hôm khác, tôi mời tiếp anh món tiết canh. Khó khăn lắm mới xoay được vịt sống để mổ vụng. Hauke lại tấm tắc khen, ăn rau ráu, thoăn thoắt, hả hê, nom như đời anh lần đầu gặp được món ngon. Tôi mát lòng, mát dạ, mách anh thủ thuật chế biến cực kỳ đơn giản, giá trị ghê gớm, thanh nhiệt, bổ mát vô cùng, lại chê khéo người Đức sẵn thực phẩm thế mà không biết cách. Hauke thủng thẳng: “Có, trước đây 30 năm, sau bị cấm vì lý do y tế”. Tôi chỉ còn thiếu lỗ độn thổ, để khỏi tẽn tò kiểu hồi nhỏ thấy “đỏ tưởng chín!”.

Bẵng một thời gian xa cách do mải bận khách hàng khắp địa bàn rộng lớn, Hauke tới tiệm ăn của tôi, mặt đăm chiêu. Cấp trên của anh từ Mỹ qua kiểm tra, do doanh số của anh bị tụt thảm hại. Cái gốc nằm ở chất lượng sản phẩm cùng giá cả ấn định từ Mỹ, mà anh ở Đức lại phải gánh chịu trách nhiệm kèm hậu quả. Mất việc đối với người thu nhập giàu có là một thảm họa. Tôi thầm nhủ, thương và lo cho anh, chụm đầu với anh tìm kế sách giải trình với sếp. Kết thúc cuộc họp, tôi nhận trách nhiệm mở một tiệc khoản đãi sếp anh, theo đúng nghĩa tục ngữ Đức “tình yêu đi qua dạ dày”, hy vọng giúp anh tranh thủ được cấp trên cảm thông ủng hộ. Hauke cảm ơn, mặt vẫn không thôi bần thần.

Hôm đó như một ngày hội thi ẩm thực, đầu bếp trổ hết mọi tài nghệ. Món Ngư ông vọng nguyệt, được tạo hình từ một chú gà quay, đang ngồi câu cá. Đầu được nặn, chiên từ giò sống, đội chiếc nón mộc nhĩ. Hai cánh gà cầm cần câu bằng dọc hành, cặp giò bắt chéo chữ ngũ, thò cẳng xuống mặt hồ, súp gợn sóng lăn tăn bởi những vẩy óng ánh bạc do lòng trắng trứng rót thẳng vào súp nóng đánh gãy tạo thành. Dưới đáy là vầng trăng vàng từ lòng đỏ trứng tạo nên, mờ mờ hiển hiện. Các loại rau thơm thay cho rong rêu, cây cỏ, hoa lá, điểm quanh, sống động trông như thật. Món Thỏ ngự lâm, phô hết vẻ đẹp ngộ nghĩnh của một chú thỏ con, ra đời từ chân giò lợn rút bỏ xương, đầu khuỷu tạo hình mặt và miệng. Chiếc lưỡi đỏ cắt từ củ cà rốt như đang chực liếm hai chòm râu thỏ bằng rễ hành phơ phơ bạc. Hai tai thỏ to dài, làm từ phần bì cẳng chân, xẻ đôi, thắt lại mà thành, đang vểnh lên hóng chuyện. Dưới đó được gắn hai hạt cườm đen tạo thành cặp mắt thỏ long lanh ngắm nghía thực khách. Xung quanh tưng bừng hoa thơm, bướm lượn dập dìu, tỉa khéo léo từ rau củ quả đủ màu sắc. Tới chục món khác, bỏ lò, xào, chiên, tần, hấp, cũng cùng lúc được bày sẵn lên mâm cỗ, tạo thành các hình khối kiến trúc liên hoàn, đan xen, lấp lánh muôn màu, nguy nga như một công trình sơn thủy lâu đài trong mộng, nóng hổi, ngào ngạt, đến độ đụng đũa chỉ sợ làm hỏng. Tôi hài lòng, hồi hộp chờ đợi giây phút tiếp thị hình ảnh ẩm thực Việt Nam.

Đúng giờ hẹn, mở cửa đón thượng khách, tôi giật mình, chưng hửng khi không thấy sếp, chỉ mình Hauke đến, sắc mặt căng thẳng. Hauke khẩn khoản xin lỗi, anh không thể... - Thế nghĩa là thế nào, chỉ mỗi mời mà cũng không thể? Tôi sốt ruột cắt ngang, hỏi dồn. Người Đức vốn tự trọng cao, rất khổ tâm khi làm không được như lời hứa. Mắt Hauke rơm rớm, trông tội nghiệp hệt trẻ phạm lỗi. Mãi anh mới gạt được ngại ngùng, giãi bày: “Tôi chờ sếp mời, để có cớ đưa về đây, nhưng sếp không hề đả động. Trong các cuộc khoản đãi lẫn nhau, cấp trên phải mời, cảm ơn công sức đóng góp của cấp dưới, chứ không phải ngược lại. Nếu tôi mời sếp trước, thì hoặc tôi sẽ bị coi là kẻ bất lịch sự, cố tình cưỡng bức họ mời lại mình, hoặc đẩy họ vào cảm giác bị xúc phạm, định giá họ chỉ là kẻ tham nhũng, ăn hối lộ. Đáng tiếc nước tôi không thể như nước...”.

Người Đức vốn coi tham nhũng, hối lộ, thuộc thứ hạng người giá trị thấp, bị ngầm coi khinh. Câu anh nói bỗng nhằm vào cả dân tộc, ngừng đột ngột để tránh tỏ ra phân biệt, làm tôi điếng người, tái mặt, cảm giác bị xúc phạm ghê gớm. Tôi bất bình, giận dữ như gặp phải phần tử cực hữu bài ngoại, vẫn cố nén: “Bạn phải hiểu, tập quán hiếu khách nước tôi không nghĩ như nước bạn!”. Hauke liên hồi xin lỗi, rất tiếc đã làm tôi thất vọng, hiểu sai động cơ, nhưng sự việc thì không thể khác được, vì lý do bất khả kháng, “nếu tôi mời trước, chiếu theo các chuẩn mực pháp lý hiện hành, hành vi đó là hối lộ. Tôi không còn xứng với trọng trách”. Rồi anh tự phán mình: “Mà thế thì tự tôi phải thôi việc”.

Tôi chẳng còn lý gì cự anh. Bản lĩnh người Đức luôn tự trọng, không ngần ngại phủ định chính mình. Còn tôi? Tôi tự cật vấn, phải chăng lòng tự trọng trong tôi đã tới độ đánh mất cả khả năng tự thừa nhận? Mâm cỗ tôi cố làm thật cầu kỳ thịnh soạn, chẳng phải đã mượn “tình yêu đi qua dạ dày” mong cứu vãn thảm họa mất việc giùm bạn đó sao? Một dạng mua bán lòng người, dù có viện đến bảo bối tập quán hiếu khách tốt đẹp của dân tộc che chở!

Đôi mắt thỏ hạt cườm giờ ngấn nước như hai giọt lệ, ngư ông vọng nguyệt cũng bất động hóa đá chơ vơ, chẳng nghệ thuật ẩm thực nào cứu nổi bữa tiệc không còn trong sáng thuần khiết văn hóa ăn uống. Tôi bật thành tiếng nấc, lạc đi trong cố kìm: “Nie wieder (cạch tới già)” - một thành ngữ người Đức thề răn mình lúc cực hối hận. Hauke nghe thót người, sững sờ không kịp phân biệt tôi hàm ý cạch anh hay cạch chính tôi..
Nguon: Tap chi Thoi bao kinh te Sai gon[/justify]
Tôi trang trọng thề rằng: Tôi vô tích sự !
(Trích: Harry Porter)
RANDOM_AVATAR
ngungudainguyensoai
 
Bài viết: 70
Ngày tham gia: Thứ 4 03/10/07 21:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến26 khách