ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi Dinh Thi Dung » Chủ nhật 10/10/10 20:43

Gởi HVCH VHH khóa 11,
Thực hiện việc tăng cường thảo luận trong học tập , tôi đưa lên đây một số nội dung chính của ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC để các bạn chọn vấn đề thảo luận. Các bạn cũng có thể đưa ra những vấn đề mới để cùng nhau trao đổi.
Chủ điểm thảo luận
1. Về ĐỊA VĂN HÓA
1. Khái niệm Địa-văn hóa?
2. Quan hệ giữa Địa-văn hóa với tư cách là một cách tiếp cận với Địa-văn hóa với tư cách là một chuyên ngành của Văn hóa học?
3. Quyết định luận địa lý, những đóng góp và hạn chế của quan điểm này?
4. Đối tượng, quan điểm và phương pháp nghiên cứu của Địa-văn hóa (học)?
2. Về CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM
1. Khái niệm “không gian văn hóa” được hiểu như thế nào từ góc độ địa-văn hóa?
2. Vấn đề phân vùng văn hóa Việt Nam. Hiện có nhiều quan niệm về vùng văn hóa và có nhiều cách phân vùng văn hóa Việt Nam. Cách phân vùng phù hợp nhất trong nghiên cứu các vùng văn hóa Việt Nam? Tại sao? Tiêu chí phân vùng nào quan trọng nhất theo Anh/Chị.
3. Hãy chọn một vùng/tiểu vùng văn hóa phân tích và làm rõ đặc trưng Văn hóa của vùng/tiểu vùng đó trong so sánh với các vùng văn hóa khác ở VN?
3. TÀI LIỆU
Tiếng Việt
1. A.A. Belik, Văn hóa học – những lý thuyết nhân học văn hóa, T/c Văn hóa – Nghệ thuật, H.: 2000.
2. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ,Tp. HCM 2004.
3. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học.H.: 2003.
4. Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, H.: 1998.
5. Trần Quốc Vượng, Môi trường, con người và văn hóa, Nxb VHTT, H.: 2005.
6. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp.HCM, 2001.
7. Huỳnh Khái Vinh (cb), Nguyễn Thanh Tuấn, Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, H.: 2004.
Tiếng Anh
1. Harm J. de Blij & Peter O. Muller, Human Geography: Culture, Society, and Space (in lần 3), John Wiley & Sons, 1986.
2. George F. Carter, Man and the Land – A Cutural Geography (in lần 2), USA, 1968.
3. Jerome D. Felimann, Arthur Getis, Judith Getis, Human Geography – Landscape of Human Activities, Mc. Graw Hill, 2007.
4. Joel Bonnemaison, Culture an space: Conceiving a new Cultural Geography, IB. Tauris (London – New York), 2004.
Vấn đề thảo luận
Trong cuốn “Tinh thần và pháp luật” (1874) , Charles de Secondat Montesquieu nhận định: Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng. So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…
Mời anh chị bình luận nhận định trên.
GV phụ trách môn học
TS. Đinh Thị Dung
RANDOM_AVATAR
Dinh Thi Dung
 
Bài viết: 39
Ngày tham gia: Thứ 3 29/01/08 11:52
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi viet_huong47 » Thứ 2 11/10/10 1:29

Montesquieu, tên thật là Charles Louis, sinh vào ngày 18 tháng 1 năm 1689 ở Chateau de La Brede gần Bordeaux .Năm 1748, sau 20 năm cặm cụi làm việc, Montesquieu cho ra đời tác phẩm Tinh Thần Luật Pháp (L'Esprit des lois)
Sách Tinh Thần Luật Pháp của Montesquieu với các lời nhận định nghiêm chỉnh về luật lệ thống trị xã hội.
“Tinh Thần Pháp Luật” của Montesquieu được coi là sự khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc cách mạng tư sản năm 1789, bởi lẽ nó đã khiến cho dân Pháp khinh sợ sự độc tài, đồng thời khích lệ họ vươn tới khát vọng tự do, đạo đức và bình đẳng.
Theo ông, luật lệ thiên nhiên thống trị vạn vật và tạo ra một tiêu chuẩn công lý hướng dẫn các luật lệ hiện hành của loài người
“Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng”
Bởi vì hoàn cảnh của mỗi quốc gia khác nhau cho nên luật pháp của các quốc gia cũng có thể khác nhau. Chính những yếu tố địa phương về các phương diện kinh tế, xã hội, tôn giáo đến ngay cả tình trạng đất đai, mùa màng, xu hướng và truyền thống của dân, v.v., ảnh hưởng luật pháp của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia có pháp luật riêng phù hợp với tình trạng hiện hữu trong quốc gia đó.Ông nhấn mạnh khí hậu khác nhau thì luật pháp mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng.
Ông tìm hiểu pháp luật trong các mối quan hệ phong phú, từ các hiện tượng tự nhiên như khí hậu tự nhiên, tính chất đất đai… đến các hiện tượng xã hội như thương mại, tiền tệ, tôn giáo, dân số... Trong từng mối quan hệ, Montesquieu không dừng ở việc lý giải bản chất và đặc điểm của mối quan hệ đó, mà còn chỉ ra những tương đồng và dị biệt có nó theo thời gian, để cuối cùng tìm ra nguyên lý vận động nội tác của chính nó, từ đó đề xuất cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực xã hội khác nhau
Nhưng ông đã cường điệu vai trò của khí hậu đối với con người và pháp luật, coi tính chất của khí hậu là yếu tố quyết định tính cách con người và ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật
“So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch”
Đây là kết luận ta có thể nhận thấy vai trò quyết định của khí hậu giữa hai trạng thái khí hậu đối lập nhau dẫn đến hai tính cách đối lập nhau và là nguyên nhân chính của sự yếu kém và phát triển châu Âu và và châu Á.Ông đã đóng góp một ý tưởng mới lúc bấy giờ về thuyết quyết định luận địa lý .Đó là phát hiện độc đáo của Montesquieu khi khám phá bản tính con người, giúp người đọc có một cách tiếp cận mới mẻ và thú vị về con người và xã hội loài người theo hướng vào thế kỷ 17-18.
Ông khẳng định rằng sự bất lợi của tự nhiên là một điều trói buộc là một điều kiện tất yếu dẫn đến sự phát triển và kém phát triển của quốc gia.Đây là điểm hạn chế vì ông đã đưa ra kết luận chỉ dựa vào yếu tố tự nhiên mà không xét đến nhiều yếu tố khác.
“Dựa trên sự hiểu biết giới hạn về lịch sử nhân loại và địa lý quốc tế, Montesquieu tổng quát hóa là người dân ở các quốc gia ấm cúng phương Nam thường thì ít can đảm hơn, thích đam mê, và có nhiều nô lệ tính hơn dân xứ lạnh phương Bắc. Phong thổ của phương Nam dể đưa đến chính thể chuyên chế bạo ngược bởi vì đất đai trù phú khiến người dân xứ ấm lưu ý đến quyền lợi kinh tế nhiều hơn là quốc sự; kết quả là dân phương Nam dể mất quyền tự do hơn dân phương Bắc. Ông còn đi xa hơn nữa khi ông viết là chính thể chuyên chế phù hợp với các quốc gia Hồi giáo, chính thể quân chủ phù hợp với các quốc gia Công giáo, và chính thể cộng hòa phù hợp với các quốc gia tân giáo (như Tin Lành/Anh giáo)”
Đây có lẻ là điểm chưa hoàn hảo ở Montesquieu nếu ông không cường điệu vai trò của khí hậu đối với con người và pháp luật.Ông đã bỏ qua sự nổ lực và vươn lên của con người trong điều kiện thiên nhiên để hoàn thiện và phát triển mình.
RANDOM_AVATAR
viet_huong47
 
Bài viết: 37
Ngày tham gia: Thứ 7 25/09/10 20:30
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi skythienpham » Thứ 2 11/10/10 10:37

"Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng. So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…"
Nhận định trên của Charles de Secondat Montesquieu thuộc về thuyết Quyết định luận địa lý. Có thể nhận định này của tác giả rất có giá trị trong thời đại của ông, tuy nhiên, ở mỗi thời đại khác nhau thì cách nhìn nhận một sự vật hiện tượng cũng có sự thay đổi. Vì nếu sự bất lợi của điều kiện tự nhiên là một trói buộc, nếu không thay đổi khí hậu, không thể tránh được hạn hán, lụt bão, không thể biến đá thành đất… thì con người vẫn có những cách thoát khỏi những bất lợi mà địa lý gây ra, chế ngự tự nhiên. Mặt khác, môi trường tự nhiên khó khăn không hẳn là bất lợi cho văn hóa, nó giúp cho con người nổ lực hơn, thách thức càng lớn thì kích thích càng cao.Các ví dụ dễ nhận ra là trường hợp của Nhật Bản, khu vực Địa Trung Hải, hay ruộng bậc thang của Việt Nam mà anh chị trong lớp ta cũng đã thảo luận sôi nổi trong buổi học trước.
Môi trường tự nhiên giúp cho việc xác định các cơ hội của con người nhưng bản thân nó không quyết định các hoạt động của con người. Như vậy, nhận định trên của Charles de Secondat Montesquieu chỉ đúng trong thuyết quyết định luận địa lý, còn đặt trong Địa - Văn hóa thì nó đã trở nên lạc hậu. Vì Địa - Văn hóa trong Văn hóa học không những tập trung vào văn hóa ở góc độ tương tác giữa chủ thể văn hóa với môi trường tự nhiên mà còn xem xét đến quá trình tương tác với môi trường xã hội. Tuy nhiên, nhận định của tác giả cũng rất có giá trị. Từ nhận định ban đầu ấy mà thế hệ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đi sau mới đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi và sáng tạo ra những lý thuyết, khái niệm mới.
RANDOM_AVATAR
skythienpham
 
Bài viết: 51
Ngày tham gia: Thứ 2 27/09/10 12:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Thứ 2 11/10/10 20:52

Nếu theo như nhận định của Montesqueu thì rõ ràng khí hậu đống một vai trò quyết định trong việc hình thành nên tính cách của con người như: những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng. Có lẽ điêu này cũng chỉ là một phần, ta cũng không thể nào phủ nhận được vai trò của khí hậu đối với đời sống con người, mỗi vùng khí hậu khác nhau thì con người ta về lối sống, cách sinh hoạt cũng khác nhau. Đơn cử như ngay trên cùng một đất nước Việt Nam với hai vùng khí hậu rất rõ rệt phía Bắc và phía Nam. Ở hai vùng này, lối sống và phong cách sống cũng khác nhau, nếu ở Miền Bắc mọi thứ đều diễn ra chập chạp, từ từ, con người cũng không tất bật, hối hả và sống hôm nay luôn biết lo lắng cho ngày mai thì khu vực phía Nam được thiên nhiên ưu đãi nên con người nơi đây cũng sống tự do, phóng khoáng và ít lo nghĩ hơn. Tuy nhiên nếu xét về mặt luật pháp như Montesqueu đã nói ở trên thì không hoàn toàn như vậy, luật pháp được hình thành dựa trên các hành ví ứng xử, các mối quan hệ của con người với nhau trong cộng đồng trải qua một quá trình lịch sử lâu dài chứ không đơn thuần chỉ là do khí hậu quy định nên tính cách con người thì luật pháp cũng phải khác. Mỗi một vùng dân tộc có những quy cách sống và suy nghĩ hành động khác nhau, không thể có một dân tộc nào giống với dân tộc nào cho nên luật pháp cũng phải xây dựng dựa trên sự tương ứng đó.
Ở vấn đề tiếp theo ông cho rằng: So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn ....con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng ...Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển cường thịnh, tự do, Châu á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch. Có lẽ ông đang đi vào vấn đề là đưa ra một quyết định luận, đồng ý với suy nghĩ là khí hậu khác nhau thì cũng làm nên tính cách khác nhau của con người nhưng không chắc rằng ở xứ lạnh thì con người năng động hơn xứ nóng. Nếu dựa theo vấn đề cơ chế sinh học thì xứ lạnh có nhiều thuận lợi hơn là: Khí hậu không làm còn người ta mệt mỏi và khi làm việc cũng dễ dàng tập trung hơn, tinh thần nhẹ nhõm hơn và con người ta cũng thích sự vận động theo một nghĩa nào đó để làm nóng về tinh thần và thể xác, khi có sự tập trung tư tưởng thì cũng dễ tạo ra cái mới, họ không khắt khe với cái mới có thể là dễ chấp nhận nó, thế nhưng không hẳn là đã năng động hơn xứ nóng. Khí hậu lạnh đôi khi cũng làm con người ta muốn vùi mình trong cái vỏ bọc ấm áp, dễ bằng lòng với thực tại và ít muốn suy nghĩ hơn. Vì thế, nếu nhìn từ đó mà quyết định đến hệ quả chính trị thì chưa được thuyết phục. Sở dĩ Châu Âu nhanh chóng phát triển cũng là do những nhu cầu của con người, khi các cuộc chiến tranh của Châu Âu xảy ra ở thời kì lịch sử cổ đại trước Châu Á rất nhiều thì con người đã có nhu cầu phải tìm tòi ra những cái mới để phục vụ cho mình, còn Châu Á diễn ra sau đương nhiên sẽ kế thừa và cón thể là sau một bước về mọi mặt. Châu Âu đã quen thuộc với những cuộc chinh chiến và chiếm đóng nên khi hành quân đến Châu Á có vẻ thuận lợi hơn khi biến Châu Á thành lệ thuộc, thế nhưng đó chỉ là khoảng thời gian ban đầu và không lâu sau các nước khu vực Châu Á vùng lên cả về chính trị và kĩ thuật cũng không thua kém gì các nước Châu Âu. Nói như vậy để thấy rằng cái quyết định chính là ở ý chí, sự cố gắng nhất định của con người chứ không phải ở khí hậu làm nên những con người như vậy. Dân tộc nào, vùng đất nào dù là nóng hay lạnh cũng đều có những con người mang tư tưởng giống nhau có khác chăng chỉ là họ bị quy định bởi thể chế xã hội mà làm nên nét khác biệt mà thôi.
Mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau trước một vần đề, còn theo bản thân tôi thì khí hậu không phải là quyết định tất cả mà còn nhiều yếu tố khác nữa cùng làm nên tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người và luật pháp cũng vậy.
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi trucmuaha » Thứ 3 12/10/10 12:52

Sau thời kỳ dài dằng dặc của “Đêm trường Trung cổ”, nhu cầu về giải phóng con người, về quyền tự do của con người trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những thế lực phong kiến và thần quyền đương thời vẫn nắm quyền chi phối, kiểm soát thiết chế và trật tự xã hội. Các thế lực này phủ nhận mọi tri thức khoa học mà cho rằng tất cả vạn vật, quy luật tồn tại trên thế giới này là do Chúa trời tạo dựng, không có sự ảnh hưởng và quyết định của tự nhiên hay con người. Các thế lực này đã tạo dựng một hệ tư tưởng, hệ thống pháp luật và bộ máy cầm quyền nhằm áp đặt và bảo vệ quan điểm của mình. Như vậy, trong thời đại lịch sử đó, quyết định luận địa lý chưa được đề cập đến.
Vào thời gian này, đã xuất hiện các nhà tư tưởng khai sáng và các ông đã có những công trình triết học, văn học, pháp luật, xã hội học… nhằm hướng tới xây dựng một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái”. Nổi lên là hai nhà tư tưởng đã có những ảnh hưởng rất lớn đến cuộc cách mạng tư sản Pháp nói riêng và nền văn minh thế giới nói chung là Montesquieu (1689 - 1755) và Rousseau (1712 - 1778). Dù mỗi người lại có hướng nghiên cứu khác nhau, hai tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật” (1784) của Montesquieu cùng với “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Rousseau đã cùng nhau đi sâu vào nghiên cứu, lý giải các các vấn đề khoa học xã hội đương thời; phân tích so sánh các nội dung và bản chất của các thể chế chính trị khác nhau, chỉ ra nhiều điểm hạn chế và tích cực của từng thể chế; bàn về các yếu tố liên quan đến luật, cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực xã hội...
Với tinh thần hướng tới việc xây dựng một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái”, Montesquieu cho rằng điểm mấu chốt để làm được việc này là phải xây dựng nguyên tắc của chế độ mới. Từ đó, ông muốn khám phá cái “trật tự, cái quy luật trong mớ hỗn độn các luật pháp ở mọi xứ sở và mọi thời đại” để rút ra các nguyên tắc tổ chức ưu việt nhất cho xã hội của mình.
Montesquieu dùng phương pháp quy nạp trên cơ sở khảo sát, phân tích đặc điểm từ tự nhiên đến xã hội và các chính thể để rút ra các nguyên tắc chi phối chúng. Ông phát hiện ra đặc điểm địa lý, khí hậu của mỗi vùng chi phối các vấn đề khoa học và xã hội. Ông cho rằng: những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng. So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…
Theo đó, Montesquieu là một trong những nhà tư tưởng đặt nền móng cho quyết định luận địa lý: từ việc nghiên cứu, giải thích các đặc điểm địa lý của từng vùng miền và khẳng định sự quyết định của các đặc điểm địa lý đến các vấn đề khoa học và xã hội của từng vùng miền.Sở dĩ ông đưa ra tư tưởng đứng trên quan điểm của quyết định luận địa lý là do ông đã bắt đầu nghiên cứu các vấn đề của xã hội từ các đặc điểm tự nhiên trước rồi mới đến đặc điểm xã hội, và trong một phạm vi đối tượng nghiên cứu hẹp là những điển hình của châu Âu và châu Á. Vì vậy, trong giới hạn nhất định về mặt không gian cũng như thời gian, nhận định của ông là đúng. Chế độ phong kiến Châu Âu sụp đổ sớm hơn so với ở Châu Á, tư tưởng dân chủ tư sản ra đời ở Châu Âu cũng đã góp phần khẳng định cho nhận định của Montesquieu… Tuy nhiên nếu xét trên phạm vi toàn thế giới và trong nhiều thời đại lịch sử thì nhận định này đúng nhưng chưa đầy đủ. Tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người và pháp luật mỗi nơi không chỉ phụ thuộc vào yếu tố khí hậu mà còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như: lịch sử hình thành, dân tộc, văn hóa, trình độ khoa học kỹ thuật… Một minh chứng điển hình cho luận điểm này là Trung Quốc, một đất nước miền cận nhiệt đới, nhưng lịch sử phát triển của Trung Quốc không hề thiếu những thành tựu rực rỡ, những phát minh khoa học của nhân loại, và cũng không thiếu sự bành trướng lãnh thổ, tư tưởng thống trị đất nước khác… Hay cũng có thể nhắc đến Ấn Độ, một đất nước nhiệt đới với khí hậu nóng quanh năm, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đã đưa đất nước này trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin, về sử dụng năng lượng nguyên tử ở Châu Á… Như vậy không thể kết luận khí hậu đóng vai trò quyết định đến các vấn đề khoa học và xã hội được.
Tuy có những hạn chế nhất định như vậy, nhưng những nghiên cứu và nhận định của Montesquieu đã mở đường cho tư duy nghiên cứu tự nhiên và xã hội một cách khoa học.
"...em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên..."
Hình đại diện của thành viên
trucmuaha
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 23:00
Đến từ: Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi To Anh Thu » Thứ 3 12/10/10 14:39

Trước hết, tôi đánh giá khá cao nhận định của Montesquieu. Trước hết, ông đóng góp một quan điểm mới làm phong phú thêm hệ thống tri thức chung. Mặc dù nhận định của ông, theo nhận xét của các bạn, đúng là còn nhiều điều chưa thuyết phục, chưa hợp lý và không còn phù hợp nhưng ở vào thời điểm của ông, cũng là đáng ghi nhận; vả lại, trong đoạn trích này cùng với tên của tác phẩm thì ý tứ của nó phục vụ cho một mục đích khác, không nhằm mục đích nhấn mạnh quyết định luận địa lý hay tuyệt đối hóa vai trò khí hậu; nhận định này theo tôi chỉ là một trong nhiều giả thuyết nhằm chứng minh cho một luận điểm nào đó. Và dĩ nhiên là, một câu danh ngôn thì không thể đúng với mọi trường hợp và sẵn ở đó những trường hợp ngoại lệ chống lại nó.
Theo tôi, đúng là "Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng". Riêng pháp luật, tôi đồng quan điểm với nuthanbien. Tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người ở những môi trường sống khác nhau có thể dẫn đến pháp luật khác nhau, những người sống trong môi trường na ná nhau thì có thể có những luật lệ giống nhau, gần nhau, vì xét cho cùng pháp luật là tổng hợp các quy tắc xử sự giữa người với người (do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận... [xem diendan.vn]), nhưng nó phải trải qua một quá trình lâu dài, có thêm mới, có bỏ đi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và độc lập với sự chi phối của khí hậu. Chưa kể đến, dù sống trong những điều kiện khí hậu khác nhau, nhưng pháp luật của các nước đều có rất nhiều điểm chung như bỏ đi những cách hành quyết mang tính ít nhân đạo hơn, hướng đến bảo vệ những điều nhân văn, bảo vệ nhân quyền...
"So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới.", xét về thể chất, tôi hoàn toàn đồng ý nhận định này. So với cá sông thì cá biển sống trong điều kiện khắc nghiệt hơn thì dĩ nhiên là khả năng sinh tồn cao hơn, cơ thể khỏe mạnh hơn. Nhưng nếu như không chống chọi, thích nghi với chính môi trường của mình thì dù cho sống trong điều kiện tốt mấy thì chính cá thể đó cuối cùng cũng diệt vong. Nhưng điều đó có chứng minh người xứ lạnh phong cách năng động trong tư duy và hành động hơn không? Bỏ qua yếu tố cá nhân riêng biệt, xét về tổng thể, thì nhiều người đồng tình là người phương Tây (xứ lạnh với khí hậu khô) năng động hơn. Vả lại, vì yếu tố địa hình khiến cho cư dân khu vực này phải sinh sống bằng nghề chăn nuôi, phải thường xuyên du cư nên đạt nhiều thành tựu chinh phục, cộng với lối tư duy phân tích nên cũng dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Tuy nhiên, điều này không nói lên việc người phương Đông (xứ nóng mưa nhiều) không hội tụ các yếu tố trên và càng không chứng minh cho việc người sống ở vùng "khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…", đây là một nhận định thiếu tìm hiểu, võ đoán.
Từ các lập luận trên thì Montesquieu rút qua hệ quả về mặt chính trị ở châu Âu và mặt xã hội ở châu Á. Có lẽ, ở thời điểm đó, những tác phẩm kinh điển, những thành tựu của châu Á chưa đến được với công chúng các vùng miền khác. Tôi nhận thấy giữa Âu - Á, giữa Đông - Tây... có những điểm độc đáo đứng ngang hàng với nhau và thể hiện lối tư duy, nhận thức rất đặc trưng. Đều trải qua các hình thái ý thức xã hội nhưng đặt trong những điều kiện khác nhau thì khác nhau, riêng thời kỳ phong kiến kéo dài ở châu Á cộng với cách thức của nó đã hình thành nên bộ mặt chung. Rõ ràng là, các nước châu Âu phát triển sớm hơn các nước châu Á, đặc biệt là khoa học kĩ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, cách lập luận đi từ những ảnh hưởng của khí hậu đến những hệ quả về mặt chính trị, xã hội là khiên cưỡng. Đó là chưa kể đến thành tựu của các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc... và các nước Đông Nam Á.
Ở thời điểm đó - 1874, khi khám phá những lĩnh vực như thế này cộng với việc "sắp sửa" độc lập của nhiều ngành khoa học thì những quan điểm tương tự như trên không hiếm. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của khí hậu tác động đến hoạt động của con người nhưng ngoài khí hậu ra, còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác.
Xem ra nhận định của Montesquieu đã vấp phải nhiều quan điểm trái chiều, nhưng đáng quý ở chỗ, đó là đóng góp của ông và chúng ta ghi nhận điều đó. Mỗi người, chẳng quản sai hay đúng, góp một tiếng nói, một quan điểm cũng tốt chứ sao.
Học làm người
Hình đại diện của thành viên
To Anh Thu
 
Bài viết: 103
Ngày tham gia: Thứ 7 02/10/10 22:28
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 4 13/10/10 0:37

cô ơi!cuốn sách "Tinh thần pháp luật" của Montesquieu xúât bản năm 1748 chứ ko phải nam 1874 ( cô Dung đánh máy lộn ?).

như tên tác phẩm thì chủ yếu tác giả đề cập đến vấn đề chủ yếu là pháp luật. điều đáng nói ở đây là "ông không nghiên cứu luật pháp như một nhà luật học thuần tuý, mà nghiên cứu cái hồn, cái tinh thần của pháp luật" (tri thức nhân loại) ông không nghiên cứu pháp luật như một hiện tượng cô lập, tách biệt, mà đặt nó trong mối tương quan chặt chẽ với các sự vật, hiện tượng khác để tìm và lý giải nguồn gốc và bản chất của pháp luật.
Ông tìm hiểu pháp luật trong các mối quan hệ phong phú, từ các hiện tượng tự nhiên như khí hậu tự nhiên, tính chất đất đai… đến các hiện tượng xã hội như thương mại, tiền tệ, tôn giáo, dân số... Trong từng mối quan hệ, Montesquieu không dừng ở việc lý giải bản chất và đặc điểm của mối quan hệ đó, mà còn chỉ ra những tương đồng và dị biệt có nó theo thời gian, để cuối cùng tìm ra nguyên lý vận động nội tác của chính nó, từ đó đề xuất cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực xã hội khác nhau. (ánh sáng và phù sa)
và như vậy, đoạn trích dẫn trên là một luận điểm chỉ ra vai trò quan trong của tự nhiên chủ yếu là khí hậu trong việc hình thành cuộc sống, xã hội con người.
mặc dù Montesquieu được liệt vào phái Tự nhiên thần luận nhưng mình nghĩ trong luận điểm trích dẫn trên không hẳn là quyết định luận địa lý như các bạn đề cập. bởi vì theo như mình tìm hiểu thì ngoài các yếu tố tự nhiên, ông rất coi trọng các yếu tố xã hội như thể chế chính trị,...và có thể thấy rằng ông đề cao sự ảnh hưởng của khí hậu nhưng cái quyết định lại là những con người sống trong đó "con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới."

vì vậy mà trong tác phẩm ông đã xem xét tất cả các đặc điểm tự nhiên, xã hội và các chính thể để rút ra các nguyên tắc chi phối chúng chứ không chỉ xét điều kiện tự nhiên và như ông thừa nhận " Trước tiên tôi xem xét NGƯỜI ĐỜI, tôi tin rằng trong vô số luật lệ và phong tục rất khác nhau, con người không chỉ tuân theo một cách ngẫu hứng".
- "Tôi cố nắm lấy tinh thần của sự việc, không xem xét các trường hợp khác nhau một cách giống nhau, và tôi không quên rằng trong những sự việc có vẻ giống nhau đều có cái khác nhau".

p/s: theo tài liệu, ông này chưa đến phương Đông mà chỉ biết phương Đông qua hai người bạn ở Ba Tư (nay là I Ran) trong khi đó "ông Trùm châu Á là Trung Quốc trải qua đến 15 triều đại hưng suy có đủ roài) thời kỳ của ông M (tk 18) ở Trung Quốc đang là triều nhà Thanh, cho nên những kết luận của ông phần nào mang tính cảm tính và rất...ít căn cứ chính vì thế mà ổng nhận xét về châu Âu, châu Á như trên là chưa ổn lắm ạ!
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi HATHITHUHIEN » Thứ 5 14/10/10 11:26

Trong tác phẩm "tinh thần và pháp luật" của Montesquieu, rõ ràng tác giả đề cao vai trò của thuyết quyết định luận địa lý, ông nhận định rằng: "Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng."
Theo tôi, quan điểm của ông cũng không sai "So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…" Môi trường tự nhiên cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên tính cách con người, kéo theo đó là hệ quả xã hội về nhiều mặt. Ví như ở những điều kiện khắc nghiệt thì trước hết con người phải nỗ lực để thích ứng với môi trường và sau đó để vươn lên cải tạo lại tự nhiên. Và cũng chính vì môi trường tự nhiên quan trọng như vậy nên trong quá trình nghiên cứu các vấn đề về văn hóa, xã hội... các nhà nghiên cũng phải căn cứ vào yếu tố ấy. Ngay như khi phân vùng văn hóa ở Việt Nam thì yếu tố địa lý tự nhiên cũng là 1 tiêu chí.
Trở lại quan điểm của Montesquieu, tôi cho rằng nhận định của ông là đúng nhưng chưa đủ, ông quá đề cao đến môi trường tự nhiên mà lại không đề cập đến vai trò cực kỳ quan trọng của con ngươi, chính đây mới là nhân tố quyết định. Có lẽ do ông đúc kết từ thời đại của ông, với những điều kiện môi trường tự nhiên thuận lợi mà theo ông nó đã chi phối đến con người, xã hội giai đoạn ấy. cũng không phải ngẫu nhiên mà cũng có rất nhiều nhà tư tưởng như Carl Ritteer, Ellen Churchill Semple, Ellsworth Huntington, Thomas Griffith Taylor cũng có cùng quan điểm với ông.
Tuy ông chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố hình thành nên tính cách con người và pháp luật, nhưng cũng không thể phủ nhận những kết quả nghiên cứu của Montesquieu, đóng góp một giá trị to lớn cho quá trình nghiên cứu tự nhiên và xã hội một cách toàn diện.
RANDOM_AVATAR
HATHITHUHIEN
 
Bài viết: 17
Ngày tham gia: Chủ nhật 03/10/10 20:41
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi MINHPHUONGK11 » Chủ nhật 17/10/10 16:53

Ý kiến của cá nhân:
Khi xem xét nhận định trên của Charles de Secondat Montesquieu, tôi đồng ý với ông về quan điểm “Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng”. Tuy nhiên, khí hậu chỉ là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên văn hóa mà chủ thể của nó chính là con người.
Mọi hoạt động của con người trong bất kì hoàn cảnh nào trước hết đều xuất phát từ nhu cầu tồn tại tiếp đến mới là sống và hưởng thụ. Khí hậu lạnh dẫn đến nhu cầu ăn nóng, mặc ấm, ở nhà kín… Khí hậu nóng thì người ta ăn mát, mặc thoáng… Khí hậu tác động nhiều đến cách ăn, mặc, ở của con người. Khí hậu khắc nghiệt buộc con người nghĩ ra cách đối phó với nó; khí hậu ôn hòa thì con người ít ứng phó hơn. Do vậy, tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng… của con người ở những vùng đất có khí hậu khác nhau thì khác nhau, biểu hiện ở cách ứng phó của họ đối với môi trường tự nhiên và xã hội.
Ví dụ: Người Việt cổ cởi trần, đóng khố do khí hậu Việt Nam nóng ẩm.
Người Eskimo sống trong những igo để chống lại cái lạnh khắc nghiệt của vùng Bắc cực.
Tuy nhiên trong nhận định của mình, Montesquieu còn nêu rõ: “So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…”. Theo tôi, nhận định trên mang tính khiên cưỡng theo thuyết quyết định luận địa lí.

Trở lại với nhận định của Montesquieu, nếu so với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng… thì hẳn là các nước ở vùng cực Nam hay cực Bắc địa cầu phải là những nơi có nền văn hóa phát triển cực thịnh (vì đó là nơi lạnh nhất) và những quốc gia có sự tồn tại của sa mạc sẽ là nơi có chế độ chính trị kém nhất.
Khi đọc qua tiểu sử của Montesquieu do Nguyễn Thị Thu Hương, Thạc sĩ, Trường Đại học Tây Bắc,[Nguồn: Tạp chí Triết học] trình bày, ta nhận thấy ông đã đi qua rất nhiều quốc gia như Đức, Áo, Hungari, Italia, Thụy Sĩ, Hà Lan. Và cũng thấy rõ, những nơi ông đến vẫn là châu Âu. Chúng ta biết ông là một nhà triết học Khai sáng, nhà tư tưởng chính trị, nhà xã hội học và sử học người Pháp. Trong cuộc đời mình, Montesquieu đã đi nhiều nơi, đọc nhiều sách và tiếp xúc với nhiều dạng người khác nhau. Nhưng trước hết, bản thân ông là một người Pháp, một quý tộc châu Âu điển hình với tư tưởng Văn hóa châu Âu là trung tâm của mọi nền văn hóa. Do đó, thật dễ hiểu khi ông nhận định: “Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…”. Mang cái nhìn của một người châu Âu để đánh giá về châu Á trong khi ông chưa biết rõ về châu Á là một cái nhìn chưa thấu đáo, áp đặt. Vì vậy, nhận định trên của Montesquieu sẽ đúng nếu nó được đặt vào hoàn cảnh cụ thể của từng vùng đất, từng vùng lãnh thổ riêng biệt chứ không nên bao hàm hay áp đặt lên cả châu lục. Khí hậu ảnh hưởng đến cách sống của con người; nhưng chính cách nghĩ và hành động của con người mới là nhân tố chính làm nên văn hóa.
Chúng ta ghi nhận những đóng góp quý báu của Montesquieu cũng như những công trình nghiên cứu có giá trị của ông. Một mặc, ta tiếc vì chúng chưa hoàn chỉnh và còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng mặc khác, ta lại biết ơn những phần chưa hoàn chỉnh đó vì nhờ có nó mà ngày nay chúng ta có được những cứ liệu để tiếp tục nghiên cứu, phát triển khoa học văn hóa trên cơ sở hoàn chỉnh nhưng điểm còn thiếu sót đó.
Học văn hóa để làm người có văn hóa
Hình đại diện của thành viên
MINHPHUONGK11
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 6 01/10/10 19:46
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K11)

Gửi bàigửi bởi truchoatd » Thứ 3 19/10/10 14:11

Charles de Secondat Montesquieu nhận định: Những vùng khí hậu khác nhau thì làm cho tính cách, tinh thần, tình cảm, dục vọng của con người khác nhau, và pháp luật mỗi nơi cũng vì thế mà tương ứng. So với xứ nóng thì xứ lạnh tạo cơ chế sinh học của cơ thể tốt hơn… con người cũng năng hoạt động hơn trong điều kiện khí hậu như vậy, điều đó tạo nên phong cách năng động trong tư duy và hành động, dễ tạo ra cái mới và chấp nhận cái mới. Ngược lại, khí hậu xứ nóng làm cho trạng thái con người uể oải, tù đọng…Hệ quả chính trị là Châu Âu thì nhanh chóng phát triển, cường thịnh, tự do, Châu Á thì thụ động về mặt xã hội, yếu kém, bị nô dịch…
Tôi đồng ý với ý kiến của Minh Phương khi đánh giá về quan điểm của Montesqieu. Bản thân tôi cho rằng, ở những vùng khí hậu khác nhau, con người có cách ứng xử với môi trường khác nhau, điều đó tạo nên nét khác nhau trong văn hóa của mỗi người ở mỗi vùng miền khác nhau. Vai trò của con người là rất quan trọng, chứ không phải bản thân khí hậu quyết định nên dục vọng, tinh thần, tình cảm của con người. Nếu nói người xứ nóng uể oải, tù đọng, dẫn đến thụ động về mặt xã hội, yếu kém, nô dịch, thì Việt Nam của mình chắc có những con người tệ lắm! Tôi thấy người Vệt Nam mình cũng rất năng động, yêu tự do, chuộng hòa bình và sẵn sàng tranh đấu dể giành lấy độc lập tự do. Ý thức tự lực, tự cường của người Việt NAm mình rất cao. Các bạn có đồng ý với quan điểm này của tôi không?
Khí hậu ảnh hưởng đến môi trường sống của con người nhưng không quyết định được nó. Chính con người mới quyết định được mình sống như thế nào và ứng xử với môi trường ra sao? Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi được nhắc đến như một thành phố năng động bậc nhất Việt Nam, có những cư dân sinh ra và lớn lên tại thành phố nhưng vẫn sống cuộc sống rất chậm rãi, mặc kệ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Còn những người mới đến thành phố để học tập, lập nghiệp thì lại là những người năng động bậc nhất (mặc dù có những người được sinh ra và lớn lên từ những vùng quê với nhịp sống yên bình)
RANDOM_AVATAR
truchoatd
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 16/09/10 8:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang kế tiếp

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách

cron