Bản sắc văn hóa Việt Nam - Áo dài phải thật là dài?

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Bản sắc văn hóa Việt Nam - Áo dài phải thật là dài?

Gửi bàigửi bởi MINHPHUONGK11 » Thứ 3 19/10/10 12:41

8O

Không ai biết chiếc áo dài Việt Nam đã ra đời từ giai đoạn nào trong lịch sử, nhưng chiếc áo mà ngày nay người Việt Nam đang rất tự hào xem là bản sắc của mình đã được các họa sĩ thiết kế và đưa vào sử dụng từ những năm 30 của thế kỉ 20. Từ đó đến nay, áo dài đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nhạc sĩ Thanh Tùng - Từ Huy đã đưa áo dài vào lời bài hát “Một thoáng Việt Nam” để rồi khi nghe ai cũng công nhận là đúng:
"Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố.
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... "
Theo thời gian, chiếc áo dài đã nhiều lần thay đổi thiết kế, kiểu dáng nhưng vẫn giữ lại nét cơ bản là áo may ôm sát người, hai vạt áo dài mặc với quần ống rộng. Nhẹ nhàng, tha thước, áo dài đã tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ.
Đã có lúc, người ta cắt ngắn vạt áo dài lên gần chấm gối; nhưng cũng có khi vạt áo lại được may dài chấm đất. Dù ngắn hay dài, người ta đều có thể xoay trở, đi lại thoải mái khi mặc áo dài.
Năm 2008, Hoa hậu hoàn vũ Thùy Lâm đã gây được sự chú ý của dư luận khi từ chối mặc chiếc áo dài dài 5m để dự thi trong phần thi trang phục truyền thống. Điều làm người ta chú ý không phải là ở cô hoa hậu hay lí do cô ta đưa ra mà nằm ở bản thân chiếc áo dài đó. Nó có tà dài 5m, được đính 2.500 viên pha lê trên chất liệu lãnh Mỹ A và lụa Hà Đông, giá trị ước tính khoảng 20.000 USD.
Năm 2009, hai quí bà đại diện Việt Nam thi Hoa hậu quí bà thế giới đã cũng đã diện những chiếc áo dài rất đẹp, mỗi chiếc áo được đính khoảng 5000 viên pha lê.
Năm nay, 2010, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, các nhà thiết kế lại cho ra đời những chiếc áo dài kỉ lục.
Tiêu biểu có thể nói đến là bộ “Nghìn phượng – nghìn rồng”, gồm 2 chiếc áo dài 10 m, một áo nam và một áo nữ. Áo nam thêu 1000 con rồng, áo nữ thêu 1000 con phượng.
Và cuối cùng, không thể không nhắc đến chiếc áo dài vừa đạt kỉ lục Guinness. Chiếc áo dài do Hoa hậu Mai Phương Thúy mặc trình diễn được làm từ hơn 1000m vải, bao gồm chất liệu lụa truyền thống 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam (Vạn Phúc, Hà Đông, Tân Châu, Lãnh Mỹ A, Phong Phú, Đà Nẵng, Lâm Đồng...). Đặc biệt, với hơn 2.000 viên kim cương và các trang sức bằng vàng được trang trí trên áo và khăn đóng. Áo có 9 tà, mỗi tà dài hơn 100m là biểu tượng của 9 nhánh đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi biểu diễn trên sân khấu chính, người đẹp di chuyển ra sảnh ngoài được gắn 9 chiếc đuôi áo dài được chuẩn bị sẵn để tiếp tục biểu diễn trước ống kính. (theo Vnexpress)
Qua những chiếc áo dài vừa kể trên, ta thấy rằng những chiếc áo dài ngày nay đã có nhiều thay đổi: tà áo trở nên thật là dài, đắt tiền do được gắn nhiều đá quí, trang sức bằng vàng. Nhìn chung, những chiếc áo đó đều rất đẹp, sang trọng, quí phái vì nó tốn rất nhiều tâm sức và tiền của của người thiết kế. Thế nhưng, với những cái đuôi áo (không còn là tà áo vì nó không thể tung bay nổi) dài như vậy, áo dài có còn là áo dài hay không? Người mặc áo chỉ có thể đứng yên một chỗ để chụp ảnh, quay phim chứ không dám bước đi vì sợ bị vấp té. Và còn một thắc mắc nữa là sau khi trình diễn xong hay cao hơn là được công nhận kỉ lục rồi thì áo sẽ được dùng để làm gì?
Chúng ta yêu chiếc áo dài vì đó là một phần của quê hương Việt Nam. Ta cũng luôn được kêu gọi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Vậy những cố gắng thay đổi như trên có được gọi là phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam hay không?
Học văn hóa để làm người có văn hóa
Hình đại diện của thành viên
MINHPHUONGK11
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 6 01/10/10 19:46
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Bản sắc văn hóa Việt Nam - Áo dài phải thật là dài?

Gửi bàigửi bởi truchoatd » Thứ 3 19/10/10 14:28

Theo tôi, cần phải xác định rõ ràng ranh giới giữa tính thực tiễn và trình diễn. Một chiếc áo dài để trình diễn nó phải khác với chiếc áo dài sử dụng phổ thông bên ngoài. Chiếc áo đó có thể may bằng nhiều chất liêu khác nhau, nhưng vẫn giữ được những đường nét cần thiết của một chiếc áo dài. Còn áo dài sử dụng trong trang phục hàng ngày thì cũng có năm bảy kiểu áo dài. Áo dài dành cho học sinh phổ thông thì phải vừa vặn, không quá ôm, không quá mỏng, không quá dài để các em dễ dàng trong di chuyển, không khó chịu khi ngồi học, không vướng víu khi tham gia các hoạt động ngoại khóa. Áo dài dành cho giáo viên cũng cần tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, nhưng phải kín đáo, màu sắc phải trang nhã, không sử dụng chất liệu vải quá mỏng gây phản cảm cho học sinh. Áo dài dành cho cô dâu trong ngày cưới cũng được thết kế rất đẹp, trên nền vải gấm, lụa đắt tiền, có đính cườm, đính đá, có áo dát vàng....Nhiều chiếc áo dài cưới cũng chỉ để bận một lần trong ngày cưới rồi thì cất vào tủ để làm kỷ niệm.
Vấn đề là mặc dù chiếc áo dài của người Việt Nam có mượn ý tưởng từ trang phục nào hay được bến tấu từ chiếc áo nào đó không quan trọng. Quan trọng là khi nhìn thấy chiếc áo dài, mọi người đều khen nó đẹp và những ai có chút kiến thức về văn hóa đều biết nó là một trang phục của người Việt Nam. Điều này chứng tỏ tà áo dài là một nét bản sắc văn hóa của Việt Nam. Còn phát huy nó thì mình không biết phải hiểu như thế nào? chỉ biết, cùng với thời gian, tà áo dài đã được thiết kế cho phù hợp hơn với thị hiếu và vóc dáng của người Việt Nam. Có những chiếc áo dài cổ điển với cổ cao, tà dài, cũng không thiếu những chiếc áo dài tay ngắn, cách điệu như chiếc áo sườn xám của người Trung Quốc, và cũng có cả những chiếc áo dài cổ thuyền, giúp người mặc khoe cổ cao ba ngấn, bờ vai đầy đặn. Có gì xấu khi ta mặc trang phục truyền thống đã được cách tân cho phù hợp với cách nhìn hiện đại?
RANDOM_AVATAR
truchoatd
 
Bài viết: 31
Ngày tham gia: Thứ 5 16/09/10 8:01
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách

cron