Thử "lướt qua áo dài Chăm"

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Thử "lướt qua áo dài Chăm"

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 6 22/10/10 0:50

Qua các tài liệu nghiên cứu của các thế hệ trước, được biết rằng văn hóa Chăm được hình thành do kết quả của quá trình hoạt động nhằm thích ứng với các “điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt của cư dân vùng chân núi và đồng bằng ven biển” miền Trung Việt Nam. Đó cũng là kết quả của sự “giao lưu tiếp biến với các cư dân trong vùng Nam Đông Dương” cũng như vùng Đông Nam Á, thể hiện qua sự phát triển ngôn ngữ chữ viết, sự đan xen “giữa văn hóa miền núi và văn hóa biển, giữa các tín ngưỡng dân gian với các tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo”. Chúng được thể hiện qua những nét văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm, vừa mang “tính cách đồng nhất cho cả cộng đồng, vừa hàm chứa vài dị biệt do các vùng cư trú và các cộng đồng tôn giáo khác nhau”.
Người chăm là một trong 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Hiện nay, người Chăm đang sinh sống ở Việt Nam khoảng chừng 100.000 người (1989). Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polinesien. Đây là dân cư bản địa đã định cư lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Họ đã có một nhà nước độc lập và phát triển thịnh vượng vào thế kỉ thứ IV gọi là vương quốc Champa (Masepéro).
Qua quá trình phát triển đến độ cực thịnh như vậy người Chăm đã để lại không ít những giá trị bản sắc của dân tộc mình mà tiêu biểu nhất mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn đó là về trang phục người Chăm mà nổi bật nhất là áo dài Chăm (Aw kamei Cam).
Áo dài, tên tiếng Chăm thường gọi là Aw kamei Cam. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào ghi rõ nguồn gốc đích thực của nó. Chỉ biết là áo dài Chăm đã có từ xa xưa. Ghi nhận của các nhà nghiên cứu cho thấy áo dài Việt Nam là sản phẩm chế ra từ chiếc áo dài Chăm và áo dài Thượng Hải. “Áo dài chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam hiện nay khởi phát từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khóat (cuối thế kỉ XVIII) với nền tảng là chiếc áo dài phụ nữ Chàm, kết hợp với chiếc áo tứ thân ở Miền Bắc Việt Nam”. “Áo dài hai vạt áo của phụ nữ Huế có được là do ảnh hưởng Chàm”(1). Khi Trịnh Nguyễn phân tranh, miền Nam Chúa Nguyễn. “Chúa Nguyễn Phúc Khóat xưng vương. Ông đã triệu tập quần thần tìm phương thức xưng vương và dựng một tân đô. Ông đã thay đổi lễ nhạc, văn hóa và trang phục. Để thay đổi phụ nữ miền Bắc mặc váy, phụ nữ miền Nam phải mặc quần có đáy (hai ống) giống đàn ông. Võ Vương đã gây ra cuộc khủng hoảng về trang phục. Phụ nữ đã phản đối kịch liệt. Về sau Võ Vương không ưng ý với trang phục đó. Ngài giao cho triều thần nghiên cứu kham khảo chiếc áo dài của người Chàm (giống hệt áo dài hiện nay nhưng không xẻ nách), và áo dài của phụ nữ Thượng Hải (xẻ đến đầu gối) để chế ra áo dài cho phụ nữ miền Nam. Chiếc áo dài đầu tiên giống như áo dài người Chàm và có xẻ nách. Vậy là chiếc áo dài Việt Nam đã có đủ cả hai yếu tố văn hóa của phương Bắc và phương Nam”(2). Tôn Thất Bính cho là: “Chiếc áo dài tha thướt xinh đẹp hiện nay phải qua một quá trình phát triển. Nó được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khóat. Chúa nghe người Nghệ An truyền câu sấm “Bát đại thời hoàn trung nguyên” thấy từ Đoàn Quốc Công đến nay vừa đúng tám đời. Ngài liền hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi, khiến phụ nữ mặc áo ngắn hẹp tay như đàn ông thì Bắc quốc không có thể… là sản phẩm dung hòa Bắc Nam”. Theo Lê Quý Đôn: “Chúa Nguyễn Phúc Khóat hùng cứ ở xứ Đàng Trong, sau khi chiếm trọn nước Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phương Nam, theo Lê Quý Đôn, đã có được một thời kỳ thịnh vượng bình yên. Chúa Nguyễn Phúc Khóat , xưng Vương hiệu là Vũ Vương, có cơ chế chính trị, hành chính, xã hội có kỷ cương, nhưng chưa có quốc hiệu. Tuy nhiên, người ngoại quốc tới lui buôn bán tại cửa Hội An thường gọi là “Quảng Nam quốc”. Để chứng tỏ tinh thần độc lập, Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khóat đã chú trọng đến vấn đề cải cách xã hội, phong tục mà điều quan trọng là cải cách về y phục”(3).
Theo Văn Món (Sakaya): “Y phục phản ảnh rõ nét trình độ kỹ thuật dệt vải, cảm xúc thẩm mỹ, cách trang trí những đặc trưng văn hóa, cũng như phản ảnh về tôn giáo, tín ngưỡng Chăm. Nghề dệt Chăm đã có một quá trình phát triển lâu đời gắn liền với một dân tộc đã có nhà nước và chịu ảnh hưởng nhiều loại hình tôn giáo, văn hóa khác nhau. Xã hội Chăm là một xã hội có nhiều giai cấp vua chúa, quý tộc, bình dân. Do đó mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi chức sắc tu sĩ tôn giáo người Chăm đều có y phục riêng. Chính vậy mà y phục Chăm rất phong phú và đa dạng. Trong đó, đặc sắc nhất, cao quý nhất và tuyệt mỹ nhất là Áo (aw): Áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài không xẻ tà, mặc chui đầu mà họ gọi là Aw lwak. Áo có ba lỗ: Một lỗ chui đầu và hai ống tay. Áo này xưa kia được cấu tạo bằng bảy mảnh vải, may ghép với nhau, người Chăm gọi là Aw kaung. Loại áo này ở phần trên thân áo chạy dài từ vai xuống ngang bụng thì dừng lại. Vì khổ vải của khung dệt ngày xưa không cho phép vải rộng quá một mét; phần thứ hai từ ngang bụng đến quá đầu gối hoặc đến gót chân – phần này cũng được may ghép hai phần, ở mặt trước và mặc sau; hai cánh tay được nối lại với hai phần vai và nách áo và cuối cùng hai mảnh nhỏ đắp vào hai bên hông, người Chăm gọi bộ phận này là “dwa baung”. Cổ áo thường khoét lỗ hình tròn hoặc hình trái tim. Do đó từng chiếc áo dài truyền thống Chăm ngày xưa chỉ là những tấm vải ghép lại mà người may quay tròn thành ống để bó thân người mặc. Ngày xưa người ta thường may ghép nhiều màu trong cùng một chiếc áo cổ truyền. Những màu khác nhau như màu trắng, đen, đỏ, vàng… thường được bố trí ở các nơi như hai cánh tay, thân trên (từ eo hông trở lên) và thân dưới (phần còn lại của thân áo). Kiểu áo nhiều màu này, người Chăm gọi là Aw bak kwang mà người Việt thường gọi là “Áo vá quàng”. Đây là loại áo mà người Chăm thường dùng để lao động sản xuất. Ngày nay, những người phụ nữ lớn tuổi vẫn đang mặc áo vá quàng này để lao động sản xuất trên đồng ruộng nương rẫy hoặc công việc ở nhà. Nhưng mỗi cái áo luôn có hai màu (đen, đỏ, xanh, trắng hoặc tím vàng…). Áo chỉ là những tấm vải thô, trơn không có trang trí hoa văn. Các phụ nữ trẻ khi mặc áo dài truyền thống trong các lễ hội thường choàng loại dây thắt lưng có dệt hoa văn trước ngực và buộc xung quanh lưng gọi là talei tabak. Ngày nay áo dài truyền thống Chăm đã được cải tiến. Do kỹ thuật dệt đã mở rộng được khổ vải cho nên Áo dài Chăm không còn là những mảnh vải nối ghép (kauk kwang) nữa. Những phụ nữ Chăm trẻ thường mặc áo dài đến quá đầu gối phủ lên váy mặc, may hơi bó tay, thân hơi phình rộng. Ở hai bên hông áo “dwa baung”, họ cải tiến bằng cách mở một đường ngay eo hông, có may thêm hàng khuy bấm hoặc nút dính gọi là Aw aiw(4). Các tác giả khác cho là: Áo phụ nữ Chăm là loại áo dài không xẻ vạt, mặc chui đầu gọi là Aw lwak. Vải được nhuộm những màu tươi sáng như màu chà, xanh, lục, hồng. Áo mặc trong sinh hoạt hằng ngày thường gọi là Aw kauh, áo mặc trong ngày lễ gọi là Aw xah, áo dành riêng cho bà bó ng khi hành lễ là Aw cam. Cấu tạo áo phụ nữ Chăm gồm bốn mảnh vải ghép dọc theo chiều đứng của thân người, hai ở phía trước, hai ở phía sau, ngoài ra còn hai mảnh nhỏ ghép hai bên sườn. Áo đến đầu gối hoặc quá một chút gọi là Aw tah, lớp trẻ nữ giới thường mặc áo loại này. Ống tay áo bó sát vào cánh tay, phần thân hơi rộng hơn một ít. Loại áo dài phủ chùng gót chân người mặc, gọi là Aw dwa baung. Aw dwa baung ôm sát thân người khi mặc phủ trùm lên váy, tạo cho bước đi một dáng uyển chuyển và làm nổi bật cơ thể. Ở hai bên hông Aw dwa baung có một đường mở ngay eo hông, có hàng khuy bấm, hoặc nút dính, khi mặc bó sát eo hông. Cổ áo phụ nữ có nhiều loại, hình lá trầu, hình tròn, hình quả tim, lứa trẻ cổ áo khoét rộng hình tròn, hình quả tim để lộ các vòng dây trang sức vàng, bạc đeo quanh cổ. Phụ nữ Chăm thường mặc áo lót Aw klơm bên trong áo dài. Aw klơm có tác dụng giữ cho bộ ngực cân đối và rắn chắc. Váy, khăn (aban, khan): có hai loại váy kín và mở. Váy mở (aban) là loại váy quấn bằng tấm vải, hai mép vải không may dính vào nhau. Khi mặc cạp váy được xếp vào và lận vào bên trong giữ chặt eo hông. Còn váy kín (khan) thì hai mép đầu vải được may dính vào thành hình ống. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc váy mở (aban) còn váy kín dành cho phụ nữ trẻ tuổi. Chỉ có váy mở có nhiều hoa văn trang trí và có may cạp váy còn váy kín thì không có hoa văn trang trí(5).
Ý nghĩa nhân sinh của áo dài Chăm
Khi mặc áo dài, phụ nữ Chăm đưa hai tay giơ cao lên rồi từ từ chui đầu vào chứ không mặc gài nút. Cử chỉ đưa hai tay lên như khẩn nguyện hay tỏ thái độ biết ơn đối với người đi trước. Cũng là một cách nhìn lại bản thân thân trước khi khóac lên trên mình y phục truyền thống dân tộc. Người nữ Chăm nhủ lòng sẽ vô cùng thận trọng và ý tứ giữ gìn sự trinh nguyên đó. Phần chiếc áo từ cổ xuống ngang lưng được chắn eo bó sát người, hiện rõ một sức sống và nhiệt huyết của lứa tuổi đang xuân. Từ phần eo chạy xuống qua đầu gối là giai đoạn đã lập gia thất. Phần này được che phủ bởi hai lớp: Chiếc váy được chồng thêm một lớp áo ở ngoài, tượng trưng cho sự bảo bọc, che chở cho gia đình. Phụ nữ Chăm làm bất cứ điều gì cũng không ngoài mục đích ấy. Đây là một sự hy sinh quên mình vì người khác. Dây thắt lưng ngang eo là ranh giới phân biệt rõ nét trước và sau khi lập gia đình. Người nữ Chăm nhận thức rõ trách nhiệm và bổn phận của mình. Chiếc váy ở phần dưới với kích thước đủ khoảng cách chừng mực cho một bước đi cố định chứ không thể nào rộng hơn tùy thích. Phụ nữ Chăm chỉ bước đi trong phạm vi cho phép. Dẫu cho đường đời có gập ghềnh thế nào chăng nữa, họ vẫn cứ bước đi trước sau như nhất. Chế độ mẫu hệ Chăm đặt lên vai người nữ nhiều bổn phận quan trọng, ở đó lòng chung thủy là tiêu biểu hơn cả. Khi đã có chồng, dù hoàn cảnh có éo le đến đâu, họ vẫn không bước ra ngoài cái phạm vi váy cho phép. Hay nói cách khác, không bước ra ngoài bổn phận và trách nhiệm của mình. Phụ nữ Chăm chịu đựng trăm cay nghìn đắng để làm tròn bổn phận người vợ, một người mẹ. Ở phần dưới của áo rộng ra và cố định, lúc nào cũng bao dung và gắn bó với chiếc váy phần dưới. Nó bao la tựa như biển cả. Phần váy nhấp nhô uyển chuyển gợn sóng, là những cơn sóng cứ vỗ về người chồng đi chinh chiến trôi giạt vô định. Dẫu thế, nhưng biển vẫn trung thành chờ đợi. Họ dằn nỗi nhớ nhung những lúc vắng bóng chồng. Lúc nào cũng bao dung ôm ấp sóng vào lòng. Một tình yêu tha thiết và trọn vẹn. Áo dài Chăm có một nét đẹp kiêu sa, độc đáo, rất riêng. Có ai đã từng ngắm nữ sinh cấp ba trong giờ tan trường mới thấy được nét yêu kiều e ấp đến dường nào. Khóac lên chiếc áo dài truyền thống dân tộc như làm cho các cô toát lên một nét đẹp huyền bí. Dáng người trở nên thẳng và cao hơn. Một vẻ đẹp thùy mị kín đáo ôm sát châu thân, lộ lên một nét gợi cảm của phần cổ vừa thanh tao vừa hấp dẫn. Tô điểm thêm cho những thiếu nữ đương xuân đầy nhựa sống ở phần ngực hiện rõ nét cân đối và rắn chắc. Vòng eo hình như thon gọn lại và từ từ xòe ra phần dưới của áo. Chiếc váy bên trong được may bằng chất liệu bóng và mềm mại tạo thành những đợt sóng vừa dịu dàng vừa uyển chuyển mỗi bước đi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Minh Đức, Từ điển tiếng Huế, NXB Văn học, 2009, in lần thứ 3, tr. 14.
2. Đại Nam Thực lục tiền biên.
3. Tôn Thất Bình, Kể chuyện chín Chúa – mười ba vua Triều Nguyễn, NXB Đà Nẵng, tr. 29.
4. Văn Món, Nghề Dệt cổ truyền của người Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 2003, tr.87.
5. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hóa Chăm, NXB Khoa học Xã hội, 1991, trang 114.
6. Maspéro, G. Le Royaum de Champa, Paris- Bruxelles, brill, 1928
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: Thử "lướt qua áo dài Chăm"

Gửi bàigửi bởi nuthanbien » Thứ 4 05/01/11 22:20

Tôi cũng đã từng được mặc qua áo dài Chăm, vì tôi không phải là người Chăn nên khi mặc vào có một cảm giác rất lạ, lúc đó trong buổi trình diễn hóa trang thành 54 dân tộc Việt Nam, không hiểu sao tôi lại chọn cho mình bộ trang phục của người Chăm. Đúng như bạn QuangTuân đã nêu ở trên, chiếc áo dài này đồi hỏi chúng ta phải bước đi chậm và có một khoảng cách bước chân nhất định, nói chung là không thể đi nhanh được. Thế nhưng tôi nghĩ với chiếc áo dài này nó sẽ tạo cho ta một độ an toàn nhất định đó là không sợ bị bung cúc như áo dài của người Việt, tức là ít có sự cố hơn. Thứ hai áo dài của người Chăm rất kín đáo, không bị gọi là Sexsy như của người Việt, mặc chiếc áo này tôi có cảm giác thấy an tâm hơn nhiều khi đứng trước một lượng khán giả đông đảo. Nói chung trong tất cả các dân tộc, có lẽ tôi chọn dân tộc Chăm vì tôi thích sự kín đáo của trang phục và thích sự nhẹ nhàng, chậm rãi cũng không kém phần uyển chuyển trong dáng đi.
Hình đại diện của thành viên
nuthanbien
 
Bài viết: 55
Ngày tham gia: Thứ 5 23/09/10 20:17
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Thử "lướt qua áo dài Chăm"

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 4 12/01/11 12:51

chào nuthanbien!nuthanbien có nhận xét rất hay, tôi rất thích, người xưa rât ý tứ khi phát hoạ lên một giá trị của cuộc sống, cuộc sống luôn là giá trị của sự sáng tạo.
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách

cron