THÁP PHỔ MINH TRONG KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO THỜI TRẦN

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

THÁP PHỔ MINH TRONG KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO THỜI TRẦN

Gửi bàigửi bởi hangthu » Thứ 2 08/11/10 18:40

I. KHÁI QUÁT CHUNG
Triều Trần (1225 – 1400 ) là một trong những triều đại lớn nhất của lịch sử trung đại Việt Nam. Dưới thời Trần, Đại Việt là một trong những cường quốc của Đông Nam Á lừng danh với ba lần lãnh đạo nhân dân Đại Việt kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, bảo vệ nền độc lập đã ghi một dấu son vàng trong lịch sử phát triển của dân tộc ta. Bên cạnh những chiến công vang dội về quân sự thì văn hoá Đại Việt giai đoạn này cũng đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Thời Trần cùng với thời Lý trước đó được coi là thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam, gần như trở thành quốc giáo. Thời bấy giờ số người xuất gia tu hành rất đông, trong số đó từ dân thường đến những người trong hoàng tộc, thậm chí là cả hoàng đế. Những ngôi chùa tháp được dựng lên từ bàn tay khối óc và niềm tin của vua quan nhà Trần cũng như quần chúng nhân dân. Nhà nho Lê Bá Quát đã từng viết : “Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm gì thuộc về việc Phật thì tất cả gia tài cũng không tiếc, nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ, như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận số tiền trả báo lại. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng khiến đã theo, chẳng thề mà tin, hễ chỗ nào có nhà ở, thì ở đó có chùa Phật, bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại”. Hơn bao giờ hết hình ảnh ngôi chùa trở thành thân quen và cần thiết trong đời sống của quần chúng “đất vua, chùa làng, cảnh Bụt”.
Phật giáo phát triển rộng rãi trong quần chúng, thấm sâu vào lòng người, không phải chỉ nhờ có triết học đạo Phật phù hợp với hoàn cảnh xã hội và mong ước của con người, mà còn có sự đóng góp tích cực của nghệ thuật, kiến trúc mỹ thuật Phật giáo. Sự hưng thịnh của Phật giáo trong thời Trần ở Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Có thể nói sự phát triển của Phật giáo thời Trần được phản ánh khá rõ nét ở tình hình xây dựng các ngôi chùa tháp Phật giáo. Mỹ thuật thời Trần tuy vẫn tiếp tục tỏ rõ sự kế thừa những truyền thống có từ trước, nhưng phong cách thể hiện có phần phóng khoáng, khỏe mạnh và hiện thực hơn.
Trải qua hàng trăm năm biến động, dưới tác động của chiến tranh, ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu, hay thậm chí những lần trùng tu, bao nhiêu công trình đã bị hủy hoại chỉ còn để lại dấu vết hoặc thay đổi hình dạng ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn một số công trình từ thời kỳ này còn tương đối nguyên vẹn cho đến tận hôm nay như tháp Phổ Minh ( Nam Định), tháp Bình Sơn ( Vĩnh Phúc), vì nóc Thượng điện chùa Thái Lạc ( Hưng Yên), Bối Khê ( Hà Tây) ...
II. THÁP PHỔ MINH
Tháp là dạng kiến trúc điển hình của một công trình Phật giáo. Tháp hay phù đồ là nơi chôn xương Phật,ngoài ra còn có một tên nữa là Phù họa hay Phật Đồ đều là tiếng Phật. theo nghĩa đạo Phật, nó là mồ mả, là linh miếu. Tháp thời Lý thường ở vị trí trung tâm của ngôi chùa, được làm nhiều tầng, trở thành biểu tượng thiêng liêng nối trời với đất, tạo ra sự hòa hợp âm - dương, gửi gắm ý nguyện của phật tử với Ðức Phật trên cõi Niết Bàn. Trong quần thể kiến trúc Phật giáo thì tháp là loại hình cổ xưa nhất, nó được coi như là sự hiện diện của chính Đức Phật. Những ngôi tháp xây dựng đời nhà Trần chính là sự tiếp nối thêm những công trình đời Lý. Những ngôi tháp này được dựng lên không ngoài mục đích làm nơi thờ Phật, có tính chất kỷ niệm, như tháp Phổ Minh ( Nam Đinh) tháp Bình Sơn ( Vĩnh Phú) tháp Bảo Thắng, chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều,Quảng Ninh)... Kiến trúc đời Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh. Kiến trúc của tháp, theo các nhà nghiên cứu đã đánh giá là một công trình mang nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc.
Tháp Phổ Minh nằm trong kiến trúc chùa Phổ Minh thuộc làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường ( nay thuộc xã Lộc Vương, huyện Mỹ Lộc ngoại thành Nam Định). Nơi đây chính là quê hương của các vua Trần, nơi có cung Trùng Quang. Theo biên niên sử thì chùa được xây dựng năm 1262 tuy nhiên theo các minh văn trên bia khắc trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời Lý. Rất có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật thời Trần. Về kiến trúc chùa Phổ Minh gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, 3 gian tòa thượng điện rộng lớn xếp theo kiểu chư “ công” ( I ). Sau thượng điện, cách một cái sân hẹp là ngôi nhà dài 11 gian. Ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh chùa
Công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa chính là tháp Phổ Minh. Do đó chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tháp. Tháp Phổ Minh được xây dựng vào năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, khi kiến trúc của chùa đã gần như hoàn chỉnh. Tháp cao 19,5m, có 14 tầng, lên cao thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Các tầng trên đều trổ cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Bệ thờ bằng đá được đặt trong lòng tầng tháp thứ nhất, cách điệu bằng những cánh hoa sen. Trông xa, tháp Phổ Minh như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời trong kiến trúc chùa. Trong cấu trúc chùa, có một nét rất nổi bật đó là việc đào sâu sân tháp hơn sân chùa. Việc đào sâu móng này ngoài nhằm mục đích làm cho móng nền thêm chắc chắn, đồng thời, kiểu kiến trúc này còn nhằm tạo ra biểu tượng một hồ nước, nhấn mạnh cho hình tượng bông sen đá khổng lồ xòe nở. Lối kiến trúc này đã làm nên một cách điệu thật táo bạo, độc đáo, gây ấn tượng mạnh về hình tượng hoa sen nở trên mặt nước. Trong Phật giáo, hoa sen chính là biểu tượng cho sự thanh cao, thuần khiết. Ngoài ra đó còn là tượng trưng cho cõi cực lạc: “cõi cực lạc của Phật Adiđà có rất nhiều ao sen báu, trong mỗi ao có 60 ức hoa sen bằng bảy báu, tròn trịa vừa đúng 12 do tuần. Mỗi hoa sen là mỗi chỗ dành cho những người vãng sinh về giá thai, tùy theo công đức và căn cơ mà giá vào Thượng phẩm, Trung phẩm hay Hạ phẩm” ( kinh Tịnh Độ Tông). Như vậy, một trong nhiều ý nghĩa của bông sen vẫn được kể tới là: nơi để sinh ra. Đó là ý nghĩa bắt nguồn từ thời nguyên thủy mang tính tín ngưỡng tâm linh. Từ ý kiến trên, một điều có thể rút ra là: hoa sen mang yếu tố âm. Cho nên trong kiến trúc ta thường thấy đá chân tảng chạm đài sen (âm) làm chỗ kê của chiếc cột mang hình thức Linga (dương) là sự kết hợp âm dương, biểu hiện của sự cầu mong bền vững và sinh sôi nảy nở. Như vậy với những ý nghĩa ấy, tháp Phổ Minh như là sự kết tinh của tư tưởng thanh cao Nhà Phật cùng với cái nhìn đặc sắc của nghệ thuật Việt Nam( chùa Một Cột có lẽ cũng được xây dựng trên cơ sở ấy).
Về chất liệu, tháp là một công trình hỗn hợp giữa gạch và đá. Bệ và tầng dưới của tháp được xây bằng loại đá xanh mịn vừa đẹp vừa có sức nặng, làm tăng độ bền cho móng nền. Các tầng trên đều được xây bằng gạch nung mỏng, nhẹ, rất tiện lợi cho việc xây lắp. Kết cấu của tháp ở các tầng đá chủ yếu dựa vào các mộng và keo vữa kết dính. Ở các tầng trên, ngoài vữa còn có các dây đồng xâu móc qua các viên gạch để làm tăng độ bền vững cho kiến trúc.
Những hình trang trí trên đá vô cùng gần gũi. Đó chính là những hình ảnh được các nghệ sĩ tạo thành bởi thủ pháp rạch chìm những nét nông, mảnh, từng nét cứ hiện ra khi thì nhịp nhàng chính xác, lúc lại vung vẩy phóng khoáng. Hình khắc rạch trên phần đá của tháp Phổ Minh tạo ra các hoa văn hoa lá, sóng nước, mây trời đơn giản, sáng sủa rất sinh động bao viền quanh thân tháp và các cửa tháp. Sự vận dụng những đường cong khéo léo tạo cho tác phẩm sự sinh động, cuồn cuộn lạ thường.
Tầng tháp thứ nhất được bắt đầu bằng một vòng những cánh sen hai lớp, lớp dưới cúp xuống, lớp trên ngửa lên nở xoè, tạo cảm giác cây tháp như mọc trên một đoá hoa sen khổng lồ. Khác hẳn với cánh sen thời Lý thanh dài và bên trong thường được trang trí đôi rồng rắn, những cánh sen ở đây đều mập mạp, có mũi cong xoắn lại, nó vẫn hiện thực nhưng đã được nâng lên theo trí tưởng tượng của nghệ nhân. Bên trong cánh sen còn trang trí những móc câu, hoa và nhánh hoa dây móc mềm mại.
Bốn cửa tháp ở tầng dưới đều có gờ nhô ra, trên mặt gờ rất nhẵn, được khắc rạch những nét nhỏ hoa lá cách điệu. Đó là những vòng tròn ở chính tâm có bông hoa nhỏ sáu cánh, rồi từ đó toả ngược ra hai nhánh lượn thành đường xoắn ốc kép. Hai bên mỗi nhánh lại rậm rạp những lá nhỏ ken xít nhau. Giữa các hoa lá ấy là những nhánh lá cùng loại, cũng xoắn lại, rất dày và hợp thành hình giống như chữ “X”. Lại có những nhánh hoa to mập, uốn cong lưỡi liềm rất duyên dáng, mà phần đài hoa vừa như mây cụm, vừa như thứ nấm gần gũi với cỏ linh chi, cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần thành một dải dài.
Chân cột góc của tầng tháp dưới này được trang trí cũng bằng lối khắc rạch hai bức diềm nhỏ chồng chéo lên nhau chạy song song. Bức diềm phía trên gồm những bông hoa nhọn đầu, mập, uốn cong lưỡi liềm rất mềm mại, phía dưới có đài và cuống hoa biến thành cụm mây cách điệu. Còn bức diềm phía dưới thì rõ ràng là một dãy sóng nước cách điệu. Sóng nước ở đây có hai phần, phần dưới như một dòng nhạc năm dòng kẻ song song lượn sóng đều đặn, phần trên là những ngọn sóng đầu nhô cao gồm các đường cong nối nhau gẫy khúc. Điều đặc biệt là trong mỗi ngọn sóng lại có một bông hoa nhỏ xinh xắn.
Còn ở các tầng trên, trang trí chủ yếu trực tiếp vào các viên gạch. Cạnh ngoài của mỗi viên đều có khắc hình rồng cuộn khúc vờn mây. Rồng là biểu tượng cội nguồn dân tộc, một biểu tượng kỳ vĩ và đặc sắc của dân tộc và văn hoá Việt Nam (dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên). Tuy phải khắc rạch trước khi nung, song hình trang trí rất mềm mại, chứng tỏ người xây dựng đã làm chủ kỹ thuật, có tay nghề khá vững vàng. Với lối xây gạch để mộc có trang trí như vậy, toàn bộ kiến trúc cây tháp như đỏ rực. Điều này đã được nhắc tới trong cuốn Mỹ thuật của người Việt ( Hà Nội, 1989): “ ban đầu 13 tầng tháp trên được xây bằng gạch trần sắc đỏ au trên nền cây xanh mướt”.
Tất cả những nét kiến trúc và nghệ thuật trên cho thấy đây là một công trình kiến trúc có giá trị của dân tộc ta. Tuy không thuộc vào loại có quy mô lớn nhưng nó luôn gợi cho khách đến vãn cảnh chùa nhất là những phật tử vốn có lòng sùng kính một cảm giác linh thiêng. Khi đứng dưới chân tháp nhìn lên, các rìa mái cứ nối nhau tầng tầng lớp lớp, lên mãi không trung dễ gây lên sự choáng ngợp trước cảnh Phật. Tháp còn đẹp vì nó gắn với môi trường của cả ngôi chùa rộng lớn xung quanh. Toàn bộ cây tháp in bóng xuống mặt ao phía trước, nó hoà vào trong độ cao chung của các cây cổ thụ um tùm cạnh sân. Nhờ vậy, tuy là cảnh Phật mà vẫn ấm cúng, gần gũi với con người trần tục.
KẾT LUẬN
Việc tồn tại của tháp ngót bảy trăm năm ở một xứ khí hậu nhiệt đới, chiến tranh liên miên như nước ta, quả đã có giá trị to lớn. Nó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân, mà còn là tài sản vô giá do tổ tiên ta đã tốn bao nhiêu công sức, trí tuệ, tiền của để tạo dựng trong quá trình lịch sử của dân tộc.
Tháp vút lên trên nền trời xanh thẳm như thể hiện ý chí hiên ngang bất khuất của hào khí dân tộc một thời - hào khí Đông A - đã từng đánh bại 3 lần xâm lược của phương Bắc. Đồng thời qua đó cũng thấy được triều đình nhà Trần đã nối tiếp các triều đại trước có ý thức xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập và tự chủ. Trong quá trình đó, bên cạnh việc xây dựng nền chính trị tự cường, các vua Trần đang cố gắng xây dựng một nền văn hoá - nghệ thuật riêng mang đậm bản sắc dân tộc.
Nhà thờ Bùi Huy Bích (1744 -1818) đã viết bài thơ “Du Phổ Minh Tự”(Thăm chùa Phổ Minh) như sau:
Sau loạn tìm về đến Phổ Minh
Hoa đồng cỏ nội ngút trời xanh
Văn bia sứt mẻ nhòe mây khói
Mắt Phật âu sầu dõi ngũ canh
Cõi phép cùng trời bao rộng lớn
Người đây vẫn nói đất linh thiêng
Nao lòng đỉnh cổ rày đâu tá?
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
(Ngô Đức Thọ dịch)
RANDOM_AVATAR
hangthu
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/09 21:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến16 khách

cron