Họa tiết hoa văn trên gốm sứ Hòn Cau

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Họa tiết hoa văn trên gốm sứ Hòn Cau

Gửi bàigửi bởi Quang Tuan » Thứ 2 13/12/10 10:38

HỌA TIẾT HOA VĂN TRÊN GỐM SỨ HÒN CAU

Vào cuối thế kỷ XVII có một con tàu buôn trên con đường lưu chuyển hàng từ Trung Hoa sang châu Âu khi đi qua vùng biển Việt Nam và bị đắm tại Hòn Cau – Côn Đảo. Vào năm 1990 được phát hiện bởi ngư dân Long Hải, qua hai năm trục vớt (1990 -1991) đã thu được 66.000 hiện vật, những cổ vật này thuộc về thời Khang Hy, nhà Thanh – Trung Hoa.

300 năm ở dưới đáy biển nhưng cổ vật Hòn Cau vẫn giữ được màu men tuyệt đẹp, chủ yếu là sứ men trắng vẽ hoa lam. Bộ sưu tập gốm sứ Hòn Cau so với các bộ sưu tập khác được trục vớt trong vùng như cổ vật ở Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận… cổ vật Hòn Cau vẫn luôn được đánh giá là bộ sưu tập đẹp nhất, trải qua 15 năm trưng bày giới thiệu nó vẫn là nguồn thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. Cái đẹp ở cổ vật Hòn Cau ngoài kiểu dáng, độ tinh xảo, màu men, tiếng ngân…nó còn thể hiện đặc biệt qua hoạ tiết trang trí hoa văn.

Đối với người Trung Hoa, mỗi thời đại có một mô tip họa tiết khác nhau. Hoạ tiết thể hiện quan niệm nghệ thuật của thời đại và tín ngưỡng tôn giáo của người đương thời. Hay nói cách khác, tâm lý tư tưởng của thời đại chi phối hoạ tiết. Cách diễn tả theo chủ đề, cách vẽ, tô điểm, pha màu, cách thi vị hóa…đều diễn tả tư tưởng phong phú, thâm trầm và đầy chất triết học của người Trung Hoa. Vì vậy, nghiên cứu hoạ tiết trên cổ vật Hòn Cau giúp ta khám phá ra niên đại của món cổ vật, giúp ta hiểu thêm quan điểm nghệ thuật, kỹ thuật và nhân sinh quan của thời đại đó.

Để có được kết luận đây là những cổ vật thời Khang Hy, các nhà chuyên môn đã nghiên cứu các ký hiệu niên đại trên thỏi mục, trên đồng tiền, trên hoạ tiết và nhiều cách khác nữa. Vậy tại sao đồ gố sứ Hòn Cau (1690) lại không ghi niên đại như các hiện vật trước và sau nó. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Vua Khang Hy khi về già trở nên khó tính, năm Đinh tỵ (1677) người ra lệnh cấm đề niên hiệu vua dưới đáy từ khí, vì sợ những món sứ bể rơi xuống đất thứ dân phạm tội chà đạp lên thánh hiệu” (Khảo về đồ sứ Trung Hoa, Tr.162). Vì vậy, những đồ sứ sản xuất sau năm 1677 của thời Khang Hy hầu như không thấy ghi niên đại và cổ vật Hòn Cau là một trong những số đó.

Nếu như các hiện vật khác thuộc các thời Vạn Lịch, Ung Chính, Càn Long thường ghi: “Đại Minh Vạn Lịch niên chế” (1573); “Đại Thanh Ung chánh niên chế” (1723), “Càn Long Vạn Lịch niên chế”…thì trên cổ vật Hòn Cau thuộc thời Khang Hy ta thường bắt gặp những dấu hiệu mà các lò sứ quy định để nhìn vào biết sản phẩm của mình, đó là những dấu hiệu như: con dơi, chữ thọ, hai con cá, bút, khánh, hai vòng tròn đồng tâm bên trong có các hình như: lá dâu, nấm linh chi, bình ngọc, miếng chả, khánh, lọng, loa ốc, hoa sen, kiếm, sách…Nhìn chung đó là các dấu hiệu thể hiện tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa đương thời. Trên đồ sứ Hòn Cau ta thường bắt gặp các bát bửu trong tam giáo, cụ thể như sau:

- Bát bửu của Phật giáo: bánh xe (luân), loa ốc tàn trướng (lọng), hoa sen, bảo bình, song ngư, sơi dây liên hoàn (liên)

Bát bửu của Lão giáo (bát tiên) Cây gậy ăn mày của Lý Thái Quỳ, Cây Phật chủ của Hán Chung Ly, Con lừa giấy của Trương Quả Lão, Giỏ hoa lam của Hàn Tương Tử, Thư quyển ngọc (ngọc quyển) của Tào Quốc Cựu, Ông Tiên của Lữ Đồng Tân, Bảng ngọc của Lam Thái Hòa, Hoa sen của Hà Tiên Cô,hay các ký hiệu: đồng tiền, viên ngọc, miếng chả, sách, khánh, bức họa, sừng tê giác, lá cây (lá ngãi bàng) cũng được xem là bát bửu của Lão giáo.

Sáu dấu hiệu riêng trên đồ sành: Chữ vạn, đỉnh, cổ văn, hoa sen, thỏ ngọc, nấm linh chi. Cổ đồ bát bửu là tám món sau: bửu ngọc, miếng chả, đồng tiền, cuốn thư, cái khánh, chén tê giác, lá bối, bức họa để trong bình quý.

Các dấu hiệu thường được vẽ lên trên đáy sau hiện vật và thường nằm trong hai vòng tròn. mỗi dấu hiệu đều mang một ý nghĩa biểu trưng riêng theo quan niệm đương thời. Nếu các dấu hiệu là một trong những bát bửu của Phật giáo hay Lão giáo thì ta nhận thấy ẩn ý của quan niệm tín ngưỡng, nhưng có nhiều hiện vật mang dấu hiệu khác thể hiện ý nghĩa rất đa dạng của của cuộc sống như: “nấm linh chi”;dấu “lá dâu”…Nấm linh chi xuất phát từ điển tích: người đời Tống tin rằng linh chi là một dược thảo quý, ăn nhiều sẽ trường thọ. Vẽ linh chi gửi tặng ai nghĩa là chúc người đó sống lâu. Dấu hiệu “lá dâu” là đánh dấu thời kỳ nghề trồng dâu nuôi tằm rất phát triển ở tỉnh Giang Tây, cũng là nơi có nhiều lò gốm sứ rất nổi tiếng như Long Tuyền, Đức Hóa. Nghệ nhân mượn hình ảnh lá dâu đề trên gốm sứ như nhắn nhủ hai đặc sản nổi tiếng của vùng quê mình là nghề làm đố sứ và nghề trồng dâu nuôi tằm. Thật vậy, gốm sứ Giang Tây được xem như là niềm tự hào của người Trung Hoa. Vào thời nhà Thanh, Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây được xem là trung tâm của nghề sứ, là nơi có hàng trăm lò gốm sứ, kéo dài đến hàng cây số. Ở đây có cả “lò quan” lẫn “Lò dân” cung cấp sản phẩm cho nội phủ, từ quan lại cho đến thứ dân. Đất ở đây trắng mịn, người thợ lại có kinh nghiệm, nung ở nhiệt độ cao trên 12000c, sành cứng đến độ lấy dao bằng thép rạch không đứt. Sành được vẽ dưới một lớp men nghĩa là vẽ trên cốt rồi mới phủ men bên ngoài. Men ấy cùng nung một lần với cốt theo thể thức “màu vẽ chịu đựng nổi với hỏa độ cao”. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: Vua Khang Hy rất chú trọng đồ sành sứ và đều tự mình coi sóc ra kiểu vỡ cho thợ là đồ sứ theo đó mà thực hành gọi là đồ “Ngự chế”. Người thợ gốm được đào tạo rất bài bản, họ đã làm chủ được nghệ thuật bao gồm cả kỷ thuật chế tác và đặc biệt là kỷ thuật vẽ. Các họa tiết trên đồ sứ Khang Hy được vẽ rất tinh xảo, đạt trình độ nghệ thuật cao. Hoạ tiết trên đồ sứ Hòn Cau là một minh chứng cho điều đó.

Ta hãy ngắm nhìn hoạ tiết trên chóe, lọ, bình hoa, mô típ truyền thống của Trung Hoa được phát huy như: mai, đào, cúc, trúc biểu tượng cho bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; những tích xưa như: Ngư ông đắc lợi”, ”Cưỡi ngựa bắn cung”, “Lã Vọng câu cá”…Mỗi tích có một ý nghĩa răn đời riêng như: “Lã Vọng câu cá” kể về Ông Khương Thượng thời nhà Chu ngồi câu cá trên một bến sông, nhưng cần câu không có móc. Thực ra mục đích của ông không phải là câu cá mà ngồi suy gẫm về thời cuộc. Chu Văn Vương đã thấy được tài năng trong con người ngồi câu cá này và đã vời ông về làm quan, sau này ông đã làm nên sự nghiệp cho nhà Chu. Tích này muốn nói muốn nói: muốn làm nên sự nghiệp phải biết dùng người và cũng phải biết chờ thời. Hay tích “Ngư ông đắc lợi”: con cò mổ bụng con trai, con trai khép miệng lại kẹp luôn cả mổ con cò, con cò vùng vẫy để thóat ra, càng vùng vẫy thì con trai càng khép miệng chặt hơn, cuối cùng người nông dân đến và bắt được cả trai lẫn cò. Tích này muồn nói: nếu chỉ lo cắn xé lẫn nhau thì cả hai đều bị thiệt, chỉ có kẻ ngoài cuộc được hưởng lợi. Rõ ràng mỗi điển tích đều có ý nghĩa giáo dục, răn đời rất sâu sắc.

Bên cạnh những hoạ tiết mang phong cách truyền thống như trên, khá nhiều hiện vật choé, bình hoa vẽ theo phong cách Châu Âu như trên nắp choé vẽ người trên bình hoa vẽ phong cảnh nhà cửa, trên thân chóe vẽ nàng tiên cá kéo vĩ cầm. Có hiện vật lại mang hoạ tiết pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là thời kỳ mà người Châu Âu cùng với nền văn minh của mình bắt đầu du nhập vào Trung Hoa, sự giao thương buôn bán giữa người Trung Hoa và người Châu Âu bắt đầu thịnh hành mà nguồn gốc đầu tiên là từ công ty Đông Ấn của Anh, các nước như Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan đều có chi điếm tại Quảng Đông. Các lò gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn được đặt hàng hoặc làm theo đơn đặt hàng cho các nhà buôn phương Tây, vì vậy các nghệ nhân Trung Hoa đã phần nào chịu ảnh hưởng của phong cách Châu Âu. Đây là những hiện vật mang đầy dấu ấn của lịch sử, rõ ràng hoạ tiết đã thể hiện dấu ấn thời đại.

Khác với hoạ tiết trên chóe, bình, lọ, họa tiết trên ống cắm bút lại mang một phong cách khác. Chủ yếu là vẽ hoa dây leo, hoa cúc, tiêu diệp lan (lá chuối) …Vẽ dây hoa theo chiều ống bút, vẽ lá chuối theo hàng sắp khít nhau khi vẽ đầu lá trên khi ngược lại. Nét vẽ các dây hoa mềm mại tự nhiên, không khiên cưỡng. Đặc biệt sống động nhất là họa tiết bé trai ở trần truồng tay cầm cành hoa cao hơn thân mình đang nhảy múa với nét mặt rạng ngời niềm lạc quan, yêu đời. Hình ảnh này ta cũng bắt gặp trong tranh dân gian của người Hoa. Có lẽ nghệ nhân muốn thể hiện tính cách của người Trung Hoa qua hình ảnh em bé trai.

Đối với những bình hoa, họa tiết thường vẽ theo lối liên hoàn, có loại vẽ trơn, có loại chia lớp, thỉnh thoảng có hiện vật chia ô để vẽ. Trang trí bình hoa chủ yếu là hoa phù dung, hoa hồng, hoa mẫu đơn …Đối với các loại ấm chuyên họa tiết thường là cảnh tứ thời, hoa lá, chim sẻ, cò, có một vài hiện vật vẽ cảnh làng quê hay tích Tô Vũ chăn dê.

Nhìn chung, dù vẽ họa tiết nào cũng thể hiện được sự hài hoà cân đối, đẹp mắt. Tất cả hiện vật đều vẽ thủ công bằng tay, mỗi nghệ nhân đều vẽ theo một phong cách riêng. Cùng họa tiết nhưng không hoàn toàn giống nhau (như hai người sinh đôi nhưng không phải là một), càng chú ý kỹ ta càng thấy sự khác biệt của họa tiết trên các hiện vật. Cùng vẽ hoa cúc nhưng bình này khác bình kia, cùng họa tiết hoa hồng, nhưng ở mỗi hiện vật lại có nét khác nhau.Chính vì vậy, đứng ở phương diện họa tiết có thể nói mỗi hiện vật là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có một sự hiện hữu riêng góp phần làm nên giá trị của hiện vật.

Gốm sứ thời Khang Hy thường dùng bút pháp tả chân với lối vẽ công bút, tỷ mỷ, trau chuốt, các chi tiết trang trí sống động, sát thực tế, nét vẽ sắc sảo, màu sắc không bị nhòe. Dù trải qua hơn 300 năm ở dưới đáy biển, với tác dụng của nước mặn và thời gian mà vẫn giữ được tươi nguyên màu men xanh lam và họa tiết sống động đầy tính nghệ thuật.

Nghiên cứu họa tiết trên gốm sứ Hòn Cau, cho ta hiểu sâu hơn trình độ kỹ nghệ làm gốm sứ, tính ngưỡng – tôn giáo, tư tưởng triết học, thế giới quan, trình độ và quan điểm nghệ thuật của thời đại Khang Hy.
RANDOM_AVATAR
Quang Tuan
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 6 15/10/10 21:50
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến14 khách

cron