nhà rường và ngõ đá ở làng Lộc Yên _ Tiên phước - Quảng Nam

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

nhà rường và ngõ đá ở làng Lộc Yên _ Tiên phước - Quảng Nam

Gửi bàigửi bởi vinhhoanqnkt » Thứ 5 07/04/11 20:07

I. Khái quát về làng Lộc Yên
1.Vị trí địa lí
Làng Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm huyện lị Tiên Phước 5km về hướng Tây. Phía Đông giáp làng Bình Yên, ranh giới bởi suối Đá Giăng; phía Tây giáp làng An Sơn (thôn 5); phía Nam giáp làng Thạnh Bình (thôn 1), ranh giới bởi suối An Sơn; phía Bắc giáp Làng Thụy Lộc (thôn 6). Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên là 275 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 100ha, 68 ha là vườn nhà, vườn đồi.
Địa hình tương đối bằng phẳng so với vùng đồi núi, không có vùng eo hiểm. Hệ thống đồi núi, sông suối bao quanh làng, ruộng đồng phân tán nhỏ hẹp và đa phần là ruộng bậc thang. Những ngọn núi bọc quanh làng mang những cái tên rất riêng như: Đá Ràn Dàn, Bà Bướm, Hố Hay, Hố Chò, Bàn Mây, Gò Chè, Rừng Cấm…và bản thân của nó gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử thú vị.
2. Lịch sử hình thành
Năm 1471, để bình định vùng đất phía Nam, dẹp nạn cát cứ, xâm lấn thường xuyên xảy ra ở biên giới Chiêm Thành – Đại Việt, vua Lê Thánh Tông ( Hồng Đức năm thứ 2) chỉ huy đại binh tấn công kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn, mở rộng bờ cõi nước Đại Việt, ổn định vùng đất phía Nam và lập Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam (đạo thứ 13 của nước Đại Việt) cai quản vùng đất từ Đèo Hải Vân đến núi Thạch Bi (ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) gồm 03 phủ, 9 huyện. Trong đó, phủ Thăng Hoa có 03 huyện là Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang . Lúc này vùng đất Lộc Yên là phái Phường Lưới, làng An Sơn thuộc huyện Hà Đông, kế đó là huyện Hà Đông của phủ Thăng Bình thuộc Nam Ngãi tổng trấn (1814) rồi thuộc tỉnh Quảng Nam (1906).
Như vậy, đi cùng với công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, chống sự bành trướng ở phương Bắc và sự xâm lấn của người Chăm ở phía Nam, bờ cõi Đại Việt không ngừng được mở rộng, theo đó làng xã được nhanh chóng hình thành, cơ cấu làng xã được thiết lập. Nhân dân các tỉnh phía Bắc ( Thanh Hóa, Nghệ An) lần lượt di cư vào Nam để khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Đến thời Tây Sơn, ông Nguyễn Công Tuyết người Làng Tận Phước (Tam Kỳ) đã đưa gia đình cùng một số dân đinh đến đây khai hoang lập làng đặt tên là Lộc An thôn về sau gọi là Lộc Yên ( mang ý nghĩa là cầu mong phước lộc của làng được yên ổn). Đến nay qua 7 đời sinh sống, làng Lộc Yên có nhiều tộc họ nhưng tiêu biểu nhất vẫn là tộc Nguyễn và tộc Trần.
3. Dân cư và kinh tế
Hiện nay, Làng Lộc Yên có 04 tổ đoàn kết với 172 hộ và 846 nhân khẩu (nữ: 411, nam: 435). Tỷ lệ tuổi thọ bình quân của làng là 70-75 tuổi, người thọ cao nhất là 101 tuổi. Số người trong độ tuổi lao động là 368 người, trong đó nam là 179 người. Người dân ở đây chủ yếu là cư dân nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 75,53% lao động chính trong thôn, diện tích đất canh tác bình quân đầu người đạt 844,6m2.
Cùng với sự phát triển chung của xã, Lộc Yên (thôn 4) cũng có những bước đổi mới đáng kể cả về kinh tế, xã hội và kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ khai thác có hiệu quả kinh tế vườn, tích cực đầu tư thâm canh và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đời sống của nhân dân làng Lộc Yên cơ bản rất ổn định, một số hộ có mức sống khá, không có hộ đói và hộ nghèo chỉ còn 10-15%. Với diện tích ruộng, vườn không nhiều (bình quân 2.510 ha/hộ đối với vườn và ruộng là 1.598ha/hộ ), con vật nuôi không phong phú, đa dạng (chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà) và được nuôi một cách dàn rãi, nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình như hiện nay thì việc nâng cao mức sống sẽ là rất khó khăn.
II. Kiến trúc của nhà Rường và ngõ đá ở làng Lộc Yên
1. Kiến trúc nhà Rường
Có thể khẳng định rằng lúc các cư dân đến lập làng, dựng nhà sinh sống thì hầu hết các kiến trúc đều sử dụng nguồn vật liệu xây dựng có ngay tại địa phương đó là thảo mộc, riêng ở Lộc Yên thì có thể gọi thêm là thổ mộc. Đầu tiên phải là khung sườn bằng tre, thân cũng bằng tre đang, trát bằng hỗn hợp bằng rơm rạ hoặc vây bằng vữa đá, bằng đất sét, phần mái lợp bằng tranh. Truyền thống làm nhà bằng gỗ mít, từ đồng bằng du nhập lên, cũng phải đợi khi cây mít trong vườn đủ to để có phần lõi cho việc làm nhà, cũng có thể có người mua gỗ từ nơi khác đến. Tuy nhiên. Việc làm nhà gỗ rất tốn kém, và khi người trong làng giàu có, đủ ăn, đủ mặc , dư dã mới dựng được nhà. Ngôi nhà xưa ở Lộc Yên trước năm 1940 đều làm bằng vật liệu tre, gỗ, tranh. Những năm có đường ô tô từ Tam Kỳ lên huyện Tiên Phước thì mái nhà tranh được thay bằng mái ngói âm dương kéo theo vách đất bao che nhà cũng được thay bằng tường đá chúng được liên kết với nhau bằng vữa đất, tô phủ bên ngoài bằng hồn hợp đường mía với vôi.
Loại nhà kiểu thức kết cấu: Theo điều tra gần đây thì hầu như các nhà gỗ ở Tiên Phước là nhà Rường và dùng cho công trình chính là nhà chính. Những ngôi nhà hôm nay ta thấy được lợp ngói âm dương không quá sớm (sau năm 1940). Như vậy các ngôi nhà ở Tiên Phước nói chung và Lộc Yên nói riêng đều có mái lợp tranh. Tuy nhiên, khác là ở chỗ chúng có hai tầng: Phần trên có kết cấu theo kiểu khung mái tre lợp tranh, phần thứ hai cách mái trên từ 20cm đến 100cm bằng đất cốt tre (đất sét trộn với rơm) hoặc trần gỗ đổ đất. Phần thứ hai này dày khoản 15 – 20cm, bên dưới mái đất này là khung đỡ gồm đòn tay/ huỳnh tử, kèo và cột. Loại nhà này gọi là nhà lá mái, ngày nay còn tồn tại ở Bình Định. Vậy là nhà mái lá tồn tại ở Tiên Phước trước năm 1940 nhưng bộ khung đỡ mái bên dưới vẫn là kểu thức kết cấu của loại nhà rường, các cột bắc buộc phải kê trẻn đá tảng và chúng được liên kết bằng xuyên (dọc), trính/tránh (ngang) chân và đà cột liên kết bằng đà (chân cột) và xà (đầu cột).
Tổng quát kiểu thức phổ biến ở Lộc Yên được phân loại mặt bằng sinh hoạt là kiểu nhà ba gian hai chái. Người địa phương gọi là nhà 8 cái . Một ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên – Tiên Phước
Nhà 8 cái là nhà có 8 cột cái được chia đều ở 4 dãy hang cột ngang tạo thành ba gian, mỗi dãy cột gồm hai cột cái (1 tiền và 1 hậu). Phân chia theo kết cấu kèo đỡ đòn tay được phổ biến trong các ngôi nhà chính với kiểu thức kẻ chuyền gồm 3 đoạn kèo, nối các dãy cột theo hàng ngang. Tên gọi của địa phương là nhà tam đoạn. Kiểu kết cấu này gồm 3 kèo chồng nhau gọi là kèo chồng.
a. Nhà chính
* Kèo: + Kèo lòng nhất: Để nối cột cái tiền và cột cái hậu gọi là kèo thượng tiền và kèo thượng hậu. Vị trí bắt chéo nhau của hai kèo gọi là giao nguyên đỡ một cây gỗ tròn ở trên là đòn tay nên người ta còn gọi là kèo nóc
+ Kèo lòng nhì: Phần đầu kèo gối lên đuôi lòng kèo nhất, phần đuôi ăn mộng qua cột hang nhì (tiền và hậu).
+ Kèo lòng ba: Còn gọi là kèo muốn (theo giải thích của người thợ mộc xưa vì cột hàng ba có thể dịch chuyển xa hoặc gần cột hàng nhì, tùy theo ý muốn của chủ nhà nên có tên kèo muốn và cột muốn), trước và sau gọi là kèo muốn tiền và kèo muốn hậu. Tương tự đầu kèo này gối lên kèo lòng nhì ăn mộng qua cột hàng ba tiền và hậu/ cột muốn tiền và cột muốn hậu. Không gian bên trong của một ngôi
nhà rường ở Lộc Yên


Với kiểu kết cấu trong lòng nhà được mô tả trên nên người Quảng Nam gọi là nhà tam đoạn kẻ truyền hoặc kèo chồng.
+ Một đơn vị kết cấu quan trọng để đỡ mái hiên và dĩ nhiên nằm ngoài lòng nhà nhằm chống đỡ mưa tạt, nắng dọi, người ta có một đoạn kèo thứ tư, xen như kèo lòng tư (không có kèo lòng tư hậu), những người trong làng gọi là kèo ngạo hay cái ngõng (được giải thích vì nó cong nhiều). Đầu kèo này cũng gối lên kèo lòng ba/ kèo muốn, còn đuôi kèo ăn mộng lên cột hiên/ cột hàng tư/ cột ngạo (cột này đa số là hình vuông, đa số đã bị hỏng, người tat hay bằng gạch tô vôi hoặc bằng xi măng).
Trong 7 kiến trúc nhà rường ở Lộc Yên, có đến 4 nhà có kết cấu kèo lưỡng đoạn, nghĩa là ở vị trí kèo lòng ba có kiểu thức chồng như tam đoạn, nhưng ở thanh kèo lòng nhất, lòng nhì chỉ là một thanh kèo nối suốt luôn hai cột hàng nhất và hàng nhì ( tiền và hậu). Đây là kiểu thức kiểu suốt gọi là kèo luôn, nhưng được nối các cột hàng ngang trong nhà bằng hai đoạn kèo nên gọi là lưỡng đoạn.
Trong các kiểu thức kết cấu về kèo quyết/ kèo chái ở Quảng Nam là từ cột hàng thứ nhất một thanh kèo bắt chéo đến cột góc chái nhà/cột quyết. Ở Lộc Yên, ngoài thanh kèo quyết này còn tăng thêm một đoạn kèo ngắn song song với kèo đấm bắt từ thanh kèo quyết đến đầu cột hàng nhì của chái. Có thể người thợ mộc muốn tăng thêm sự chịu lực của đòn tay đỡ hai mái chái lợp ngói lên trên, đồng thời cố định cột bên dưới tránh dịch chuyện khi cánh cửa hông (hai chái đầu hồi) đóng mở.
* Tránh/trính: Các ngôi nhà gỗ ở Lộc Yên có kết cấu của trính/tránh đỡ vì nóc mang đậm nét phong cách phường mộc Văn Hà. Rõ nét là các trính ở đây trước khi ăn mộng vào thân cột cái đều uốn cong gọi là trính lận. Để có đầu uốn cong bắc buộc phải có cây gỗ lớn, vì vậy các cây trính đều có kích thước lớn và đoạn bào soi nhiều đường gờ chỉ.
Trên lòng trính đỡ một trụ đội/trụ trốn với nhiều thành phần bằng gỗ có chạm trỗ công phu gọi chung là trỏng quả (trỏng: tiếng Quảng Nam có nghĩa là chống), chúng gồm: lá quả/ ấp quả/ cánh ác là hai cánh đỡ bụng kèo lòng nhất (tiền và hậu) một trụ ngắn có đế hình quả bí đỡ đúng vị trí giao nguyên, cuối cùng quả bí được kê trên một đế nữa gọi là đế tôm (có hình thức như chân đế kê các tấm phản ngựa của các cụ ngày xưa nằm nghĩ). Một kĩ thuật đỡ vì nóc ở đầu hồi, thay bằng kiểu kết cấu với bộ phận “trỏng quả” bằng một tấm ván dày có chạm khắc gọi là tấm gia thu, nếu đề tài trang trí là cuốn sách cách điệu gọi là gia thu thủ quyển.
* Cột: Có thể nói rằng đa số các cột ở nhà cổ Lộc Yên đều có dáng mập so với chiều cao nhà và chiều dài cột. Cột Cái nhà cụ Nguyền Huỳnh Anh có đường kính đến 0,28m, với chiều cao nhà 4,61m, chiều dài cột 4,10m, là nhà có cột lớn nhất. Cũng có thể lí giải đây là vùng có nhiều gỗ mít, nhưng cũng để khẳng định một phong cách về dựng nhà của phường thợ mộc Văn Hà (làng mộc Văn Hà ở thôn Văn Hà (tên cũ là Kỳ Bình) nay thuộc huyện Phú Ninh. Tổ tiên nghề mộc của làng có xuất xứ từ những làng mộc xứ Thanh – Nghệ di cư vào (trong đó có quận Trấn Lưu – Nghệ An). Đa số người làng tập trung sinh sống ở vùng Quán Rường, xã Tam Dàn huyện Phú Ninh. Tính đến nay trãi qua 13 đời, gồm những dòng họ chính như là Đinh, Nguyễn, Trần…trong đó, phải kể tên những người thợ tài hoa thời ấy: Đinh Văn Khóa (học thợ từ Thanh Hóa), Đinh Luyện, Nguyễn Hòe, Trần Thúy…Phường thợ Văn Hà thường thi công nhiều công trình ở phía Nam, nhiều nhất ở Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước và đôi khi đi xa đến Quảng Ngãi. Một số người giàu ở kinh thành Huế xưa đã từng vào Quảng Nam để mua những ngôi nhà của người thợ mộc Văn Hà dựng. Ngày nay, ở làng Lộc Yên còn một số công trình của người thợ mộc Văn Hà, tiêu biểu là nhà cụ Nguyễn Huỳnh anh, anh Nguyễn Đình Mẫn. Các công trình của cộng đồng như đình Thầy Lành (Tam Hải), đình Chiêm Đàn (Tam Đàn), đình Thạnh Mỹ (Tam An), miếu Khổng Tử (phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ)…đều có bàn tay của người thợ mộc Văn Hà trực tiếp tạo dựng. Phường thợ mộc Văn Hà cũng đã tưng phối hợp với phường thợ mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, thị xã Hội An) để tu bổ các kiến trúc ở vùng này. Ngày nay, do điều kiện kinh tế, nhu cầu xây dựng nhà theo phong cách hiện đại, nghề mộc của làng dần dần bị mai mọt. (viết theo lời kể của cụ Đinh Thạch, 83 tuổi, người thợ mộc xưa của làng Văn Hà)),mà hầu như các ngôi nhà Rường ở đây được thi công từ phường thợ này. Phong cách phường thợ mộc Văn Hà có những đặc trưng sau: Cột mập và kèo tam đoạn uốn cong nhiều (kèo lận), trính lận, mập và bào soi nhiều gờ chỉ. Đỡ vì nóc có kiểu thức đầy đủ các bộ phận trỏng quả (là quả, con đội, trái bí, đế tôm). Đề tài chạm khắc gần gũi với đời sống thôn quê (chim, cá, tùng, nai, cúc, sen…).
* Thân nhà: Đây là vùng nhiều nguyên vật liệu để dựng nhà, ngoài vật liệu là thảo: tre, tranh thì ở đây người ta còn tận dụng thêm phầm thổ và thạch: đất, đá khai thác tại chỗ để làm nhà nên có thể gọi thêm vật liệu từ “thổ mộc”. Hầu như vách bao che ngôi nhà trong ngày đầu xây dựng đều làm bằng đất. Một kỹ thuật quá quen thuộc với nhà nông ở Việt Nam được kết cấu bởi các thành phần: cột tre đan (tre đã qua ngâm bùn), trát đất sét trộn với rơm ở bên ngoài. Người làng Lộc Yên còn thêm các nẹp bằng cây cau chẻ nhỏ để tăng thêm sự cứng cáp cho phần cốt đất ở bên trong.
Khi ngôi nhà được thay từ tranh sang ngói thì một lần nữa thân nhà được thay bằng hỗn hợp đá (kích thước 5 x 10cm) liên kết với đất sét kĩ hơn là đá liên kết với đất sét rồi tô trét bề mặt bằng hỗn hợp vôi – cát – đường mía.
* Mái nhà: Tương tự như thân nhà. Các ngôi nhà ở Lộc Yên trước đây được lợp bằng tranh. Đặc biệt, nhà có đến hai tầng mái, mái trên lợp tranh, mái dưới bằng đất cốt tre hoặc đỡ bằng gỗ. Một loại hình về kết cấu mái nhà đã được biết và đang tồn tại ở Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Định (Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước) gọi là nhà lá mái. Ở làng Lộc Yên, có nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh, ông Đồng Viết Mão (nhà chính ngày trước), nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, nhà ông Nguyễn Ngọc Anh (nhưng giờ đã tháo bỏ sau năm 1941. ( khi phỏng vấn cụ Đinh Thạch (cụ thẩm) 83 tuổi – một người thợ mộc làng mộc Văn Kiều, xã tam Thành huyện Phú Ninh ngày nay. Người tham gia thi công nhiều ngôi nhà gỗ ở các huyện: Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước và đến tận Quảng Ngãi thì cụ cho biết rằng: khi nhà lá mái bị cháy thì người ta chỉ cần đốt đống lửa nhỏ bên trong nhà để tạo nên sự cân bằng về áp suất không khí không cho ngọn lửa táp vào trong nhà và dĩ nhiên phần mái bên trên cứ cháy, phần mái đất ở giữa ngăn cách rất an toàn cho bộ khung chạm trỗ tinh xảo ở bên dưới cũng như vật dụng ở bên trong ngôi nhà).
Như vậy, có thể khẳng định rằng việc sử dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để làm nhà được người dân làng Lộc Yên nói riêng, vùng Tiên Phước nói chung sang tạo chọn lọc phù hợp với không gian cư trú của mình. Khi điều kiện là vùng trung du, đi lại khó khăn, xa trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng như ngói lợp. Đây là một cách dựng nhà có lẽ đã kế thừa một tri thức của người địa phương, một loại hình sử dụng vật liệu kiến trúc phù hợp với sinh thái mà phải chăng người Chăm xưa đã dùng.
Về nhà 8 nhì, có thể tạm giải thích là loại nhà chỉ có 8 cột hàng nhì, phần 8 cột hàng nhất/cột cái đã bỏ (4 cột tiền và 4 cột hậu).
b. Nhà ngang
Một kiến trúc quan trọng dẫu rằng được xem là phụ so với sự bề thế của nhà trên đó chính là nhà ngang.
Nhà ngang ở Lộc Yên đều nằm bên trái của nhà chính (hướng Đông/ bích Đông) vẽ thẳng với nhà chính, nối với nhà chính bằng một nhà nhỏ gọi là nhà cầu.
Vật liệu xây dựng: ngày trước hầu như các ngôi nhà này đều làm bằng tre lợp tranh, sau này những chủ nhân làm ăn khá giả thì bộ khung nhà được thay bằng gỗ có một số thay đổi chi tiết về kết cấu, cũng như đơn giản về chạm trổ so với nhà chính.
* Bộ khung gỗ: Trong 7 ngôi nhà rường ở Lộc Yên chỉ còn hai ngôi nhà ngang của vợ chồng ông Đồng Viết Mão và vợ chồng anh Nguyễn Đình Mẫn là những ngôi nhà Rường. Mặc dầu một số cấu kiệm như rui, đòn tay, thân nhà và cửa đã thay đổi những bộ khung gỗ đỡ mái nhưng nhìn chung vẫn giữ được nhiều yếu tố nguyên gốc. Nhà ngang này được cụ cố Nguyễn Đình Hoàn mua về từ Trà My, có niên đại đến nay gần 100 năm và sớm hơn ngôi nhà chính (nhà cũ bị hỏng được làm lại ngôi nhà mới từ năm 1940 – 1942 thì hoàn thành). Nhà ngang của anh Mão là một ngôi nhà 3 gian, 2 chái, kèo tam đoạn, mái đã lợp lại (2006) nhưng vẫn sử dụng ngói cũ âm dương. Phần chạm trổ ở đầu và đuôi kèo đơn giản. Nhìn chung kết cấu giống như ngôi nhà chính ở trong làng. Nhà ngang của ông Mẫn, nhìn mặt chính ở bên ngoài là nhà một gian với hai chái, mái lợp ngói mới (2006), tuy nhiên vào bên trong gian giữa được mở rộng: bỏ hai vài cột (hàng ngang) khiến lòng gian rộng, thoáng, tiện cho sinh hoạt. Do chiều dài hay hàng dọc của hai vì được nối rộng khoảng cách nên cần phải có xuyên lớn và dài gọi là xuyên trường giảm phần cột để tăng phần không gian bên dưới nhưng phải duy trì hàng cột bên trên: trụ trốn/trụ tiêu liên kết với trính đỡ kèo và khung mái. Có thể khẳng định rằng dẫu ở Lộc Yên chỉ còn duy nhất nhà ngang của ông Mẫn có kiểu thức xuyên trường nhưng là hình thức phổ biến ở các ngôi nhà phụ, nhà ngang ở Quảng Nam (ví dụ nhà ông Nguyễn Nho Phán ở Điện Minh, Điện Bàn; nhà ông Huỳnh Hường ở thôn Phiến Ái, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc).
* Mặt bằng sinh hoạt: Người Quảng Nam xem nhà phụ là nhà dưới, nhà ngang, trong một ý nghĩa nào đó có sự phân biệt về các thành phần trong gia đình cũng như chủ và khách. Đầu tiên, người phụ nữ thường xuyên sinh hoạt trong ngôi nhà này (lo bếp núc, chế biến thực phẩm, chăm sóc con cái…), kế đến là người giúp việc, quản gia, nhưng người giúp làm ruộng, vườn…cũng nghĩ ngơi ở đây, và cũng là nơi chứa công cụ làm vườn, chế biến thực phẩm như cối xay lúa, bắp, khoai, sắn…Như vậy, dẫu là ngôi nhà phụ, nhà ngang nhưng không gian bên trong này là nơi phục vụ chính cho cuộc sống, từ trẻ con đến người già. Sự sắp xếp, bố cục các vị trí nơi sinh hoạt, sản xuất cũng tùy theo gia đình.
2. Kiến trúc ngõ đá
Tiên Phước nói chung và làng Lộc Yên nói riêng được mệnh danh là xứ sở của những ngõ đá độc đáo. Những lối ngõ đặc biệt được xếp từ những viên đá tự nhiên có rất nhiều ở vùng trung du này. Được bó vỉa 2 bên bằng những viên đá, ngõ nhà nào cũng xinh xắn, chạy giữa vườn cây xanh um, nhiều tầng bậc và khúc quanh, dài dằng dặc.
Cuối ngõ, trên vùng bình địa cao nhất, là nơi toạ lạc những ngôi nhà cổ. Không chỉ ở riêng những ngôi nhà cổ "mang tính đặc trưng" ở làng Lộc Yên, hay những ngôi nhà cổ nổi tiếng như nhà ông Nguyễn Bút, 85 tuổi, ở làng Hội An, xã Tiên Châu, nhà ông Nguyễn Hoành ở thị trấn Tiên Kỳ, bà Nguyễn Thị Tuần, ở xã Tiên Châu... mà hầu hết ngôi nhà ở Tiên Phước dù cổ hay tân đều có những con ngõ thanh bình.
Với hoa chăm cỏ xén, đá xếp kỳ công, nằm ẩn khuất giữa bóng râm vườn đồi, ngõ trở thành phần quan trọng tôn thêm giá trị của nhà cổ. Nhà ở Lộc Yên hầu hết đều nằm giữa những triền đồi. Các quả đồi thoai thoải nối tiếp nhau, phía trước nhà là ruộng lúa bậc thang. Nhìn từ xa, những xóm nhà cổ vùng quê này... như ẩn hiện thấp thoáng giữa lưng đồi, tựa tranh vẽ.
Những ngõ đá đầy kỳ thú, sẵn sàng cuốn hút ấy là một phần quan trọng trong không gian nhà cổ. Từ ruộng đồng xanh mướt đến ngõ đá quanh co, hun hút uốn lượn lên những sườn đồi, ngập trong rừng quế, cây ăn trái rồi mới đến nhà cổ.
Rảo bước qua những lối đá, lúc lên cao, lúc xuống thấp, chợt thấy lòng thanh thản, bình yên. Hồn đá và hồn người như thấp thoáng trong những lối đi về. Người dân nơi đây khi xa quê, chợt nhớ về cố quận, nhớ những ngõ đá đã lưu giữ trong đó biết bao ký ức thời gian bỗng như cồn cào gan ruột, bởi từ bao đời, những ngõ đá là tình yêu và niềm tự hào rất riêng của họ:
“Có duyên lấy đặng chồng nguồn
Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...”
Người dân nơi đây, dù còn nghèo khó, khi lập vườn, dựng nhà có thể còn sơ sài, nhưng ngõ đá vẫn là ưu tiên trước, một công việc khó nhọc nhưng lôi cuốn và tích luỹ công sức dựng xây. Lớp cha trước, lớp con sau, trải qua bao thế hệ, những viên đá tưởng chừng như vô tri kia bỗng có hồn như một trầm tích văn hoá và cả công sức dựng xây gìn giữ nếp nhà đến muôn đời sau.
Từ khi vua Lê Thánh Tông tuần du phương Nam, kêu gọi nhân dân về Nam khẩn hoang lập làng thì những cư dân Thanh - Nghệ đã lên nguồn Tiên Phước trong đó có làng Lộc Yên để khai phá. Tiên Phước vốn là vùng rừng núi, có nhiều gỗ quý. Cư dân đến đây muốn làm những căn nhà đẹp để đời. Những người giàu có cho khai thác gỗ tốt, mời thợ có tay nghề cao, chạm trổ đẹp đến dựng nhà. Lộc Yên là một làng cổ có những ngôi nhà đẹp như thế.
Có ngôi nhà đẹp rồi, người ta nghĩ đến việc bố trí những sân vườn có không gian đẹp. Tiên Phước nói chung và làng Lộc Yên nói riêng là vùng rừng núi, nhìn đâu cũng thấy đá. Người ta cho dọn vườn để lấy đá ra. Đá Tiên Phước là “đặc sản”, không viên nào giống viên nào, mỗi viên có một hình dạng khác nhau. Người ta lấy đá chất lên làm thành lũy xung quanh khuôn viên để phân biệt nhà này với nhà khác, phân biệt vườn và núi.
Với sự khéo tay, người ta chọn những viên đá tự nhiên phẳng phiu, chất lên để làm cổng ngõ vào nhà. Đá này được gọi là đá thẻ, gần giống như viên gạch thẻ do con người làm ra. Ở mỗi bên cổng ngõ, người xưa chất hai hàng đá cao khoảng 1,5 m, giữa chừa một khe trống khoảng 0,4 m.
Người ta đổ đất vào khe trống ấy khiến hai hàng đá được chất lên trở thành một bức thành dày. Rồi người ta đem cây chè tàu, một loại cây hoang có lá nhỏ tròn và hình dáng đẹp, trồng vào lớp đất đổ giữa hai hàng đá. Cây chè tàu lớn lên, rễ ăn vào trong các kẽ đá. Đất càng ngày càng nén chặt khiến bức tường thành chất bằng đá tự nhiên ngày càng bền vững.
Khách xa tới thăm một ngôi nhà ở Lộc Yên, đi qua cổng ngõ hai bên trái phải được chất bằng đá cứ ngỡ chè tàu mọc trên đá. Để làm cho lối đi vào nhà đẹp hơn, người Lộc Yên thường xuyên tỉa tót hai hàng chè tàu, tạo dáng cho chúng ngay hàng thẳng lối. Cảm giác đầu tiên của khách trước khi vào nhà là cảm nhận được một không gian xanh: Chè tàu xanh, đá trăm năm lên rêu xanh, cây trái trong vườn xanh.
Nhà của người dân Lộc Yên thường nằm trên đồi, mặt xây về hướng Đông, Nam hay Đông Nam để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè khi ngọn gió Lào thổi xuống và cái lạnh se sắt của mùa đông khi gió mùa Đông Bắc tràn về.
Có những căn nhà cao hơn mặt đường khoảng chục mét. Làm sao để làm đường đi lên? Người Lộc Yên dùng đá lót đường, tạo những bậc thang như thang lầu. Trong trường hợp này, người ta tận dụng hình thù của viên đá, tránh bớt những kẽ hở để bước chân đi - vốn chưa có giày dép - an toàn. Ở những chỗ kẽ hở giữa hai viên đá hơi rộng, người ta dùng vôi trộn với a dao (chất nhựa dẻo từ da trâu khô nấu ra) hay mật rỉ đường làm chất kết dính trét vào.
Những đêm trăng sáng, trai gái trong làng gặp nhau ở các ngõ đá đẹp, chia nhau ngồi hai bên, hát hò khoan đối đáp. Ngõ đá, đường đá trở thành “sân khấu nhân dân”, giúp các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng ứng tác câu hát và biểu diễn. Và như thế hiều mối tình hình thành và nhiều lứa đôi ăn đời ở kiếp với nhau từ các cuộc hát đối đáp này.
Không chỉ sử dụng đá để xây dựng cổng ngõ mà người dân Tiên Phước còn biết tận dụng đá vào nhiều công viêc khác nhau, đặc biệt là lúc vật liệu nhân tạo chưa được sử dụng ở miền sơn cước này. Và như một hiện tượng tất yếu, đá cũng đã đi vào văn chương, đã làm say hồn bao nhiêu thi sĩ yêu mến vùng đất này.Thơ của Huỳnh Thúc Kháng có câu:
Một cái Lò Thung, một Sơn Ve
Ai xây ai đắp khéo nên kìa
Ngàn năm còn mãi kỳ quan ấy
Đổ xòe nước bạc, đá so le.
Người sống nhờ đá, người qua đời cũng nhờ đến đá. Khi công nghiệp xi măng chưa có, dân Tiên Phước an táng người qua đời trong mộ đá. Mộ đá xếp theo hình vuông, chữ nhật, hay ô-van, bên ngoài có thành lũy bằng đá bao bọc. Những ngôi mộ cổ này còn lại khá nhiều ở làng Lộc Yên - Tiên Cảnh. Đá còn là phương tiện tự vệ để giữ mạng sống. Cách đây trên 50 năm, cọp còn ở Tiên Phước khá nhiều. Những đêm tối trời, chúng thường xuống làng bắt heo, bò. Theo các cụ cao tuổi, ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, quê hương của cụ Huỳnh Thúc Kháng, cọp vào đẻ trong rẫy của người dân là chuyện thường. Để chống cọp, không cho chúng dễ dàng xâm hại sinh mạng người làm rẫy và giữ rẫy, người ta chất đá lên cao vài mét làm thành ngăn cản. Người Tiên Phước còn làm lưới vây cọp, mỗi lần vây bắt có hàng trăm đàn ông tham gia...
Lên nguồn Tiên Phước vào mùa xuân, ta nhìn thấy được trời xanh, nước xanh và đá bạc. Hồn ta nhập vào hồn đá, lắng nghe tiếng đá gọi về. Con người Tiên Phước lãng mạn vô bờ, tâm hồn xanh như dòng chảy sông Tiên nhưng cũng quật cường cứng rắn vô bờ như đá núi tồn tại hàng vạn năm giữa núi rừng Tiên Phước.
3. Giá trị văn hóa của nhà Rường và ngõ đá làng Lộc Yên
Tất cả các ngôi nhà rường cổ ở Lộc yên nói riêng và ở toàn thể các ngôi nhà rường ở Việt Nam nói chung đều mang trong mình những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc.
Thông qua ngôi nhà mà chúng ta có thể thấy được cách bố trí không gian sinh hoạt, không gian thờ cúng, và cách dựng nhà theo thuật phong thủy hết sức độc đáo của cha ông ta trong quá khứ.
Với các hoa văn trang trí trên kèo, trính, đòn tay…cho chúng ta thấy được tính thẩm mỹ của người xưa bằng cách điêu khắc các họa tiết gần gũi với thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, chim muôn…Bên cạnh đó ta cũng thấy được sự tài hoa của các nghệ nhân xưa đã biến những thanh gỗ khô khan thành những thanh kết cấu mềm mại, uyển chuyễn.
Tất cả các ngôi nhà rường ở Lộc Yên đều có tuổi thọ cao và nó đã tồn tại qua nhiều biến cố của xã hội đặc biệt là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, thế nhưng các ngôi nhà đó vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn trong suốt chặng đường lịch sử ấy. Đặc biệt, cụ cố Nguyễn Huỳnh Anh (chủ của ngôi nhà rường được công nhận là di tích cấp tỉnh) đã hai lần từ chối bán nhà cho Ngô Đình Diệm (nguyên tổng thống của nước Việt Nam Cộng Hòa). Như thế, việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Lộc Yên không chỉ đơn thuần là việc gìn giữ nơi cư trú mà đó chính là việc gìn giữ những giá trị độc đáo của ông cha để lại. Điều này thể hiện truyền thống “uốn nước nhớ nguồn” của cư dân Lộc Yên nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.
Các ngôi nhà rường cổ ở Lộc Yên vô cùng độc đáo, và nó càng độc đáo hơn nữa khi con đường dẫn vào nơi tọa lạc của các ngôi nhà này đó chính là những ngõ đó. Những ngõ đá rêu phong, khúc khuỷa, quanh co núp mình dưới những tán lá cây xum xuê đã tạo nên một không gian văn hóa hết sức độc đáo, nơi đây trước kia vào những đêm tối là nơi hát giao duyên đối đáp của các nam thanh nữ tú trong và ngoài địa phương, và như thế ngõ đá được xem là “sân khấu dân gian” trong một thời kì lịch sử .
Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa, đó là tính kế thừa, phát huy giữa các thế hệ trong việc giữ gìn, bảo tồn gia sản - nhà vườn của tổ tiên để lại. Qua nhiều đời, nếp sống ấy trở thành nét văn hoá độc đáo của riêng miền trung du Tiên Phước.
Và điều đáng trân trọng là người dân Tiên Phước nói chung và Lộc Yên nói riêng đều rất yêu thiên nhiên, cây trái, hoa lá như một thứ tôn giáo không lễ nghi. Nhà nào không may mắn thụ hưởng tài sản ông bà để lại, không phải là nhà cổ thì cũng nên thơ bởi những ngõ đá cầu kỳ, công phu, những vườn trái sum suê.
RANDOM_AVATAR
vinhhoanqnkt
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 7 02/04/11 9:33
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến25 khách