HỘI LÀNG NGOẠI LÃNG

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

HỘI LÀNG NGOẠI LÃNG

Gửi bàigửi bởi hangthu » Thứ 2 30/05/11 22:59

A. MỞ ĐẦU
Làng Ngoại Lãng xưa còn gọi là trang Ngoại Lãng thuộc trung tâm của hương Mần Để, quận Giao Châu ( thời Bắc thuộc), thời nhà Lý ( Lý Thánh Tông) thuộc tổng Võ Ngại, huyện Thư Trì nay thuộc xã Song Lãng huyện Vũ Thư, Thái Bình. Ngoại Lãng vốn là mảnh đất dài và hẹp nằm kẹp giữa hai sông Hồng và Trà Lý. Ngoại Lãng có nghĩa là ngoài sóng hay còn cách hiểu khác là chỉ mảnh đất phì nhiêu trí tuệ nằm ngoài kinh đô Thăng Long được nhà Lý rất chú trọng.
Theo các thư tịch cổ thì Ngoại Lãng từ xa xưa đã được các nhà phong thủy phương Bắc đánh giá là đất “địa phát khôi khoa”. Những người có trí lớn về đây lập nghiệp, là nơi sinh ra rất nhiều bậc hiền tài. Trần Củng Uyên, người đỗ đầu tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 đời Lê Thánh Tông (1496), Đỗ Lý Khiêm đỗ trạng Nguyên khoa Kỷ Mùi( 1499), Đỗ Oánh em Đỗ Lý Khiêm, đỗ đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn(1508)…
Ở Ngoại Lãng có hai dòng họ nổi tiếng là dòng họ Đỗ và dòng họ Doãn, cả hai dòng họ này đều có nhiều công lao trong chiến đấu chống ngoại xâm và đặc biệt là có truyền thống khoa bảng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, trong những cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, mảnh đất Ngoại Lãng luôn là một trong những cửa ngõ chiến lược then chốt, là nút an toàn tuyệt đối. Từ thời Lý đến đời Trần đều sử dụng đất này làm điểm chiến lược chống ngoại xâm, sử dụng sông Trà Lý làm đường giao thông chính. Nói đến mảnh đất nơi đây, có lẽ không gì hay hơn cụm từ :“ địa linh nhân kiệt”. Người ta còn biết đến làng Ngoại Lãng bởi lễ hội nổi tiếng đó là lễ hội chùa Phúc Thắng diễn ra vào mùa xuân các năm lẻ.
Như chúng ta đã biết, lễ hội và tín ngưỡng dân gian là nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của mọi cộng đồng, mọi dân tộc, cho dù các cộng đồng và dân tộc đó có ở trình độ phát triển nào của sự tiến bộ xã hội. Lễ hội và tín ngưỡng dân gian có mối quan hệ tương hỗ với nhau, trong lễ hội đã hàm chứa cả tín ngưỡng mà phần lễ chính là phần tín ngưỡng, là phần linh thiêng diễn ra trong chính điện còn phần hội là phần đời, phần tục diễn ra dưới sân đình, sân chùa. Có thể nói lễ hội chính là “bảo tàng sống” hội tụ và giới thiệu các mặt sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc.

B. NỘI DUNG
I. Tổng quan về lễ hội làng Ngoại Lãng
1.1. Đối tượng thờ cúng
Các lễ hội dân gian nói chung đều có mối quan hệ chặt chẽ với các tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng sùng bái tự nhiên (nhiên thần): thần cây, thần đá, thần hang động, thần nước, thần núi… , tín ngưỡng sùng bái con người (nhân thần): các vị tổ tiên, các vị thần thành hoàng, thờ nữ thần, thờ Mẫu… Việc thờ cúng các vị nhân thần chủ yếu là vì tấm lòng biết ơn, xưa nay người ta chỉ chú ý tới việc thờ cúng để mong sự phù hộ độ trì của các vị “Thánh nhân” này mà thường ít ai nghĩ tới lý do cơ bản trên. Đạo lý uống nước nhớ nguồn đã ăn sâu vào tâm trí của cả cộng đồng và dần trở thành những yếu tố văn hóa tâm linh. Đối với các vị anh hùng lịch sử những người có công cứu dân, cứu nước chống giặc… và các vị danh nhân văn hóa (những người có công sáng lập, sáng tạo ra các sinh hoạt văn hóa cho cả cộng đồng) sau khi chết linh hồn của họ cũng mang thần tính. Các cá nhân đó được thiêng liêng hóa nên được dân chúng thờ vọng để ghi nhớ công ơn và mong sự phù trợ. Như vậy các đối tượng mang thần tính được thờ cúng trong các lễ hội thường có các đặc điểm sau: Được lịch sử hóa, bởi họ thường gắn liền với các giai đoạn, sự kiện lịch sử nhất định (Thánh Gióng gắn với thời kỳ chống giặc phương Bắc, giặc Ân), Phật Mẫu Man Nương- vị Phật tổ, gắn với thời kỳ hình thành và phát triển của Phật Giáo ở Việt Nam… Họ còn được thần thoại hóa đó là việc sử dụng các yếu tố huyền ảo, ly kỳ của huyền thoại, truyền thuyết anh hùng để lôi cuốn, chinh phục lòng ngưỡng mộ của nhân dân. Tính linh thiêng, thần thánh càng được tăng thêm nhờ có sự sắc phong của triều đình phong kiến. Sự phong tặng đó không chỉ nhằm đề cao công trạng của các nhân vật lịch sử, đó còn là sự tuyên dương và thần thánh hóa các giá trị của cả một cộng đồng. Một đặc điểm khác là sự hòa trộn giữa tín ngưỡng bản địa và các yếu tố ngoại lai trong đối tượng thờ cúng. Tín ngưỡng Việt Nam không có vị thần tối cao, không nhất thể hóa mà thường là sự hòa nhập của nhiều đối tượng cả tổ tiên, Thánh, Phật, Thành Hoàng và các loại Nhiên Thần, Nhân Thần khác. Sự bao dung thể hiện trong hầu hết các lễ hội chính là nét độc đáo của tín ngưỡng Việt Nam. Một lễ hội thường có 3 đặc điểm trên, tuy nhiên cũng có những lễ hội mang những nét độc đáo làm nên bản sắc riêng biệt.
Hội Lạng, theo dân gian truyền là nhằm tưởng nhớ một danh nhân văn hóa, một thiền sư nổi tiếng thời Lý là Đỗ Đô, người dân làng Lạng gọi Ngài là Đức Thánh Tổ. Ông sinh vào mồng 9 tháng giêng năm Nhâm Ngọ(1042) tức năm Minh Đạo thứ nhất triều Lý Thái Tông. Tương truyền phụ thân ông là Đỗ Hoằng, thân mẫu là Đào Thị Cao. Cụ Hoằng là một nhà Nho nghèo và rất ngưỡng mộ đạo Phật. Cụ muốn các con mình học hành chăm chỉ, rèn luyện để giỏi cả cung kiếm, đỗ đạt cao và hiểu sâu về Phật giáo. Tuy nhà nghèo nhưng Đỗ Đô từ nhỏ đã rất cần cù, học giỏi được thầy dạy quý mến. Năm 18 tuổi cha mẹ ông qua đời nhà càng thêm nghèo túng. Sau khi cha mẹ mất, ông theo vị tăng lão gốc quán Hoàng Giang dìu dắt, phát nguyện tu hành tai chùa Yên Tử. Năm Bính Ngọ, Thái Bình thứ 12(1066) triều Lý Thánh Tông, Đỗ Đô được các thiền sư cử đi Bắc Quốc dự khoa thi Bạch Liên, ông đã đỗ đầu khoa, tiếng tăm lừng lẫy. Sau đó ông tích cực phụng sự giúp vua, giúp nước vì thế ông được hai vị vua đầu thời Lý: Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông trọng dụng, ngự ban đạo hiệu Đạt Mạn thiền sư, tôn là bậc Thượng phụ, được giáo phái phù thủy Hoàng Giang nhận là giáo chủ, được các vị sư tổ phái Trúc Lâm thời Trần xem là bậc thầy. Trong một lần cùng vua đi thuyền xuống phương nam và đến trang Ngoại Lãng, hương Mần Để, tổng Vô Ngại, huyện Thư Trì nay là Song Lãng huyện Vũ Thư, xem xét phong cảnh thấy đất đai màu mỡ dân chúng thuần phác, địa thế bằng phẳng, sông ngòi quanh co, có nhiều gò đống lớn hình dáng như rồng hổ bao quanh, ông bèn tâu với vua xin lập hành điện tại đây và được nhà vua cho phép. Sau đó ông ở Ngoại Lãng khuyên dân chăm cấy lúa trồng dâu, làm những việc có lợi, dựng chùa tô tượng, đúc chuông tụng kinh niệm Phật. Khi ông mất, vua Lý thân hành về Ngoại Lãng tế lễ, sắc phong ông là Đại Vương. Trong tâm thức dân gian, ông hiển thánh và ngôi chùa nơi ông tu hành và siêu thoát được đời tiếp đời trùng tu tôn tạo, đó chính là ngôi chùa có tên Phúc Thắng tự. Ở Thái Bình còn lưu truyền một câu “khơi đê sông Hồng, phá toang sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phìn sông Hóa” để nói tới công lao trị thủy của thiền sư Đỗ Đô. Tất cả những sự phong tặng đó không chỉ nhằm đề cao công trạng của Đỗ Đô Đại Vương mà còn là sự tuyên dương và thần thánh hóa giá trị của cả cộng đồng vì thế tôn thờ Ngài cũng chính là tôn thờ niềm tự hào và danh dự của cả cộng đồng.
1.2. Không gian linh thiêng tổ chức lễ hội
Dân gian có câu “đất vua, chùa làng” với ý nghĩa là chùa không chỉ là nơi thờ tự, làm lễ mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi chứa đựng những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội Lạng với các nghi thức tế lễ chính diễn ra tại ngôi chùa có tên Phúc Thắng tự hay còn được gọi bằng một cái tên quen thuộc là chùa Lạng.
Chùa Phúc Thắng xưa kia rất nguy nga lộng lẫy, không chỉ là một chùa mà là một tổ hợp kiến trúc gồm chùa Phúc Thắng nơi thờ Phật, đền thượng nơi thờ Đức Thánh Tổ, hệ thống tháp, trụ biểu có nhiều giá trị và nghệ thuật. Chùa kết cấu hình chữ Đinh, cửa hướng về phía tây nam, gồm hai tòa, một tòa có năm gian ở phía ngoài là nơi đặt tượng hai vị Khuyến thiện, Trừng ác và là nơi đặt hai bàn thờ Đức Ông và Đức Thành hiền. Tòa trong gọi là Thượng điện- nơi đặt tượng pháp đúng quy cách, những pho tượng được tạc bằng gỗ và đất đường nét hài hòa, cân xứng.
Nằm vuông góc với chùa về phía tây là Đền Thượng cũng có kiến trúc kiểu chữ Đinh, tòa ngoài đặt hương án, tòa hậu cung là nơi đặt tượng Thánh và cất giữ các vật linh. Tượng Thánh cao 2 thước thể hiện hình dáng một văn thần, đầu đội mũ cánh chuồn, vận triều phục, đai ngọc cài tâm ấn có vòng âm dương, ngự tọa đài sen. Có nhiều nhận định cho rằng đây là pho tượng “tam giáo nhất thể” đặc tả thiền sư Đỗ Đô cao siêu cả Đạo pháp và Hành pháp. Các vật linh được cất giữ trong tòa hậu cung là một chiếc cồng cổ bằng đồng có niên đại 1693 và cây tịnh tùy bằng gỗ hình dạng chiếc chày, có đế hình vuông. Hai vật này được sử dụng để làm lễ đuổi ma quỷ , tống tiễn chư tai. Các khối kiến trúc chùa, đền, tháp tạo thành một tổng thể thiết chế văn hóa tín ngưỡng cùng hàng trụ biểu chạm trổ tứ phía càng làm cho ngôi chùa thêm cổ kính.
Trước chùa có một hồ rộng giữa đắp hòn giả sơn có cây cỏ hang động khiến cho cảnh chùa càng thêm huyền diệu, nhất là vào kỳ hội làng, giữa không khí hội hè cảnh chùa lại được mang một sắc thái mới. Đền chùa trở thành chốn linh thiêng để dân làng thành tâm đến thắp hương cầu nguyện, nhất là vào dịp hội hè, không gian nơi đây lại càng trở nên thiêng liêng hơn. Dường như khi bước chân vào chốn linh thiêng ấy, người dân tìm được sự an ủi tâm hồn, bởi họ cho rằng đó là là một miền hy vọng, một miền đất khác với những gì trần tục, đời thường bên ngoài. Tâm tình đó đã khiến cho mọi người tin tưởng vào không gian linh thiêng này, gửi gắm những ước vọng và tâm nguyện của mình. Đây chính là nét đẹp trong văn hóa truyền thống làng quê Việt Nam, cũng chính là sợi dây vô hình gắn kết các thế hệ và gắn kết cộng đồng trong làng xã Việt.
1.3. Thời gian tổ chức lễ hội
Theo quan niệm truyền thống của cư dân gốc nông nghiệp lúa nước thì một trong những yếu tố quan trọng của sản xuát nông nghiệp là thời tiết mà người dân thường gọi là mùa vụ. Hai vụ mùa sản xuất chính trong nông nghiệp là “xuân thu nhị kỳ” cũng chính là hai mùa lễ hội của người làm nông. Sở dĩ có điều này là do quá trình sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, cấy trồng xong là trông cậy vào sự may rủi của trời đất, ca dao có câu:
“Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.”
Vì vậy người dân rất trông chờ vào sự phù hộ của các lực lượng thần thánh và các lễ hội hay tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ đó. Có thể nói rằng “tất cả các thời điểm mở lễ hôi đều mang ý nghĩa cầu mùa, người an, vật thịnh”.
Hội Lạng là lễ hội duy nhất của làng Ngoại Lãng từ xưa tới nay, theo tục lệ hội chùa cứ 2 năm một lần hội chính được mở vào mùa xuân các năm lẻ. Hội Lạng mở ngày mồng 6 đến hết ngày 12 tháng giêng nhằm kỷ niệm ngày sinh của Sư Tổ Đỗ Đô mồng 9 tháng giêng (1042). Thời điểm này là lúc cây lúa đã xuống đồng, bà con nô nức hội hè đình đám.
II. Cấu trúc lễ hội
Lễ trong lễ hội hiểu theo từ điển tiếng Việt xuất bản năm 2002 là “những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa với cả cộng đồng”. Lễ là linh hồn, là cốt lõi của một lễ hội và là một phần quan trọng nhất, được đầu tư công phu nhất cả về thời gian tiền bạc và công sức. Tham dự lễ chỉ có một vài người có vai vế, vị trí nhất định. Phần lễ trong một lễ hội mang tính thiêng liêng, bất biến, là những nghi thức thờ thần thánh. Không gian và thời gian của các nghi lễ được quy định chặt chẽ. Như vậy lễ là cách cư xử của con người với các lực lượng thần thánh siêu nhiên mong muốn sự phù hộ độ trì, và là phần đạo của con người.
Hội là đám vui đông người cùng tham dự các cuộc chơi nhân kỷ niệm một sự kiện quan trọng nào đó đối với một cộng đồng , nó đem lại sự giải trí tinh thần cho con người sau những tháng lao động vất vả. Trong hội có rất nhiều trò giải trí vui nhộn nên dân gian có câu “vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” để nói lên tính chất hỗn độn tả tơi rất đời thường của đám hội.
Lễ hội trở thành truyền thống, hay cổ truyền khi nó được truyền từ năm này qua năm khác, đời này sang đời khác, lặp đi lặp lại theo một chu kỳ nhất định, trở thành quy luật thì được gọi là lễ hội cổ truyền. Lễ và hội là hai hoạt động khó có thể tách rời, là quan hệ tương hỗ trong sự thống nhất. Lễ là phần đạo còn hội là phần đời, cả lễ và hội đều là cuộc sống thực của con người được phản ánh qua tâm linh của cộng đồng. Nhìn tổng quát thì lễ hội gồm phần lễ và phần hội, tuy nhiên tùy vào cơ sở hình thành các lễ hội lại có những cấu trúc riêng. Cấu trúc thông thường của một lễ hội truyền thống gồm các phần:
1. Tạo bối cảnh
2. Các nghi lễ tẩy uế
3. Nghi lễ chuyển tiếp
4. Nghi thức hoán vị
5. Nghi thức phô trương
6. Nghi thức tiêu thụ phung phí
7. Nghi thức tranh tài
8. Nghi thức tan hội
Có thể nói lễ hội là một thế giới thiêng, bước vào đó là một không gian khác với đời sống thường ngày. Ở các làng quê Bắc bộ đình chùa, miếu mạo thường là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, tuy nhiên ngày thường thì ở đó dân làng phơi thóc phơi rơm. Nhưng trong các dịp lễ hội, những không gian ấy đã được linh thiêng hóa bằng các nghi thức tẩy uế, ngăn chặn (bằng lửa và nước)
Lễ hội làng Lạng hội tụ đầy đủ các đặc điểm của một lễ hội truyền thống, tuy nhiên trình tự và tên gọi các bước có những nét khác biệt và thường diễn ra như sau:
1. Phần lễ: Bao gồm các nghi thức
1.1 Chuẩn bị (trước ngưỡng)
Chọn chủ hội và những người phục vụ lễ hội.
Chủ hội (cai đám) là người thay mặt dân làng trực tiếp hầu hạ thần thánh, lễ hội thành công hay không là nhờ vào tài trí và đạo đức của cai đám. Vì vậy dân làng thường tổ chức chọn hội chủ cẩn thận trước khi mở hội. Ngoài những tiêu chuẩn về thân thế gia đình, địa vị xã hội, kinh tế ra người này còn phải được sự chấp thuận của các đấng thánh thần bằng việc xin đài âm dương.
Ngoài hội chủ ra, dân làng còn phải chọn ra những người phục vụ lễ hội như các hoạt động tế lễ, đám rước, cỗ bàn… Tất cả những người phục vụ trong lễ hội đều phải được qua tuyển chọn và phải tập luyên trước ngày mở hội để tránh những lỗi lầm với các vị thánh thần. Qua khâu chuẩn bị đội ngũ phục vụ lễ hội có thể thấy người dân rất coi trọng các tố chất, tiêu chuẩn cuả con người để phục vụ thần thánh, đó là sự đánh giá tiêu chuẩn của cả cộng đồng, là sự thể hiện ước muốn vươn tới cái đẹp, cái hoàn thiện.
1.2. Các hoạt động trong lễ hội (trong ngưỡng)
Đầu tiên là lễ Giảng Bàng ôn lại sự tích về ngài Đức Thánh Tổ được tổ chức tại Tam quan vào tối mồng 5, tức trước ngày mở hội. Đây là dịp để nhắc nhở dân làng nhớ về công đức của ngài Đức Thánh Tổ, cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị anh hung đã có công với làng với nước. Đây có thể coi là những hoạt động mở đầu cho kỳ lễ hội của làng.
Trong ba ngày mồng 8, 9, 10 được dân làng coi là ba ngày hội chính tiến hành nhiều hoạt động truyền thống, đó là một loạt các nghi lễ độc đáo. Trước tiên có lễ rước kiệu thánh ra cáo yết Thành Hoàng làng tại đình Ba hay còn gọi là lễ phụng nghênh hồi đình. Đám rước hội làng biểu hiện nhiều nét văn hóa, đó vừa là một phần quan trọng không thể thiếu trong phần lễ, cũng mang những nét tiêu biểu của phần hội. Đi đầu đám rước là cờ ngũ sắc ( ngũ hành), người cầm cờ đội nón dấu loại nón của lính xưa kia. Tiếp theo đội cờ là đội trống , sau đó là kiệu Thánh, tùy từng ngày và từng nghi lễ sẽ có ngày nhiều kiệu ngày ít kiệu. Như đám rước Thánh từ chùa về nhà Hội chủ và ngày Đức Thánh hồi cung sẽ là hai ngày có nhiều kiệu rồng nhất (4 kiệu) . Đi đầu là kiệu Bác Cống với chức năng dẹp đường, dẹp những quấy nhiễu từ đám loạn quỷ cho kiệu Thánh đi qua. Kiệu tám người khiêng đều là những trai làng khỏe mạnh, đi bên luôn có người sẵn sàng để thay thế. Những kiệu còn lại chỉ có bốn người khiêng.
Đám rước đến đình làng thì dừng lại cử hành nghi lễ trước khi vào trong. Tế lễ theo thừ tự chức tước, bô lão, đô tùy kiệu, con cờ, phường bát âm, dân chúng. Dân đông đúc có khi phải đứng lễ vọng từ ngoài đình vào trong.
Trong đám rước không chỉ có mối liên hệ giữa con người với thần linh mà còn là quan hệ ứng xử giữa người trong làng với nhau và với những người làng khác về dự lễ hội. Đám rước hội làng còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa. Theo ý kiến của các cụ già trong làng thì đám rước thánh là dịp biểu dương và khẳng định sự cố kết của cộng đồng làng xã, đồng thời đem đến cho người dân niềm tin tưởng tự hào và yêu mến xóm làng mình hơn. Đám rước hội làng như một buổi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, ở đó có âm nhạc, có múa, có đủ các sắc màu áo quần, lễ phục… Đám rước đem theo cả sự hân hoan, nô nức và cả niềm tin mãnh liệt của dân làng vào các bậc Thánh nhân. Lễ Tẩy uế nghi lễ làm thanh tịnh không gian Thánh ngự, được tổ chức tại nhà Hội chủ; lễ Rước tranh, rước chân dung Thánh từ đền Thượng về nhà Hội chủ; lễ Tán hoa các nghi lễ này dùng vật linh: chiếc cồng và cây Tịnh trùy do các Pháp sư điều hành nhằm tiêu diệt chư tai, cầu dân an quốc thái được thực hiện ở tòa thượng điện chùa Phúc Thắng.Trong các ngày mồng 8, 9 và 11 tại đền Thượng và nhà Hội chủ sẽ diễn ra các hoạt động tế văn. Các buổi đại tế tiến hành có người đứng đầu ban tế điều hành mọi việc gọi là chủ tế và các vị bồi tế. Những người được chọn làm lễ tế là các cụ già trong làng, mặc lễ phục thống nhất. Buổi tế văn của hội làng nhằm mục đích thỉnh mời và đón rước thần linh về dự hội làng với dân, có cả ý nghĩa chúc tụng, tỏ lọng biết ơn cảm tạ các đấng thần linh đã che chở, phù hộ cho dân.
Các hoạt động của lễ hội luôn thu hút sự chú ý của bà con trong xóm ngoài làng, bởi thế lễ hội diễn ra luôn trong cảnh tấp nập. Sau một loạt các nghi thức lễ bái và các hoạt động hội hè, đến tối ngày 11 lễ rước Thánh hồi cung. Đây là buổi rước kiệu duy nhất diễn ra vào ban đêm và là một đám rước thu hút nhiều người dân tham gia nhất trong số các ngày lễ hội bởi sau khi kiệu Thánh hồi cung sẽ có các hoạt động bắn pháo hoa, thả đèn trời. Các hoạt động này về sau này mới xuất hiện nhưng đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tạo nên một không khí đông vui đúng nghĩa đi xem hội. Rước kiệu Thánh xuất hiện trong rất nhiều lễ hội nhưng rước ban đêm thì dường như chỉ có ở hội Lạng. Đây chính là một nét độc đáo thu hút rất nhiều du khách các nơi tham dự. Ngày 12 tại đền Thượng có lễ tạ Thánh và lễ hội chính thức kết thúc.
2. Phần hội
Hội diễn ra ngay sân chùa, trên một bãi đất trống và rộng để mọi người đều có thể tham gia và vui chơi thỏa thích. Mọi người tham gia hội để thỏa mãn tinh thần, để giải trí sau một năm làm việc vất vả và khi họ hòa mình vào những trò chơi là khi những khuôn khổ, mọi định kiến đều được xóa bỏ. Thậm chí những người trong xóm ngoài làng ngày thường có xích mích thì khi đến với lễ hội dường như mọi thứ đều được xóa bỏ để thay vào đó là sự vui vẻ, hòa đồng.
Dân làng Lạng còn truyền nhau câu:
“Gái làng giỏi sắp cỗ chay
Giai làng vật võ làm say lòng người”
Có thể nói thi cỗ chay và đấu vật là hai hoạt động truyền thống của hội Lạng, thu hút nhiều người dân tham gia và tham dự.
Thi cỗ chay là hoạt động thi thố giữa các thôn trong làng. Từ những nguyên liệu đơn giản thường thấy hàng ngày như bột gạo nếp, đường mật, đỗ vừng, đỗ lạc, hạt bầu hạt bí và một số hương liệu khác, những cô gái làng Lạng đã chế biến thành ba loại cỗ chính: cỗ cái, cỗ cơm, cỗ nước. Cỗ cái được bày kín mặt án thư lớn, gồm bánh gai, bánh đường, bánh chưng, chè lam, đường cát, bánh dày và mứt. Cỗ cơm gồm các món: giò (giò mỡ, giò thủ, giò cuộn), nem, mọc, chả quế, chả chim, cá rán. Cỗ nước có xôi vò, chè đường, bánh trôi. Theo lệ cũ, nguyên liệu làm cỗ là gạo, nếp, lạc, vừng… phải được trồng trên những thửa ruộng riêng chỉ chuyên dùng cho việc làm cỗ Thánh. Gạo gặt về chỉ suốt tay chứ không say xát vì làm giập gạo, gạo giã thật kỹ, hạt trắng và sạch. Những người được cử ra làm cỗ thì trước đó một thời gian phải kiêng chung đụng nam nữ, kiêng ăn tỏi và thịt chó, tay phải được vệ sinh sạch sẽ nhiều lần và lâng cuối được giội nước ngũ vị hương, áo quần thân thể đầu tóc phải được tắm gội sạch sẽ. Mọi thứ đều được chuẩn bị rất công phu dưới bàn tay của các cô gái trong các thôn và công việc làm cỗ này được tiến hành tại nhà của trưởng thôn hoặc một vị chức sắc trong thôn. Sau khi cỗ bàn đã được chuẩn bị xong, thôn sẽ cử các cô con gái khiêng cỗ lên chùa tham gia thi cỗ.
Theo lệ cũ thì các cô gái dược cử đi khiêng cỗ phải là “ con gái đồng trinh”. Nói chung việc sắp cỗ và bày cỗ là để dâng lên làm lễ vật cúng Thánh thần nên sự công phu và cầu kỳ chính là thể hiện lòng thành kính của dân làng. Dưới bàn tay tài hoa của các bà, các chị, cỗ làng trở thành những sản phẩm độc đáo vừa dân dã lại vừa đậm đà bản sắc tình quê. Cuộc thi cỗ giữa các thôn sẽ diễn ra dưới sự thẩm định của các cụ già trong làng có kinh nghiệm làm cỗ.
Cỗ thôn nào đoạt giải nhất sẽ dùng làm lễ vật dâng cúng Thánh và đó là niềm vinh dự của cả thôn.
Nếu gái làng Lạng nổi tiếng khéo tay làm bánh, sắp cỗ thì trai làng được biết đến bởi những miếng, những đòn đẹp mắt thông minh trên sới vật. Làng Lạng được biết đến là một lò vật cổ truyền với những đô vật có đai có tiếng khắp nơi. Người ta còn đào được một số tượng đồng với hình dáng của các lão đô vật cường tráng, tóc búi sau gáy, râu dài, quần cộc, thắt lưng buộc thả phía trước, cơ bắp cuồn cuộn đang ở thế “xe đùi”. Các trận thi đấu diễn ra theo thể lệ cổ truyền của làng, có nhiều hạng cân, nhiều lứa tuổi tham gia tạo nhiều hứng thú, say mê. Có những trường hợp các đô vật là những người trong xóm ngoài làng đến dự hội hứng thú nên cũng vào thi đấu. Và thường thì sự ngẫu hứng ấy lại đem đến những điều thú vị cho người xem. Người xem vây quanh sới vật và cổ vũ nhiệt tình đem lại sự hứng khởi cho các đô vật.
Ngoài thi cỗ và đấu vật hội làng Lạng còn có các trò chơi dân gian như đánh tổ tôm, chọi gà, có đoàn biểu diễn văn nghệ của tỉnh về biểu diễn các tiết mục hát giao duyên, hát chèo… càng làm tăng thêm hương sắc cho lễ hội truyền thống.
3. Vai trò của lễ hội
3.1. Gìn giữ những giá trị truyền thống
Lễ hội bao giờ cũng gắn với một sự kiện, hiện tượng hay một nhân vật lịch sử nào đó. Với hội làng Ngoại Lãng tưởng nhớ tới các vị thánh nhân có công với làng nước thì họ còn là đại diện cho các giá trị mà cả cộng đồng đã đúc rút trong một thời kỳ lịch sử nhất định, đó là thời kỳ đấu tranh trống giặc và mở mang khai khẩn các vùng đất. phẩm chất của các vị ấy có khi đã trở thành đại diện cho cả một cộng đồng làng xã. Nó đem đến cho bất cứ một người dân Ngoại Lãng nào niềm tự hào quê hương, đó là giá trị rất lớn trong việc gìn giữ nét đẹp làng quê Việt Nam. Hội làng xưa thế nay vẫn thế, chỉ có một vài những biến đổi tất yếu do quá trình vận động phát triển của xã hội. Vì thế nó được coi là một bảo tàng sống lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống từ bao đời nay. Bất kỳ một người dân làng Ngoại Lãng dù đang sinh sống tại quê nhà hay đang tha hương khắp mọi miền trong nước hay hải ngoại, đều coi hội làng là dịp để tìm về với nét đẹp cổ xưa, tôn vinh truyền thống mảnh đất quê hương.
3.2. Đáp ứng nhu cầu tâm linh
Đây là một chức năng vô cùng quan trọng của bất cứ một lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống. Như đã nói đến ở phần khái niệm, lễ là phần đạo còn hội là phần đời, vì thế ngoài đáp ứng nhu cầu về tinh thần, đó còn là nhu cầu về đời sống tâm linh, nhu cầu tìm kiếm cứu cánh của sự sống mà các cộng đồng cư dân, nhất là cư dân nông nghiệp cần đến. Đối với cư dân nông nghiệp như nước ta thì sự phụ thuộc vào tự nhiên là rất lớn. Ngay trong từng công đoạn của sản xuất, cư dân nông nghiệp đều phải cầu cúng các thế lực siêu nhiên mong nhận được sự phù hộ độ trì. Sau khi kết thúc một vụ sản xuất, chuẩn bị bước sang một vụ mới họ đều nghĩ tới việc cúng tế cảm tạ thần linh và mong sự bảo hộ cho vụ mùa mới. Bởi thế trong dịp này lễ hội đã được mở ra với lòng ngưỡng mộ các vị thần linh một cách chân thành. Ở đó người ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn, tin tưởng hơn ở một tương lai khi họ đã chân thành cầu xin các vị thần linh, mọi lời cầu nguyện dường như đều được thiêng hóa vì có sự chứng giám của các thần linh. Vì vậy lễ hội không chỉ là dịp gặp gỡ vui chơi giữa các thành viên trong cộng đồng mà đây còn là dịp để con người gần gũi với các bậc thần linh, nói khác đi đây là dịp để con người trần tục có cơ hội tiếp xúc, gửi gắm niềm tin và hy vọng của mình vào thế lực siêu linh. Để đạt được những ước mong trong cuộc sống, con người đã gửi vào lời cầu nguyện trước các vị thần trong dịp lễ hội. Vì vậy lễ hội có chức năng khá quan trọng là đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh cho mọi thành viên trong cộng đồng.
3.3. Mang lại thời gian nhàn rỗi, giải tỏa tinh thần
Lễ hội mang lại khoảng thời gian nhàn rỗi giúp cuộc sống thêm phong phú và thoải mái hơn, bởi nó thường diễn ra vào đúng dịp nông nhàn. Thời gian hội hè mỗi dịp tết đến xuân về chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi để “tái sản xuất sức lao động”. Trong lễ hội với không gian và thời gian linh thiêng con người thực sự tìm được sự an nhàn và thư thái trong tâm hồn. Sự thanh thản ấy không phải chỉ do việc được vui chơi thỏa thích mang lại mà còn vì trong lễ hội mọi lo toan, gánh nặng, những hiềm khích đời thường đều như được rũ bỏ. Trước các vị thần thành linh thiêng của làng, ai cũng có quyền được thắp hương khấn vái và bình đẳng trong mọi cuộc chơi. Ngay cả những mực thước hàng ngày trong cuộc sống còn rất nặng nề nhưng khi bước vào lễ hội chúng đều được bỏ lại sau lưng. Trong những ngày lễ hội hầu như người ta sống rộng rãi hơn, chi tiêu ăn uống, nói năng thoải mái hơn, thân thiết và rộng lượng hơn thậm chí đôi khi trong lễ hội người ta dường như còn muốn vượt tràn khuôn khổ cuộc sống hàng ngày. Tất cả những điều này đều đem lại cho dân làng một sự thoải mái tuy khi ra về có chút “tả tơi”. Tóm lại những dịp lễ hội này chính là cách mà ông dân ta tự thưởng cho mình những phong vị và hứng thú ở đời để họ lại có thêm niềm tin vào cuộc sống, thêm hăng say trong lao động.
Lễ hội cũng là dịp để hoàn thiện các loại hình văn hóa, văn nghệ, và tạo điều kiện cho sự sáng tạo ra đời. Lễ hội là dịp để người nông dân bộc lộ hết tinh hoa của minh và cũng là cơ hội, là điều kiện để các mặt văn hóa văn nghệ có dịp được củng cố và phát huy.
3.4. Cố kết cộng đồng
Vì là một sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và những trò chơi, giải trí luôn mang tính tập thể cao độ cho nên đây là hoạt động có chức năng cố kết cộng đồng rất lớn. Ngay như việc cả làng cùng thờ cúng chung một vị thần Thành Hoàng nên ai ai cũng có ý thức tham gia hội làng để được phù hộ che chở. Để thực hiện tốt các nghi lễ của lễ hội, dân làng phải họp bàn và thống nhất với nhau, khi thực hiện thì tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tất cả đều xuất phát từ việc mọi người dân trong làng đều có chung mối cộng cảm là sự tôn kính đối với Thánh thần và ước nguyện được phục vụ các ngài. Sau những mối cộng cảm thiêng liêng trong các nghi lễ, người dân lại hòa mình vào những cuộc vui của phần hội. Đến đây thì mọi khoảng cách về thân phận đều đã bị rũ bỏ, chỉ còn lại một sự đồng lòng và phối hợp ăn ý trong các trò chơi hay các màn trình diễn. Lễ hội đã xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người già trẻ, gái trai, giàu nghèo… và làm gắn kết họ lại với nhau.

C.KẾT LUẬN
Hội làng là một nét văn hóa đậm nét truyền thống và là đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước. Qua các hoạt động của lễ hội, hình ảnh nông thôn Việt nam hiện lên thật rõ nét với nhiều mảng màu đan xen. Có thể khẳng định rằng trong kho tàng văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống chính là những di sản văn hóa tinh thần quý báu của ông cha ta để lại. Những lễ hội ấy định hình từ thuở lập làng xa xưa, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, bao lần giặc giã xâm lăng nhưng lễ hội vẫn được gìn giữ và tiếp nối. Với người dân làng Ngoại Lãng, lễ hội đã trở thành nhu cầu của đời sống tinh thần, nó gắn bó và là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng lễ hội hiện nay, đó là tính linh thiêng cần có của nó đã giảm đi do sự thương mại hóa các hoạt động lễ hội, trở thành địa điểm kinh doanh của một số người. Ngoài ra các lễ hội do quản lý không chặt chẽ và sự buông lỏng của những người có trách nhiệm đã gây ra những hiện tượng như trộm cắp, lừa gạt, bắt chẹt du khách thập phương…
Mọi giá trị truyền thống đều trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng tương lại, vì thế để có một xã hội phồn vinh thì việc đáng quan tâm là mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã phải biết gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu này. Dân làng xưa nay vẫn tự hào về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này, hội làng là một nét đẹp tiêu biểu cho một đời sống tâm linh tinh thần phong phú của người dân nơi đây. Lễ hội không chỉ là dịp giúp con người giải tỏa tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nó còn là một minh chứng cho truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái đáng quý, đáng trân trọng chính là qua bao nhiêu biến cố thăng trầm trong lịch sử, mỗi làng quê Việt Nam đều vẫn gìn giữ được những giá trị truyền thống để truyền thụ cho đời sau. Nhờ đó mà bản sắc Việt Nam vẫn còn sống mãi.
RANDOM_AVATAR
hangthu
 
Bài viết: 40
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/09 21:42
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách

cron