ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi thanhdieu » Thứ 2 10/10/11 19:10

[justify]ĐÀ LẠT QUA GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA

Tôi muốn chia sẻ cùng lớp mình những điều cảm nhận từ một vùng đất tôi đã từng trải nghiệm - Đà Lạt.
1. Qua cách gọi gắn với nhiều đặc trưng của tự nhiên: Đà Lạt có rất nhiều thác nước và hồ nổi tiếng, tên gọi Đà Lạt - Đạ hay Dak có nghĩa là nước, là suối, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát. Những tên gọi lãng mạn như: thành phố ngàn hoa, thành phố sương mù, thành phố của thác nước, thành phố của rừng thông... Rất nhiều đặc trưng tự nhiên tạo nên Đà Lạt. Vậy mà đâu đó trong quy hoạch các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch lại chặt phá rừng thông rất nhiều, phá vỡ cảnh quan tự nhiên để lấy diện tích đất. Quy hoạch xây dựng cần tôn trọng tự nhiên, đó luôn là bài học đắt giá.
2. Về kiến trúc: Đặc trưng là những kiến trúc kiểu Pháp cổ lẫn trong rừng thông, sương mù tạo nên một phong cảnh “Tiểu Châu Âu” của Việt Nam. Kiến trúc này du nhập từ những năm cuối thế kỷ 19 khi Pháp xâm lược Đông Dương. Qua năm tháng người Pháp đã về nước của họ, song kiểu kiến trúc vẫn giữ được nét nguyên thủy của nó vì tính phù hợp với khí hậu, cảnh quan ở đây. Tiêu biểu là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, các ngôi biệt thự cổ.
Trong kiến trúc nhà ở, để thích ứng với địa hình đồi núi dốc là kiểu ở tận dụng tầng hầm khá phổ biến. Tiêu biểu có thể thấy qua chợ Đà Lạt, mà tên gọi chợ đêm Đà Lạt còn được gọi là chợ Âm Phủ. Rất nhiều nhà ở, nhà trọ có tầng hầm để thích nghi với địa hình đồi núi dốc, tận dụng không gian.
3. Cách thức, phương tiện di chuyển: Trước đây khi chưa có xe gắn máy, ô tô; người dân dùng ngựa, xe ngựa, gánh và đi bộ.
Đến các khu du lịch như LangBiang, phải di chuyển bằng xe chuyên dụng là Uoát. Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt - cũng do người Pháp xây dựng - độc đáo so với các tuyến xe lửa ở Việt Nam ở chỗ là tuyến đường sắt răng cưa, tránh để tuột dốc.
Một thời đã đi qua, người Pháp đã về nơi mà họ vốn dĩ thuộc về. Họ đã để lại cho chúng ta cách họ thích ứng với môi trường tự nhiên từ kiến trúc, giao thông, thiết kế cảnh quan thành phố để thích ứng, phục vụ nhu cầu con người đồng thời tận hưởng cuộc sống ở miền cao nguyên Lâm Viên. Chúng ta đã và đang tận dụng, tiếp thu để phát triển.
4. Về ẩm thực: Phổ biến là các món ăn kèm với các loại rau, củ, quả Đà Lạt.
5. Các hoạt động du lịch, giải trí tận dụng lợi thế địa hình, khí hậu: golf, leo núi LangBiang, trượt máng tại thác Đatanla, cởi ngựa, thuyền đạp nước trên các hồ, nghỉ dưỡng …
6. Về con người: Nếu nói đến người Đà Lạt, nhất là người phụ nữ ở đây, sẽ thấy ở đó sự nhẹ nhàng, thanh thoát mà đến có khi cả yên lặng, khoảng cách. Có phải chăng do độ cao 1500 m so với mực nước biển, các hoạt động giao lưu vùng miền có phần hạn chế, dân cư vốn thưa thớt dẫn đến ít giao tiếp, trao đổi, ít nói?
Khí hậu lạnh nên nhu cầu áo ấm, đan len, thêu thùa trở nên khá phổ biến. Do đó, người phụ nữ khá khéo tay, tạo nên gu thời trang giữ ấm đa dạng. Và khi đâu đó trong những vần thơ, tiếng nhạc có ở “đôi má ửng hồng”, đó cũng là những điều khi bạn đến một vùng đất để thấy và cảm nhận. Còn chưa kể hết về hoa Đà Lạt.[/justify]
RANDOM_AVATAR
thanhdieu
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 12:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi thanhdieu » Thứ 2 10/10/11 22:04

K12 thân mến! Mình đọc Việt Nam, Cái nhìn Địa – văn hóa của GS. Trần Quốc Vượng, bài viết Miền Trung Việt Nam và văn hóa Chăm pa, trang 321 có viết “Dưới chân các Cồn thường có các Bàu hay các rạch nước. Các nhà khảo cổ thường phát hiện được các di chỉ cư trú ở ven bàu và di chỉ mộ táng ở trên cồn”.
Tra nghĩa từ điển, “cồn” và “bàu” thì cồn là dải cát nổi lên tạo thành gò, đồi ở sông, biển do tác động của gió. Còn bàu là chỗ sâu trũng, xét về trong tương quan so sánh cồn tương ứng với dương, còn bàu là âm.
Tại sao di chỉ cư trú tức là các vật gắn với lúc con người còn sống, lại hay được tìm thấy ở ven bàu? Còn di chỉ mộ táng, của người đã chết lại ở trên Cồn?
GS. Trần Quốc Vượng lại viết “Do CỒN và BÀU là hai thực thể âm – dương của một hệ sinh thái nhân văn đặc sắc”
Mình đang tìm lời giải đáp, rất mong mọi người chia sẻ!
RANDOM_AVATAR
thanhdieu
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 12:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi mytien » Thứ 3 11/10/11 7:56

mytien đã viết:Quyết định luận địa lý hay quyết định luận văn hoá? Tạo sao không là Địa - văn hoá?
Quyết định luận địa lý: môi trường tự nhiên quyết định và chi phối con người lẫn văn hoá, con người không thể thay đổi tự nhiên, đây là sự tác động 1 chiều (tự nhiên với con người). Về sau, con người đạt dến trình độ nhận thức cao hơn nên có thể hiểu được các quy luật tự nhiên, ko còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Tự nhiên chỉ là yếu tố có ảnh hưởng và giúp cho việc xác định các cơ hội của con người, bản thân tự nhiên không quyết định hoạt động của con người.
Địa - văn hoá: sự tương tác qua lại giữa con người và tự nhiên.
RANDOM_AVATAR
mytien
 
Bài viết: 6
Ngày tham gia: Thứ 3 13/09/11 7:20
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi nhatdominh » Thứ 3 11/10/11 23:31

Thoáng nhìn cách phân chia theo phương Đông và phương Tây như thầy Tứ cũng có phần hợp lý. Nhưng nhìn nhận kỹ càng hơn thì thầy Tứ chỉ mới xét về mặt không gian hiện tại thôi. Nếu xét theo hệ tọa độ CTK thì rõ ràng là gốc du mục là yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cách coi thường, tham vọng chế ngự tự nhiên của người phương Tây. Và vì thế với nền văn minh khoa học phát triển như ngày nay thì tính cách như vậy càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Khi trở về vấn đề gốc du mục thì dĩ nhiên du mục cũng là một cách ứng xử với môi trường tự nhiên của người phương Tây. Cho nên không thể nào phủ nhận vai trò tự nhiên đối với con người được. Mình đồng ý với ý kiến của bạn Trang và Thu về việc "môi trường địa lý đóng vai trò quyết định trong những giai đoạn con người ở trạng thái còn mông muội". Có lẽ vì vậy mà thầy Thêm luôn nhắc nhở chúng ta trong hầu hết các buổi học rằng khi xem xét bất cứ một vấn đề nào chúng ta cũng phải đặt chúng trong hệ tọa độ CTK để có cái nhìn khoa học nhất, thấu đáo nhất.
Lúc đầu chúng ta đến với môn Địa văn hóa, mới đọc cái tên thôi chúng ta mơ hồ hiểu được rằng giữa địa lý và văn hóa có cái đó liên quan với nhau nên các nhà khoa học mới phân ngành thành một môn học có cái tên như vậy chứ.Và sau những buổi học của cô Dung thì chúng ta hiểu được rằng mối quan hệ giữa địa lý và văn hóa phải là mối quan hệ biện chứng. Do đó chúng ta không nên phân biệt rạch ròi giữa quyết định luận địa lý và quyết định luận văn hóa mà phải dung hòa chúng lại với nhau, xem xét mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa chúng để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn.
Đó là ý kiến của mình mong các bạn K12 thảo luận thêm nhiều vấn đề để chúng ta cùng thấu hiểu mọi khúc mắc cũng như góp phần làm cho môn Địa văn hóa của cô Dung sôi động hơn nữa nhé!
RANDOM_AVATAR
nhatdominh
 
Bài viết: 39
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 20:55
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi nhatdominh » Thứ 4 12/10/11 0:13

Bạn Diệu ơi, trong sách "Việt Nam cái nhìn địa văn hóa" của GS Trần Quốc Vượng, chỗ mà bạn hỏi ở trang 321, GS viết về miền Trung, bạn đã tra từ điển về :“cồn” và “bàu” thì cồn là dải cát nổi lên tạo thành gò, đồi ở sông, biển do tác động của gió. Còn bàu là chỗ sâu trũng nằm dưới chân cồn. Dân gian có câu "nhất cận thị nhì cận lộ tam cận giang". Trong hai địa thế này thì con người ngày xưa thường chọn sống ven vùng nào có nước, do đó sẽ sinh sống ven bàu. Sống ven bàu có nước để sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi...cho nên các di chỉ cư trú được tìm thấy ở ven bàu. Cồn thì chỉ là một dải cát thì không thể nào sinh sống thuận tiện được. Khi chôn người chết người ta sẽ chọn nơi cao ráo để chôn, cho nên người ta chôn trên cồn. Vì vậy di chỉ mộ táng được tìm thấy ở trên cồn. Ngày nay, vị thế một ngôi mộ vẫn phải ở nơi cao ráo để giữ vững mộ chứ người ta không chọn chỗ trũng nước.
Cồn thì cao, nhô lên tương ứng với dương, còn bàu thì trũng xuống tương ứng với âm, mà con người thì sống dưới chân cồn nhưng mà ven bàu, nghĩa là con người sống ở giữa trung hòa âm dương ấy. Cho nên, GS đã xem cồn và bàu là hai thực thể âm dương của một hệ sinh thái âm dương đặc sắc của miền Trung.
Do ở đây, GS cũng bàn ít về vấn đề bàu và cồn cho nên mình đọc và hiểu như vậy đó, và cũng là người miền Trung như bạn nên mình sẽ cố gắng thu thập thêm tài liệu để hiểu rõ hơn về văn hóa cồn-bàu này và sẽ chia sẽ được nhiều thông tin hơn nữa.
Không biết có đáp ứng thắc mắc của bạn hay không, nếu có vấn đề gì bạn và lớp mình tiếp tục đưa ra và mổ xẻ để hiểu thêm nhé!
RANDOM_AVATAR
nhatdominh
 
Bài viết: 39
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 20:55
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi lienxo » Thứ 4 12/10/11 1:51

Địa lý là bao gồm toàn bộ môi trường tự nhiên có tính quy luật nó tồn tại khách quan và có quan hệ mật thiết với đời sống của con người, nó giúp phân biệt vùng này với vùng khác. Chính vì vậy mà "địa" có tác động không nhỏ đến đời sống con người. Thậm chí, ở thời nguyên thủy sơ khai nó chi phối hoàn toàn cuộc sống của con người. Quyết định luận địa lý chỉ đúng trong trường hợp cuộc sống nguyên thủy. Còn trong cuộc sống ngày nay thuyết quyết định luận địa lý không phải là kim chỉ nan cho mọi trường hợp.
Điều kiện địa lý tác động mạnh mẽ đến việc hình thành các thói quen, cách sinh hoạt(vật chất và tinh thần). Do vậy mà văn hóa cũng chịu sự tác động từ điều kiện tự nhiên rất nhiều. Nếu phương Tây điều kiện tự nhiên không là thảo nguyên, đồng cỏ thì liệu cư dân nơi đây có sống bằng nghề chăn nuôi, liệu họ có thường xuyên thay đổi địa bàn cư trú khi điều kiện tự nhiên thay đổi, liệu họ có tư tưởng coi thường tự nhiên và muốn chế ngự tự nhiên,…Còn nếu Phương Đông không có điều kiện địa hình với nhiều sông ngoài và đồng bằng thì họ có sống bằng nghề chính là trồng lúa nước, họ có tổ chức cộng đồng ổn định, họ có mong muốn sống hòa thuận với tự nhiên,… Trong trường hợp này, điều kiện địa lý đóng vai trò quyết định trong việc hình thành loại hình văn hóa gốc: Phương Tây du mục và phương Đông nông nghiệp lúa nước.
Nhưng không phải lúc nào điều kiện địa lý cũng có vai trò hình thành văn hóa của cư dân. So sánh giữa văn hóa Việt Nam và Nhật Bản để thấy rằng quyết định luận địa lý không đúng hoàn toàn.
NB và VN đều có gốc văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Với điều kiện địa hình, khí hậu đều đa dạng với đủ các vùng rừng núi, đồng bằng và duyên hải. Cả hai quốc gia đều phải thường xuyên đối mặt với những hiện tượng thiên tai như lũ lụt,sóng thần…Chính vì vậy mà văn hóa 2 nước có những nét tương đồng như: có tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết cao; trọng kinh nghiệm, trọng tuổi tác; … Tuy nhiên bên cạnh đó nền văn hóa của hai nước cũng có những nét tương phản rõ rệt:
Ở tính cách ứng xử của hai dân tộc,Việt Nam mềm mỏng, linh hoạt dễ thích nghi. Nhật Bản coi trọng nguyên tắc, tính kỉ luật rất cao. Xét về giá trị đạo đức, Việt Nam trọng chữ hiếu còn Nhật Bản thì trọng chữ tín. Trong văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, Việt Nam tổ chức theo chiều ngang-dân chủ, Nhật Bản theo chiều dọc-quân chủ. Mỗi thành viên trong cộng đồng Nhật quyền lợi đi liền với nghĩa vụ chứ không bình quân ngang bằng như văn hóa Việt Nam. Hay trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, đặc biệt khi xảy ra thiên tai Nhật Bản đối mặt với tư tưởng chấp nhận và vượt qua một cách bình thản vì họ quan niệm rằng đó là quy luật bất biến của tự nhiên. Còn văn hóa Việt Nam khi gặp thiên tai thường gặp phải trạng thái lo sợ, hoảng loạn và cầu mong mọi việc sẽ qua.
Như vậy, có thể thấy rằng thuyết quyết định luận địa lý chỉ đúng trong những trường hợp cụ thể chứ không thể áp dụng cho mọi trường hợp.
Hình đại diện của thành viên
lienxo
 
Bài viết: 43
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 22:02
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi lienxo » Thứ 4 12/10/11 2:19

thanhdieu đã viết:“Dưới chân các Cồn thường có các Bàu hay các rạch nước. Các nhà khảo cổ thường phát hiện được các di chỉ cư trú ở ven bàu và di chỉ mộ táng ở trên cồn”.

Ở đây tác giả đang viết về "hệ sinh thái ở nước" cụ thể là "đất ngập nước" mà. Nghĩa là cuộc sống của người ta gắn liền với nước. Cứ tưởng tượng một vùng "đất ngập nước" thì toàn vùng là nước chỉ thỉnh thoảng nhô lên những cồn đất nhỏ do địa chấn hay một lý do nào đó. Những cồn cao không nhiều nên sẽ được ưu tiên sử dụng cho những việc quan trọng. Với người Việt Nam trọng tình, thì việc một người chết đi là sự thương tiếc của cả cộng đồng. Nên cộng đồng sẽ dành tất cả những gì tốt đẹp cho người đã khuất.Thêm nữa, Người chết thì không thể chôn dưới nước được(làm sao đào huyệt dưới nước để chôn người chết được) nên người ta ưu tiên những cồn cao để chôn người chết.
Cuộc sống diễn ra ở những bàu nước thì sẽ lưu lại những công cụ lao động, những dụng cụ sinh hoạt thường nhật ở đó.
Hình đại diện của thành viên
lienxo
 
Bài viết: 43
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 22:02
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (Đức Lâm-K12)

Gửi bàigửi bởi lamtam_09 » Thứ 4 12/10/11 11:38

K12 thân mến!
Mình học môn địa văn hóa cũng có cái hay của nó là mình lý giải được nhiều hiện tượng văn hóa ở những vùng miền khác nhau. Trước đây mình biết những hiện tượng đó ở những vùng miền là khác nhau nhưng mình chưa có khái niệm đó là địa văn hóa các bạn nhỉ?
Như các bạn đã biết Quan điểm quyết định luận địa lý thì cho rằng môi trường tự nhiên: khí hậu, địa hình,...tức cái môi trường mà trong đó con người sinh sống (không phải là môi trương xã hội) có vai trò quyết định đến văn hóa: vật chất, tinh thần,.. của con người.
Chúng ta không phủ nhận rằng môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của con người. Tôi cũng vậy. Môi trườn tự nhiên chắc chắn là có ản hưởng hay nói cách khác là góp phần tạo nên văn hóa của vùng nhưng không phải là điều kiện tiên quyết. Bởi cô Dung và các bạn cũng đã lấy ví dụ là Văn hóa miền Trung do địa hình nhỏ hẹp, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi đầy nắng và gió hơn nữa lại gần biển nên con người miền Trung rất cần cù chịu khó (nhing chung), ẩm thực thì gần biển nên thức ăn là các loại hải sản mùi tanh, tính hàn nhiều hơn vài vậy mà họ ăn cay,...Điều đó chứng tỏ môi trường tự nhiên cũng ảnh hưởng đến văn hóa của vùng này đó thôi.
Tuy nhiên mỗi việc ảnh hưởng đến ẩm thực tính cách của miền này thì không thể làm nên văn hóa vùng này được mà còn có các yếu tố khác như lịch sư tộc người -vương quốc Chămpa đã hình thành ở đây.., bối cảnh lịch sử là Vùng của nền Văn hóa Óc Eo xưa,..và nhiều yếu tố xã hội khác cũng làm nên tổng thể văn hóa của vùng.

Tuy nhiên lý thuyết nào cũng có những hạn chế và đóng góp của nó, Thuyết quyết định luận địa lý cũng vậy, ta cũng bổ sung thêm các yếu tố khác nhưng chúng ta không phủ nhận đóng góp của nó là môi trường tự nhiên cũng ảnh hưởng đến văn hóa vùng.

Tôi được biết có một vùng văn hóa mà trong đó yếu tố môi trường tự nhiên còn để lại dấu ấn rất đậm nét về các đặc trưng văn hóa cuản vùng này đó là Vùng Văn hóa Tây Nguyên.
Nơi đây có văn hóa cồng chiêng rất nổi tiếng phải không các bạn. Các bạn thử nghĩ xem ở những lãng xã, nhà cửa san sát nhau hay ở những đô thị nhà lầu cao ngất đất chật người đông liệu mang cồng chiêng ra đánh thì sẽ như thế nào? Rất "inh tai nhức óc" không những thế mà còn làm mất đi âm thanh độc đáo vốn có của nó.
Chỉ có Tây Nguyên, là vùng đất có địa hình chuyển tiếp, là cao nguyên rừng cây bạt ngàn, không gian rộng rãi thì các dân tộc nơi đây mới có không gian để đem cồng chiêng ra đánh và nhảy múa, CŨng chính vì thế âm vang của cồng chiêng mới đủ ngân nga rung động cả một vùng, kết nối được với thần rừng, thần núi, thần bản... Chưa kể đến nguyên liệu làm cồng chiêng là nguòn gốc tưqf đá (trước khi phát minh ra đồng), Những loại đá để làm cồng chiềng rất phổ biến nơi núi rừng như vây.
Vào những ngày hội, hình ảnh trai gái, vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa hồng thiêng bên vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo, Cồng chiêng do vậy mà góp phàn tạo nên Sử thi, những áng thơ ca mang đậm chất Tây Nguyên vừa lãng mạn và hùng tráng.
Minh chứng cho điều này là UNESSCO đã xếp không gian văn hóa cồng chiêng tây nguyên là Di sản VH thế giới không chỉ bản chất âm nhạc mà còn cả không gian của nó. :D :D
RANDOM_AVATAR
lamtam_09
 
Bài viết: 34
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 21:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi LieuTranK12 » Thứ 4 12/10/11 13:15

Kính chào cô Dung và thân chào các bạn đồng môn cao học văn hóa K12.
Tham gia vào đề tài thảo luận do cô đưa ra lần này em xin có vài suy nghĩ, cảm nhận của mình về vấn đền thứ nhất là :
“ Nêu và bình luận những biểu hiện của quan điểm quyết định luận địa lý trong nghiên cứu văn hóa.”
Qua tìm đọc các tài liện về quyết định luận địa lý ( Geographic determinism) cho thấy: theo một số tài liệu của các nhà nghiên cứu thì Quyết định luận địa lý là một khái niệm nói rằng chính yếu tố địa lý quyết định cả vấn đề con người và vấn đề văn hóa.
Xét về một góc độ, môi trường địa lý là một bộ phận tự nhiên của trái đất bao quanh con người mà ở một thời điểm nhất định xã hội loài người có quan hệ tương hỗ trực tiếp với nó, nghĩa là bộ phận tự nhiên đó có liên quan gần gủi nhất với đời sống và hoạt động sản xuất của con người nói chung và hoạt động, đời sống tinh thần của con người nói riêng, trong đó có văn hóa. Do đó, trong nghiên cứu văn hóa học, môi trường địa lý cần được xem xét một cách khách quan là động lực chủ yếu đối với sự phát triển xã hội con người, văn hóa nhân loại.
Trong nghiên cứu văn hóa học không thể không quan tâm đúng mức đến Quyết định luận địa lý bởi : Không có một thời gian văn hóa, không gian văn hóa nào được nghiên cứu trong xã hội loài người mà ở đó con người không thể hoàn toàn phát triển độc lập trong môi trường địa lý. Trình độ phát triển của con người dù có cao bao nhiêu củng
phải dựa vào tự nhiên.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu văn hóa như cô Đinh Thu Dung đã giảng dạy và hướng dẫn cho lớp, chúng ta nên quan tâm và cẩn trọng với quyết định luận địa lý nói riêng, cách tiếp cận địa văn hóa trong nói chung như là một trong nhiều cách tiếp cận đa chiều trong nghiên cứu bất cứ đề tài, hiện tượng văn hóa nào đi nữa. Bởi, sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa vai trò của môi trường địa lý – khí hậu (dẫn đến cái gọi là “quyết định luận địa lý về văn hóa”) trong nghiên cứu.
Tiến trình phát triển của một dân tộc, nền văn hóa của một dân tộc còn chịu sự chi phối của những nhân tố lịch sử - xã hội.
Đây là những cảm nhận của cá nhân tôi trước việc nhìn nhận về những ảnh hưởng của Quyết định luận địa lý trong nghiên cứu về văn hóa học vào thời điểm khởi đầu, tiếp cận với những tri thức chuyên ngành văn hóa học, một ngành học còn quá mới mẻ và mênh mông đối với tôi.
Cuối cùng xin chúc sức khỏe đến cô Đinh Thu Dung và các bạn đồng môn Cao học Văn Hóa K12. :D
Hình đại diện của thành viên
LieuTranK12
 
Bài viết: 16
Ngày tham gia: Thứ 4 21/09/11 8:16
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM (K12)

Gửi bàigửi bởi nguoidanbadep205 » Thứ 4 12/10/11 23:09

Re : thanhdieu
Mình hơi băn khoăn điều này : “Có phải chăng do độ cao 1500 m so với mực nước biển, các hoạt động giao lưu vùng miền có phần hạn chế, dân cư vốn thưa thớt dẫn đến ít giao tiếp, trao đổi, ít nói?”

- Đà lạt vốn là thành phố du lịch, du khách đến đây không chỉ là trong nước mà cả nước ngoài. Đây là điều kiện để giao lưu, gặp gỡ rất nhiều đối tượng khác nhau, từ mọi miền khác nhau. Vậy không thể cho rằng “các hoạt động giao lưu…hạn chế…” dẫn đến người dân ít nói.
- Ngược lại người Đà Lạt rất mến khách, dễ gần. Tìm hiểu các giai đoạn hình thành dân cư Đà Lạt ta dễ dàng nhận ra, người Đà Lạt không có mấy người là người dân bản xứ mà đa số là các luồng dân từ Bắc, Huế, Quảng đi vào …. Do bỏ quê hương để đi lập nghiệp, họ luôn muốn tạo những mối quan hệ xung quanh, dễ hòa nhập, dễ kết thân.
- Cũng không thể cho rằng người Đà lạt ít giao tiếp, trao đổi, ít nói hơn người vùng khác.
RANDOM_AVATAR
nguoidanbadep205
 
Bài viết: 49
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 11:20
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Trang trướcTrang kế tiếp

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron