Khao vọng xưa và nay

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Khao vọng xưa và nay

Gửi bàigửi bởi thanhdieu » Thứ 2 24/10/11 23:23

[justify]Trong làng xã Việt Nam xưa, hàng năm có rất nhiều hội hè để dân làng có dịp ăn uống và vui chơi như: lễ kỳ phúc; lễ nhập tịch, lễ kỳ an, hiếu hỷ, lệ khao của những người chức sắc khoa trường mừng lên từ ông Đồ, ông Tú, ông Cống, ông Cử, ông Nghè, rồi lên các ông Hoàng – Thám – Bảng – Trạng , lệ vọng của những người lên lão lên bô, lễ cáo sắc phong tặng của các quan …
Đào Duy Anh có viết tính hết cả cuộc tế lễ hội hè lớn nhỏ trong làng thì thấu dân quê ta hàng năm có nhiều cơ hội để tiêu pha xa xỉ lắm!(1)
Còn theo nghiên cứu của Phan Ngọc:
“Một quy chế phổ biến ở các làng Việt Nam, đó là phải góp một số tiền lớn để được sử vào hội đồng hào mục. Cho nên trong làng có những chức sắc. Các chức sắc này chỉ có giá trị trong nội bộ làng mà thôi; Tường, Nhiêu, Xã, Cai …nhưng rất hấp dẫn đối với dân làng. Cho nên có tục khao vọng tốn kém ở khắp nơi. Khao vọng chỉ có mục đích khẳng định diện mạo của con người ăn khao trước làng xã và từ nay mọi người phải đối xử với anh ta theo diện mạo mới của anh ta”(2)
Lệ là điều quy định và đã trở thành nếp. Khao là mở tiệc thết đãi cho việc mừng, vọng là nộp tiền hay lễ vật theo lệ cho làng và còn có nghĩa là nhìn, hướng về. Lệ khao vọng là khao dân làng và nộp tiền vọng để dân làng công nhận ngôi thứ mới của mình.
Tục ngữ có câu “một miếng giữa làng bằng một sàn xó bếp”, “tốt danh hơn lành áo” hay “trâu chết để da, người ta chết để tiếng”, cái sự trọng danh dự luôn được đề cao hơn hết. Làng xã nông nghiệp rất coi trọng việc học hành, một người đỗ đạt làm quan là niềm tự hào cho cả làng.
“Phải cho trang trọng một chút mới được... Còn có hàng tổng, hàng huyện trông vào. Không nên cẩu thả để cho người ta chê cười làng mình” – trích “Lều chõng” của Ngô Tất Tố.
Phép vua thua lệ làng hay Vô vọng bất thành quan là thế. Chưa khao vọng là chưa tuyên bố, chưa được làng công nhận.
Tục khao vọng xưa khá phổ biến ở làng xã Bắc Bộ, Trung Bộ và kinh qua thời gian rất dài suốt thời kỳ phong kiến. Lệ này lại lắm lúc quá xa xỉ đối với tình cảnh dân quê, cùng việc tranh giành ngôi thứ, khiến có người đỗ đạt rồi phải vay mượn hoặc bán ruộng bán nhà vì cái sự “thể diện”, “trả nợ miệng” và có cả lòng tham ngôi thứ trong xã hội.
Đến nay, xã hội ngày càng hiện đại, tục này không còn nữa. Thay vào đó, trong các hoạt động đời sống, văn hóa ứng xử, khao vẫn đâu đó muôn màu muôn vẻ. Con cái thi đậu – khao; mua xe mới – khao hay rửa; trúng số - khao; kiếm được việc làm – khao; lên chức – khao…Khao đa phần đi kèm với tiệc tùng, ăn uống, còn có thể khao bằng chi trả cho một hình thức nào khác như giải trí, bằng vật dụng nào đó, tùy theo điều kiện kinh phí của chủ nhân và tính chất, mức độ của tin vui..
Nếu trước đây khao vọng quy định bằng các lệ, hương ước thì nay đã không còn nữa. Cái sự đó còn trong tâm thức, nhưng tự do và tùy nghi hơn. Khao là để thông báo tin vui chia sẻ đến mọi người, hầu hết đều là các dịp vui vẻ, từ đó giao tiếp xã hội và các mối quan hệ trở nên rộng rãi, cởi mở hơn. Mục đích của khao như để bày tỏ sự tri ân đối với những người đã giúp đỡ để có niềm vui đó, chia sẻ với mọi người, để không phải mang tiếng là của mình thì giữ bo bo, nợ miệng thế gian. Ngày nay, bên cạnh sự khẳng định cái danh, cái tiếng thì các mối giao tiếp và quan hệ trở nên được người ta chú tâm xây dựng hơn. Và nó đã trở thành cái lệ trong văn hóa giao tiếp.
Song có những tiệc mừng, tiệc khao vần còn không giới hạn, tiêu pha phung phí, dẫn đến nhiều hệ lụy xa hoa lãng phí, như bù khú say xỉn, làm mất trật tự công cộng - an toàn giao thông và đâu đó người ta đi kiếm chức, chạy quyền bằng những hình thức như thế, chúc mừng vị trí mới của anh kèm theo những thay đổi vị trí của tôi, và một số tham nhũng cũng từ đó.
(1) trong Việt Nam văn hóa sử cương [145]
(2) trong Bản sắc văn hóa Việt Nam [95][/justify]
RANDOM_AVATAR
thanhdieu
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 2 12/09/11 12:09
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách

cron