"Bến nước" trong văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

"Bến nước" trong văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên

Gửi bàigửi bởi jimmy12081989 » Thứ 2 05/11/12 9:29

Văn hóa được học hỏi thông qua sự tương tác xã hội trong cộng đồng, trong một tộc người và được chia sẻ giữa các thành viên… từ đó khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác, cũng như văn hóa của tộc người này với tộc người khác… Với xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa luôn biến đổi, để tương ứng với nhu cầu thay đổi của môi trường sống, và con người cũng phải sáng tạo để có thể thích nghi. Nhưng trong sự biến đổi, giao lưu và cách tân đó, văn hóa vẫn tồn tại tính chất “ổn định” – giữ lại những đặc trưng căn bản, truyền thống của dân tộc, tộc người…
Vai trò của “bến nước” trong văn hóa cộng đồng các tộc người Tây Nguyên cũng là một hiện tượng thể hiện rất cụ thể tính chất trên.

Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Bến nước Tây Nguyên là một bến sông, hoặc đoạn suối sông, nhưng thông thường nhất là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau.
Người con gái Tây Nguyên khi ngủ dậy, việc trước tiên là xếp các quả bầu vào gùi, xuống bến nước, sau đấy mới về giã gạo nấu cơm sáng cho cả nhà. Chiều về cũng thế. Mỗi người khi đi tắm giặt đều có một chiếc gùi đựng các quả bầu để lấy nước. Hình ảnh quen thuộc ở các bến nước của con người Tây Nguyên là những buổi chiều - các chàng trai cô gái, người già, người trẻ từ rừng trở về, vào bến nước tắm gội, nô đùa, trò chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc – để gội rửa bụi đất của rẫy nương và khi bước lên nhà sàn, mọi nhọc nhằn đều tan biến.

Ở một phương diện khác, bến nước còn đồng nghĩa với buôn làng. Vì các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, và với họ - nguồn nước ăn luôn là yếu tố quan trọng nhất.
Đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, bến nước gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của bà con trong từng buôn, từng cụm dân cư. Để thể hiện lòng tôn kính và quý trọng đối với Thần linh nơi nguồn nước, người Tây Nguyên duy trì phong tục cúng bến nước.

Tại điểm cúng ở phía đầu nguồn, người ta mang đến rượu pha tiết heo, các bộ phận của heo mỗi thứ một tý, tất cả bày trên một chiếc mâm gỗ để trên một phiến đá, một khiên, một giáo, rất đông các thiếu nữ xinh đẹp mặc áo váy mới, đeo gùi đựng đầy các quả bầu đen bóng đứng dưới vòi nước. Khoa Pin ea (người trông coi bến nước) khấn đại ý: “Thưa Giàng, hôm nay làng cúng bến nước, có tý rượu, tý thịt mong Giàng nhận để luôn luôn có nước trong mát chảy ra cho dân làng dùng. Vẫn biết có trời là có nước, có đất là có nước, nhưng phải có Giàng đồng ý thì nước mới chảy, mới mát, mới trong, dân làng sẽ không ai dám xúc phạm, làm ô uế nguồn nước”...

Lễ này có đông đủ dân làng tham dự, sau đó mọi người ăn thịt, uống rượu, vui chơi đánh chiêng múa hát…
Hiện nay, cư dân ở đây đã có giếng nước (đào hoặc khoan), hoặc nước máy. Hơn nữa, do sự di cư của người Kinh, tính chất “trong sáng” của những tập quán gắn với bến nước đã bị ảnh hưởng… nên hoạt động sinh hoạt của người Tây Nguyên ở bến nước cũng không còn như trước. Nhưng việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước… vẫn tồn tại như một bản sắc đặc trưng của cư dân nơi đây. Bến nước vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống, bởi nó không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là một phần linh hồn của buôn làng. Tục cúng bến nước vẫn được coi trọng như một nghi lễ thiêng liêng trong cộng đồng.

Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt và ý thức của từng cá nhân trong việc bảo vệ, phục tùng cộng đồng luôn được đề cao, lưu giữ.
Vai trò của bến nước trong văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã có sự biến chuyển theo thời gian, nhu cầu của con người và những tác động từ môi trường tự nhiên, xã hội bên ngoài,… nhưng nó vẫn luôn có vị trí quan trọng trong đời sống và tâm linh của các tộc người Tây Nguyên. Đó là một nét văn hóa cần được trân trọng, để giữ gìn bản sắc độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.
RANDOM_AVATAR
jimmy12081989
 
Bài viết: 27
Ngày tham gia: Chủ nhật 30/09/12 15:13
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron