Tranh lá - Nghệ thuật độc đáo từ lá cây

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Tranh lá - Nghệ thuật độc đáo từ lá cây

Gửi bàigửi bởi Hứa Thị Quỳnh Trang » Thứ 3 05/03/13 21:26

Những chiếc lá tưởng chừng như đã rụng về cội bỗng hóa kiếp vào trong tranh. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, chúng được xếp gọn gàng, phẳng phiu để tạo thành một bức tranh sống động, lạ mắt.
Tranh lá đã có ở Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ từ rất lâu. Nó được biết đến như một loại hình nghệ thuật độc đáo, kết hợp lá cây và màu vẽ để tạo thành một bức tranh. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tranh lá Việt Nam đã để lại dấu ấn riêng cho mình, thể hiện sự sáng tạo trong việc kiếm tìm chất liệu mới.
Nếu tranh lá Nhật Bản thường sử dụng gam nâu bạc tự nhiên của lá khô để tạo ra phong cách riêng, thì các họa sỹ Việt Nam lại đưa vào tranh lá nhiều màu sắc, phù hợp với nhiều không gian trang trí hơn. Do nguồn lá tạo nên màu lá tự nhiên khá đa dạng. Những chiếc lá sau xử lý có màu sắc khá đa dạng: trắng, vàng, nâu, ghi, đen, xám... Tuy nhiên, để kho màu sắc thêm phong phú, một số lá sẽ được đem nhuộm. Với việc sử dụng lá làm chất liệu, các họa sỹ Việt đã đem lại cho lá một cuộc sống vĩnh hằng, mang đến cho hội họa một hơi thở mới nhưng không kém phần đặc sắc.
Phần lớn tranh lá được làm thủ công. Để hoàn thành một bức tranh, có khi phải ngồi nhiều giờ trong một ngày và nhiều ngày trong tuần. Tuy nhiên, công việc tạo hình cho tranh lá rất thú vị vì tính không lặp lại của nó. So với các loại hình mỹ thuật khác, dù có trùng chủ đề thì khi thành phẩm, mỗi người đều có thể cho ra một bức tranh hoàn toàn khác nhau, từ họa tiết trên mỗi bức vẽ đến cách phối màu sắc của lá.
Bằng các kỹ thuật xử lý lá đặc biệt, người chơi tranh có thể hoàn toàn yên tâm về độ bền của tranh. Theo những nghệ nhân lâu năm làm Tranh lá, độ bền của tranh từ 15 đến 20 năm, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Điều quan trọng là không phải loại lá nào cũng có thể dùng làm tranh được, mà qua thử nghiệm mới biết những loại lá nào có thể cho màu sắc mong muốn sau khi xử lý.
Lá được chọn phải mới rụng, nguyên vẹn và chưa phân hủy. Để tạo ra màu trắng, họ tìm những loại lá mỏng nhưng có độ dai, ít gân. Những màu khác cần loại dày hơn, gân đẹp và có nhiều sắc độ trên cùng một chiếc lá để tạo sự biến hóa uyển chuyển, sống động trên tranh. Sau khi rửa sạch và để ráo, lá được luộc kỹ (để tách bỏ các thành phần hữu cơ dễ phân hủy, giúp bảo quản lâu hơn) cùng vài loại hóa chất tạo sự bền dai, tránh vỡ vụn. Tùy độ dày và tính chất của lá, thời gian luộc có thể kéo dài từ 2 ngày đến 1 tuần. Giai đoạn kế tiếp là phơi nắng với sự kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ khá chặt chẽ, trước khi đem là phẳng để ghép tranh.
Trên nền giấy dán lên tấm gỗ, họa sĩ vẽ phác thảo bằng chì, rồi chọn những mảnh lá có màu sắc thích hợp để cắt và dán lên. Việc chọn lá phụ thuộc vào mỹ cảm và phong cách từng người. Có khi cả bao lá to mà họa sĩ chỉ tìm được vài chiếc vừa ý. Cùng một mẫu nhưng 10 người làm sẽ cho 10 tranh lá khác nhau. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện, tranh được phủ một lớp bóng để bảo quản. Trừ khâu xử lý lá, thời gian làm một bức tranh có thể 3 - 4 ngày, mà cũng có thể kéo dài hàng tháng.
Ngoài sự độc đáo về chất liệu, tranh lá có ưu điểm là sự chân thật, sống động của màu sắc. Trong một chiếc lá đã có sự biến đổi giữa màu này với màu kia một cách tự nhiên và có hồn mà không một nghệ thuật pha màu nào có thể bắt chước được. Những chiếc gân lá cũng tạo ra hiệu ứng cảm xúc rất đẹp. Với sự tinh tế của họa sĩ, nhiều khi gân lá có thể thay thế cho các họa tiết, chẳng hạn như đường viền mái ngói trên một bức tranh về phố Hà Nội.
Một người chơi tranh sẽ thấy hài lòng vì nét độc đáo của tranh lá trong bộ sưu tập của mình cũng như trang trí cho ngôi nhà theo cách riêng của mình.

Hứa Thị Quỳnh Trang
Lớp VHH K13b
RANDOM_AVATAR
Hứa Thị Quỳnh Trang
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 3 22/01/13 8:29
Cảm ơn: 8 lần
Được cám ơn: 7 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến5 khách

cron