Về văn hoá người Việt ở miền Tây Nam Bộ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Về văn hoá người Việt ở miền Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi lequang » Thứ 7 16/06/07 13:41

[center]Cách tiếp cận tri thức của người Việt ở Tây Nam Bộ[/center]

Thân chào đại gia đình Văn hoá học,
Thưa các bạn, tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo nhưng rất muốn tìm hiểu về văn hoá, đặc biệt là văn hoá Tây Nam Bộ. Tôi thấy mình thật là may mắn khi đăng nhập được vào trang web này, đây là một may mắn bởi ở đây tôi sẽ có được cơ hội nhận được những trao đổi của các bạn về chủ đề mà tôi đang rất quan tâm.
Từ trước đến nay, khi nói đến người Việt Ở Tây Nam Bộ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến những tính cách như dễ gần, phóng khoáng,... thế mà không ai nói rằng họ là những người hiếu học?! Trên thực tế có lẽ lại khác rất nhiều, bởi những sáng tạo của họ rất phong phú: không ít những "kĩ sư" hai lúa rất thành công trong việc sáng tạo ra các loại máy móc để sử dụng trong lao động sản xuất, những người lính Nam Bộ đã chế tạo ra các loại vũ khí trong chiến đấu... Tây Nam Bộ cũng có Văn Miếu ở Vĩnh Long, có rất nhiều những nhân vật lịch sử nổi tiếng...
Vậy ta phải giải thích hiện tượng này như thế nào? Người Việt ở Tây Nam Bộ có tích cực trong việc cập nhật tri thức? Họ là những người có tư duy thực dụng? Nắm và làm chủ tri thức để áp dụng vào cuộc sống chứ không phải là để làm quan?...
Trên đây là một vài suy nghĩ, băn khoăn còn chưa giải đáp được khi tìm hiểu tính cách người Việt ở Tây Nam Bộ mà tôi vẫn chưa tìm được một câu trả lời thích hợp nhất.
rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn
RANDOM_AVATAR
lequang
 
Bài viết: 1
Ngày tham gia: Thứ 2 11/06/07 14:44
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Cách tiếp cận tri thức của người Việt ở Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi caohai » Chủ nhật 17/06/07 8:49

"Từ trước đến nay, khi nói đến người Việt Ở Tây Nam Bộ, người ta sẽ liên tưởng ngay đến những tính cách như dễ gần, phóng khoáng,... thế mà không ai nói rằng họ là những người hiếu học?! "

Ai nói vậy bao giờ đâu?Đấy chính là điều cảm nhận chủ quan của Bạn mà thôi!Bạn chứng minh đi? Nếu có thì sẽ có người trả lời cho Bạn ngay thôi?

Rất hiểu tâm trạng bức xúc , muốn cho mọi người có cái nhìn khác về người Tây Nam Bộ của Bạn
Thật sự ở VN , vùng nào cũng có nhân tài bác học và bình dân cả Bạn ơi!
Không chỉ ở miền Tây không đâu!

Thân ái chào Bạn!
Cao Hai
RANDOM_AVATAR
caohai
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 14:23
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Cách tiếp cận tri thức của người Việt ở Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi lighthouse » Thứ 4 04/07/07 21:39

Cao Hải nói đúng đấy.
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
RANDOM_AVATAR
lighthouse
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 5 26/04/07 20:07
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Cách tiếp cận tri thức của người Việt ở Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi caohai » Chủ nhật 26/08/07 22:17

Cám ơn Bạn Lighthouse rất nhiều!
Cao Hai
RANDOM_AVATAR
caohai
 
Bài viết: 25
Ngày tham gia: Thứ 4 06/06/07 14:23
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 1 lần

Re: Về văn hoá người Việt ở miền Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi NhaQue » Thứ 7 03/11/07 10:46

[center]Thư gửi ông Sơn Nam [/center]

[center]Nguyễn Ngọc Tư (nhà văn)[/center]

Tạp văn

Nhà Quê nhiều lần làm con giận lắm, ông à. Con mua táo về, táo Mỹ nghen, mắc tiền lắm, Nhà Quê cắn xong một miếng, nhấm nhẳn, ăn thua... mộng dừa, con ức không chịu nổi vì đã bị phụ lòng còn bị giũa một trận te tua, tội phí tiền mua mấy thứ không ngon lành gì. Con bị sốc đâu cũng năm ba lần như vậy, tặng măng cụt Nhà Quê nói ăn cũng không hơn... mãng cầu gai, còn sầu riêng thì bị quăng ngay ra cửa, vì cái mùi... thúi chịu hổng nổi.

Con thấy tổn thương ghê gớm. Nhà Quê mà ông và con yêu mến cũng có điều đáng phàn nàn, không chịu tiếp nhận cái mới gì cả, đôi lúc còn cực đoan nữa. Nhà Quê ít chịu mở ti vi coi thời sự, đã qua thời dùng bình ắc quy nhưng Nhà Quê đợi tới cải lương (hay phim) mới chịu bật ti vi. Nên hiểu biết của Nhà Quê không vượt ra khỏi cái xóm đó, con kinh đó, bờ chuối, bờ dừa đó. Sách báo thì chỉ được mấy lão nông đảng viên về hưu để mắt tới, tầm 30- 40 rảnh thì nhậu thôi, cầm tờ báo lên than buồn ngủ quá trời. Những kiến thức, những thông tin của thế giới bao la này nhiều khi bị cắt xén ra từng mẩu bằng... bàn tay, lúc ngồi soi bóng nước trong cầu cá tra, buồn tình mới săm soi vài chữ.

Vậy nên những chuyện đồng cốt thầy bà thì miễn bàn, Nhà Quê mê vô kể. Ai đó cắt lưỡi lấy máu để gỡ bùa, ai đó chữa bệnh ung thư bằng nước lạnh, ai đó lấy ếm trên nóc nhà tóe lửa, ai đó được bà cậu (tại sao bà mà là cậu được ta?!) nhập vào, bứt cọng tóc của thân chủ mà biết được quá khứ vị lai, sáng mai đi hướng nào mới tốt; ai đó một bữa đi nhậu về té sông, lội lên không biết bị người cõi nào nhập mà ho một cái, kẻ thù lăn ra chết. Sợ thiệt! Nhà Quê chịu khó chèo lắm, mỗi khi nghe đồn đãi có đồng cốt nào đó mới lập bàn thờ, tưng bừng như đi hội. Lúc đi tìm giống lúa mới, hay tham quan các mô hình canh tác cũng không hào hứng, đông đủ vậy.

Con có ghét gì Nhà Quê đâu, con thương còn không hết. Vì thương nên con mới bực mình. Hồi đó có câu “dân như mắt khóm”. Trái khóm, ông cũng biết, quá chừng mắt. Nhưng bây giờ những con mắt đó đã nhắm lại rồi, không hiểu tại sao. Nhà Quê hay bị nhằn kiểu vầy, mấy ông Nhà nước làm sao chứ để số đề hoành hành quá, mấy ông Nhà nước tính làm sao chứ nò đó trên sông nhiều quá, có bữa không biết đường chạy xuồng. Vụ số đề, rốt cuộc ai chơi? Nhà Quê chơi. Ai làm thầu? Nhà Quê luôn. Biết tỏng tòng tong đường dây mua bán, biết luôn kẻ mua người bán, nhưng Nhà Quê vẫn thấy việc dẹp bỏ nó không phải của mình. Và những cái nò đó chằng chịt trên sông cũng vậy, và những trò đồng cốt lường gạt cũng vậy... chúng được tồn tại, nuôi nấng, chiều chuộng ngay trong lòng Nhà Quê.

Con biết cái thư này làm ông buồn, ông nghi hoặc, Nhà Quê làm gì đến nỗi, dù gì, cũng còn phần hồn vía giản dị, trong trẻo. Dạ còn, hào sảng còn, chơi hết mình còn, hồn hậu còn, nhưng cũng giống như bức tường xây lâu ngày, vôi vữa bắt đầu rơi ra từng mảng nhỏ, Nhà Quê bây giờ đi đám giỗ cũng bằng tiền, cũng ghi sổ để tới đám giỗ nhà khác coi người ta đi bao nhiêu mình đi lại bấy nhiêu. Trai gái không biết làm gì nên lấy nhau sớm, có đứa mười sáu tuổi đã bồng con nèo nẹo. Có xóm, vợ nhậu vô rượt đánh... chồng te tua. Sổ đỏ nằm ở ngân hàng, nhưng có thừa ra chút tiền, đi sắm dàn karaoke về ca cho đã, chứ đằng xóm người ta sắm hết rồi, mình không có, cũng kỳ.

Bữa nay con méc mấy chuyện này với ông, Nhà Quê hay được, lại giận, nói chân con còn dính phèn mà đã day qua nói xấu quê hương xứ sở mình. Con lại được đội thêm cái nón nữa, dù con không muốn, con đủ đen rồi, muốn làm hảo hán đầu đội trời chân đạp đất.

Thôi, con dừng bút, chừng nào nhớ ra cái gì, con lại viết thư cho ông. Biết đâu chừng, thư sau, con sẽ kể một chuyện dễ thương của Nhà Quê để chứng minh là con yêu Nhà Quê, như ông.

Nguồn: http://www.viet-studies.info
Hình đại diện của thành viên
NhaQue
 
Bài viết: 24
Ngày tham gia: Thứ 7 03/11/07 9:06
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: Về văn hoá người Việt ở miền Tây Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi NhaQue » Thứ 4 07/11/07 23:17

[center]Gởi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Lê Hồng Hưng[/center]

3.9.2007

Tôi đã đọc thư nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gởi ông Sơn Nam trên mạng, đúng ra nếu là thư riêng thì tôi hổng xía vô làm gì, nhưng thư đã đăng báo cho nhiều người đọc nên tôi xin có đôi lời cùng với nhà văn.

Trước tiên tôi xin phép gọi nhà văn bằng cô Tư cho dễ nói chuyện, dù sao tôi cũng lớn tuổi hơn cô. Đọc thư thấy cô thẳng thắn thì tôi cũng xin nói thiệt lòng. Trong thư cô Tư “méc” với ông Sơn Nam về thói hư tật xấu của Nhà Quê, viết hoa. Tôi là một người nhà quê bình thường, giang hồ đã hơn hai chục năm trời nhưng nỗi nhớ quê hương trong lòng vẫn còn sâu đậm. Từ ngày ở miệt Cà Mau, quê hương tôi, xuất hiện nhà văn Nguyễn Ngọc Tư như một vì sao sáng, tôi rất vui mừng và vô cùng hãnh diện. Hễ nghe Nguyễn Ngọc Tư có truyện mới thì giá nào tôi cũng tìm đọc cho bằng được. Mấy năm nay đọc truyện của cô vui có, buồn có và cũng có truyện cười ra nước mắt. Tuy nhiên lần nầy đọc xong lá thư của cô gởi ông Sơn Nam thì tôi có hơi hơi... bị bức xúc.

Tôi sống trong nước hồi thời Mỹ đóng ở miền Nam. Thời đó bôm đạn Mỹ thì nhiều vô số nhưng táo (bôm) thì hiếm hoi, thỉnh thoảng xin hoặc mua của những người làm sở Mỹ được một vài trái rồi cắt ra từng miếng nhỏ chia cho cả nhà, đôi khi gặp trái bị úng gọt bỏ phần úng ăn phần còn lại. Sau nầy tôi ra nước ngoài thấy bôm bán hàng đống trong siêu thị, loại màu đỏ bầm thì ngọt ngọt chua chua, loại xanh thì chua chua ngọt ngọt hoặc chua lè chua lét và có loại trái nào trái nấy bự tổ bố, muốn cầm phải xoè hết nguyên bàn tay ra bợ, nhưng khi đưa lên miệng cắn một cái thì nghe xốp xộp hổng mùi vị gì ráo, còn thua mộng dừa thiệt đó cô Tư à. Chưa hết, nhiều lúc cạp trái bôm ăn gần phân nửa thì chợt thấy con sâu từ trong ruột ngoe nguẩy bò ra. Nhà Quê bây giờ còn phân biệt được ngon, dở và đem so sánh bôm với mộng dừa cũng là tiến bộ lắm rồi. Mai mốt cô Tư đi mua bôm nhớ thử tại chỗ trước chớ đừng thấy cái gì có made in USA liền cho là thượng hạng mua thí mua càn, mắc tiền còn gặp nhầm đồ dỏm đem về bị Nhà Quê chê rồi cô trách họ thì không được công bằng cho lắm.

Trái cây miệt vườn ở Việt Nam mình như măng cụt, sầu riêng... mùa cây nào thì ăn trái nấy. Tôi nhớ hồi đó tới mùa sầu riêng thì chất đống, măng cụt thì đầy cần xé để sắp lớp ngoài chợ bán sỉ và lẻ rẻ rề, mặc sức mua đem về ăn tới chảy máu cam và lòi ghèn con mắt. Nhằm khi trái mùa măng cụt, sầu riêng mắc giàng trời mà cũng có người mua ăn... Theo tôi biết thì có một số người, kể cả dân thành phố và người Việt ở nước ngoài chớ không riêng gì Nhà Quê, hổng quen mùi sầu riêng nhưng vẫn biết đây là loại trái quý nên có ai tặng thì họ đem tặng lại cho nhà hàng xóm chớ hổng có liệng bậy liệng bạ ra sân, tuy nhiên số người nầy ít lắm. Cô có quơ đũa cả nắm hông cô Tư? Hay là tại tui xa quê nhà lâu quá rồi nên Nhà Quê ngày nay đã sống thụt lùi và phản tiến bộ tới một trăm tám mươi độ la bàn mà tui hổng biết? Trái cây ngoại quốc vì lý do nào đó bị Nhà Quê tẩy chay cũng được, chớ cây nhà lá vườn mà bị chê, quả thiệt như vậy thì đầu óc của Nhà Quê mình có vấn đề nặng lắm, cần phải mời bác sĩ tâm thần về khám và chữa trị mới mong khá nổi.

...................

Ngày tôi còn ở quê nhà vào những đêm trăng sáng, trời khô ráo nhiều bà già tụ tập con cháu lại, trải chiếu ra sân, ngồi kể chuyện đời xưa, chuyện ma quỷ cho con cháu nghe. Nhứt là mỗi khi mãn con nước ghe đánh cá kéo lưới lên bến vá. Nhiều ông già ngồi nhà buồn miệng mới lom khom chống gậy xuống bến ngồi kể chuyện đời, chuyện Tam Quốc, Tây Du... và những câu chuyện truyền kỳ cho ngư phủ và các cô vá lưới nghe. Nhân đây xin kể cô nghe một câu chuyện mà tôi còn nhớ được để cô khỏi thắc mắc: “Tại sao bà mà là cậu được ta?”

Chuyện rằng: “Ngày xưa, lúc chưa có lưới dân ngư bắt cá bằng cách xuống biển mò. Có bà mẹ và ba đứa con trai sống trong một làng ven biển. Một hôm bốn mẹ con cùng với dân làng ra bãi mò cá. Tình cờ bà mẹ bị sóng cuốn trôi. Ba cậu con trai bèn lặn xuống biển mò tìm xác mẹ, nhưng mò hoài không được. Ba cậu về nhà nghĩ ra một cách là xe chỉ đan thành miếng lưới. Đan lưới xong ba cậu đem ra biển thả xuống rà, ngày nầy qua ngày nọ nhưng vẫn không tìm được xác mẹ, thay vào đó cá đóng lưới rất nhiều. Dân mò cá trong làng thấy vậy mới bắt chước xe chỉ đan lưới đánh cá, nhờ có lưới dân làng đỡ vất vả mà lại được cá nhiều và có đời sống sung túc hơn. Sau nầy ba cậu chết, người ta nhớ ơn lập bàn thờ Ba Cậu. Cũng từ đó dân ngư xem Ba Cậu như là tổ của nghề chài lưới. Khi ra biển họ vái Ba Cậu phù hộ cho mạnh tay khoẻ chưn, đi sao về vậy và cá trúng đầy ghe...” Câu chuyện tuy là sản phẩm tưởng tượng nhưng nó giúp cho dân biển có một niềm tin mỗi bận ra khơi đương đầu với sóng to gió lớn. Có thể sau 30. 4 1975 hình ảnh đẹp của những ông, bà già ngồi kể chuyện cho con cháu nghe không còn nữa. Thời gian đã làm nhạt phai, người ta quên dần mà gọi Ba Cậu thành ra Bà Cậu và tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng làm chuyện bất nhơn để lường gạt những người dị đoan mê tín.

......................

Tuy nói là nói vậy nhưng Nhà Quê còn nhiều thói hư tật xấu cần phải nên sửa đổi. Thí dụ ngày trước gả chồng cho con gái, trước ngày vu quy, má kêu con gái mình lại dạy dỗ cách ăn ở sao cho đẹp dạ bên chồng... Ngày nay trước khi gả con gái lấy chồng ra nước ngoài ba, má chạy theo căn dặn, ra ngoải rồi gởi tiền về cho ba má cất nhà, mua xe hay đầu máy video... Ðây là nguyên nhân gây ra bao thảm kịch chết người đó cô Tư... Nếu cô thấy còn chuyện xấu xa nào khác thì cứ méc với cụ Sơn Nam và nhớ méc giùm chuyện tôi vừa kể để cụ nghe xong cụ buồn chơi năm phút... Nhà Quê hổng giận cô đâu, trái lại còn mang ơn cô nữa. Nhưng có một điều là cô cũng phải lắng nghe Nhà Quê phân trần chớ đừng ỷ lại mình là nhà văn nổi tiếng rồi thì hổng chịu nghe ai hết. Người nào có đủ tư cách đội nón và bôi đen nhà văn Nguyễn Ngọc Tư? Hổng phải nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã là hảo hán đầu đội trời chưn đạp đất rồi đó sao...

Chúc cô Tư cùng gia đình luôn luôn hạnh phúc.

Hamburg hè 2007

Nguồn: talawas
Hình đại diện của thành viên
NhaQue
 
Bài viết: 24
Ngày tham gia: Thứ 7 03/11/07 9:06
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách