Sự biến đổi văn hoá truyền thống cộng đồng Khmer Nam Bộ

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

Sự biến đổi văn hoá truyền thống cộng đồng Khmer Nam Bộ

Gửi bàigửi bởi laithithutrangk13 » Thứ 5 16/05/13 19:55

1. Mở đầu
Văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc là một gam màu tạo nên bức tranh đặc sắc, đa dạng của văn hóa Việt Nam. Trong quá trình chung sống và sự thuận lợi từ điều kiện địa lý, các dân tộc có cơ hội giao lưu trao đổi văn hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ. Do đó, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa đã làm văn hóa truyền thống các dân tộc dần trở nên mờ nhạt. Hiện nay, việc bảo tồn và biến đổi văn hóa của các dân tộc trở thành vấn đề cấp bách được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý quan tâm. Cộng đồng người Khơme ở Nam Bộ trong quá trình chung sống với cộng đồng người Việt, Chăm, Hoa, văn hóa truyền thống của họ cũng đã bị biến đổi mạnh mẽ từ trang phục, ẩm thực, đời sống tâm linh, đám cưới, đám tang… Rất khó để nhận biết người Khơme qua trang phục, bởi lẽ gần như họ mặc trang phục giống như người Kinh, người Hoa. Đây là một thực tế đang xảy ra tại Nam Bộ. Trong bốn cộng đồng người chính cư trú tại Nam Bộ, cộng động người Khơme chiếm một số lượng dân cư khá đông đúc với 1.260.40 (năm 2009) chỉ đứng sau cộng đồng người Việt. Điều này cho thấy sự đóng góp quan trọng về văn hóa của người Khơme cho văn hóa chung của Nam Bộ. Vì vậy việc nghiên cứu sự bảo tồn và biến đổi văn hóa truyền thống Khơme là vấn đề thiết thực, cấp bách để có thể gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng Khơme. Việc bảo tồn văn hóa Khơme chính là góp phần làm văn hóa Nam Bộ giữ được sự đa dạng phong phú vốn có của nó.
2. Sơ lược vùng văn hóa Nam Bộ
_ Vùng văn hóa Nam Bộ bao gồm vùng bán sơn địa của ba tỉnh : Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và điạ bàn 16 tỉnh thành : Tây Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh , Long An, Tiền Giang, Bến Tre , Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Toàn vùng có thể được phân chia thành ba tiêủ vùng văn hóa, tiểu vùng Đông Nam Bộ , tiểu vùng Tây Nam Bộ và tiểu vùng Sài Gòn.
_ Nam Bộ là vùng đồng bằng sông nước rất đặc trưng, có diện tích 6.130.000 ha và độ phì nhiêu cao nhất trong tất cả các đồng bằng nước ta . Toàn vùng có đến 4000 kinh rạch , dài tổng cộng 5.700 km, và hầu hết đều thuộc về hai hệ thống sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Bên cạnh những điểm chung , địa hình , thủy văn, thổ nhưỡng, của hai tiểu vùng Đông và Tây Nam Bộ đều có nhiều điều khác biệt. Miền Đông Nam Bộ có độ cao 50m -200m , chủ yếu là vùng bán sơn địa, chuyển tiếp giữa cao nguyên với đồng bằng. Vì vậy có một số đồi núi thấp như núi Bà Rá ở Bình Phước, núi Chứa Chan ở Đồng Nai, núi Bà Đen ở Tây Ninh… Miền Tây Nam Bộ thì có độ cao trung bình chưa đầy 2m là vùng đồng bằng châu thổ, được phù sa sông Cửu Long bồi đắp không đều trong quá trình biển thoái. Toàn khu vực chỉ có hai điểm cao là dãy Thất Sơn ở An Giang và dãy Hàm Ninh ở Kiên Giang.
_ Hệ thống sông ở Nam Bộ có sông Đông Nai ở Đông Nam Bộ có lưu vực lớn thứ ba cả nước. Nhờ lòng sông sâu nên đây là nơi tập trung các cảng chính của khu vực như cảng Cát Lái, cảng Phú Mỹ, cảng Hiệp Phước. Bên cạnh đó còn có hê thống sông Cửu Long là hê thống có lưu vực lớn thứ nhì cả nước. Sông Cửu Long đã phối hợp với biển Đông để tạo ra những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông, các giồng cát ven biển và đất phèn trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau
_ Thổ nhưỡng của miền Đông Nam Bộ chủ yếu là đất feralit trên đá basalt và đất xám trên phù sa cổ. Thổ nhưỡng của miền Tây Nam Bộ chủ yếu là đất phù sa sông, đất phèn, và đất mặn ở Nam Bộ. Ngoài khơi Nam Bộ là vùng biển nông bao quanh ba phía với nhiều đảo và quần đảo như Côn Sơn, Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc. Nam Bộ là vùng có khí hậu tương đối điều hòa, ít bão , quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.
_ Vùng văn hóa Nam Bộ là nơi sinh tụ của người Việt và 53 tộc người thiểu số. Tất cả đều là các tộc người di dân đến đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 500 năm trở lại : di dân lớp trước là các tộc người Khơme, Việt, Hoa, Chăm, lớp di dân sau là các tộc người Tày, Nùng, Dao, Thái…Theo số liệu năm 2009 về dân số tại Nam Bộ , người Khơme có dân số 1.260.640 người, người Hoa có khoảng 750.000, người Chăm có khoảng 33.000 người . Các tộc người khác thì di dân vào Nam Bộ theo ba đợt chính, di dân có tổ chức vào các năm 1954, 1975, và di dân ồ ạt vào năm 1994. Hiện nay, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 dân số Nam Bộ lên đến 31.145.000 người. Do vậy Nam Bộ là vùng đất đa tộc người. Tuy nhiên chủ thể chính của vùng đất này vẫn là người Việt với khoảng 28 triệu người chiếm 90% dân số của vùng .
3. [b]Văn hóa truyền thống của người Khơme[/b]
_ Người Khơme chỉ thực thụ định cư ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ XVI, tức là sau khi vương quốc Chân Lập bị người Xiêm tấn công, phải đời đến Phnom Pênh vào năm 1434 , rồi đến Lovek vào năm 1539 và chuyển trọng tâm đất nước từ Tây Bắc xuống Đông Nam biển Hồ. Khi đến Nam Bộ theo truyền thống , nơi người Khơme chọn định cư là vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở vùng Sóc Trăng – Bạc Liêu, vùng An Giang – Kiên Giang, vùng Trà Vinh. Tại vùng đất mới này cứ năm, bảy gia đình Khơme trong mối quan hệ chặt chẽ về huyết thống lại quy tụ gần nhau tạo thành đơn vị gọi là sork. Với cách thức ấy trên toàn vùng người Khơme Nam Bộ cư trú mật tập theo dòng họ trên các giồng đất cao theo từng phum và sork là những đơn vị xã hội tự quản
Ngôi chùa trong văn hóa truyền thống
_Toàn vùng cư trú của người Khmer ở Nam Bộ có khoảng 600 ngôi chùa, mỗi ngôi chùa quy tụ trên dưới 1.600 dân, với khoảng 10.620 sư sãi, trong khi đó dân tộc Khmer chỉ có hơn 1 triệu người. Người Khmer, từ khi chào đời, đến khi trưởng thành rồi về già mọi sự vui, buồn, sướng, khổ đều gắn chặt với ngôi chùa. Người Khmer dồn hết tâm lực để xây dựng ngôi chùa khang trang lộng lẫy. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm tu luyện và trụ trì của sư sãi, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm lưu giữ giá trị văn hoá lịch sử của người Khmer.Có thể nói lý tưởng sống truyền thống của người Khơmer là đạo Phật.. Theo quy định, sư sãi thường ngày phải tụng kinh tại chùa ba cữ: sáng, trưa và chiều tối. Còn dân thường, mỗi tháng phải lên chùa tụng kinh niệm Phật ít nhất 6 ngày (ngày 5, 8, 15, 20, 13, 30 âm lịch hàng tháng).
_ Mỗi người con trai Khmer, bất kể thuộc tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để là người có nhân cách, có phẩm chất và đạo đức tốt theo quan niệm của họ. Về nguyên tắc, đi tu từ 12 đến 20 tuổi gọi là để trả ơn mẹ và từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa là vinh dự của cuộc đời. Tu dài hay ngắn, tu vĩnh viễn hay hoàn tục, tuỳ ý của người con trai. Mới hôm qua còn tại gia, người con trai phải vâng lời cha mẹ, nhưng chỉ ít sau lễ "quy y tại chùa", khoác áo màu vàng, người con trai thành vị sư và ngay lập tức, vị trí xã hội thay đổi. Cha, mẹ gặp con lúc ấy phải quỳ lạy sùng kính, vì đứa con đã là một trong "Tam bảo" của nhà Phật
_ Các vị sư sãi được nhân dân sùng kính, bởi vì họ là những người trí thức dạy dân học chữ, học nghề, tổ chức cuộc sống cho nhân dân, đám cưới, đám tang. Khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật, thiên tai, hoạn nạn đều có mặt các vị sư chia bùi sẻ ngọt, tụng kinh làm phước. Họ đã đến với dân chúng trong những lúc khó khăn nhất mà không cần bất cứ điều kiện nào nên sư sãi gắn bó ruột thịt với nhân dân. Đời sống của các vị tu hành được duy trì bằng sự quyên góp. Được cúng tiến của cải xây chùa, nuôi các vị tu hành là một vinh dự, một hạnh phúc, một niềm tự hào trong cuộc sống của người Khmer.
_Từ những ngày lễ hội thuần tuý Phật giáo như: lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, lễ Ban hành giáo lý, lễ cầu siêu, lễ hội dân tộc đến việc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt vui chơi và cả sinh hoạt cộng đồng phum, sóc cũng diễn ra ở chùa. Chùa không chỉ đơn thuần là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá, xã hội. Có thể nói, chùa nào của người Khmer cũng bao gồm một hệ thống thiết chế văn hoá: thư viện - nơi tàng trữ các loại thư tịch cổ, bảo tàng mỹ thuật và lịch sử - nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, trường học chữ và bản thân kiến trúc của chùa cũng là một công trình văn hoá. Ngôi chùa nơi giữ truyền thống văn hoá của người Khmer, thông qua các lễ hội văn hoá, nghệ thuật ca,múa,nhạc, làm sống động quá khứ - hiện tại - tương lai, làm rung động biết bao trái tim và tâm hồn con người Khmer trong cuộc sống. Ngôi chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên, và điều ước mong của con người đang sống là khi nhắm mắt xuôi tay được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Tiên Phật trên cõi niết bàn xa xăm.
Trang phục truyền thống
_ Đối với người Khơme, trang phục không chỉ để mặc mà còn phải thỏa mãn cả về mỹ thuật, tín ngưỡng và tâm linh. Dân tộc Khơme sống tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang. Trang phục cổ truyền của người Khơme có cá tính ở lối mặc váy và phong cách trang phục gắn với tín giáo đạo Phật.
_ Th¬ường nhật nam giới trung niên và người già th¬ường mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn trên đầu. Trong dịp lễ, tết họ mặc áo bà ba trắng, quần đen (hoặc áo đen, quàng khăn quàng trắng chéo ngang hông vắt lên vai trái. Trong đám cưới chú rể th¬ường mặt bộ "xà rông" (hôl) và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ. Đây là loại áo xẻ ngực, cổ đứng cài cúc, quàng khăn trắng vắt qua vai trái và đeo thêm 'con dao cưới' (kầm pách) với ý nghĩa bảo vệ cô dâu. Thanh niên hiện nay khi ở nhà thư¬ờng không mặc áo và quấn chiếc 'xà rông' kẻ sọc.
_ Cách đây ba, bốn m¬ươi năm phụ nữ Khơ Me Nam Bộ thư¬ờng mặc 'xăm pốt' (váy). Đó là loại váy bằng tơ tằm, hình ống (kín). Chiếc váy điển hình là loại xăm pốt chân khen, một loại váy hở, quấn quanh thân như¬ng khác nhiều tộc người khác cũng có loại váy này là cách mang váy vào thân. Đó là cách mang luồn giữa hai chân từ sau ra trước, rồi kéo lên dắt cạnh hông tạo thành những¬ chiếc quần ngắn và rộng. Nếu cách tạo hình váy và một số mô tip hoa văn trên váy có thể có sự tiếp xúc với các tộc người khác thì cách mặc váy này có thể xem là đặc tr¬ưng độc đáo của Khơ Me Nam Bộ. Họ thư¬ờng mặc váy trong những ngày lễ lớn, mỗi ngày mặc một màu khác nhau trong suốt tuần lễ đó. Đó là loại xăm pốt pha muông.
_ Ngày cưới các cô dâu thư¬ờng mặc chiếc xăm pốt hôl màu tím sẫm hay hồng cánh sen, áo dài tăm pông màu đỏ thẩm, quàng khăn chéo qua người, đội mũ pkel plac hay loại mũ tháp nhọn nhiều tầng bằng kim loại hay giấy bồi.

Đám cưới theo phong tục cổ truyền

_ Theo quan niệm của ngươi Khmer thì lễ cưới phải được tổ chức vào những tháng đủ 30 ngày thì mới được may mắn và hạnh phúc. Lễ cưới của đôi trẻ người Khmer thường được chọn theo dương lịch và diễn ra với ba nghi lễ: Lễ Sđây Đol Đâng - lễ nói, lễ Lơng ma ha - lễ hỏi, Lễ Pithi A-pe-pì-pe - lễ cưới. Lễ quan trọng nhất trong hệ thống lễ cưới của người Khmer là lễ Pithi A pe pì pe. Lễ này được diễn ra tại nhà gái, dưới sự điều khiển của Acha Pô Lia. Những nghi lễ chính: tiễn đưa chàng rể về nhà gái, dâng cơm cho sư, cắt tóc, lạy ông bà, rắc bông cau, nhập phòng, nghi lễ được thực hiện theo các điệu nhạc múa cổ truyền.

_ Lễ cưới thường được tổ chức trong 3 ngày khá phức tạp và tốn kém. Trước ngày cưới, nhà trai dựng cạnh nhà cô dâu một dãy nhà tạm bằng tre lá. Nhà có ba gian: một gian làm bếp, một gian để đãi tiệc và một gian để các chùm hoa cau. Ngày thứ nhất là ngày làm bánh thường phải có bánh tét, bánh ít và đặc biệt không thể thiếu bánh gừng Num kha-nhây và bày tiệc. Ngày thứ hai chú rể và nhiều người khác đến ngồi trong gian nhà đặt hoa cau. Buổi trưa là lễ cắt tóc. Trong lễ có một ca sĩ vừa hát vừa múa theo điệu nhạc, đi vòng quanh cô dâu chú rể, thỉnh thoảng giơ kéo cắt một vài sợi tóc của hai người. Tục này nhằm cắt bỏ những điều xấu khỏi cuộc đời của đôi trai gái. Buổi chiều, cha mẹ cô dâu buộc chỉ vào cổ tay cô dâu chú rể, rồi buộc cả cho người thân và bạn bè. Lễ buộc chỉ xong, mọi người cùng nhau vui vẻ dự tiệc.
_ Sang ngày thứ ba, cô dâu mặc quần áo theo truyền thống. Cô dâu chú rể lạy trước bàn đặt hoa cau rồi ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu bông. Vị a-cha thắp nhang đèn, đọc kinh và lời khấn bằng tiếng Pa-li cầu xin ơn trên ban phước lành cho đôi tân hôn. Sau đó, ông cầm thanh gươm đi với những người mang hoa cau làm lễ Mặt trời. Chú rể cầm quạt che mặt bước lên nhà trong lúc ba tiếng cồng được đánh ngân vang. Em trai hoặc em gái của cô dâu đón chú rể, gởi chăn mền và đưa cho chú rể một miếng trầu. Sau đó chú rể lì xì cho cậu em trai hoặc em gái cô dâu một số tiền nhỏ.
Âm nhạc
_ Người Khmer có một đời sống văn hóa, văn nghệ vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua các lễ hội của người Khmer như lễ Dolta, Lễ hội Ok-om-boc - đua nge Ngo,... luôn rộn rã tiếng nhạc. Một trong những nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong các buổi lễ đó chính là dàn nhạc ngũ âm - một nhạc cụ truyền thống của người Khmer. Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer đã có từ rất lâu đời, theo quy định cổ truyền thì dàn nhạc chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ tại chùa như: Lễ Cầu Phước, Lễ Dâng Bông,... Vào những ngày lễ hội, hầu như bà con thức suốt đêm để vui chơi trong điệu Ram - vôn hân hoan, rộn rã trong tiếng nhạc ngũ âm trầm trầm, vang vang như làm các nhịp múa càng thêm hăng say, còn dân chúng chỉ sử dụng trong đám tang. Dàn nhạc Ngũ âm là di sản quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no... thể hiện nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giàu tính truyền thống của đồng bào Khmer.

4. Sự biến đổi văn hóa truyền thống Khơme
_ Nếu trước đây, văn hóa Khơme có thể nhận biết qua nghi lễ, đời sống tâm linh, trang phục, ẩm thực thì giờ đây những nét văn hóa ấy đang dẩn biến đổi qua thời gian. Hiện nay, ngôi chùa và vai trò của các thiền sư trong đời sống tâm linh của cộng đồng Khơme Nam Bộ không còn như trước. Việc đi tu đối với nam thanh niên người Khơme Nam Bộ không còn trở nên phổ biến nữa, họ dần nhận ra rằng không phải cứ đi tu mới trả hiếu cho cha me, không phải việc tu mới mang lại kiến thức và địa vị cho bản thân. Do đó, số lượng nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đi tu không còn phổ biến và được đề cao như trước.
_ Trong văn hóa truyền thống của mình, người Khơme không thờ ông bà, cha mẹ trong nhà, mà thường mang cốt vào chùa để gửi để các nhà sư có thể đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn của họ. Nhưng trong quá trình chung sống với người Việt và người Hoa, người Khơme đã chọn cách thờ cúng cha mẹ, ông bà ở trong nhà, họ lập bàn thờ dưới bàn thờ Phật.
_ Nhà sư có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và đời sống sinh hoạt của người Khơme, từ đám cưới, đám tang, kiện tụng… thì giờ đây vai trò nhà sư ngày càng mờ nhạt dần . Ngôi chùa được xem như trường học của người Khơme từ học chữ, đến học kinh Phật, ngày nay khi xã hội phát triển trẻ em Khơme đã đến trường học chữ riêng, trường học tách biệt khỏi ngôi chùa. Ngay trong việc cúng dường cho nhà chùa cũng khác xưa, nếu trước đây người Khơme cúng thức ăn cho nhà chùa, thì bây giờ họ có thể đóng góp bằng nhiều cách khác nhau như xây đường, xây trường học, xây cầu…
_ Người Khơme khi đến Nam Bộ trong văn hóa định cư của mình, họ sống trong các nhà sàn cao tráo để tránh ẩm thấp và tránh các con thú dữ, lâu dần trong quá trình sinh sống giao lưu với người Việt, họ đã dần chuyển sang định cư bằng nhà đất được xây dựng đơn giản.
_ Một trong những đặc điểm dễ dàng để phân biệt các dân tộc với nhau qua trang phục bên ngoài, thế nhưng trong quá trình sinh sống Nam Bộ người Khơme dần thay đổi trang phục truyền thống của mình bằng những kiểu âu phục, ăn mặc khá giống với người Kinh và người Hoa. Phụ nữ còn mặc cả áo dài khá giống người Chăm . Các trang phục truyền thống người Khơme thường được sử dụng biểu diễn trên sân khấu và các lễ hội
_ Những đám cưới của người Khơme Nam Bộ hiện nay cũng được đơn giản đi nhiều, có những lễ cưới gia đình dùng các nghi lễ của người Kinh, người Hoa. Trong lễ cưới người Khơme Nam Bộ ngày nay, cô dâu chú rể không còn mặc trang phục cưới truyền thống mà thay vào đó chú rể mặc quần tây và áo vest hoặc áo ghile, còn cô dâu chọn cho mình váy sore theo kiểu phương Tây. Trong đám cưới các thanh niên sử dụng nhạc cụ phương Tây như đàn organ, trống, âm ly… nghe nhạc trẻ của người Việt. Họ không còn nhảy các điệu nhảy người Khơme mà thay vào đó là thể loại hiphop, dance của phương Tây.
_Trong một thời gian dài người Khmer đã cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm trên cùng một địa bàn cư trú nên văn hóa có sự tiếp xúc và giao thoa là điều tất nhiên. Ngoài những món truyền thống mắm bò hóc, canh chua, canh som lo, bún nước lèo, cốm dẹp, bánh thốt nốt, nước thốt nốt… Người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không chỉ có các món ăn truyền thống của dân tộc mình mà còn ăn các món của các dân tộc khác – làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực.
5. [color=#008040]Kết luận

_ Như vây, từ khi cộng đồng người Khơme định cư và sinh sống vùng đất Nam Bộ đã chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa người Việt, người Hoa từ đời sống tâm linh, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, đám cưới, đám tang… Những điệu múa, dàn nhạc ngũ âm, trang phục truyền thống chỉ xuất hiện trong các buổi biểu diễn văn nghệ giao lưu giữa các dân tộc hoặc biểu diễn phục vụ khách du lịch. Có thể nói, quá trình biến đổi văn hóa Khơme có những đặc điểm sau: sự biến đổi diễn ra một cách mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực đời sống của người Khơme. Sự biến đổi văn hóa do sự tiếp nhận tự nguyện cộng đồng Khơme khi chính bản thân của họ muốn hòa nhập với văn hóa người Việt trên vùng đất mới. Trong đời sống tâm linh của mình, người Khơme tiếp thu nhiều cách thờ cúng của người Hoa, người Việt nhưng vẫn giữ gốc chính của mình là đạo Phật, mặc dù nhiều biểu hiện không còn đậm sắc như trước nhưng họ vẫn luôn ý thức mình thuộc về đời sống nhà Phật. Một trong những nguyên nhân chính có thể lý giải sự biến đổi văn hóa cộng đồng người Khơme chính là điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hóa. Do cùng chung sống trên một vùng đất với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm là điều kiện thuận lợi để người Khơme tiếp thu những nét mới từ văn hóa các dân tộc khác làm phong phú thêm đời sống vật chất tinh thần của mình. Chính trên vùng đất này, qua quá trình trao đổi hàng hóa người Khơme dần tích lũy cho mình nhiều kiến thức mới, tiếp biến chúng dần hòa văn hóa truyền thống người Khơme. Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên thì chính sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đặc biệt sự bùng nổ của internet và các phương tiện truyền thông đã và đang làm cho đời sống văn hóa cộng đồng người Khơme tiếp thu thêm ảnh hưởng văn hóa phương Tây, từ thị hiếu âm nhạc đến thẩm mỹ và các giá trị sống khác. Hiện nay, trên bình diện chung, sự biến đổi văn hóa Khơme ngày càng trở nên rõ nét, do đó việc nghiên cứu sự biến đổi trong tương quan so sánh văn hóa truyền thống để có thể lưu giữ lại những nét văn hóa đặc sắc là việc làm cần thiết để làm giàu thêm văn hóa Nam Bộ đa chủng tộc, đa sắc màu
[/color]
RANDOM_AVATAR
laithithutrangk13
 
Bài viết: 29
Ngày tham gia: Thứ 7 17/11/12 9:21
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron