VĂN HÓA KIẾN TRÚC NHÀ SÀN CỦA NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC VIỆT NAM

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

VĂN HÓA KIẾN TRÚC NHÀ SÀN CỦA NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC VIỆT NAM

Gửi bàigửi bởi Vũ Ngân » Thứ 2 09/03/15 20:36

GVHD: Đinh Thị Dung
Học viên: Vũ Thị Kim Ngân
Lớp: Cao học VHH – K15B.

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
MÔN HỌC ĐỊA VĂN HÓA VÀ CÁC VÙNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Đề tài:
VĂN HÓA KIẾN TRÚC NHÀ SÀN CỦA TỘC NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC VIỆT NAM


Hình ảnh


LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:


Tây Bắc vốn được biết tới là một vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở, là địa bàn chiến lược trọng yếu về kinh tế và quốc phòng của nước ta. Tuy nhiên bên cạnh đó, Tây Bắc còn là nơi sinh sống của rất nhiều tộc người (khoảng 20 tộc người khác nhau) với đa dạng các sắc thái văn hóa đặc trưng.

Trong số các tộc người Tây Bắc, tộc người Thái có lịch sử lâu đời và có số lượng cư dân đông đúc nhất, cho nên người Thái được xem là chủ thể văn hóa đại diện của vùng Tây Bắc. Cũng như các tộc người khác, văn hóa tộc người Thái có rất nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Và, một trong số những nét đặc trưng dễ thấy nhất đó chính là các công trình kiến trúc nhà sàn của người Thái.

Nhà sàn là nơi cư trú của nhiều tộc người không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khắp cả vùng Đông Nam Á. Tuy cùng có tên gọi là “nhà sàn”, nhưng mỗi tộc người ở mỗi miền đất lại có những kiểu kiến trúc riêng khác biệt, mà ẩn chứa trong đó là các giá trị văn hóa tinh thần, truyền thống tốt đẹp của cả một tộc người. Ngoài chức năng cơ bản là cư trú và ứng phó với tự nhiên, nhà sàn còn được xem là bảo tàng văn hóa, nghệ thuật sống của cả tộc người Thái. Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp cả nước, cùng với nạn phá rừng làm cạn kiệt nguồn gỗ, tre, tranh,… nhiều đồng bào người Thái đã sử dụng những vật liệu mới trong xây dựng nhà sàn hoặc ở nhà bằng bê tông thay thế. Nguy cơ mất dần những ngôi nhà sàn truyền thống - hình ảnh đặc trưng của những bản làng người Thái Tây Bắc thực sự là một nan đề đáng quan tâm, lưu ý của các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.

Để hiểu rõ hơn những nét độc đáo trong kiến trúc và ý nghĩa các giá trị văn hóa biểu trưng của nhà sàn người Thái ở Tây Bắc, đồng thời đề xuất một vài giải pháp trong việc tôn tạo và giữ gìn những ngôi nhà sàn ấy, chúng tôi đã tiến hành xây dựng nên đề tài: “Văn hóa kiến trúc nhà sàn của tộc người Thái ở Tây Bắc Việt Nam”. Thông qua đề cương chi tiết này, chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp chút công sức nhỏ mọn trong việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào tộc người Thái nói riêng và của đất nước ta nói chung.



NỘI DUNG:


1. ĐỊNH VỊ VÙNG VĂN HÓA TÂY BẮC:

1.1. Không gian vùng văn hóa Tây Bắc:
- Về mặt địa – hành chính, vùng Tây Bắc hiện gồm 5 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên. Về mặt không gian văn hóa, vùng văn hóa Tây Bắc mở rộng hơn bao gồm cả 5 tỉnh trên và tỉnh Hòa Bình.
- Phía Tây giáp với nhiều tỉnh của Lào, phía Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Đông có thể lấy sông Hồng làm ranh giới phân chia với vùng Việt Bắc.

1.2. Chủ thể vùng văn hóa Tây Bắc:
- Có khoảng 20 tộc người cùng nhau sinh sống, thuộc 4 nhóm ngữ hệ chính là Nam Á, Môn – Khmer, Hán – Tạng, Thái – Kadai.
- Theo phân bố địa hình:
+ Vùng rẻo cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Nam Á, Hán – Tạng như: Hà Nhì, Lô Lô, Cống, La Hủ,…;
+ Vùng rẻo giữa là địa bàn của các tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Môn – Khmer như: Khơ Mú, Xinh Mun, Kháng, Mảng, La Ha,…
+ Vùng thung lũng là địa bàn của các tộc người thuộc nhóm ngữ hệ Thái – Kadai như: Thái, Mường, Lào, Lự và một bộ phận người Tày.
- Trong những tộc người trên, nguời Thái với lịch sử lâu đời và có số lượng cư dân đông nhất đã trở thành chủ thể đại diện của toàn vùng văn hóa Tây Bắc.

1.3. Lịch sử vùng văn hóa Tây Bắc:
- Từ rất sớm, vùng này đã có con người đến định cư. Hậu duệ sau này của họ là các tộc người Kháng, Xinh Mun, La Ha, Mảng, Khơ Mú,…
- Văn hóa các tộc người này có nhiều mối liên hệ với văn hóa Đông Sơn (nhiều đồ đồng vẫn được coi là vật thiêng của người La Ha, người Thái xem trống đồng là vật thiêng, người Mảng có tục xăm, thờ thần Mặt Trời,…)
- Trong thời kỳ Bắc thuộc, do địa hình tương đối biệt lập nên văn hóa các tộc người Tây Bắc tránh được xu hướng bị đồng hóa từ Trung Hoa.
- Tại vùng Tây Bắc thời Pháp thuộc đã lập ra xứ Thái tự trị. Năm 1955, Khu tự trị Thái-Mèo được thành lập, gồm 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ, và đến năm 1962 gọi là Khu tự trị Tây Bắc. Khu tự trị này giải thể năm 1975.
- Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh và chiến dịch quân sự ác liệt mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra còn có trận Nà Sản cũng trong thời kì Chiến tranh Đông Dương.

2. KHÁI QUÁT SƠ NÉT VỀ TỘC NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC:

2.1. Lịch sử cư trú và dân số:
- Về lịch sử cư trú, có hai thuyết:
+ Vào khoảng thế kỷ 11 đến 12, một số lớn cộng đồng người Thái tổ tiên người Thái đen đến Tây Bắc do các biến động lớn ở Tây Nam Trung Quốc.
+ Vào khoảng thiên niên kỷ 1, người Thái (Thái trắng) đã đến Tây Bắc với số lượng ít cư trú chủ yếu ven sông Thao. Từ thế kỷ 11, 12 trở đi, người Thái với ưu thế về dân số đã chiếm cứ các vùng thung lũng rộng lớn đẩy các tộc người Môn – Khmer bản địa lên các sườn núi cao.
- Theo số liệu tổng điều tra dân số công bố ngày 01/4/1999 Tây Bắc có trên 20 dân tộc anh em với tổng dân số 82.069.8 người Trong số đó, đông nhất là dân tộc Thái 718.424 người chiếm 32% dân số trong vùng.

2.2. Đặc trưng kinh tế:
- Trồng trọt là chủ yếu, nghề chính là làm ruộng lúa nước. Kỹ thuật trồng lúa nước đạt đến trình độ cao, kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng con, bắc máng lấy nước làm ruộng (hệ thống thủy nông mương, phai, lái, lịn) có từ lâu đời. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp.
- Ngoài cây lúa nước, trên các sườn núi, đồng bào Thái còn trồng các loại ngô, khoai, sắn và các loại đậu đỗ, bầu bí, rau xanh, bông, chàm ở trên nương rẫy. Các loại cây ăn quả chủ yếu là xoài, chuối,… cũng được trồng khá phổ biến.
- Bên cạnh trồng trọt, người Thái còn chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm. Nuôi trâu, bò dùng làm sức kéo là chủ yếu. Nuôi ngựa để cưỡi đi lại và thồ hàng. Nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng làm thức ăn và lễ vật cúng bái. Ngoài ra còn nuôi tằm lấy tơ dệt vải và làm chỉ thêu.
- Với điều kiện sống ở miền rừng núi, người Thái còn có nhiều kinh nghiệm khai thác lâm thổ sản như gỗ, tre, nứa, tranh,… để làm nhà, và các loại nấm, rau rừng, măng rừng, cây thuốc làm thực phẩm và chữa bệnh.
- Nghề đánh bắt thủy sản cũng phát triển và có từ rất lâu do vùng Tây Bắc có khá nhiều sông, suối.
- Việc trao đổi, buôn bán hàng hóa chưa có truyền thống do đặc điểm kinh tế tự cấp tự túc. Trước đây hầu như không có chợ nội địa, chỉ có một vài chợ phiên ở vùng biên giới Trung Quốc, Lào. Gần đây, việc trao đổi hàng hóa đang được khuyến khích phát triển.

2.3. Đặc trưng xã hội:
- Người Thái sống định cư thành từng bản. Ranh giới mỗi bản xác định bởi các cột mốc tự nhiên như đèo dốc, con đường, con mương,… Đất đai trong bản gồm đất đã khai phá – đất có chủ và đất rừng chưa khai phá – sử dụng chung cả bản.
- Trong một bản có nhiều dòng họ cùng cư trú. Vai trò trưởng bản thuộc về ông trưởng của một dòng họ lớn có đông người và mạnh về quan hệ xã hội.
- Bản là đơn vị xã hội thấp nhất. Trên bản là mường.
- Trong xã hội cổ truyền, có bộ máy cai quản xã hội. Bộ máy này hình thành trên cơ sở chế độ Phìa tạo và A nha. Phìa tạo là chủ đất và thầy mo cai quản bản. A nha là quan mưởng cai quản mường. Việc quản lý xã hội được thực hiện theo luật tục.
- Gia đình người Thái theo chế độ phụ hệ. Chủ nhà là nam giới nắm mọi quyền hành trong nhà. Con trai được kế thừa tài sản. Con gái được xem là khách, đi lấy chồng có của hồi môn và phải đổi họ theo chồng.
- Trong gia đình, có mối quan hệ ba dòng họ rất chặt chẽ. Đó là ải noọng – họ nội (bên cha), lúng ta – họ ngoại (bên mẹ), và nhính xao – họ nhà chồng của các cô con gái.

2.4. Đặc trưng văn hóa:

2.4.1. Văn hóa vật chất:
- Kiến trúc:
+ Hạn khuống là một công trình nhà sàn tre nhỏ (khoảng 16 - 24 m2) được dựng nên để làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cả bản. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động ở hạn khuống là nơi giao lưu của các nam nữ thanh niên chưa lập gia đình. Chủ nhân hạn khuống là các cô gái, thường muốn vào hạn khuống các chàng trai phải cử người hát hay, đối đáp giỏi xin lên.
+ Nhà ở của gia đình người Thái là ngôi nhà sàn rộng rãi bằng tre, tranh, nứa, gỗ với kiểu kiến trúc đặc trưng, độc đáo, khác biệt với những tộc người khác.
+ Cột lắc mường được làm bằng gỗ quý bền lâu, do thầy mo dựng ở trung tâm của mường theo tục lệ mỗi lần có nhu cầu lập bản, mường mới, cùng với 4 cột nhỏ ở 4 góc mường để khẳng định ranh giới thiêng liêng được thần linh phù hộ của mường.
- Trang phục: Người Thái may quần áo bằng vải bông, đa dạng màu sắc nhất là trong các dịp lễ hội. Trang phục nam đơn giản gồm áo ngắn xẻ ngực cài cúc và quần liền đáy (quần chân què). Trang phục nữ là nét đặc trưng với váy, xửa cỏm (áo) có hàng cúc bướm, khăn piêu đội đầu thêu hoa văn màu đỏ rất đẹp, làm tôn nên vẻ đẹp thân hình và gương mặt hồng hào của người phụ nữ.
- Ẩm thực: Thức ăn hàng ngày thường là cơm nếp đồ trên ninh, kèm với rau rừng thường để sống hoặc làm gỏi, chấm với nặm pịa (chất nuôi nằm trong lòng non trâu bò) và gia vị mác khến (giống hạt tiêu), và nhiều loại thịt cá nấu chín. Khi tiếp đón khách hoặc lễ tết, người Thái hay uống rượu trắng – lảu siêu hoặc rượu cần – lảu xả.
- Phương tiện đi lại: Người Thái sống ven nhiều dòng sông, suối nên chủ yếu dùng thuyền, bè làm phương tiện đi lại, chở hàng, đánh bắt. Thuyền to dài 15 – 16m do nam giới lên rừng kiếm gỗ tốt về đóng.

2.4.2. Văn hóa tinh thần:
- Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc ngữ hệ Thái – Kadai, có nhiều mối liên hệ với tiếng Thái Lan và tiếng Lào. Đây là thứ tiếng giao tiếp phổ biến ở cả vùng Tây Bắc. Tiếng Thái phát triển đến trình độ có chữ viết. Chữ Thái thuộc hệ chữ Sanscrit trong hệ chữ Phạn của Ấn Độ cổ đại, dùng để ghi chép luật tục và các sáng tác dân gian.
- Tín ngưỡng: Người Thái tin vào vạn vật hữu linh, tin vào đa thần, quan niệm con người có 80 hồn, 30 hồn đằng trước, 50 hồn đằng sau (xam xíp khuồn mang nả, hả xíp khuồn mang lằng). Người chết là chết phần xác còn phần hồn về sống với tổ tiên (mường trời). Người Thái có một tầng lớp thầy mo chuyên đi cúng tế các thần linh và phù phép đánh đuổi ma quỷ chữa bệnh cho người dân. Người Thái coi con “phi phông” là con ma dữ chuyên đi hại người.
- Nghi thức, lễ hội, tập quán:
+ Nghi lễ cúng cơm mới: Khi mùa lúa bắt đầu chín chủ nhà hái vài bó lúa treo lên bàn thờ ma hay cột nhà, sau đó cùng gia đình họ hàng tổ chức ăn mừng.
+ Lễ rượu măng – xên lau nỏ (thường vào ngày đầu năm mới), xên bản, xên mường: là những lễ hội lớn của cả tộc người Thái. Phần lễ là cúng cầu thần linh phù hộ, cúng tạ ơn tổ sư bà một (người chữa bệnh). Phần hội là các hoạt đồng vui chơi, đàn hát, nhảy múa xung quanh các hũ rượu cần. Phụ nữ Thái có điệu múa xòe đặc trưng.
+ Hội chơi hang Thẳm Lẻ (ở huyện Văn Chẩn, Yên Bái) diễn ra từ mồng 7 đến rằm tháng giêng Âm lịch. Đây là dịp mọi người tự do đến gặp gỡ, tìm hiểu và tạo mối quan hệ với nhau. Trong hang thường không đèn đóm chỉ sáng mờ mờ, tạo sự ngẫu nhiên tìm gặp do không thấy rõ mặt nhau.
+ Tục lệ cưới xin: Chế độ hôn nhân một vợ một chồng, ngoại hôn dòng tộc. Thủ tục gồm có: Kin lảu khẩn khơi – lễ cưới lần nhất và người con trai ở rể trong ba năm, Ó nả pạu – lễ cưới chính thức và người con gái về làm dâu, và Tỏn pạu là lễ lại mặt bố mẹ nhà gái.
+ Tục lệ tang ma: tuân theo những quy trình nghiêm ngặt lâu đời. Với quan niệm người chết về sống ở thế giới bên kia nên khi đem chôn được chia của giống như người sống, dựng nhà mồ - nhà sàn nhỏ phía trên nấm mồ có đầy đủ vật dụng sinh hoạt, thả gà vịt tượng trưng vào và sau đó bắt lại. Có hai hình thức mai táng là thổ táng và hỏa táng.

3. KIẾN TRÚC NHÀ SÀN CỦA TỘC NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC:

3.1. Kiến trúc ngôi nhà sàn của tộc người Thái ở Tây Bắc:

3.1.1. Nguyên liệu làm nhà sàn:
- Dùng cây (gỗ) làm nhà: Đi rừng chặt cây vào mùa khô để tránh mọt tối đa (do lượng nước trong cây ít). Chọn cây to thẳng có lõi cứng, chắc như “mạy lỷ”, “mạy kén”, “mạy hái”, “mạy phát xả”, “mạy thồ lồ”. Có những kiêng kỵ nhất định: không dùng cây tự chết khô, cây đổ và cây bị sét đánh để làm nhà, do quan niệm những cây như vậy đã mang số phận không may, không còn hồn, không còn sự sống. Ngoài ra, không dùng một số cây sau: “Cọ giang mạy” (cây sơn) - gây ra ngứa, “Cọ chả ướt” - nhựa dính vào là bị rộp, “Cọ mạy khẻ” - quan niệm lấy cây này về làm nhà sẽ bị sét đánh.
- Tre nứa dùng với khối lượng lớn để làm đòn tay, rui, mè, lát sàn, thưng phên xung quanh nhà, làm lan can.
- Các loại lạt, dây chằng: thường dùng là “toóc may hang” (lạt giang), “vai” (dây mây), “bún” (soong) và một số vỏ cây như “năng hu”, “năng cháu” đều sẵn có trong thiên nhiên. Khi dùng đem ngâm nước cho mềm, dẻo, dễ buộc.
- Cỏ gianh là thứ nguyên liệu cổ truyền dùng lợp mái nhà. Trước đây, cỏ gianh mọc tự nhiên nhiều. Khi cần, lên núi cắt gianh, phơi khô mang về lợp.

3.1.2. Kiến trúc nhà sàn:
- Hướng nhà là hướng của cả bản, nhìn về những ngọn núi quanh năm cỏ cây xanh tốt đến tận đỉnh hoặc dòng sông đầy nước không bao giờ cạn.
- Có hai kiểu nhà sàn: Kiểu “khai điêng” là làm nhà bằng khung gỗ chặt chẽ với các cột kê trên đá tảng, mái hình chữ nhật hoặc hình vuông (thường thấy ở người Thái trắng). Và kiểu “phăng đin” là làm nhà bằng khung gỗ đơn giản hơn, hệ thống quá giang, xà, dầm liên kết không chặt chẽ, do các cột nhà chôn chắc xuống đất 1 – 1,5m (thường thấy ở người Thái đen).
- Nhà sàn người Thái có bốn mái, ngoài mái trên và mái dưới ở phía trước phía sau nhà hình chữ nhật, còn có hai mái ở hai đầu hồi che cho gian đầu và sân sàn. Các mái gặp nhau ở các kèo góc tạo ra một đầu hồi gọi là hang con mèo (hông meo) làm chỗ cho hồn người chết lên trời.
- Ở nhà sàn truyền thống, hai mái nhỏ che hai đầu hồi có hình cánh quạt cong, tạo cho toàn bộ mái nhà giống như mai con rùa (truyền thuyết cho rằng con rùa đã dạy họ làm nhà, bởi chính hình thức của nó, bốn chân như bốn cột, mai rùa là bộ mái).
- Trên hai đầu hồi là “khau cút” thuở ban đầu gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau dạng gần giống như hình chữ X, có tác dụng nẹp giữ cho đầu hồi khỏi bị tốc. Dần dần, bằng trí tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa, người Thái đã mô phỏng tự nhiên, tạo nên những hoa văn, hoạ tiết trang trí vô cùng độc đáo cho “khau cút”
- Nhà sàn người Thái phía dưới sàn có nhiều cột để chống đỡ, còn trên sàn thì ít cột. Trong nhà có mấy loại cột đặc biệt là “sau hẹ” (cột cái) và “sau chảu xửa” (cột chủ nhà). “Sau chảu xửa” là nơi trú ngụ linh hồn của chủ nhà - người nam đứng đầu gia đình phụ quyền. Theo tập quán, “sau hẹ” dựng đầu tiên, kế đó là “sau chảu xửa”, thứ ba là “sau hoóng” – nơi trú ngụ của tổ tiên “phí hướn” (ma nhà), và sau đó là các cột còn lại. “Sau hẹ” (cột cái) đỡ lấy “pai hướn mẹ” (mái cái) - mái dưới. Đối diện với “sau hẹ” là “sau chảu xửa” (cột chủ nhà) đỡ lấy “pai hướn po” (mái đực) - mái trên. Mối tương quan này phải chăng phản ánh mối quan hệ vợ chồng gắn bó, tương hỗ nhau trong gia đình, trong xã hội Thái (?).
- Sàn phía đầu hồi bên phải được trang trí như một tiền sảnh có lan can vây quanh để ngồi chơi ngắm cảnh. Lan can có nhiều họa tiết trang trí như: hàng răng bừa (phắn ban), hình vuông có 2 đường chéo chữ thập + ở trong (khuấy chiêng), hình chữ nhật có 2 đường chéo chữ X ở trong (khuấy ta bo), giúp tô điểm thêm duyên dáng cho nhà sàn và giữ cho trẻ nhỏ khỏi ngã xuống.
- Nhà sàn nào cũng có cửa sổ. Số lượng cửa sổ có thể khác nhau do số gian nhà ít nhiều khác nhau. Tuy nhiên thường là số lẻ, để cộng với hai cửa chính luôn luôn số lẻ, theo tập quán dân tộc. Cửa sổ nhà sàn có hai cánh đóng mở. Các chấn song cửa sổ làm bằng gỗ với các hình trăng non, hình quả trám, hình lá, hình hoa, hình bướm đậu hoặc rắn uốn mình.
- Người Thái có câu: "Khửn song phái/ cái song đay" - tức là mở hai cửa/ đi hai thang. Hai cầu thang là "Tang chan" và "Tang quản". "Tang chan". Cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ. “Tang chan” ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống có 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang dành riêng cho nam giới - "tang quản" ở đầu nhà, có 7 bậc ứng với 7 vía.
- Trong nhà, không gian rộng rãi do làm nhà lẩn cột và rất ít vách ngăn. Bố trí chỗ ngủ thành một dãy liên tục theo trật tự: bố mẹ, vợ chồng con trưởng, và lần lượt các con thứ tiếp theo, dùng màn vải làm ranh giới lúc ngủ. Có hai bếp lửa - "Chík pháy". Bếp lửa phía "tang quản" dành cho người già, bếp chính ở phía "tang chan" dành cho nữ giới và những công việc nội trợ. Giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa hồng trong nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người.

3.2. Ý nghĩa của ngôi nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc:
- Nhà sàn của người Thái – "hướn hạn phủ táy" là một công trình kiến trúc tài hoa, hoà đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan, được cách điệu hoá, và đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
- Trên hai đầu hồi có hai “khau cút” vút cao, vừa mang dấu ấn tộc người, vừa cho biết vị trí xã hội của chủ nhà (càng lớn, càng đẹp thì vị trí càng cao). Và đặc biệt, người Thái có nhiều kiểu “khau cút” với nhiều ý nghĩa nhân sinh đặc biệt:
+ “Khau cút pang”: Hình hai cái gạc bắt chéo đơn giản mô phỏng rau dớn, loại rau rừng không trồng mà mọc rất mạnh mẽ, biểu tượng sức sống bất diệt.
+ “Khau cút quai”: Hình sừng trâu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước.
+ “Khau cút chim may”: Hình trăng khuyết, gợi nhớ đến cuộc thiên di đi tìm miền đất hứa của người Thái.
+ “Khau cút căm”: Khắc nhiều hoa văn, họa tiết, có một thanh gươm bên dưới, tượng trưng cho quyền lực.
+ “Khau cút pua”: Hình hoa sen, được chạm trổ cầu kỳ, rất đẹp, biểu trưng cho giàu sang, quyền quý.
- Triết lý âm dương: khau cút đực và cái, “sau hẹ” (cột cái) và “sau chảu xửa” (cột chủ nhà (nam giới)), “pai hướn mẹ” (mái cái) - mái dưới và “pai hướn po” (mái đực) - mái trên.
- Tư tưởng phồn thực được thể hiện trong kiến trước lắp bộ kèo chính (xính dua). Trong hai cây kèo, cây có lỗ mộng đục xuyên qua được đặt ở mái dưới và gọi là cây kèo cái (xinh dua me), còn cây kèo được vát nhọn để lắp vào mộng được đặt ở mái trên và gọi là cây kèo đực (xính dua po). Sự sắp xếp cố ý trên được giải thích rằng: sự vật phát triển được bắt nguồn từ quan hệ đực với cái, nên nhà ở cũng cần tạo ra cho có đực, có cái, với ý thức cầu mong cho cuộc sống gia đình sinh sôi phát triển.
- Trong kiến trúc nhà sàn, nếu quan sát kỹ, thấy có hàng loạt những số lẻ mà người Thái đã cố tình tạo ra. Thang lên xuống nhà sàn có số bậc lẻ: bảy bậc và chín bậc. Cửa (gồm cả cửa sổ và cửa đi lại) bao giờ cũng là số lẻ. Trên mái nhà sàn, số đòn tay thường rất nhiều, nhưng đối với người Thái, dù nhiều đến đâu họ cũng phải lưu ý để cho đòn tay ở hai mái không bằng nhau. Mái trên nhiều đòn tay hơn và mái dưới ít hơn mái trên một đòn tay. Số gian của nhà sàn ta cũng thấy luôn luôn là số lẻ: Ba gian, năm gian, bảy gian… Vì theo quan niệm dân gian, người Thái cho rằng, số lẻ tượng trưng cho sự vận động, sự phát triển đi lên, còn số chẵn tượng trưng cho sự yên tĩnh, không vận động, không phát triển.
- Quanh bếp lửa hồng, gia đình họ tộc quây quần nghe người già hát, ngâm, kể những câu chuyện dân gian và răn dạy về đạo lý làm người - "Quánh son cốn" như chuyện bản mường - "Quánh tố mướng", bước đường chinh chiến của cha ông -"Táy pút sấc", tiễn dặn người yêu - "Xống chụ xôn xao",…

4. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO TỒN NHÀ SÀN CỦA NGƯỜI THÁI Ở TÂY BẮC:

4.1. Thực trạng và nguy cơ mất đi kiến trúc nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc:
- Những ngôi nhà sàn theo lối cổ truyền không còn tốt như trước vì nhiều nguyên liệu tự nhiên đang bị cạn kiệt nên không đảm bảo chọn lọc chất lượng tốt như trước: Gỗ quý, lớn không còn khi rừng bị tàn phá. Cỏ gianh lợp mái giờ rất hiếm. Tre, nứa,.. dần cạn kiệt. Vì vậy, nhiều người dân hiện nay xây thêm nhà bê tông để ở vào mùa mưa giông lớn.
- Mái nhà luôn là chuyện lớn, cỏ gianh rất hiếm, và chính vì không kiếm được cỏ gianh mà nhiều người phải chuyển hẳn sang ở nhà đất và gạch.
- Một thời gian dài, nhà nước có chính sách xóa đói giảm nghèo, khắp nơi xóa nhà tranh tre nứa lá - coi đó là một tiêu chí nghèo. Bộ mái tôn, gạch, ximăng được cấp phát miễn phí cho bà con. Cho đến hiện nay, người ta mới thấy cái nghèo không hẳn đồng nhất với tranh, tre, nứa, lá. Vấn đề là vật liệu phù hợp với kiểu thức xây dựng.
- Một vấn đề khác là, những nhà sàn cổ truyền thường rất lớn, có khi tới 160m2. Hiện tại những ai ở ngôi nhà sàn lớn phải có trách nhiệm đóng thuế. Thế nên ở bản mường người ta đùn nhau ở nhà to, và ra đồng làm những căn nhà sàn nhỏ bé sơ sài ở tạm, hoàn toàn không có nét gì đặc sắc như nhà sàn truyền thống.

4.2. Giải pháp bảo tồn nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc:
- Cần có biện pháp bảo vệ rừng và môi trường tự nhiên hiệu quả, đảm bảo duy trì đủ các nguyên vật liệu làm nhà sàn.
- Tích cực nghiên cứu về nhà sàn và tuyên truyền sâu rộng đến bà con dân bản và tất cả mọi người trên khắp cả nước qua các phương tiện truyền thông, báo chí, để cùng chung tay bảo tồn và gìn giữ nét đặc sắc văn hóa tốt đẹp này.
- Nhà nước cần có những chính sách đúng đắn, phù hợp hơn nữa với thực tế người dân tại bản mường, để khuyến khích họ gắn bó với nhà sàn truyền thống.
- Giới thiệu nhà sàn người Thái Tây Bắc ra khu vực và thế giới, để có nhiều hơn nữa các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu và giải pháp về giữ gìn, phục dựng nhà sàn truyền thống.
- Kết hợp với các nét đặc sắc khác trong văn hóa tộc người như ẩm thực, lễ hội, trang phục,… để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện cho cư dân tăng thu nhập, phát triển đời sống, và thu hút vốn đầu tư vào vùng Tây Bắc để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội vùng.


KẾT LUẬN


Qua kiến trúc nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc, ta thấy được sự khéo léo của đôi bàn tay con người, trình độ hiểu biết tự nhiên sâu sắc, óc sáng tạo, triết lý nhân sinh và quan niệm về cái đẹp trong truyền thống thẩm mỹ của tộc người Thái. Nhà sàn không chỉ là nơi để ở mà còn là bảo tàng văn hóa nghệ thuật của cả một tộc người. Hi vọng những nét đặc trưng cổ truyền trong kiến trúc nhà sàn Thái Tây Bắc luôn được các thế hệ không chỉ trong tộc người mà còn toàn xã hội gìn giữ, bảo tồn và trân trọng trước thực trạng bị biến đổi và nguy cơ mất dần như hiện nay.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, 2009.
2. Trần Quốc Vương, Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa, NXB Văn hóa dân tộc,1999.
3. Hoàng Nam, Đặc trưng văn hóa truyền thống 54 dân tộc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 2013.
4. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc), NXB Khoa học xã hội, 1978.
5. http://sachhiem.net/VANHOC/TVHAC/Vanhac10.php: Trần Vân Hạc, Nhà sàn của người Thái Tây Bắc, 27/11/2009.
6. http://huc.edu.vn/vi/spct/id106/MOT-SO- ... X---XVIII/: Trần Bình, Một số vấn đề về kiến trúc và nhà ở của các tộc người thiểu số phía bắc Việt Nam giai đoạn thế kỷ X – XVIII, tạp chí nghiên cứu văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội.
Chữ ký:

Em là cốc nước trên bàn rượu
Là kẻ im lặng giữa đám đông
Gai góc, mạnh mẽ như xương rồng
Nhưng tấm lòng đa cảm mênh mông…


Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
Vũ Ngân
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 6 06/03/15 22:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến4 khách

cron