GÁNH HÀNG RONG – MỘT VÀI GÓC TIẾP CẬN

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

GÁNH HÀNG RONG – MỘT VÀI GÓC TIẾP CẬN

Gửi bàigửi bởi Vũ Ngân » Thứ 2 09/03/15 21:23

GÁNH HÀNG RONG TỪ GÓC NHÌN TIẾN HÓA LUẬN & CHỨC NĂNG LUẬN


Hình ảnh


Kinh doanh, thương mại là phương thức và nghề nghiệp tồn tại từ thời cổ đại do xuất phát từ nhu cầu trao đổi các sản phẩm dư thừa. Trong đó, “gánh hàng rong” là một trong những loại hình kinh doanh có cũng có từ lâu đời, vì cách thực hiện và quá trình diễn ra rất đơn giản, dễ hiều. Ngay đến thời hiện đại bây giờ, người kinh doanh bằng “gánh hàng rong” có thể dùng các dụng cụ, phương tiện thô sơ, đơn giản nhất để đem theo và bán các sản phẩm, với cách thức mua bán vô cùng dễ hiểu “tiền trao, cháo múc”.

Vì các sự vật, hiện tượng trong xã hội luôn có đa chiều, nhiều mặt, nên để hiểu được một vài nét về hiện tượng “gánh hàng rong” trong xã hội hiện nay, ta cần xem xét, tiếp cận nó dưới nhiều góc độ. Cụ thể là 2 góc nhìn theo hướng tiến hóa luận và chức năng luận.

Để đánh giá “gánh hàng rong” đang tồn tại và phát triển như thế nào, ta cần xét “gánh hàng rong” trong mối tương quan với các loại hình kinh doanh khác. Phổ biến hiện nay đang có các loại hình kinh doanh như tư nhân nhỏ và lẻ, công ty vừa và nhỏ, công ty lớn, tập đoàn; với nhiều quy mô như nhỏ, vừa, lớn do nguồn vốn đầu tư ít, vừa, nhiều; với các hình thức kinh doanh là không cố định hoặc cố định, tại chỗ hoặc từ xa; chất lượng nguồn hàng thì thấp, khó kiểm soát hoặc cao, dễ kiểm soát; doanh thu thấp, trung bình hoặc cao thuộc diện bất ổn hoặc ổn định,…

Dựa vào một vài tiêu chí trong kinh doanh, thương mại như nguyện vọng của chủ kinh doanh và khách hàng, sự đóng góp trong ổn định và phát triển thị trường, sự đóng góp cho đất nước và nhân loại,... bằng phương pháp của thuyết tiến hóa luận, ta có thể xây dựng nên sơ đồ “tiến hóa” cho các loại hình kinh doanh như sau:

Hình ảnh


“Gánh hàng rong” là loại hình kinh doanh tư nhân, nhỏ lẻ, không cố định, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, khó kiểm soát, nguồn vốn ít, thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định. Thông qua sơ đồ “tiến hóa” trên, ta có thể nhận thấy rằng kiểu kinh doanh “gánh hàng rong” đang nằm ở mức phát triển thấp nhất.

“Gánh hàng rong” được đánh giá là kiểu kinh doanh “lúc cần không có, lúc có không cần” về cả mặt hàng và thời điểm kinh doanh. Vì vậy để cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu của thị trường ngày càng cao và khó tính. Tự bản thân “gánh hàng rong” cũng đã có nhiều bước phát triển để nâng cao lợi ích cho cả người bán lẫn người mua.

Theo hướng cơ giới hóa về phương tiện di chuyển bán hàng, từ đi bộ bưng thúng hay quanh gánh đã phát triển lên là dùng phương tiện thô sơ như xe đạp, xe ba gác và tiếp theo nữa là các phương tiện có động cơ như xe máy, xe lam, xa tải,... Sự phát triển này giúp giảm bớt sức lao động, vận chuyển được số lượng hàng hóa lớn hơn, và tiếp cận thị trường ngày càng tốt hơn. Người bán không quá cực khổ, có thể mang theo nhiều hàng hóa và có thể di chuyển đến nhiều nơi và nhiều chỗ xa hơn, nhờ vậy mà bán được nhiều hàng hơn, doanh thu tăng lên và đời sống được nâng cao hơn.

Hình ảnh


Đồng thời, theo hướng chuyên biệt hóa sản phẩm buôn bán, từ bán nhỏ lẻ nhiều loại mặt hàng thiết yếu, mỗi thứ một chút như bánh, kẹo, kim, chỉ, khăn, bóp/túi,… dần dần mỗi “gánh hàng rong” chỉ chuyên bán một loại mặt hàng như gánh bán xôi, gánh bán chè, xe bán bắp, xe bán trái cây, xe bán quần áo,… để giúp tăng chất lượng và số lượng của loại hàng hóa đó, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn, kèm với tiếng rao riêng biệt giúp người mua nhận diện ngay được gánh hay xe hàng gì. Từ đó buôn bán được nhiều và ổn định hơn.

Dựa vào sự phát triển của phương tiện đi lại và cơ chế thị trường, hướng tiến hóa tự thân của “gánh hàng rong” có thể giúp nó tiếp tục cạnh tranh và tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, đó chỉ là hướng vận động ổn định tạm thời. Với nhiều dạng thức ngày càng phát triển, tên gọi “gánh hàng rong” chỉ còn mang ý nghĩa biểu trưng cho kiểu kinh doanh “rong” không cố định, và sau này các khía cạnh như nguồn vốn, quy mô, công nghệ, chất lượng, thành phần chủ sở hữu,… thay đổi và phát triển tiếp lên sẽ dần làm “gánh hàng rong” biến đổi thành một loại hình kinh doanh khác hoặc hòa trộn.

Ví dụ như, xét trong lịch sử thương mại, gần đây mới ra đời là kiểu kinh doanh bán hàng qua mạng - giao hàng tận nơi. Khách hàng lựa chọn, xem xét mẫu mã, giá cả, tình trạng của các mặt hàng muốn mua trong các cửa hàng ảo là các trang web bán hàng, chọn mua và chờ giao về tận nhà. Đó có thể xem là sự là kết hợp của “gánh hàng rong” cổ xưa với các kiểu buôn bán cố định như cửa hàng, siêu thị truyền thống. Vì tận dụng được nhiều ưu điểm của hai kiểu kinh doanh này như: không phải đi lại, đa dạng sản phẩm, thời gian mua bất cứ lúc nào cần, giá cả cạnh tranh,… nên kiểu bán hàng qua mạng và giao hàng tận nơi đã phát triển nhanh chóng khoảng thập niên gần đây ở nhiều nước và mới đây ở Việt Nam khi hệ thống internet và máy vi tính trở thành phổ biến trong đời sống người dân.

Như vậy, có nghĩa là, “gánh hàng rong” sẽ bước tiếp dần lên những loại hình kinh doanh “cao hơn”. Nếu dựa theo thuyết tiến hóa luận đơn tuyến, có thể sau này, kiểu kinh doanh “gánh hàng rong” sẽ biến mất để nhường chỗ cho các loại hình kinh doanh cao hơn.

Tương lai của “gánh hàng rong” nhìn theo thuyết tiến hóa là sẽ dần bị thay thế bởi các loại hình kinh doanh ưu việt hơn. Nhưng hiện nay, “gánh hàng rong” vẫn đang tồn tại. Tiếp cận dưới góc độ chức năng luận, điều đó chứng tỏ, nó vẫn còn duy trì được các chức năng của mình trong xã hội.

Thứ nhất, về mặt kinh tế, đối với cá nhân người kinh doanh, “gánh hàng rong” là một phương thức mưu sinh kiếm sống. Mặc dù đem lại thu nhập ít ỏi, bấp bênh, không ổn định, nhưng đối với những người không có tiềm lực kinh doanh như vốn ít, không có trình độ chuyên môn cao (trình độ về kinh tế), thậm chí không nằm trong độ tuổi lao động (trẻ em, người già), họ thường chọn loại hình kinh doanh kiếm sống này. Khi trong xã hội vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ, có hoàn cảnh éo le, và chính phủ chưa tìm ra được biện pháp an sinh xã hội hiệu quả, thì có lẽ “gánh hàng rong” vẫn còn tồn tại.

Còn đối với cộng đồng, “gánh hàng rong” là một kênh giúp phân phối hàng hóa trong thị trường. Tuy không tìm thấy một thống kê cụ thể, rõ ràng nào về số lượng hàng hóa được buôn bán bằng loại hình “gánh hàng rong” tại Việt Nam, nhưng không thể nào phủ nhận được vai trò của nó trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đi trên các đường phố, hằng ngày, hằng giờ, ta đều có thể chứng kiến các hoạt động buôn bán của “gánh hàng rong”, và cá nhân ta cũng mua vô số lần sản phẩm từ “gánh hàng rong”. Điều đó chứng tỏ “gánh hàng rong” đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay.

Thứ hai, về mặt văn hóa, “gánh hàng rong” được xem là một nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu ở Việt Nam. Văn hóa thì vốn gắn liền với các biểu tượng trong những lĩnh vực của một cộng đồng, quốc gia, nhân loại. Một nền văn hóa chứa đựng hàng triệu giá trị. Để tổ chức và sủ dụng hệ thống giá trị này một cách hiệu quả, chủ thể văn hóa đã tạo ra biểu tượng làm công cụ. Biểu tượng là phức thể của cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng. (Trần Ngọc Thêm, Những vấn đề văn hóa học – Lý luận và ứng dụng, NXB Văn hóa Văn nghệ tp.HCM, 2013). Nếu xét trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, công ty Microsolf, Apple mà người Mỹ tự hào là biểu tượng của giàu có, thành công, trình độ tri thức cao,… thì “gánh hàng rong” không thể nào là biểu tượng cho nền kinh tế Việt Nam được. Nhưng trong tâm thức và tình cảm gia đình, “gánh hàng rong” gắn với các bà, các mẹ là biểu tượng của sự tần tảo, hi sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam dành cho gia đình, giúp nhắc nhở người ta về tình yêu thương bao la của cha mẹ, gồng gánh ta qua bao khổ cực để thành người. Vì thế mà nhiều du khách tới Việt Nam luôn thích chụp những hình ảnh về các “gánh hàng rong”. Những bức ảnh đó thường mang lại nhiều niềm cảm xúc, lòng trắc ẩn không chỉ ở người dân Việt Nam mà còn ở khắp mọi nơi trên thế giới về tình thương cha mẹ và số kiếp của con người.

Như vậy, nói tóm lại, tại thời điểm hiện nay, “gánh hàng rong” đang tồn tại và phát triển là do vẫn thể hiện được các chức năng trong xã hội. Tương lai “gánh hàng rong” như thế nào, ta vẫn chưa thể xác định cụ thể và rõ ràng được. Một sự vật, hiện tượng tồn tại trong xã hội luôn có rất nhiều yếu tố tạo thành, và tất nhiên là có vô vàn những điều tương tác, ảnh hưởng đến. Trân trọng hiện tại và chấp nhận những thay đổi của tương lai. Không phải bất cứ điều gì cũng nên và cũng có thể bảo tồn, phát huy. Như “gánh hàng rong” chẳng hạn.
Chữ ký:

Em là cốc nước trên bàn rượu
Là kẻ im lặng giữa đám đông
Gai góc, mạnh mẽ như xương rồng
Nhưng tấm lòng đa cảm mênh mông…


Hình ảnh
Hình đại diện của thành viên
Vũ Ngân
 
Bài viết: 41
Ngày tham gia: Thứ 6 06/03/15 22:35
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách

cron