sự hòa hợp

Đây là nơi các thành viên Diễn đàn trao đổi các vấn đề về văn hoá Việt Nam

sự hòa hợp

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 4 26/09/07 9:42

Sự hòa hợp
Ai cũng yêu thích sự hoà hợp. Sự hoà hợp thế giới, hoà hợp dân tộc, hoà hợp tôn giáo, hoà hợp tinh thần… tất cả mọi vấn đề cùng mang mẫu số chung “hoà hợp” bao giờ cũng là biểu hiện cao nhất của sự đoàn kết, thống nhất và giới hạn tận cùng của niềm khát khao. Ở bài viết này, tôi muốn đề cập tới một số vấn đề về sự hoà hợp tinh thần và mức độ biểu hiện của chúng trong con người Việt Nam, qua đó thử nêu lên những đồng thuận, trái nghịch, và một số căn bệnh của ý thức chúng ta. Thiết nghĩ, dù không thể khuôn vào chiếc khung một yếu tố nhất định nào đó để khẳng định một dân tộc là lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, nhưng suy cho cùng cốt lõi nằm ở nguồn lực con người, mọi thứ được tạo lập từ con người và xác lập bởi con người. Tinh thần của con người là tinh thần của quá khứ, tinh thần của thời đại, tinh thần của quốc gia, dân tộc…
Nước Việt Nam lớn ở tinh thần khát khao tự do, điều này được minh chứng qua câu nói bất hủ của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và qua sự kiên định vĩnh cửu của con dân đất Việt trước mọi sự dụ dỗ, đàn áp, xâm lăng của ngoại bang từ xưa đến nay. Những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ghi tên những thắng lợi oanh liệt của công cuộc chống ngoại xâm. Có ai ngờ Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mĩ, những quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tình hình thế giới ngày nay đã từng là những kẻ bại trận của chúng ta trong quá khứ? Và sau mỗi lần bại trận ấy, họ đã nhỏ đi so với chúng ta bao nhiêu, còn chúng ta thì lớn hơn so với họ bao nhiêu.
Toàn bộ bí mật của những kì tích vĩ đại ấy nằm trong tinh thần Việt. Tinh thần ấy khát khao vươn tới cái tận cùng và tối hậu : tự do tuyệt đối và hoà bình tuyệt đối. Tuy nhiên, đấy là chuyện của quá khứ, khi mà chưa bao giờ tinh thần tự do tuyệt đối của người Việt lại bùng nổ mạnh mẽ như thế trong những thời khắc mang tính quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Còn ngày nay, tinh thần tự do tuyệt đối, ở một khía cạnh nào đó lại hoá thành một sự nô lệ, 30 năm sau ngày thống nhất, chúng ta vẫn còn quay quẩn trong men say chiến thắng. Niềm tự hào quá khứ nhiều khi lấn át cả ý thức về sự sinh tồn.
Hãy nhìn xem, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mĩ đã bước vào đại lộ của thế giới hiện đại bằng phong cách của những ông chủ thực sự, còn chúng ta trên con đường nào? Nguyên do từ đâu?
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: sự hòa hợp

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 4 26/09/07 9:48

1. Sự thiếu hoà hợp giữa tinh thần quá khứ và tinh thần hiện đại

Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra một vài vấn đề mà theo tôi truyền thống tinh thần của cha ông ta thuở xưa đã không được kế thừa và phát huy đúng mức trong thời điểm hiện tại, khiến cho nước ta dù đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều lĩnh vực, vẫn thiếu đi một nội lực cường hãn mà nếu có nó chúng ta sẽ to lớn hơn và bước xa hơn rất nhiều.
Thứ nhất, ý chí kiên định và nghị lực phi thường: Những yếu tố đã hun đúc nên bản lĩnh và ý thức tự ngã của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngày nay, những tinh thần cao đẹp ấy đã rơi rụng đi ít nhiều trong một bộ phận lớn thanh niên của chúng ta - những người sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, họ sống thiếu lý tưởng, thiếu nhiệt huyết và dễ dàng quỵ ngã trước hoàn cảnh khó khăn. Họ đốt cháy tuổi trẻ của mình một cách không thương tiếc. Chủ nghĩa cá nhân vị kỉ và tham vọng tự do cực đoan len lỏi vào tâm tính và lối sống của tầng lớp thanh niên, mặc nhiên biến họ thành nô lệ của những lo lắng và bất ổn tinh thần.
Nhà triết học Nga Vladimir Soloviev đã nói như sau: “Ý nghĩa của con người là chính nó, nhưng không phải là kẻ nô lệ và công cụ của cuộc sống ác tính mà như là người chiến thắng và người cai trị nó”. Như thế, ý nghĩa sinh tồn của mỗi con người là ở chỗ tâm hồn, tinh thần, và ý thức con người phải chiến thắng từ bên trong, ngay ở bên trong cuộc đời với nỗ lực của chính nó. Và khi đó, ánh sáng tinh thần của cha ông sẽ có ý nghĩa như một trợ lực, một nguồn mạch thánh thiện để con người hướng vào nó như hướng vào lương tâm của chính mình. Vậy thì hơn bao giờ hết, ngay lúc này, chúng ta cần tìm lại sự hoà hợp từ những di sản tinh thần của quá khứ, nơi đã sinh ra sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, tinh thần trọng kẻ hiền tài và đề cao giá trị lao động. Nhà sử học Phan Huy Chú khẳng định nước ta là một quốc gia có “thanh danh, văn hoá, nhân tài thịnh vượng không kém gì Trung Hoa”. Lần giở những trang vàng trong lịch sử văn hoá dân tộc, có thể thấy các bậc khoa cử thuở xưa đều có khí độ và tài chất hơn người, được cất cử đảm nhận những trọng trách của quốc gia đại sự. Họ có cơ hội thi triển tất cả sở học của mình và đã được tưởng thưởng xứng đáng. Nghi thức đón rước những người đỗ đạt tuỳ theo học vị được tổ chức long trọng, không chỉ thể hiện một phong tục trọng thị kẻ hiền tài của nhà nước ta xưa kia mà còn có ý nghĩa khuyến khích mọi người đem tài năng, trí tuệ cống hiến cho quê hương, đất nước.
Ngày nay, cùng với sự xuống cấp của nền giáo dục, tinh thần ấy đang từng bước thay đổi theo một cơ chế khác. Chính sách trọng dụng người tài đã không được phát huy đúng mức, khiến cho đất nước bỏ sót đi rất nhiều những Lã Vọng của thời hiện đại. Tại sao nước chúng ta không thiếu nhân tài nhưng nguồn chất xám lại chảy đi đâu hết? Chúng ta cần nhiều hơn nữa những chiếc “rây” sàng tốt, có thể lọc bỏ cát bụi để giữ lại những vụn vàng. Bởi lẽ những người thực sự có tài năng cũng giống như vàng, không phải lúc nào cũng có sẵn.
Nhân dân ta thuở xưa có truyền thống lao động cần cù, không chấp nhận lối sống chây lười, phụ thuộc. Tinh thần lao động cần cù ấy được truyền dẫn một cách tự nhiên đến mọi thế hệ về sau, hình thành nên một thứ bản tính trong lòng mỗi người dân Việt. Tuy nhiên, giờ đây không ít người trong xã hội chúng ta là kẻ ăn bám và tán tài. Nhỏ thì tán phát tài sản của gia đình, lớn thì tán phát tài sản của quốc gia. Tâm lý thích ăn chơi, thích hưởng thụ đã trở thành tâm lý phổ biến trong nhiều tầng lớp nhân dân và thực sự trở thành một vấn nạn của đất nước. Đất nước Việt Nam sẽ còn nhỏ bé, và sẽ nhỏ bé nhiều lắm, chừng nào những kẻ lười biếng, ăn bám xã hội vẫn chẳng chút động lòng nếu ai đó đọc cho họ nghe câu ca dao xưa của các cụ :
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần

Re: sự hòa hợp

Gửi bàigửi bởi sinan » Thứ 4 26/09/07 9:50

2. Sự thiếu hoà hợp giữa tinh thần cá nhân và tinh thần cộng đồng

Tố chất của dân tộc Việt là nữ tính, thụ động, nó ngại va chạm, ngại tiếp xúc, dễ mặc cảm và thường chỉ thích cuộn tròn trong cái “ao làng”, nơi gắn bó với nó từ ngàn đời. Chính tính nữ về mặt tinh thần đã hình thành nên tính cộng đồng bền vững trong xã hội Việt Nam. Trong huyết mạch của xã hội Việt Nam xưa kia luôn tồn tại mối liên hệ, gắn bó tự nhiên trong cộng đồng gia tộc và cộng đồng ngoài gia tộc, từ gia đình đến các cộng đồng nhỏ như hàng xóm, láng giềng, làng xã, đến các cộng đồng rộng lớn hơn như vùng miền, dân tộc, quốc gia… Mối liên hệ này không chỉ biểu hiện về mặt tình nghĩa mà còn được hình thành trong quan hệ sản xuất với sự ra đời của các làng nghề truyền thống và các vùng miền chuyên nuôi trồng các đặc sản nổi tiếng. Chính kiểu cấu trúc xã hội truyền thống này đã tạo ra một mỹ tục về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước để khi nước nhà lâm sự, nó kết thành làn sóng mạnh mẽ “quét sạch lũ bán nước và cướp nước”. Giang sơn xã tắc Việt Nam vững bền đến tận bây giờ là vì bất cứ nơi đâu trên đất nước chúng ta cũng là một luỹ thành vững chắc.
Ngày nay, đất nước chúng ta đang trên công cuộc đổi mới, phát triển, hoà nhập quốc tế, cơ hội nhiều và thách thức cũng không ít. Song có một thực tế cần phải nhìn nhận, dân tộc chúng ta thường bị trói buộc bởi chủ nghĩa bảo thủ trơ ỳ, thiếu sự trải nghiệm và dễ bị khớp trước những biến đổi của thời thế. Điều quan trọng là chúng ta cần phải vứt bỏ tâm lý e ngại của một cô gái sau lễ vu quy vẫn chưa chịu về nhà chồng. Khi đã bước vào ngôi nhà chung thế giới, chúng ta sẽ phải phá vỡ những mối liên kết cộng đồng xưa cũ để tạo ra những mối liên hệ mới, những cộng đồng mới vừa có sự cạnh tranh, vừa có sự liên đới để cùng phát triển. Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều này chúng ta cần phải có sự đồng thuận, thống nhất, “một người vì mọi người” và mọi người vì quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân vị kỉ đang là một hiểm hoạ ngăn trở con đường phát triển của chúng ta. Việt Nam là một đất nước, một dân tộc (với hơn 80 triệu người) chứ không phải là một con người riêng lẻ, một cá nhân duy nhất. Tôi nhớ có một bài viết đã dẫn một câu chuyện như sau: “Nếu thả 3 người Nhật xuống một cái hố sâu, họ sẽ tìm cách để đưa nhau lên, còn nếu thả 3 người Việt Nam xuống cái hố đó, họ sẽ níu kéo nhau, làm cho không ai lên được”. Tại sao lại có chuyện đó? Câu trả lời sẽ rất đơn giản, vì tinh thần tập thể của người Nhật tốt, còn tinh thần tập thể của chúng ta kém. Tính cộng đồng xưa kia như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, nhất trí đã không được phát huy trong thời điểm hiện tại. Chúng ta cần phải thúc đẩy hơn nữa sự hoà hợp giữa tinh thần cá nhân và tinh thần tập thể, sự hoà hợp tinh thần ở bất kì thời điểm nào cũng tạo ra sức mạnh. Vì sao loài vật thường sống theo bầy đoàn? Sẽ thật hài hước và không được hợp lý cho lắm nếu ta gọi “tinh thần của loài vật”, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ý thức được rằng nếu tách khỏi đồng loại, chúng sẽ bị tiêu diệt.

3. Vĩ thanh

Thay cho lời kết, tôi xin kể lại ngắn gọn một câu chuyện mà nhà văn Tony Morrison viết trong lời mở đầu diễn từ nhận giải Nobel. Có thể đối với nhiều người, câu chuyện này chẳng có chút ý nghĩa nào hết, nhưng với tôi nó lại đem lại một liên tưởng thú vị, nhất là sau khi tôi viết ra những suy nghĩ của mình ở trên.
Câu chuyện như sau: Ngày xưa có một bà già. Bà bị mù nhưng thông thái. Một hôm có một đám thanh niên đến tìm bà, dường như muốn thử thách tài tiên đoán của bà và tìm cách vạch trần cái mà chúng coi là sự lừa dối của bà. Đám trẻ đứng trước mặt bà già và một đứa lên tiếng:
_ Thưa bà, tay tôi cầm một con chim, bà hãy nói xem nó sống hay chết?
Bà già không đáp, thấy thế chúng nhắc lại câu hỏi :
_ Con chim trong tay tôi sống hay chết?
Bà già im lặng hồi lâu khiến đám trẻ suýt bật cười. Cuối cùng bà trả lời bằng một giọng dịu dàng nhưng nghiêm nghị:
_ Ta không biết – Bà nói. – Ta không biết con chim trên tay anh sống hay chết, ta chỉ biết là nó đang ở trên tay anh. Trên tay của anh.
Câu trả lời của bà già có thể hiểu như thế này : Nếu con chim chết, thế nghĩa là hoặc các anh tìm thấy nó như thế, hoặc các anh đã giết chết nó. Nếu nó sống, các anh vẫn có thể giết nó. Để sống hay chết đó là quyền các anh. Bất kì thế nào trách nhiệm cũng thuộc về các anh.
Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ? Nhiều người sẽ có ngay câu trả lời. Còn tôi xin bắt chước cách nói của bà già mù kia, tôi không biết đất nước ta nhỏ hay không nhỏ, tôi chỉ biết nó đang ở trên tay tất cả chúng ta, mọi con dân Việt. Trong đó có tôi nữa
Đó là suy nghĩ của bạn Phương Khiệt vô tình tôi đọc được trên blog, trong không khí sôi động những ngày đầu năm học mới, xin gởi bài này lên để các bạn sinh viên mới tham gia đóng góp ý kiến của mình.
Sin Ân
Hình đại diện của thành viên
sinan
 
Bài viết: 193
Ngày tham gia: Thứ 2 21/05/07 20:40
Đến từ: TPHCM
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 3 lần


Quay về Văn hóa Việt Nam

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến20 khách