GIAO LƯU VỚI GS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Chuyên mục này dành cho những vấn đề có thể cùng lúc liên quan đến trên một hoặc tất cả các nhóm chủ đề khác như: lý luận văn hoá học, văn hoá Việt Nam, văn hoá thế giới, văn hoá học ứng dụng...

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 3 01/03/11 9:53

Thưa thầy, về câu trả lời của thầy cho anhthu 2 ý a, b thì em đồng ý rồi nhưng trả lời ý c em thấy chưa ổn ạ!
"C. Còn câu hỏi

To Anh Thu đã viết:nếu một nhà khoa học qua thời gian công bố, trong một chuyến đi, phát hiện "tình huống có vấn đề" của công trình sau khi đã kiểm định bằng thực tế cuộc sống. Anh ta sẽ sửa chữa bằng cách nào? nhất là khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn.


Thì quả tình tôi không hiểu.

Thấy sai chỗ nào thì TUYÊN BỐ là sai chỗ ấy, thấy cần sửa như thế nào thì BẮT TAY VÀO SỬA như thế ấy chứ sao?

Không nhẽ việc sửa chữa lại khó thế sao?"


Thưa thầy, theo em hiểu thì ý của anhthu là rất đề cao tầm ảnh hưởng của một công trình khoa học của một nhà khoa học nói riêng và ảnh hưởng ấy càng to lớn hơn đối với một quyết định nào đó của một nhân vật hay một ban bệ nào đó đối với xã hội nói chung. Bởi vì "khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn" về mặt lý thuyết thì không nói làm gì rồi, còn thành quả công trình mà đưa vào ứng dụng thực tế đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn mất rồi, nó không đơn giản là thấy sai chỗ nào thì TUYÊN BỐ sai chỗ ấy như thầy nói được. Lúc ấy việc sữa chữa là rất khó đấy ạ.
Suy rộng ra thực tế, bây giờ nước ta đang bước vào con đường đổi mới toàn diện để được công nhận là một nước phát triển, mỗi phát ngôn của lãnh đạo quốc gia có ý nghĩa tồn vong của dân tộc. Vì vậy phải thật thận trọng khi ra bất cứ quyết định nào đó. Thử nghĩ nếu Đảng ta lại "hồn nhiên" lập ra sách lược rồi lại "vô tư" phát hiện sai lầm và sửa chữa nó như những năm 80 của thế kỷ trước thì không biết nước ta tụt hậu đến bao giờ?
Thầy cũng hay nói rằng "người Việt Nam mình có thói tùy tiện, cứ làm rồi đến đâu hay đấy". Em có phản hồi vì em cảm nhận trong hành văn thầy xem cái việc "sửa sai" này dễ dàng quá.
Chứ dĩ nhiên như thầy lập luận ở ý a và b như trên em tin rằng mọi sự đã được kiểm chứng gắt gao rồi mới công bố. Những sai lầm khách quan là khó tránh khỏi nhưng càng ít thì càng tốt đúng không thầy? Mong thầy góp ý thêm cho em hiểu hơn ạ!
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 01/03/11 22:56

Cám ơn Linh Giang. Diễn giải của em rất hay, nó giúp thầy thấy được cách suy nghĩ của người khác. Về vấn đề em nêu ra, tôi giải thích sơ bộ như sau:

[center]I[/center]
Linh Giang đã viết:theo em hiểu thì ý của anhthu là rất đề cao tầm ảnh hưởng của một công trình khoa học của một nhà khoa học nói riêng và ảnh hưởng ấy càng to lớn hơn đối với một quyết định nào đó của một nhân vật hay một ban bệ nào đó đối với xã hội nói chung. Bởi vì "khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn" ... mà đưa vào ứng dụng thực tế đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn mất rồi, nó không đơn giản là thấy sai chỗ nào thì TUYÊN BỐ sai chỗ ấy như thầy nói được. Lúc ấy việc sữa chữa là rất khó đấy ạ.
Suy rộng ra thực tế, bây giờ nước ta đang bước vào con đường đổi mới toàn diện để được công nhận là một nước phát triển, mỗi phát ngôn của lãnh đạo quốc gia có ý nghĩa tồn vong của dân tộc. Vì vậy phải thật thận trọng khi ra bất cứ quyết định nào đó. Thử nghĩ nếu Đảng ta lại "hồn nhiên" lập ra sách lược rồi lại "vô tư" phát hiện sai lầm và sửa chữa nó như những năm 80 của thế kỷ trước thì không biết nước ta tụt hậu đến bao giờ?

Nỗi lo lắng của các em rất chính đáng, nhưng như tôi đã nói trong bài trả lời trước, xã hội chỉ tồn tại được khi được tồ chức dựa trên sự phân công lao động. Đã phân công lao động, cần hiểu đúng về trách nhiệm xã hội của nhà khoa học, cần phân biệt nhà khoa học với nhà chính khách.

Nhà khoa học có trách nhiệm đi tìm chân lý (sự thật). Nhà chính khách có trách nhiệm tổ chức và quản lý xã hội, dẫn dắt dân chúng.

Một chân lý khoa học khi được công bố ra tự thân nó không ảnh hưởng gì đến xã hội mà chỉ có thể ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội.

Ngoài ra, xét theo khả năng ứng dụng thì một sản phẩm khoa học có thể thuộc một trong ba loại mà ta rất cần phân biệt: nghiên cứu cơ bản – nghiên cứu ứng dụng – nghiên cứu triển khai. Ở mỗi loại, giá trị khoa học giảm dần, giá trị thực tiễn tăng dần. Nghiên cứu triển khai (R&D) là công đoạn cuối cùng, là sự vận dụng kiến thức vào từng hoàn cảnh. Người nghiên cứu triển khai chính là người làm nhiệm vụ tư vấn, mà một trong những đối tượng tư vấn chính là nhà quản lý (chính khách). Một nhà khoa học có thể vừa làm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, nhưng không nhất thiết. Một chính khách cũng có thể vừa là nhà khoa học nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và cuối cùng, với tư cách chính khách đưa vào thực hiện. Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc khi thực hiện được việc khoán hộ thành công chính là một người như thế. Bí thư thành ủy Tp.HCM Võ Văn Kiệt khi quyết định cho bà Ba Thi đi buôn gạo cứu đói cho dân vào đầu những năm 80 chính là một người như thế.

Tự thân sản phẩm khoa học (phát minh, chân lý) không xấu không tốt. Xấu hay tốt là ở cách sử dụng nó. Cùng một phát minh của Albert Einstein và đồng nghiệp về nguyên tử được chính quyền Mỹ dùng chế tạo bom nguyên tử và LX chế tạo tàu phá băng nguyên tử. Đây là một câu chuyện đau đớn về mối quan hệ giữa nhà khoa học và chính khách.

Khi biết Hitler ráo riết bắt các nhà bác học Đức tìm cách chế tạo bom nguyên tử, Einstein đã thuyết phục tổng thống Mỹ F. Roosevelt chấp nhận đề án bom nguyên tử của mình. Trong khi phát xít Đức không đạt được mục tiêu, thì Mỹ đã thử bom nguyên tử thành công. Thảm hoạ nguyên tử đến gần, trong khi chủ nghĩa phát xít gần như đã sụp đổ. Đến lúc này, Einstein lại cùng một loạt nhà khoa học gửi kiến nghị khẩn khoản đề nghị Mỹ dừng kế hoạch ném bom. Song Tổng thống Mỹ Truman vẫn ra lệnh làm công việc không còn cần thiết đó. Hai thành phố Nhật bị san bằng và hơn 20 vạn dân Nhật thành tro. Einstein vĩ đại đã nhiều lần đau khổ tự dằn vặt mình: “Mọi người nguyền rủa bom nguyên tử ư? Tiếc thay, chính tôi là kẻ đã bấm nút" và rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực tới cuối đời.

Trường hợp lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu v.v. chủ yếu là do thiếu nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai, tức là do sử dụng kết quả NCKH một cách chủ quan. Chính vì vậy thành tựu NC về sinh sản vô tính hiện nay là thứ cần ứng xử hết sức thận trọng.

[center]II[/center]
Bây giờ ta hãy gác nỗi lo lắng chính đáng về lời nói và quyết định của các chính khách sang một bên mà chỉ bàn về trường hợp các công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” mà sai toàn bộ.

Phải nói rằng Linh Giang đã bình luận rất sắc sảo khi dùng các từ ngữ đắt giá “hồn nhiên”, “vô tư” và nhận định “người Việt Nam mình có thói tùy tiện, cứ làm rồi đến đâu hay đấy” của tôi.
Linh Giang đã viết:phải thật thận trọng khi ra bất cứ quyết định nào đó. Thử nghĩ nếu Đảng ta lại "hồn nhiên" lập ra sách lược rồi lại "vô tư" phát hiện sai lầm và sửa chữa nó như những năm 80 của thế kỷ trước thì không biết nước ta tụt hậu đến bao giờ?
Thầy cũng hay nói rằng "người Việt Nam mình có thói tùy tiện, cứ làm rồi đến đâu hay đấy". Em có phản hồi vì em cảm nhận trong hành văn thầy xem cái việc "sửa sai" này dễ dàng quá.

Nhưng phải nói rằng khi viết “Thấy sai chỗ nào thì TUYÊN BỐ là sai chỗ ấy, thấy cần sửa như thế nào thì BẮT TAY VÀO SỬA như thế ấy chứ sao?”, trong đầu tôi không có trường hợp công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” mà sai toàn bộ.

Có ba lý do.

A- Thứ nhất, vì To Anh Thu không đặt vấn đề như vậy.

To Anh Thu đã viết:nếu một nhà khoa học qua thời gian công bố, trong một chuyến đi, phát hiện "tình huống có vấn đề" của công trình sau khi đã kiểm định bằng thực tế cuộc sống. Anh ta sẽ sửa chữa bằng cách nào? nhất là khi công trình đó đã có sức ảnh hưởng lớn.

To Anh Thu chỉ nói đến "tình huống có vấn đề" của công trình chứ không nói đến trường hợp công trình sai toàn bộ.

B- Thứ hai, vì trên thực tế, công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” thì không thể sai toàn bộ.

Các công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” bao giờ cũng là những công trình lý thuyết (thực ra, tuy gọi là "công trình lý thuyết" nhưng không bao giờ có cái gì là lý thuyết hoàn toàn mà bao giờ cũng là kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm, trong đó tư duy lý thuyết là phương pháp chính; một công trình toán học tưởng là lý thuyết hoàn toàn thực ra phải dựa trên biết bao hiểu biết xã hội và kinh nghiệm cá nhân - đó chính là tư liệu của mình và do người khác cung cấp). Sở dĩ phương pháp lý thuyết không dẫn đến sai toàn bộ vì nó luôn đòi hỏi tính hệ thống cao, tính lô-gic cao, cho nên có sai chỉ có thể sai tiểu tiết chứ không thể sai về đại cục được.

Bảng tuần hoàn của Mendeleev, thuyết tiến hóa của Darwin, cơ học cổ điển dựa trên các định luật của Newton, v.v. đều là những sản phẩm như vậy. Những thành tựu triết học của Kant, Hegel, Marx... chỉ có thể được bồ sung, hoàn chỉnh chứ không hề sai toàn bộ.

Trong Toán học có một trường hợp mới nhìn tưởng là phủ nhận hoàn toàn, nhưng thực ra không phải – đó là trường hợp “Hình học phi Euclide” (của Lobachepski) trong quan hệ với “Hình học Euclide”.

Hình học Lobachepski bác bỏ tiên đề của hình học Euclid cho rằng “từ một điểm ngoài một đường thẳng, có thể kẻ được một và duy nhất chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đó”. Thay vào đó, Lobachepski cho rằng “từ một điểm ngoài đường thẳng gốc, có thể xác định được vô số đường thẳng khác cũng song song với đường thẳng gốc” trên cơ sở lý thuyết không-thời gian cong (Trong hình học Euclid, tổng các góc trong của một tam giác bằng 180 độ, nhưng trong hình học phi Euclid, tổng các góc đó không bằng 180 độ). Với việc đề cập đến độ cong hình học của không gian nhiều chiều, hình học phi Euclid là cơ sở cho lý thuyết tương đối của Einstein.

Thực ra, hình học phi Euclide không bác bỏ toàn bộ hình học Euclide mà chỉ bác bỏ một phần (một trong 5 tiên đề), và bồ sung cho nó, mở rộng tính đúng của nó trong những điều kiện mới. Cũng như không gian 4 chiều của Einstein không bác bỏ không gian 3 chiều cổ điển, mà bổ sung cho nó, mở rộng tính đúng của nó trong những điều kiện mới.

Chính vì biết rằng công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” sử dụng phương pháp lý thuyết - hệ thống, không bao giờ sai toàn bộ, mà chỉ có thể sai tiểu tiết, bộ phận, mà việc sửa tiểu tiết, bộ phận luôn làm cho lý thuyết mỗi ngày một hoàn chỉnh hơn nên tôi mới nói đến chuyện sửa một cách “hồn nhiên”, “vô tư”.

C- Thứ ba, nếu có các công trình khoa học “có sức ảnh hưởng lớn” mà sai toàn bộ thì đó chỉ có thể là công trình khoa học thực nghiệm.

Có thể có hai trường hợp như vậy:

1) Do dựa trên dữ liệu thiếu tính phổ biến. Vd: việc dựa trên bằng chứng khảo cổ học để kết luận về thời điểm hình thành / ra đời của một nền văn hoá (hoăc cái gì đó tương tự) có thể bị bác bỏ hoàn toàn khi có một nhà khảo cổ học khác tìm được bằng chứng về một thời điểm sớm hơn.

2) Do sự gian trá (thiếu trung thực) của “tác giả”. Trong lịch sử khoa học đã từng chứng kiến hàng loạt trường hợp lừa đảo ngoạn mục trong các lĩnh vực sinh học, khảo cổ học, y học, nhân loại học... (xem ví dụ như bài “Những “cú lừa” nổi tiếng trong khoa học” tại địa chỉ http://www.khoahoc.com.vn/sukien/su-kie ... a-hoc.aspx, hoặc bài "Những vụ lừa dối trong khoa học" http://www.khoahoc.com.vn/cau-chuyen/46 ... -Ky-1.aspx).
Lừa đảo trong các khoa học thực nghiệm thì có thể có, nhưng không thể có lừa đảo trong các khoa học có tính lý thuyết cao được.

Thực ra các công trình khoa học thực nghiệm sai toàn bộ này thường không đạt đến mức có thể coi là “có sức ảnh hưởng lớn” được.

[center]III[/center]
Tóm lại, trong xã hội vai trò của chính khách là lớn hơn cả, nó tác động trực tiếp, nhanh chóng đến toàn bộ xã hội. Hành động sai lầm của chính khách là không sửa được. Quyết định ném bom nguyên tử của Tổng thống Truman là không thể sửa sai được. Để hạn chế sai lầm thì chính khách cần phải hết sức coi trọng kết quả lao động khoa học, ý kiến tư vấn khoa học của nhà khoa học.

Nhà khoa học có trách nhiệm đi tìm chân lý. Trong hoạt động đi tìm chân lý, tư liệu chỉ đóng vai trò phụ, vai trò chính thuộc về hoạt động tư duy. Việc quá đề cao tư liệu có thể khiến cho một công trình NCKH rơi vào tình trạng sai lầm toàn bộ và tạo kẽ hở cho sự giả dối, gian trá trong khoa học. Còn nếu kết hợp tư liệu (không quan trọng là do mình hay người khác tìm ra) một cách đúng mức với tư duy lý luận, tư duy hệ thống sẽ đảm bảo tính đúng trong tổng thể cho công trình trong tuyệt đại bộ phận các trường hợp.

Một công trình NCKH do luôn bị giới hạn đề tài, phạm vi nghiên cứu, tính cực đoan (bắt buộc) trong cách thức tiếp cận; tính cá nhân của chủ thể sáng tạo, nên luôn có nguy cơ chứa sai lầm.

Để hạn chế sai lầm do cách tiếp cận phân tích và cực đoan gây ra, phương pháp hệ thống và cách tiếp cận liên ngành chính là công cụ đắc lực.

Để hạn chế sai lầm do vai trò cá nhân trong NCKH gây ra, sự tranh luận, trao đổi, góp ý của công đồng khoa học là không thể thiếu, nó giúp cho công trình ngày càng có sức sống và hoàn thiện hơn.

Trong bất cứ trường hợp nào, dù là nhà khoa học hay chính khách, thấy sai thì phải sửa. Sai chỗ nào thì phải trung thực và ngay thẳng thừa nhận là sai chỗ ấy. Cần sửa như thế nào thì phải dũng cảm BẮT TAY VÀO SỬA như thế ấy. Nhà chính khách mà mỗi lời nói và hành động có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội lại cảng cần như thế, dù là đã muộn - "muộn còn hơn không". Vào những năm 1983-86, sau khi nhận thấy sai lầm của đường lối hợp tác hóa cứng nhắc đã giết chết động cơ sản xuất của người dân, nhận thấy cái đúng của chủ trương khoán hộ ở Vĩnh Phú thời Kim Ngoc và của việc xé rào ở Tp.HCM thời Võ Văn Kiệt, Tổng bí thư Trường Chinh đã dũng cảm và quyết tâm sửa chữa sai lầm bằng quyết định đổi mới là một ví dụ cho việc nhận sai và sửa sai là không bao giờ muộn cả.

Tôi hy vọng đã giúp các em hiểu được phần nào vấn đề phương pháp luận cực kỳ phức tạp và rối rắm này.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi nguyenga » Thứ 5 03/03/11 16:32

Cám ơn Thầy đã dành nhiều thời gian và công sức giúp cho học trò của mình hiểu không những trên lớp mà còn trên diễn đàn. Thầy đã đưa ra nhiều dẫn chứng, nhiều ví dụ từ trong nước đến quốc tế để cho chúng em nắm được con đường của một nhà khoa học và nhà chính khách. Công bằng mà nói thì việc sửa sai dù muộn vẫn tốt hơn là không sửa. "Better late than never" (muộn vẫn hơn không). Một giáo sư dạy Anh văn đã từng dạy chúng em câu châm ngôn đó và em luôn ghi khắc vào lòng. Tuy nhiên, em rất đồng tình với tư tưởng rằng không phải cứ làm rồi sửa sai. Tốt nhất là hạn chế đến mức tối đa việc làm sai. Và mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên,sinh viên... phải biết chịu trách nhiệm trước bản thân, gia đình và xã hội.
RANDOM_AVATAR
nguyenga
 
Bài viết: 218
Ngày tham gia: Thứ 7 29/11/08 9:40
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 2 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi Linh Giang » Thứ 3 08/03/11 1:41

Cám ơn GS vì đã có sự phản hồi cũng như cung cấp cho chúng em những tri thức mới.
Thưa GS, em có một vấn đề còn "lờ mờ" muốn nhờ GS giúp em được "tường minh". Vấn đề này liên quan đến khái niệm "bản sắc văn hóa" và cuốn sách "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" của GS.
Thưa GS, trong bài "Văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại", khi viết về lớp văn hóa bản địa, GS có đề cập đến 6 đặc điểm: về đời sống vật chất (kinh tế chủ yếu trồng lúa nước, trong cơ cấu ăn thì cơm là chủ đạo,...); về tổ chức xã hội (trọng công đồng, hệ quả là tính cộng đồng và tự trị,...); về nhận thức (chú trọng các mối quan hệ,...); tổ chức gia đình thì trọng phụ nữ, giao tiếp xã hội trọng tình cảm; ứng xử thì linh hoạt; tư duy thì tổng hợp,... và đi đến kết luận "chính những điều vừa nói ở trên đã làm nên những đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam" {tr.578}.
Trang 583, GS viết "truyền thống là ổn định, còn hiện tại là phát triển" và cuối cùng "Trong bản sắc Việt Nam có điểm rất thuận lợi cho đổi mới là tính linh hoạt, nó phù hợp với yêu cầu năng động của kinh tế thị trường. Văn hóa là một cơ chế tự điều chỉnh. Tôi tin rằng, với truyền thống văn hóa của mình, Việt Nam sẽ biết tự điều chỉnh để chuyển từ truyền thống hài hòa thiên về âm tính sang hài hòa thiên về dương tính, tức là hướng sang phát triển chứ không chỉ lo giữ ổn định như trước, nhưng là một sự phát triển vững chắc" {trang 617}.
Thưa GS, với những cứ liệu như trên, em cảm thấy rất nhập nhòa trong hai khái niệm "truyền thống văn hóa" "Bản sắc văn hóa". Kính nhờ thầy giúp em được hiểu rõ hơn không ạ? Em biết rằng, khái niệm thì không bao giờ thừa mà nó mang tính lựa chọn rất lớn. GS có thể chỉ cách giúp chúng em khu biệt hai thuật ngữ này với!
Cám ơn GS rất nhiều ạ!
Nothing gonna change my love for you
RANDOM_AVATAR
Linh Giang
 
Bài viết: 113
Ngày tham gia: Thứ 2 20/09/10 13:31
Đến từ: Bình Dương
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ngocthem » Thứ 3 08/03/11 8:51

Đọc câu hỏi của Linh Giang ở đây và ý kiến của Linh Giang ở topic “Bản sắc văn hóa Việt Nam là gì?”, tôi thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì có những học viên cao học hiếu học, ham tìm hiểu. Còn buồn vì ngay cả những học viên cao học hiếu học, ham tìm hiểu cũng vẫn có nhiều chỗ quá lơ mơ.

Tôi không nói đến sự lơ mơ về kiến thức mà Linh Giang tự nhận là “rất nhập nhòa trong hai khái niệm "truyền thống văn hóa" và "Bản sắc văn hóa"”.

Tôi muốn nói đến sự lơ mơ về phương pháp làm việc.

[center]***[/center]
Lơ mơ về phương pháp làm việc vì thứ nhất, muốn hiểu/ giải đáp bất cứ vấn đề cụ thể nào thì việc đầu tiên là phải bắt đầu từ lý luận. Thế nhưng ở cả hai topic tôi chỉ thấy sự nóng lòng muốn phân biệt “bản sắc văn hóa Việt Nam” với “truyền thống văn hóa Việt Nam” một cách rất cụ thể.

Tôi nói đến sự lơ mơ về phương pháp làm việc vì thứ hai, muốn hiểu/ giải đáp bất cứ vấn đề cụ thể nào thì việc tiếp theo là phải tự mình phải cố gắng tìm hiểu thấu đáo vấn đề. Tìm hiểu không phải bằng cách ngồi một chỗ mà cầu cứu, mà thắc mắc, mà hỏi. Mà tìm hiểu là phải tận dụng hết mọi lợi thế của nơi mình đang học, môi trường mình đang nghiên cứu, để khai thác hết các nguồn kiến thức mới nhất có ở đó mà người ngoài không thể nào có được.

Trong khi đó ở cà hai topic chỉ thấy LG nhắc đến cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” là một cuốn sách tôi viết từ năm 1996 và và ngoài cuốn này, tôi không thấy LG đọc/dẫn cái gì khác cả.

Xuất phát từ một cuốn sách viết từ năm 1996 để nhận định rằng “Còn câu hỏi "đâu là bản sắc văn hóa Việt Nam" ? hiii...về chuyện này thì GS Thêm cũng đang...tìm về với một cuốn sách đồ sộ mà e rằng GS cũng chưa tìm được” (lại còn hiii... nữa!) viewtopic.php?f=76&p=17432&sid=1d46e320e1610d95ffcfb2bb844edf85#p17432 thì có phải là quá hồ đồ? Sự hồ đồ này chỉ có thể hiểu được và thông cảm được nếu người hỏi là người ngoài, người ở xa, người không theo dõi kỹ.

Còn ở đây, trong khoa này, TS. Nguyễn Văn Hiệu đang giảng môn “Bản sắc văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam”. LG đã tìm hiểu được gì, học được gì từ môn đó?

Cũng ở đây, trong khoa này, tôi có dạy môn “Lý luận văn hoá học”, mà trong đó có hẳn riêng một mục ở chương hai bàn về “bản sắc văn hóa”. Sao LG không mang những hiểu biết ở đó ra sử dụng? Đừng quên rắng LG và các bạn vừa học xong, vừa thi xong môn này!

Tôi không chỉ nói trong các bài giảng. Người nghiên cứu theo dõi các tài liệu khoa học sẽ biết rằng tôi không chỉ “tìm về” mà còn có câu trả lời rõ ràng về “bản sắc văn hóa Việt Nam” trong hàng loạt bài viết, bắt đầu từ bài “Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam” đăng trên “Tạp chí khoa học xã hội” số 42 (1999, tr. 24-32). Gần đây nhất, tôi đã trình bày rất đủ và rõ ràng về hệ thống các đặc trưng của bản sắc văn hoá Việt Nam trong bài “Giá trị và sự chuyển đổi hệ giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam” tại một hội thảo do Khoa Văn hoá học phối hợp với Đề tài KX. 03.14/06-10 tổ chức tại Biên Hòa tháng 9-2009 và mới đăng toàn văn trên hai số tạp chí Văn hoá - nghệ thuật (số 319, 1-2011 và số 320, 2-2011 – hai số Tc này đang có phát hành trên VP khoa; trên website vanhoahoc bài này đăng tại địa chì: http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?o ... &Itemid=70).

Một HVCH học hành chu đáo, theo dõi tài liệu chu đáo, sẽ không cần phải đi đâu xa, chỉ cần chịu khó tận dụng website vanhoahoc cũng đủ để trả lời các thắc mắc nêu trên. Tôi cảm thấy hình như HVCH, SV của chúng ta cứ mở website ra là xông ngay vào Diễn đàn để tự viết mà không hề vào đọc những thông tin khoa học, những bài viết, sách khá bài bản có trên website.

Về phương pháp, mọi công dân mạng đều thuộc lòng câu “cái gì không biết hỏi anh Gu-gồn”. Vậy mà khi động chạm đến những vấn đề cụ thể, HV và SV ta không phải ai cũng nhớ làm thao tác “tìm kiếm”. Nếu đã tìm kiếm thì ắt sẽ thấy, và đã thấy thì sẽ không có cảnh HV và SV của chúng ta cứ thắc mắc, tranh cãi với nhau đủ thứ trên Diễn đàn, trong khi câu trả lời đã có sẵn ngay ở ngoài chính website của chúng ta chứ không phải ở đâu xa lạ.

[center]***[/center]
Tôi xin lỗi bạn đọc vì lần này tôi đã chọn cách không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chỉ đưa ra những phân tích và chỉ dẫn về phương pháp. Tôi tin rằng cách làm này sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều lần.

Tôi hy vọng rằng LG và các bạn sẽ tự mình trình bày những thu hoạch của mình về sự phân biệt “bản sắc văn hóa (VN)” với “truyền thống văn hóa (VN)” sau khi thực hiện những hướng dẫn trên.

Cón nếu đến lúc đó vẫn còn những gì lấn cấn thì tôi sẽ sẵn sàng giải đáp cụ thể.
Hình đại diện của thành viên
ngocthem
Quản trị viên
 
Bài viết: 243
Ngày tham gia: Thứ 7 20/10/07 6:55
Cảm ơn: 1 lần
Được cám ơn: 9 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi ntngan » Thứ 3 12/04/11 21:35

Trong bài http://vanhoahoc.edu.vn/diendan/viewtop ... 244#p17244 "Lại nói về cuốn Cơ sở văn hóa VN của GS Trần Ngọc Thêm"
Linh Giang đã viết:Sau khi tham dự tọa đàm về cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (mạn phép viết tắt CSVHVN) của GS. Trần Ngọc Thêm (GS.TNT) ngày 18/12 do khoa Nhân học tổ chức mà người trao đổi chính là GS Phan Hữu Dật, tôi đã định post lên diễn đàn này những gì tôi theo dõi được xem để bạn đọc có thêm tư liệu nhưng một phần do lu bu vả lại những gì mình ghi chép được cũng chưa lấy làm hài lòng vì chưa đầy đủ nên tôi chưa post lên. nay nhân tiện các bạn "năm mới nói chuyện cũ" nghĩ lại...thôi thì post lên những gì mình theo dõi được để có thêm một phần kiến thức tham khảo, mặt khác cũng mong người đọc, nhất là những ai có mặt trong buổi tọa đàm có thể góp thêm thông tin cho đầy đủ.

Linh Giang post lên những ý này không phải chỉ để mọi người đọc cho vui. rất thành tâm mong GS. Thêm nếu đọc được những dòng này mong thầy có thể "trao đổi" lại những vấn đề mà GS Dật có đề cập không ạ? thưa thầy là vì bữa đó thầy nói nhanh quá vì thời gian có hạn nên em nghe không kịp ạ!

Thể theo yêu cầu của bạn Linh Giang và một số bạn không tham dự buổi tọa đàm, chúng tôi xin được thông tin chi tiết những ý kiến trao đổi của GS.TS. Phan Hữu Dật.

Trước hết, chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét về GS.TS. PHAN HỮU DẬT
I. Sơ lược lí lịch
[right]Hình ảnh[/right]
• Năm sinh: 1928
• Nơi sinh: Thừa Thiên – Huế
• Học vị: Tiến sĩ
• Chức danh: Giáo sư
• Thời gian công tác tại Trường [Đại học Tổng hợp Hà Nội]: từ 1964 đến 1994
II. Các công trình khoa học
Các bài báo khoa học
1. Dân tộc học Việt Nam 15 năm qua. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 3, 1961.
2. Tư liệu về tổ chức xã hội và gia đình ở người Duộc. Tạp chí Dân tộc học Xô viết, M., số 5, 1961.
3. Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. Tin tức hoạt động khoa học, số 3, 1964.
4. Quan hệ hôn nhân và gia đình của người Vân Kiều. Tạp chí Dân tộc học, số 34, 1964.
5. Sự phân kì xã hội nguyên thuỷ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 108, 1968.
6. Dân tộc học và vấn đề Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1970.
7. Vị trí của văn hoá Lạc – Việt thời Hùng Vương trong nền văn hoá Đông – Nam Á. Tạp chí Khảo cổ học, số 9-10, Hà Nội, 1971.
8. Ăngghen và Dân tộc học. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 140, 1971.
9. Về xác minh tên gọi và phân loại các ngành Dao ở Tuyên Quang (viết chung). TBKH SH, Tập V, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1971.
10. Pà Tẻn và mối quan hệ Mèo – Dao ở Việt Nam. Thông báo khoa học Sử học, tập VI. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1973.
11. Tính chất của xã hội Việt Nam cuối thời Hùng Vương. Hùng vương dựng nước, tập II. Nxb Khoa học Xã hội, 1972.
12. Về sự hình thành tầng lớp quý tộc – thị tộc trong xã hội Hùng Vương. Hùng Vương dựng nước. Nxb Khoa học Xã hội,
13. Trống đồng Lũng Cú. Tạp chí Khảo cổ học, số đặc biệt về trống đồng, tập I, 1974.
14. Về tên gọi các tộc người nói ngôn ngữ Môn – Miên ở miền Tây tỉnh Quảng Bình. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb. Khoa học Xã hội, 1975.
15. Về quá trình phát triển các tộc người ở miền Bắc Việt Nam. Vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975.
16. Vài tư liệu về làng gốm Bát Tràng trước Cách mạng tháng Tám. Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập I. Nxb Khoa học Xã hội, 1977.
17. Những thành tựu bước đầu của ngành Dân tộc học Việt Nam. P. ASEMI, số 1-2 (Tập IX), 1978.
18. Về việc xác định các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Đảng. Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1988.
19. Vài ý kiến về việc xây dựng bảo tàng Việt Bắc thành bảo tàng dân tộc học quốc gia. Xây dựng bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam trên cơ sở phát triển bảo tàng Việt Bắc, 1990.
20. Giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa các dân tộc. Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1990.
21. Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam á. Kỉ yếu hội nghị Quốc tế ở Singapore về khu vực Thái Bình Dương, 1992.
22. Về hình thái hôn nhân con cô con cậu. Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1992.
23. Nguyễn Văn Huyên, nhà dân tộc học lớn (viết chung). Thông tin Khoa học Xã hội, số 5, 1992.
24. Tìm hiểu tư tưởng đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2, 1993.
25. Bước đầu suy nghĩ về những quan điểm cơ bản trong việc xây dựng Luật về dân tộc. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2, 1993.
26. Về văn hoá vùng và dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội. 1994.
27. Trở lại tên gọi một số dân tộc ở nước ta hiện nay. Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1994.
28. Lễ hội Đồng Kị, truyền thống và hiện đại (viết chung). Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội, 1994.

Các giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo
1. Cơ sở Dân tộc học. Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, 1973.
2. Văn hoá – lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á (chủ biên). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1992.
3. Lễ cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam (viết chung). Nxb Văn hoá Dân tộc, 1993.
4. Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử (chủ biên).Nxb Chính trị Quốc gia, 1994.
Nguồn: http://ussh.vnu.edu.vn/gs-ts-phan-huu-dat/333



Chiều ngày 18/12/2010, tại phòng A001 Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG-HCM (12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Tp.HCM), khoa Nhân học đã tổ chức buổi tọa đàm về quyển Cơ sở văn hoá Việt Nam của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm với những ý kiến trao đổi do nhà dân tộc học loại hàng đầu của Việt Nam, GS.TS. Phan Hữu Dật trình bày. Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí nghiêm túc, đầm ấm và mang tính học thuật cao dưới sự chủ trì của Trưởng khoa Nhân học -PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp và với sự tham gia của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Lộc, PGS.TS. Thành Phần, cùng đông đảo các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của hai khoa Nhân học, Văn hóa học và những người có quan tâm.

Trong gần hai giờ đồng hồ, GS. Phan Hữu Dật đã nêu ra khá nhiều ý kiến nhận xét, trao đổi về các vấn đề tổng quan cũng như chi tiết của cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Dưới đây chúng tôi lược ghi lại nội dung phần trình bày của GS. Phan Hữu Dật để bạn đọc tiện theo dõi (các chú thích trong bài là của chúng tôi – N.T.T.N.):



Tôi chưa đọc được hết những công trình nghiên cứu về văn hóa. Nhưng trong số những công trình tôi đã đọc được, tôi rất tâm đắc cuốn giáo trình Cơ sở văn hoá Việt Nam và cùng với nó là cuốn chuyên khảo Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm. Nhiều cuốn sách mà tôi đã đọc đề cập đến những vấn đề văn hoá khá rộng và sâu. Nhưng xét một cách tổng thể về bề rộng và bề sâu thì chưa có giáo trình nào vượt qua được cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm.

Đây là giáo trình được Bộ GD&ĐT chính thức công nhận và đưa vào chương trình đào tạo ở các trường đại học. Điều đó chứng tỏ tính khoa học cao của nó. Chỉ trong thời gian 8 năm mà sách được in tới 7 lần ở những nhà xuất bản khác nhau[1]. Hình như chưa có giáo trình nào đạt được thành tích như thế.

Giáo trình này (và cùng với nó là chuyên khảo Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam) có những ưu điểm sau đây:

(1) Tác giả có tinh thần dân tộc cao. Có lòng tự hào về văn hóa Việt Nam rất lớn, có tình yêu dân tộc đặc biệt.

(2) Tác giả đã viết bộ công trình này một cách công phu, nghiêm túc. Có sức đọc rất mạnh mẽ. Các sách đông tây kim cổ, từ xưa đến nay đều cố gắng sưu tầm, tham khảo để tiếp thu và tiếp nối. Hai cuốn sách này với nội dung và danh mục tài liệu tham khảo của chúng có thể dùng làm một thư mục chọn lọc rất tốt, rất quan trọng, rất có chất lượng cho những người nghiên cứu về văn hoá Việt Nam. Từ nay về sau, ai muốn nghiên cứu về văn hoá Việt Nam đều không thể bỏ qua thư mục mà GS. Trần Ngọc Thêm đã sử dụng để viết nên hai cuốn sách này.

(3) Tác giả công trình này có phương pháp làm việc rất khoa học và nghiêm túc. Từ cách tập hợp vấn đề, phân loại vấn đề đến cách nêu vấn đề, đề xuất vấn đề đều rõ ràng, sáng rõ, mạch lạc. Nhiều nội dung được trình bày có sức thuyết phục cao.

(4) Tác giả có hoài bão khoa học và khát vọng khám phá rất lớn. Có năng lực tư duy và sức sáng tạo khoa học cao. Với phương pháp khoa học và tri thức khoa học phong phú như vậy, tác giả có một hành trang đầy hứa hẹn để có thể ngày càng đi sâu, để xây dựng nên những công trình ngày càng hoàn thiện hơn, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc mạnh mẽ hơn về văn hoá Việt Nam.

Tóm lại, cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS. Trần Ngọc Thêm là tác phẩm không chỉ có ích cho sinh viên, mà còn cần thiết cho tất cả các giới giáo dục, khoa học, và những người làm công tác quản lý văn hóa nói chung. Tác phẩm này cần được đọc không phải chỉ một lần, mà là đọc nhiều lần, vừa đọc vừa nghiền ngẫm thì mới thấy được những điểm hay của nó, để thấy được những tư tưởng sâu xa đầy tự hào về dân tộc và có tính khoa học cao của tác giả.

Đây không phải là buổi phản biện, không phải là buổi góp ý, mà chính xác là buổi giao lưu, trao đổi với tác giả. Những ý kiến tán thành, tâm đắc... có rất nhiều, nhưng tôi không trình bày hết được ở đây. Những vấn đề tôi chưa hiểu (ví dụ các vấn đề liên quan tới triết học Phương Đông như can chi, tứ tượng, bát quái…) thì tôi cũng không đề cập đến. Tôi chỉ xin nêu lên ở đây 11 vấn đề dưới dạng luận điểm để trao đổi với tác giả:

1. Cuốn sách này viết về "Cơ sở văn hóa Việt Nam" hay là "Cơ sở văn hóa người Việt"?

Đầu đề của cuốn sách là "Cơ sở văn hóa Việt Nam". Đọc sách, tôi thấy nội dung của nó sai thì không sai, vẫn đúng với chủ đề, nhưng chưa đầy đủ. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Tính đa dân tộc đã có ngay từ thời các quốc gia Văn Lang, Âu Lạc. Tính đa dân tộc đó ngày càng mở rộng. Ngày nay, nước chúng ta là quốc gia gồm 54 dân tộc. Trong cuốn sách này GS. Thêm chủ yếu chỉ nói về người Việt.
Sự thật là giới khoa học của ta phần nhiều mắc phải tình trạng này. Ví dụ các cuốn Lịch sử Việt Nam cũng đề cập chủ yếu tới lịch sử người Việt. Lịch sử của các dân tộc thiểu số đưa vào chỉ có tính chất liên hệ, cộng thêm vào, chứ chưa thành lịch sử của các dân tộc cấu thành một cách hữu cơ đất nước Việt Nam, không phải là lịch sử Việt Nam như một khối đa dân tộc. Ngay cả bộ sách giảng dạy lịch sử ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng thế. Cuốn sách của GS. Trần Ngọc Thêm cũng rơi vào tình trạng tương tự như vậy. Nói là văn hoá Việt Nam nhưng cũng chủ yếu là nói về người Kinh. Thỉnh thoảng, chỗ này chỗ kia cũng có nhắc đến các dân tộc thiểu số, nhưng văn hóa đó chưa gắn bó thành một khối Việt Nam thống nhất đa dân tộc.
Trong cuốn sách này, cơ sở hình thành văn hoá Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp trồng trọt bằng lúa nước. Mà trồng lúa nước là kinh tế chủ yếu của người Kinh và một số khoảng 4-5 dân tộc Mường, Tày, Thái, Chăm, Kh’mer. Một số dân tộc vẫn tiếp tục sinh tồn ở mức nền kinh tế chiếm đoạt, tức là đánh cá, hái lượm, săn bắn…, chưa đạt tới mức kinh tế sản xuất. Đến tận những năm 1945, người Lô Hộ hay còn gọi là Sán Lá Vàng vẫn hoàn toàn hái lượm mà ăn. Người Rục vẫn còn hái lượm, ăn bột cây nhóc…; mãi sau này khi có chính sách của nhà nước mới bắt đầu trồng trọt, làm lúa nước. Vậy văn hoá của các dân tộc còn ở trình độ kinh tế chiếm đoạt được thể hiện trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam này như thế nào? Rõ ràng là chưa có.
Đối với những dân tộc đã đạt trình độ văn hoá kinh tế sản xuất (ở đây là trồng trọt) thì cũng có nhiều giai đoạn khác nhau. Những dân tộc còn sống ở giai đoạn thấp, sử dụng công cụ cầm tay, dùng cuốc, chặt cây… được thể hiện trong nền văn hoá Việt Nam như thế nào?
Như vậy, cuốn sách này thực sự là cuốn Cơ sở văn hoá của người Việt. Nếu GS. Thêm muốn giữ đầu đề “Cơ sở văn hóa Việt Nam” thì phải thêm vào mảng văn hóa của các dân tộc anh em trong số 54 dân tộc của chúng ta.


2. Về khái niệm văn hóa và bố cục cuốn sách
Trong cuốn sách này, GS. Trần Ngọc Thêm có một chương rất hay với tư cách là nhập đề, dùng để xác định các khái niệm. Ở đây với tư cách là một nhà khoa học thành thạo, GS. Thêm đã làm một việc rất đúng.
Về khái niệm văn hoá, có nhiều định nghĩa. Định nghĩa chỉ đạo cho nội dung cuốn sách, bố cục cuốn sách.
Bố cục của cuốn sách này không rõ lắm. Nhưng tôi luận ra là ông này bố cục sách theo lối coi văn hoá là ứng xử. Ăn cơm là đưa thực phẩm vào mồm để nuôi sống con người. Nhưng cách đưa như thế nào thì các dân tộc sẽ khác nhau. Chính sự khác nhau đó tạo thành văn hoá. Văn hoá khác nhau nói lên các dân tộc khác nhau.
Nhưng bố cục này không được thanh thoát lắm. Chẳng hạn chương 3 “Văn hoá tổ chức đời sống tập thể” nói về các vấn đề làng, nhà nước, đô thị, v.v. Nhưng chương 6 “Văn hoá ứng xử với môi trường xã hội” nói về giao lưu văn hoá Chăm, Nho giáo, phương Tây... Cũng là môi trường xã hội nhưng ở chương 3 thì là văn hoá tổ chức đời sống tập thể, còn ở đây lại là giao lưu văn hóa. Như vậy vấn đề ứng xử ở đây thể hiện không rõ.
Khi nói đến văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, thì tác giả đề cập tới tín ngưỡng, phong tục,... Tín ngưỡng, phong tục phải mang tính chất tập thể, tính xã hội chứ?
Theo tôi, nếu bố cục theo tiêu chí ứng xử thì văn hóa phải bao gồm trước nhất là ứng xử với đối tượng hữu hình, tức là ứng xử với môi trường tự nhiên và ứng xử với môi trường xã hội; thứ hai là ứng xử với đối tượng vô hình, tức là văn hoá tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng (văn hoá tâm linh); thứ ba là ứng xử với bản thân mình.
Vừa rồi, liên quan tới vấn đề này, GS. Đào Xuân Vượng ra một bộ sách ba quyển: Thế giới vi mô, Chúng ta là ai, Khoa học về vấn đề tâm linh. Đây là lĩnh vực mới nêu lên, chưa chắc đã đúng cả, chưa chắc đã thuyết phục được mọi người. Lâu nay khoa học chủ yếu mới nghiên cứu con người vật lý. Còn có những con người khác nữa như con người năng lượng, con người tâm linh... Chúng ta hiểu về chúng ta còn rất ít.
Theo tôi, nói về văn hoá hay nhất, gọn gàng nhất và rõ ràng nhất là theo tiêu chuẩn dân tộc học. Dưới góc độ dân tộc học, khi đề cập tới văn hoá thì những thành tố sau có thể giúp bao quát toàn bộ văn hoá dân tộc: (1) Văn hoá mưu sinh, (2) Văn hoá vật chất, (3) Văn hoá xã hội, (4) Văn hoá tinh thần.

3. Định vị văn hóa và vấn đề phân công lao động xã hội
3.1. GS. Trần Ngọc Thêm đã xác định rất đúng rằng văn hoá Việt Nam là văn hoá gốc nông nghiệp. Nói về Việt Nam như vậy là đúng. Đối với phương Đông cũng là đúng. Nhưng nên chăng xác định rõ là nông nghiệp gì? Nông nghiệp ở đây là nông nghiệp trồng lúa nước. Trong xứ khí hậu nhiệt đới gió mùa, với môi trường tự nhiên như vậy nảy sinh ra những đặc điểm văn hoá dân tộc. Đây không phải nói về kinh tế mà là nói về loại hình kinh tế nông nghiệp. Nông nghiệp là cơ sở phát sinh mọi mặt của đời sống văn hoá con người. Văn hoá vật chất, văn hoá xã hội, văn hoá tinh thần… đều từ cái gốc nông nghiệp mà ra. Đó là loại hình kinh tế nông nghiệp.
Tương tự như vậy, đối với cuộc sống du mục là loại hình kinh tế chăn nuôi. Loại hình kinh tế chăn nuôi dẫn đến đời sống kiểu chăn nuôi. Ăn chủ yếu là thịt; mặc bằng da thú; lợp nhà, dựng lều bằng đốt xương thú, da thú; đối tượng thờ cúng là con thú; tổ chức xã hội theo hình thức phụ hệ, vì đàn ông là người bảo vệ gia súc…
Chuyện này đối với Việt Nam thì không có vấn đề gì. Nhưng với GS. Trần Ngọc Thêm thì vấn đề không dừng ở đây, mà ông mở rộng nhãn quan cho toàn bộ thế giới.
Trong chương định vị văn hoá dân tộc, tác giả chia thế giới ra làm hai cực là phương Đông và phương Tây. Đây là bức tranh toàn thế giới. Phương Đông là nông nghiệp và phương Tây là du mục. Phương Đông là tĩnh, phương Tây là động. Phương Đông phát triển văn hoá, phương Tây phát triển động đồng nghĩa với chiến tranh. Ở đây có những vấn đề cần đi sâu. Kết quả này tác giả xuất phát từ triết lý âm dương. Sơ đồ của tác giả nghe qua thì rất hay, nhưng đi vào kiểm nghiệm bằng cách lấy các sự kiện lịch sử thế giới để đem ra đối chứng thì thấy không phải chỗ nào cũng hoàn toàn phù hợp.
Chẳng hạn, phương Tây là động, nhưng có những giai đoạn chả động chút nào mà tĩnh hoài, tĩnh kéo dài tới cả 10 thế kỷ. Văn hoá Hy Lạp - La Mã phát triển đến thế kỷ thứ 5 thì dừng lại. Rồi toàn bộ châu Âu rơi vào thời kỳ Trung Cổ đen tối dưới sự thống trị của Ki-tô giáo. Toàn bộ châu Âu từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 15 ngập chìm trong bức tranh không phát triển. Vậy thì phương Tây đó có động đâu? Chỉ đến thời kỳ Phục Hưng phát triển quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thì phương Tây mới trỗi dậy và phát triển.
Còn phương Đông tĩnh, cũng có khi động. Trung Quốc chẳng hạn, lúc đầu không phải tĩnh mà là động, từ đầu công nguyên đến thế kỷ 15 là động, rồi các phát kiến về la bàn, thuốc súng là đỉnh cao động của nhân loại. Nhưng từ thế kỷ 15-16 trở đi thì đúng là nó tĩnh. Như vậy phương Đông hay phương Tây không phải là động hay tĩnh hoàn toàn, mà cả hai đều có khi động khi tĩnh.
Còn nói về Việt Nam là nông nghiệp, thuộc phương Đông, là âm, là tĩnh, thì Việt Nam cũng có khi động, có khi tĩnh. Có khi ở phương này động, phương khác tĩnh… Ví dụ trong so sánh với phương Bắc, nước ta cần ổn định hơn để xây dựng và phát triển. Chúng ta có giao tranh với họ hơn 12 lần, nhưng là do họ gây nên. Nhưng đối với phương Nam, ta có tĩnh không? Gốc chúng ta ở đồng bằng Bắc Bộ. Ta là dân tộc rất năng động. Với tiến trình phát triển của mình, không thể tiến về phía Bắc vì áp lực của Hán tộc rất lớn, phía Đông là biển, phía tây là núi nên ta chỉ còn con đường Nam tiến, và lãnh thổ của ta nay từ đồng bằng Bắc Bộ đến tận Cà Mau. Nếu như ta không bị Pháp xâm lược thì chắc gì chúng ta đã dừng ở Cà Mau? Như vậy, không thể nói ta là tĩnh được.
Như vậy, cần xem xét lại về sơ đồ văn hoá Đông Tây.

3.2. Về vấn đề phân công lao động xã hội: Phân công lao động làm cho xã hội phân hóa giàu nghèo, phân chia giai cấp, từ những đối lập giai cấp hình thành nên nhà nước. Phân công lao động xã hội rất quan trọng. Nó phản ánh vào văn hoá Việt Nam như thế nào? Có đặc thù như thế nào?
Theo F. Engels thì cuộc đại phân công lao động lần thứ nhất trên thế giới dẫn đến sự kiện nghề chăn nuôi tách khỏi nông nghiệp. Chăn nuôi tách khỏi nông nghiệp chỉ xảy ra khi có hai điều kiện: có giống gia súc và có đồng cỏ. Đáp ứng được hai điều kiện đó thì chỉ có ở Trung Á, Trung Cận Đông, bán đảo A Rập và Trung Phi. Ở Đông Nam Á thì sự phân công lao động lần thứ nhất không diễn ra, chăn nuôi không tách khỏi nông nghiệp. Tổ tiên ta không biết uống sữa. Trong khi ở các dân tộc chăn nuôi thì nhà giàu mới ăn rau.
Cuộc đại phân công lao động lần thứ hai dẫn đến thủ công nghiệp thoát ra khỏi nông nghiệp, ở ta cũng không có. Một số người cho rằng ta có làng buôn, một số làng nghề. Song ở ta thực sự là nghèo nàn, non yếu. Nếu như có mạnh hơn một chút thì là ở đô thị như Hoa Lư, Cổ Loa, Hà Nội. Thủ công nghiệp của ta không tách khỏi nông nghiệp. Hàng năm, vào những ngày hội làng, tế đình, lễ làng, giỗ tổ nghề, người ta vẫn trở về làng. Nhìn chung nghề thủ công của ta chưa dứt khỏi bầu sữa mẹ là làng quê nông nghiệp. Đặc điểm của Việt Nam không phải là thủ công nghiệp mà là nông công (nông nghiệp và thủ công nghiệp) kết hợp.
Cuộc đại phân công lao động lần thứ ba dẫn đến kết quả là tầng lớp thương nhân ra đời, đây cũng là thời kỳ chữ viết ra đời và thành lập nhà nước. Thương nhân Việt Nam cũng thật sự là nghèo nàn. Chữ viết của ta, theo GS. Hà Văn Tấn là có nhưng chỉ mới tìm thấy khoảng hai chục chữ. Như vậy bõ bèn gì. Ta đoán thế thôi. Có đọc được đâu. Liệu có phải của người Việt không? Rồi thời kỳ này thành lập nhà nước, nhưng là nhà nước gì? Trong giáo trình lịch sử Việt Nam có uy tín, nói đó là nhà nước, nhưng không nói được tính chất nhà nước. Rồi gọi nó là nhà nước phương thức sản xuất châu Á. Có người gọi đó là thời kỳ nguyên thủy, có người gọi là thời kỳ phong kiến, có người cho là tất cả các thời kỳ gộp lại. Rồi lại có người nói không có cái gọi là phương thức sản xuất châu Á. Văn Lang, Âu Lạc là nhà nước kiểu thế nào? Vậy thì các thời kỳ phân công lao động đã thể hiện trong văn hoá Việt Nam như thế nào?
Quan trọng đối với ta không phải là đại phân công lao động. Ở ta là sự phân công lao động tự nhiên theo lứa tuổi và theo giới. Sự phân công lao động tự nhiên tạo dấu ấn rất lớn trong nền văn hoá dân tộc. Do vậy, theo tôi, GS. Trần Ngọc Thêm nên chú ý tới sự phân công lao động trong cách trình bày sách sau này.

4. Về tiến trình văn hóa Việt Nam
Nói tới văn hoá là nói tới sự hình thành dân tộc, đến việc quốc gia dân tộc ra đời. Ở ta là thời kỳ hình thành nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Trong khi đó, trong cuốn sách này, GS. Trần Ngọc Thêm có nói đến một giai đoạn gọi là giai đoạn tiền sử. Đưa tiền sử thành một giai đoạn chính thức của lịch sử văn hoá Việt Nam theo tôi là không đúng.
Mà trong phần này tác giả đi rất xa, đề cập tới cả quá trình hình thành loài người, quá trình xuất hiện chủng tộc. Như vậy thì xa quá. Và GS. Thêm đưa ra giả thuyết là Việt Nam nằm trong cái nôi hình thành loài người. Tài liệu này không cập nhật. Thông tin mới nhất thì cái nôi hình thành loài người ở Đông Phi, cụ thể là các tài liệu khảo cổ học về khu vực Tanzania, Kenia. Tuy nhiên dù con người hình thành ở Đông Nam Á hay ở Đông Phi đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng gì tới sự hình thành và thời kỳ đầu của văn hoá Việt Nam vì nó xa quá.
Trong phần này, GS. Thêm cũng nói về nguồn gốc chủng tộc. Cũng còn xa lắm. Trước đây người ta cho rằng các chủng tộc hình thành vào hậu kỳ đồ đá cũ, các đây 4 vạn năm. Sau này các nghiên cứu mới cho rằng cách đây từ 10 cho tới 16 vạn năm. Cũng chưa có gì liên quan tới văn hoá Việt Nam.
Trong cuốn sách này, GS. Thêm cũng nói về văn hoá Hòa Bình thuộc thời kỳ đồ đá giữa, nơi xuất hiện trung tâm nông nghiệp sớm nhất của loài người cách đây một vạn năm. Tôi thấy vẫn còn xa. Làm thế nào chứng minh được người Việt từ những bộ lạc Hòa Bình mà ra? Theo tình hình tôi nắm được thì quốc gia dân tộc sớm nhất trên thế giới là quốc gia thuộc Ai Cập vào thời kỳ đá đồng, chưa phải đồng thau. Các quốc gia khác trên thế giới có hình thành cũng thuộc thời kỳ đồ đồng, dù đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Cận Đông, hay Việt Nam.
Theo tôi, khi nói đến tiến trình văn hoá Việt Nam thì thời kỳ đầu của nó nên là Văn Lang – Âu Lạc. Tất nhiên trước đó cũng có thể nói gì đó về văn hoá trước đó mà nó tiếp tục. Chứ không thể nói rằng có một thời kỳ trong văn hoá Việt Nam là giai đoạn tiền sử.

5. Cơ tầng văn hóa Việt Nam và nền văn hoá phương Nam
5.1. Đây là vấn đề rất hay nhưng vô cùng phức tạp.
Văn hoá của bất kỳ dân tộc nào cũng gồm nhiều lớp. Lớp sâu nhất, cốt lõi, cơ bản nhất, từ đó hình thành nên bản sắc văn hoá dân tộc được gọi là lớp văn hoá cơ tầng (tiếng Pháp gọi là substrat). Trong quá trình phát triển, qua sự giao lưu văn hóa, văn hóa của các tộc người xung quanh được tiếp thu để bổ sung thêm vào, ví dụ ở ta sau này là văn hóa Hán, văn hóa phương Tây. Phần văn hóa tiếp thu được sau này từ các tộc người xung quanh gọi là adstrat – phần cộng thêm.
Đây là vấn đề rất hay và cốt lõi mà khi nghiên cứu văn hóa không thể bỏ qua. Đối với Việt Nam, văn hóa cơ tầng là gì?
Vấn đề này rất phức tạp. Tôi xin trình bày tóm tắt như thế này.
Người đầu tiên đề xuất vấn đề này là Hồng y giáo chủ W. Schmidt, giám đốc Bảo tàng Dân tộc học của Tòa thánh Vatican, ông sáng lập trường phái riêng trong dân tộc học với thuyết gọi là phụ quyền nguyên thủy, nhất thần giáo nguyên thủy, tư hữu nguyên thủy, suốt đời nghiên cứu về tôn giáo phục vụ tòa thánh Vatican. Xuất thân là nhà ngôn ngữ học, năm 1907 ông đăng trên tạp chí Viễn Đông bác cổ bài báo có tên “Những cư dân nói ngôn ngữ Môn-Kh’mer, dấu vết của những dân tộc Trung Á và Nam Đảo”, tiếng Pháp là “Les peuples Mon-Khmers, trait d'union entre les peuples de l'Asie centrale et de l'Austronésie”[2], trong đó ông ta nêu ra luận điểm về sự tồn tại của ngữ hệ Nam Á. Người Nam Á chia làm hai nhánh, nhánh ở phía Đông là Môn-Khmer và ở phía Tây là Munda. Người Môn-Khmer sinh sống ở địa bàn Đông Dương, Đông Nam Á lục địa và một phần ở Nam Trung Quốc. Người Munda (Santali) sinh sống ở Viễn Đông, vùng bang Asam của Ấn Độ. Ông cho rằng văn hóa của cư dân nói ngôn ngữ Nam Á là cơ tầng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Sau này, một số nhà khoa học các ngành khác đã tiếp thu luận điểm này để rồi phát triển lên. Một trong số những người đó là nhà khảo cổ học người Áo Robert Heine-Geldern (1885-1968). Ông cho rằng xét theo hình dáng các loại rìu có thể phân biệt ba loại văn hóa khác nhau: Loại thứ nhất là cư dân sử dụng các loại rìu bình thường; loại thứ hai là người Môn-Kh’mer sử dụng rìu có vai; loại thứ ba là người Nam Đảo dùng rìu có tiết diện hình tứ giác[3].
Năm 1961, khi viết luận án về Các dân tộc nói tiếng Môn-Khmer, tôi có viết chương một về vấn đề Nam Á và cơ tầng văn hóa người Việt[4]. Thời kỳ này theo tôi là cơ tầng văn hóa của người Việt. Sau này, tôi thấy rằng cơ tầng văn hóa Việt Nam không chỉ là cơ tầng văn hóa Nam Á mà còn phải là của cả văn hóa Nam Đảo. Và chính W. Schmidt năm 1907[5], ngoài luận điểm Nam Á, cũng đã đề xuất luận điểm ngữ hệ Nam phương (gồm một bên là ngữ hệ Nam Á, một bên là ngữ hệ Nam Đảo) gọi là Langues Austrics. Cho nên bây giờ cần bổ sung thêm vào cơ tầng văn hóa Nam Á của người Việt phần văn hóa của cư dân Nam Đảo là người Malayo-Polinesien, chủ nhân của loại rìu tiết diện hình tứ giác.
Tất nhiên là để nghiên cứu cơ tầng văn hóa có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng hiệu quả nhất hiện nay là phương pháp sử dụng ngữ hệ của ngôn ngữ học.
Như vậy, cơ tầng văn hóa của các dân tộc Việt Nam là văn hóa của cư dân nói ngôn ngữ Nam phương gồm các dân tộc nói ngôn ngữ Môn-Khmer và ngôn ngữ Nam Đảo.

5.2. Liên quan tới cơ tầng văn hóa Việt Nam là vấn đề phân vùng văn hóa. Vấn đề phân vùng văn hóa Việt Nam được trình bày trong cuốn sách này không phải là sai. Nó được tiếp thu từ các kết quả nghiên cứu của Ngô Đức Thịnh, Nông Quốc Chấn, Đinh Gia Khánh. Tuy nhiên tôi chưa thỏa mãn. Theo tôi phải thêm vào đây 3 vùng nữa:
(1) Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội phải tách thành một vùng văn hóa riêng chứ không thể để nó như một tiểu vùng nằm trong vùng văn hoá đồng bằng và trung du Bắc bộ. Vì nó có tác dụng lớn đối với cả nước. Nó hội tụ tinh hoa văn hóa toàn quốc để phát triển lên. Và lại phát tán văn hóa của mình ra cả nước.
2. Văn hóa xứ Huế cũng không thể để chung trong vùng văn hoá miền Trung. Văn hóa Huế tiếp thu văn hóa Thăng Long và phát triển thành một thứ văn hóa khác. Thêm nữa đây là văn hóa cung đình.
3. Văn hóa Sài Gòn - Gia Định cũng vậy, tại sao để nó trong vùng văn hoá Nam Bộ? Với vị trí của mình, Sài Gòn - Gia Định cần được tách ra thành một vùng văn hóa riêng.
Do vậy, theo tôi, ngoài 6-7 vùng văn hoá như GS. Thêm đã trình bày, cần lưu ý bổ sung thêm 3 vùng văn hóa đô thị lớn mà tôi vừa nêu trên.

6. Cấu trúc xã hội truyền thống Việt Nam
Cấu trúc xã hội truyền thống Việt Nam là “Làng - Nước - Đô thị” hay là “Nhà - Làng - Nước”? Trong cuốn sách này, GS. Trần Ngọc Thêm nêu lên cấu trúc rất hay, rất đúng. Nhưng xác định cấu trúc xã hội truyền thống Việt Nam gồm ba thành tố “làng - nước - đô thị” thì cần xem xét lại. Làng thì đúng rồi. Nước thì cũng đúng. Nhưng đô thị thì cần bàn thêm.
Trong lịch sử nước ta, vai trò của đô thị là không thể phủ nhận được. Vấn đề Hội An, vấn đề Phố Hiến, rồi Thừa Thiên - Huế quê tôi… Thăng Long với 36 phố phường sầm uất, không thể phủ nhận. Nhưng đô thị Việt Nam yếu lắm, có những đô thị chỉ là trung tâm hành chính. Nó èo uột, không thể vượt lên. Nó tàn lụi, kém sức sống giữa mênh mông công xã nông thôn. Một mặt thì không thể phủ nhận vai trò đô thị, nhưng mặt khác cũng chưa thể công nhận đô thị như một mắt xích trong cơ cấu xã hội truyền thống Việt Nam.
Bây giờ ta nói đến nông thôn cũng là đúng thôi. Vì trong sự nghiệp đổi mới, muốn đưa nông thôn lên thì phải đô thị hóa. Nhưng không phải vì thế mà đề cao quá vai trò của đô thị.
Đô thị không thể là mắt xích được. Nếu đã là mắt xích thì nó không thể thiếu được. Trong khi đó, vắng đô thị thì Việt Nam vẫn phát triển như thường.
Tôi không đồng ý với quan điểm của tác giả đặt nhẹ vấn đề nhà, đặt vấn đề nhà chưa đúng tầm của nó. Nhà phải là một mắt xích trong cấu trúc truyền thống của dân tộc ta. Nói rộng ra là dòng họ nữa. Dòng họ quan trọng lắm, càng ngày càng quan trọng và đến bây giờ càng quan trọng. Nhà rồi đến nước chứ: Nhà nước – l’état, nation, государство. Phải có hai yếu tố là gia đình và nước để cùng nhau làm thủy lợi. Không thể coi nhẹ hai yếu tố này. Chúng ta có đạo luật về gia đình. Làng có đâu. Rồi nước mới có luật. Do đó, theo tôi không thể coi nhẹ yếu tố gia đình.
Nhà hiện nay đang phát triển theo đà giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài là rất nguy. Vừa rồi đọc báo thấy có một đám cưới hai cô gái 19 tuổi đồng tính. Chức năng của gia đình là tái sản xuất nòi giống, là đẻ con, mà hiện nay ở châu Âu người ta có còn coi trọng đâu? Nếu coi chức năng của gia đình là kinh tế mà gia đình khi tan khi hợp thì làm sao có động lực làm kinh tế được? Rồi chức năng còn giáo dục, chức năng văn hóa, chức năng xã hội của gia đình thì sao? Ở ta gia đình còn có chức năng thờ cúng tổ tiên. Cho nên coi nhẹ mắt xích này là không được. Đề nghị tác giả xem lại vấn đề này.

7. Vấn đề tam giáo đồng quy và tam giáo đồng hành
Đây là vấn đề rất hay. Các cụ chúng ta ngày xưa tiếp thu văn hóa Trung Quốc nên nói Việt Nam cũng có tam giáo đồng quy, tam giáo đồng hành.
Tôi thấy trong phần này GS. Trần Ngọc Thêm đã có một bước tiến rất hay, rất độc đáo. Ông cho rằng Nho giáo không phải là tôn giáo. Nho giáo là hệ thống học thuyết về xã hội, về chính trị, về đạo đức, về luân lý. Tôi rất tâm đắc với nhận định này của GS. Thêm. Tôi cũng thấy làm tiếc vì GS. Thêm đã không đẩy thêm xa nữa ý kiến của mình về vấn đề này.
Ông nói thế, nhưng vẫn giữ quan niệm tam giáo đồng quy, tam giáo đồng hành. Theo tôi, ở Việt Nam ta không có cái gọi là tam giáo. Có loại giáo là tôn giáo, ví dụ Phật giáo, Đạo giáo. Có loại giáo không phải tôn giáo, nó là giáo dục con người để củng cố địa vị xã hội. Hai cái giáo này khác nhau. Do vậy ở Việt Nam chỉ có nhị giáo mà thôi.
Riêng về Đạo giáo, GS. Trần Ngọc Thêm cũng có cái nhìn rất hay. GS. Thêm phân biệt Đạo gia và Đạo giáo. Đạo gia là trường phái triết học, đứng đầu là Lão Tử. Tác phẩm tiêu biểu của Lão Tử là Đạo đức kinh. Còn Đạo giáo là tôn giáo. Cả đạo gia và đạo giáo đều do môt người làm chủ. Nhưng hai ông này khác nhau. Một bên là nhà triết học thực sự, còn một bên gọi là Lão Tử, nhưng thực ra là Thái Thượng Lão Quân. Đạo giáo bên Trung Quốc có hai ngành là ngành tu tiên và ngành đồng bóng. Khi truyền sang ta chủ yếu là ngành đồng bóng. Như vậy truyền sang ta chỉ được 50%.
Còn Phật giáo là tôn giáo 100%.
Như vậy, theo tôi ở Việt Nam không có tam giáo, mà nhị giáo cũng không trọn vẹn, rút cục chỉ có một giáo rưỡi thôi.
Chúng ta tiếp thu văn hóa của người ta, nhưng chúng ta tiếp thu độc lập và có những suy nghĩ mới, chứ không thể như trước. Bây giờ trong Văn Thánh, chúng ta thờ Khổng Tử, ở đây cũng có vấn đề tế nhị. Nhưng tại sao phải thờ 72 vị tiên hiền là các học trò của ông ấy? Đưa Chu Văn An vào là thờ tốt rồi. Nhưng tại sao không đưa những người khác vào thờ? Hồ Chí Minh sao không đưa vào? Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Phan Huy Chú sao không đưa vào? Rồi Thân Nhân Trung, chỉ cần một câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” toàn những chữ vàng cũng đã đủ xứng đáng để đưa vào, sao không đưa? Vấn đề này chúng ta cũng cần suy nghĩ thêm.
Một số bình luận của GS. Thêm về đạo gia tôi cũng chưa thật chia sẻ. Ví dụ về những người theo đạo gia mà GS. Thêm dẫn chứng như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ. Theo tôi, các ông ấy cũng không phải tự tại, trở về với thiên nhiên. Chu Văn An cáo quan về quê sớm vì không được công nhận. Ông dạo chơi với thiên nhiên, nhưng lòng ông đau đáu với nỗi đau, với vận mệnh đất nước. Nguyễn Công Trứ về hưu ở Nghi Sơn, rồi dùng cái mo cau để giễu đời. “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Ông ấy nói thế thôi. Đầu thai làm kiếp khác, ông vẫn nhập thế cho coi. Ông từ dân thường lên thượng thư, lên voi xuống chó, vẫn đau đáu với cuộc đời. Do đó, nhàn tản của ông này không phải theo tư tưởng của Đạo giáo, mà theo tư tưởng của Khổng giáo.
Tiện đây, GS. Thêm có bình luận câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là để lợi ích quốc gia sau lợi ích thế giới. Tôi cho là không phải, nói thế thôi, nhưng vẫn là lấy lợi ích thế giới để phục vụ cho lợi ích quốc gia của mình. Không phải là coi trọng lợi ích thế giới hơn lợi ích quốc gia.

8. Có hay không đạo thờ tổ tiên?
GS. Trần Ngọc Thêm tâm đắc về điểm này và cho là một điểm hay trong văn hóa dân tộc.
Người đầu tiên đề xuất quan điểm này là GS. Đặng Nghiêm Vạn và thuyết phục được mọi người. Và tôi cũng tán thành quan điểm này ngay từ đầu.
Thờ cúng tổ tiên đầu tiên phải theo dòng họ, hoặc theo mẫu hệ, hoặc theo phụ hệ. Do đó, thờ cúng tổ tiên thì thấp nhất là trong gia đình, cao nhất là trong dòng họ. Không có trong làng xã hay trong đất nước. Cái hay ở Việt Nam là mở rộng ra, không chỉ thờ cúng tổ tiên trong gia đình, mà còn thờ cả trong làng, ở đây ý là thờ ông Thành Hoàng. Đây là nói nhân thần. Nhưng chỉ trong phạm vi một dòng họ thôi. Còn trong làng có biết bao dòng họ. Làng xã có hai quan hệ chính là quan hệ dòng họ và quan hệ láng giềng. Ông Thành Hoàng chỉ là ông tổ của một dòng họ, không thể là ông tổ của tất cả các dòng họ trong làng, nên không thể nói là mở rộng ra. Đó là ngụy biện, không phù hợp với tinh thần khoa học. Còn nói thờ Vua Hùng là thờ ông tổ của 54 dân tộc thì không phải. Thờ Vua Hùng là rất đúng, và cần, nhưng là thờ với góc độ vị vua sáng lập đầu tiên của một quốc gia 54 dân tộc, người đặt nền tảng đầu tiên cho nước Việt Nam đa dân tộc, nguồn gốc cho sức mạnh của dân tộc ta, chứ không phải là vị vua thủy tổ của 54 dân tộc.
Ta là người Việt, ta nói: Tôi ăn cơm. Người Myanmar nói: Tôi cơm ăn. Ta nói thịt lợn. Người Dao nói lợn thịt. Người La Chí có tục phụ tử liên danh, tên của cha thành họ của con, tên của con thì thành họ của cháu, cứ như vậy phụ tử liên danh. Người Khmer dùng hệ đếm đến 5, rồi 5+1, 5+2..., còn ta thì đếm đến 10... Chứng tỏ đó là những dân tộc khác nhau, rồi còn các dân tộc từ nơi khác đến. Do đó, ta nói Vua Hùng là tổ tiên của họ thì họ không thể thông suốt được.
Lịch sử của chúng ta có một đặc điểm là càng về trước thì các yếu tố thần thoại và yếu tố lịch sử càng đan xen chặt chẽ. Nhưng trong quá trình phát triển thì càng về sau yếu tố đan xen càng yếu đi và yếu tố khác biệt càng tăng lên. Bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta có nhiệm vụ trả lại bức tranh lịch sử ngày càng rõ ràng, càng gần với thực tế. Lịch sử chúng ta nói thời kỳ Hùng Vương có 18 đời, vậy mỗi đời vua tới cả trăm năm.. Hoặc thời Lạc Long Quân và Âu Cơ, là Rồng mà lấy Tiên, rồi đẻ ra cái bọc 100 con trai... Ở đây cốt lõi chỉ là tinh thần đoàn kết dân tộc, chứ vấn đề lịch sử không đặt ra. Càng về sau này, lịch sử của chúng ta càng gần với thực tế hơn.
Do vậy, đối với tôi không tồn tại cái gọi là đạo thờ tổ tiên. Mà nếu có đạo thờ tổ tiên thì nó chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình dòng tộc, không thể mở rộng ra ở cấp độ làng xã hay quốc gia được.

9. Quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam là gì?
Quy luật phát triển là vấn đề rất lớn trong văn hóa. Vậy quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam là gì?
Theo tôi có hai quy luật:
Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Cái này, GS. Trần Ngọc Thêm đã phản ánh trong cuốn sách của mình một cách rất cách ngắn gọn, rất hay. Đấy là một quy luật phát triển của văn hóa ta. Làm thế nào để kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa, đó là một mặt không xoay lưng lại với quá khứ và một mặt là không phủ định cái hiện tại. Cái này tôi thấy đúng.
Nhưng còn một quy luật nữa, GS. Thêm không đề cập tới, hoặc đề cập nhưng chưa bàn thấu. Trong cuốn sách này có những đoạn GS. Thêm bàn tới sự thống nhất trong đa dạng. Thế nhưng đọc kỹ mới hóa ra rằng sự thống nhất trong đa dạng mà GS. Thêm nêu ra là khi đề cập tới mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Đông Nam Á. Cái này thì tôi hoàn toàn nhất trí. Theo các học giả Liên Xô cũ thì từ hậu kỳ đồ đá cũ, Đông Nam Á đã là một khu vực lịch sử - dân tộc học. Ý GS. Thêm cũng chỉ ở điểm này thôi.
Vấn đề cốt lõi ở đây là sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Việc vấn đề chưa được coi trọng đúng mức trong cuốn sách này là điều rất dễ hiểu. Vì trong cuốn sách này GS. Thêm chưa coi trọng đúng mức một đặc điểm là Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Có nhận thức được một cách đầy đủ về tính đa dân tộc của Việt Nam thì mới dẫn đến luận điểm rằng một trong những quy luật phát triển của Việt Nam là tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Sự thống nhất thì đúng rồi. Đối với Việt Nam ta, mọi hành động, lời nói ly khai đều là có tội với Tổ Quốc. Còn sự đa dạng là cái độc đáo, sức mạnh, lực hấp dẫn của văn hóa Việt Nam đối với các dân tộc khác.
Cái đa dạng này đang chịu sự tác động luận điểm của Lenin. Lenin cho rằng “hoan nghênh tất cả các sự đồng hóa, trừ đồng hóa bằng cưỡng bức”. Sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta càng ngày càng khuyến khích các dân tộc phát huy bản sắc dân tộc của mình. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những sự đồng hóa tự nhiên, ví dụ ở Tây Bắc người Xinh-mun đang đồng hóa với người Thái, ở Thanh Hóa người Ơ Đu đang đồng hóa với người Khơ-mú... Người Xinh-mun thoạt đầu đồng hóa về vật chất (nhà cửa, áo quần, công cụ...), sau chuyển sang đồng về hóa tinh thần (tiếng nói, thờ cúng...). Chúng ta không phản bác luận điểm của Lenin về đồng hóa tự nhiên, tuy nhiên điều đó thực tế đang vi phạm quy luật về sự đa dạng. Đảng và Nhà nước phải có biện pháp làm chậm lại quá trình đồng hóa tự nhiên.
Như vậy, quy luật phát triển của Việt Nam là thống nhất trong đa dạng và kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại.

10. Mô hình phát triển của văn hóa Việt Nam
Sau khi phát hiện ra các quy luật phát triển, thì cuốn sách này phải đề cập tới mô hình phát triển. Vậy văn hóa Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình nào?
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, do vậy mô hình phát triển là đa ngôn ngữ và đa văn hóa. Vì ngôn ngữ là một dạng đặc biệt của văn hóa. Do vậy có thể nói mô hình phát triển của Việt Nam là mô hình đa văn hóa. Trong mô hình đó, văn hóa dân tộc đa số và văn hóa các dân tộc thiểu số không đối chọi nhau, không tiêu diệt lẫn nhau, mà nương tựa vào nhau, tương tác với nhau, bổ sung cho nhau cùng phát triển.

11. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam ở đâu?
Ta vẫn nói, sức mạnh của dân tộc ta là lòng yêu nước. Nhưng nó chưa đủ. Vì có dân tộc nào trên thế giới lại không yêu dân tộc mình.
Sức mạnh Việt Nam nằm ở văn hóa Việt Nam. Nhiều người nước ngoài cũng công nhận Mỹ thua Việt Nam là do chưa hiểu văn hóa Việt Nam. Ngoài ra còn có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Còn một vấn đề rất khó mà tôi hy vọng rằng với sức trẻ của mình, GS. Trần Ngọc Thêm sẽ giải quyết được, đó là cái gì làm cho văn hóa Việt Nam mạnh mẽ tới mức chiến thắng cả các đế quốc lớn đến thế?
Vấn đề này tôi vẫn còn chịu, chưa tìm ra. GS. Cao Xuân Huy, thầy của tôi, có một ý rất hay và GS. Trần Ngọc Thêm cũng đã trích dẫn: tư tưởng và sức đoàn kết của văn hóa Việt Nam như sức nước, khi thì nhẹ nhàng, khi thì mạnh bạo. Hình tượng nước như là tư tưởng giúp văn hóa Việt Nam mạnh mẽ, bất diệt.

***

Trên đây là phần lược ghi bài nói của GS. Phan Hữu Dật. Phần trả lời và tiếp thu của GS. Trần Ngọc Thêm xin dành cho GS. Thêm tự trình bày.

Chú thích:
[1] X. tr. 4 bản in năm 1999 của NXB Giáo dục.
[2] Schmidt W. 1907: Les peuples Mon-Khmers, trait d'union entre les peuples de l'Asie centrale et de l'Austronésie (traduit de l'allemand par J. Marouzeau). – Hanôi: BEFEO, tome VII.
[3] X.: Heine-Geldern R. Gibt es eine austroasiatische Rasse? (Archiv für Anthropologie (XLVI), 1921, pp. 79-99); Research on Southeast Asia: Problems and Suggestions (American Anthropologist (XLVIII), 1946, pp. 149-174).
[4] X.: Phan Hữu Dật. Các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. - Tin tức hoạt động khoa học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), số 3, 1964
[5] X. chú thích 2.
RANDOM_AVATAR
ntngan
 
Bài viết: 579
Ngày tham gia: Thứ 7 22/11/08 6:24
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 5 lần

Re: GIAO LƯU VỚI GS.VS.TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

Gửi bàigửi bởi quangduy999999 » Thứ 2 06/06/11 21:11

Kính gửi thầy Thêm

Em là sinh viên khóa 3, khoa Văn hóa học.

Trong bài trả lời phỏng vấn cho t/c Du lịch và đầu tư Ứng xử của cộng đồng với khách du lịch nước ngoài: Cần một cái nhìn thoáng, thầy có nói:
Con người Việt Nam trước đây khi sống trong cộng đồng thì rất coi trọng tinh thần và coi nhẹ vật chất. Nhưng khi con người bị bứt ra khỏi làng xã, đi vào thành phố, nơi không ai quen biết ai, thì tính cá nhân trước đây bị kìm hãm nay có điều kiện phát triển mạnh. Nhưng lại chưa đủ phát triển thành cá nhân theo kiểu người phương Tây (cá nhân cạnh tranh nhau, giúp cho xã hội cùng tiến lên). Mà là cá nhân vì cá nhân, cho nên sinh ra tính vị kỷ, trong điều kiện kinh tế thị trường trở thành xu hướng thực dụng chạy theo đồng tiền.

Thầy cho em hỏi: cá nhân cạnh tranh theo kiểu phương Tây là sao, và vì sao nó thúc đẩy xã hội phát triển?
Còn cá nhân Việt Nam sao lại là cá nhân vì cá nhânvì sao nó lại sinh ra tính vị kỉ?

Em cám ơn thầy.
RANDOM_AVATAR
quangduy999999
 
Bài viết: 42
Ngày tham gia: Thứ 7 17/10/09 10:32
Cảm ơn: 0 lần
Được cám ơn: 0 lần

Trang trước

Quay về NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron