Ca khúc: DIỄM XƯA
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Người con gái Huế với sự dịu dàng, nét mong manh đến thanh khiết như cơn mưa đầu hạ đã làm xao xuyến trái tim đa cảm của người nghệ sĩ Trịnh Công Sơn, khơi mạch nguồn cảm xúc cho "Diễm xưa"…
Ở Huế, tiết trời luôn thoang thoảng trong không khí của buồn vương man mác, của những chuyến mưa ngang qua trời giông, những chuyến đò đưa khúc vui buồn của người nghệ sỹ. Tình yêu, đôi khi được khơi nguồn một cách thầm lặng chỉ từ một cơn mưa.
Bức tranh Diễm xưa của họa sỹ Đoàn Thạch Biền
Những cơn mưa ngắn, những cơn mưa dài. Có cơn mưa ào ào gõ sầm sầm đều như mõ trên những tàu lá chuối, có cơn mưa chỉ rả rích nhẹ nhàng như phây phẩy chút ướt át lên mặt đất, tưới vào lòng người những bâng khuâng. Tình yêu của Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông dành trọn vẹn sự chân thành của mình cho Huế, mưa và người con gái dưới hàng cây long não thuở nào. (*)
Trong Diễm xưa ẩn chứa một tình yêu mang đầy nuối tiếc. Vả chăng đó là sự ý thức của thời gian, của sự tàn phai và trong đó bao gồm tất cả những tâm tư người nghệ sĩ.
Mưa vẫn mưa trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thu mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Trong cơn mưa bay nhạc sĩ ôm Huế với những lăng tẩm, đền đài, thành quách vào lòng. Huế với người con gái tà áo dài vương đầy bóng đổ, bay ngang một chiều trong cơn gió lạc, cứ phảng phất cô liêu.
Huế - mưa...
Nguồn: imeem.com
Huế với mưa! Tất cả cứ như một điệp khúc trở đi trở lại trong tâm trí người, để nghe và mường tượng ra khung cảnh nên thơ ấy. Một chiều như bất kì chiều nào trên đất Huế, mưa cứ dài thêm, con đường hun hút, có bước chân người con gái xưa ấy đi ngang qua vội vã âm thầm trong chiều thu nặng đầy tiếng mưa…
Mưa như thấm lạnh hình dáng mỏng manh, như thổi dạt tấm thân ngà ngọc, mưa như đẩy lá trút xuống xào xạo phía dưới mòn đôi gót nhỏ, con đường như lại càng dài hơn, xa hơn và mù mịt.
Sắc xanh của lá, màu trắng đục của mưa, sự thâm trầm rêu phong của những tầng tháp cổ và gót chân hồng bước vội vã đã hòa thành một bức tranh nhuộm tâm hồn người nghệ sĩ buồn đến nao lòng, buồn đến xót xa…
Ngôn từ Diễm xưa tựa như lời luyến tiếc những kỉ niệm đã trôi qua, giống như sau mỗi cơn mưa bụi đường đều được rửa sạch. Thì thời gian cũng như những cơn mưa, đó là sự tàn phai, xóa nhòa dấu vết.
Và đôi khi những kỉ niệm lại trở về trong một khung cảnh cũ cứ khứa sâu thêm vào vết thương xưa chưa kịp lành. Để khiến ta mong chờ, hy vọng, khắc khoải, và rồi dần dần ngập sâu trong màn kí ức chống chếnh những cơn đau..
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Trải suốt cuộc tình là những cơn mưa, mưa khiến người con gái nhòa vào khung cảnh bỗng thành nên thơ, mưa khơi gợi kỉ niệm khiến kí ức rơm rớm nỗi buồn thương lặng lẽ, những hẹn hò nhưng không mang nhiều hứa hẹn dần tàn phai.
Cuộc đời vẫn xoay vần, những cơn mưa đến rồi đi cứ như một lời ru cho cuộc đời tục lụy thoát vui buồn lẩn khuất. Sự dàn trải, bao phủ và thẩm thấu của mưa với những miền đất nơi nó đi qua không chỉ làm mặt đất bớt cằn khô, mưa như song hành với người nghệ sỹ, để mỗi khi bước chân đi qua một thành phố lạ, cơn mưa quen thuộc ấy sẽ làm cho người phiêu lãng quên mình lãng du.
Bởi với Trịnh Công Sơn mỗi cuộc đời là những chuyến đi và có lẽ trong đôi mắt sâu thăm thẳm ấy, trong hình dáng hao gầy ấy hành lý mỗi chuyến đi của đời người là kỉ niệm…
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Có lẽ những cơn mưa Huế sẽ mãi dai dẳng không bao giờ hết, những tâm hồn khao khát tình yêu, chân thành chờ đợi, dai dẳng âm thầm cũng thế. Thứ tình cảm khiến cho ta có thể yếu mềm đến khóc, lại cũng có thể khiến ta vững chãi đến kì lạ ấy luôn luôn tồn tại trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn tính cách của ông: thâm trầm, lặng lẽ, dõi theo và chờ đợi. Giống như mưa Huế dài đến tư lự và mênh mông bao trùm.
Thu thoáng chút ngập ngừng bên ban công cửa sổ, những hạt mưa long lanh đậu rụt rè nửa muốn ở lại nửa muốn rơi trên mái hiên, tâm hồn được nhuốm xanh màu lá ướt đẫm nhẹ nhàng như hơi thở, con đường sạch bụi nhấp nhoáng nước in bóng dài những hàng cây yên ả. Những rung rộng nhảy nhót trong tim vang lên như tiếng piano thánh thót, đó chính là mùa thu của Huế, có khi nào bạn bắt gặp không?
Mặc dù, hầu như tất cả những nụ hồng trong thế giới nhạc Trịnh đều là những nụ hồng phai, nụ hồng ẩn dấu trong nó ít nhiều phôi pha, héo úa thì ông vẫn trông ngóng một tin vui nào đó sẽ tới, trông mong một hạnh phúc sẽ về … Bước chân em xin về mau...
Bởi như như là một triết lí ông đã khẳng định trong âm nhạc của mình rằng: Làm sao em biết bia đá không đau/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.
Tình yêu, mưa, Huế và Trịnh Công Sơn là mối duyên kì ngộ được tạo ra bởi Diễm, người con gái của những ngày xưa, vẫn thong thả đi về dưới hàng cây long não…
An An
(*) "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng, và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có những tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung.
Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kĩ.
Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Nó không cám dỗ như trốn phồn hoa đô thị nhưng nó là mạch nguồn của một nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực.
Nhưng sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm thêu hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.
Đó cũng là thời gian mà mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyến đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.
Thời gian trôi đi ở nơi đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đều đặn mỗi ngày dưới hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái ấy đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa."
Trịnh Công Sơn (Thế Giới Âm Nhạc- tháng 3-1997) - Trịnh Công Sơn- Ngôn ngữ & những ám ảnh nghệ thuật
Nguồn: tuanvietnam.com
Lời ca khúc: DIỄM XƯA
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Mưa vẫn bay bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Mời nghe ca khúc tại đây:
http://music.yeucahat.com/song/Overseas ... nh-Ly.html