Print this page
Saturday, 16 July 2011 14:54

Đinh Thị Dung. Hồ Chí Minh và hành trình kết nối văn hóa Đông Tây

Người post bài:  TT VHH

 

 

 

HỒ CHÍ MINH VÀ HÀNH TRÌNH KẾT NỐI
VĂN HÓA ĐÔNG - TÂY

Đinh Thị Dung *

Hồ Chí Minh  là vị anh hùng dân tộc đồng thời Người cũng là một danh nhân văn hóa. Nhìn từ góc độ văn hóa, định hướng tìm đường cứu nước và hoạt động của  Hồ Chí Minh  có vai trò hết sức quan trọng đặc biệt là trong quá trình tiếp xúc giao lưu và tiếp biến với văn hóa phương Tây nói chung và văn hóa Pháp nói riêng.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã định hướng sang phương Tây, để bắt đầu cho cuộc hành trình cứu nước giải phóng dân tộc, cũng từ phương Tây Người tiếp nhận  một cách sáng tạo nhiều giá trị tiên tiến của nhân loại để làm phong phú hơn cho nên văn hóa Việt Nam. Cuộc đời của Người đã là mẫu mực của sự giao lưu kết nối văn hóa, mà chúng ta có thể học tập nhiều bài học kinh nghiệm trong bối cảnh đối thoại đa văn hóa, và toàn cầu hóa văn hóa hiện nay.

 

dinh-thi-dung-ho-chi-minh-va-hanh-trinh-ket-noi-van-hoa-dong-tay
 

 

Dẫn nhập

Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày anh thanh niên yệu nước Nguyễn Tất Thành ra đi mở đầu cuộc hành trình cứu nước vĩ đại. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, viết về cuộc hành trình cứu nước ấy cũng như vai trò và đóng góp của Hồ Chí Minh trên nhiều bình diện trong lịch sử. Bài viết này chỉ đề cập đến những đóng góp quan trọng của HCM nhìn từ góc độ nối kết quan hệ văn hóa Đông Tây trong thời cận - hiện đại. Chính sự chủ động trong tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến các giá trị văn hóa phương Tây, Hồ Chí Minh đã phát huy được bản lĩnh văn hóa Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ văn hóa Đông Tây chuyển sang một bước phát triển về chất. Và chuẩn bị tư thế cũng như tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của văn hóa phương Tây.  Qua những tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh đã phổ biến, và tuyên truyền những giá trị phương Tây đến nhân dân, tìm ra hướng đi mới hiệu quả cho phong trào cách mạng Việt Nam , cuối cùng là  làm phong phú  hơn cho nền văn hóa Việt.

 Tìm hiểu về quan hệ văn hóa Đông Tây qua hoạt động của Hồ Chí Minh, cũng nhằm khẳng định hơn nữa những đóng góp toàn diện và quan trọng của chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tiến trình lịch sử và lịch sử văn hóa Việt. Tầm nhìn xa trông rộng của Người, chiến lược văn hóa vượt thời đại của HCM luôn là bài học kinh nghiệm  để học tập và phát huy trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa.

Từ thế kỷ XIX, Việt Nam là thuộc địa của Pháp, vì thế xu hướng bảo vệ văn hóa của quốc gia dân tộc chống xâm lược và các yếu tố văn hóa ngoại lai là chủ đạo, nhưng Hồ Chí Minh  đã không bài ngoại mù quáng, Người đã vượt qua được   ý thức hệ cũ kỹ của các nhà nho Việt Nam yêu nước đương thời, tiếp cận các giá trị tư tưởng tiến bộ của văn hóa Tây Phương  với mục đích tìm con  đường giải phóng dân tộc hiệu quả nhất.

1.        Hồ Chí Minh với định hướng tìm đường  cứu nước sang phương Tây, tiếp cận các giá trị văn hóa   phương Tây.

Đầu thời cận đại, khi phương Tây đã kỹ nghệ hóa, các nhân tố tư bản chủ nghĩa đã phát triển mạnh mẽ, thì phương Đông vẫn còn chưa biết nhiều đến những giá trị mà cách mạng công nghiệp mang lại, vẫn bế quan, chối từ mọi đề nghị giao thương gặp gỡ với bên ngoài. Hệ quả là từ thế kỷ XVI, các nước phương Tây với nhu cầu thị trường ,thuộc điạ đã dùng vũ lực để xâm nhập vào Á châu. Việt Nam cũng không là ngoại lệ  khi rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp. Hồ Chí Minh  không phải là người đầu tiên nhận thức đúng đắn về sự tương quan lực lượng Đông Tây, về khác biệt trình độ phát triển Đông Tây trong thời cận đại.  Nhưng Hồ Chí Minh là người đầu tiên  đã thấy được  sức mạnh của các giá trị vật chất tinh thần phương Tây trong bối cảnh này,và có quyết định dứt khoát về hướng ra đi tìm đường cứu nước. Quyết định đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc ta.

Người định hướng đi sang phương Tây tìm đường cứu nước. Đây là một  chọn lựa sáng suốt, phản ánh tầm nhìn chiến lược nhạy bén và khoa học của Hồ Chí Minh. Sinh ra trong một nhà Nho, trên một vùng đất đậm đặc truyền thống Hán học, Hồ Chí Minh đã không chọn con đường thành một ông Nghè, Người học chữ Hán và sau đó bỏ để theo nền học vấn mới (Pháp- Việt). Đó là một sự thay đổi môi trường văn hóa mới và bắt đầu cho một quá trình nối kết văn hóa Đông Tây có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.

 Từ thời niên thiếu , Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã khao khát tìm hiểu những đỉnh cao của văn hóa phương Tây. Đầu thế kỷ XX, các xu hướng, trào lưu tư tưởng tại Việt Nam nhìn chung còn có sự cách biệt với phương Tây. Cho đến khi chiến tranh thế giới I bùng nổ, văn minh phương Tây đã thể hiện sự ưu thắng của mình đối với phương Đông đang suy thoái và khủng hoảng .Các nhà Nho Việt yêu nước đã tìm cách tiếp cận với các giá trị Âu - Mỹ. Chúng ta thấy sau đó trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng đã có những chuyển biến tích cực. tầng lớp Tây học, những người đại diện cho phong trào dân tộc đầu thế kỷ, đã tiếp nhận những luống ánh sáng  tư tưởng tiền tiến ở phương Tây. Điều này, đã dẫn đến sự tự chuyển mình của hệ tư tưởng và chính trị Việt Nam. Từ chỗ có  nhiều hệ tư tưởng cùng tồn tại như Nho-Phật-Đạo, lịch sử tư tưởng Việt Nam bắt đầu tiếp cận trào tưu tư tưởng dân chủ tư sản tiên tiến của phương Tây, qua tân thư và tân văn . Phong trào học chữ quốc ngữ, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Âu hóa…thực nghiệp, bài trừ mê tín. Cuối cùng là hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, và sự ra đời hoạt động của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho thấy sự  khẳng định của một hệ tư tưởng  mới được  Việt Nam chọn lọc  tiếp biến từ phương Tây.

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành/ Hồ Chí Minh đã chọn đi sang phương Tây (Pháp) để tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, Người cũng nhận  thức sâu sắc về vấn đề tiếp biến, sáng tạo và làm phong phú thêm, tăng thêm sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

 Người cho rằng : “phương Đông hay phương Tây có cái gì hay cái gì tốt thì ta tiếp thụ, tiếp thụ có chọn lọc và phải biến thành thuần túy Việt Nam”[1]

Từ khi còn là một thiếu niên, Hồ Chí Minh  đã ý thức vai trò và  giá trị đỉnh cao của văn hóa phương Tây thời kỳ văn minh công nghiệp, khi theo học tại trường tiểu học Đông Ba Huế, Hồ Chí Minh  đã tìm hiểu về 3 chữ: Liberté- Égalité- Fraternité, trong Bản Tuyên ngôn nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789, những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã nhận thức được  rằng không chỉ là của cách mạng Pháp mà của cả nhân loại.

 Người đã quyết tâm học thật giỏi tiếng Pháp. Người  Pháp cũng phải thừa nhận điều này. Tài liệu công văn mật ghi số 140­­3ngày23-1 1920 của sở mật thám Trung kỳ cũng có nhận định về người tên Nguyễn Tất Thành đang ở Pháp là người “rất thông minh, nói giỏi tiếng Pháp…[2] ­­Ngườimuốn  đọc bằng tiếng Pháp, bằng ngôn ngữ Pháp để  hiểu sâu sắc văn minh văn hóa Pháp. Ngoài ra Người cũng học và  biết nhiều ngôn ngữ châu Âu khác. Hồ Chủ Tịch đã cho chúng ta biết: “ Vào trạc 13 tuổi lần đầu tiên  tôi đã nghe những từ Pháp Tự do- Bình đẳng –Bác Ái…Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”[3] Hồ Chí Minh đã đi sang Pháp, đã chọn phương Tây thay vì phương Đông làm điểm đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước của mình.

Xuất phát từ ý thức trên và bằng nghị lực phi thường Hồ Chí Minh đã đến Pháp tiếp thu, học hỏi những thành tựu mới nhất của nhân loại, những tiến bộ của văn hóa phương Tây. Với năng lực đặc biệt về ngoại ngữ, Hồ Chí Minh thông thạo nhiều ngoại ngữ châu Âu, Người đã đọc về những nền văn minh rực rỡ của thế giới Tây phương, từ văn minh Hy-La cổ đại đến văn hóa Phục Hưng, các trào lưu triết học, như trào lưu triết học Ánh Sáng của Pháp, những tư tưởng về nhà nước pháp quyền, về những cống hiến của nền dân chủ tư sản. Thực tế từ đầu thế kỷ XX, những tư tưởng tiến bộ của phương Tây (Pháp) như của Russeau, Montesquieu, Voltaire… đã truyền từ Pháp sang Việt Nam, trong các cuộc vận động đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, người ta đã nói nhiều đến những khái niệm mới như tự do, bình đẳng, dân quyền, lập hiến, dân sinh,v.v…Với Hồ Chí Minh có  thể nói “Thế kỷ Ánh sáng đã chiếu rọi ánh sáng vào tâm trí Người”[4]. Và suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh vẫn luôn mang theo những  giá trị nhân văn cao đẹp ấy, mà Người tiếp nhận từ những ngày đầu tiên gặp gỡ với nền văn hóa phương Tây và văn hóa Pháp. Ngoài ra để hiểu sâu sắc về văn hóa  phương Tây, người cũng tham gia các hoạt động thực tiễn, tiếp xúc trao đổi với các nhà văn hóa Pháp đương thời. Ngày nay, tuy cách xa hàng vạn dặm đường nhưng mỗi người dân Việt đều biết đến nước Pháp, ngõ phố Công-poăng , ngôi nhà số 9, nơi Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh đã ở,  hoạt  động để  tạo lập nên những bước đầu tiên nhiều triển vọng cho mối quan hệ văn hóa Đông Tây.

Hồ Chí Minh đã tự khám phá, tiếp cận và tiếp biến các giá trị phương Tây đặc biệt là đối với văn hóa Pháp, về sau này  Người đã phổ biến cho  nhân dân biết về nền văn hóa Pháp đẹp đẽ nhân văn, thắt chặt thêm tình hữu nghị của 2 dân tộc.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã có nhiều tên, và quãng thời ở phương Tây tên của Bác là Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh gắn liền với những giá trị tiên tiến nhất của thời đại như giá trị tự do, tự do mà Nguyễn Ái Quốc đấu tranh là tự do cho nhân loaị. Đã có nhiều con đường cứu nước, như con đường của Phan Bội Châu, cụ Phan cũng tiếp nhận các giá trị phương Tây và mở rộng nhãn quan chính trị. Tuy vậy, xu hướng bạo động của ông đã không thể thắng lợi bởi những hạn chế , sai lầm về phương thức và đường lối. Tiếp đến là con đường cứu nước của Phan Chu Trinh  hướng tới văn minh phương Tây  cuối cùng cũng thất bại. Trong hoàn cảnh ấy,Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước  và đã tìm thấy  ở phương Tây con đường mới “con đường giải phóng chúng ta”. Thời điểm  khi  cách mạng Nga 1917 thành công,  thì đối với các dân tộc phương Đông đang bị thực dân phương Tây “khai hóa”, con đường cách mạng Tháng Muời là con đường duy nhất có thể dẫn lối tới thắng lợi, với những tư tưởng tiến bộ nhất thời đại.

2. Hồ Chí Minh với ý thức về giao lưu và tiếp biến văn hóa phương Tây lấy nền tảng dân tộc làm nòng cốt và tích cực truyền bá văn hóa phương Tây vào nước ta

Khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, quan hệ văn hóa Đông Tây được  phản ánh qua quan hệ Việt Nam – Pháp. Đó là quan hệ được  tạo nên từ sự tiếp xúc cưỡng bức và giao thoa văn hóa Việt- Pháp. Là mối quan hệ mang tính áp đặt từ Pháp.Tuy nhiên, về mặt khách quan, thì qua sự tiếp xúc văn hóa Đông Tây, tính từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Việt Nam  bắt đầu quá trình hiện đại hóa tích cực, từng bước chuyển từ phạm trù văn hóa phong kiến sang phạm trù văn hóa tư sản mang tính hiện đại. Và khi văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Pháp, cũng là lúc bắt đầu quá trình giải cấu trúc văn hóa tiến tới tái cấu trúc văn hóa Việt Nam,  mà hoạt động của  Hồ Chí Minh  đã góp phần làm cho quan hệ văn hóa Việt Pháp được  thay đổi theo hướng Việt Nam  tiếp nhận tích cực chủ động, và biến đổi các giá trị phương Tây để phát triển, để giải phóng dân tộc độc lập dân tộc, và vươn ra thế giới.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của tiếp xúc giao lưu văn hóa rất rõ ràng, nếu Việt Nam không hiểu sâu sắc về  văn hóa thế giới thì không thể tiếp xúc, tiếp biến và sáng tạo để phát triển văn hóa dân tộc: "Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình",  nhưng theo Hồ Chí Minh điều quan trọng là cái bản sắc, cái hồn của dân tộc: "Mỗi một dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc trong nghệ thuật". Trong vấn đề tiếp thu học thuyết cách mạng của phương Tây cũng cần chú ý đến truyền thống dân tộc:"Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông" [5]. Một  nhà nghiên cứu  đã cho rằng đặc trưng nổi bật của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh là “sự thâu thái tri thức của nhân loại để tạo cho mình một trình độ văn hóa vượt khỏi phạm vi văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực, vươn tới văn hóa thế giới và hiện đại, mặc dù vẫn lấy văn hóa dân tộc làm cội nguồn”[6]

Trong hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh nhận thức rõ muốn làm cách mạng muốn độc lập thì phải “giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”[7], phải phổ biến tình hình thế giới để so sánh…phải hiểu phong trào thế giới. Đó là lý do Người đi nhiều viết nhiều và ý thức truyền bá tích cực những kiến thức chung, sâu, rộng về nước cho nhân dân tăng cường sự nhận thức của họ về các vấn đề trên thế giới.

Những tư tưởng tiến bộ của phương Tây đã vào Việt Nam, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi, bình dân nhất, được  phổ biến đến với người dân. Chúng ta biết trong thời điểm đầu thế kỷ XX, các tư tưởng mới đã phải vượt rất nhiều trở ngại mới vào được nước ta. Thực dân Pháp đã bưng bít xuyên tạc, họ quyết tâm làm cho người dân Việt không biết gì về hoàn cảnh bên ngoài, không biết đến những giá trị văn hóa đẹp đẽ tiến bộ ở Pháp, Nga … Từ năm 1925 Hồ Chí Minh tích cực hoạt động và phổ biến các tư tưởng giá trị Tây phương về nước. Sách báo tiến bộ được  đưa ngày càng nhiều vào nước ta như, Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, báo Nhân Đạo…đã được nhiều thanh niên trí thức yêu nước đọc một cách say mê.

Tuy những tác phẩm mà Hồ Chí Minh viết  chủ yếu là những văn bản , cương lĩnh chính trị, nhưng  qua đó Người luôn luôn ý thức về sự tiếp biến và sáng tạo các giá trị phương Tây cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Đây cũng là quy luật giao lưu tiếp biến văn hóa nói chung trong lịch sử văn hóa Việt Nam

Quan điểm của Hồ Chí Minh là:  "Mình có thể học cái hay của bất cứ nước nào ở Âu - Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người khác hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả"[8].

Trên cơ sở trang bị những lý luận từ hệ thống tác phẩm của cách mạng thế giới, như của K. Marx, Lênin, những tư tưởng cách mạng Nga, (trường hợp bản Đề cương vấn đề dân tộc và thuộc địa…), và cả bằng hoạt động thực tế, Hồ Chí Minh  đã xây dựng  học thuyết cách mạng Mác – Lê nin cho phù hợp với điều kiện lịch sử   Việt Nam.

Từ năm 1921 đến 1925 Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh đã xây dựng cơ sở lý luận cách mạng với những hoạt động báo chí tuyên truyền như làm tờ báo “Người  cùng khổ” , viết  “Bản án chế độ thực dân Pháp” , “Đường Kách mệnh”, để thức tỉnh nhân dân.

Đầu những năm 20  của thế kỷ XX, giữa trung tâm văn hóa Phương Tây (Paris) xuất hiện Bản án chế độ thực dân Pháp(1925), thực chất đây là một bản Tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc ở phương Đông. Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm lý luận cách mạng của Việt Nam, mà qua đó mặt trái của các nước phương Tây được  phơi bày trong  quan hệ với các thuộc địa. Tác phẩm cho nhân dân phương Tây thấy được  và hiểu hơn tình cảnh cùa các nước phương Đông, nơi mà mặt trái của văn minh phương Tây hiện diện. Bản án đã vạch trần cái nhân danh khai hóa văn minh của phương Tây. Cách khai hóa cho Việt Nam của người Pháp là: “để dạy mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã[9]. Tác phẩm cũng đã góp phần gia tăng nhận thức của nhân dân,  về những tội ác mà Pháp đã thực hiện trên đất nước ta, để từ đó  nhận thức đúng  đối tượng cần đánh đổ.

   Từ tinh thần của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền của Pháp, Hồ Chí Minh đã viết nên bản Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa (Bản án chế độ thực dân Pháp). Đây là sản phẩm tổng hòa những tri thức lịch sử xã hội văn hóa và kinh nghiệm thực tế, được  Người mô tả rất sinh động. Khi tác phẩm được  công bố đã gây được  sự chú ý của nhân loại tiến bộ và có  sức lan truyền rất lớn.

         Sự ra đời của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận sự phát triển của ý thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Chúng ta còn nhận thấy  qua việc phổ biến tác phẩm  những tư tưởng cách mạng mới  được  đưa vào Việt Nam, góp phần tăng cường  nhận thức của các dân tộc trong đó có dân tộc Việt Nam về con đường cách mạng đúng đắn nhất. Con đường để giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc. Bản án đã lý giải một cách khoa học những vấn đề cơ bản của con người, vận mệnh của các dân tộc, và con đường phát triển tất yếu của nhân loại.

      Đây là tác phẩm chính trị, nhưng ngoài những đóng góp cho lĩnh vực chính trị, tác phẩm của Hồ Chí Minh đã có cống hiến lớn trên các bình diện như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa …

Với ngôn ngữ văn phong dễ hiểu cùng sự  châm biếm  sâu sắc mà  Hồ Chí Minh đã sử dụng .Các tác phẩm của Người luôn là những thông điệp kêu gọi chống áp bức giành lại độc lập dân tộc và giải phóng dân tộc.

Để nói về tội ác bắt lính bản địa đi đánh giặc cho Pháp, Hồ Chí Minh viết “Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người “Ne-gơ-rô” lẫn người “A- nam- mít” mặc nhiên trở lại” giống người hèn hạ””[10],  Chỉ cần viết như vậy thì Người đã khơi dậy căm phẫn của nhân dân  lên đến tột độ. Người cũng xác định rằng cả phương Tây và nước Pháp tiến bộ sẽ đứng về phía dân tộc Việt Nam  để “lên án bọn cá mập thực dân[11] Hình ảnh cá mập mà Hồ Chí Minh viết đã gợi lên bản chất của thực dân với tất cả sự tham lam tàn ác cần loại bỏ.       

3.       Hồ Chí Minh với ý thức liên kết Đông Tây trong cuộc đấu tranh vì những giá trị chung của nhân loại

         12 năm sau ngày bước lên chiếc tàu buôn Pháp, Nguyễn Ái Quốc lại lên tàu sang Nga,  Người cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên đến Mát-xco-va. Trở thành đại diện cho Việt Nam trong Quốc tế III, Quốc tế nông dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh  đã tích cực hoạt động để xây dựng một hệ thống lý luận cách mạng. Người luôn lưu ý đến vấn đề gắn kết phong trào cách mạng Đông với Tây lại, bởi lẽ đơn giản là các giá trị chung của nhân loại, của con người thì ở đâu cũng phải được  tôn trọng bảo vệ , và vấn đề phương Đông cũng chính là vấn đề của phương Tây. Ngày  13-10-1923 Nguyễn Ái Quốc đã có bài nói về dân tộc Việt Nam và ách thống trị của thực dân tại Việt Nam cho Đại hội Quốc tế nông dân trong đó có những người còn chưa biết đến đất nước Việt Nam. Về thực trạng quan hệ văn hóa Đông Tây qua chính sách thực dân của Pháp ở Đông Dương,  Nguyễn Ái Quốc nói đó là “ nhờ nền văn minh phương Tây chúng tôi có cả nhà thờ lẫn thuốc phiện” .

      Người khẳng định Quốc tế nông dân chỉ trở thành một Quốc tế “khi không những nông dân phương Tây, mà cả nông dân phương Đông…đều tham gia”[12]. Hồ Chí Minh ý thức rất rõ vai trò của sự liên kết Đông Tây trong lịch sử, từ những năm 20/thế kỷ XX, khi ở Nga, Người đã tỏ rõ quan điểm ấy qua một bức thư gởi cho người phụ trách bộ Phương Đông lúc đó rằng: “nguyên nhân ban đầu sự ỵếu đuối của các dân tộc phương Đông là tình trạng cô lập. Không như các dân tộc phương Tây, họ không có giao lưu, tiếp xúc với nhau giữa các lục địa…”[13]

      Không chỉ viết , dịch thuật  tác phẩm lý luận cách mạng gởi về nước, Hồ Chí Minh còn viết nhiều cho các báo ở Nga, Pháp…để phổ biến, giới thiệu về phương Đông về Việt Nam cho nhiều người trên thế giới biết đến Việt Nam và cuộc đấu tranh của các dân tộc Phương Đông. “Chủ nghĩa Mác thông qua sách báo và con đường huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc đã tạo nên một sinh khí mới, như chất men sinh sôi nảy nở trong văn hóa Việt Nam …[14]

   Từ quan điểm của chủ nghĩa Mác về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử kết hợp với triết lý truyền thống phương Đông: lấy dân làm gốc, Hồ Chí Minh đã  nhận thức về vai trò quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Mọi chính sách đều phải xuất phát vì lợi ích của dân. Kế thừa truyền thống  nhân nghĩa của  Việt Nam với tư tưởng nhân đạo của chủ nghĩa Mác, Người khẳng định: “Hiểu chủ nghĩa Mác Lê nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác Lê nin…”[15]

      Tóm lại,  vào đầu thế kỷ XX khi hầu hết các dân tộc ở phương Đông  vẫn chưa tìm ra được  lối đi thích hợp và hiệu quả cho phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc. Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã có chọn lựa cuộc hành trình để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất, đồng thời xét từ góc độ giao lưu tiếp biến văn hóa Người cũng đã có một cuộc ra đi để nối kết văn hóa phương Đông và phương Tây trong bối cảnh cực kỳ phức tạp lúc đó.

      Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin  một cách sáng tạo, và cả những học thuyết ngoài  mác xít theo hướng “tiếp nhận yếu tố mà từ bỏ hệ thống”. [16]Qua cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, chúng ta thấy rõ là chủ nghĩa Mác Lênin đối với Hồ Chí Minh không phải là những công thức cứng nhắc, mà luôn sống động, luôn đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và thời đại.

      Kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta biết ơn, trân trọng và phát huy những gì mà Bác đã cống hiến cho đất nước, dân tộc. “Hồ Chí Minh là một nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta - pha trộn một chút Găngđi, một chút Lênin, hoàn toàn Việt Nam …Người là hiện thân sinh động cho cách mạng của dân tộc Người và của toàn thế giới”[17]

…………….

* (Bài in trong kỷ yếu HTKHTQ “100 năm tìm đường cứu nước của  chủ tịch HCM”. ĐHSG. TP HCM 6. 2011)

Tài liệu tham khảo

4.       Hồ Chí Minh Toàn tập , t1,2,3,4,5,6,  Nxb ST, HN, 1981

5.       Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb ST, 1975

6.       Nhiều tác giả, Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa , Nxb CTQG, HN. 2004

7.       Bác Hồ ở Pháp, Nxb Văn học, HN, 1970

8.       Học tập phong cách ngôn ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh , KHXH, HN, 1980

9.       Nguyễn Đắc Xuân,Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, (Bút ký lịch sử), NXb Văn học, 2008

10.   Hồng Hà, Bác Hồ trên đất nước Lênin, Nxb Thanh niên, 1980

11.   Nguyễn Huy Hoàng, Văn hóa trong nhận thức duy vật lịch sử của C. Mác, Viện văn hóa và  Nxb Văn hóa - thông tin, 2000

 

Nguồn tác giả

 



[1] Nhiều TG, Góp phần tìm hiểu tư tưởngHCM về văn hóa , nxb CTQG, HN-2004, 27,28

[2] Văn hóa Huế, số 5- 2008, Sở văn hóa –thể thao và du lịch Huế, tr 10.

[3] Trích lại trong Chủ tịch Hồ Chí Minh , Tiểu sử và sự nghiệp, nxb ST, (in lần thứ 3), HN, 1975, tr14.

[4] Nhiều tác giả. Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa , nxb CTQG, HN, 2004, tr94

[5] Hồ Chí Minh - Tuyển tập văn học, tập 2, NXB Văn học, 1995, các trang 438, 374, 421

[6] Nhiều tác giả. Sđd, tr 102

[7] Hồ Chí Minh toàn tập,t2, ST, 1981, 188

[8] Báo Cứu quốc, số ra ngày 9-10-1945

[9] Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, nxb Sự thật, HN, 1975, tr28.

[10] Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb ST, HN, 1975-tr24

[11] Nguyễn Ái Quốc, sđd, tr25

[12] Hồng Hà, Bác Hồ trên đất nước Lên Nin, Nxb Thanh niên, 1980, tr49

[13] Hồng Hà, sđd, tr104

[14] Đỗ Huy, Tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh , nxb CTQG, HN, 1997, tr14

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, xb lần 2, nxb CTQG Hà Nội, T 10, tr 662.

[16] Nhiều tác giả, Sđd, tr108

[17] Đavit. Hanbecxtam, Hồ, Random House, New York, 1973, (Dẫn lại của GS Đinh Xuân Lâm, trong Nhiều tác giả, Sđd, tr123,124)

Cùng chủ đề