Print this page
Tuesday, 21 February 2012 09:07

Trần Ngọc Thêm. GS. Vladimir Kolotov và Việt Nam

Người post bài:  TT VHH

GS. VLADIMIR KOLOTOV VÀ VIỆT NAM

 

Trần Ngọc Thêm (giới thiệu)

 

Vanhoahoc.edu.vn – Vào 8.00 ngày 9-2-2012, tại phòng D201 Trường Đại học KHXH & NV (12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Tp. HCM), Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng tổ chức buổi nói chuyện nhan đề “Địa chính trị trong truyền thống văn hoá Đông Á: cái nhìn từ nước Nga”. Người trình bày là GS.TSKH. Vladimir Kolotov (проф., д.и.н. Владимир Николаевич Колотов), Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Восточный факультет СПбГУ) của thành phố cố đô nước Nga Saint-Peterburg (trước đây là Leningrad), Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Институт Хо Ши Мина) của Đại học này, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt tại Saint-Petersburg, thành viên Uỷ ban Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP).

Bài viết này của GS. Trần Ngọc Thêm giới thiệu một số nét về GS.TSKH. Vladimir Kolotov và những chủ đề khoa học, những hoạt động mà anh quan tâm.

GS.TSKH. Vladimir Kolotov

Mô hình “Quản lý xung đột”

GS.TSKH. Vladimir Kolotov quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị học, xung đột học và tôn giáo học ở Việt Nam. Anh phân tích rất kỹ việc các thế lực từ bên ngoài sử dụng các yếu tố tôn giáo trong mô hình “Quản lý xung đột” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại.

Theo thuyết quản lý xung đột, việc sử dụng các yếu tố tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia diễn ra qua 3 giai đoạn: Một là cải đạo dân bản địa và xây dựng cộng đồng tôn giáo tại chỗ; Hai là, gây mâu thuẫn giữa giáo dân và bên lương; Ba là thực hiện sách lược gây mất ổn định cục bộ có tính quản lý và tiến tới xâm lược đối tượng. Lịch sử cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp khởi đầu từ cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17 bằng cách lợi dụng các giáo sĩ để thâm nhập vào Việt Nam đã diễn ra theo kịch bản như vậy. Vladimir Kolotov chỉ rõ: chính chiến thuật đó, cơ chế đó, “mô hình quản lý xung đột” đó cũng đang được các thế lực thù địch với Việt Nam áp dụng ngày hôm nay với việc truyền đạo trái phép ở các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc...

V. Kolotov thuyết trình về việc dùng mô hình "Quản lý xung đột" để can thiệp vào VN.

Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vực Đông Á

Vladimir Kolotov cũng nghiên cứu sâu về các chuyển động chính trị của vùng Đông Nam Á. Phân tích chiến lược của các cường quốc đối với khu vực cực kỳ quan trọng đối với thế giới hiện đại này, anh đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam. Trong bài “Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vực” mà Kolotov viết riêng cho Đài BBC tháng 12-2008, anh nhận định:

“Việt Nam là cầu nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Hơn nữa hiện nay giá trị chiến lược của biển Đông đang tăng lên trong mối quan hệ giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Cần phải nói thêm là kế hoạch xây dụng trật tự mới trong vùng Á Đông không thể thực hiện được nếu họ không giám sát được Việt Nam. Chính vì thế, các cường quốc như Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ, Liên Xô đã tìm cách chiếm vị thế tại Việt Nam hoặc ít nhiều là có mối quan hệ tốt với giới chính khách tại Việt Nam.

Mỗi quốc gia có hình thức hoạt động khác nhau. Một số cường quốc đã ra sức tìm cách lập chế độ bù nhìn tại Việt Nam, và nước Nga là nước duy nhất không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, mà luôn có quan hệ bình đẳng, giúp đỡ tương trợ Việt Nam”.

  Xem bài: “Yếu tố Việt Nam trong hệ thống an ninh khu vực” của Vladimir Kolotov viết cho Đài BBC tháng 12-2008

Vấn đề biển Đông

Trong bài “Chiến lược dài hạn của Trung Quốc?” đăng trên BBC tháng 5-2009, GS. Vladimir Kolotov nhận định: “Trong lịch sử Việt Nam, mỗi khi Trung Quốc tập trung được lực lượng, xây dựng một nước hiện đại, lần nào cũng là vấn đề rất lớn cho Việt Nam. Bây giờ cũng là thời điểm như thế. Trung Quốc mạnh, là đe dọa an ninh cho Việt Nam. Bây giờ là thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam có thể tìm liên minh, vấn đề là tìm ai. Giữa Mỹ và Trung Quốc, cả hai đều có thể nói là "bạn" của Việt Nam. Theo Trung Quốc là mất chủ quyền, theo Mỹ cũng thế”. Biển Đông chỉ là một bước nhỏ trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Chiến lược đó rất rõ: kiểm soát vùng Á Đông, ban đầu gián tiếp và sau đó là trực tiếp.

Phát biểu trên Thanh Niên Online, 11/6/2001, GS. Vladimir Kolotov cho rằng: Việc Biển Đông gia tăng căng thẳng gần đây hoàn toàn không đem lại lợi ích nào cho các quốc gia trong khu vực và cho chính Trung Quốc, tác nhân chính gây ra tình hình này. Việc Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Việt Nam, Philippines và một số các nước láng giềng khác là đang phá hoại ổn định, an ninh cho khu vực.

Điều mà ai cũng thấy rõ đó là mưu đồ kiểm soát toàn bộ biển Đông của Trung Quốc và những chuyện xảy ra vừa qua chỉ là sự khởi đầu. Tuy nhiên cần thấy rằng việc Trung Quốc chèn ép các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tất yếu sẽ dẫn đến việc hình thành các liên minh hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các bên thứ ba như Mỹ, Nga... và điều này sẽ chỉ càng bất lợi cho Trung Quốc.

Với những động thái vừa qua, Trung Quốc đã và đang tự đánh mất uy tín và những thành tựu mà họ đã cất công gây dựng hơn 10 năm qua đối với ASEAN, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực diễn ra vào cuối những năm 1990. ASEAN sẽ phải dè chừng hơn, thận trọng hơn trước mỗi bước đi của Trung Quốc. Trong hoàn cảnh hiện tại khi mà Trung Quốc công khai gây sức ép tới các quốc gia ASEAN như vậy, các bên sẽ tìm kiếm liên minh của mình...

Trước mắt có thể Mỹ sẽ không can dự trực tiếp vào Biển Đông. Nhưng nếu tình hình an ninh trở nên bất ổn thì đó sẽ là một mối đe doạ nghiêm trọng đến liên minh của Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và con đường vận tải huyết mạch qua Biển Đông.

Mưu đồ của TQ đã rất rõ ràng: đó là kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông và kiểm soát tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới này.

  Xem bài: “Chiến lược dài hạn của Trung Quốc?" trên BBC năm 2009.

 

GS Kolotov thuyết trình trước chủ tịch Nguyễn Minh Triết (bằng tiếng Việt)

 

Thành lập Viện Hồ Chí Minh, đặt tượng Bác Hồ

Vladimir là sáng lập viên, một trong những người chủ chốt trong việcc thành lập Viện Hồ Chí Minh ở khoa Phương Đông thuộc Đại học Quốc gia Saint-Petersburg, đặt tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện, tổ chức nhiều hoạt động phong phú của Hội hữu nghị Nga - Việt thành phố Saint-Petersburg mà anh là chủ tịch...

Viện Hồ Chí Minh được khai trương ngày 19-5-2010, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác. Ngoài các vấn đề liên quan đến Việt Nam, Viện Hồ Chí Minh nghiên cứu các vấn đề quốc tế rộng. Chẳng hạn vừa qua, Viện tổ chức 3 semina khoa học về hiện tượng “Mùa xuân Arập”, phân tích rõ các thủ đoạn, thủ thuật kích động, gây xung đột để can thiệp của một số thế lực. Như việc một clip “biểu tình giải phóng” (cảnh bạo loạn) ở thủ đô Tripoli của Lybia lại được dàn dựng và quay ở Qatar, tại địa điểm có bối cảnh na ná Tripoli...

Theo bài “Chuyện đặt tượng Bác ở thành Len” của Lê Xuân Sơn đăng trên Tiền phong ngày 25/01/2012, V. Kolotov cho biết ý tưởng thành lập Viện Hồ Chí Minh của anh trở thành hiện thực được là nhờ công lao và sự phối hợp ăn ý của rất nhiều người, trong đó vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về GSTS E.I. Zelenev - Trưởng khoa Phương Đông, GS TS N.M.Kropachev - Hiệu trưởng trường ĐHQG St. Petersburg, hai hiệu phó; hai vị đại sứ Việt Nam tại LB Nga là các ông Bùi Đình Dĩnh và Phạm Xuân Sơn.

Khoa Phương Đông báo cáo ý tưởng thành lập Viện lên Hiệu trưởng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Đại sứ Bùi Đình Dĩnh là người thảo văn bản đầu tiên báo việc này với nguyên thủ Việt Nam lúc đó là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tháng 4-2010, Đoàn đại biểu ĐHQG St. Petersburg đã sang làm việc với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau khi được sự chuẩn y của Chủ tịch nước Việt Nam, một đoàn đại biểu lãnh đạo Việt Nam do ông Tô Huy Rứa dẫn đầu đã sang ký hiệp định hợp tác và khai trương Viện Hồ Chí Minh đầu tiên ở nước ngoài tại St. Petersburg vào ngày 19-5-2010. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tặng Viện bức tượng Bác Hồ bằng đồng.

Trường và Viện quyết định đặt tượng Bác trong khuôn viên Viện. Cán bộ của sứ quán Việt Nam ở Nga đã chọn ngày giờ rất cẩn thận, lại đặt la bàn tỉ mỉ để tượng Bác quay hướng nhìn đúng về Tổ quốc Việt Nam. Khuôn viên đặt tượng Bác được hưởng quy chế của bảo tàng ngoài trời.

Khai trương tượng Bác Hồ trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở St. Petersburg

 

Xây dựng đội ngũ Việt Nam học để quảng bá đất nước VN

Nói chuyên với báo Tuổi trẻ, GS. V.Kolotov nhận định: “Không phải tất cả nghiên cứu về VN học đều đảm bảo tính khoa học. Hình như các bạn quen với việc đánh giá cái này tốt, cái kia xấu. Nhưng khoa học không phải thế. Cái gì đang diễn ra phải đặt tên cho đúng, khách quan, không phụ thuộc những điều kiện áp đặt.

Cũng không nên trông chờ người ngoài đánh giá tốt về mình và quảng bá thông tin đó. Hãy nhìn xem trên các trang mạng, rất nhiều thông tin xấu về VN, nhưng thông tin tốt, khách quan và trung thực thì tìm ở đâu? Không có! Tôi không muốn nói các trang tin của Chính phủ mà là những nghiên cứu khách quan và trung thực của các nhà khoa học. Chính những thông tin đó mới đủ sức thuyết phục thế giới về hình ảnh của một VN hòa bình, văn minh, có truyền thống văn hóa, có kinh tế thị trường… Những thông tin đó cần một diễn đàn có uy tín để công bố - đó chính là những hội thảo VN học. Chính vì thế VN nên và rất cần thiết xây dựng một đội ngũ VN học mạnh, có kết nối với cộng đồng VN học trên khắp thế giới”.

Đầu tiên là “tiền đâu”. Nhưng thực chất không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà là ý thức công dân của quan chức và doanh nghiệp VN trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Đừng nghĩ quảng bá hình ảnh đất nước là những thước phim đẹp về bãi biển và khách sạn, cũng đừng bó hẹp việc quảng bá trong một sản phẩm cụ thể. Các doanh nhân VN cần hiểu điều cốt lõi là trong những xã hội phát triển - cũng có nghĩa là những thị trường lớn - nếu người ta không tôn trọng văn hóa của nước nào, người ta không bao giờ mua hàng hóa của nước đó.

Ở các nước, có rất nhiều quỹ tài trợ cho văn hóa, khoa học. Quỹ Soros và Quỹ Ford tài trợ hầu hết các nghiên cứu, hội thảo quốc tế về VN học. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngay ở Nga cũng vậy, nếu có một hội thảo sẽ có rất nhiều quỹ và nhiều nhà tư bản vinh dự được hân hạnh tài trợ.  Ở VN, các doanh nghiệp thờ ơ một phần cũng vì Nhà nước “bao sân” nhiều quá. Cái gì cũng Nhà nước quản lý, vì vậy Nhà nước phải chi tiền. Nếu Nhà nước chủ động trả lại vai trò cho các tổ chức xã hội và các cá nhân trong việc tìm kiếm, phát hiện, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền bá văn hóa, có tác dụng tích cực đến việc quảng bá hình ảnh đất nước thì khoa học sẽ phát triển hơn và Nhà nước bớt phải lo quản lý và chi tiền.

  X. bài: “Gặp gỡ đầu tuần: Xây dựng đội ngũ VN học để quảng bá đất nước” đăng trên Tuổi trẻ năm 2008.

 

Khách của VTV3: GS. sử học Vladimir Kolotov

GS. Vladimir Kolotov từng làm người dẫn chương trình bằng tiếng Việt trong cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Mátxcơva “Bài ca chiến thắng” vào dịp 7-11-2011 cùng nhà báo Lại Văn Sâm. Việc một giáo sư người Nga dẫn cầu truyền hình của đài quốc gia Việt Nam bằng tiếng Việt thành thạo là một món quà quá bất ngờ thú vị với khán giả Việt. Một tiếng đồng hồ sau chương trình, Kolotov bỗng nhận được một cú điện thoại từ một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất: “Này, cậu làm cái gì trên truyền hình mà một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa gọi điện cho tôi để cảm ơn thế?”

Trong một chương trình “Khách của VTV3” gần đây, Lại Văn Sâm đã có dịp gặp Vladimir Kolotov ôn lại công việc của cầu truyền hình và nói về nhiều chủ đề thú vị khác trong quan hệ VN-Nga.

 

  Tp. Hồ Chí Minh, ngày 5-2-2012

T.N.T.

Người post bài: Trần Ngọc Thêm   
Cập nhật ( 11/02/2012 )

Cùng chủ đề