logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Lý luận văn hóa học
  • LLVHH: Những vấn đề chung
Wednesday, 29 August 2012 22:03

Phạm Đức Dương. Con người và môi trường

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Additional Info

  • Tiêu đề:

    CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG (TIẾP CẬN DƯỚI GÓC ĐỘ VĂN HÓA HỌC)

  • Tác giả:

    GS. TS. Phạm Đức Dương

Phạm Đức Dương. Con người và môi trường

Trong quá trình nghiên cứu văn hóa tôi nhận ra một số lực cản gây khó khăn cho việc tiếp cận, trong đó có tư duy cơ giới phân tích quy giản của nền học vấn văn minh công nghiệp. Cách tiếp cận này đã phân chia văn hóa vốn là một chỉnh thể thành nhiều ngành biệt lập và sắp xếp chúng một cách tùy tiện. Theo cách nói của Claude Villereuve thì kiến thức ngày nay càng chuyên môn hóa và manh mún giữa những cá nhân rất tài giỏi về một lĩnh vực, nhưng lại hầu như ngu dốt trong các kiến thức khác [1]. Nói theo các cụ nhà ta là “thầy bói xem voi”. Hình ảnh các bảo tàng là một minh chứng đầy đủ cho phương pháp tư duy cơ giới: người ta thu thập các hiện vật và tách chúng ra khỏi môi trường sống của chúng rồi đem trưng bày vào các ngăn, các ô trong bảo tàng. Cách làm này là trừu tượng hóa bằng cách tách sự vật ra khỏi bối cảnh nhất định, tước bỏ những mối liên hệ và tương quan qua lại với môi trường và đem vào khu vực khái niệm trừu tượng của một bộ môn khoa học đã phân chia thành ngăn riêng với những ranh giới tùy tiện, phá vỡ tính hệ thống và tính đa chiều của hiện tượng với những mô hình, những sơ đồ quy giản. Phương pháp tư duy này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc ứng dụng vào sản xuất.

Tôi nói đùa với các nhà khoa học nông nghiệp rằng ngày xưa, cha ông ta với tư duy tổng hợp nguyên sơ, khi cấy cây lúa đã phải để ý tới môi trường “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng”. Nhưng ngày nay khoa học về nông nghiệp đã bị phân chia ra biết bao ngành: nào gien và lai tạo giống, công nghệ tế bào, nào đất đai thổ nhưỡng, phân bón dinh dưỡng, nào thời tiết khí hậu thủy văn thủy lợi, nào cơ khí nông nghiệp, v.v... Tất cả những tri thức bị phân chia ấy buộc người nông dân ít học phải tự mình tổng hợp ngay trên thửa ruộng của chính mình trong quá trình sản xuất. Có lẽ vì thế mà một người nông dân Nam Bộ đã tự chế ra chiếc máy gặt (thật ra đó là một con dao phát chạy bằng điện) chứ không phải một kỹ sư cơ khí nông nghiệp.

Gần đây ông Edgar Morin cho xuất bản cuốn sách “Trái đất – Tổ quốc chung – Tuyên ngôn cho thế kỷ mới” (Nxb KHXH, H. 2002) đã chỉ ra rằng: “Sẽ không quan niệm được bản sắc trái đất của chúng ta nếu không có một thứ tư duy đủ năng lực tái liên kết những khái niệm đã bị tháo rời với những tri thức đã bị nhốt riêng vào các ngăn kín phân cách lẫn nhau” (Sđd, tr. 375) và ông đặt trái đất trong bối cảnh vũ trụ và văn hóa. Theo ông, bối cảnh hóa chính là tiến trình nhận thức phải thông qua việc thiết lập những con đường rồi bố trí chúng vào các bối cảnh của riêng chúng. Chính việc này giúp ta xác định những điều kiện về khả năng ứng dụng cũng như những giới hạn về giá trị tri thức. Theo Morin, trái đất hoàn toàn không phải là sự cộng gộp hành tinh vật lý, sinh quyển và nhân loại lại với nhau. Trái đất chính là một hệ thống tổ chức “một khối tổng thể” sinh học – nhân học phức hợp, trong đó sự sống nảy sinh từ lịch sử của trái đất và nhân loại nảy sinh từ sự sống của trái đất. Mối quan hệ giữa nhân loại và tự nhiên không thể bị hình dung theo cách quy giản hay tháo rời. Nhân loại là một thực thể mang tính chất hành tinh và sinh quyển. Con người vừa là tự nhiên, vừa là siêu nhiên, bởi lẽ mặc dù bắt rễ trong tự nhiên vật lý và sống động, nhưng lại trồi lên khỏi cái tự nhiên ấy và tự phân biệt với tự nhiên bằng văn hóa, tư tưởng, và lương tâm, ý thức” (Sđd, tr. 374).

Vì vậy chúng ta quan niệm văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra (nói theo kiểu Trung Quốc văn là ngụy). 偽 Ngụy được cấu tạo bởi hai thành tố: 人 (nhân = người) 六 (vi = làm) trong quá trình ứng xử với tự nhiên, xã hội và bản thân mình theo quy luật của cái đẹp – một thiên nhiên thứ hai được gọi là hệ sinh thái nhân văn, khu biệt với thiên nhiên thứ nhất – hệ sinh thái tự nhiên. Đó là mối quan hệ cốt yếu của văn hóa.

Với con người có 2 loại tự nhiên: tự nhiên ngoài ta (môi trường) và tự nhiên trong ta (bản năng), có hai loại xã hội: xã hội ngoài ta (cộng đồng) và xã hội trong ta (cá nhân). Và cách ứng xử của con người bao giờ cũng mang tính thống nhất biện chứng giữa hai mặt: vừa thích nghi với tự nhiên để tồn tại và cải tạo tự nhiên để vượt qua những giới hạn tự nhiên nhưng không trái với quy luật để làm cho cuộc sống được an sinh và tốt đẹp hơn. Với xã hội con người một mặt hòa đồng để xây dựng những cộng đồng bền chặt, đồng thời các thành viên đều ứng xử khu biệt để khẳng định vai trò của cá nhân tạo nên sự sống hài hòa. ứng xử hai mặt là biểu hiện của tư duy lưỡng hợp âm dương: trong âm có dương, trong dương có âm, cân bằng âm dương, âm dương đối xứng vừa động vừa tĩnh và phát triển.

Với bản thân con người cũng là sự thống nhất biện chứng giữa hai phần: phần CON (tự nhiên) và phần NGƯỜI (văn hóa) trong con người. Con người vừa phải thỏa mãn những nhu cầu bản năng để tồn tại vừa phải thỏa mãn những nhu cầu văn hóa để trở thành người hơn (nhân tính khu biệt với thú tính). Tạo hóa đã đặt ra một nghịch lý vĩ đại mà từ khi thành con người, dù ở đâu, thời nào, dù thuộc mầu da gì trên hành tinh này hôm nay và mãi mãi mai sau đều phải đối mặt giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái trần tục và cái thánh thiện. Là CON, con người phải tuân theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, con người biết mình sẽ chết nhưng nó lại muốn trở thành bất tử; là CON, con người rất tham lam, phàm ăn tục uống... nhưng là NGƯỜI nó lại muốn trở thành thánh thiện xứng đáng với con người – hoa của đất! Nghịch lý ấy ở trong anh, trong tôi, trong tất cả mọi người và có mặt khắp mọi nơi mọi lúc kể cả nơi những suy tư sâu kín nhất của con người, lúc nào chúng ta cũng phải đối diện với nó và ranh giới cũng mỏng manh như sợi tóc. Nghịch lý ấy chính là động cơ thôi thúc con người phải sáng tạo nên những giá trị văn hóa. Chính trong con người là nơi thể hiện tập trung cao độ mối quan hệ đầy nghịch lý giữa con người và tự nhiên. Như vậy con người và môi trường xét về mặt sinh học có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời như chính bản thân cuộc sống. Bằng sự hoạt động tư duy trí tuệ, con người có khả năng nhận thức được tự nhiên, ngày càng kiểm soát số phận của mình và các sinh vật khác, tự biến đổi mình để thích nghi với môi trường và làm môi trường tự nhiên phải biến đổi thành những hệ thống sinh thái nhân văn riêng không giống nhau giữa các cộng đồng tộc người. Các nền văn hóa, do đó, khác nhau cả về kết cấu và tổ chức. Người Nhật có một câu chuyện ngụ ngôn về môi trường. Đó là câu chuyện của hai chú ếch. Một hôm chú ếch ở đại dương vào gặp một ông bạn đồng loại – con ếch nằm đáy giếng. Hai chú nói chuyện với nhau. Khi được hỏi về nơi mình ở, chú ếch đại dương mô tả đó là một nơi không có bờ bến, mặt nước bao la trong xanh và người ta chỉ thấy xa xa một đường viền gọi là chân trời. Nơi đó đất trời gặp nhau! Chú ếch trong giếng không thể tin được. Làm gì có cái không gian kỳ quái đó. Đời ta, ta chỉ thấy bầu trời là một khoanh tròn nhỏ vừa đúng với miệng giếng mà thôi. ếch ta không tin, chú ta rời khỏi giếng ra đi theo lời mời của anh bạn. Ra đến đại dương, anh ta ngỡ ngàng không tin vào mắt mình, không thể tưởng tượng được. Và để cảm nhận cái không gian quái đản đó anh ta thở căng đến vỡ bụng rồi chết! Môi trường khác nhau, thách đố khác nhau và con người cũng ứng xử khác nhau. Do đó, dấu ấn của môi trường để lại rõ nét trong mô thức văn hóa, không phải môi trường quyết định văn hóa như các nhà địa lý theo quyết định luận, mà môi trường quy định cách ứng xử của con người theo quan niệm của họ.

Người phương Tây, dưới ảnh hưởng của đạo Cơ đốc, quan niệm con người là sản phẩm hoàn thiện nhất của Chúa, còn tự nhiên là những gì hỗn mang hoang dã cần phải tổ chức và sắp xếp lại cho phù hợp với con người. Từ đó nẩy sinh quan niệm con người là trung tâm vũ trụ. Là người, trong ứng xử với tự nhiên họ vẫn theo nguyên tắc vừa thích nghi vừa cải tạo nhưng họ nghiêng về việc cải tạo tự nhiên. Vì vậy phương Tây đã phát minh ra nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật kỳ diệu làm cho con người vượt được nhiều giới hạn của tự nhiên: bay vào vũ trụ, lặn sâu xuống đáy biển, sử dụng từ trường của trái đất, “nhìn thấy” những tế bào trong cơ thể sống, v.v... Nhưng mặt khác họ đã làm mất cân bằng môi trường, tầng ôzôn bị phá thủng, môi trường bị ô nhiễm... đe doạ đến cuộc sống của con người và tự nhiên đang “trừng phạt” chúng ta như Engels đã dự báo.

Còn người phương Đông coi con người là một thành viên của vũ trụ (nhân sinh tiểu vũ trụ), con người với đất trời là thống nhất (thiên địa nhân hợp nhất) cho nên họ nghiêng về chiều hướng thích nghi và sống hài hòa cùng môi trường với một sự đồng cảm sâu sắc “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Môi trường là người bạn tri âm, người bạn đồng hành vô tận của con người. Mọi sáng tạo của họ gắn bó với môi trường từ việc ăn ở đi lại, việc chọn nguồn nước, lập làng, dựng nhà, đến việc xây dựng cơ đồ của một quốc gia. Nếu có ai đó chê cô gái mắt toét thì cô ấy sẽ bảo bạn: “toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt đâu mình riêng em”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở phương Đông lại xuất hiện các ngành được gọi là “văn hóa thần bí” như chiêm tinh phong thủy, vũ thuật khí công, v.v... Con người như đã phát hiện ra những sức mạnh thần bí của vũ trụ và thần thánh hóa, linh thiêng hóa những sức mạnh kỳ diệu dưới những biểu tượng: thần mặt trời, thần mặt trăng, thần gió, thần mưa, thần sấm, thần sét, thần núi, thần sông, thần biển, thần cây... Trên con đường dài vô tận, con người luôn luôn bị ám ảnh bởi cái hư cái thực, cái sáng – cái tối, cái thiện cái ác... mặc dù cổ nhân nói “thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” (cuộc hành trình xa ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân ta). Vì nghiêng về phía thích nghi với môi trường nên khoa học công nghệ ở đây kém phát triển.

Con người là sản phẩm của tự nhiên. Cũng như các động vật khác, muốn tồn tại con người phải thích nghi, phải thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên của bản năng. Nhưng là người, con người phải cải tạo cái tự nhiên trong nó bằng cách văn hóa hóa các nhu cầu bản năng theo nhiều cách khác nhau. Cũng thì thỏa mãn nhu cầu ăn uống, nhưng khi các cụ mắng con cháu: “ăn sống nuốt tươi”, “thực bất tri kỳ vị”, “miếng ăn là miếng nhục”... thì cũng phải hiểu là các cụ phê phán lối ăn theo bản năng, chỉ biết ăn lấy được. Đó là kém văn hóa. Còn người có văn hóa thì “ăn phải xem nồi, ngồi phải xem hướng”, “nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”, dù nghèo rớt mồng tơi, chỉ có “râu tôm nấu với ruột bầu” (là hai thứ người ta bỏ đi), nhưng vợ chồng đầm ấm, thương yêu nhau thì “chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Loài người từ buổi bình minh của lịch sử từ vượn người đến người vượn đã biết khống chế tính giao (loại trừ tính giao giữa bố mẹ và con cái), biết chế ngự tính tranh ăn (bằng cách nhường nhịn cho nhau). Có 3 dục vọng thiết yếu của con người mà đạo Phật đã tổng kết là tham lam (àsava), khát ái (tanhà) và lệ thuộc (san khà ra) gọi tắt là tham, sân, si. Con người cưỡng chế những dục vọng đi theo định hướng giá trị đạo đức và quy định cách ứng xử của con người theo lễ nghĩa thông qua các phong tục tập quán, các nghi thức, các luật tục, các điều kiêng kị... Các trào lưu tư tưởng, các tôn giáo đều giáo dục con người nhằm kiểm soát những dục vọng mang tính bản năng, tìm cách giải thoát con người khỏi sự kiềm toả của các dục vọng đó.

Đạo Phật cho rằng con người bị tham, sân, si làm mờ cái tâm Phật nên không thoát được vòng trầm luân, do đó “đời là bể khổ tình là dây oan” (Nguyễn Du) phải quẩn quanh trong kiếp luân hồi. Đạo Phật khuyên người ta phải diệt dục, từ bỏ cái bản ngã để đến với cái vô ngã đến với Phật ở cõi niết bàn. Chữ “niết bàn” là phiên âm từ Nirvana (sanscrit) gồm tiền tố “nir” phủ định từ và thân từ “vana” là dục vọng hay sự sống, để chỉ nơi mà con người đã tắt (sự sống) không còn dục vọng. Nói theo Nguyễn Du là “sự đời đã tắt lửa lòng”. Các sư sãi, các phật tử đều phải tuân theo giới để kiềm chế dục vọng, trong đó “ngũ giới” là cơ bản nhất.

Khổng Tử đề cao nhân tính nơi con người khi ông nói: Nhân chi sơ tính bản thiện (con người sinh ra vốn là thiện). Do đó ông chủ trương giáo dục để con người hiểu được đạo lý làm người. Văn hóa là cai trị bằng văn và phải giáo hóa con người. Vì thế Khổng Tử chủ trương “đức trị”. Còn Hàn Phi Tử, tiếp nhận quan điểm của thầy mình – Tuân Tử, cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”, ác đây có nghĩa là vụ lợi (giống như thuyết duy lợi của người Anh sau này). Do đó Tuân Tử chủ trương “lễ trị” và sau này Hàn Phi Tử quy phạm hóa, điển chế hóa thành “pháp trị”...

Vấn đề cốt lõi đặt ra là cần nhận biết và tìm ra mối quan hệ không thể tách rời giữa nhu cầu bản năng và ứng xử văn hóa. Nhu cầu bản năng là tự nhiên. ở con người những nhu cầu ấy được thỏa mãn theo lối an sinh, tiếp nối bền vững. Đó là cứu cánh của bản thân văn hóa. Con người không thể tồn tại nếu như không được thỏa mãn những nhu cầu bản năng; xã hội càng phát triển thì loài người càng tìm nhiều cách rất phong phú đa dạng để đáp ứng ngày càng cao những nhu cầu chính đáng đó. Nhưng vì là con người cho nên những nhu cầu bản năng ấy phải được giới hạn, rèn giũa, được thỏa mãn trong mối quan hệ cân bằng giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên theo lý tưởng thẩm mỹ của con người, được quy định bởi những chuẩn mực giá trị của mỗi nền văn hóa, mỗi cộng đồng tộc người và mỗi cá nhân. Chủ nghĩa “ép xác” khổ hạnh, hay chủ nghĩa “xác thịt” trần truồng đều không mang lại hạnh phúc cho con người; không có cái đẹp nào, niềm hạnh phúc nào lại chứa đựng trong một tư tưởng nghèo nàn, một thân xác tiều tụy.

Chính cách ứng xử của con người với “tự nhiên trong ta” (bản năng) theo quy luật vừa thích nghi vừa cải tạo đã tạo nên “tính cách” của cả một dân tộc hay “nhân cách” của từng cá nhân tùy theo sự lựa chọn của họ dưới tác động của môi trường văn hóa. Còn bản thân cơ thể sinh vật của một cá nhân là yếu tố quy định trực tiếp sự phát triển nhân cách cá nhân theo cái mà tôi gọi là ‘cơ địa” của từng người. Vì vậy nhân cách một cá nhân đã định hình mà chúng ta có thể nhận diện được chính là sự kết hợp chặt chẽ cả hai nhân tố sinh học và văn hóa, không thể nào phân biệt chúng với nhau và không thể đánh giá được vai trò của từng yếu tố, trong từng trường hợp cụ thể. Khả năng bẩm sinh cho phép từng cá nhân tiếp nhận những giá trị, những khuôn mẫu văn hóa, đến lượt mình cái khuôn mẫu văn hoá ấy cho phép cá nhân phát huy được khả năng bẩm sinh của anh ta. Như vậy cách ứng xử với tự nhiên và xã hội đã trở thành nhân tố mang tính quyết định đối với nhân cách văn hóa – một hệ giá trị đạo đức khu biệt với giá trị sử dụng và gắn chặt hơn với giá trị thẩm mỹ và được đo bằng những thước đo của hệ thống bậc thang giá trị với những chuẩn mực được xã hội thừa nhận (như là những khế ước) [2].

*

*           *

Là những người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, được đào tạo theo phương pháp phân tích chuyên ngành, chúng tôi đang cố gắng tự vượt mình, đổi mới tư duy theo phương pháp tư duy phức hợp nhiều chiều để tiếp cận với vấn đề mang tính nhân loại: con người và môi trường nhằm phát hiện những quan hệ tương tác mang tính bản chất của văn hóa, đi tìm và sử dụng phép lợi thế của người đi sau, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Ngay từ đầu, khi chúng tôi xây dựng ngành Đông Nam á học ở Việt Nam (1973), GS Từ Chi – một nhà dân tộc học xuất sắc của Việt Nam - đã lưu ý tôi rằng: không phải bây giờ chúng ta chạy theo “mốt” cái gì cũng nói tới môi trường, nhưng thật ra các nhà dân tộc học phương Tây có lý khi họ nhận thấy không mấy thú vị nếu miêu tả nền văn hóa của một tộc người mà không đặt nó trong một khuôn viên cụ thể (môi trường) chẳng khác nào như đi xem bảo tàng. Chả thế mà cách trưng bày bảo tàng dân tộc học của Việt Nam bây giờ đã khác trước: người ta giới thiệu nếp sống các dân tộc thông qua các cảnh được dựng trong bảo tàng cùng với những buổi sinh hoạt ngoài trời. Khi xây dựng Viện nghiên cứu Đông Nam á chúng tôi đã có nhiều đề tài nghiên cứu quan hệ con người và môi trường: tìm hiểu cảnh quan đồng bằng (1983), Nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền Đông Nam á (1983), Biển và người Việt cổ (1996), Cách ứng xử của người Việt trước biển (1986), Khám phá về các bí ẩn của con người và thế giới sống (1998), Môi trường và sức khỏe (1985), Môi trường và quá trình đô thị hoá ở Việt Nam và Đông Nam á (1997), Đà Nẵng và định hướng ra biển (2000), Xây dựng một hệ sinh thái nhân văn bền vững miền núi Đông Dương (1997), Đất mũi miền văn hóa sông nước (2002), Hệ sinh thái nước lợ Thừa Thiên Huế (1996), Những vấn đề dược học dân tộc (), Sự thay đổi nếp sống của các dân tộc vùng lòng hồ sông Đà (2002), Hệ sinh thái mang tính nhân tạo và nếp sống cư dân vùng hồ thủy điện (2002), Biogaz và nước sạch cho các dân tộc miền núi phía Bắc (2001), v.v... Tôi và GS Tư Chi đồng chủ nhiệm chương trình nghiên cứu dài hạn: “ứng xử của cư dân nông nghiệp Đông Nam á với môi trường từ truyền thống đến hiện đại”, có rất nhiều đề tài nhánh, thu hút nhiều nhà khoa học xã hội và tự nhiên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau [3].

Trước đây tôi tham gia Hội Nước sạch và Môi trường do GS. VS Phạm Song làm Chủ tịch, vì tôi muốn góp phần cách nhìn và phương pháp tiếp cận của khoa học xã hội và nhân văn với các nhà khoa học tự nhiên và công nghệ, và, ngược lại học hỏi phương pháp của các bạn để cùng nhau góp phần thực hiện mục đích và tôn chỉ của Hội Nước sạch và Môi trường vào cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống hiện nay cho tất cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

________________________________________

[1] Xem Người đưa tin UNESCO số tháng 11 – 1994.

[2] Xem Phạm Đức Dương. Từ văn hóa đến văn hóa học. Nxb Văn hoá Thông
tin, H. 2002.

[3] Xem Phạm Đức Dương. 25 năm tiếp cận Đông Nam Á học. Nxb KHXH, H. 1998.

Nguồn: Tác giả

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Amartya Sen. Nhân quyền và các giá trị Á Đông

  • Aïda N'diaye. Người ta có thể thoát khỏi văn hóa của mình không?

  • Vũ Lê Thái Hoàng. Ngoại giao Công chúng trong thế kỷ 21

  • Pierre Bourdieu. Văn hóa lâm nguy

  • Nguyễn Huy Hoàng. Truyền thống và chủ nghĩa đa nguyên trong sự lý giải….

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 658
  • Tổng :
  • 3 7 8 0 0 0 3 7
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

LLVHH: Những vấn đề chung