logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Lý luận văn hóa học
  • VHH và các khoa học giáp ranh
Thursday, 03 January 2019 21:02

Trần Thị Thanh Nguyên. Thắm sắc hoa đào của Wang Anyi (Trung Quốc) dưới góc nhìn văn hóa

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Additional Info

  • Tiêu đề:

    THẮM SẮC HOA ĐÀO CỦA WANG ANYI (TRUNG QUỐC)
    DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

  • Tác giả:

    Trần Thị Thanh Nguyên

Trần Thị Thanh Nguyên. Thắm sắc hoa đào của Wang Anyi (Trung Quốc) dưới góc nhìn văn hóa

Đào chi yêu yêu của Wang Anyi nếu được đọc với một tâm thế thưởng thức tiểu thuyết thông thường có lẽ sẽ là một tác phẩm gây thất vọng cho bạn đọc. Phép đọc văn hóa học, lí giải tác phẩm ở chiều kích tri thức nhân văn tích hợp, qua những khu định văn hóa, đã góp phần nhận diện tâm tính đô thị Thượng Hải. Đó là một tâm tính phức hợp do nghịch lí giữa hiện tồn phồn hoa và tiềm thức mặc cảm sinh ra một sự, nên gọi là, TỰ BIẾT AN HÒA trong sinh hoạt vật chất lẫn tư chất tinh thần.

1. Đặt vấn đề

Wang Anyi (được độc giả Việt Nam quen gọi với tên theo âm Hán Việt: Vương An Ức), sinh năm 1954, là nữ nhà văn đương đại Trung Quốc, chủ tịch Hội nhà văn Thượng Hải và là phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc đương nhiệm. Bà là nhà văn được giới văn học sử Trung Quốc xếp vào lớp nhà văn Trí Thanh, tức là lớp thanh niên trí thức bắt đầu trưởng thành vào thời Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976) của Trung Quốc. Bà bắt đầu sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp vào năm 1987 với tư cách hội viên chính thức của Hội nhà văn Thượng Hải. Từ năm 2004, bà là giáo sư văn học Khoa Trung văn, trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải. Bà được công chúng và giới phê bình văn học chuyên nghiệp đón nhận như một nhà văn – học giả. Wang Anyi sáng tác bền bỉ, đều đặn ở nhiều thể loại văn xuôi nghệ thuật như truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Bà còn tích cực tham gia vào việc viết phê bình, tiểu luận, nghiên cứu lí luận văn học để giảng dạy và cả diễn thuyết ở các sự kiện hay chương trình văn học trên các phương tiện truyền thông. Wang Anyi từng chia sẻ, viết đối với bà không quá nặng nhọc, nó đã là công việc, là thói quen hằng ngày và là nhu cầu tự thân của bà. Tác giả Wang Anyi, trong mắt người tiếp nhận, là một nữ nhà văn kinh lịch và năng động, đặc biệt bà được xem là nhà văn viết về Thượng Hải rất thành công hiện nay. Bà đã đạt rất nhiều giải thưởng văn học Trung Quốc và quốc tế, như được đề cử giải Man Booker Quốc tế2011, và mới đây 2017 là giải Newman Prize for Chinses Literature (Giải thưởng văn học Hoa ngữ ở Mỹ).

Đào chi yêu yêu, bản thảo nguyên tác tiếng Trung được hoàn thành từ năm 2003, bản dịch tiếng Việt (mang tên Thắm sắc hoa đào) được xuất bản từ năm 2009.Về mặt dung lượng, bản dịch tiểu thuyết này chỉ tương đương một truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết) hơn 250 trang khổ nhỏ. Đào chi yêu yêu là một truyện kể đơn giản, tuyến tính về cuộc đời một nhân vật nữ, sinh ra vào thập niên 50 tại Thượng Hải. Bản thân câu chuyện vốn dĩ cũng không có gì đặc biệt, chỉ là sinh hoạt thường nhật của một cô gái và từng nhóm người hạn hẹp xung quanh cô. Cùng là kiểu thi pháp dòng chảy cuộc đời, nhưng tác phẩm của Wang Anyi không có được sự lôi cuốn mãnh liệt của sự kiện theo kiểu Sống chết ở Thượng Hải của Trịnh Niệm hay quyến rũ của tình tiết theo kiểu Đêm si tình Thượng Hải của Ngô Du. Sức hút của tác phẩm Wang Anyi chính là ở việc bắt nhịp với một trào lưu viết hiện nay: viết không chỉ là để kể chuyện, viết không chỉ để phản ánh, viết còn là để biểu hiện một căn tính, một tính cách cơ bản (khái niệm của I.Taine), tính cách xã hội. Khái niệm này còn được định danh bởi một thuật ngữ nữa: tâm tính (mentalité) với tư cách một loại hình văn hóa. Ví dụ, tiểu thuyết Phong nhã tụng của Yan Lianke (Diêm Liên Khoa) được xem là biểu hiện thành công tâm tính(căn tính) đô thị Bắc Kinh, tiểu thuyết Khi ta mơ quá lâu của Goh Poh Seng biểu hiện tâm tính (căn tính) Singapore, …Và Đào chi yêu yêu của Wang Anyi đã biểu hiện được tâm tính đô thị Thượng Hải. Để lí giải tâm tính, căn tính, tính cách cơ bản của một cộng đồng, tính cách xã hội được biểu hiện (hay mã hóa) bằng diễn ngôn văn học, chúng ta phải vận dụng gần như toàn bộ tòa nhà tri thức nhân văn. Nói cách khác, người đọc buộc phải huy động toàn bộ kiến thức văn hóa học mà bản thân đã tích lũy qua sách vở, qua trải nghiệm văn hóa từ thực tế và từ các diễn ngôn nghệ thuật khác. Do vậy, Đào chi yêu yêu là một tiểu thuyết thích hợp với phép đọc văn hóa học, dùng văn hóa để lí giải tác phẩm. Nguyên tắc của phương pháp này là đi tìm ảnh hưởng không chỉ của văn hóa đương thời đối với văn học, mà còn truy nguyên đến cả các truyền thống văn hóa xa xưa của cộng đồng. [3;270].

Trong bài viết, chúng tôi có sử dụng một số khái niệm chuyên ngành văn hóa học để làm công cụ biểu đạt cho quá trình tiếp cận và lí giải tác phẩm. Để thống nhất khái niệm, chúng tôi sử dụng hệ thống thuật ngữ văn hóa học của Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Kim Lai trong công trình Văn hóa học của Nxb Giáo dục-2007. Một số khái niệm chuyên biệt mang tính đặc thù của văn hóa Trung Quốc, với tư cách là văn hóa nền, văn hóa bối cảnh và cũng là hạt nhân của lối viết biểu hiệntâm tính, (cụ thể trong phạm vi bài viết này là tâm tính đô thị Thượng Hải), chúng tôi sẽ vận dụng cách lí giải của tác giả Chen Zhiliang (Trần Chí Lương) trong công trình Đối thoại với tiên triết về văn hóa phương Đông thế kỉ XXI cùng một số tài liệu khác để bổ trợ.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Giới thuyết thuật ngữ “tâm tính” (mentalité)

Bản thân thuật ngữ này bắt nguồn từ danh từ tiếng La Tinh “mens”, có nghĩa là trí tuệ, tư duy, lối tư duy, tư chất tinh thần. Tâm tính là một tổng thể tư tưởng, niềm tin, thói quen tinh thần tương đối toàn vẹn, tạo ra bức tranh về thế giới và kiện toàn sự thống nhất của truyền thống văn hóa hay của một xã hội nào đó [4 ;221].

Khi nói tâm tính là một tổng thể, thì nội dung của tâm tính bao gồm các cá thể trong một tập thể. Tâm tính cũng là một khái niệm có tính tầng bậc, chúng ta có tâm tính cá thể và tâm tính tập thể. Tâm tính cũng cần được phân biệt với tâm trạng xã hội, các định hướng giá trị và các hệ tư tưởng. Khác với tính chất thường biến, dễ dao động, dễ bị tổn thương của tâm trạng xã hội, tâm tính biểu thị một cái gì đó ít nhiều ổn định hơn, như thói quen, thiên kiến, định kiến, các khuôn mẫu cảm xúc tập thể. Khác với các định hướng giá trị được phát biểu tương đối hiển ngôn trong cộng đồng như các chuẩn tắc đạo đức, châm ngôn sống, …nói chung hoàn toàn thuộc về tầng ý thức mà cộng đồng có thể kiểm soát được, thì tâm tính còn là miền sâu của tâm lí, hay như cách nói của các nhà tâm phân học, là tiềm thức tập thể. Các tác nhân của tâm tính không phải lúc nào cũng có thể biểu thị bằng ngôn từ, hữu hình. Phản xạ, hành vi của mỗi cá thể và cả cộng đồng không phải lúc nào cũng là kết quả trực tiếp của hoạt động phân tích không ngừng do ý thức kiểm soát, mà nó còn là do sự ảnh hưởng từ những kinh nghiệm xã hội quá khứ, áp lực lựa chọn từ thế giới quan trong các miền sâu của tiềm thức. Theo góc độ của các nhà nghiên cứu tâm tính phương Tây (L.Levy-Bruhl, A.Ya.Gurevich, E.Fromm, S.Freud, K.Jung…), khái niệm tâm tính ở bình diện đồng đại, cho phép chúng ta khảo cứu các khuôn mẫu văn hóa, lối tư duy, tư chất tinh thần của các cộng đồng khác nhau; còn ở bình diện lịch đại, tâm tính là một hiện tượng có quá trình tiến hóa từ tâm tính nguyên thủy, tâm tính cổ đại, tâm tính trung cổ, (tất nhiên các nghiên cứu này bị chi phối bởi quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm). Ngày nay với cái gọi là “làn sóng văn minh thứ 3” hay “cú sốc tương lai” (Alvin Toffler), các nhà nghiên cứu tâm tính đang còn bàn về tâm tính hậu hiện đại.

Tâm tính (mentalité) là một thuật ngữ phương tây, tuy nhiên hai tác giả Đỗ Minh Hợp và Nguyễn Kim Lai sử dụng danh từ “tâm tính” để chuyển dịch “mentalié” cũng là một sự lựa chọn rất thích đáng. “Tâm tính”, “tâm” và “tính” là những từ có địa vị khá đặc biệt và cũng không xa lạ với giới văn hóa ở phương đông, đặc biệt là ở các nước vốn có sự chia sẻ văn hóa gốc Hán như Việt Nam. Tuy nhiên, trong bài viết này, thuật ngữ tâm tính mà chúng tôi sử dụng là theo nghĩa vừa được giới thuyết, tức là tư chất tinh thần của một cá thể và cộng đồng, biểu hiện qua tư tưởng, niềm tin, thói quen, cụ thể hơn nữa là trực giác về thời gian và không gian, quan hệ với tự nhiên và cái siêu nhiên, quan niệm về độ tuổi sống của con người, đạo đức lao động và thái độ đối với sự giàu có và sự nghèo nàn, luật pháp, thế giới cảm xúc. Tóm lại, phải thấy được một cộng đồng qua các cá thể đang nghĩ gì, thể nghiệm cái gì và dành quyền ưu tiên cho cái gì.

Trong bài viết này, chúng tôi vận dụng tri thức vừa được giới thuyết để phân tích diễn ngôn văn học, cụ thể ở đây là tiểu thuyết Đào chi yêu yêu của Wang Anyi. Chúng tôi dùng thuật ngữ diễn ngôn văn học (không dùng thuật ngữ “tác phẩm” quen thuộc) để nhấn mạnh tính ba bình diện của sản phẩm ngôn từ (mà tác phẩm đương nhiên là sản phẩm ngôn từ): kết học, nghĩa học và dụng học. Chúng tôi nhấn mạnh tính ba bình diện này, (thật ra đây là kết quả mà chúng tôi rút ra được sau khi thực hiện phép đọc văn hóa học đối với sáng tác của nhà văn - học giả Wang Anyi) để thấy được cái tâm tính Thượng Hải mà nhà văn đã diễn đạt được bằng tiểu thuyết của mình không phải chỉ ở tính nội tại của bản thân một tác phẩm khi nó đã được viết xong, đã hoàn tất, đã đóng. Diễn ngôn là xét ngôn ngữ đang hành chức. Tâm tính Thượng Hải được biểu thị trong lối viết, trong quá trình viết của tác giả và trong phép đọc, trong quá trình đọc của độc giả.

2.2. Tâm tính Thượng Hải qua những khu định văn hóa

Khu định văn hóa được nhận diện giữa hai lần chuyển biến văn hóa. Theo tác giả Jin Yuanfu (Kim Nguyên Phố) trong bài viết Bàn về "Chuyển hướng văn hoá" trong văn học đương đại Trung Quốc [6], Trung Quốc đã diễn ra một sự chuyển biến văn hóa với mốc thời gian là đầu thế kỉ XXI. Với mốc chuyển biến này, chúng ta nhận ra hai khu định văn hóa, một là trước thế kỉ XXI, có thể gọi là khu định văn hóa cận hiện đại và hai là từ đầu thế kỉ XXI trở đi, có thể gọi là khu định văn hóa đương đại. Nếu với khu định văn hóa cận hiện đại là một Trung Quốc đi bên ngoài quỹ đạo và đi sau sự phát triển chung của thế giới, thì với khu định văn hóa đương đại là một Trung Quốc với ý thức đầy đủ “Sự phát triển văn hóa nếu như không kết hợp với sự đột phá mang tính cách mạng của kinh tế và kĩ thuật mới, công nghệ cao thì sẽ bị sự phát triển thế giới hiện thực như vũ bão đào thải”, đã đi vào quỹ đạo phát triển chung của thế giới. Ý kiến này đại diện cho giới học giả Trung Quốc nhận định rằng đầu thế kỉ XXI đã là mốc chuyển hướng văn hóa của Trung Quốc, và Trung Quốc muốn phát triển phải thích nghi, phải thay đổi, phải “mới”. Ý kiến này được sự đồng thuận của giới trí thức, trong đó có giới chính khách. Đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc đã cho thế giới nhìn thấy một hiện tượng được gọi là “Kỳ tích Phố Đông”[i]. Thời điểm đó, tinh thần Thượng Hải được Từ Khuông Địch [2008], nguyên thị trưởng Thượng Hải, đúc kết như sau: “Chúng ta theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt vời như cách đại dương ôm trọn trăm con sông!” [2 ;2]. Trong hội nghị cao cấp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã mời các nguyên thủ quốc gia của APEC đến tham quan Khu đô thị mới Phố Đông của Thượng Hải và nói: “Phố Đông là hình ảnh thu nhỏ quá trình hiện đại hóa của Thượng Hải, là biểu tượng của công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc” [2 ;7]. Như vậy, theo các diễn ngôn vừa nêu, chúng ta thấy sau mốc chuyển biến văn hóa đầu thế kỷ XXI, là một khu định văn hóa đương đại với các hình dung từ như: mới, đột phá, hoàn hảo, …Ở khu định văn hóa đương đại ấy có một Thượng Hải với tâm tính nghĩ về sự đổi mới, đang thể nghiệm sự thay đổi và dành ưu tiên cho cơ sở hạ tầng kinh tế. Nếu xét cấu trúc của một khu định văn hóa bao gồm các thành tố văn hóa thống trị, tiểu văn hóa và phản văn hóa, thì phương diện tâm tính Thượng Hải vừa nêu đang ở địa vị văn hóa thống trị. Chúng ta có nhìn thấy phương diện tâm tính này của Thượng Hải thì chúng ta mới thấy được “tính có vấn đề” của sự ra đời tiểu thuyết Đào chi yêu yêu vào những năm đầu thế kỉ XXI.

Liên quan đến diễn ngôn văn học Đào chi yêu yêu có hai khu định văn hóa, một khu định văn hóa khi diễn ngôn này ra đời (viết và xuất bản) với tư cách là một ngữ cảnh văn hóa của nó, và một khu định văn hóa được diễn ngôn lấy làm bối cảnh với tư cách là một “hiện thực” bên trong diễn ngôn.Đào chi yêu yêu được Wang Anyi hoàn thành bản thảo vào 10/7/ 2003 và được Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã xuất bản vào quý 1 năm 2004, những năm đầu thế kỉ XXI. Như vậy ngữ cảnh văn hóa của nó là khu định văn hóa đương đại, cụ thể là một Thượng Hải với tâm tính đạt đến mức độ kịch phát trong sự khao khát đổi mới và dành ưu tiên cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế. Trong một ngữ cảnh văn hóa như vậy, hiện thực bên trong diễn ngôn Đào chi yêu yêu lại là một Thượng Hải xuyên qua những năm 20 đến những năm 80của thế kỉ XX. Đây là khoảng thời gian sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến bắt đầu thời kì đổi mới của Trung Quốc, tương đương với khu định văn hóa cận hiện đại, và đây cũng là lúc có một đô thị Thượng Hải định hình theo một cách không giống bất cứ một đô thị nào trước đó ở Trung Quốc. [ii]

Thượng Hải bắt đầu được biết đến từ cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840 (nghĩa là rất muộn so với sự ra đời của các đô thị lớn khác của Trung Quốc như Bắc Kinh, Nam Kinh,…), và sau đó hình thành đô thị bằng con đường trở thành nhượng địa của các đế quốc. Đô thị Thượng Hải được xây dựng bởi những viên gạch tô giới,nơi người Hoa mất đi chủ quyền lãnh thổ và cùng với đó là sự mất đi lòng tự tôn dân tộc. Buổi đầu hình thành, Thượng Hải như một đứa bé với nhiều dòng máu, nên không rõ được đâu là truyền (huyết) thống thực sự của mình. Nó như một hí trường lớn, mang thân phận xướng ca vô loài, vì xinh đẹp nên được nhìn ngắm, và cũng vì để nhìn ngắm giải trí nên nó không có được một địa vị cao sang trong tâm thức người khác như đô thị -kinh đô. Hai nhân vật nữ quan trọng trong Đào chi yêu yêu (hai mẹ con Tiếu Minh Minh và Úc Hiểu Thu) đều có xuất thân không rõ lai lịch, biết mẹ mà không xác định được cha. Từ mẹ của người mẹ đã là diễn viên của hài kịch, cho đến đời đứa con gái, nghĩa là cả 3 đời “mẫu hệ” đều có liên quan đến sân khấu. Hiểu Thu là đứa con thứ ba của Minh Minh sau khi đã ly hôn được một năm rưỡi, hai đứa lớn là con với chồng lúc còn quan hệ hôn nhân. “Nhưng cũng lạ, chưa bao giờ mẹ đụng ngón tay vào anh chị nó. Nó không thân với anh chị, nhưng anh chị lớn lên, nó lại rất tôn trọng, lễ phép. Anh chị thì lạnh như băng, khiến nó nhìn anh chị rất cao, cao hơn nó. Giống như những người làm nghệ thuật, mẹ nó khiêm tốn có phần tự ti. Nhưng với đứa nhỏ này thì mẹ nó đánh mắng nhiều. Dường như, cũng không có nguyên nhân nào đặc biệt, so với hai đứa lớn thậm chí mẹ nó còn không thích nó nhiều hơn. Mẹ không thích cái lém lỉnh nhanh mồm nhanh miệng của nó, không thích dáng người cân đối mềm mại của nó, không thích nó cười quá tươi. Mẹ rất hay đánh mắng, ở một mức độ nào đấy, nó là chỗ để mẹ trút giận. Mỗi lần sự việc đến nước cùng, bị mẹ đánh, nó khóc nức nở. Mẹ mặc kệ, một mình nằm hoặc ngồi hút thuốc, khói thuốc ngột ngạt căn phòng. Nó hít hít, cảm thấy dễ chịu, rồi không khóc nữa. Chờ cho mẹ nằm xuống, quay lựng lại, nó chỉ dám chạm nhẹ đến tà áo mẹ. Cái áo lụa trơn bóng, lành lạnh cũng làm cho nó cảm thấy dễ chịu. Vậy là, nó lại yên tâm, dần dần còn cảm thấy hạnh phúc” [10 ;67]. Diễn ngôn vừa nêu về mặt nghĩa học không phức tạp, sự tình là tình cảnh của một đứa bé trong quan hệ với người thân trong gia đình. Song, xét về mặt dụng học, đối với người tiếp nhận –nhân vật tham gia vào giao tiếp cùng người kể chuyện, khác nhau sẽ lĩnh hội hiện thực ngoài diễn ngôn không giống nhau. Nếu là một người hoàn toàn xa lạ với Thượng Hải, trong ngôn cảnh này có lẽ chỉ tiếp nhận nội dung thông tin là bản thân hiện thực – đề tài của diễn ngôn, sự tình về tình cảnh đứa bé gái bị đối xử lạnh nhạt và bạo lực ngay trong gia đình, có thể sẽ gây nên một mối thương tâm, đánh động vào lòng thương người phổ quát. Với một người tiếp nhận ít nhiều có những trải nghiệm về Thượng Hải qua những diễn ngôn nghệ thuật khác như phim ảnh, hay tiểu thuyết Trương Ái Linh chẳng hạn, sự tiếp nhận có lẽ sâu xa hơn một chút, có thể họ sẽ nhận ra cái chất lạnh lùng của thị dân Thượng Hải. Và còn nếu là một người Thượng Hải tiếp nhận diễn ngôn ấy thì còn thấy một ý niệm sâu sắc đến mức không dễ gì diễn đạt như ví dụ sau đây: “Trong tên của Vương An Ức có một chữ “Ức”. Người phụ nữ mà tên chỉ có một chữ này thôi sống ở Thượng Hải, quả thật là không còn gì thích đáng hơn. Thượng Hải và kí ức đúng là dây mơ rễ má với quá nhiều người. Đương nhiên là ai cũng biết bà ấy sinh ra ở Nam Kinh, nhưng (sáng tác của bà đã cho thấy) cái đang chảy trong máu của bà đó chính là Thượng Hải” [ - TTTN dịch từ (12)]. Qiu Xiaowu (Khưu Hiểu Vũ), một thị dân Thượng Hải, đã ghi nhận lại sự tiếp nhận của mình đối với sáng tác của Wang Anyi như vậy. Người Thượng Hải như nhận ra tâm thức của chính mình. Tiềm thức tập thể của họ như một đứa bé gái không rõ lai lịch, bị bạo lực nhưng vẫn xinh đẹp trưởng thành. Nếu không là người Thượng Hải, những hiểu biết về Thượng Hải cũng có thể trang bị cho chúng ta một tiền giả định giao tiếp để trong một chừng mực nào đó lĩnh hội hàm ý ám chỉ tiềm thức tập thể của thị dân Thượng Hải, song chúng ta khó có được sự rung động tận cõi lòng thật sự như người trong cuộc. Như vậy, Thượng Hải của khu định văn hóa cận hiện đại với tư cách là hiện thực bên trong diễn ngôn Đào chi yêu yêu lại mang tâm tính của sự mong muốn yên ổn, đang trải nghiệm cuộc sinh hoạt bình nhật và dành ưu tiên cho đời sống dung dị đang có trong tay mà thôi.

Quay trở lại khu định văn hóa đương đại, khi đang có một Thượng Hải với tâm tính nghĩ về sự đổi mới, đang thể nghiệm sự thay đổi và dành ưu tiên cho cơ sở hạ tầng kinh tế, Đào chi yêu yêu của Wang Anyi lại gợi ra một Thượng Hải “những ngày cũ” thuộc về khu định văn hóa cận hiện đại như vậy, phải chăng có vẻ như không hợp thời? Như vậy, mối quan hệ giữa hai khu định văn hóa ngoài và trong diễn ngôn văn học này như thế nào? Không thể nói tiểu thuyết này là sản phẩm hay dấu hiệu phản văn hóa (theo nghĩa phản ứng đối lập lại văn hóa thống trị), vì phong vị của tiểu thuyết cuối cùng vẫn là chiều thuận với tâm tính đương đại, đứa bé Úc Hiểu Thu không rõ lai lịch vẫn xinh đẹp trưởng thành, vẫn khai hoa nở nhụy, trở thành vợ kế của anh rể sau khi chị gái đã chết, là mẹ kế của một đứa bé và đang chuẩn bị là mẹ ruột của một đứa bé nữa.Đào chi yêu yêu không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến rất nhiều đứa bé (từ đầu là đứa bé 13 tuổi Minh Minh, hai đứa bé con đầu của Minh Minh, đứa bé Úc Hiểu Thu –con sau của Minh Minh, những đứa bé bạn của chúng, đứa bé cháu –con chồng của Hiểu Thu, cuối cùng là đứa bé sắp ra đời của Hiểu Thu).Có một điểm chung giữa tất cả các đứa bé này là sự thiếu hụt tình cảm gia đình, hầu như không có một đứa bé nào được trọn vẹn sự yêu thương chăm sóc, vì lí do khách quan lẫn chủ quan từ phía cha mẹ chúng. Điều này gợi lên một Thượng Hải vốn luôn sinh sôi phát triển, một Thượng Hải đương đại khi đang mải miết với kinh tế, đang say sưa với sự phồn hoa vẫn có thể có những phức cảm sâu thẳm dưới dạng tiềm thức tập thể mà không phải ai cũng có thể tự lí giải được. Đó là Thượng Hải tự nhìn, mặt khác là Thượng Hải bị nhìn. Ai đang nhìn Thượng Hải sẽ hiểu rõ hơn về Thượng Hải qua diễn ngôn văn học của Wang Anyi, đó là một Thượng Hải phồn hoa, vốn dĩ phồn hoa ngay tự buổi đầu và đang ngày càng phồn hoa hơn nữa (khu định văn hóa ngoài tác phẩm), vì sự phồn hoa mà Thượng Hải tồn tại, nhưng lại mang mặc cảm như là một đứa con không được sinh ra bởi dòng chính, cho nên dù tài hoa cũng tự biết AN phận (khu định văn hóa trong tác phẩm).

2.3. Tâm tính Thượng Hải qua những động lực văn hóa

Nếu hiểu tâm tính là một quá trình thì những nhân tố nào tham gia thúc đẩy nó, nếu hiểu tâm tính như là một chỉnh thể sinh mệnh thì những nhân tố nào tham gia nuôi dưỡng nó, cho nó một sự tồn tại? Các nhân tố ấy chính là động lực văn hóa. Động lực văn hóa chính là những nhân tố nuôi dưỡng, định hình nên tâm tính, và tham gia thúc đẩy quá trình diễn biến của tâm tính.

Nếu diễn ngôn văn học Đào chi yêu yêu đã cho người đọc thấy được một tâm tính Thượng Hải phức tạp qua mối quan hệ giữa hai khu định văn hóa, mối quan hệ giữa ngữ cảnh văn hóa ngoài diễn ngôn và đề tài – hiện thực trong diễn ngôn, thì nó cũng có hàm chứa một sự lí giải về sự tồn tại tâm tính phức tạp ấy.

Như trên đã nêu, Đào chi yêu yêu lấy bối cảnh Thượng Hải từ thập niên 20 đến 80 của thế kỉ XX, trong giai đoạn này, về mặt hiện thực lịch sử khách quan, Thượng Hải có biết bao nhiêu biến cố dữ dội: chiến tranh, bị thực dân hóa, cách mạng, Đại Cách mạng văn hóa, …Tuy nhiên, các nhân vật của Wang Anyi giống nhau ở sức sống bền bỉ, có được ở thái độ sống vô cùng thực tế, thực tiễn, không vướng một ý niệm siêu hình nào. Đơn giản là sống, sống thì có những nhu cầu cơ bản và họ có cách thỏa mãn cũng như giới hạn nhu cầu của mình cho vừa sức, vừa khéo không làm bản thân bị vắt kiệt và cũng không làm tổn hại đến người khác, đến xung quanh. Đầu tiểu thuyết là nhân vật người mẹ -Tiếu Minh Minh, khi còn là một thiếu nữ 17, 18 tuổi lần đầu một mình đặt chân đến Hồng Công đã rơi vào tình cảnh mất liên lạc với công ty điện ảnh. Cô thất vọng nhưng không hề tỏ ra hoang mang, “Minh Minh ngồi trên giường, nghĩ xem tiếp theo phải làm gì. Cô là một người rất thực tế, không muốn tìm hiểu nguyên do nào Công ty điện ảnh Vĩnh Hoa vừa đến Thượng Hải tuyển diễn viên, lại đổ bể nhanh chóng như thế? Tìm hiểu để làm gì? Những người kia dù có là quân lừa đảo hay không thì lúc này cũng không thể làm gì nổi […] Cô chỉ còn biết tính tiền đi đường cho mình” [10;16]. Sau đó bị chồng phản bội, Minh Minh hút thuốc một đêm trắng, rồi cũng nhanh chóng đưa ra quyết định ly hôn, một mình nuôi các con. Minh Minh vẫn ăn mặc đúng kiểu hợp thời, vẫn đeo hoa tai. Đến Úc Hiểu Thu, sinh ra và lớn lên trong thành kiến và sự lạnh lùng, em vẫn trưởng thành cả về thể chất và về tâm hồn, bởi em không bận tâm suy nghĩ nhiều, trong một lần đi gặp bố của anh chị, Hiểu Thu càng cảm thấy “có bố hay không đều không quan trọng” [10;85].  Khi lớn lên một chút, Hiểu Thu cũng giống bạn bè đồng trang lứa phải đi về nông thôn để được giáo dục lao động lại, cuộc sống đói kém, khi các bạn nhận quà bánh từ gia đình ở Thượng Hải, Hiểu Thu thì không, vậy là em đi mót khoai ngoài rẫy để ăn và tỏ ra rất vui thích vì được chạy nhảy tự do ngoài không gian rộng lớn. Khi bị phản bội trong tình đầu, “Vì cả hai đều biết quan hệ của họ không còn phát triển, không còn cứu vãn nổi, chẳng qua một nghi thức là xong. Dân Vĩ và Hiểu Thu cắt đứt quan hệ […] Trong thời gian này, cuộc sống của Hiểu Thu bị một chuyện khác chiếm cứ lấy, ấy là chị gái sinh bé” [10;245]. Chị gái mất ngay sau sinh, Hiểu Thu chăm cháu, rồi dần dần nhà chồng của chị gái mong Hiểu Thu thay thế hẳn chị gái mình, Hiểu Thu nhu thuận chấp nhận anh rể làm chồng. Những tình huống trên cho thấy các nhân vật là người biết cách cân bằng. Sự cân bằng của họ được nhà văn thể hiện ở lối viết làm lu mờ những biến cố lịch sử dữ dội liên quan đến bối cảnh. Nhà văn quy chiếu vừa đủ để người đọc biết được bối cảnh, và “sự bỏ quên thủ pháp” trần thuật, không lạ hóa bất cứ tình tiết nào, không gia công cho bất cứ một yếu tố nghệ thuật tự sự nào là một lối viết cố ý làm mờ bối cảnh được quy chiếu. Tác dụng của nó chính là khiến người đọc hiểu được, các nhân vật ít bị tác động bởi bối cảnh. Họ có được trạng thái, tâm thái tự cân bằng.

Tự cân bằng là một trong những động lực phát triển nguyên thủy theo quan niệm của Đạo gia: vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến, biến tắc thông, cùng biến thông cữu.

Cuối tác phẩm là hình ảnh một thiếu phụ Úc Hiểu Thu vừa sinh con xong đi đến ban dân phố hỏi chế độ của mình đã có con chồng rồi, giờ sinh thêm một con nữa có được tính là sinh con một không. Nhận được câu trả lời là không với sự cau có dạy đời: chị như thế là tốt lắm rồi, người ta có một, chị có hai con. “Thu đành đứng dậy, nhường chỗ đi ra cửa. Tuy không được gì nhưng Thu rất bằng lòng, không khó chịu với cô gái kia vì cô ta nói: người ta chỉ có một, chị có hai con! Quả là lời khen cho cuộc sống của Thu” [10;267]. Việc mới sinh con đã cho Thu một năng lượng mới mẻ, tích cực. “Giống như một đóa hoa rực rỡ nở rộ, rồi từng cánh hoa rơi xuống, hoa kết trái.Vẻ rực rở bên ngoài không còn, trở nên bình thường, nhưng bên trong đang căng đầy, căng đầy, bằng một hình thức mà mắt thường không thể trông thấy, lan tỏa ra bên ngoài, mang lại tốt lành xung quanh Hiểu Thu.” [10;268]

Tiểu thuyết được Wang Anyi mượn một câu trong Kinh thi đặt tên: 桃之夭夭Đào chi yêu yêu.Tương tự vậy, tên các chương cũng đều mượn từ những câu thơ cổ

  • 梨花一枝春带雨

Lê hoa nhất chi xuân đái vũ: cành lê hoa đọng giọt mưa xuân (trích trong bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị)

  • 新剥珍珠豆蔻仁

Tân bác trân châu đậu khấu nhân: Hạt đậu khấu (vừa mới bóc vỏ) đẹp tựa trân châu (Trích trong bài tản khúc Tiếng rao bán hoa –Hương trà của Kiều Cát – thời Nguyên)

  • 千朵万朵压枝低

Thiên đóa vạn đóa áp chi đê: Ngàn vạn hoa thơm trĩu nặng cành (Trích trong bài thơ Một mình dạo bước bên sông tìm hoa của Đỗ Phủ)

  • 豆棚篱落野花妖

Đậu bằng li lạc dã hoa yêu: giàn đậu hoa rơi đẹp lạ thường (trích tản khúc Hoa ảnh tập  của Tử Dã)

第五章插髻烨烨牵牛花

Tráp kế diệp diệp khiên ngưu hoa: Đóa khiên ngưu lung linh búi tóc (trích trong bài từ Can hoa nữ của Lục Du)

Các câu thơ vay mượn đều có điểm chung là lấy hoa làm tượng, hoa trong độ mãn khai, kết trái. Nhìn từ phương diện kết học của diễn ngôn, biểu tượng hoa trong tên của các chương kết hợp với tình tiết kết của tiểu thuyếtcũng mượn hoa để diễn đạt như đã nêu, gợi cho người đọc hiểu được một mệnh đề văn hóa căn cốt của Trung Hoa: thiên địa chi đại đức viết sinh (Kinh Dịch, Hệ từ hạ). Cái đức lớn của trời đất là sự sinh sôi ra vạn vật và tiếp tục làm cho vạn vật sinh sôi.

Hình thức nhắc lại thơ xưa cho thấy ý thức chủ động tìm cảm hứng từ nguồn mạch truyền thống của tác giả. Tìm về cũng chính là một tâm thức Trung Hoa: Đại viết viễn, viễn viết thệ, thệ viết quy, lớn là phải xa rộng, đủ xa rộng rồi thì phải vận hành trôi chảy (ra đi), đi rồi phải biết quay về; và cứ tiếp tục như vậysinh sinh bất tức, sự sống không bao giờ dừng lại.

Như vậy, tâm tính Thượng Hải phức tạp, dường như có một nghịch lí giữa biểu hiện cuộc sống phồn hoa và tiềm thức tự ti, nhưng Thượng Hải vẫn tồn hiện như nó vẫn là. Căn cốt văn hóa thiên địa đại đức chi viết sinh và vật cực tất phản của truyền thống Trung Hoa đã giúp Thượng Hải có được tâm tính tự biết cân bằng trên phương diện sinh tồn, sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần. Truyền thống văn hóa Trung Hoa có thể nói xuất phát từ Dịch lý易理, sau đó phát triển theo Đạo道, theo Nho儒hay thẩm thấu vào Phật佛, rồi lại hội tụ tất cả vào một chữ HÒA和. Thượng Hải là một đô thị đặc thù sinh sau đẻ muộn lại, mang dấu vết (bị động lẫn chủ động, quá khứ lẫn hiện tại) của sự lai ghép văn hóa nên có lẽ cái mà Thượng Hải có được là chữ HÒAcuối cùng này chăng? Chữ HÒAnày trong diễn ngôn văn học Đào chi yêu yêu được biểu hiện rất kín đáo, một sự tạo nghĩa tinh tế trong lối viết vô hiệu hóa những xung đột, nhưng mâu thuẫn giữa người với người (tình tiết li hôn của Minh Minh và chồng, tình tiết chia tay mối tình đầu giữa Úc Hiểu Thu và Hà Dân Vĩ); giữa người với hoàn cảnh (những biến cố lịch sử dữ dội đã bị làm nhạt hóa rõ rệt trong tác phẩm).

Bàn về cục diện đương đại bằng cách vận dụng thế giới quan Âm Dương của Trung Hoa, Chen Zhiliang (Trần Chí Lượng) cho rằng: Bất kỳ trong cấu thành văn hoá của nhân loại đều bao hàm hai nhân tố âm dương. Âm đại biểu nữ tính, thu nhỏ, hưởng ứng, hợp tác, trực giác, tổng hợp. Dương tương phản, đại biểu nam tính, khuếch đại, yêu cầu, tấn công, cạnh tranh, lý tính, phân tích ... Thế giới hiện nay ở đâu cũng mất cân bằng nghiêm trọng như mất cân bằng trong tư tưởng và cảm tính, mất cân bằng giữa quan niệm giá trị và lý luận, mất cân bằng giữa thu nhập và tiêu dùng. Nguyên nhân mất cân bằng là do thiên lệch quá nặng về nhân tố văn hoá dương tính, áp chế nhân tố văn hoá âm tính [...]. Đây là quá mức khuếch đại tác dụng của tri thức lí tính, phân tích. Coi nhẹ tri thức trực giác, tổng hợp và tri thức sinh thái.[5;88]

Thượng Hải vốn là đô thị; đô thị là bầu sinh thái nhân văn thoát ly tự nhiên, trong khu định văn hóa đương đại, đô thị Thượng Hải  ngày càng thoát ly tự nhiên hơn nữa.Tính theo thế giới quan Âm Dương mà nhà triết học Chen Zhiliang diễn giải trên đây, Thượng Hải - một đô thị Thượng Hải của thế giới khách quan – sẽ ngày càng tôn dương diệt âm. Song, với diễn ngôn văn học Đào chi yêu yêu, phải nói rằng dường như có một Thượng Hải hoàn toàn khác, hiện thực trong diễn ngôn văn học không trùng khít với hiện thực ngoài diễn ngôn.

. Thế giới trong Đào chi yêu yêucũng là một đô thị có tên gọi Thượng Hải, nhưng là một Thượng Hải mang thêm chủ thể tính của nhà văn Wang Anyi. Thượng Hải đó rấtkhác với Thượng Hải khách quan, hay đúng hơn là Thượng Hải trong mắt nhiều người hiện nay, một đô thị ngày càng xa rời với tự nhiên, ngày càng mất cân bằng do lực dương áp chế. Cái khác đó do nhà văn đã đặt sự nhìn của mình vào không gian ngõ hẻm phía sau những mặt tiền đại lộ. Mặt tiền đại lộ là tinh hoa, là phồn hoa, là lực dương, nhưng lại là số ít. Mặt hậu ngõ hẻm là bình dân, là thô kệch (thô thiển, thô bỉ), là lực âm, nhưng lại là số nhiều, số đông. Các nhân vật nữ như Minh Minh, Hiểu Thu là các nhân vật được tác giả biểu hiện đậm đà chất nữ tính (thuộc âm). Khuynh hướng của các nhân vật này cũng ở chiều âm, không bị đẩy lên thành cao siêu, thoát tục, phi phàm. Như vậy, Wang Anyi đã bằng quyền lực diễn ngôn văn học của mình mong muốn làm rõ tính âm của tâm tính Thượng Hải, ngay cả trong đương đại với biểu hiện bên ngoài đang tôn dương quá mức. Dù vậy, kì thực không phải có hai Thượng Hải, Thượng Hải trong Đào chi yêu yêu là góc nhìn của Wang Anyi về Thượng Hải.Qua góc nhìn đó nhà văn thấy rằng nó – Thượng Hải, còn hiện hữu được, không bị tiêu vong là nhờ bề sâu của nó vẫn còn liên lạc được nhiều với lực âm (âm tính). Giọng điệu tâm tình, bình thản đã phát huy tác dụng rõ rệt, khiến người tiếp nhận diễn ngôn dường như cũng chạm được vào sự liên lạc thẳm sâu ấy.

3.Kết luận

Đào chi yêu yêu của Wang Anyi nếu được đọc với một tâm thế thưởng thức tiểu thuyết thông thường có lẽ sẽ là một tác phẩm gây thất vọng cho bạn đọc. Phép đọc văn hóa học, lí giải tác phẩm ở chiều kích tri thức nhân văn tích hợp, qua những khu định văn hóa, đã góp phần nhận diện tâm tính đô thị Thượng Hải. Đó là một tâm tính phức hợp do nghịch lí giữa hiện tồn phồn hoa và tiềm thức mặc cảm sinh ra một sự, nên gọi là, TỰ BIẾT AN HÒA trong sinh hoạt vật chất lẫn tư chất tinh thần. Tâm tính phức hợp ấy vừa định hình như một chỉnh thể vừa đang diễn biến như một quá trình bởi những động lực văn hóa: quy luật tự cân bằng, sức sống không ngừng và cội nguồn của sự sống là ở lực âm.Tâm tính đô thị Thượng Hải trong diễn ngôn Đào chi yêu yêu biểu hiện một sự chấp nhận dấu vết lai ghép văn hóa của chính nó, nhưng qua động lực văn hóa cũng đã chứng minh sự ưu thắng của nhân tố (gen) văn hóa truyền thống trong sự tồn tại của bản thân tâm tính này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Vương Văn Anh,Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ Thượng Hải (Phạm Công Đạt dịch),Nxb Văn học, 2005.
  2. Triệu Khải Chính - Thiệu Dục Đống, Kì tích Phố Đông (bản dịch tiếng Việt của Dương Ngọc Dũng), Nxb Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2010
  3. Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb KHXH, 2012
  4. Đỗ Minh Hợp – Nguyễn Kim Lai, Văn hóa học, Nxb Giáo dục, 2007.
  5. Trần Chí Lương(Chen Zhiliang),Đối thoại với tiên triết văn hóa phương Đông thế kỷ XXI (người dịch Trần Trọng Sâm, Nguyễn Thanh Diên), Nxb Văn học, 2010.
  6. Kim Nguyên Phố(Jin Yuanfu), Bàn về “Chuyển hướng văn hóa” trong văn học đương đại Trung Quốc (bản dịch của Đỗ Văn Hiểu).

(http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/VanHocNuocNgoai/View_Detail.aspx?ItemID=6)

  1. Đường Quân (viết chung), Xã hội Trung Quốc  (người dịch Nguyễn Thị Thu Hằng), Nxb Tổng hợp Tp.HCM, 2012.
  2. Lê HuyTiêu, Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ đổi mới (1976-2000), Nxb ĐHQG Hà Nội, 2006
  3. Trần Lê Hoa Tranh, Văn xuôi nữ Trung Quốc cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, Nxb ĐHQG TpHCM, 2010
  4. Vương An Ức, Thắm sắc hoa đào (người dịch Sơn Lê), Nxb Hội nhà văn, 2009

Tiếng Trung

  1. 洪子诚,中国当代文学史, 北京大学出版社, 1999
  2. 邱晓雨,繁华都市背后的女性情怀——王安忆采访手记(http://www.chinawriter.com.cn  2010年07月16日11:15)  
  3. 王安亿,桃之妖妖,ebook



[i] Phố Đông, khu đô thị mới thuộc Thượng Hải, phát triển kinh tế thần tốc với khẩu hiệu “Phát triển Phố Đông, hồi sinh Thượng Hải, phục vụ đất nước và hướng ra thế giới”. Xem thêm tài liệu tham khảo số 2

[ii]Đô thị Trung Quốc chủ yếu phát triển từ nhu cầu tập trung quyền lực hành chính, vì vậy đô thị lớn nhất là kinh đô – nơi Thiên tử ở.

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Kai Kupferschmidt. Thay vì hướng tới virus, thuốc nhắm đích vào... chúng ta

  • David N. Balaam & Michael Vaseth. Kinh tế chính trị của thương mại quốc tế

  • Nguyễn Ngọc Hà. Quan điểm biện chứng về vận động

  • Nguyễn Hải Hoành. Kinh Thánh: Tác phẩm văn hóa vô giá của nhân loại

  • Hồ Trọng Hoài. Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy trong các nền chính trị

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 398
  • Tổng :
  • 3 7 7 2 9 2 6 8
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

VHH và các khoa học giáp ranh