Rất nhiều nơi của dân tộc Hán đều cấm kỵ không để người chết ra đi ngay trên giường ngủ của mình. Vì vậy, ở khu vực Hà Nam có tập tục là khi có người sắp mất, thì khiêng người ấy đến đặt trên nệm cỏ ở ngoài gian phòng. Với cùng một lý lẽ là, có một số nơi cho rằng người chết tắt thở ngay trong phòng của mình thì đó là một điều hết sức không tốt, đó gọi là “cách lương đoạn khí”. Đối với những người ra đi trong những nơi như thế, thì khi chuyển cữu cần phải mua một con gà trống sống mang theo bên quan tài, như thế mới có thể giải trừ được họa xấu. Ở Đài Loan, khi dời đệm đi thì còn phải di dời cả những đồ vật khác như tượng thần, lò hương trong phòng ra chỗ khác, hoặc là che chúng lại, nhằm tránh xung phạm. Tộc người Mãn thường làm giường đặt ở phía Bắc là to nhất, còn giường phía Nam là quý nhất, người ta cho rằng nếu để người chết tắt thở trên hai giường này thì đó là điều rất không tốt, thông thường thì cần phải mang đệm dời đến trải trên linh sàng và đặt người chết lên đó, nhằm để vong linh siêu độ. Ở dân tộc Di của vùng Vân Nam, khi cha mẹ bị bệnh nguy kịch, nếu như nằm ở trên lầu thì cần phải mang họ xuống dưới lầu, để họ tắt thở trong gian chính của nhà. Theo họ, ý nghĩa của việc làm này là như sau: một là sợ người chết tắt thở trên lầu thì vong linh sẽ khó mà đi xuống lầu được, hai là họ sợ rằng, sau này hồn ma sẽ hiện lên trên lầu, làm kinh sợ con cháu đời sau.
Về giờ khắc từ vong, trong dân gian cũng có cách đánh giá về sự hung cát của nó, đồng thời còn có phép tránh tà ma, diệt tai. Ở Đài Loan, dân gian cũng có tập tục kiêng kỵ người bệnh tắt thở vào sau bữa ăn cơm tối, và cho rằng, tắt thở vào lúc trước khi ăn cơm buổi sáng là tốt nhất. Người ta cho rằng, như vậy là người ấy đã để lại thế cho con cháu được ba bữa cơm, tục gọi là “lưu tam đốn”, ý là sẽ để cho con cháu sau này có đủ cơm ăn ngày ba bữa. Nếu như tắt thở sau khi ăn cơm bữa sáng, thì đó có ý là sẽ sinh ra ách vận cắt đứt chuyện thổi nấu. Điều cấm kỵ nhất là tắt thở sau khi ăn cơm chiều xong, vì dường như là người chết đã mang cả ba bữa ăn đem đi sạch, biểu thị ý nghĩa là con cháu sau này sẽ trở thành ăn mày, vì thế mà phải làm phép giải trừ mời được. Sự phát sinh ra tập tục này đã phản ánh năng lực sản xuất của người đời xưa là rất thấp. Đối với việc tang ma cho người chết yểu, thì ở một dãy đất An Huy lại có nhìn nhận như sau: nếu gặp ngày Canh Thân mùa xuân, ngày Giáp Tý mùa hạ thì rất là không tốt, sẽ có hiện tượng xác khô cứng. Những người trẻ tuổi chết vào những ngày này thì khi chuyển cữu phải thỉnh họa phù thuật thổ dán lên trên quan tài, và phép này sẽ phá giải được nó.
Khi mặc áo thọ, thông thường sẽ do tang chủ mặc lần lượt từng chiếc lên người của mình, sau đó cởi tất cả ra một lượt, rồi mặc cho người chết. Tộc người Hán cho rằng, số áo thọ của người chết cần phải là số lẻ, thường là năm, bảy hoặc chín cái, kỵ dùng số chẳn, vì sợ là họa hung của người chết sẽ giáng đến thêm lần nữa. Khi may áo thọ cũng không được dùng vải đoạn (đoạn tử), mà vải đoạn lại hài âm với tuyệt tự (đoạn tử), e rằng sẽ khiến cho con cháu sau này sẽ gặp phải điềm ứng tuyệt tự. Ở một vài địa phương, sau khi may áo thọ cho người chết thì còn phải dùng bánh miến làm bằng miến trắng và một cây gậy nhỏ để lên trên ống tay áo hay trên tay của người chết. Điều này chính là vì dân gian cho rằng, người sau khi chết đi sẽ đi xuống âm gian, buộc phải đi qua một thôn chó dữ, vì vậy mà chuẩn bị miếng bánh cho chó ăn và cây gậy đánh chó cho người chết, khiến cho người chết có thể đi đúng đường.
Theo tập tục của người Hán thì quan tài dùng khâm liệm người chết được chế tác bằng gỗ tùng bách, tránh dùng gỗ cây liễu. Vì gỗ cây tùng, cây bách tượng trưng cho trường thọ; còn cây liễu thì lại không kết quả, nên sẽ khiến cho tuyệt tự. Ở một vài nơi, người ta dùng gỗ cây bách để làm quan tài thì cần phải chêm thêm vào một ít cây sam, vì người ta cho rằng nếu quan tài được dùng gỗ cây bách để làm hoàn toàn thì sẽ bị “trời đánh” (bị sét đánh). Cỗ thọ cần phải để ở nơi khô ráo, càng khô ráo càng tốt, có như thế thì người ấy khi chuyển kiếp sẽ ít bệnh tật, nếu không thì sẽ phải gặp nhiều tật bệnh. Cỗ quan cần phải sơn càng sớm càng tốt, nếu không, sau khi khâm liệm xong rồi mới sơn phết thì người chết sẽ quờ quạng nhát ma. Tộc người Bố Y dùng nhiều cây tể, cây sam, hoặc cây xuân đỏ để làm quan tài, kiêng không dùng gỗ cây thích bao làm áo quan. Tục cho rằng, khi cây tùng bị hạ xuống thì sẽ không mọc chồi được nữa, nếu dùng gỗ cây tùng làm áo quan thì sẽ khiến cho con cháu bị tuyệt chủng; nếu dùng cây thích bao làm quan tài thì nó sẽ khiến cho con cháu sẽ bị bệnh hủi. Bên ngoài quan tài thường sơn màu đỏ, cấm dùng những màu khác, bên ngoài có chấm điểm vàng, viết chữ vàng lên đầu quan tài, nếu là nam thì viết chữ “phúc”, nếu là nữ thì viết chữ “thọ”, ngoài ra còn trang trí thêm hình con dơi, cuối quan tài thì vẽ lên lò hương, đài nến, hình đồng nam đồng nữ tay cầm phướn tiếp dẫn người chết đi về phương Tây, và cũng có thể viết lên đó danh hàm của người chết. Khi sơn quan tài còn có thể thêm hình hoa, chim, người vào cho thêm phần đẹp mắt.
Ở một dãy vùng Hà Nam, khi nhập liệm thì cấm kỵ không để những người có con vật cầm tinh xung khắc với con vật cầm tinh của người chết hiện diện tại hiện trường, vì như thế thì e rằng sẽ gặp phải ách hung và xung phạm. Thông thường thì người ta kỵ không để cho người ngoài lại gần quan tài, đặc biệt là khi đóng nắp quan tài, ngoài những người thân thuộc nhất của người chết thì tất cả những người khác đều phải lui ra, đó là do người ta cho rằng, nếu bóng của người bị lọt vào trong quan tài, thì sức khỏe của người ấy sẽ bị nguy hiểm, hồn phách của người ấy cũng bị đóng chặt vào trong quan tài cùng với người chết. Ở Hồ Nam, khi khâm liệm thì, người ta cũng phòng tránh việc người chết khi chuyển sinh sẽ trở nên câm bằng cách lấy một đồng tiền trong miệng của người chết ra (tục gọi là tiền hàm), nếu không, người chết sẽ mang tất cả tài sản ra đi. Trước khi nhập liệm thì cấm kỵ không để hai chân người chết dạng xoạc ra, mà phải dùng dây cột lại (hoặc dùng vài trắng quấn lại), nhằm tránh để du hồn của người chết chạy lung tung, chạy vào dương trạch (nhà trên trần gian) làm hại người sống; nhưng khi khâm liệm thì kiêng không được dùng vải đen quấn hai chân của người chết lại, vì nếu không, người chết khi đến âm gian sẽ không thể đi đứng được, trở thành một kẻ thọt chân trong đám ma.
Sau khi đã xử lý tất cả tử thi, vật tuẫn táng, thì tiếp sau đó là đóng đinh cho nắp quan tài, dân gian gọi đó là “trấn đinh”. Trấn đinh nên dùng bảy cây đinh, tục gọi là “tử tôn đinh”, người ta cho rằng như thế thì sẽ khiến cho đời sau hưng thịnh phát đạt. Ở vùng Hà Nam, khi đóng nắp quan tài lại thì không để con cái của người chết ở gần phía trước, mà phải đứng ở bên ngoài chờ nghe. Khi người đóng đinh quan tài đóng một cái, thì con cái để tang cho người chết sẽ hô to một tiếng “vật cảnh”, tục gọi là “tránh đinh”. Ở vùng Sơn Đông, nếu như con gái đã lấy chồng mà bệnh chết bên nhà chồng, thì khi khâm liệm và đóng nắp quan tài lại thì phải do cha mẹ, anh em bên nhà gái đích thân đóng đinh, được gọi là “dẫn đinh”, nếu như người thân của nhà gái không đến thì cha chồng, mẹ chồng và cả chồng cũng không được làm chủ. Tuy là từ tuổi trung niên trở về sau, con cháu đầy nhà, thì cũng phải làm như thế. Ở tộc Trắng, khi liệm và đóng nắp quan tài thì cần phải chừa một cây đinh không đóng chết vào nắp, ý là để chờ người thân ấy đến đóng thêm. Nếu thuộc về con cái hoặc người con trai ở rể, thì phải do người thân bên nhà mẹ ruột hoặc nhà cha ruột tự mình đóng đinh. Còn đối với tộc người Di, thì khi đóng đinh đóng nắp áo quan, cây đinh “tử tôn đinh” ở vị trí chính giữa thân quan tài cần không được đóng chặt. Cần mắc một sợi chỉ đỏ lên bên trên nó, sợi dây này sẽ được con cái để tang người chết kéo, người thợ mộc chỉ cần đóng nhẹ một cái là xong, ý nghĩa là để lưu lại đời sau. Cấm không được đóng chết cây đinh này, nếu không sẽ gây bất lợi cho người đời sau. Người tộc Sani lại cho rằng “trên đời thì ông cậu là người lớn nhất”. Vì thế, khi đóng nắp quan tài thì chỉ có người nhà ông cậu đến đóng đinh mới được, nếu không thì không được động đến quan tài. Sau khi quan tài đã được đóng, mép quan tài cần được bịt kín bằng các loại keo dính, nhằm tránh để không khí, hơi nước và bụi bặm lọt vào. Để phòng yêu ma quấy nhiễu làm vong hồn kinh sợ, người ta để một cái bát lên nắp linh cữu, nhằm để bảo đảm sự an toàn cho linh hồn của người chết.
Sau khi nhập liệm xong, kỵ để nước mưa bắn vào quan tài, nếu không, người ta cho rằng con cháu đời sau sẽ bị bần cùng. Ngạn ngữ có câu: “Mưa rơi lên nắp áo quan, cháu con không có tấm chăn mà trùm”, hay “mưa nhỏ áo quan, đời đời cơ hàn”, vì thế mà khi dừng áo quan lại thì không được dừng ở trong sân. Trước và sau khi nhập liệm, thì dừng quan tài ở trong nhà, trong khoảng thời gian mãi đến lúc trước khi chuyển cữu, người ta cấm kỵ không để mèo ở gần thi thể, quan tài.
Ngoài ra, những người khi tưởng niệm người chết cũng phải tuân theo cấm kỵ. Thời gian nào có thể khóc, khi nào cần phải khóc, khi nào không được khóc hay không cho phép khóc… đều có quy ước trong luật lệ phong tục.
Dịch từ 鴻宇 2004: 禁忌 ─ 中國民俗文化。中國社會出版社
(Hồng Vũ 2004: Cấm kỵ - Văn hóa dân tục Trung Quốc. Trung Quốc Xã hội xuất bản xã)