Phố Châu Cơ nằm ở phía bắc thành phố Nam Hùng (Bắc Quảng Đông), xây theo hướng bắc – nam, chỉ dài vỏn vẹn 1500 mét, rộng chưa đầy 4 mét, mặt đường rải đá tròn, mang dáng dấp của một ngôi làng cổ. Thị trấn nằm ngay bên dưới ải Mai Quan này được xem là yết hầu của con đường huyết mạch bắc – nam, xưa vốn là một trạm giao thông liên lạc có từ thời Hán Vũ Đế thu phục Triệu Đà thế kỷ 2 trước Công nguyên. Đến thời Đường, thừa tướng Trương Cửu Linh cho mở rộng con đường, mở rộng trạm dịch và cho quân lính túc trực để kiểm soát. Từ đó phố Châu Cơ dần phát triển thành một trạm trung chuyển thương mại sầm uất. Thời cuối Tống, quân Mông Cổ mở rộng cai trị miền bắc, nhiều lớp dân người Hán đã chạy đến định cư tại khu phố này, sinh con đẻ cái, rồi theo dòng sông Bắc Giang lan tỏa khắp khu vực Quảng Châu, Phật Sơn, Hồng Kông, Ma Cao, đông nam Quảng Tây.
Mặc dù đường mòn qua phố Châu Cơ không phải là con đường vượt Ngũ Lĩnh duy nhất (bên cạnh còn có đường kênh đào Linh Cù, đường mòn Tiêu – Hạ nối thông Hồ Nam – Quảng Tây, đường biển Phúc Kiến – Quảng Đông v.v.) song với vị trí địa-chính trị, quân sự và kinh tế quan trọng của nó, đường mòn cùng con phố Châu Cơ đã trở thành biểu tượng nguồn cội của người Hoa Nam. Tuy nhiên, hiện không còn người Quảng Đông sinh sống ở đó nữa mà nó đã được “trao tay" một nhóm hệ dân khác – người Khách Gia (客家=Hakka) [www.zhujixiang.net; mysite.verizon.net].


* Tư liệu điền dã, có tham khảo thêm:
- www.baikebaidu.com
- http:// mysite.verizon.net
- www.zhujixiang.net