Tạo hóa đã ban tặng cho người Âu Việt những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Bất kì ai đặt chân đến dòng Li Giang chảy ngang các địa danh Quế Lâm, Dương Sóc đều thảng thốt rằng đây có phải chốn bồng lai tiên cảnh. Núi non lô nhô ẩn hiện trong làn sương trắng chập chờn giữa thảm rừng trúc bạt ngàn, dưới chân uốn lượn dòng sông Li trong vắt, chừng như thời gian như chưa bao giờ thoáng vụt qua đây. Thật là một Hạ Long trên ngàn!
Những tưởng dãy Việt Thành Lĩnh phía bắc sẽ là pháo đài kiên cố giúp dân Âu Việt xưa tránh xa những cuộc đao binh tàn khốc từ phương Bắc. Năm 218 trCN, đạo quân hơn 50 vạn của Tần Thủy Hoàng đã vượt Ngũ Lĩnh vào chiếm đất này, giết chết vua Âu Việt là Dịch Hu Tống. Nhân dân Âu Việt đã sát cánh bên nhau, cùng đáp trả bằng những trận đánh oanh liệt năm 218 trCN, đến mức quân Tần “thây chết hàng chục vạn người”, “ba năm chưa giải giáp xong cung nỏ” (ghi trong Hoài Nam Tử, cuốn 18: Nhân Gian Huấn). Thất trận cay đắng, Tần Thủy Hoàng tiếp tục sai Nhâm Ngao và Triệu Đà dẫn thêm 50 vạn quân nữa tấn công Lĩnh Nam lần 2 năm 214 trCN. Quân Tần thắng. Đất Âu Việt vào tay nhà Tần. Tần Thủy Hoàng lập quận Quế Lâm, xây Tần thành tại Hưng An (phía bắc Quế Lâm) để cai trị, chính thức khai thông con đường vượt Ngũ Lĩnh để làm bàn đạp tiến xuống đánh chiếm phần còn lại của người Việt Lĩnh Nam, lập thêm hai quận nữa là Nam Hải và Tượng Quận vào năm 202 trước Công nguyên. Con cháu vua Dịch Hu Tống dắt díu nhau chạy về đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) lập nước Tây Vu, tôn Thục Phán làm thủ lĩnh. Về sau, dòng Li Giang và thành cổ Hưng An một lần nữa chứng kiến đạo quân của Hán Vũ Đế xuôi dòng xuống Châu Giang cùng hội ngộ bốn cánh quân còn lại tập kích kinh thành Phiên Ngung của con cháu Triệu Đà (năm 112 trước Công nguyên), khiến Thừa tướng Lữ Gia và đoàn tùy tùng phải vượt biển lánh nạn.

Thời bấy giờ, không có con đường thủy nào kết nối nam, bắc Ngũ Lĩnh. Lúc nam chinh, quân Tần đã phải vận chuyển quân lương bằng đường bộ từ đoạn sông Tương phía bắc vào đất Âu. Chiến thắng rồi, họ phải mưu tính lâu dài về sau. Đất Lĩnh Nam sản sinh nhiều sản vật quý giá, là những chiến lợi phẩm đặc biệt cho phương Bắc. Quân Tần đã nghiên cứu địa vực và quyết định đào kênh Linh Cù để khai thông đường thủy.
Chẳng bao lâu sau, kênh Linh Cù được hoàn thành. Toàn tuyến dài 34 km. Thuyền bè mang sản vật Lĩnh Nam ngược dòng Châu Giang lên Li Giang rồi theo kênh Linh Cù đổ vào sông Tương, men theo sông Tương nhập dòng Dương Tử, cuối cùng nối với kênh Đại Vận Hà để chở về phương Bắc.

Tôi đến thăm kênh Linh Cù vào một ngày trời đổ mưa. Đứng giữa trung tâm thị trấn Hưng An là bức tượng đồng Tần Thủy Hoàng cao chót vót, tư thế sừng sững ngạo nghễ chỉ tay về phía nam. Sự sắp đặt ấy của người đời sau có mang những ý nghĩa lịch sử - chính trị của nó. Dòng xe cộ qua lại đông đúc. Du khách nườm nượp đổ về. Đa số họ nói tiếng Bắc Kinh. Ai cũng cố chen chân tìm kiếm một vị trí đẹp nhất để chụp lấy tư thế ngạo nghễ của vua Tần, và khi về, họ sẽ có nhiều điều để để kể về “sức mạnh” tổ tiên họ.
Cách bức tượng Tần quân chừng một dặm là con kêng Linh Cù vắt ngang thị trấn. Con kênh xưa có lẽ rộng hơn những gì tôi thấy hôm nay. Người ta đã cải tạo lại bờ kênh, gia cố rắn chắc và xây thêm hàng loạt công trình lên trên nó. Các công trình Tần Thành Môn, Nương Nương Các, Sở Việt lưu tấn v.v.. lần lượt mọc lên qua các thời đại về sau. Nhà cửa, phố sá cứ thế mà san sát nhau.

Đoạn đầu của con kênh là ngã ba sông Tương. Tại đây, quân Tần đã cho xây một đập chắn để giữ nước lại phía thượng nguồn. Nước được dẫn vào kênh rồi đổ ra sông Li ở phía nam. Cứ như thế thuyền bè qua lại qua con kênh đào. Người ta lại đào thêm một con kênh nhỏ ở phía bắc sông Tương để thuyền đã qua kênh Linh Cù tiếp tục xuôi dòng Tương Giang về phía bắc. Rõ đây là một sự sắp đặt có tính toán hoàn hảo, ít nhất là tại thời điển hai ngàn hai trăm năm trước.
Dòng Linh Cù vẫn lặng lẽ thực hiện sứ mệnh của nó suốt hơn mấy ngàn năm qua. Nó miệt mài dâng nước để thuyền bè qua lại mà không cần biết những người tạo ra nó với mục đích gì. Bao nhiêu binh biến đi qua, bao nhiêu lớp người đến sau thay thế lớp người sống trước, dòng kênh vô tình trở thành “chứng nhân” chung thủy nhất của thời gian. Từng tảng đá ven bờ nay kịp phủ lớp rêu xanh. Những chiếc cầu bắc qua kênh vô tri nay cũng khoác màu tuế nguyệt. Cơn mưa rào bất chợt đi qua, để lại sau lưng một màu xanh tinh tươm vắng lặng. Đám thông già vẫn vi vu đưa cơn gió về ru giấc ngủ ngàn năm cho bao lớp dân Âu.
Tạm biệt trấn Hưng An, tạm biệt dòng kênh lịch sử. Trong hành trang quay về, tôi mang theo cả thế đứng ngạo nghễ của vua Tần cùng tiếng ru hời của dòng nước Bắc đổ ngược về Nam.
Trên đường điền dã, Quế Lâm ngày 25 tháng 5 năm 2008