* Thưa ông, một câu hỏi rất cũ cho người mới: khó khăn lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay là gì?
- Việt Nam chưa có kế hoạch, chiến lược xúc tiến, quảng bá điểm đến, thương hiệu quốc gia một cách chuyên nghiệp và đồng bộ. Điều này không chỉ đòi hỏi có tiền mà phải biết cách làm. Việt Nam là một điểm đến tiềm năng, được tạp chí du lịch Conde Nast Traveller nổi tiếng thế giới đánh giá là một trong những "điểm nóng" du lịch, trong danh sách 20 điểm đến được yêu thích nhất năm 2007. Ai cũng biết du lịch là "con gà đẻ trứng vàng", nhưng làm thế nào để biết cách nuôi để con gà đó đẻ trứng vàng lại là câu chuyện hoàn toàn khác .
* Theo ông, sự kiện Việt Nam quảng bá trên CNN hiệu quả đến đâu?
- Vấn đề không phải là sự kiện phát sóng trên CNN, mà là sau đó chúng ta đã làm được những gì. Phát sóng chỉ là bước đầu tiên lôi cuốn sự chú ý của du khách thế giới biết đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Nhưng chỉ phát sóng một thời gian ngắn rồi dừng lại, không triển khai đồng bộ hàng loạt sự kiện xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch, thương hiệu quốc gia tại các nước thì "sự kiện CNN" cũng chỉ là "ném đá ao bèo".
* Con số được coi là báo động của du lịch Việt Nam: 85% du khách một đi không trở lại Việt Nam, ý kiến của ông thế nào?
- Chúng ta đừng quá bức xúc với con số đó. Phải phân tích cụ thể hơn: bao nhiêu khách thị trường gần (1 đến 3 hoặc 5 giờ bay) trở lại, bao nhiêu khách thị trường xa (10 hoặc 15, 20 giờ bay) trở lại. Nếu là khách thị trường xa mà trong 1 năm có 10% trở lại đã là tốt rồi, và cần phải đánh giá trong vòng 3 - 5 năm. Ví dụ bản thân tôi đã từng đi nhiều nước như: Ý, Mỹ, Nam Phi là những nơi tôi thích nhưng cũng phải khoảng 10 năm sau mới quay trở lại được, do điều kiện thời gian, chi phí.
Nhưng cũng phải nhìn khía cạnh khác: dịch vụ hỗ trợ du lịch của chúng ta chưa tốt, không đồng bộ. Du khách đến Việt Nam phải mất quá nhiều thời gian cho việc ngủ (các điểm vui chơi không được mở quá 12 giờ đêm - PV), ở lại 2 ngày một điểm du lịch là đã hết chỗ chơi, hết chỗ tiêu tiền là quá lãng phí. Tình trạng vệ sinh môi trường, bắt chẹt du khách... đang là vấn đề nhức nhối của du lịch chúng ta. Tôi hoàn toàn ủng hộ khái niệm "du lịch sạch" mà Việt Nam đang theo đuổi, nhưng chúng ta cũng đồng thời phải xem xét xây dựng những đặc khu du lịch không ảnh hưởng đến đời sống người dân bản địa, ví dụ như Phú Quốc chẳng hạn, để du khách có thể tiêu nhiều tiền hơn nữa ở Việt Nam.
* Còn về việc khách sạn Việt Nam đang quá tải và xếp vào hàng đắt nhất thế giới?
- Đơn giản là cầu vượt cung. Bài toán này liên quan đến chiến lược sản phẩm du lịch. Hiện nay, có sự phân khúc thị trường khách du lịch tới Việt Nam: khách chi dùng cao tăng lên rất nhiều. Nên tiếp cận thị trường khách du lịch quốc tế với sự ưu tiên hàng đầu cho khách thu nhập cao. Song song đó là đầu tư phát triển cơ sở lưu trú để gia tăng phòng, giảm tải áp lực. Việc này phải có lộ trình, kế hoạch rất cụ thể. Ta không thể quá hốt hoảng áp dụng những biện pháp hành chính để giảm giá phòng xuống được. Khi giải được bài toán trên, giảm bớt chênh lệch cung cầu, chắc chắn giá sẽ trở về hợp lý.
* Ở vị trí mới, ông có sợ mình vẫn mang cái nhìn của một giám đốc doanh nghiệp?
- Sợ chứ! Khi trước, mình đặt lợi nhuận doanh nghiệp là trên hết thì bây giờ phải có nhận thức khác, cách nhìn khác. Xúc tiến, quảng bá điểm đến, hình ảnh đất nước, tạo một môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động là nhiệm vụ mà ở vị trí lãnh đạo Tổng cục Du lịch phải ý thức rất sâu sắc.
* Từ trước đến giờ, các doanh nghiệp du lịch dường như không mặn mà lắm với Tổng cục Du lịch, họ không được hưởng lợi nhiều từ những gì mà Tổng cục đã làm?
- Tôi tin chắc bây giờ mọi việc sẽ phải thay đổi. Đơn giản là sau khi sáp nhập Bộ, tất cả những mặt quản lý hành chính nhà nước chuyển về đầu não Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Bây giờ Tổng cục chỉ chuyên về những hoạt động tác nghiệp, bộ máy đỡ cồng kềnh hơn, công việc sẽ tập trung, hiệu quả hơn. Tổng cục cũng sẽ phải chủ động tìm đến từng doanh nghiệp, tìm hiểu, lắng nghe họ chứ không phải chờ doanh nghiệp tìm đến mình. Làm sao để thực hiện tốt được việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia để Việt Nam không mãi chỉ là "điểm đến tiềm năng" nữa.
* Năm 2008, dự kiến số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
- Khoảng 4,8 - 5 triệu lượt. Tuy nhiên, con số này không nói lên tất cả. Quan trọng là thu nhập xã hội từ du lịch đạt được là bao nhiêu. Ước chừng năm 2008 là khoảng 4 tỉ USD. Tôi nghĩ, nếu chúng ta biết cách nuôi con gà đẻ trứng vàng, con số này sẽ cao hơn nhiều.
* Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Thanhnien.com