logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa thế giới
  • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
Thursday, 10 January 2008 15:52

Ðọc “Súng, mầm bệnh, và thép”

Người post bài:  Trần Ngọc Thêm

ÐỌC "SÚNG, MẨM BỆNH, VÀ THÉP:

NHỮNG SỐ PHẬN CỦA NHỮNG XÃ HỘI

LOÀI NGƯỜI" CỦA JARED DIAMOND

                                                                                                                    Nguyễn Thọ Chấn

Đôi dòng về tác giả

Image 
           Jared Diamond

  Jared Diamond là giáo sư môn địa lý học ở University of California, Los Angeles (UCLA). Ông khởi đầu nghiên cứu khoa học trong ngành hình thái học; sau này ông còn nghiên cứu về sinh học tiến hoá, và sinh địa lý học (biogeography). Ông là hội viên Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, và Hội Triết học Hoa Kỳ. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng: Huy chương Quốc gia về Khoa học, Giải thưởng Tyler về Thành tựu Môi sinh (The Tyler Prize for Environment Achievement), Giải thưởng Vũ trụ của Nhật (Japan's Cosmos Prize)... Trên hai trăm bài viết của ông đã xuất hiện trong các tạp chí khoa học như Discover, Natural History, Nature, và Geo.

Ông đoạt giải Pulitzer năm 1998 với cuốn Súng, mầm bệnh, và thép: những số phận của những xã hội loài người (Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies); trong bài này, viết tắt là S, Mb, T. Cuốn sách này được xem là một trong những đóng góp quan trọng đối với lịch sử kinh tế, và cũng đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến những câu hỏi lớn về lịch sử lâu dài của con người.

ImageCuốn S, Mb, T, do nhà xuất bản Norton & Company ấn hành lần đầu vào năm 1997, dày 496 trang kể cả phần danh mục; sách được chia thành bốn phần, bao gồm 19 chương, ngoài phần dẫn nhập và phần lời bạt. Trong bài viết này một số chương chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược như những chương 7, chương 8, chương 9 (Phần Hai) chẳng hạn là những chương viết về lịch sử thuần hoá cây cỏ và súc vật, tuy những chương này đều nằm trong mạch hỗ trợ cho những lập luận của tác giả đối với sự phát triển của những nền văn minh khác nhau của loài người.

Trong phần dẫn nhập "Câu hỏi của Yali", tác giả mượn câu hỏi của một thân hào địa phương ở Tân Ghi-nê (New Guinea) vào năm 1972, khi tác giả đến hòn đảo nằm trong vùng nhiệt đới này nghiên cứu về tiến hoá của các loài chim ở đây. Thân hào này đã đặt nhiều câu hỏi cho nhà khoa học trẻ vào lúc đó. Một câu hỏi đeo đẳng tâm trí tác giả trong nhiều năm là "Tại sao người da trắng các ông đã làm ra lắm của cải, hàng hoá và đem chúng đến tận Tân Ghi-nê, còn dân da đen chúng tôi chỉ làm ra được rất ít của cải mà thôi?" Câu hỏi tuy đơn giản nhưng không dễ trả lời. Trong nhiều năm sau này, tác giả đã nghiên cứu, đã viết nhiều về những khía cạnh khác nhau của lịch sử tiến hoá của loài người, và cả về ngôn ngữ nữa. Cuốn S, Mb, T là một cố gắng nhằm giải đáp câu hỏi ấy.

Lặp lại câu hỏi của Yali dưới một dạng khác mà có lẽ chúng ta đã từng có dịp nghe qua ở nhiều nơi, với nhiều người, như: "Tại sao ‘họ' giàu có và hùng mạnh đến thế, còn ‘ta' vừa nghèo, lại vừa hèn?" Jared Diamond nhận xét rằng các sắc dân có nguồn gốc ở lục địa Âu-Á (Eurasia), đặc biệt là những dân hiện nay vẫn còn sinh sống ở châu Âu và Đông Á, kể cả những người đã di cư qua Bắc Mỹ, là những sắc dân thống trị thế giới hiện nay về tài sản và quyền lực. Những sắc dân khác, gồm phần lớn dân châu Phi, tuy đã lật đổ ách thống trị của thực dân châu Âu, vẫn còn tụt hậu rất xa, không kể tới những sắc dân như thổ dân ở Úc, thổ dân ở châu Mỹ, ở phần cực nam của châu Phi hiện nay không còn là chủ nhân của chính đất đai của họ, bị tàn sát, khuất phục, và trong một vài trường hợp, đã bị thực dân châu Âu tiêu diệt.

I. Phần một có tên "Từ vườn địa đàng đến Cajamarca" (From Eden to Cajamarca), gồm ba chương.

1. Chương 1, "Ngược dòng lịch sử"

Chương 1, "Ngược dòng lịch sử" (Up to The Starting Line), dẫn ta qua một vòng lịch sử tiến hoá của loài người- một nhánh của vượn-người mà những di chỉ hoá thạch tìm thấy rất nhiều ở châu Phi - khởi đầu từ khoảng 7 triệu năm cho tới hết Thời kỳ Băng giá sau cùng (the last Ice Age), khoảng 13,000 năm trước đây. Tác giả trình bày một số dữ kiện khoa học căn cứ vào những di chỉ khảo cổ đã khai quật được ở nhiều nơi trên thế giới, từ những di chỉ về người cổ mà các nhà nhân chủng học đặt tên là Australophithecus africanus, Homo habilis, và Homo erectus [1] cho tới Homo neanderthalensis mà di chỉ tìm được ở châu Âu và Tây Á. [2]

Homo erectus có mặt vào khoảng 1,7 triệu năm trước, gần với người hiện đại về thể tạng, nhưng thể tích của óc mới chỉ bằng một nửa của chúng ta ngày nay, có thể xem là nấc chuyển tiếp giữa vượn và người hiện đại. Ta cũng thấy những chứng cớ hiển nhiên về sự hiện diện của con người ở châu Âu vào khoảng nửa triệu năm trước. Có thể giả định là sự sinh cư ở châu Á đã dẫn tới sự sinh cư tiếp theo ở châu Âu, vì lục địa Âu-Á chỉ là một khối đơn thuần không bị những chướng ngại tự nhiên chia cắt.

Sau đó là thời kỳ Bước Nhảy Vọt, với các di chỉ tìm thấy ở nhiều địa điểm ở Đông Phi, Cận Đông, và đông nam châu Phi đánh dấu giai đoạn lịch sử mới bắt đầu cách đây khoảng 50,000 năm, với những dụng cụ hình dáng thô sơ như lưỡi câu làm bằng xương, lưỡi lao, và cả cung, tên. Những di chỉ về nhà và quần áo cho thấy khả năng sống còn của họ trong những vùng khí hậu lạnh.

Cho tới cuối Thời kỳ Băng giá, vào khoảng 11.000 năm trước Công nguyên (TCN), dân chúng khắp nơi trên trái đất đều còn là những người săn bắt-hái lượm, nhưng từ đó cho tới 1.500 năm Công nguyên (CN), mức độ phát triển khác nhau đã diễn ra ở những châu lục khác nhau, dẫn tới những những bất bình đẳng về kỹ thuật cũng như chính trị. Trong khi một số những thổ dân Úc và thổ dân Mỹ vẫn còn sống bằng săn bắt-hái lượm thì phần lớn dân cư ở lục địa Âu-Á cũng như ở châu Mỹ, và vùng Cận-Sahara ở châu Phi đã từ từ phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thuật luyện kim, và tổ chức chính trị phức tạp. Cũng cần nói ngay là những phát triển ấy sớm nhất ở lục địa Âu-Á. Đồ đồng có nhiều ở lục địa Âu-Á sớm hơn ở vùng Andes (Nam Mỹ) tới 4.000 năm. Kỹ thuật đồ đá của người Tasmania khi lần đầu tiên các nhà thám hiểm châu Âu thấy họ vào năm 1642 còn đơn giản hơn kỹ thuật đồ đá tìm được ở nhiều nơi ở châu Âu hàng chục ngàn năm trước vào Thượng kỳ Đồ Đá (Upper Paleolithic).

Lịch sử về những tác động qua lại giữa những sắc dân phân tán trên địa cầu qua những cuộc chinh phục, dịch bệnh, và diệt chủng đã tạo nên diện mạo của thế giới ngày nay. Những va chạm ấy đã tạo ra những phản xạ chưa lắng hẳn xuống sau nhiều thế kỷ, và vẫn còn tiếp tục sôi động ở những vùng xáo trộn nhất hiện nay trên thế giới.

Là người chống lại quan điểm kỳ thị chủng tộc, tác giả đã đặt câu hỏi: "... Nếu như ta thành công trong việc giải thích là bằng cách nào có kẻ đã thống trị được người khác, thì liệu việc giải thích ấy có thể nào biện minh cho việc thống trị chăng? Phải chăng kết cục như ta thấy là điều tất yếu, và do vậy cố làm thay đổi kết cục ấy là chuyện hoài công?..." Cũng theo tác giả, có một khuynh hướng chung lẫn lộn cách giải thích về những nguyên nhân với việc minh họa hay chấp nhận hậu quả. Ta thường dùng đến hiểu biết để làm thay đổi kết quả hơn là để lặp lại hay duy trì kết quả ấy. Đó là lý do tại sao những nhà tâm lý học cố gắng tìm hiểu trí tưởng của những tên sát nhân, hiếp người, tại sao các sử gia về xã hội nỗ lực tìm hiểu việc diệt chủng, cũng như tại sao những bác sĩ y khoa cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của bệnh tật. Những người ấy không tìm cách thanh minh cho chuyện giết người, hãm hiếp, diệt chủng, hay bệnh tật; thay vào đó, họ tìm cách vận dụng những hiểu biết về chuỗi nhân quả để chặn đứng dây chuyền ấy.

Trong những xã hội cổ truyền ở Tân Ghi-nê, có nhiều phần là những người thông minh thoát được những nguyên nhân gây ra tử vong lớn (sát nhân, chiến tranh kinh niên giữa các bộ lạc, tai nạn, các vấn đề liên quan đến sản xuất thực phẩm...) Nhưng tỉ lệ những người chết vì dịch bệnh trong những xã hội châu Âu xưa ít có lý do liên quan tới trí thông minh, mà thay vào đó là sức đề kháng về mặt di truyền tùy thuộc vào những thay đổi hoá học trong cơ thể. Chẳng hạn người thuộc nhóm máu B hay O có sức đề kháng đối với bệnh đậu mùa khá hơn những người thuộc nhóm A. Điều này có nghĩa là sàng lọc tự nhiên đối với những gien dành cho trí thông minh có lẽ đã tàn nhẫn ở Tân Ghi-nê nhiều hơn là ở những vùng đông dân cư, tổ chức chính trị phức tạp. Lịch sử đã chuyển theo những dòng khác nhau đối với những sắc dân khác nhau vì môi trường sinh sống khác nhau, chứ không phải vì những dị biệt sinh học giữa họ với nhau. Ngoài số thổ dân ‘da đỏ' bị giết chết bằng súng và vũ khí bằng thép của người châu Âu, ta còn phải kể đến số thổ dân bị chết vì lây bệnh từ khi người Âu có mặt trên châu lục này còn nhiều hơn cả số người bị giết.

  2. Chương 2, "Một thí nghiệm tự nhiên của lịch sử"

Chương 2, "Một thí nghiệm tự nhiên của lịch sử", chuẩn bị cho độc giả khám phá những tác động của môi sinh đại lục đối với lịch sử loài người trải qua 13.000 năm bằng cách xem xét một cách ngắn gọn những tác động của môi sinh đảo đối với lịch sử loài người trên khoảng thời gian ngắn hơn cũng như diện tích đất đai nhỏ hơn. Khi tiền nhân của các sắc dân đa đảo (Polynesians) đến Thái Bình Dương khoảng 3.200 năm trước, họ gặp những đảo rất khác nhau về môi sinh.

Mở đầu chương này, tác giả viết: "Cách 500 dặm về phía đông của New Zealand, trên quần đảo Chathams, người Moriori qua nhiều thế kỷ độc lập đã gặp một kết cục bi thảm, tàn bạo vào tháng 12 năm 1835. Ngày 19 tháng 11 năm ấy, một chiếc tàu chở 500 người Maori, trang bị súng, gậy, rìu đã đột nhập đảo, và ngày 5 tháng 12 thêm 400 người nữa cũng đến bằng tàu. Một cuộc kháng cự có tổ chức của người Moriori hẳn đã có thể đánh bại người Maori vì họ đông gấp đôi người Maori. Nhưng dân Moriori có truyền thống giải quyết những tranh chấp một cách hoà bình. Họ đã quyết định trong một cuộc trưng cầu ý dân là không chống lại kẻ xâm lược, nhưng đưa ra đề nghị hoà bình, thân ái, cùng chia xẻ tài nguyên.

Trước khi người Moriori kịp đưa ra đề nghị ấy, người Maori đã tổng tấn công. Qua một ít ngày sau, họ đã giết hàng trăm người Moriori, ăn thịt nhiều người, bắt làm nô lệ nhiều kẻ khác, và sau đó giết chết phần lớn những kẻ bị bắt..." (tr. 53). Tác giả viết tiếp: "Kết cục bi đát ấy... ta có thể tiên đoán được. Người Moriori là nhóm nhỏ dân săn bắt-hái lượm, sống biệt lập với những vũ khí và kỹ thuật thô sơ, hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến tranh, thiếu tổ chức cũng như lãnh đạo mạnh. Còn những kẻ xâm lược Maori (ở Bắc Đảo của Tân Tây Lan) là vùng đông dân nông nghiệp, dính vào những cuộc chiến tàn khốc kinh niên, lại được trang bị những vũ khí và kỹ thuật tiến bộ hơn, có lãnh đạo mạnh. Tự nhiên là khi gặp nhau, chính người Maori ‘làm thịt' người Moriori, chứ không phải là ngược lại." (tr. 54).

Tác giả dẫn thí dụ về cuộc chạm trán giữa người Moriori với người Maori để đưa ta đến những nhận xét về ảnh hưởng của môi trường sống đối với con người trên những đảo ở Thái Bình Dương. Những ông tổ Maori đầu tiên của người Moriori có lẽ đã từng là dân làm nông, nhưng nông sản đã không thể sản xuất được ở quần đảo Chathams có khí hậu lạnh, và như vậy họ không thể hỗ trợ, nuôi sống những người chuyên về các ngành nghề khác như quân đội, quan lại, và các thủ lãnh. Họ bắt cá hay hải cẩu bằng tay hoặc các công cụ thô sơ. Quần đảo Chathams nhỏ và chỉ có thể nuôi sống khoảng 2.000 cư dân. Không thể mở mang thêm đất đai, họ cam chịu sống với nhau ở Chathams, giảm thiểu những tranh chấp, và tìm cách sống yên ổn với nhau (dân cư nguồn gốc Maori xa xưa đến sống trên đảo là tổ tiên của người Moriori). Họ từ chối chiến tranh, và để giảm áp lực nhân khẩu có thể dẫn đến chiến tranh, họ thiến một số trẻ nam. Ngược lại, người Maori ở phía bắc New Zealand (Tân Tây Lan), sống trên nhóm đảo lớn nhất ở Châu Đa-đảo (Polynesia) thuộc Thái Bình Dương, nhờ khí hậu tương đối ấm áp, đã có thể phát triển nông nghiệp, và dân số tăng đến hơn 100.000 người. Dân số đông, họ can dự vào những cuộc chiến tàn khốc với những dân lân cận. Với số lượng nông sản thặng dư, họ đã có thể nuôi những người thuộc các ngành nghề khác, các địa phương quân (bán thời gian), và các thủ lãnh.

Những xã hội Maori và Moriori tuy cùng chung một tổ tiên nhưng đã phát tiển theo những hướng khác nhau. Kết quả là hai xã hội ấy không biết đến sự hiện diện của nhau và trong nhiều thế kỷ không hề có tiếp xúc với nhau. Cuối cùng, một tàu săn hải cẩu của Úc đến quần đảo nhỏ này, đem tin đến Tân Tây Lan rằng đây là nơi "có nhiều hải sản; hồ nước nhiều lươn; là vùng nhiều trái karaka... Dân cư đông, nhưng không biết đánh nhau, và không có khí giới." Tin tức ấy đủ sức hấp dẫn 900 người Maori giong buồm tới Chathams. Ta thấy một minh chứng về những môi sinh khác nhau đã tác động đến kinh tế, kỹ thuật, tổ chức chính trị, và kỹ năng tác chiến chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. (tr. 57).

Những câu hỏi liên quan đến sự so sánh những xã hội khác nhau trên tầm vóc toàn thế giới đã lôi cuốn nhiều nhà sử học và địa lý học. Điển hình mẫu mực nổi tiếng là nỗ lực của sử gia Arnold Toynbee với bộ sử đồ sộ Nghiên cứu Lịch sử gồm 12 tác phẩm. Toynbee quan tâm đặc biệt về động lực nội tại của 23 nền văn minh tiến bộ, trong đó có 22 nền có chữ viết, mà 19 thuộc lục địa Âu-Á. Ông ít quan tâm đến tiền sử và những xã hội đơn giản hơn, không có chữ viết. Cuốn sách của Diamond là một cuốn sách đặc biệt về một số mặt: nó chứa đựng một bức tranh thật lớn về những xã hội loài người, và xét kinh nghiệm nhân loại trong tổng thể. Những sử gia chuyên nghiệp rất kị làm việc này. Họ được đào tạo nhằm tham khảo chủ yếu các tài liệu và từ đó chắt lọc ý nghĩa của những sự kiện, trong khi Diamond là chuyên gia trong lãnh vực hình thái học và sinh học tiến hoá. Theo ông, phương pháp luận dùng trong cổ sinh vật học, sinh thái học, dịch tễ học có thể giúp các sử gia rất nhiều trong việc nghiên cứu lịch sử. Những phương pháp mà Diamond áp dụng rất thuận tiện cho việc truy cứu lịch sử trên tầm mức lớn lao cũng như trong dài hạn. Ông từng chỉ ra rằng ông có thể tiên đoán một cách chính xác 1.000 trẻ sanh ra ở Trung tâm Y khoa của Đại học California sẽ có khoảng 480 đến 520 là con trai, nhưng ông không thể tiên đoán hai đứa con của ông sẽ là con trai được. Cùng một lập luận ấy, cái lô-gíc về lịch sử mang tính khoa học mà ta có thể thấy là tại sao những xã hội hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới đều bắt nguồn từ lục địa Âu-Á, nhưng sẽ khó giải thích hơn, chẳng hạn như, tại sao vào năm 1850 Anh quốc là nước hùng mạnh nhất thế giới. Tác giả hé mở cho chúng ta thấy lịch sử của những sắc dân khác nhau chảy theo những dòng chảy khác nhau là do những dị biệt về môi sinh nơi họ sinh sống, chứ không do những dị biệt về sinh học giữa họ với nhau. Ông xem cuộc đụng độ Maori- Moriori như một thử nghiệm nhỏ trong một thử nghiệm cỡ trung, trong toàn bộ vùng Đa đảo (Polynesia) có những điều kiện môi trường rộng lớn hơn nếu chỉ tính New Zealand và quần đảo nhỏ Chathams. Những người đa đảo có thể kể từ những người săn bắt-hái lượm ở Chathams, đến dân du canh, rồi tới những người thâm canh trong sản xuất thực phẩm như nuôi heo, chó, và gà. Tuy căn bản kinh tế của vùng Đa-đảo là mỗi nhà mỗi tự túc, nhưng ở một vài đảo ta thấy có hỗ trợ cho những người làm nghề thủ công cha truyền-con nối. Ta cũng thấy những xã hội làng thôn bình đẳng, và ở một vài nơi, có cả những xã hội chia thành nhiều đẳng trật.

3. Chương 3, "Đụng độ tại Cajamarca"

Trong chương 3, "Đụng độ tại Cajamarca", tác giả đã nhấn mạnh tới đụng độ giữa Cựu Thế giới tiến bộ (chú của người viết: châu Âu) và những xã hội ở Tân Thế giới (châu Mỹ) kể từ năm 1492, khi Christopher Columbus tìm thấy những đảo trong vùng Caribbe rất đông dân da đỏ (Native Americans), và cuộc đụng đầu hết sức ngoạn mục giữa hoàng đế Atahuallpa của vương quốc Inca với quân xâm lược người Tây Ban Nha là Francisco Pizarro ở thành phố cao nguyên Cajamarca vào ngày 16 tháng 11 năm 1532. Tác giả giải thích tại sao quân Tây Ban Nha dưới quyền của Pizzarro, đại diện cho Hoàng đế Charles I của TBN, là vương triều hùng mạnh nhất ở Châu Âu vào giai đoạn đó, với chỉ 168 người, không thông thuộc địa hình, không thể tiếp xúc với người TBN gần nhất (lúc đó ở cách toán viễn thám này 1.000 dặm); vậy mà Pizzarro đã tóm gọn Atahuallpa chỉ trong ít phút khi hai bên giáp mặt nhau, giữa lúc Atahuallpa là chúa tể của hàng triệu thần dân, và trong lúc quanh hoàng đế là 80.000 lính vừa mới đánh thắng những người da đỏ khác. Trận Cajamarca được biết tỏ tường vì nó đã được chính những người trong cuộc ghi lại rõ ràng.

Sau trận đụng độ ở Cajamarca, và sau khi Atahuallpa bị bắt giữ làm con tin để khai thác kho tàng, và bị giết chết sau đó, Pizzaro đã tiến về thủ đô Cuzco của vương quốc Inca, và tiếp tục bốn trận khác ở Jauja, Vilcashuaman, Vilcaconga, và Cuzco. Trong cả bốn trận ấy, quân TBN chỉ có 80, 30, 110, và 40 kị binh, nhưng đã đánh bại hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn thổ dân da đỏ. Những chiến thắng của người TBN không thể bảo là chỉ do có sự tiếp tay của các đồng minh bản xứ, hoặc tác động tâm lý về vũ khí và ngựa của người TBN... Trông thấy ngựa, vũ khí bằng thép, và súng hiển nhiên đã làm tê liệt dân Inca ở trận Cajamarca; nhưng những trận sau, quân TBN đã phải đương đầu với quyết tâm kháng cự của đạo quân Inca, và đạo quân ấy đã từng thấy vũ khí và ngựa của người TBN (tr. 75).

Cho tới những năm 1700, họng súng đã thay thế lưỡi gươm như vũ khí chính trong tay quân xâm lược châu Âu đối với dân da đỏ bản địa ở châu Mỹ, và với dân chúng ở nhiều nơi khác. Năm 1808, một thủy thủ người Anh là Charlie Savage, trang bị súng hoả mai (muskets), chỉ một mình đã đảo ngược cán cân lực lượng ở Fiji. Súng hoả mai đã góp phần quyết định vào ưu thế quân sự, bên cạnh nón sắt và áo giáp là những thứ bảo vệ hữu hiệu chống lại gậy gộc của đối phương, trong khi áo rơm của người da đỏ vô hiệu trước gươm, súng. Kị binh cũng đặc biệt hiệu nghiệm trên chiến trường ở những vùng đất trống.

Kỹ thuật chiến tranh đã thay đổi cùng với việc thuần hoá ngựa vào khoảng 4.000 năm TCN, ở các thảo nguyên phía bắc Hắc Hải. Ngựa khiến kị binh có thể di chuyển trên những địa bàn rộng lớn hơn là bộ binh, có thể tấn công bất ngờ, và tẩu thoát trước khi đối phương có thể tập trung quân tấn công. Ngựa là một thứ vũ khí quân sự hiệu lực suốt 6.000 năm. Phải tới khi xảy ra Thế chiến Thứ Nhất, vai trò của ngựa mới chấm dứt trong chiến tranh.

Ngoài những vũ khí chiếm ưu thế kể trên, sự hiện diện của dân TBN đến định cư ở Nam Mỹ đã đem theo nhiều mầm dịch bệnh như bệnh đậu mùa, bệnh ban sởi, bệnh cúm, bệnh thương hàn, bệnh dịch hạch, và những bệnh truyền nhiễm khác (tr. 77). Trong lúc người TBN đã có sức đề kháng tự nhiên đối với những bệnh dịch này thì những dịch họa do họ đem lại đã lây lan từ bộ lạc này qua bộ lạc khác, có nơi trước cả khi quân TBN lùng tới, và theo ước tính đã làm chết đến 95 phần trăm dân da đỏ bản xứ. Chỉ một trận dịch đậu mùa do dân nhập cư châu Âu đưa tới vào năm 1713 đã đủ để xoá sổ dân San ở Nam Phi.

Trong chương này, tác giả cũng nêu ra những câu hỏi như: "Pizzaro đã đến Cajamarca như thế nào? Tại sao không phải là Atahuallpa đã tới chinh phục Tây Ban Nha?" Ông tự trả lời ngay là Pizzaro đã đến Cajamarca bằng phương tiện kỹ thuật hàng hải của châu Âu, trên những con tàu đưa ông ta vượt Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha đến Panama, rồi từ Panama đến Peru qua ngả Thái Bình Dương. Thiếu phương tiện ấy, Atahuallpa không sao ra khỏi lãnh vực Nam Mỹ được.

Một yếu tố khác là chữ viết. Bản tường trình về những chiến công của Pizarro được in lần đầu ở Seville vào tháng 4 năm 1534, chín tháng sau khi Atahuallpa bị giết. Sách bán rất chạy, và mau chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng châu Âu, dẫn tới việc nhiều người Tây Ban Nha khác đổ xô đến Peru, xiết chặt gọng kềm trên đất này.

Tác giả đặt thêm câu hỏi: "Tại sao Atahuallpa lại giẫm vào bẫy như thế?" Ông cũng trả lời ngay là Atahuallpa có rất ít thông tin về người Tây Ban Nha, về ý định cũng như sức mạnh quân sự của họ. Nguồn thông tin duy nhất của Atahuallpa là một phái viên đến viếng lực lượng của Pizzaro trong hai ngày (tr. 79), khi đoàn quân Tây Ban Nha từ duyên hải tiến vào nội địa. Qua báo cáo miệng của phái viên này, Atahuallpa tưởng là chỉ với 200 dân da đỏ cũng đủ để tóm gọn đám TBN ấy. Atahuallpa không thể tưởng tượng nổi là quân TBN thật khủng khiếp và có thể tấn công bất ngờ.

Ở Tân Thế giới, khả năng viết giới hạn trong một số rất nhỏ những người thuộc tầng lớp ưu tú bên trên. Mặc dù cuộc chinh phục Panama của người Tây Ban Nha đã bắt đầu từ 1510, vương quốc Inca không hề hay biết, cho tới khi Pizzaro lần đầu tiên đến duyên hải Peru vào năm 1527. Atahuallpa hoàn toàn mù tịt là người TBN đã chinh phục hết thảy những xã hội da đỏ đông đảo và mạnh nhất vùng Trung Mỹ.

Ngày nay ta ngạc nhiên về hành động của Atahuallpa dẫn đến việc ông ta bị bắt, cũng như cách ứng xử của ông ta sau đó. Nhiều viên tướng trong hàng ngũ của Atahuallpa sau này cũng đã bị lừa một cách dễ dàng, như Chalcuchima dưới trướng của Atahuallpa đã tự nạp mình cho quân TBN dưới quyền của Hernando Pizzarro. Ta có thể nói gọn là nhờ chữ viết, người Tây Ban Nha thừa hưởng kho kiến thức khổng lồ về động thái con người cũng như về lịch sử, ngược hẳn với Atahuallpa hầu như không hiểu biết gì về thế giới bên ngoài cũng như về lịch sử khi trước.

 


II. Phần Hai có tựa "Việc phát triển sản xuất thực phẩm" (The Rise and Spread of Food Production) gồm sáu chương, từ chương bốn đến chương mười.

1. chương 4, "Quyền lực của nhà nông"

Trong chương 4, "Quyền lực của nhà nông", tác giả bàn về cội nguồn của súng, mầm dịch bệnh, và thép. Ông kể lại kinh nghiệm bản thân khi đến một trang trại ở Montana giúp việc cho chủ trại có tên là Fred Hirschy, từ Thụy Sĩ đến đất Mỹ lập nghiệp vào những năm 1890. Vào thời kỳ này, phần lớn thổ dân da đỏ vẫn sống trong tình trạng săn bắt - hái lượm. Ở đây, tác giả đã gặp một người làm công là Levi, thuộc bộ lạc Chân Đen (Blackfoot Indian tribe) mà ông cho biết là người lễ độ, tử tế, có tinh thần trách nhiệm, điềm đạm, ăn nói tế nhị, khác hẳn đám thợ mỏ thô lỗ. Nhưng ông đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy vào một sáng Chúa nhật, Levi sau một tối chơi bài và uống rượu, đã lớn tiếng chửi thề. Câu chửi thề đại ý như sau: "Quỉ tha ma bắt mày, Fred Hirschy, và cả chiếc tàu đã đưa mày từ Thụy sĩ qua đây!" Câu chửi khiến tác giả suy nghĩ về những điều được ghi trong sách giáo khoa Hoa Kỳ về cuộc chinh phục miền Tây hào hùng thời lập quốc. Ta thấy người da đỏ đã có một cái nhìn khác về cuộc chinh phục này (tr. 86).

Từ 7 triệu năm trước, tổ tiên của chủng người hiện nay đã kiếm cái ăn bằng cách săn thú hoang, hái cây trái, như bộ lạc Chân đen vẫn còn thực hành vào thế kỷ 19; và chỉ mãi tới 11.000 năm sau, kể từ thời hiện đại, một số dân cư trên địa cầu mới bước vào việc gọi là sản xuất thực phẩm, vào những thời kỳ khác nhau. Người Trung Hoa đã tự mình tạo ra những kỹ thuật sản xuất thực phẩm, trong khi dân nhiều nơi khác vay mượn từ những xứ lân cận như trường hợp người Ai Cập. Và như ta sẽ thấy sau này, sản xuất thực phẩm, một cách gián tiếp, là điều kiện tiên quyết dẫn tới phát triển súng, mầm bệnh, và thép.

Những sắc dân còn trong giai đoạn săn bắt-hái lượm phải di chuyển thường xuyên để tìm nguồn thực phẩm, nhưng những người làm nông phải ở gần cánh đồng hay vườn rau của mình. Việc định cư khiến mật độ dân số gia tăng do khoảng cách giữa những kỳ sinh đẻ ngắn hơn so với những người săn bắt-hái lượm (tr. 89). Những dân định canh, định cư không bị ràng buộc phải địu con mỗi khi ra đồng, có thể đẻ và nuôi con đến mức họ có thể nuôi ăn được. Việc định cư khiến người làm nông có thể dự trữ thực phẩm thặng dư, vì việc dự trữ sẽ thành vô ích nếu không có người ở gần canh chừng. Những người săn bắt - hái lượm đôi khi cũng kiếm được nhiều hơn số thực phẩm họ có thể ăn trong vài ngày, nhưng số thặng dư trở thành vô ích vì họ không bảo tồn được số thặng dư ấy. Mà thực phẩm thặng dư lại cần để nuôi sống những ‘chuyên viên' không sản xuất ra thực phẩm. Do vậy, những xã hội săn bắt - hái lượm nay đây mai đó hầu như chỉ có rất ít, hoặc không có những ‘chuyên viên' thuộc loại khác như vua, chúa và những thư lại. Những xã hội săn bắt - hái lượm có khuynh hướng tương đối bình đẳng vì thiếu những thủ lãnh cha truyền - con nối cũng như đội ngũ những thư lại, và chỉ có tổ chức chính trị ở tầm vóc nhỏ bé của nhóm nhỏ hay bộ lạc. Ngược lại, nơi những xã hội mà thực phẩm đã được tích trữ trong các kho vựa, một giới ưu tú chính trị đã có thể kiểm soát thực phẩm do người khác sản xuất bằng cách giành quyền đánh thuế, thoát khỏi nhu cầu phải trực tiếp sản xuất ra cái ăn, và dành toàn thời gian vào những hoạt động chính trị. Kết cục là những xã hội nông nghiệp cỡ trung thường được tổ chức thành những lãnh địa, và những xã hội nông nghiệp lớn hơn biến thành những vương quốc. Những đơn vị chính trị phức tạp như thế có ưu thế trong việc chịu đựng một cuộc chiến hơn là với những xã hội bình đẳng của những nhóm người săn bắt - hái lượm. Đây là yếu tố quyết định điển hình trong chiến thắng của đế quốc Anh đối với người Maori có trang bị vũ khí khá tốt ở Tân Tây Lan. Tuy người Maori có thể thắng một vài trận ngoạn mục nhưng họ không thể duy trì một đạo quân thường trực như người Anh duy trì được 18.000 binh sĩ chuyên nghiệp (tr. 90).

Việc thuần hoá súc vật như lừa, ngựa, lạc đà..., đặc biệt là ngựa, có công dụng vận chuyển trên những tuyến đường xa trên lục địa Âu-Á, và trong chiến tranh, có vai trò không khác xe díp hoặc chiến xa thời nay. Cùng với những yếu tố khác, ngựa đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ Cortès và Pizzaro, với chỉ một nhóm những kẻ phiêu lưu, lật đổ những đế quốc của người Inca, và Aztec.

Mầm dịch bệnh cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh chinh phục (tr. 92). Những người thuần hoá súc vật đã sớm là nạn nhân của những mầm bệnh do gia súc truyền sang, nhưng trong quá trình tiến hoá, họ đã có được sức đề kháng với những mầm bệnh này. Khi những người có miễn dịch phần nào với những mầm bệnh dịch tiếp xúc với những người chưa từng gặp những mầm bệnh ấy trước đây, nhiều trận dịch đã quét đi đến 99 phần trăm những người lần đầu tiếp xúc với những kẻ mang mầm bệnh tới.

Tóm lại, thực phẩm thặng dư, và ở một vài nơi những gia súc dùng làm phương tiện chuyển vận những thặng dư ấy là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển những xã hội định cư, tập trung về chính trị, chia thành tầng lớp về mặt xã hội, kinh tế phức tạp, và sáng tạo về kỹ thuật. Và như thế, cây trồng và thú thuần hoá đã giải thích tại sao những đế quốc, chữ viết, vũ khí bằng thép phát triển sớm nhất và cả sau này nữa ở lục địa Âu-Á, mà không phải là ở tất cả những nơi khác.

2. Chương 5: "Kẻ-có và người-không trong lịch sử" (History's Haves and Have-Nots)

Phần lớn lịch sử nhân loại gồm những cuộc tranh chấp giữa kẻ-có, người-không: giữa những dân làm nông nghiệp có thế lực và những kẻ không có thế lực ấy. Ta không ngạc nhiên khi thấy sản xuất thực phẩm ở nhiều khu vực lớn trên thế giới trước đây đã không thể phát triển vì những lý do môi sinh khiến ngày nay vẫn còn rất khó khăn hay không thể thực hiện được. Ở vùng Bắc cực chẳng hạn, vào thời tiền sử, người ta không thể trồng trọt hay chăn nuôi; và lạ lùng là ở cả những vùng cho tới thời gian gần đây rất thuận lợi về mặt sinh thái và là những trung tâm sản xuất giàu có nhất về nông nghiệp và chăn nuôi như vùng duyên hải phía Tây Hoa Kỳ, thảo nguyên ở Argentina, tây nam và đông nam Úc, và phần lớn vùng Cape (Mũi Biển) ở Nam Phi. Khi ta truy tầm về nguồn gốc sản xuất thực phẩm, những địa điểm sớm nhất khiến ta ngạc nhiên: đó là những vùng có phần khô hạn, hay đã bị thoái hoá về sinh thái như Iraq, Iran, Mexico, Andes, nhiều vùng ở Trung Hoa, và vùng Sahel ở châu Phi. Tại sao sản xuất thực phẩm đã phát triển trước tiên ở những vùng hình như là những vùng đất cằn cỗi như thế, và chỉ sau này mới phát triển ở những vùng canh tác và đồng cỏ phì nhiêu nhất? Tác giả đã dùng đến phương pháp xem xét bản đồ phân bố tổ tiên của các loài thú cũng như những giống cây mọc hoang, và lập luận rằng việc thuần hoá những giống ấy đã bắt đầu từ những vùng sẵn có cây hoặc thú hoang. Chẳng hạn như đậu nhăn (chickpeas) đã được nhiều nhà nông xưa trồng từ vùng Địa Trung Hải và Ethiopia đến tận phía đông qua Ấn Độ.

Nói tóm lại, chỉ có ít vùng trên trái đất đã phát triển việc sản xuất thực phẩm một cách độc lập, và họ làm như thế vào những thời kỳ rất khác nhau. Từ những khu vực trung tâm ấy, những người săn bắt-hái lượm ở một vài vùng lân cận học được cách sản xuất thực phẩm, và cũng có trường hợp dân cư của những vùng lân cận khác bị những người sản xuất thực phẩm từ những trung tâm sản xuất tới xâm lăng, thay thế. Sau cùng, có những người sống ở những vùng thích hợp về mặt sinh thái đối với sản xuất thực phẩm đã không tiến hoá cũng như không học được canh tác nông nghiệp vào thời kỳ tiền sử, và họ vẫn duy trì lối sống săn bắt-hái lượm cho tới khi thế giới hiện đại ùa tới họ.

Trong những chương tiếp theo (6, 7, 8 và 9), tác giả trình bày về lược sử cũng như những yếu tố liên quan đến việc thuần hoá thú và cây trồng.

3. chương 6, "Canh tác hay không canh tác" (To Farm or Not To Farm)

Trong chương 6, "Canh tác hay không canh tác" (To Farm or Not To Farm), ta thấy nhiều yếu tố đưa đẩy những người theo lối sống săn bắt-hái lượm chuyển qua sản xuất nông nghiệp ở một vài vùng trên trái đất. Tác giả tìm cách trả lời những câu hỏi như "Tại sao dân cư đã chấp nhận việc sản xuất nông nghiệp vào khoảng 8.500 năm TCN ở vùng môi sinh kiểu Địa Trung Hải là vùng Lưỡi liềm Trù phú (Fertile Crescent), và chỉ như thế 3.000 năm sau ở những vùng có cấu tạo địa hình cũng như khí hậu ở tây nam châu Âu, hoặc ở những vùng chưa từng trải qua môi sinh giống như môi sinh Địa Trung Hải như ở California, tây nam Úc, và vùng Cape ở Nam Phi?" (tr. 104, 105). Khi người săn bắt-hái lượm chuyển thành những người sản xuất nông nghiệp, hẳn họ không có ý thức về việc chọn lựa phương cách sống nào, bởi họ chưa từng trông thấy việc canh tác nông nghiệp trước đó, cũng không hề biết nó sẽ như thế nào. Một số tác giả khác muốn phân định rõ ràng lằn ranh giữa những người săn bắt-hái lượm và những người định canh. Trên thực tế, có những người vừa sống bằng săn bắt-hái lượm, vừa du canh, du cư như ta có thể thấy ở vùng duyên hải tây bắc Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ, hoặc ở tây nam Úc (tr. 106). Cư dân bản địa Úc (Aboriginal Australians) tuy chưa từng đạt đến trình độ trồng khoai và trồng cây nhưng cũng đã dùng tới một vài yếu tố thấy trong canh tác trang trại như đốt rừng làm rẫy, và khi đào lấy khoai (yam), họ lấy đi phần lớn những củ ăn được rồi trồng thế bằng hom để có thể có củ vào đợt tới. Trong những trang tiếp theo (tr. 110, 111, 112, 113), tác giả trình bày những yếu tố giải thích tại sao việc chuyển từ săn bắt-hái lượm qua sản xuất thực phẩm ở vùng Lưỡi liềm Trù phú đã bắt đầu vào khoảng 8.500 TCN mà không phải là 18.500 hay 28.500 năm TCN. Ông cho thấy là ở phần lớn những vùng thích hợp cho việc sản xuất thực phẩm, những người săn bắt-hái lượm hoặc sẽ bị những người sản xuất nông nghiệp thay thế, hoặc chỉ tồn tại bằng cách chấp nhận việc sản xuất nông nghiệp.

Những người săn bắt-hái lượm còn lại ở thế kỷ 20 đã thoát khỏi bị thay thế bởi những người sản xuất nông nghiệp là vì họ nằm kẹt ở những vùng không thích nghi, đặc biệt ở vùng sa mạc hay Bắc cực hoặc Nam cực.

4. chương 7, "Làm thế nào để tạo được trái hạnh đào" (How to Make an Almond)

Ở chương 7, "Làm thế nào để tạo được trái hạnh đào" (How to Make an Almond) tác giả trình bày lược sử việc thuần hoá cây trồng. Ông dẫn thí dụ từ những cây lành tính mọc hoang trong thiên nhiên như cây dâu tây hoang chẳng hạn, cho tới các loại cây hạnh đào hoang mà nhiều loại hạt của nó có chứa chất cyanide đủ làm chết người (hạt hạnh đào từ cây đã được con người thuần hoá là thứ hạt ngon, lành được dùng nhiều trong kỹ nghệ bánh, kẹo hiện nay).

Theo tác giả, việc thuần hoá cây trồng đã bắt đầu cách nay khoảng 10.000 năm. Trong giới hạn của bài viết này, ta có thể ghi nhận một vài con số: nhiều loại đậu được thuần hoá vào khoảng 8.000 năm TCN, trái ô-liu khoảng 4,000 năm TCN, trong khi dâu tây mãi tới thời Trung cổ, và quả mạy ở châu Mỹ (pecans) phải tới năm 1846...

Nghiên cứu việc thuần hoá cây trồng dẫn ta tới việc giải thích tại sao chỉ có một số ít khu vực đã trở thành những trung tâm sản xuất thực phẩm độc lập, cũng như tại sao một vài trung tâm đã sớm phát triển hơn những trung tâm khác, chẳng hạn như vùng Lưỡi liềm Trù phú (Fertile Crescent) nằm ở phía đông Địa Trung Hải, ở mạn bắc Syria, Jordan, Iraq ngày nay, hoặc ở Trung Hoa, hay Sahel.

Từ một ít trung tâm nông nghiệp khởi thủy, sản xuất thực phẩm đã nhanh chóng lan sang những vùng khác. Một yếu tố chính góp phần vào mức độ phát triển khác nhau là chiều hướng địa lý của các châu lục: trục đông-tây ở lục địa Âu-Á, và trục bắc-nam ở châu Mỹ và châu Phi.

5. chương 8, "Táo hay người da đỏ" (Apple or Indians)

Trong chương 8, "Táo hay người da đỏ" (Apple or Indians), tác giả lặp lại những câu hỏi trước đây rằng "Tại sao nông nghiệp đã chưa hề tự khởi phát ở một vài vùng trù phú và rất thuận tiện ở California, châu Âu, vùng ôn đới châu Úc, và vùng cận xích đới châu Phi? Tại sao ở những khu vực phát triển độc lập, nông nghiệp đã phát triển sớm nơi một vài vùng hơn là ở những vùng khác?" (tr. 131) .

Trong khoảng 200.000 cây hoang trên trái đất, chỉ khoảng vài ngàn cây là con người có thể ăn được, và khoảng vài trăm trong số ấy được thuần hoá ít nhiều. Trong số vài trăm loại được trồng, chỉ khoảng một tá đã chiếm đến 80 phần trăm khối lượng sản xuất hàng năm. Đó là các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa gạo, loã mạch, và kê; các loại khoai củ như khoai tây, khoai lang, khoai mì; loại cây cho đường như cây mía và cây củ cải đường.

Trong những trang kế tiếp, tác giả so sánh ba vùng nằm ở những cực đối nghịch trong số những trung tâm thuần hoá độc lập về nông nghiệp: vùng Lưỡi liềm Trù phú, vùng Tân Ghi-nê, và phía đông Hoa Kỳ. Tác giả trình bày khá chi tiết những ưu thế của vùng Lưỡi liềm Trù phú trong việc thuần hoá cây trồng so với hai vùng kia căn cứ trên khí hậu, môi sinh, cây hoang cũng như những loài thú thấy sẵn trong vùng.

Câu hỏi quan trọng mà tác giả đặt ra là "Việc sản xuất nông nghiệp ở Tân Ghi-nê và miền đông Hoa kỳ kém hơn hẳn (so với vùng Lưỡi liềm Trù phú) thì liệu phải chăng sự kém sút ấy là do con người?" Ông đã tìm cách giải thích trong những trang kế tiếp.

6. chương 9, "Ngựa vằn, những cuộc hôn nhân bất hạnh, và nguyên tắc Anna Karenina (Zebras, the Unhappy Marriages, and the Anna Karenina Principles)

Trong chương 9, "Ngựa vằn, những cuộc hôn nhân bất hạnh, và nguyên tắc Anna Karenina (Zebras, the Unhappy Marriages, and the Anna Karenina Principles), tác giả đề cập tới việc thuần hoá một số loài thú chủ yếu là để cung cấp thịt, sản phẩm sữa, phân bón, phương tiện vận chuyển, da, phương tiện vận chuyển quân sự, sức kéo, và len; ngoài ra chúng cũng còn mang mầm bệnh dịch gây chết người nơi những người chưa có miễn dịch đối với những mầm này (phần lớn là những người chưa từng có dịp tiếp xúc trước đây).

7. chương 10, "Những bầu trời khoáng đãng và những trục ảnh hưởng" (Spacious Skies and Tilted Axes)

Trong chương 10, "Những bầu trời khoáng đãng và những trục ảnh hưởng" (Spacious Skies and Tilted Axes), tác giả nhấn mạnh đến những hậu quả lớn lao của các hướng trục của các lục địa khiến ảnh hưởng đến mức độ phát triển của mùa màng và gia súc, và có thể là cả của chữ viết, và những phát minh khác nữa. Như vậy, nét đặc trưng căn bản về mặt địa lý đã góp phần rất mạnh vào những thể nghiệm khác nhau của cư dân bản địa Mỹ, người châu Phi, và người thuộc lục địa Âu-Á trong 500 năm vừa qua. Như tác giả đã viết trong chương 5, có khoảng năm vùng trên trái đất là nơi việc sản xuất thực phẩm đã khởi phát một cách độc lập. Tuy vậy, ngay vào thời tiền sử, sản xuất thực phẩm đã ổn định ở nhiều vùng khác ngoài những vùng tiên khởi ấy. Những vùng sau sản xuất được thực phẩm là nhờ kết quả của sự phát tán các thứ hoa màu, gia súc, kiến thức nuôi trồng, và trong một vài trường hợp, là kết quả của những đợt di dân những người làm nông và chăn nuôi. Ta thấy những phát tán sản xuất chính từ Tây-Nam Á qua châu Âu, Ai-cập, Bắc Phi, Ethiopia, Trung Á, và Thung lũng sông Hằng; từ vùng Sahel và Tây Phi qua Đông và Nam Phi; từ Trung Hoa qua Đông Nam Á, Phi Luật Tân, Nam Dương (Indonesia), Triều Tiên (Korea), và Nhật; và từ Mesoamerica lên Bắc Mỹ.

Tác giả lưu ý rằng châu Phi và châu Mỹ là hai châu lục lớn nằm theo hướng Bắc-Nam, mà kết quả là sản xuất từ nơi này chậm phát tán qua nơi khác. Ở một vài nơi khác trên thế giới, việc phát tán theo hướng bắc nam quan trọng trên một tầm mức nhỏ, như từ Thung lũng sông Hằng của Pakistan xuống Nam Ấn, và việc phát tán chậm sản xuất thực phẩm từ Hoa Nam xuống Bán đảo Mã lai, việc sản xuất thực phẩm từ Indonesia và Tân Ghi-nê nhiệt đới vào thời kỳ tiền sử đã không đến được những vùng hiện nay là trang trại ở đông nam và tây nam Úc. Hai vùng vừa kể ở Úc hiện nay là những vùng sản xuất thực phẩm của Úc, nhưng nằm cách đường xích đạo 2.000 dặm, và phải đợi tới khi người Âu ở nơi xa xôi tới đem theo những mùa màng thích nghi với khí hậu châu Âu và mùa trồng ngắn hạn.


 

[1]Người tiền sử đã đứng thẳng được, đi bằng hai chân khoảng từ 4 triệu năm tới 2,5 triệu năm trước đây; nhiều di chỉ đã tìm được ở nhiều điểm khai quật thuộc châu Phi, và ở đảo Java - vùng Đông Nam Á.

[2]Chủng người này sinh sống cách nay khoảng từ 130.000 năm cho tới 40.000 năm; họ đã lưu lại những dấu chứng hiển nhiên về việc chôn cất người chết, và chăm sóc người đau yếu.

 


III. Phần ba: "Từ thực phẩm đến súng, mầm dịch bệnh, và thép" bao gồm các chương từ 11 đến 14.

Trong phần này, tác giả đã trình bày một cách chi tiết liên hệ giữa những nguyên nhân xa với những nguyên nhân gần, bắt đầu từ việc tiến hoá của các mầm bệnh đặc trưng nơi những vùng đông dân cư (chương 11). Số thổ dân da đỏ ở châu Mỹ và những sắc dân không thuộc những dân ở lục địa Âu-Á đã bị chết vì mầm bệnh từ những kẻ đi chinh phục người Âu lây lan cho họ cao hơn hẳn số bị chết vì súng hay vũ khí bằng thép của những dân ấy. Ngược lại, rất ít hoặc ngay cả không có mầm dịch bệnh chết người ở Tân Thế giới đón đợi những kẻ chinh phục người Âu. Kết quả của những nghiên cứu sinh học phân tử mới đây đã soi sáng việc truy nguyên mối liên hệ giữa mầm dịch bệnh đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp, ở lục địa Âu-Á nhiều lần hơn ở châu Mỹ.

Mối liên hệ nhân quả khác dẫn từ việc sản xuất thực phẩm đến chữ viết, có thể xem là phát minh quan trọng nhất trong khoảng thời gian vài ngàn năm trở lại đây (chương 12). Chữ viết đã tiên khởi chỉ một ít lần trong lịch sử nhân loại, ở những khu vực từng là những nơi sản xuất thực phẩm. Tất cả những xã hội đã trở thành những xã hội có chữ viết khác là do sự phát tán hệ thống chữ viết, hoặc từ gợi ý về chữ viết từ một trong những cái nôi ít oi lúc ban đầu.

Kỹ thuật cũng phát triển tương tự (chương 13). Mở đầu chương này, tác giả đã nhắc đến chiếc đĩa Phaitos được các nhà khảo cổ tìm thấy vào ngày 3 tháng bảy, năm 1908 khi khai quật một địa điểm ở Phaitos, trên đảo Crete. Đối với các sử gia về kỹ thuật, đĩa Phaitos này được ước lượng chế tạo vào khoảng 1.700 năm TCN, được coi là tiền thân của những nỗ lực về kỹ thuật in của loài người. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy chỉ xảy ra tại Trung Hoa 2.500 năm sau, và ở Trung Âu 3.100 năm sau. Trong lúc tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà tác giả gợi ý như, "Tại sao kỹ thuật nảy sinh rất sớm ấy đã không được chấp nhận rộng rãi ở Crete hay những nơi khác thuộc vùng Địa trung hải cổ xưa?" hoặc "Tại sao phương pháp in được phát minh vào khoảng 1.700 năm TCN ở Crete mà không ở nơi nào khác ở Mesopotamia, hay Mexico, hoặc ở bất cứ trung tâm cổ xưa nào của chữ viết?" (tr. 241).

Ta cũng đã biết nhiều tiến bộ kỹ thuật đã xảy ra một cách không đồng đều, bắt nguồn từ nơi một số rất ít những thiên tài như Johannes Gutenberg, James Watt, Thomas Edison, và anh em Wright. Họ là người Âu, hoặc con cháu những người Âu di cư đến Mỹ. Archimedes và những thiên tài khác vào thời cổ cũng vậy. Và liệu "Những thiên tài như thế có thể nào sinh ra ở Tasmania hay Namibia?" Với những câu hỏi tương tự như thế, người ta thường cho rằng dân gốc lục địa Âu-Á trội hơn những dân khác về trí thông minh và óc phát minh. Nhiều người phương Tây khi đến làm việc ở những nước thuộc Thế giới thứ ba (những nước chưa phát triển) thấy dân chúng những xứ này hình như cũng rất thông minh, xét theo từng cá nhân, nhưng cuối cùng họ đã nản chí trước những xã hội bảo thủ một cách tuyệt vọng, co cụm với nhau, và có thái độ thù nghịch với những thay đổi.

Trong những trang kế tiếp, tác giả đề cập tới những khía cạnh khác nhau của việc phát minh, và chỉ ra mối liên quan không đơn thuần bắt nguồn từ nhu cầu của con người trong cuộc sống, dẫn ông đến hai kết luận là kỹ thuật phát triển được nhờ những phát minh trước đó, khác hơn là những hành vi biệt lập của từng cá nhân, và chỉ sau khi phát minh xảy ra, ta mới thấy được phần lớn những ứng dụng của nó, khác hơn là để thoả mãn những nhu cầu được dự liệu trước.

Chương 14, "Từ bình đẳng đến bất bình đẳng" (From Egalitarianism to Kleptocracy), cho thấy mô hình xã hội đơn giản nơi dân du mục Fayu (gồm khoảng 400 người săn bắt-hái lượm, chia thành bốn bộ tộc). Theo lời người Fayu, trước đó họ có khoảng 2.000 người nhưng dân số của họ đã giảm đi một cách trầm trọng vì họ giết lẫn nhau. Họ thiếu những cơ chế chính trị và xã hội, mà ta coi là những cơ chế để dàn xếp một cách hoà bình những tranh chấp gay gắt.

Theo tác giả, nhờ sự hiện diện và hướng dẫn của các giáo sĩ, những nhóm dân ở Tân Ghi-nê, và những nhóm dân da đỏ vùng Amazon ở Nam Mỹ đã tiếp cận được với xã hội hiện đại. Theo chân các giáo sĩ là các chuyên gia trong lãnh vực giáo dục và y tế, những thư lại và binh lính. Việc mở mang chính quyền và tôn giáo thường gắn với nhau xuyên suốt lịch sử thành văn của loài người. Việc mở mang này có khi hoà bình, có lúc dùng đến vũ lực. Trong trường hợp dùng đến vũ lực, thường thì chính quyền tổ chức cuộc chinh phục, và tôn giáo biện minh cho cuộc chinh phục ấy. Đôi khi ta thấy dân du mục, hoặc những bộ lạc đánh bại những chính quyền có tổ chức hoặc các tôn giáo, nhưng theo chiều hướng chung thì suốt 13.000 năm của lịch sử loài người, các sắc dân ấy thường bị thua. Tác giả kết luận rằng chính quyền với tôn giáo, cùng với mầm bệnh, súng, và kỹ thuật là tích hợp của bốn bộ yếu tố của những nguyên nhân gần dẫn đến mô hình lớn nhất của lịch sử loài người ngày nay.

Qua 13.000 năm, chiều hướng áp đảo nơi xã hội loài người là những xã hội nhỏ hơn, ít phức tạp hơn đã bị thay thế bởi những xã hội lớn hơn, phức tạp hơn, tuy là qua báo chí trong thời kỳ gần đây, ta thấy một vài đơn vị lớn như Liên bang Xô viết, Nam Tư, Tiệp Khắc đã phân tán thành những đơn vị nhỏ hơn như trường hợp đế quốc của Alexander of Macedon trên 2.000 năm trước. Ta cũng thấy những đơn vị phức tạp hơn không phải đã luôn luôn chinh phục được những đơn vị ít phức tạp hơn như trường hợp Đế quốc La Mã, Đế quốc Trung Hoa đã từng bị thôn tính bởi các dân "man di" hoặc bởi người Mông Cổ. Ta cũng thấy hiển nhiên là những nhà nước lớn chiến thắng những thực thể đơn giản hơn nhờ ưu thế về vũ khí và kỹ thuật, và nhờ ở dân số đông, nhưng cũng còn hai lợi thế tiềm tàng khác: lòng yêu nước cũng như lòng sùng kính tôn giáo nơi nhiều quốc gia khiến binh sĩ sẵn sàng chết vì tổ quốc, hoặc chết vì đạo. Sự cuồng nhiệt trong chiến tranh như ta thấy trong những cuộc chinh phục của người Hồi giáo hoặc Thiên chúa giáo có lẽ chưa từng xảy ra trên trái đất này cho tới khi có các lãnh địa và đặc biệt là những nhà nước trong vòng 6.000 năm qua (tr. 282).

Xem xét những quyết định chiến tranh, thực hiện chúng, cùng với những vấn đề kinh tế, và lãnh thổ dẫn đến việc đòi những xã hội lớn phải tập trung. Tập trung quyền lực ắt phải mở cửa cho những kẻ nắm quyền, với những thông tin dành cho họ, làm quyết định, tái phân phối của cải, khai thác những cơ hội để tự ban thưởng cho mình hoặc thân thuộc của mình.

Sự hội nhập những đơn vị nhỏ thành những đơn vị lớn hơn thường được sử sách lưu truyền, hoặc có thể thấy được qua những công trình khảo cổ. Những cuộc hội nhập ấy chưa từng xảy ra qua một diễn trình hoà bình, theo đó các xã hội nhỏ tự do quyết định hội nhập, nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho những công dân của mình. Hội nhập xảy ra theo hai cách: do đe dọa từ bên ngoài, hoặc do bị chinh phục. Trong phần này, tác giả dùng một số sự kiện lịch sử để minh chứng, từ việc hình thành Liên hiệp người da đỏ Cherokee vùng Tây nam Hoa Kỳ khi người da đỏ thuộc các bộ tộc (chiefdoms) độc lập buộc phải thống nhất với nhau để có thể thương lượng hữu hiệu hơn với người da trắng khi bị đe dọa hủy diệt bởi sức mạnh bên ngoài, hoặc như trường hợp các thuộc địa được ghi nhận trong bất cứ sách giáo khoa Mỹ nào trước sự đe dọa của Vương quốc Anh, cho tới sự thành lập đế quyền tập trung Đức vào năm 1871 trước đe dọa tuyên chiến của nước Pháp vào năm 1870. Tác giả cũng minh dẫn trường hợp bị chinh phục như trường hợp nhà nước Zulu ở tây nam châu Phi được người da trắng đến định cư ở vùng này ghi nhận cẩn thận, cùng một số những trường hợp khác như những nhà nước bản địa ở Hawai, Tahiti ở châu Đại Dương, Merina ở Madagascar, Lesotho và Swazi ở Tây Phi, Ankole và Buganda ở Uganda. Việc hình thành nhà nước La Mã và sự bành trướng của Đế quốc Macedonia dưới thời Alexander được các tác giả cổ điển thời ấy mô tả rất chi tiết.

Những thí dụ mà tác giả nêu ra cho thấy là những cuộc chiến, hoặc những đe dọa chiến tranh đã đóng vai trò then chốt, nếu không muốn nói là toàn thể, trong việc nhập những xã hội lại với nhau. Cũng nên ghi nhận thêm là ở những vùng dân cư thưa thớt như ở những nơi dân săn bắt-hái lượm sinh sống thì những kẻ sống sót của nhóm bị đánh bại chỉ cần chạy xa khỏi kẻ thù là đủ; nơi dân cư vừa phải, như ở những vùng do những bộ lạc có sản xuất thực phẩm chiếm ngụ, kẻ bại trận không còn nhiều nơi trốn chạy, trong lúc những xã hội bộ lạc lại không có sản xuất kiểu thâm canh nên khó có công việc để duy trì nô lệ, mà cũng khó lòng sản xuất được thực phẩm thặng dư để cống nạp; do vậy kẻ chiến thắng cướp đàn bà, giết đàn ông, chiếm đất đai. Khi mật độ dân cư cao như ở những nơi đã lập thành nhà nước hoặc lãnh địa, kẻ bại trận vẫn không còn chỗ trốn chạy, nhưng nay kẻ chiến thắng có hai cách để khai thác kẻ chiến bại mà không cần phải giết. Vì những nhà nước hoặc lãnh điạ đã chuyên biệt về kinh tế, kẻ bại trận có thể được sử dụng như nô lệ, như ta thường đọc thấy trong nhiều thời kỳ được mô tả trong kinh thánh. Cách khác là khi những xã hội chiến bại có những hệ thống sản xuất cung cấp thực phẩm hoặc sản phẩm thặng dư, kẻ chiến thắng tước đi quyền tự trị về chính trị, và buộc kẻ bại trận phải cống nạp phẩm vật. Điều này ta cũng thấy xảy ra rất nhiều trong lịch sử loài người.

 


IV. Phần Bốn, "Vòng quanh thế giới", có năm chương.

1. Chương 15 có tựa "Người của Yali"

Chương 15 có tựa "Người của Yali". Mở đầu chương này, tác giả cho thấy kinh nghiệm bản thân (một người da trắng) trong một chuyến du hành qua vùng sa mạc ở Úc, và về cái chết của cảnh sát viên người Ái Nhĩ Lan Robert Burke và nhà thiên văn học người Anh William Wills trong một chuyến thám hiểm vượt sa mạc từ nam lên bắc, cho ta thấy môi trường khắc nghiệt ở sa mạc Úc cũng như khả năng thích nghi của thổ dân Úc trên châu lục nhỏ nhất, khô hạn nhất, bằng phẳng nhất, ít màu mỡ nhất, khó tiên đoán nhất về mặt khí hậu và là châu lục nghèo nhất về mặt sinh học. Tác giả cho đây là vùng môi sinh rất đặc biệt, và cũng là nơi có những xã hội đặc biệt nhất dùng làm trắc nghiệm gắt gao về những dị biệt liên lục địa nơi những xã hội loài người. Tác giả dẫn một vài so sánh giữa người Tân Ghi-nê với thổ dân Úc về những công cụ họ dùng, về lối sinh hoạt của họ để bàn về "chậm tiến" và "tiến bộ".

Hiện nay có rất nhiều người xem những xã hội thổ dân Úc là "chậm tiến". Lục địa Úc là nơi duy nhất trong thời hiện đại mà thổ dân vẫn còn sống trong những điều kiện thô sơ: không có trại chăn nuôi, kim loại, cung, tên, nhà nhiều tầng, làng định cư, chữ viết, lãnh địa. Thổ dân Úc là dân du canh hoặc nửa du canh săn bắt-hái lượm, họp thành nhóm, sống tạm trong những túp lều. Trong suốt 13,000 năm qua, đời sống văn hoá của họ ít thay đổi so với dân ở những châu lục khác. Vậy mà vào khoảng 40,000 năm trước, những xã hội bản điạ Úc đã tiến trước những xã hội châu Âu và những xã hội ở những lục địa khác. Họ đã phát triển một vài công cụ bằng đá, và cả bè trên nước sớm nhất trên thế giới. Ở Úc, ta thấy một số bức họa cổ xưa nhất trên mặt đá. Xét về mặt giải phẫu, con người có lẽ đã định cư ở Úc trước khi định cư ở Tây Âu (tr. 297). So với thổ dân Úc mà cho đến nhiều chục năm trước đây còn sống trong những điều kiện không khác nhiều chục ngàn năm trước, thì phần lớn dân Tân Ghi-nê đã là những người làm nông và nuôi heo. Họ sống thành những làng định cư, và về mặt chính trị, họ tổ chức thành các bộ lạc thay vì là những nhóm dân. Tác giả còn dẫn nhiều thí dụ cụ thể khác để chứng minh rằng môi trường sinh sống đã quyết định tình trạng "tiến bộ" của cư dân ở Tân Ghi-nê so với thổ dân Úc (tr. 297). Thổ dân ở Úc hiển nhiên có khuôn mặt và màu da khác với những người châu Âu, khiến một số tác giả ở thế kỷ 19 xem họ là gạch nối giữa loài linh trưởng và loài người. Và việc thực dân da trắng người Anh đã tạo ra một xứ có chữ viết, dân chủ kỹ nghệ, sản xuất thực phẩm chỉ trong một vài thập kỷ sau khi chiếm được lục địa này, trong khi cư dân bản địa sau hơn 40.000 năm vẫn còn săn bắt-hái lượm, không có chữ viết, thì liệu còn có những cách diễn giải nào khác chăng? Điều gây ấn tượng mạnh là lục địa Úc có một số quặng mỏ giàu sắt và nhôm nhất thế giới, cũng như nhiều vùng phong phú về đồng, thiếc, chì, và kẽm. Vậy mà tại sao thổ dân không biết đến dụng cụ kim loại, và vẫn còn sống trong Thời kỳ Đồ Đá. "Cùng một lục địa; chỉ có con người là khác!" Cái logic ẩn sau kết luận mang tính kỳ thị chủng tộc xem ra là điều bắt buộc, nhưng tác giả của S, Mb, T trong những trang sau đó đã tìm cách chứng minh kết luận trên là sai lầm.

Kết luận của tác giả dành cho chương này là thực dân da trắng người Anh không phải là kẻ tạo ra nền dân chủ kỹ nghệ, sản xuất thực phẩm, có chữ viết ở Úc. Họ chỉ du nhập những thứ đó từ bên ngoài; mà tất cả những thứ ấy là sản phẩm của 10.000 năm phát triển trên môi sinh Âu-Á. Người Âu khi đặt chân tới Úc đã không hề phải học cách sống còn trên vùng đất này; họ chỉ thừa hưởng kỹ thuật của lục địa Âu-Á. Robert Burke và Williams Wills đủ khôn ngoan để viết, nhưng không đủ khôn ngoan để có thể sống sót trên những vùng sa mạc Úc nơi thổ dân sinh sống.

2. Chương 16 mang tựa đề "Trung Quốc đã trở thành Trung Hoa như thế nào" (How China Became Chinese)

Chương 16 mang tựa đề "Trung Quốc đã trở thành Trung Hoa như thế nào" (How China Became Chinese). Trong chương 15, tác giả đã xem xét lịch sử của lục địa Úc, và đảo Tân Ghi-nê trước kia liền với Úc thành một châu lục. Lục địa Úc, nơi những xã hội loài người mới đây còn trong tình trạng kỹ thuật đơn giản nhất, và là lục địa duy nhất mà việc sản xuất thực phẩm không tự phát triển được, đã đặt ra một trắc nghiệm gắt gao về những lý thuyết bàn về những dị biệt liên lục địa nơi những xã hội loài người, và tác giả cũng đã cho thấy tại sao những thổ dân trên lục địa Úc vẫn còn là những người săn bắt-hái lượm, trong khi phần lớn các dân trên đảo Tân Ghi-nê gần Úc đã trở thành những người sản xuất thực phẩm. Chương 16 và tiếp theo là chương 17 nhập vào với những triển khai trong chương 15 thành viễn tượng bao gồm toàn vùng Đông Á và các đảo Thái Bình Dương. Sự phát triển sản xuất thực phẩm ở Trung Quốc đã tạo ra một vài chuyển dịch lớn của các dân cư, và văn hoá. Một hậu quả của những chuyển dịch này là sự thay thế ở khắp vùng Đông Nam Á nhiệt đới những dân sống bằng săn bắt-hái lượm bởi những nông dân nguồn gốc ở Hoa Nam. Cũng tương tự như vậy là sự thay thế dân săn bắt-hái lượm bản địa bởi những người Nam Á (Austronesian) ở quần đảo Philippines và Indonesia và trải ra đến những đảo xa xôi của châu Đa Đảo. Những cuộc đụng độ giữa cư dân ở khu vực Thái Bình Dương và Đông Á quan trọng ở hai mức độ: chúng tạo thành những nước nơi một phần ba dân chúng hiện nay sinh sống; và chúng cũng cung ứng những mẫu mực rõ ràng để hiểu lịch sử của dân chúng ở những nơi khác trên thế giới.

Nếu Hoa Kỳ là hình ảnh của một xứ hợp chủng, có hơn 80 thứ ngôn ngữ khác với tiếng Anh được nói trong nhiều gia đình do việc nhập cư dân chúng từ những nước khác tới, thì sự việc này cũng chỉ là việc tái hiện những đa tạp ở châu Mỹ hàng nhiều nghìn năm về trước. Trước khi người Âu đến định cư thì đất Mỹ đã là cứ địa của hàng trăm bộ tộc da đỏ khác nhau về ngôn ngữ. Lịch sử của nước Ấn, Indonesia, Brazil đều là lịch sử của những nước ‘mới' tạo dựng về chính trị, là những nơi mà lần lượt người ta nói vào khoảng 850, 670, và 210 thứ tiếng khác nhau.

Trung Quốc là trường hợp duy nhất ngoại lệ đối với việc hợp chủng mới đây. Dưới mắt người thường, Trung Quốc là nước thuần nhất về chính trị, văn hoá, và ngôn ngữ; là nước thống nhất về chính trị từ năm 221 TCN. Kể từ khi có chữ viết, Trung Quốc chỉ có một hệ thống chữ viết, trong khi phương Tây hiện đại dùng đến hàng tá những mẫu tự chuyển dạng. Trong số 1,2 tỉ dân Trung Hoa, 800 triệu nói tiếng phổ thông, và khoảng 300 triệu người nói bảy thứ tiếng khác tương tự như tiếng phổ thông, chẳng mấy khác tiếng Tây Ban Nha so với tiếng Ý.

Trên thực tế người miền Hoa Bắc khác với người miền Hoa Nam về thể tạng lẫn về yếu tố di truyền. Họ gần với người Tây Tạng hoặc người Nepal, trong khi người Hoa Nam gần với người Việt hoặc người Phi Luật Tân (tr. 323). Hoa Bắc cũng khác Hoa Nam về môi sinh và khí hậu. Những khác biệt về mặt di truyền hàm chứa một lịch sử lâu dài sự phân cách giữa hai miền, nhưng những cư dân khác nhau như thế cuối cùng đã hoà lẫn nhau trong những tương đồng về văn hoá và ngôn ngữ. Tân Ghi-nê, diện tích chỉ khoảng một phần mười của Trung Quốc, và chỉ mới có sự hiện diện của con người khoảng 40.000 năm, có hàng ngàn ngôn ngữ, bao gồm hàng chục những nhóm ngôn ngữ mà những dị biệt lớn hơn rất nhiều dị biệt giữa tám thứ tiếng chính của Trung Hoa. Tây Âu đã tiến hoá và tiếp nhận khoảng 40 thứ ngôn ngữ chỉ từ 6.000- 8.000 năm kể từ lúc những ngôn ngữ Ấn-Âu đến đây, gồm những ngôn ngữ rất khác nhau như tiếng Anh, tiếng Phần Lan, và tiếng Nga. Vậy mà những vật hoá thạch đã cho thấy sự hiện diện của giống người ở Trung hoa trên nửa triệu năm. Điều gì đã xảy ra đối với hàng chục ngàn những thứ tiếng khác biệt nhau hẳn đã phải có ở Trung Hoa trong một khoảng thời gian dài như thế?

Những mâu thuẫn này ngầm cho ta thấy là Trung Hoa cũng đã từng là nơi có nhiều nguồn dị biệt, như đã xảy ra với bất cứ nước đông dân nào. Trung Hoa chỉ khác hơn ở chỗ đã thống nhất sớm hơn mà thôi (tr. 324). Sự Hán hoá bao gồm việc đồng nhất hoá tích cực của một vùng cực lớn trên một địa vực đa chủng xưa, với sự tái định cư ở vùng Đông Nam Á nhiệt đới, và việc có ảnh hưởng lớn lao đối với Triều Tiên, Nhật, và cả Ấn Ðộ nữa.

Tác giả nhấn mạnh trong chương này rằng lịch sử của Trung Hoa cho ta chìa khoá để hiểu toàn vùng Đông Á. Ở những trang sau đó, qua những minh dẫn về ngôn ngữ (từ tr. 324 đến tr. 329), tác giả kết luận là Hoa Bắc tiên khởi chiếm ngụ bởi những người nói tiếng Hán và những thứ tiếng Hán-Tạng khác; nhiều khu vực khác nhau ở Hoa Nam do những người nói tiếng Miêu-Dao (Miao-Yao), Nam Á, và Tai-Kadai chiếm ngụ, sau này bị thay thế bởi tiếng nói chủ yếu của những kẻ xâm lấn từ Hoa Bắc xuống. Cũng có thể là Hoa Nam đã từng tiếp nhận những nhóm tiếng nói khác ngoài nhóm Miêu-Dao, Nam Á, và Tai-Kadai. Có thể thấy là họ Nam Á gồm tất cả những thứ tiếng Đa Đảo, và Phi Luật Tân có lẽ đã biến mất trên lục địa Trung Hoa.

Sự thay thế tiếng nói ở Đông Á khiến ta liên tưởng tới sự bành trướng của những ngôn ngữ Âu Châu, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, ở Tân Thế giới (châu Mỹ), trước đây từng là địa bàn của hàng ngàn thứ tiếng của các thổ dân. Nguyên nhân của sự thay thế này là ưu thế về kỹ thuật và tổ chức chính trị, bắt nguồn tất yếu từ việc sản xuất thực phẩm đã sớm phát triển ở một số vùng, đặc biệt là ở lục địa Âu-Á. Như ở một số nơi khác trên thế giới, ở Trung Hoa, việc sản xuất thực phẩm đã dần dần dẫn tới những dấu mốc khác của "văn minh".

Kỹ thuật đồ đồng có nguồn gốc từ 3.000 năm TCN, dẫn tới việc sản xuất đồ sắt sớm nhất trên thế giới, vào khoảng 500 TCN. Liên tục trong 1.500 năm kế tiếp là những phát kiến kỹ thuật như việc sáng chế ra giấy, la bàn, bánh xe (bò, ngựa...), và thuốc súng, với những xã hội phân hoá thành nhiều giai tầng mà kẻ cai trị có thể huy động những lực lượng lao động lớn lao; chứng cớ là trường thành, hào sâu, lũy cao, dinh thự, đền đài to lớn, và ngay cả con sông đào nối Hoa Bắc với Hoa Nam.

Diện tích của Trung Hoa và sự dị biệt về môi sinh đã sản sinh nhiều nền văn hoá địa phương khác biệt nhau, mà các di chỉ khảo cổ cho thấy qua những đồ dùng của người cổ xưa, và những đồ gốm kiểu cách khác nhau, hệt như việc trao đổi các thú nuôi giữa những vùng có hệ sinh thái khác nhau đã làm phong phú việc sản xuất thực phẩm của Trung Hoa. Sự trao đổi giữa những vùng văn hoá và kỹ thuật khác nhau, cũng như sự tranh chấp gay gắt giữa các lãnh địa đã dẫn tới sự hình thành những nhà nước tập trung lớn hơn. Ở lục địa Trung Hoa, khoảng cách giữa Hoa Bắc và Hoa Nam không tạo thành biên giới như ở châu Phi hoặc châu Mỹ (sa mạc ngăn cách các vùng ở châu Phi, ở Mexico, hoặc một doi đất hẹp như ở Trung Mỹ). Khác với phía tây của lục địa Âu-Á là vùng đã sản sinh những hệ thống chữ viết rất sớm như chữ hình khối ở vùng Sumer, chữ cổ Ai Cập (hieroglyphics), mẫu tự Do Thái, Trung Hoa đã phát triển chỉ một hệ thống chữ viết duy nhất được hoàn thiện ở vùng Hoa Bắc, phát triển, rồi thay thế bất kỳ hệ thống nào khác, tiếp tục tiến và dùng đến tận ngày nay. Những điểm đặc thù khác của những xã hội ở Hoa Bắc đã phát triển xuống phía nam là kỹ thuật đồ đồng, những ngôn ngữ Hán-Tạng, và sự hình thành tổ chức nhà nước. Cả ba triều đại đầu tiên ở Trung Hoa là nhà Hạ, Thương, Chu đều khởi từ Hoa Bắc vào khoảng hai ngàn năm TCN, thống nhất dưới nhà Tần vào năm 221 TCN. Sự thống nhất về văn hoá cũng tăng nhanh trong cùng thời gian, khi những nước "văn minh" trên đất Trung Hoa thâm nhập, hay được những xứ "man di" sao chép. Sự thống nhất về văn hoá ấy có khi tàn bạo như trường hợp Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt sạch những sách sử viết trước khi ông ta thống nhất được Trung Hoa. Cùng cách thức ấy, những ngôn ngữ Hán-Tạng đã lan ra khắp Trung Hoa, và triệt giản những ngôn ngữ khác vào tình trạng phân tán rời rạc như ta thấy hiện nay.

Theo Diamond, nhờ vào thành tựu của những dân nông nghiệp đầu tiên ở Đông Á, đất Trung Hoa đã trở thành Trung Hoa, và cư dân từ Thái Lan đến tận Easter Island đã thành bà con của họ.

3. chương 17, "Tàu cao tốc đến châu Đại Dương" (Speedboat to Polynesia)

Trong chương 17, "Tàu cao tốc đến châu Đại Dương" (Speedboat to Polynesia). tác giả trưng ra những người mà ông gặp ở Jayapura - thủ đô của Tân Ghi-nê - là Achmad, Wivor, Sauakari, trong tiệm buôn của một người Trung Hoa là Ping Wah. Achmad là viên chức của chính phủ Indonesia; Sauakari là người miền đồng bằng ở Tân Ghi-nê; còn Wivor là người miền cao nguyên Tân Ghi-nê. Như nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á, ở Indonesia, người Hoa nhập cư phần lớn làm thương mại, và ta luôn thấy sự e ngại giữa những người Hoa khống chế về thương mại và người Java nắm quyền chính trị. Wivor và Sauakari đều bất bình về độc quyền chính trị của người Java, nhưng giữa họ với nhau, kẻ là dân đồng bằng, người là dân miền thượng, họ cũng có những kỳ thị lẫn nhau. Những căng thẳng ấy bắt nguồn từ nhiều ngàn năm lịch sử. Khi ta nói đến những cuộc di dân lớn, ta thường nghĩ tới những cuộc di dân kể từ khi Colombus khám phá ra châu Mỹ. Nhưng thật ra đã có những cuộc di dân lớn lao khác từ thời tiền sử bởi những dân không phải gốc người Âu đến những vùng dân cư cũng không phải người Âu khác. Wivor, Achmad, Sauakari là đại diện cho ba đợt di dân từ châu Á đến Polynesia (châu Đại Dương). Ngày nay, dân Java, dân sống trên phần lớn những đảo khác của Indonesia, và dân Phi Luật Tân khá thuần nhất. Ngoại hình cũng như gien của họ tương tự như người ở Hoa Nam, và còn gần hơn nữa với dân chúng vùng Đông Nam Á.

Nhưng những dân ở duyên hải phía đông và phía bắc của Tân Ghi-nê, và của quần đảo Solomon và Bismarck cho thấy một hình ảnh rất phức tạp. Về mặt yếu tố di truyền, dân các đảo Bismarck và Solomon, cũng như dân ở duyên hải phía bắc Tân Ghi-nê có khoảng 15% yếu tố Nam Á và 85% giống với những người miền thượng của Tân Ghi-nê. Như vậy hiển nhiên là người Nam Á đã đến Tân Ghi-nê, nhưng đã không vào sâu được phía trong đảo này. Về mặt di truyền, huyết thống Nam Á đã loãng đi nơi những cư dân đã có mặt từ trước đây ở những nơi này.

Về ngôn ngữ, ta cũng thấy những tương đồng: phần lớn những thứ tiếng ở Tân Ghi-nê (còn gọi là những tiếng Papua) đều không có liên quan tới bất kỳ họ ngôn ngữ nào trên thế giới. Ta thấy một số tiếng Nam Á ở một dải đất hẹp mạn bắc và đông nam đảo, cũng như ở quần đảo Bismarck và Solomon; nhưng trên hầu hết những đảo lớn thuộc quần đảo Indonesia, những cuộc xâm lược của người Nam Á đã không còn để lại vết tích nào của những cư dân trước đây đã từng sống trên những đảo này. Trong khi đó, khoảng 1.600 năm TCN, người Nam Á đã bành trướng đến Tân Ghi-nê với những di chỉ cho thấy sự hiện diện của heo, gà, chó, đồ gốm thô, rìu bằng đá mài, và vỏ sò cực lớn.

Theo tác giả, sự phát triển của những ngôn ngữ Nam Á ở mạn bắc của Tân Ghi-nê, và cả trên những đảo lớn nhất trong quần đảo Solomon và Bismarck hẳn đã xảy ra sau thời kỳ đồ gốm Lapita. Cho tới khi người châu Âu bắt đầu khám phá ra Tân Ghi-nê vào cuối thế kỷ 19, tại toàn bộ phía nam đảo Tân Ghi-nê, cư dân vẫn chỉ nói những thứ tiếng Papua mà thôi. Về mặt ngôn ngữ thì vậy, nhưng về mặt các yếu tố di truyền, dân chúng mạn bắc của đảo Tân Ghi-nê vẫn duy trì phần lớn những gien bản địa. Như vậy, một số người ở mạn bắc Tân Ghi-nê chỉ tiếp nhận những tiếng Nam Á có thể là để giao dịch với những thương nhân từ xa tới.

Như vậy, kết quả của sự bành trướng của dân Nam Á đến Tân Ghi-nê khác hẳn sự bành trướng của họ ở Indonesia và Philippines. Trong trường hợp sau, dân bản địa đã biến mất - giả định là đã bị đuổi đi nơi khác, bị giết, chết vì lây nhiễm bệnh, hay bị kẻ xâm lăng đồng hoá. Trong trường hợp trước, quân xâm lược đã bị đẩy lui (tr. 349).

Đối với những ai quan tâm đến lịch sử thế giới, những xã hội loài người ở vùng Đông Á và vùng Thái Bình Dương cung ứng rất nhiều thí dụ về cách thế mà môi sinh đã định hình lịch sử loài người (tr. 352).

4. Chương 18 có tựa đề "Sự va chạm giữa các vùng bán cầu trên thế giới" (Hemispheres Colliding).

Sự thay thế cư dân lớn lao nhất trong khoảng 13,000 năm trở lại đây là sự va chạm giữa những xã hội của Tân Thế giới và Cựu Thế giới, mà điển hình là đạo quân xâm lược nhỏ bé của Pizzaro đã bắt sống hoàng đế Atahuallpa của đế quốc rộng lớn và hùng mạnh là Inca. Trong chương này, Jared Diamond trình bày lại một số yếu tố nhờ đó nông nghiệp đã phát triển rộng khắp ở lục địa Âu-Á. Trừ một số dân rất ít vẫn còn duy trì lối sống săn bắt-hái lượm như người Ainu ở phía Bắc Nhật bản, dân nuôi tuần lộc vùng Siberia, một ít dân sống rải rác trong những rừng ở Ấn Độ hay Đông Nam Á, còn hầu hết dân lục địa Âu-Á hoặc làm nông nghiệp, hoặc chăn nuôi súc vật.

Cho tới năm 1492, năng xuất nông nghiệp trên lục địa Âu-Á trội hơn hẳn năng xuất của người da đỏ bản địa. Nông nghiệp tuy đã rộng khắp ở châu Mỹ, nhưng dân săn bắt-hái lượm vẫn chiếm một phần lớn diện tích ở châu này so với dân trên lục địa Âu-Á. Điều đáng ngạc nhiên là những vùng trước đây không có sản xuất nông nghiệp lại là những vùng mà sau khi có sự hiện diện của người Âu, có những trang trại và đồng cỏ cho năng xuất rất cao ở một vài nơi ở cả Bắc và Nam Mỹ: những tiểu bang nằm dọc Thái Bình Dương ở nước Mỹ, vành đai lúa mì ở Canada, vùng đồng cỏ ở Argentina, và vùng khí hậu địa trung hải ở Argentina.

Trước đây, những vùng này đã bị cưỡng chế bởi một số điểm bất lợi chính so với nông nghiệp trên lục địa Âu-Á: sự tùy thuộc trên bình diện lớn các loại bắp nghèo chất dinh dưỡng (so với các loại mễ cốc của lục địa Âu-Á); gieo hạt bằng tay; thiếu phân súc vật; và chỉ dùng sức người trong mọi việc canh tác.

Những khác biệt về sản xuất đã góp phần vào những nguyên nhân gần của những cuộc chinh phục mà mầm bệnh, kỹ thuật, tổ chức chính trị, chữ viết đã góp vào sự thành công của người Âu đối với Tân Thế giới (tr. 357, 358, 359, 360).

Theo những biểu tác giả liệt kê, dân Âu-Á đã phát triển sản xuất nông nghiệp sớm hơn dân bản địa ở châu Mỹ đến 5.000 năm (tr. 361, 362, 363). Tác giả cho rằng sản xuất nông ngiệp ở lục địa Âu-Á khởi phát sớm vì ở lục địa này, sự hiện diện của con người đã có từ hàng triệu năm, lâu hơn sự hiện diện của con người trên châu Mỹ rất xa.

Theo tác giả, ít nhất là sau 13.000 năm phát triển biệt lập, những xã hội có phần tiến bộ nào đó ở Tân Thế giới, và những xã hội Âu-Á (chú của người đọc: đúng ra là một số quốc gia ở châu Âu) đã đụng đầu nhau. Trước đó, nếu có, chỉ là những gặp gỡ giữa dân săn bắt-hái lượm ở hai bên eo Bering mà thôi.

Tài liệu cho biết về toan tính chiếm ngụ châu Mỹ của người lục địa Âu-Á là dân Norse từ Na Uy đến chiếm Iceland vào năm 874 CN, rồi từ đây đến Greenland vào năm 986; sau này họ thường đến duyên hải đông bắc Mỹ giữa khoảng năm 1000 và 1350 CN. Cuộc xâm chiếm châu Mỹ lần thứ hai do người Âu thành công khi Tây Ban Nha đã khá mạnh về nhiều phương diện, đặc biệt là khi kỹ nghệ đóng tàu xuyên đại dương ở châu Âu đã phát triển nhanh chóng.

5. Chương 19 mang tựa đề "Châu Phi đã thành đen như thế nào" (How Africa Become Black)

Chương 19 mang tựa đề "Châu Phi đã thành đen như thế nào" (How Africa Become Black). Đã có rất nhiều tác giả viết về châu Phi. Phần lớn người Mỹ cũng như người Âu vẫn xem người dân bản địa ở châu Phi là dân da đen, và những người da trắng ở đây là những kẻ xâm lược từ vài thế kỷ nay, cũng như lịch sử chủng tộc ở châu Phi gắn liền với chế độ thực dân châu Âu và buôn bán nô lệ. Thực sự thì lịch sử lục địa châu Phi phức tạp hơn nhiều. Chỉ ở châu Phi đã có đến một phần tư các thứ tiếng nói trên thế giới. Và không nơi nào trên thế giới có nhiều sắc dân như ở châu Phi mà nguyên nhân là môi trường địa lý rất khác nhau cùng với thời kỳ tiền sử lâu dài. Con người đã sinh sống ở châu Phi lâu hơn ở bất cứ nơi nào khác vào khoảng 7 triệu năm trước, và Homo Sapiens có lẽ đã có mặt từ thời kỳ ấy. Năm nhóm dân cư đã có mặt ở châu Phi vào năm 1.000 CN là dân da đen, dân da trắng, người lùn châu Phi (pygmies), người Khoisan, và người châu Á. Trong chương này, tác giả dùng những dẫn chứng thuộc ngành ngôn ngữ, nhân chủng, và khảo cổ cho thấy châu Phi là cái nôi lớn từ thời tiền sử của nhiều chủng người.

Vào khoảng năm 1.400 CN, người da đen đã chiếm ngụ phần lớn diện tích châu Phi nằm ở phía nam Sahara và cùng cận-Sahara. Người da trắng, kể từ người Ai Cập và Li-bi (Lybians) cho tới người Ma-rốc chiếm ngụ vùng duyên hải phía bắc châu Phi và phía bắc Sahara. Ngược lại, hai nhóm Pymies và Khoisan gồm toàn dân săn bắt-hái lượm. Người Pygmies có màu da đen và tóc rất xoăn, nhưng so với người da đen, họ nhỏ con hơn nhiều, da tuy đen nhưng có sắc đỏ, thân và mặt nhiều lông, trán dồ, mắt lồi, răng hô. Khoisan là nhóm người trước kia sống ở nhiều nơi ở phía nam châu Phi, chuyên sống về săn bắt-hái lượm, nhưng nay chỉ còn lại rất ít. Ngoài ra còn phải kể đến thứ tiếng mà tất cả dân da đen, dân châu Á, và dân pha trộn ở Madagascar nói là tiếng Nam Á (Austronesian), rất giống với tiếng Ma' anyan thấy ở Borneo, cách Madagascar hơn 4.000 dặm. Người ta không hề thấy dân nào giống người Borneo trong khoảng 1.000 dặm quanh Madagascar.

Trường hợp của Madagascar cho thấy ngôn ngữ, cũng như thể tạng của cư dân, có thể là những dấu mốc quan trọng về nguồn gốc của họ. Như ta đã thấy, một số người trong số các cư dân trên Madagascar đã từ Đông Nam Á tới đây trước cả khi người Âu có mặt tại đây vào năm 1.500 CN.

Tác giả cũng giới thiệu công trình của nhà ngữ học Joseph Greenberg, trường đại học Stanford, về khoảng 1.500 thứ ngôn ngữ ở châu Phi; tất cả những ngôn ngữ ấy đều xếp vào năm họ lớn (tr. 381, 382, 383). Một số chi tiết mới về ngôn ngữ có thể gây sốc đối với những người xưa nay vẫn tin là nền văn minh phương Tây bắt nguồn từ Cận Đông, đạt tới đỉnh cao rực rỡ ở châu Âu thời Hy-La, và đã sản sinh ra ba tôn giáo lớn của nhân loại là Ki-tô giáo, Do Thái giáo, và Hồi giáo; mà những tôn giáo này đã phát khởi nơi những dân nói những thứ tiếng gần nhau: tiếng Aramic - thứ tiếng mà Đức Ki-tô và các Tông đồ nói, tiếng Do Thái, và tiếng Á-rập, gọi chung là những tiếng thuộc họ Semitic. Người ta vẫn coi dân Semitic là dân vùng Cận Đông. Nhưng theo Greenberg, đây chính là một trong sáu nhánh lớn trong một họ ngôn ngữ lớn: Á-Phi (Afroasiatic).

Trong những trang kế tiếp (tr. 383, 384, 385), tác giả điểm qua những diễn dịch từ những dấu chứng ngôn ngữ về sự phân bố ngôn ngữ Khoisan và sự thiếu vắng những thứ tiếng Pygmy riêng biệt rằng những dân này trước đây đã sinh cư rộng khắp trên lục địa châu Phi cho tới khi họ bị người da đen biết canh tác (người Bantu) ‘tràn ngập' (tác giả lưu ý là hai tiếng ‘tràn ngập' hàm nghĩa bị chinh phục, đuổi đi, hỗn chủng, tàn sát, hay chết vì lây nhiễm bệnh). Tác giả kết luận là ngày nay với khoảng 1.500 thứ tiếng khác nhau, đủ rộng lớn để có thể bảo rằng từ hàng ngàn năm trước, những thứ tiếng cổ ở châu Phi hẳn phải nhiều hơn số tiếng thuộc bốn nhóm lớn (Nilo-Saharan, Niger-Congo, Afroasiatic, và Khoisan) - những thứ tiếng ấy đã mất đi hoặc vì hậu duệ những người nói những tiếng ấy còn sống sót nhưng đã mất tiếng nói nguyên thủy, như người Pygmies chẳng hạn, hoặc vì chính họ đã tiêu ma.

Các nhà khảo cổ khi khai quật những địa điểm ở Madagascar thấy là những người Nam Á đã tới đây ít nhất là từ năm 800 CN. Cùng với sự bành trướng của Hồi giáo, Ấn Độ đã giao thương trực tiếp với miền đông châu Phi qua ngả Ấn Độ Dương. Ta cũng biết giao thương khi ấy đã phồn thịnh giữa Ấn và Indonesia. Có lẽ những người Nam Á đến Madagascar đã từ Indonesia đến Ấn Độ, rồi sau đó tới Đông Phi; ở đó họ hợp với người châu Phi và khám phá ra Madagascar.

Để kết luận chương này, cũng với quan điểm của một người chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, tác giả đã viết: "Tóm gọn, việc thực dân hoá châu Phi của người châu Âu không liên quan gì tới những dị biệt giữa dân châu Âu và dân châu Phi, như những người da trắng kỳ thị giả định. Có nhiều phần là do những ngẫu nhiên về mặt địa lý và sinh địa lý - đặc biệt là ở những vùng khác nhau, trục địa khác nhau (chú của người viết: trục bắc-nam ở châu Phi so với đông-tây ở Âu-Á), và sự thích nghi của các chủng loại thực và động vật tại những nơi ấy.

V. Phần lời bạt: Tương lai của lịch sử loài người xét như một khoa học

Một lần nữa, trong phần lời bạt, tác giả nhắc lại quan điểm của ông: "Tôi sẽ nói với Yali là những dị biệt nổi bật giữa lịch sử lâu dài của các dân sống trên những châu lục khác nhau không phải do những khác biệt nội sinh nơi họ nhưng là do những khác biệt về môi trường sống của họ. Tôi kỳ vọng là nếu dân bản địa ở Úc và ở lục địa Âu-Á có thể hoán đổi chỗ cho nhau vào cuối kỷ-Pleistocene thì ngày nay có lẽ họ đã là những người chiếm cứ phần lớn châu Mỹ và châu Úc, cũng như lục địa Âu-Á, trong khi dân bản địa Âu-Á có lẽ đã bị triệt giản vào số dân sống manh mún ở châu Úc hiện nay." (tr. 405). Cũng trong phần này, tác giả đề cập tới một vài vấn đề còn tồn đọng, bao gồm những dị biệt giữa những khu vực khác nhau trên lục địa Âu-Á, vai trò của những yếu tố văn hoá không có liên quan đến vấn đề môi sinh, và vai trò của những cá nhân đặc biệt trong lịch sử. Theo tác giả, có thể vấn đề lớn nhất của những vấn đề chưa giải quyết được này là việc thiết lập lịch sử loài người như một khoa học về lịch sử, sánh vai với những khoa học đã được thừa nhận như khoa sinh học tiến hoá, địa chất học, và khí hậu học. Những phương pháp nghiên cứu trong những khoa kể trên có thể cũng hữu hiệu trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử loài người.

Mississauga, ngày 20 tháng Sáu, 2006

Nguồn: talawas

 

 

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Joseph S. Nye. Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau

  • Nguyễn Nhật Huy & Sơ Nguyên. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Kỷ nguyên mới của cạnh tranh địa chiến lược

  • Lê Thị Hồng. Văn hóa ứng xử gia đình của người Việt và người Mỹ qua tục ngữ

  • Trần Nho Thìn. Tính phổ biến và tính đặc thù của văn luận phương Đông – phương Tây…

  • Kiichi Miyazawa. Các cuộc hội đàm bí mật giữa Tokyo và Washington

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 496
  • Tổng :
  • 3 7 7 2 5 0 2 1
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Quan hệ văn hóa Đông - Tây