logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • Văn hóa các dân tộc thiểu số
Wednesday, 21 November 2012 16:11

Trần Kiêm Hoàng. Biển trong ngữ văn dân gian người Raglai ở Khánh Hoà

Người post bài:  Nguyễn Thị Thúy Vy

Additional Info

  • Tiêu đề:

    BIỂN TRONG NGỮ VĂN DÂN GIAN NGƯỜI RAGLAI Ở KHÁNH HÒA

  • Tác giả:

    Trần Kiêm Hoàng

Trần Kiêm Hoàng. Biển trong ngữ văn dân gian người Raglai ở Khánh Hoà

Theo kết quả số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở vào thời điểm ngày 1-4-2009, Khánh Hòa có đủ 54 tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Raglai là tộc người có số dân chiếm tỉ lệ 3,97% (37,56% tổng số dân Raglai cả nước), đứng thứ hai sau người Kinh (chiếm 94,68%). Các tộc người khác tuy có nhưng rất ít và không sống tập trung mà chỉ rải rác một vài hộ, thậm chí chỉ 1 đến 2 khẩu sống trên 1 xã, phường. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, người Raglai sống tập trung chủ yếu tại: hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; xã Cam Thịnh Tây, thôn Giải Phóng, thôn Thống Nhất xã Cam Phước Đông, tổ dân phố Phúc Sơn phường Cam Phúc Nam, xã Cam Thành Nam (thành phố Cam Ranh); xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm); xã Ninh Tây, Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) và một số ít ở huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang.

Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người Raglai ở Khánh Hòa đã sáng tạo kho tàng ngữ văn dân gian phong phú, đa dạng. Bên cạnh yếu tố văn hóa núi rừng quán xuyến mọi hoạt động trong đời sống văn hóa, người Raglai xem yếu tố văn hóa biển như mục đích cần đạt tới nguồn gốc sự vật, hiện tượng. Trong khi yếu tố rừng núi là phương tiện để chuyển tải tín ngưỡng, phong tục, tập quán, bồi dưỡng ý thức dân tộc cho thế hệ nối tiếp thì yếu tố biển trong quan niệm của họ thể hiện khát vọng về các giá trị văn hóa đó.

Ngữ văn dân gian của dân tộc Raglai được truyền từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền khẩu. Cùng với thời gian, kho tàng này ngày càng phong phú thêm nhờ tài năng sáng tạo của nghệ nhân Raglai. Để nghiên cứu yếu tố biển trong ngữ văn dân gian của người Raglai, chúng tôi đã khảo sát từ kho tàng sử thi (akhàt jucar), truyện cổ (akhàt ter), ca dao, thành ngữ, tục ngữ (pacap, pađic pajơu) của họ.

Akhàt jucar là thuật ngữ mà bà con Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa dùng để nói về phương thức kể truyện cổ của họ bằng lời hát. Đây là loại hình diễn xướng dân gian cũng giống như các hình thức diễn xướng sử thi của các dân tộc Tây Nguyên khác. Ở đây, theo chúng tôi, thuật ngữ akhàt jucar Raglai không đồng nhất với thuật ngữ sử thi Raglainhư các nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật, Ngô Đức Thịnh đã khẳng định. Akhàt jucar được nghệ nhân chuyển tải qua một hay hai, ba làn điệu dân ca mà bà con Raglai gọi là manhĩ. Các làn điệu dân ca thường được sử dụng trong akhàt jucar là majieng, siri, alơu…và hầu hết được hát theo lối cổ.

Đối với người Raglai, chỉ có hai loại truyện: Akhàt jucar (truyện hát) và akhàt ter (truyện kể). Xuất phát từ sự khác nhau của phương thức diễn xướng nên các truyện cổ được kể bằng akhàt jucar thường có thời lượng và một số đặc điểm về thi pháp, cấu trúc khác hẳn với akhàt ter.

Khảo sát 10 akhàt jucar Raglai đã công bố hoặc đang ở giai đoạn biên tập văn học, nhân vật chính của các truyện đều đi cặp (nam – nữ) và luôn luôn liên quan đến sông to biển lớn. Mặc dù, nơi ở của họ là «một palơi nọ, từ một núi kia ». Hoặc nhân vật chính có nguồn gốc từ biển là vua Thủy tề, là thần biển khơi Tuwàq, hay các nàng công chúa, Hoàng tử của xứ sở biển to sông lớn. Hoặc nhân vật chính cũng có thể được mang lốt thú, lốt vật tưởng chừng như không hề liên quan gì đến biển trong suốt câu chuyện. Nhưng đến khi kết thúc thì yếu tố biển lại xuất hiện để giúp nhân vật chính cởi bỏ lốt vật trở thành chàng dũng sĩ Raglai oai hùng, xinh đẹp lạ thường.

Cặp nam nữ đầu tiên chính là Hara là Lawùq, anh em cùng một mẹ, một cha, một lòng một ruột còn sống sót từ nạn hồng thủy trong câu chuyện về nguồn gốc muôn loài akhàt jucar Raglai Cơi Masrĩh Mỏq Vila (Ông trồng cây, bà xây núi). Mở đầu câu chuyện về nguồn gốc của mình, dấu ấn ban đầu về biển là sự tàn phá, hủy diệt đã in đậm trong câu chuyện truyền đời của người Raglai:

“Biển lấn, dâng cuốn trôi, làm lở núi.

Nước biển dâng to ngập tràn hết thảy,

Nước cuốn chết oan, chết uổng con người.

Con người ở thế giới trần gian mênh mông đất màu này”.

Cũng từ đó, chính biển lại tái sinh ra những người Raglai mới. Cơi Hara và Mỏq Lawùq được hai vị thần Cơi Masrĩh Mỏq Vila cứu sống, nhờ trốn trong một chiếc trống. Hai anh em lớn khôn, để loài người không bị tận diệt, hai ông bà làm lễ cúng nhang cho chúng thành vợ thành chồng. Khi con cháu đã đầy làng, đầy núi, cũng như câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ của người Kinh, hai người chia đôi con để sinh sống các vùng. Mỏq Lawùq dẫn nửa số con lên núi thành ra người Raglai ngày nay:

“Mỏq Lawùq dẫn đàn đống con cháu, con bò, con trâu

Đi miết, đi miết men theo ngõ nước.

Đi đến tận xứ sở con người Churu, người Raglai xưa cũ

Ở phía trên núi to, tận bãi hoang núi Vanhĩm

Đi ngõ nước là nghe tiếng nước suối reo

Ồ ồ… ầm ầm… ào ào…

Còn mãi đến bây giờ là con cháu người Raglai…”

Cơi Hara đưa nửa số còn lại về miền biển để sinh sống, là tổ tiên của người Việt hiện tại:

“…Lại kể về Cơi Hara dẫn con đàn cháu đống

Con cháu, chắt chít…con trâu, con bò…

Men theo ngõ núi trở về miền đất dưới,

Đường đi êm ả, không thác ghềnh, suối reo…

...Con đàn cháu đống Cơi Hara

Trở thành người Kinh, da không đen đúa

Da vàng đẹp đẽ, không cháy nắng ám khói…”

Không dừng lại ở mối quan hệ với biển qua việc đầu thai, sinh ra trên bờ biển, nhân vật chính trong akhàt jucar Raglai Udai – Ujàc sau trận đánh đẫm máu quân thù, hai anh em làm phép linh rẽ xuống biển khơi. Tại đây họ được vua Thủy tề cho phép Ujàc cưới được công chúa thủy tề là Nãi Vala Via Carưh làm vợ và Nãi Tahla cưới hoàng tử Jihia làm chồng. Kể từ đó, biển luôn gắn liền với các nhân vật chính trong câu chuyện bằng những trận chiến kinh hoàng giữa họ với quân thù, với các thế lực thần linh hung ác. Ở đó, họ luôn được sự giúp đỡ của vua Thủy tề, thần biển khơi Tuwàq. Biển còn là nơi mọi người tẩy rửa những điều xui rủi sau mỗi trận chiến.

Theo kết quả thống kê khảo sát của chúng tôi, nhân vật chính là nữ có nguồn gốc từ biển trong akhàt jucar Raglai có tỷ lệ 4/10 truyện.

Nhân vật nữ có thể là nàng công chúa con của vua Thủy tề như Nãi Vala Via Carưh xinh đẹp và tài giỏi. Nàng đã cùng chồng của mình là Ujàc vượt qua muôn ngàn nguy khốn để gìn giữ buôn làng trong akhàt jucar Udai – Ujàc.

Hoặc là Nãi Matien và Nãi Sa-ien, hai nàng con gái vua Thần biển khơi Putau Tuwàq và thần mẫu Via Valìq trong akhàt jucar Awơi Nãi TiLơr. Matien và Sa-ien dù tài giỏi và có nhiều phép thuật nhưng không thể vượt qua được cuộc thách đấu với TiLơr. Thua cuộc, hai nàng công chúa này phải trở về trần gian để làm con tin của TiLơr. Sau đó, họ làm lễ cưới trang trọng nhất của người Raglai (Huaqvu) với hai dũng sĩ Raglai của mình. Trong cuộc chiến tranh với quân xâm lược Cur, Jawa và mười bảy đầu chúa tại xứ sở đầm lầy có « cây gỗ thần trôi nổi », tại « cây cau thần một bụi » hai nàng đã giúp nàng Tilơr rất nhiều bằng tài phép thần thông của mình, kể cả việc giải phép thiêng của vua cha để giúp đoàn quân TiLơr và Ujàc bình an trở về palơi sau cuộc chiến.

Via Pitih là con gái của vua Chân trời góc biển, vì ham giỡn với chú chim Catrơu có màu lông sặc sỡ trên sóng biển mà trở thành vợ của chàng ChiSa. Đó là một dũng sĩ Raglai thuộc dòng dõi rắn dưới nước, dòng dõi đại bàng trên cao trong akhàt jucar Amã ChiSa.

Cũng bị chàng trai Raglai bắt về làm vợ và giúp chồng chống lại quân xâm lược Cur, Jawa, con gái vua Thủy tề - trong akhàt jucar Raglai Jihia – Nãi Tulơr rơi vào tay chàng Jihia khi đang hóa thân thành chú cá bống xinh đẹp.

Kiểu nhân vật nữ có nguồn gốc từ núi rừng nhưng cuộc đời liên quan đến biển lớn sông to, đến những hòn đảo ngoài khơi xa « tiếng hú không vọng đến »…trong akhàt jucar Raglai rất phong phú với các mô típ khác nhau.

Bên cạnh các nhân vật chính, một hệ thống nhân vật có vai trò quan trọng và không bao giờ thiếu trong câu chuyện: thần linh.

Các nhân vật thần linh trong akhàt jucar Raglai cũng được xây dựng như những người trần gian, chẳng hạn như cũng biết hỷ, nộ, ái, ố... Các vị thần này có thể giúp cho nhân vật chính trong các cuộc chiến hoặc nhân vật phản diện. Cũng có thể thần linh lúc vui thì giúp, lúc giận hờn lại tìm cách gây khó dễ các nhân vật chính trong akhàt jucar. Khảo sát các akhàt jucar Raglai đã công bố và các tài liệu bản thảo chúng tôi đã sưu tầm, biên dịch, lấy nhân vật chính câu chuyện làm trung tâm, các nhân vật thần linh có thể chia làm hai nhóm: chống đối, gây chiến tranh và nhóm hỗ trợ, giúp đỡ.

Nhóm thần linh thứ nhất – chống đối, gây chiến tranh: bao gồm các nhân vật có nguồn gốc từ núi rừng. Đó là các thần: thần Rừng thiêng nước độc (Putau Salah vlah riya), vua thần Lửa Long ca, Tổ thần lửa (Putau Lõngca Inã Gadhir), thần độc Ó Malai (putau Camlai majin), thần Chân trời chiến trận (Pu Ingdai Tacai Langỉq), vua Ốc Bươu kì dị (Putau Chacruah chacring aring avau), ông vua thần Đất nung, bà thần Đá tảng (Putau Vhòq Mỏq tili), vua thần độc Rắn tinh, Hổ tinh (Putau cơi rảc mỏq rảc), vua thần Gió lốc (Putau Rivùq putau Agal), ... Các vị thần này có thể riêng lẻ một mình (akhàt jucar Amã Cuvau VongCơi, amã ChiSa, Chĩp Catrơu, Putau Tlat su Nãi Tiluiq, Vumãu Jin- Vumãu Ja) để gây khó khăn, hãm hại quyết tâm tiêu diệt nhân vật chính (Awơi Nãi TiLơr, Udai- Ujàc, Amã Chetili).

Nhóm thần linh thứ hai: đối trọng với nhóm thứ nhất và luôn giúp đỡ, sát cánh bên nhân vật chính. Đó là các vị thần mang có nguồn gốc từ sông to biển lớn như: vua Thủy tề Tổ yểm, vua Thủy tề Tổ biến (Putau Li-ia Inã vròc putau Li-ia Inã chai), vua Thần biển khơi (putau Tuwaq), vua Thần rồng (Putau Samagrãh Samagrỉq rìq digơi), thần Mương máng trên trời cao, ao đầm dưới đất bằng (Pu Vanữq dlòc ruvòc rađàq)... Để khẳng định sự tin yêu và nhiệt tình của mình, các vị thần linh này cho phép nhân vật chính được làm con dâu, con rể của mình hoặc cho con của mình mang quân tướng thủy tộc giúp đỡ, giải vây cho nhân vật chính (Udai-Ujàc, Awơi Nãi TiLơr). Không những thế, họ còn cứu sống nhân vật nữ chính khi bị quỷ Chacruah đẩy xuống biển. Họ làm phép linh cho nàng sống được dưới nước trong khi đợi chồng đang bận đánh trận ở núi xa (Vumãu Jin – Vumãu Ja). Hoặcnuôi dưỡng, chăm sóc nhân vật chính trở thành chàng trai Raglai có nhiều tài phép biến hóa, dũng cảm (Amã ChiSa)...

Kết quả thống kê còn cho thấy có 5/10 akhàt jucar công bố có hai vị thần thường xuất hiện vào những lúc nguy nan nhất của nhân vật chính. Đó là ông bà Tổ mẫu Cơi Masrĩh Mỏq Vila. Hai vị thần này ngày đêm canh giữ nơi góc biển chân trời giúp cho con cháu trần gian không bị sạch bóng từ làng, sạch bóng từ núi vì nước biển dâng.

Vua Thần biển khơi (putau Tuwaq) trong các akhàt jucar Raglai ban đầu luôn làm khó dễ các nhân vật chính trong câu chuyện. Để khẳng định sức mạnh của mình, thần đã hợp quân cùng với Hulơu Valàc để đánh chàng trai Raglai Ujàc (akhàt jucar Raglai Udai-Ujàc) và bắt nàng Tilơr cống nạp trầm hương bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu (akhàt jucar Raglai Awơi Nãi Tilơr). Nhưng chính sau này, putau Tuwaq lại giúp cho họ đánh thắng quân xâm lược Cur, Jawa, tiêu diệt kẻ thù hung ác và các thế lực thù địch của người Raglai. Để bày tỏ sự thân thiện, muốn gắn bó với người Raglai, thần Biển cho con trai của mình (Jiphàc trong Udai-Ujàc), công chúa của mình là hai nàng Saien, Matien (Awơi Nãi TiLơr) cưới những các cô gái xinh đẹp, các chiến binh Raglai dũng cảm tài ba. Ngày nay, trong dân gian Raglai còn tương truyền rằng: vợ của putau Tuwaq cũng chính là vị nữ thần Via Valìq dạy cho người Raglai biết đập bông dệt vải làm ra áo, khố, cà chăn.

Các nhân vật trong akhàt jucar Raglai có nguồn gốc từ biển hoặc liên quan đến biển trong cuộc đời của mình luôn là nhân vật chính. Hoặc là những nhân vật phụ nhưng lại có liên quan mật thiết đến nhân vật chính. Thường những nhân vật này có ảnh hưởng lớn đến sự thất bại hay chiến thắng trong các cuộc chiến tranh tranh giành người đẹp, tranh giành đất đai, lãnh thổ. Họ không bao giờ chết trong các trận chiến, kể cả những lúc tưởng như không còn lối thoát mà chỉ tự mình đi vào cõi vĩnh hằng để con cháu đời đời khấn bái. Khi cuộc chiến kết thúc, đến lúc này những vị thần ác không còn, các vị Thần biển, vua Thủy tề trở về biển khơi, ông bà Tổ mẫu Cơi Masrĩh Mỏq Vila quay về chân trời góc biển chỉ còn lại con cháu của họ tiếp tục sống với núi rừng bạt ngàn.

Yếu tố biển trong các akhàt jucar Raglai có thể xuất hiện dưới hình ảnh cụ thể như: vị thần, hoàng tử, công chúa và con cái của họ ; hoặc là thuộc hạ của vua thần biển khơi. Họ cùng tham gia các cuộc chiến hay các sự kiện xoay quanh cuộc đời nhân vật trung tâm.

Biển cũng có lúc được miêu tả như một không gian tự nhiên, hoặc như một cánh rừng, dải núi xung quanh làng, hay chỉ trong các câu thành ngữ nghệ nhân sử dụng để ví von... Sự xuất hiện của biển trong akhàt jucar Raglai không theo một công thức nhất định ở phần đầu, phần giữa hay phần kết. Nhưng có thể thấy rõ, mỗi lần yếu tố biển xuất hiện là có sự thay đổi trong cuộc đời của nhân vật trung tâm, hoặc sự thay đổi trong một sự kiện nào đó ảnh hưởng đến cốt truyện, chứ không mờ nhạt như môi trường rừng núi vốn là môi trường chủ đạo của người Raglai.

Thống kê yếu tố về biển chỉ với 872 trang trong tác phẩm Akhàt jucar Raglai của Nguyễn Thế Sang (2001) thì đã có hơn 355 lượt từ tasìq (biển) hoặc cụm từ Ia kròc proc, kròc dadưng liên quan đến biển xuất hiện.

Hoặc trong các bản thảo sử thi akhàt jucar Raglai mà chúng tôi vừa hoàn thành, có thể thống kê được số lần xuất hiện của từ biển lớn (tasìq), sông to (kròc): trong các câu hát của akhàt jucar Raglai Awơi Nãi Tilơr: 160 lượt/54 khúc hát ; Amã dam Cuvau Vongcơi: 104 lượt/24 khúc hát ; Amã dam ChiSa: 63 lượt/ 21 khúc hát.

Bên cạnh đó, yếu tố biển còn thể hiện rõ trong akhàt ter (truyện cổ). Dấu ấn đầu tiên về biển trong kho tàng akhàt ter Raglai là truyền thuyết Ông trồng cây, bà xây núi (Cơi Masrĩh Mỏq Vila). Đây là câu chuyện về nguồn gốc muôn loài của người Raglai. Hầu hết người Raglai đều biết nội dung câu chuyện này và đây cũng chính là niềm tự tôn của dân tộc, khẳng định họ là một dân tộc độc lập như các dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cả nước. Cơi Masrĩh Mỏq Vila có nhiều dị bản, người thuộc và diễn xướng chuyện này như một akhàt jucar ở 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh rất hiếm.

Câu chuyện được khởi nguồn từ biển dâng nước lên tạo thành cơn hồng thủy dìm chết tất cả sinh linh, và từ đó tái tạo người Raglai hoàn toàn mới từ hai anh em ruột Hara và Lawùq sống sót. Sóng biển đưa đẩy cái trống nơi họ ẩn nấp đến hai vị Lão Tổ thần. Để con người tái sinh, hai anh em buộc phải lấy nhau và sinh con đẻ cái. Khi con cháu đã đầy làng, Hara và Lawùq chia đôi số con để về sinh sống các vùng miền khác nhau. Hara mang nửa số con xuống miền biển, nhìn thấy con sâu nghĩ ra cái chữ; thấy vỏ sò, chiếc lá nghĩ ra tiền ra bạc; nghe tiếng chim kêu, tiếng châu chấu, cào cào nghĩ ra tiếng nói nhẹ nhàng, sáng tạo ra âm nhạc êm tai…trở thành người Kinh trắng trẻo xinh đẹp. Lawùq dẫn con theo đường núi, sống với thác ghềnh, núi cao, làm lụng vất vả nên da sạm màu đồng. Cùng với tiếng ầm ầm thác đổ, tiếng gió đại ngàn, những cơn mưa rừng xối xả…họ sáng tạo những làn điệu mala, chiêng, sáo hừng hực lửa…trở thành người Raglai, người Churu, Êđê. Bởi vậy theo quan niệm của họ dù ở biển hay ở núi, người Raglai và các dân tộc khác đều cùng một bọc mà ra, đều là anh là em cả.

Cơn hồng thủy từ thời cổ đại đã xảy ra khủng khiếp đến độ ngày nay người Raglai vẫn nơm nớp lo âu. Từ chân trời xa xăm kia, nơi giáp mối với đất trời có một lỗ thông xuống lòng đất ở cửa biển. Tội lỗi chính người Raglai gây nên hàng ngày sẽ tạo ra rác rưởi. Lâu dần rác lấp nghẹt lỗ thông làm nước biển dâng giết hại con cháu dòng đời. Chính nơi đó người Raglai tin rằng có ông bà thần Lão Tổ Mủq Cơi đang ngày đêm thay phiên nhau trực để vớt các rác rưởi vướng vào cửa biển. Vào tháng ba hàng năm khi chân trời khói sương mù mịt, người Raglai biết rằng Mủq Cơi (ông bà tổ tiên) của họ đang đốt rác giữ cho cuộc sống yên bình.

Theo thống kê của chúng tôi qua lời kể của các già làng, nghệ nhân Raglai ở huyện Khánh Sơn, gần như 100% các ngọn núi, cánh rừng đều có dấu ấn của biển qua những câu chuyện cổ akhàt ter Raglai. Theo lời kể của cụ Pinãng Sa Nhân ở palơi Tà Gụ: một vùng thung lũng rộng lớn từ palơi Xà Bói, xã Sơn Hiệp kéo dài đến tận palơi Caranoá, xã Sơn Lâm trước kia đều ngập trong nước biển(?). Nước biển dâng ngập tràn, núi Hòn Dung ở Tô Hạp chỉ còn một bụi tre trên đỉnh, vì vậy nên mới có tên khác Hòn Tre. Cơi Masirĩh Mỏq Vila đã gánh đất để lấp biển, những thúng đất được hai ông bà đổ vung rãi khắp nơi tạo nên những hòn núi ngày nay. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình, Cơi Mỏq lên một ngọn núi thả diều chơi. Cánh diều và hai dấu chân của họ vẫn còn khắc sâu trên một tảng đá lớn với ở núi Dốc Gạo, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn.

Trong một câu chuyện cổ sự tích cây song mây, người Raglai kể loài cây này không bao giờ cao vượt quá ngọn cây. Nếu cao vượt ngọn cây trong rừng cây song mây đó sẽ chết khô vì chúng trông thấy biển mà nhớ đến chỗ ở xưa kia khi chưa lên ở với núi rừng.

Người già Raglai còn kể rằng loài vượn (kuat), dọc vọc (hawa), đười ươi (prưng), tinh tinh (salòc) trước đây ở các hòn đảo ngoài biển, chúng vào sinh sống ở đất liền là do loài khỉ lừa chúng qua. Do đó, bọn vượn, dọc, vọc đều có tiếng hót dài và rất lớn, vì chúng nhớ đến biển đảo, nơi cư trú ngày xưa của chúng mà nay không thể nào trở về được nữa.

Trong ngôn ngữ của người Raglai trong lúc kể akhàt ter, chúng tôi phát hiện họ có đầy đủ các danh từ để chỉ về những phương tiện đi lại trên sông nước. Mặc dù trong đời sống hiện tại, họ lại không hề có dùng đến các phương tiện này: ahòq (con tàu), galai (con đò), rakìq (con bè).

Những câu chuyện trong akhàt ter của nghệ nhân, già làng luôn dẫn dắt người nghe về thuở sơ khai sinh tồn ở dải đất duyên hải Nam Trung Bộ. Cái thời tiền sử xa xôi kia…chỉ còn đọng lại trong tâm tư của những người cao tuổi, cùng với thời gian, họ sẽ mang theo tất cả về thế giới bên kia. Một số người cho rằng, ngày nay, akhàt ter của người Raglai như chiếc thúng, cái nia đã bung vành. Biển chỉ còn vương lại trong những mảng tri thức ở các câu chuyện cổ của người Raglai. Những trò vui khác đã được lấp đầy bởi cuộc sống hiện đại. May mắn thay! Đó chỉ là hiện tượng bên ngoài. Trong sâu thẳm mỗi người Raglai vẫn còn Mủq Cơi. Ở chân trời góc biển còn có hai vị thần luôn độ trì cho họ: Cơi Masrĩh và Mỏq Vila.

Yếu tố biển không những tồn tại trong akhàt ter (truyện cổ) mà còn biểu hiện trong thành ngữ, ca dao, dân ca, tục ngữ Raglai (đờp pacap, pađic pajơu Raglai). Người Raglai đã thể hiện tri thức về thời tiết, về đất đai, sông suối và biển cả, về giống vật và cây cỏ...trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao của mình. Những người già trong làng Raglai thường bảo con cháu:

Xung quanh xứ sở là biển, chúng ta đang ở chính giữa mà thôi!

(Tơm wih tơm dar lagar tasìq, drơi dòq la khrãh!).

Con tàu biển to, con thuyền biển nhỏ. (Ahòq cũan tai, glai cũan ben)

Tàu biển nhổ neo kéo còi như con voi rú gọi đàn. (Ahòq truaq bãn luman truaq wòq)…

Trong thời gian sưu tầm, điền dã ở các vùng người Raglai cư trú, chúng tôi đã nghe một số câu chuyện về nơi ở trước kia của họ. Ông Chamaliaq Riya Nhiều ở thôn 2, xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn cho biết: Trước kia, người Raglai chúng yôi vẫn thường bắt cá, ốc, sò dọc theo các bãi biển ở Cam Ranh, Ninh Thuận. Nghệ nhân Pupur Thìq Ría ở thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn lại cho rằng: Vì vua Raglai của họ hèn yếu nên bị người Chăm chiếm mất đất đai, chiếm mất lâu đài ở Ninh Thuận” (?).

Người Raglai còn có nhiều câu thành ngữ về biển, về những con sóng biển như:

Nước biển dâng tràn, nước biển mênh mông (Ia tasìq lìq dhip, ia tasìq lìq dil).

Nước biển mẹ, nước sông lớn (Ia tasìq inã. Ia daràq prong)

Đất trời biển trời (Lơt langỉq tasìq jùat )

Nước biển dâng trăng tối, trăng sáng biển dâng ban ngày (Ia tasìq angar ia vilàt đìq malap, canap ia vilàt đìq huruơi)

Góc nước biển bao la, nước biển mênh mông, nước biển tối tăm mịt mù (Phut ia tasìq dil ia tasìq samut/samup)…

Bởi vì người Raglai vẫn tin rằng biển là mẹ (ia tasìq inã, ia daràq prong ranỉq riya); tin mọi con suối, con sông từ rừng núi cuối cùng đều đổ về biển, biển là nơi giáp mối của sông ngòi (phut tasìq ranỉq riya). Họ cho rằng cửa biển có mạch rốn thông với trời xanh, nơi ấy có Mủq Cơi (Tổ tiên) đang ngày đêm khai thông cống rãnh để gìn giữ cho con cháu trần gian không bị ngập lụt bởi biển dâng (muvah jiap vusaq langã/langữ, muvah langã muvia valah).

Nói về ngôi nhà tổ mẫu của mình (Sàc inã), người Raglai ở Sơn Bình, huyện Khánh Sơn có câu:

Viluai/ riluai vavuc tanruaq rugaq atơu

(Tạm dịch theo nghĩa: Cái bầu là biểu tượng cho người mẹ, con thuyền tanruaq về cõi âm dương vĩnh hằng, về với thế giới ông bà). Ngồi trước sàn nhà, cơn gió mát thổi qua, người Raglai ở Khánh Sơn có thành ngữ:

Hơi gió thổi từ sông, hơi gió thổi từ biển (Gah ia yawa kròc, gah ia yawa tasìq).

Khi cất nhà để ở, người Raglai dạy con cháu phải làm nhà như thế nào để đầu nằm gối về biển, chân gác lên núi (Acoq đal tasìq, tacai trùc chưq). Nếu không thực hành như vậy mà làm ngược lại hoặc chệch hướng sẽ bị cọp bắt (?).

Ngược lại, biển trong thành ngữ, ca dao Raglai chỉ sử dụng để khen, tán tụng vẻ đẹp của một người nào đó:

Xinh đẹp như hoa mali đứng trên dòng nước,

Đẹp như hoa malia đứng trên biển.

(Sađuq yư vingã malih dưng di khrãh ia

Makhrã yư vingã malia dưng gah tasìq).

Và sức mạnh đó của các chàng trai Raglai cũng mượn hình ảnh của biển để so sánh:

Dậm nước biển – khô nước biển (Juaq ia tasìq – thu ia tasìq).

Mặc cho trùng trùng quân lính, điệp điệp quân cơ, đầy rừng, lấp núi, chàng dũng sĩ Raglai dũng mãnh:

Gươm đánh tan, phãng chặt nát rừng

Gươm chém mặt nước, đao chặt cuốn xé nát mặt biển.

(Gỡm poh pa-ilãng, pãng tah pa-iliưq dlai

Gỡm masũh mata ia, catùac taq pa-valìq riyuaq mata tasìq).

Cũng có thể là những lời nói theo vần mang dấu ấn nạn hồng thủy xa xưa, những câu nói chỉ về địa danh xứ sở biển lớn sông to mà ngày xưa họ đã từng sống:

“Biển dâng tràn ngập,

biển tràn mênh mông

Nhúc nhít, nhúc nhít…

người chủ cơ ngơi hôn tui,

Tui hôn chủ cơ ngơi…”

Khi nói đến tình cảm vợ chồng, một gia đình hạnh phúc được ví như những đóa hoa xinh đẹp nhất trong rừng, xinh đẹp nhất giữa biển:

« Vợ như đóa hoa supang rừng,

Chồng như hoa malìq

Như hoa malìq đứng giữa dòng nước con sông,

Như hoa malia đứng giữa biển…”

Theo chân các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong các đợt điền dã, tham gia các buổi liên hoan văn hóa văn nghệ của bà con Raglai ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh (Khánh Hòa), huyện Bác Ái, Ninh Sơn (Ninh Thuận), chúng tôivẫn thường nghe nhắc đến những chiếc bè, chiếc tàu màu trắng được thả theo con suối xuôi về sông to biển lớn trong các làn điệu dân ca Raglai.

“… Ơi cô nàng là cây cau rừng.

Con tàu mình rời neo,

Con đò mình rời xứ…”

Hay con sông dẫn ra biển chứng giám mọi điều khi chàng trai, cô gái thề hẹn trong làn điệu hò đối đáp Ahi Ahư:

“…Có con sông làm chứng,

Có con tàu tỏ mọi điều

Dòng sông chảy qua bờ lau sậy ra đến biển lớn

Từ này về sau…

Từ sau mãi về sau nữa...”

Ở làn điệu Alơu kể lại một một buổi xử luật tục Raglai, biển cũng là nhân chứng khi dâng nước lên cao, biển nhìn rõ mọi nguyên nhân của lỗi lầm bên bị hay bên nguyên:

“…Ông bà Thần Tổ xưa Cơi Masrĩh vẽ ra đó, đã cân đo gang tay

Cá risong đấy cho cuộn dòng sông,

Để cá sấu vào bờ dâng nước tràn vào cả như biển

Nước rút xuống thì hỏi sắc dây mây.

Làm sao tụi tui biết?

...Sắp xếp lại như này xưa mà bưng con tàu

Nắm lấy nó, chân con tàu …”

Những người già biết, người xử vụ việc biết và nhớ hết mọi chuyện dù câu chuyện đó có xảy ra từ lâu lắm rồi. Bởi họ là cây đa, cây sung trên rừng nhờ con tàu xuôi về biển để tìm hiểu nguyên nhân, manh mối:

“…Hiểu biết truyện cổ xưa,

Hiểu biết manh mối từ cây đa của mẹ Tổ,

Cây đa chống đỡ mối, cây đa giữ gìn xứ sở

Con tàu nhỏ nhổ neo hiểu hết mọi chuyện.

Con voi đấy mà bước đi, bước chân đi dài xa

Xa như con tàu nhỏ, như con voi rừng dậm chân …”

Ritu là một trong những làn điệu dân ca Raglai mang âm hưởng mượt mà, không sâu và buồn như choqhia. Hình ảnh của biển trong làn điệu ritu thường là đối đáp của đôi nam nữ đang làm quen, tìm hiểu nhau và được ví như dẫn lối để các con tàu rời bến:

 “…Cũng là đó,

Từ bàn chân con tàu.

Con tàu neo,

Con tàu đi, con đò neo đấy.

Túi gói bỏ vào đấy thuốc lá

Túi gói mình bỏ vào lưng

Đâu có con tàu nào chặn con voi dậm chân, chặn con voi hành trình!…”

Biển cũng đã được các chàng trai, cô gái Raglai đưa vào những lời đối đáp tình tự, làm quen qua làn điệu rutu:

“…Ơi cây cau rừng...

Ơi con tàu đang lướt dưới cầu.

Con đò tin cậy cây đa…”

Và biển đưa con tàu đi xa, sơn nữ vẫn ngày đêm trong chờ chàng trai trở về:

“ …Từ nay về sau, từ sau về mãi sau.

Con tàu đứng tụ, con đò đứng lướt dưới chân cầu.”

Nam nữ dùng làn điệu rutu để hò đối đáp, thể hiện sự nhớ nhung bằng hình ảnh đứng trên núi cao trông ngóng về phía biển chờ tiếng con tàu kéo còi, trông mong chàng trai trở lại để gặp gỡ, thỏa lòng mong ước:

“…Lên đỉnh núi, qua bãi đá, bãi cuội,

Lên đỉnh núi, nghe tiếng tàu

Nghe tiếng chim cu xanh,

Tiếng yêu thương từ này về sau, từ sau về sau nữa…”

Và ngay cả làn điệu majieng cũng có hình ảnh con tàu, con đò. Người yêu và cô gái đang chia tay nhau để xuống xứ Kinh, về ruộng Chăm đổi sản phẩm từ núi rừng lấy muối, lấy vải:

“…Ơi cô nàng đấy, cô nàng cây cau rừng.

Con tàu mình rời neo, con đò rời xứ

Ngày chúi, chiều buông,

Ngày kéo lui níu lại

Ngày hoa tàn, này ngày đi…”

Phải chăng con tàu đến - đi là hình ảnh của những chuyến đi xa của người Raglai cổ khi họ còn sống gần biển, với sông to biển lớn. Chỉ có thế biển mới đọng lại nhiều từ ngữ, hình ảnh ẩn ức trong kho tàng dân ca của người Raglai.

Yếu tố biển còn thể hiện trong luật tục (adãq panuãiq)của người Raglai.Khi vi phạm luật tục đối với rừng núi, người Raglai bắt buộc phải cúng bái để tạ lỗi. Đến lúc này, yếu tố biển lại xuất hiện trong các cuộc lễ tạ núi rừng qua con tàu ahòq. Lễ vật sẽ được con tàu thần này chở đến tận tay thần linh. Điều khác biệt đối với lễ cúng cho thần rừng là các ahòq xoay cửa ra ngoài, trong khi đó ahòq cúng tạ ơn tại nhà. Hay các nghi lễ vòng đời cửa ahòq lại xoay vào bên trong, hướng về phía người cúng bái.

Để phân biệt đúng sai khi xử các vụ kiện cáo hay tìm ra người có tội trong một vụ việc (vhỡn) xảy ra trong làng,.Luật tục Raglai có các hình thức thi thách:

Thi lặn nước, bước qua dây thừng (Cachah nhũq ia, titua vraq)

Lặn nước, đội chai (Nhũq ia, đua chai)

Chà cây tiah lấy lửa (Pưq tiah duah apui)

Bắt kim trong nước sôi (Sawaq mãq jurũq dalap ia chau)…

Người Raglai tin rằng mình sẽ được sự giúp đỡ của tổ tiên, ông bà và thần linh độ trì để chiến thắng, để giành chính nghĩa. Trước cuộc thi, đại diện của hai bên sẽ đọc những câu cầu bái các vị thần linh, trong đó có thần biển khơi; cầu bái đến hai vị thần Mủq Cơi đang ở góc biển chân trời về giúp cho con cháu của họ giành được chiến thắng, giành phần đúng về cho mình.

Những hình ảnh, quan niệm kiêng kỵ về biển phải chăng đây chính là dấu vết còn lại của cư dân từ xa xưa đã có một thời cuộc sống gắn liền với môi trường tự nhiên là biển lớn sông to như nhận định của E.B.Tylor: “Những tập quán phi lý có thể là không quan trọng về mặt thực tiễn, nhưng về mặt triết học chúng không phải là không có ý nghĩa, vì chúng thuộc vào một trong những giai đoạn quyết định của văn hóa cổ xưa. Những mê tín bậy bạ và nghiệt ngã của một số người có thể là những tàn tích của thời man dã nguyên thủy”.

Từ những điều đã trình bày trên đây, yếu tố biển tất nhiên sẽ thể hiện rõ trong ngôn ngữ (sanãp voh đờp)của người Raglai.Biển trong ngôn ngữ Raglai được gọi là tasìq / palìq. Tùy không gian, thời gian và đối tượng sử dụng mà biển biểu lộ bằng các góc độ khác nhau. Ở đây xét biển trong ngôn ngữ Raglai với đặc tính mang hình tượng chuyển động, rộng, xa và hội tụ.

Là nước trong sự chuyển động, biển là hình tượng của sự sống. Người Raglai đều cho rằng mình là con cháu của ông bà lão Thần Tổ Masrĩh Vila. Masrĩh là sinh khí, là nước trên trời được hấp thụ tinh hoa trời đất tạo ra mây, tạo ra mưa gió, tạo ra sự sống muôn loài. Vila/viq làt/viq làq chỉ mọi sự sinh tồn trên mặt đất, nghĩa khác của Cơi (ông) Masrĩh Mỏq (bà) Vila theo người Raglai chính là ông nước sinh khí của trời, bà mặt đất sinh tồn vạn vật. Nơi ở của hai vị thần này tận chân trời xa tít tắp kia, nơi giáp mối trời đất ở chân trời góc biển (tacai langỉq phut tasìq). Từ lúc sinh ra, người Raglai cho rằng mình trong bụng của Cơi Masrĩh Mỏq Vila, một số hiện tượng thời tiết trong tự nhiên người Raglai ở Khánh Sơn cho rằng do hai vị lão thần tổ này tạo nên. Khi có cơn mưa dầm người Raglai gọi là nước đái của thần Cơi Masrĩh (ia ma-ĩaq Cơi Masrĩh).

Truyền thuyết Cơi Masrĩh Mỏq Vila của người Raglai kể lại rằng: do bị mắc mưu kẻ gian hãm hại nên ông bà thần tổ này ói mửa ra máu làm cho nước biển có vị mặn.Vì vậy khi bị đứt tay, rách da chảy máu người Raglai gọi là tasìq tangan/tacai (biển sước tay/chân = bị đứt tay/chân). Ngay ở trên rừng có loại cây như lau lách, lá dài và có gai móc làm sước tay chân người nào vướng phải có tên là da matasìq (cây biển làm chảy máu).

Trong kho tàng ngữ văn dân gian, người Raglai có đầy đủ các danh từ để chỉ về những phương tiện đi lại trên mặt nước trong khi đời sống hiện tại họ lại không hề liên quan đến các phương tiện này: ahòq (con tàu), galai (con đò), rakìq (con bè). Ahòq chính là biểu tượng của niềm tin được ông bà, tổ tiên ban phát sự ấm no, hạnh phúc; được thần linh cho phép tái sinh, thoát bỏ xui rủi hãm hại của thần độc, ó malai.

Là nước trong chuyển động, biển còn là biểu tượng của sự đe dọa khi con người mắc tội loạn luân:

Nước biển dâng tràn, sụp đất sập trời (Palơp palìq, raluc lơt tadrỡt langỉq);

Làm cho sạt đất sập trời cuốn trôi

Làm lụt lội nước biển dâng tràn…

(Thoc chhau đau hluơq ngãq vrơi tapeq lơt tadrỡt langỉq

Tapeq tajru cu cua lơt langỉq tasìq jùat).

Biển còn có một vị thần cai quản cùng với các vị thần trên trời cao (thần mặt trời, thần mặt trăng). Ở lưng chừng trời là (thần mây, ông thần gió, bà thần bão). Ở ngay mặt đất cùng con người là (thần núi, thần biển, thần đất, thần sông). Vị thần phải cúng tạ lỗi loạn luân không ai khác ngoài các vị thần biển:

Chúa Tổ thần nòi giống, Chúa Tổ thần số mệnh đất trời biển cả.

(Crãng Putau pu Via inã pajiỡng, Putau Via inã rasaq lơt langỉq tasìq jùat)

Biển có thể làm chết hoặc đem lại sự sống. Trong các sử thi, truyện cổ của mình, người Raglai đã hướng về biển để thanh tẩy những tị hiềm, để cho đứa trẻ lớn nhanh như trái bí trái bầu.

“… cho nước biển đưa đi

Cho nước bãi đem đi

Cho tránh mọi sai khiến

Cho tránh mọi xui xẻo”

Với đặc tính rộng, trước hết, biển là một không gian tự do để con người có thể sống trọn vẹn với chính mình. Đi giữa rừng bạt ngàn, núi chập chùng người Raglai vẫn nói tasìq dhi dhiơq/ dhiq dhil (biển mênh mông), hay samil samul (bao la), pidong pidaq (lênh đênh):

Biển dâng tràn, biển ngập mênh mông (Ia tasìq lìq dhiq, Ia tasìq lìq dhil)

Góc nước biển bao la, nước biển mênh mông, nước biển tối tăm mịt mù (Phut ia tasìq dil ia tasìq samut/samup)…

Hay:

Lênh đênh trên biển Đồng Nai (Pidong/pidaq Dong Nai– thành ngữ Raglai).

Biển được người Raglai đưa ra để chứng minh cho sự tài giỏi của các dũng sĩ Raglai:

Đạp núi – lật đá, dậm nước biển – nước biển cạn khô

(Juaq chưq – tavlưq patơu, juaq ia tasìq – thu ia tasìq)

Hay:

Gươm chém mặt nước, đao chặt cuốn xé nát mặt biển.

(Gỡm masũh mata ia, catùac taq pa-valìq riyuaq mata tasìq).

Nước biển mẹ, nước sông lớn (Ia tasìq inã. Ia daràq prong)

Đất trời, biển trời (Lơt langỉq tasìq jùat)

Là một không gian xa vời, biển là biểu tượng cho khát vọng kiếm tìm cuộc sống, khát vọng vượt thoát ra khỏi đời thường:

“…Hay là đi ở bên bờ nước, bờ biển không chừng…

Rồi nàng Via tự mình quyết định cuối cùng:

Đi ở nơi bờ nước bờ biển… bên bờ biển nước rộng dài…”

Như vậy, biển thực chất là khao khát sự thay đổi, khao khát dấn thân vào đời sống đầy bí ẩn để kiếm tìm cái tuyệt đích. Hành trình đi tới biển cũng là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của đời sống:

“Tắm nước biển sông to…

Bơi lội cho mệt mới thôi, bơi lội cho mệt mới nghỉ”

Với đặc tính là nơi hội tụ của nước, biển còn là biểu tượng cho sự khát vọng của đời sống tinh thần. Biển là mẹ (tasìq inã), nơi ấy có chúa mẫu Via Valìq ngày đêm dạy người Raglai dệt những tấm vải để mang trong ngày lễ hội (Awơi Nãi Tilơr). Biển được đưa vào váy của phụ nữ Raglai, trên cánh ná của người đàn ông, trên đồ dùng hàng ngày khi đi nương đi rẫy bằng hoa văn biển (vungãq tasìq). Mọi con suối, con sông cuối cùng cũng đổ về biển, bởi biển chính là gốc (phut). Biển là nơi ông bà tổ tiên đang ở. Muốn đến được thế giới thần linh hay thế giới của ông bà nhất thiết phải vượt qua biển trên con tàu thần, con thuyền đưa linh.

Có thể nói biển là một trong yếu tố tự nhiên đã góp phần tạo ra giá trị văn hóa của người Raglai. Nói cách khác ngoài rừng núi là yếu tố tự nhiên chủ đạo trong văn hóa Raglai hiện tại, biển cũng là yếu tố tự nhiên thứ hai trong trầm tích ngữ văn dân gian của người Raglai ở Khánh Hòa.

 

Tài liệu tham khảo chính

  1. 1.Phan Đăng Nhật cb, Tô Đông Hải, Sakaya, Chamaliaq Riya Tỉenq, Trần Vũ 2003: Luật tục Chăm và luật tục Raglai.-Hà Nội:NXB Văn hóa dân tộc.
  2. 2.Phan Đăng Nhật 1999: Vùng sử thi Tây Nguyên.-Hà Nội:NXB Khoa học xã hội.
  3. 3.Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Tái bản lần thứ 4,NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. 4.Viện Nghiên cứu Văn hóa 2004: Sử thi Akhàt Jucar Raglai Udai-Ujàc.-Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.
  5. 5.Viện Nghiên cứu Văn hóa 2004: Sử thi Akhàt Jucar Raglai Amã ChiSa, Amã Cuvau VongCơi.-Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

Nguồn: Văn hoá biển đảo Khánh Hoà, NXB Văn hoá, 2012.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Đổng Thành Danh. Những nhận thức mới về các di sản vật thể của người Chăm Ninh Thuận

  • Đổng Thành Danh. Diễn xướng linh thiêng như một biểu tượng trong nghi lễ của người Chăm

  • Đổng Thành Danh. Góp phần tìm hiểu vấn đề họ và tên của người Chăm

  • Đổng Thành Danh. Giải ảo huyền thoại Po Romé của người Chăm

  • Trương Thị Kim Thủy. Dấu ấn văn hóa Ấn Độ trong lễ hội Ok Om Bok

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 477
  • Tổng :
  • 3 7 7 2 6 6 4 2
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa các dân tộc thiểu số