logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • Văn hóa các dân tộc thiểu số
Tuesday, 12 November 2019 14:17

Trần Nguyễn Khánh Phong. Quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Additional Info

  • Tiêu đề:

    QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC DI SẢN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
    Ở THỪA THIÊN HUẾ TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

  • Tác giả:

    Trần Nguyễn Khánh Phong

  • Chức danh:

    Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế

Trần Nguyễn Khánh Phong.  Quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập

Vùng miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang ẩn chứa trong mình nhiều giá trị không chỉ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, động thực vật) mà còn về tài nguyên nhân văn, văn hóa truyền thống của bộ phận dân tộc thiểu số bản địa. Đây được xem là một vùng văn hóa đa dân tộc, bởi vì ngoài người Kinh thì các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có 2 bộ phận. Thứ nhất là cư dân bản địa bao gồm người Tà Ôi, Pa Cô, Pa hi, Cơtu và Bru - Vân Kiều. Bộ phận thứ hai là các dân tộc thiểu số khác như Tày, Thái, Nùng, Mường, Cao Lan, Bana, Chăm, Hơrê, Cadong với số dân ít là do làm dâu, ở rể từ sau năm 1975. Bộ phận cư dân thứ hai này cư trú tập trung tại thị trấn A Lưới và các xã Phú Vinh, Hồng Kim, A Ngo, Hồng Vân, Hồng Bắc thuộc huyện A Lưới, bản Khe Su, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc.

Chính cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây mà chủ thể là người Tà Ôi, Pa Cô, Pa hi, Cơtu và Bru - Vân Kiều đã tạo nên những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường với quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

1. Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế

Trong những năm qua Đảng, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương ở Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách, nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống. Vì trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả vật tể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại” [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở 2008: tr. 44]. Và “Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ” [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở 2008: tr. 39-40].

Lịch sử đã tạo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế một bản lĩnh kiên cường và sáng tạo để rồi trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày đồng bào đã có những sáng tạo để thích nghi điều này được thể hiện qua những giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Về các công trình kiến trúc nhà cửa thì các loại hình nhà cửa đều được dựng lên bởi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi loại nhà đều có những chức năng khác nhau như nhà sàn là mái ấm của một gia đình nhỏ và là sự hạnh phúc của một chủ hộ khi họ thực sự là một tế bào của xã hội. Nhà dài thể hiện sự hội tụ của tình nghĩa gia tộc trong quá khứ với các dạng: Làm chung, ăn chung, ở chung; Làm chung, ở chung, ăn riêng; Làm chung, ở riêng, ăn riêng; Ở chung, làm riêng, ăn riêng. Nhà Rông/Gươl là nơi sinh hoạt công cộng của cộng đồng làng. Nhà mồ là loại nhà dành cho người chết. Nhà kho đựng lúa là loại nhà nhỏ xung quanh bịt kín chỉ có một cửa dùng để đóng mở khi cất và lấy lương thực.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế cư trú ở địa hình đồi dốc, hệ thống sông suối tuy dày đặc nhưng độ dốc cao nên việc dùng thuyền để di chuyển thì có nhưng không phổ biến lắm. Riêng đối với phương tiện vận chuyển như gùi thì được sử dụng nhiều. Và gùi của đồng bào có đến 10 loại với những tên gọi như Achói, Ate, Càrìa, Cờlòm, Cruh, Cờlôông, Càoi, Kađư, Talét, Tứp. Trong công việc đi lại hoặc khi làm nương rẫy, đồng bào lại sử dụng nón được kết bằng lá cọ (Đoal Talo), áo tơi (tơơi) để che nắng, che mưa, để đậy gùi lúa, cối gạo,… Tất cả những bộ phận này đều được đồng bào đan, kết bằng mây, tre, lồ ô, nứa và các loại lá rừng khác, đã tạo nên những giá trị độc đáo của mình.

Trang phục giữa nam và nữ có sự phân biệt rạch ròi, người đàn ông thì quấn tấm Ta-óh (khố) và choàng Pakoóm (khăn choàng) từ vai xuống bụng thành hai đường xéo làm thành áo mặc. Người phụ nữ thì vấn Nnai (váy) và mặc Ayóh (áo cổ lòn). Nam và nữ đều có các loại khăn mũ đội đầu tùy thuộc vào chức sắc, lứa tuổi và thành phần xã hội. Trang phục của nam giới ít được chèn cườm. Ngược lại nữ giới muốn tô thêm vẻ đẹp của mình bằng những đường hoa văn, họa tiết bằng cườm trên trang phục. Trang sức của các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế bên cạnh làm đẹp còn để đánh dấu thời điểm trưởng thành, biến đổi của một đời người. Khi đến tuổi trưởng thành, cả nam và nữ được xâu tai và đeo hoa tai. Con gái khi có chồng và khi đã đứng tuổi thì phải đeo những loại hoa tai Titoi, Pirăq, Tahâl bằng bạc. Người đàn ông thì đeo cườm với chất liệu cườm thường là hạt mã não, nhựa cứng, thủy tinh, chì và từ vỏ ốc [Trần Nguyễn Khánh Phong 2011, tr. 72 – 75].

Văn hóa ẩm thực các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các bữa ăn hàng ngày và trong các dịp lễ hội. Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng, vừa tiếp đãi khách quý, vừa quảng bá văn hóa ẩm thực của mình như: cơm ống, cháo thập cẩm, Cà lèng, bánh A quát, bánh Đệp peng được chế biến từ các giống lúa đặc sản như Radư, Cuda, Cuchah, Aham cũng như từ các sản vật do săn bắt, hái lượm từ rừng hoặc những loài thủy sản được đánh bắt từ sông, suối. Thức uống của các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế có thể kể đến Buah (rượu cần), Aveat (rượu mía), Tuvak (rượu đoác), Pardin (rượu đùng đình), được sử dụng theo mùa hoặc vào dịp lễ cưới, lễ tang của gia đình, dòng họ.

Các dân tộc thiểu số trên địa bàn hiện đang mang trong mình một kho tàng văn học dân gian phong phú đầy đủ các thể loại ca dao, câu đố, đồng dao, sử thi, truyện cổ tích, tục ngữ. Mỗi dân tộc đều có ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng ấy, như người Tà Ôi: “Cho dù ngày cũ thiếu cơm, thiếu chữ, nhưng mọi thế hệ nối tiếp nhau qua đi vẫn trân trọng gìn giữ bản sắc phong phú độc đáo của mình thể hiện trong nền văn hóa, văn nghệ dân gian đa dạng, hồn nhiên, khỏe mạnh giàu tính chiến đấu và giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Với một kho tàng tục ngữ, ca dao (Pracăm), câu đố (Pralau), ở đó tích lũy biết bao nhiêu kinh nghiệm, nhận thức, tình cảm, mơ ước qua bao đời của đồng bào. Chuyện kể (An xoar) của người Tà Ôi là sinh hoạt của những ngày mưa, lúc rảnh rỗi hoặc khi đêm về... sinh hoạt chuyện cổ là tiếng gọi của sự quây quần, nhiều thế hệ cùng ngồi với nhau, nhiều người từ “đung” (nhà) này, “vel” (làng) nọ đến bên nhau. Ngồi nghe kể chuyện cổ để giải trí, để được giáo dục tri thức, truyền thống, và đạo lý làm người, làm ‘đứa con ngoan’ của rẫy, của vel...” [Nguyễn Quốc Lộc (cb) 1984: tr. 176-177]. Hoặc đối với người Cơtu thì “Trong vốn văn học nghệ thuật của dân tộc Cơtu, trước tiên phải kể đến truyện cổ. Nội dung của nó là kể lại những kỳ tích, những suy nghĩ và ước mơ, những hành động của con người trong môi trường thiên nhiên và xã hội, qua những thời kỳ lịch sử xa xưa” [Nguyễn Quốc Lộc (cb) 1984: tr. 211]. Và từ đó trở đi, vốn văn học dân gian của hai dân tộc này không ngừng được sưu tầm, biên soạn và giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng.

Trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tà Ôi, Cơtu thì loại hình diễn xướng dân ca có một sức sống mãnh liệt, tiềm ẩn một kho tàng văn hóa dân gian phong phú. Dân ca Tà Ôi, Cơtu có các làn điệu Ra rọi, Ru akay, Cha chấp, Câr lơi, Ba bói, Roin, Ateraving, Xiềng đối đáp. Mỗi thể loại đều mượt mà đằm thắm về câu từ và làn điệu, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, nội dung, nó còn chịu sự quy định của một số điều kiện trong môi trường thể hiện.

Bên cạnh các làn điệu dân ca thì các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế có các điệu múa như: Padưn Giàng Đăq của người Pa Cô, Zazả của người Cơtu, Ân zựt của người Tà Ôi luôn được đồng bào thể hiện qua những dịp lễ cầu mùa, lễ tết cơm mới Aza. Đi liền với dân ca, dân vũ thì các loại nhạc cụ truyền thống khác như đàn Abel, trống Acư, đàn Ân toong, Khèn bè, Tirel, Târ le, Coong, Âm plưng, Tingát cũng phát triển là bộ phận không thể thiếu trong mỗi khi sinh hoạt văn nghệ dân gian.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế ngày nay đang mang trong mình rất nhiều nét văn hóa đặc trưng của ngành nghề truyền thống. Trong đó, dệt dzèng là một trong những nghề truyền thống của phụ nữ Tà Ôi, Cơtu những sản phẩm họ làm ra rất đẹp gồm vải khố, vải áo, khăn quàng cổ, thắt lưng, túi xách. Kỹ thuật khéo léo bởi việc chèn những hạt cườm vào nền vải, trong quy trình dệt vải, người dệt đã tự mình sản xuất nguyên vật liệu như trồng bông, kéo sợi. Để dệt được một tấm dzèng được pha chế bằng nhiều thứ vỏ cây rừng. Trên mỗi tấm dzèng được trang trí các kiểu hoa văn với nhiều phức hợp khác nhau về động vật, thực vật, con người, đó vật và thế giới quan.

Người Tà Ôi, Cơtu, Pa Cô rất giỏi trong việc đan lát các vật dụng dùng trong gia đình hoặc đi làm nương rẫy. Việc đan lát này chỉ nhằm mục đích phục vụ cho gia đình là chủ yếu sau đó mới đem đi trao đổi hàng hoá với các dân tộc cận cư khác.

Trước xu thế toàn cầu cầu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô lớn thì việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Trong quá trình hội nhập, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tuy có cơ hội để phát triển nhưng đồng thời lại có nguy cơ lớn bị mai một đi, nếu như không bảo vệ những giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống thì khó có thể giáo dục được văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

2. Quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế trong thời kỳ hội nhập

Nghị quyết 07 - NQ/TU ngày 23.11.2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác và chính sách đối với các đồng bào dân tộc Thừa Thiên Huế nêu rõ: “Bảo tồn, khai thác và phát huy truyền thống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của từng dân tộc... Tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triển lãm, ngày văn hóa thể thao... Nhằm làm đậm đà và tiên tiến hơn nền văn hóa của đại gia đình các dân tộc”. Qua đây cho chúng ta thấy rõ vấn đề hội nhập và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở trên địa bàn là rất quan trọng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý di sản văn hóa thì “cho đến nay, các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ra khỏi tình trạng giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế” [Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế 2012: tr. 1].

Hiện tại, vùng dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế mới chỉ có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là nghề dệt dzèng được công nhận theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Và có 2 người được phong tặng Nghệ nhân ưu tú là Quỳnh Hoàng (Cu Xâr) loại hình Nghệ nhân tri thức dân gian và nghệ nhân Hồ Thị Tư (Ta Dưr Tư) loại hình Nghệ nhân nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là 2 trong số 600 nghệ nhân ưu tú vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu theo Quyết định số 2533/QĐ-CTN, ngày 13.11.2015 của Chủ tịch nước.

Với vốn di sản văn hóa phong phú, đa dạng đã nêu trên thì công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã có những mặt tích cực đáng ghi nhận.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đánh dấu sự phát triển một cách nhanh chóng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Hiện toàn vùng miền núi của tỉnh có 153 đội văn nghệ dân gian được thành lập ở cấp xã, làng văn hóa[1]. Tiêu biểu có đội văn nghệ dân gian làng Việt Tiến (xã Hồng Kim); Làng du lịch văn hóa cộng đồng A Hưa (xã Nhâm); A Ka - A Chi (xã A Roàng); Tâm Mu (xã Hồng Quảng); A Năm (xã Hồng Vân); Đụt (xã Hồng Trung), bản Hạ Long (xã Phong Mỹ), Khe Su (xã Xuân Lộc);... Đây là những địa phương thường xuyên hoạt động trong các dịp lễ hội quan trọng của quê hương đất nước cũng như phục vụ khách du lịch đến tham quan.

Công tác nghiên cứu khoa học về văn hóa truyền thống được quan tâm chú trọng, cán bộ công chức viên chức tâm huyết với văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi họ công tác. Các chuyên gia đã sưu tầm và xuất bản nhiều công trình văn học dân gian của người Tà Ôi, Pa Cô và Cơtu. Chính quyền địa phương các huyện Nam Đông và A Lưới luôn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế; Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chương trình văn hóa trên sóng truyền hình như: Dư âm tình rừng; Nét độc đáo trên trang phục truyền thống ở vùng cao A Lưới.

Ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được trân trọng, bảo tồn. Đã mở được 18 lớp học ngôn ngữ Tà Ôi, Cơtu dạy kết hợp với tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, lực lượng vũ trang. Thực hiện tốt đề tài dịch chuyển 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, hát về quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô. Đưa tiếng dân tộc vào chương trình phát thanh ở huyện Nam Đông và huyện A Lưới.

Từ năm 2008, định kỳ mỗi tháng có 2 chương trình truyền hình tiếng Pa Cô, 2 chương trình tiếng Cơtu trên sóng truyền hình tỉnh (TRT) và 2 chương trình truyền thanh tiếng Pa Cô phát sóng ở địa bàn huyện A Lưới, 2 chương trình truyền thanh tiếng Cơtu phát sóng ở địa bàn huyện Nam Đông. Qua đó, đồng bào dân tộc ngày càng hiểu rõ hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đồng bào các dân tộc thiểu số. Ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Chương trình cũng đã phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây và sự nỗ lực, cố gắng của bà con trong cải thiện đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm gần đây, nhiều xã, làng, thôn đã chủ động xây dựng các quy ước, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân. Đối với việc cưới, nhiều nơi đã giảm bớt, cải tiến, đổi mới một số thủ tục rườm rà không cần thiết như giảm thời gian tổ chức lễ cưới, không phô trương, tục thách cưới đã được loại bỏ. Đối với việc tang, tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình được khắc phục nhiều. Các hủ tục trong tang lễ hầu như không còn, việc tổ chức tang lễ được thực hiện tiết kiệm.

Đối với lễ hội truyền thống được khôi phục và duy trì và lần đầu tiên tại lễ hội Ariêu Car tổ chức ngày 10/3/2017, nghi lễ đâm trâu được sân khấu hóa. Dù ban đầu rất khó khăn, nhưng qua nhiều cuộc vận động, đồng bào đã đồng ý không đâm trâu bắt đầu từ lễ hội này. Và nghi lễ đâm trâu chỉ tượng trưng, nhưng người dân rất nhiệt tình hưởng ứng.

Các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc và trò chơi dân gian của các dân tộc được khôi phục, phát huy; chạm khắc mỹ nghệ được bảo tồn, tôn trọng giữ gìn, phát huy và biểu diễn quảng bá trong và ngoài nước qua các dịp như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế; Đi lưu diễn tại huyện Sa Muội nước bạn Lào (năm 2000); các kỳ Festival Huế; thi Giọng hát hay, dân ca các dân tộc Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Nghề dệt dzèng luôn được duy trì và nhân rộng tại các xã, thị trấn, nhiều sản phẩm đã tham gia Festival làng nghề truyền thống Huế và hội chợ quốc tế được du khách rất ưa chuộng. Đến nay thổ cẩm dzèng đã tham gia 170 đợt triển lãm phục vụ các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể trên địa bàn được chính quyền các cấp quan tâm đẩy mạnh. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Thông qua thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từng bước đi vào chiều sâu và tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng Nếp sống văn minh nơi công cộng, công sở, trung tâm thị trấn và các làng, xã. Các mối quan hệ xã hội được phát huy, gìn giữ, tình làng nghĩa xóm được củng cố bền chặt.

Thực hiện tốt Đề tài “Phân loại đánh giá, giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số ở A Lưới”; “Các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống”. Đã phục dựng lại một số khu nhà mồ của tộc người Pa Cô (xã Hồng Trung), nhà mồ của người Cơtu (xã Hương Lâm) và 15 ngôi nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi ở các xã A Ngo, Nhâm, Hồng Thái, A Đớt, A Roàng; 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơtu tại các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hương Lâm; 01 nhà Moòng truyền thống của dân tộc Pa Cô tại xã Hồng Trung.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã nêu “Hơn 50 dân tộc sống trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc là cơ sở để giữ vững sự bình đẳng và phát huy tính đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em” [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở 2008: tr. 40]. Qua những thành công trong công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đã phần nào thực hiện được vai trò kết nối và lan tỏa văn hóa các dân tộc vươn ra với cộng đồng các dân tộc thiểu số khác trên đất nước ta.

3. Bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ “Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” là: Coi trọng và bảo tồn phát huy những giá trị mới về văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số; Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật là người dân tộc thiểu số; Ưu tiên tài trợ cho các tác giả dân tộc thiểu số có tài năng sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc và miền núi. Đào tạo đội ngũ trí thức thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số trở về phục vụ quê hương. Phát huy tài năng các nghệ nhân; Đầu tư và tổ chức điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, mở rộng mạng lưới thông tin ở vùng dân tộc thiểu số; Thực hiện tốt chính sác phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, sớm giảm tỉ lệ hộ đói nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở 2008: tr. 46].

Nếu thực hiện theo đúng nhiệm vụ này thì trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương ở Thừa Thiên Huế đã có những nỗ lực đáng ghi nhận đã nêu ở trên. Nhưng bên cạnh đó vấn đề này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập diễn ra trong quá trình quản lý và khai thác di sản văn hóa.

Các nhà sàn, nhà dài truyền thống, nhà cộng đồng, nhà mồ ngày càng có chiều hướng mai một dần. Việc phục dựng lại gặp nhiều khó khăn do nguyên vật liệu ngày một khan hiếm, nghệ nhân am hiểu về kiến trúc truyền thống ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà trong việc tìm tòi học hỏi ở nghệ nhân lớn tuổi. Dẫn đến kết quả:

- Vấn đề phục dựng lại các công trình kiến trúc giá trị trong kiến trúc đồng bào các dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế được thực hiện trong thời gian qua với nhiều dự án về văn hóa, về định canh định cư. Nhiều công trình nhà cộng đồng được phục dựng nguyên vẹn theo kiểu truyền thống hoặc sáng tạo mang tính hiện đại trong vật liệu xây dựng, tính dân tộc được biểu hiện trong hình thức, công năng ngôi nhà.

Tuy nhiên, do vai trò công năng của những ngôi nhà cộng đồng là nơi hội họp và đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của cả cộng đồng, đưa ra những phán quyết theo luật tục, nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt vui chơi giải trí,… nên nhiều ngôi nhà làng mới được xây dựng do chưa phù hợp với đồng bào nên đã không được sử dụng.

- Đối với những ngôi nhà mồ trong tương lai sẽ không còn bởi do cách chôn cất mới như hiện nay. Nhà mồ được thay thế bằng lăng mộ xây bằng xi măng. Vì vậy, ngôi nhà mồ chỉ còn là lưu ảnh trong trí nhớ của những người già.

- Ngôi nhà ở của đồng bào giờ cũng hướng đến đời sống tiện nghi, sinh hoạt thuận tiện đã được xây dựng theo kiểu nhà người Kinh, xu hướng dựng nhà mới bên cạnh ngôi nhà truyền thống đang phá vỡ cảnh quan kiến trúc của làng bản.

Cái khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa vẫn là vấn đề tài chính, nhân lực và ý thức của con người. Một thực tế cho thấy:

- Sản phẩm thủ công truyền thống có tính kĩ thuật cao, đặc sắc, cũng bị thất truyền. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống còn mang tính tự phát, phân tán nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.

- Công tác sưu tầm, bảo tồn các loại hiện vật có giá trị văn hóa trên địa bàn chưa được đầu tư đúng mức, gặp khó khăn về kinh phí cho việc sưu tầm, phục dựng, tổ chức tập huấn, mở lớp truyền dạy nghề.

- Lớp trẻ hiện nay ít quan tâm đến việc tự tìm tòi học hỏi ở các nghệ nhân hiểu biết về tinh hoa văn hóa dân tộc. Có nguy cơ mai một về ngôn ngữ, trang phục truyền thống.

- Lễ hội truyền thống như Aza, Ariêu Ping, Ariêu Car tuy được duy trì nhưng quy mô nhỏ lẻ, không mang tính cộng đồng như nguồn gốc, nguyên nhân là do điều kiện vật chất khó khăn.

- Đội ngũ công chức viên chức làm công tác văn hoá ở cấp huyện, xã, tuy trình độ chuyên môn đã được đào tạo cơ bản. Song, trình độ, năng lực am hiểu sâu về văn hóa truyền thống dân tộc chưa đồng đều, còn nhiều hạn chế.

- Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm như: thương mại hóa lễ cưới, tổ chức ăn uống, lãng phí làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, mất ý nghĩa của việc xây dựng nếp sống mới tiến bộ, văn minh. Tình trạng, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn còn xảy ra nhiều,... Nhiều hộ gia đình để người chết còn nhiều ngày, khâm liệm tử thi không đảm bảo theo yêu cầu của ngành y tế, chôn cất tùy tiện không đúng quy hoạch, lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan.

Về phía chính quyền địa phương:

- Chưa xây dựng một chính sách hợp lý về bảo tồn di sản văn hóa, chủ trương đã có, đồng thuận cao từ cấp huyện đến cấp xã, thôn nhưng rồi mạnh ai nấy làm dẫn đến sự manh mún và dẫn đến tình trạng quá nhiều cuộc tổ chức, trình diễn, trình nghề theo dạng cứ đến hẹn lại lên.

- Thiếu sự quy hoạch trong công tác bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa. Hiện tại mô hình homestay rộ lên nhưng lại thiếu tầm chiến lược, thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ quản lý và chưa am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào nơi đây dẫn đến tình trạng đầu voi đuôi chuột.

- Chưa có chương trình tổng thể về điều tra, nghiên cứu, sưu tầm một cách khoa học về di sản văn hóa mà chủ yếu dựa vào các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như chỉ chú ý đến một số nghệ nhân có tên tuổi.

- Chính sách đãi ngộ nghệ nhân cũng chưa mặn mà. Cho nên vấn đề truyền nghề và lưu giữ nghề chỉ mới mang tính nhất thời, chữa cháy chứ không có ai sống hết mình vì nghề.

- Công cuộc bảo tồn không tránh khỏi những gượng ép, áp đặt, nhất thể hóa một mô hình bảo tồn cho mọi nơi, mọi dân tộc như trường hợp xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện tại ở huyện A Lưới có 133 nhà sinh hoạt cộng đồng tương tự nhau về kiến trúc, vật liệu.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Công trình này được xây dựng với mục tiêu tạo ra nơi hội họp, trao đổi, nâng cao kiến thức và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đứng trên góc độ bảo tồn, việc phục dựng các ngôi nhà văn hóa cộng đồng ở đây là việc nên làm, nhưng làm như thế nào/bảo tồn nhà cộng đồng như thế nào, lại đang đặt ra nhiều thách thức. Không ít trường hợp, các chương trình, dự án Nhà nước đầu tư nhiều tiền của để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho các bản làng, nhưng do thiếu nghiên cứu một cách tường tận cảnh quan kiến trúc, kết cấu kiến trúc và không gian xã hội trong kiến trúc của ngôi nhà chung cộng đồng ở từng tộc người, nên không tránh khỏi lối áp đặt có phần dễ dãi một mô hình chung là phỏng theo nhà Gươl của người Cơtu nhưng sử dụng vật liệu bằng xi măng, sắt thép, mái lợp bằng tôn, được xây dựng ở những không gian tùy tiện, thậm chí có một vài nhà chung cộng đồng được xây dựng ở ngoài rìa bản làng. Phía bên trong nhà văn hóa cộng đồng sắp xếp trang trí tùy tiện, lộn xộn như treo ảnh, cờ, khẩu hiệu,...; nhà Rông là nơi tổ chức hội họp, tiếp khách, vui chơi; trong khi đó không gian tâm linh có phần giảm sút. Đó là một trong nhiều lý do làm cho nhà văn hóa ở đây không được người dân kỳ vọng, hưởng ứng. Không ít nhà văn hóa đóng cửa và chỉ mở khi tổ chức hội họp, còn bình thường người dân không lui tới” [Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Mạnh Hà 2016: tr. 62].

Một bài học kinh nghiệm về công tác quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế mà các nhà lãnh đạo địa phương cần phải nắm bắt đó là chúng ta không nên quá coi trọng trình diễn, phô trương, tuyên truyền văn hóa mà trong thời gian qua ở các địa phương tại huyện A Lưới đã làm, vì làm như thế chúng ta vô tình đẩy người dân ra khỏi hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống của họ.

Việc bảo tồn vì vậy không xuất phát từ bản làng, vì bản làng, không phát huy tính năng động của người dân trong công việc bảo tồn, có khi dẫn đến hiện tượng chính quyền bảo tồn văn hóa truyền thống thay cho người dân nên giá trị sử dụng, tính bền vững của di sản văn hóa được bảo tồn không cao [Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Mạnh Hà 2016: tr. 63].

Qua những bài học kinh nghiệm đó, cho thấy rõ một thực tế là “Chưa xác định được những di sản văn hóa truyền thống nào là đặc trưng nhất của từng dân tộc để có chính sách bảo tồn trọng điểm, chưa thực hiện được việc tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chưa xác định được di sản nào có giá trị đang biến mất, di sản nào đang biến dạng theo xu hướng giao lưu văn hóa, đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại, đồng hóa tự niên, phục hồi biến đổi, nhiễu loạn văn hóa, chưa xác định được phương thức bảo tồn, nguồn kinh phí bảo tồn” [Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Mạnh Hà 2016: tr. 62].

Vậy chính quyền địa phương ở Thừa Thiên Huế cần rút kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp mới để thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020 mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định: “Đẩy mạnh việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng và phát huy vai trò của di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Có 70-85% số làng, thôn có nhà văn hóa tổ chức các chương trình hoạt động. 70-90% cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số là người địa phương đã qua bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Mỗi huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển ít nhất hai nghề truyền thống. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, dân ca, dân vũ hoặc hoạt động du lịch đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn cấp và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số” [Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế 2012: tr. 2].

Việc quản lý và khai thác di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế đang đặt ra nhiều thách thức trong đó làm thế nào để đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ và nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình chứ không vì sự phát triển, chạy theo lợi nhuận mà bị hiện đại hóa trong kiến trúc nhà cửa, Kinh hóa trong cách ăn mặc, sinh hoạt, lễ hội,… Đồng thời các cấp quản lý cũng cần biết nên đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm nào, di sản văn hóa nào để tạo dấu ấn riêng cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo như chúng tôi được khảo sát, nghiên cứu thì tiềm năng di sản văn hóa các dân tộc ở Thừa Thiên Huế rất lớn nhưng để phát triển bền vững thì cần có một kế hoạch lâu dài và chọn đúng những di sản văn hóa đặc sắc, mang tính đại diện thì mới có thể giúp địa phương phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch một cách hài hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, 2008, Văn bản của Đảng và Nhà nước về nếp sống văn hóa, Hà Nội, 12/2008.
  2. Nguyễn Quốc Lộc (cb), 1984, Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, NXB Thuận Hóa, Huế.
  3. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Mạnh Hà, 2016, “Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế: Thực trạng và bài học kinh nghiệm”, Tạp chí Huế xưa và nay, số 137(9 - 10)/2016.
  4. Trần Nguyễn Khánh Phong, 2011, “Cách làm đẹp của người Tà Ôi xưa”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 9(327)/2011.
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, 2012, Kế hoạch thực hiện “Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Huế, 19.12.2012. Số 105/KH-UBND.

Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”

 


[1]     Huyện A Lưới có 133 đội, huyện Phong Điền 1 đội, huyện Phú Lộc 1 đội, thị xã Hương Trà 2 đội, huyện Nam Đông 16 đội.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Đổng Thành Danh. Những nhận thức mới về các di sản vật thể của người Chăm Ninh Thuận

  • Đổng Thành Danh. Diễn xướng linh thiêng như một biểu tượng trong nghi lễ của người Chăm

  • Đổng Thành Danh. Góp phần tìm hiểu vấn đề họ và tên của người Chăm

  • Đổng Thành Danh. Giải ảo huyền thoại Po Romé của người Chăm

  • Trương Thị Kim Thủy. Dấu ấn văn hóa Ấn Độ trong lễ hội Ok Om Bok

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 482
  • Tổng :
  • 3 7 7 1 7 9 5 6
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa các dân tộc thiểu số