1. Tổng quan về di sản lăng mộ ở TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ
Về lịch sử hình thành và phát triển, cho đến nay khảo cổ học vẫn chưa ghi nhận được một công trình kiến trúc lăng mộ nào có niên đại trước thế kỷ XVII ở Nam Bộ. Có nhiều cách giải thích khác khác nhau về sự thiếu vắng này, song nhiều nguồn tư liệu khảo cổ học, sử học, dân tộc học, văn hóa học,… cho thấy phong tục tập quán của những nhóm cư dân bản địa trước khi người Việt và người Việt gốc Hoa tới khai khẩn vùng đất Nam Bộ vốn gắn liền với tục hoả táng, thuỷ táng hoặc là các hình thức “điểu táng” mà không xây dựng lăng mộ. Điều này đã được Sứ thần nhà Nguyên là Chu Đạt Quan khi ghi chép về táng tục ở Chân Lạp và vùng đất Nam Bộ vào các năm 1296-1297 xác nhận qua tác phẩm Chân Lạp phong thổ ký: “Người chết không có quan tài, chỉ bó trong một loại chiếu, lấy vải phủ. Đưa ma, trước cũng dùng các loại cờ xí, nhạc trống, rồi lại lấy hai mâm đựng đầy gạo rang, ném quanh đường đi, gánh đến chỗ hẻo lánh xa xôi không có người ở ngoài thành thì vứt xuống rồi bỏ đi, đợi diều, quạ, chó đến ăn. Trong giây lát ăn hết thì bảo rằng cha mẹ có phúc nên được báo đáp như vậy... Vua cũng có tháp để mai táng, nhưng không biết chôn người hay chôn xương?” [Chu Đạt Quan 2006: 44].
Như vậy là hình thức xây cất lăng mộ ở Nam Bộ mới chỉ ghi nhận từ sau thế kỷ XVII, khi các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền và xây dựng các trung tâm chính trị tại vùng đất phương Nam, sau đó phát triển và trở thành phổ biến dưới thời Nguyễn.
Ở Nam Bộ, kiến trúc lăng mộ ghi nhận niên đại sớm nhất vào năm 1725, tương truyền là của Trần Thượng Xuyên (1655-1725) hiện không còn dấu tích kiến trúc ban đầu bởi quá trình trùng tu tôn tạo. Giai đoạn thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII–XVIII), quần thể lăng Mạc Cửu trên sườn núi Bình San ở Hà Tiên (Kiên Giang) với hơn 46 ngôi mộ lớn nhỏ có niên đại khởi đầu từ năm 1735 (lăng Mạc Cửu) kéo dài cho đến giữa thế kỷ XIX được ghi nhận. Tuy nhiên, tư liệu khảo sát cho thấy, các đặc điểm kiến trúc tiếp nối truyền thống thời Minh (Trung Hoa), khác biệt so với lăng mộ thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn của người Việt về vật liệu, kết cấu và trang trí kiến trúc [Lương Chánh Tòng 2015: 70-92].
Do không có thông tin, đặc biệt là thông tin từ bia mộ, cho nên lăng mộ của người Việt thời chúa Nguyễn hiện chưa xác định di tích nào ở Nam Bộ có niên đại thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, mặc dù qua khảo sát chúng tôi đã gặp một số ngôi mộ ở Quận 2, Quận 3, Quận 9, quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), một số ngôi mộ ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, Long Thành (Đồng Nai), Tân An (Long An), Châu Thành (Tiền Giang),… được xây dựng bằng hợp chất kiên cố, quy mô tương đối lớn, với các đề tài trang trí mang tính điển hình thời chúa Nguyễn như hoa lá dây, hồi văn, mô phỏng các dạng sập chân quỳ ở nhiều bộ phận kiến trúc… có nhiều đặc điểm giống với hệ thống lăng mộ thời chúa Nguyễn được xác định niên đại tuyệt đối ở miền Trung Việt Nam [Nguyễn Hữu Thông (cb) 2014: 147-156].
Hơn nữa, về mặt tư liệu lịch sử cho thấy, mặc dù đã có các cơ quan hành chính của chúa Nguyễn trên vùng đất Nam Bộ từ những năm 1620, 1623 [Trần Văn Giầu (cb) 1987: 146-148]… và mốc quan trọng nhất là năm 1698 với sự kiện thành lập Phủ Gia Định dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu [Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 111]. Tuy nhiên, thời điểm này, đa phần các quan lại đại thần của chúa Nguyễn được giao nhiệm vụ ở vùng đất Nam Bộ đều không có nguồn gốc xuất thân từ vùng đất này, chúng ta có thể thấy các trường hợp như: Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), Nguyễn Cư Trinh (Huế)… do đó, việc thực hiện nhiệm vụ nơi đây chỉ là trấn giữ, quản lý và khi mất đều được an táng tại quê hương, hoặc di dời về quê hương khi có điều kiện và sự giúp đỡ của chính quyền chúa Nguyễn. Vì thế, không có lăng mộ quan lại đại thần thời chúa Nguyễn nào được ghi nhận ở Gia Định.
Năm 1744, sau khi chúa Nguyễn rời Phú Xuân vào Gia Định, nội chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn diễn ra khốc liệt, chính quyền Đàng Trong phải bôn tẩu khắp nơi, khó có điều kiện xây dựng lăng mộ cho những người giữ trọng trách cao trong chính quyền đương thời sau khi mất.
Giành lại được Gia Định vào năm 1788, Nguyễn Ánh bắt đầu ổn định quyền lực, tổ chức xây dựng hành chính, từng bước biến Phủ Gia Định thành Kinh Gia Định nổi danh một thời cho đến năm 1802, khi Gia Long chính thức tái lập Phú Xuân làm Kinh đô, thực hiện đại định thiên hạ. Thời điểm này, chúng ta mới ghi nhận được hệ thống lăng mộ của hoàng gia và các quan lại đại thần qua các ghi chép của chính sử triều Nguyễn. Tiêu biểu trong đó là ghi chép của Lê Quang Định trong công trình: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, với các địa danh như Lăng Viên (陵園) dùng để chỉ cho khu lăng mộ Hoàng gia thời Nguyễn tại Gia Định khi nơi đây giữ vai trò là Kinh đô [Lê Quang Định 2005: 290]. Khu vực này, theo đơn vị đo lường ứng với ghi chép của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí nằm ở khu vực Quân khu 7 – Phú Nhuận hiện nay. Giai đoạn gắn với trung tâm quyền lực thời Nguyễn Ánh (1780 -1801), khu vực Gia Định thành là nơi tập trung hệ thống lăng mộ với nhiều ghi chép liên quan đến những người trong hoàng gia và quan lại đại thần trong chính sử triều Nguyễn.
Tuy nhiên, sau khi đại định thiên hạ (1802), cùng với việc tái thiết Kinh đô và hệ thống lăng mộ của các chúa Nguyễn ở Huế đã bị Tây Sơn phá huỷ trước đó, tháng 10 năm 1808 vua Gia Long đã ra lệnh thực hiện cải táng di dời toàn bộ lăng mộ gắn với hoàng gia (lăng mộ Duệ tông Hiếu định hoàng đế - chúa Nguyễn Phúc Thuần và những người Tôn thất) ở Gia Định về an táng tại kinh thành Huế. Đồng thời chỉ đạo thành thần Gia Định triệt hết vật liệu ở lăng miếu cũ, đốt sạch đi [Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 740]. Từ đây, vùng đất Gia Định chỉ còn lại lăng mộ của các quan lại đại thần có nguồn gốc xuất thân hoặc từng làm việc và gắn bó nơi đây.
Nam Bộ (Gia Định thành) là đất phục hưng của họ Nguyễn trong lịch sử. Sau khi bị chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn đánh đuổi (năm 1774 - 1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần đã phải rời khỏi thủ phủ Phú Xuân, vào Quảng Nam rồi đến Gia Định để hy vọng tồn tại. Nhưng kết cục sự nghiệp chúa Nguyễn hơn 200 năm đã sụp đổ trước phong trào Tây Sơn với các trận chiến oanh liệt của Quang Trung trong các năm 1782, 1785. Năm 1788 nội bộ triều Tây Sơn đã tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh lấy lại được Gia Định và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm quyền lực của họ Nguyễn trước khi thực hiện đại định thiên hạ, tái lập kinh đô Phú Xuân – Huế (1802).
Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc nội chiến với Tây Sơn, nhờ sự góp sức lớn lao của những công thần vùng đất Gia Định mà họ Nguyễn đã lấy lại được giang sơn. Vì vậy, trong giai đoạn đầu triều Nguyễn, phần lớn quan lại đại thần làm việc ở kinh thành Huế và trấn giữ các tỉnh, thành, dinh, trấn quan trọng của đất nước, đa số đều có nguồn gốc xuất thân từ Gia Định và vùng phụ cận.
Thể theo ước vọng truyền đời “Cáo chết quay đầu về núi”, triều Nguyễn đã có những quy định mang tính ân điển đối với những công thần đang công tác ở kinh đô Huế hay trấn giữ ở các tỉnh, thành, dinh trấn khác trong cả nước. Sau khi các bậc công thần qua đời, triều đình đã tổ chức đưa tang về an táng tại quê hương, vấn đề này chính sử triều Nguyễn chép như sau: Tháng Giêng năm 1810, vua Gia Long định lệ đưa quan tài của quan quân về quê. Phàm quan hay quân đương làm quan hay đóng thú mà chết thì quan địa phương liệu lấy thuyền của nhân dân chở về mai táng… [Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 780].
Do đó, có thể nhận xét vùng đất Nam Bộ Việt Nam là nơi có số lượng tập trung lớn nhất lăng mộ của các quan lại đại thần triều Nguyễn với những đặc điểm kiến trúc và hình thức táng tục tương đối thống nhất.
Qua chính sử triều Nguyễn và bia mộ ghi niên đại tuyệt đối hiện tồn cho thấy, lăng mộ các quan lại đại thần thời Nguyễn sớm nhất ở TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ hiện biết có lẽ là lăng mộ của Bình Giang Quận công Võ Di Nguy ở Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh), xây dựng vào năm 1801 và lăng mộ có niên đại muộn nhất là lăng mộ Phạm Duy Trinh giữ chức Bố chính Biên Hoà xây dựng vào năm 1851 sau khi ông qua đời. Như vậy là hệ thống lăng mộ các quan lại đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ chỉ tập trung vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Điều này cho thấy sự phù hợp với lịch sử vùng đất Nam bộ Việt Nam, bởi sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định năm 1859, ba năm sau (1862), triều đình Huế ký hiệp định Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp, năm 1874 toàn cõi Nam bộ là thuộc địa của Pháp. Từ đây, không có một quan lại đại thần nào thời Nguyễn được an táng trên mảnh đất này.
Giá trị lịch sử, văn hoá của hệ thống di sản lăng mộ thời Nguyễn ở TP Hồ Chí Minh thể hiện ở nhiều góc độ, đặc biệt là những giá trị về mặt kiến trúc: Kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn hiện tồn ở TP Hồ Chí Minh cho thấy đều có sự quy chuẩn của thời đại với bố cục tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, kết cấu kiến trúc theo một trục dọc từ ngoài vào trong: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế, cửa mộ, nhang án, nấm mộ, bình phong hậu và hệ thống các tường thành bao bọc khép kín. Trong đó, phần nấm mộ có nhiều kiều loại khác nhau: dạng liếp hình chữ nhật giật cấp, hình nhà (mô phỏng dạng tẩm điện), hình voi phục.
Nhiều đồ án trang trí với các dạng phù điêu đắp nổi, hình rồng, giao long, lân, long mã, hổ, khỉ, tùng lộc, rái cá, hoa lá… kết hợp với khắc chìm, đắp nổi các loại hình câu đối, văn thơ chữ Hán được sử dụng để tô điểm, trang trí tạo sự uy nghiêm và thể hiện vị thế xã hội của chủ nhân lăng mộ.
Một đặc trưng quan trọng của lăng mộ các quan lại đại thần thời kỳ này là sự thiếu vắng các hình thức tiếu tượng dạng “bá văn quan võ” đứng canh giữ cho các phần lăng mộ - một loại hình mà đã rất phổ biến của trong thời kỳ trước đó ở miền Bắc Việt Nam, khi mà các quan lại đại thần đua nhau xây dựng cho mình những lăng mộ với hàng loạt các loại hình: lính chầu, tượng voi, ngựa, nhang án, bia đá to lớn ngang tầm với lăn mộ của vua – chúa đương thời, vượt cả sự kiểm soát của triều đình, trong hoàn cảnh Đất nước đang bị những cuộc nội chiến kéo dài. Điều này cho thấy những quy định gắt gao của triều đình Nguyễn trong điển chế, chỉ có lăng mộ hoàng gia tại Huế mới có các hình thức xây dựng các loại hình tượng chầu canh giữ… lăng mộ các quan lại đại thần không được phép vượt sự kiểm soát của triều đình Nguyễn. Những đặc điểm về bố cục kiến trúc, trang trí kiến trúc lăng mộ của các quan lại đại thần triều Nguyễn phản ánh những quy chuẩn về điển lệ về quy thức lăng mộ thời Nguyễn đã được chính sử ghi chép. Tuy nhiên, do ở cách xa, vượt sự kiểm soát triều đình mà đã có những phần xây dựng đã từng được nhắc tới là có sự “tiếm lạm” về quy mô, kiểu thức và những vấn đề liên quan đến “tiêu chuẩn” lăng mộ của các quan lại so với hệ thống hoàng gia Nguyễn.
Trong giai đoạn đầu thời Nguyễn, lăng mộ không sử dụng vật liệu đá nguyên khối để xây dựng như thời vua Lê – chúa Trịnh ở miền Bắc, mặc dù bố cục, hình thức kiến trúc… thể hiện nhiều sự tiếp nối truyền thống của thời kỳ trước, nhưng vật liệu sử dụng cho xây dựng lăng mộ thời Nguyễn phổ biến lại là vật liệu hợp chất: vôi, mật, than, san hô, vỏ sò, hàu, ô dước (bời lời), đá vụn, sỏi… ngoài ra còn có sự kết hợp nhiều loại hình khác: hợp chất – đá ong, hợp chất gạch… Đây là các loại hình vật liệu vốn đã được sử dụng trong một số lăng mộ thời Lê sơ và giai đoạn sau ở miền Bắc, nhưng kết quả nghiên cứu khai quật cho thấy, không một lăng mộ hợp chất nào ở miền Bắc lại có các kiến trúc bề nổi như các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ. Trong đó đáng chú ý là các loại hình gạch xây dựng mang các ký hiệu sản phẩm của các xưởng triều đình như Giáp nhị, Giáp tam, Bính ngũ, Đinh nhất… ở các lăng Trương Tấn Bửu, cùng với lăng mộ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt ở Tiền Giang, đã xác nhận sự ghi chép của chính sử triều Nguyễn về sự tham gia xây dựng của triều đình.
Mặc dù về quy mô và một vài quy chuẩn có sự khác biệt với khu lăng mộ hoàng gia ở Huế, tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ về bố cục, kết cấu kiến trúc và đặc biệt là các loại hình đề tài trang trí, chúng tôi nhận thấy hệ thống lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ vẫn phản ánh những nét trang trí cung đình Nguyễn, tức là các loại hình mô típ trang trí phản ánh tính thống nhất về bố cục và đề tài, kiểu thức trang trí của triều đình Nguyễn theo một quy chuẩn, mô thức chung. Đó là các loại hình trang trí dạng hoa lá hóa rồng trên bình phong tiền và nhiều mô típ khác như hoa lá, chim muông, bát bửu, hoa văn kỷ hà, đề tài tùng lộc, hổ, sóc, kỳ lân, long mã, con cù… đã từng gặp trên đồ án trang trí trên các lăng mộ của hoàng gia thời Nguyễn và một số lăng mộ của quan lại đương thời. Kiểu thức trang trí ô hộc, các loại hình đề tài trang trí trên diềm mái, hệ thống điểm bắt góc, bờ đao, tường thành, bình phong… trên các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ phản ánh tính thống nhất về kiểu thức hình thức với khu lăng tẩm và phủ đệ của tầng lớp hoàng thân quốc thích triều Nguyễn ở Huế cùng thời và cả với thức một số công trình kiến trúc phụ ở trong các phủ đệ, điện đài… ở Huế.
Đại đa số lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ là của các quan lại đại thần thời Nguyễn có nguồn gốc xuất thân là người Việt định cư lâu đời ở Gia Định và vùng phụ cận. Vì thế, nhiều lăng mộ của các quan lại đại thần ở Nam Bộ hiện diện ở những vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và cả tương lai cùng với sự phân bố của các lăng mộ thời Nguyễn ở Nam bộ cho thấy sự tập trung ở khu vực vốn là trung tâm quyền lực chính trị dưới thời Nguyễn ở Nam bộ - Thành Gia Định. Ngoài ra, một số địa điểm thường là nơi mà các quan lại đại thần thời Nguyễn từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của mình hoặc là quê hương nơi mình sinh ra và trưởng thành.
Hệ thống lăng mộ thời chúa Nguyễn đến thời Nguyễn ở Nam bộ được hình thành trên cơ nền truyền thống lăng mộ ở Việt Nam theo một diễn trình từ thời Lý – Trần – Lê sơ – Lê Trung Hưng – chúa Nguyễn – Nguyễn, trải dài trên dải đất hình chữ S của Việt Nam. Trong không gian văn hoá mở, sự phát triển lăng mộ trong suốt thời kỳ chúa Nguyễn và thời Nguyễn luôn có sự giao lưu tiếp biến văn hoá với người Hoa, để làm phong phú thêm các đặc điểm lăng mộ của mình, tạo ra một hệ thống lăng mộ “giống xưa mà cũng khác xưa” trên hành trình Nam tiến, xác lập biên cương và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
2. Vài nét về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn trước năm 1975
Từ kết quả của nhiều đợt điều tra khảo sát mộ cổ của chúng tôi trong thời gian qua cho thấy, dù đã được chính sử ghi chép rất nhiều những ân điển của triều Nguyễn liên quan đến lăng mộ các quan lại đại thần xuất thân từ Gia Định, tuy nhiên hiện nay có rất ít lăng mộ các quan lại đại thần thời Nguyễn cùng thân quyến còn tồn tại. Ngoài yếu tố thời gian và thiên nhiên gây huỷ hoại, một trong những lý do cơ bản là đa số lăng mộ các quan lại đại thần triều Nguyễn đã bị khai quật hoặc cải táng di dời phục vụ cho giải phóng mặt bằng để xây dựng khu quân sự, đô thị, dân sinh ở nhiều thời điểm khác nhau từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Năm 1936, để giải phóng mặt bằng cho xây dựng Ga Sài Gòn, thuộc địa phận làng Chí Hoà, tổng Dương Hoà Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Ga Sài Gòn, đường Nguyễn Thông, Quận 3, TP Hồ Chí Minh), với sự tham gia giám sát của Louis Malleret và M.Saurin, Hội Minh Hương Gia Thạnh và hậu duệ đã thực hiện cải táng di dời lăng mộ của Thượng thư bộ Công là Ngô Nhân Tịnh (? - 1816) về khu vực kênh Tân Hóa, Quận 6 và sau này Ủy ban nhân dân TP HCM cho di dời tiếp về khuôn viên chùa Giác Lâm (Quận 11, TP Hồ Chí Minh).
Năm 1939, để thực hiện giải phóng mặt bằng, người Pháp đã khai quật lăng mộ của Khâm sai Chưởng cơ, Giám thành sứ Trần Văn Học (tác giả vẽ bản đồ thành Gia Định năm 1815) trong khuôn viên Bệnh viện Trần Văn Học (nay là bệnh viện Nhân dân Gia Định). Kết quả khai quật được công bố trong “Tạp chí Hội nghiên cứu Đông Dương” năm 1939. Tuy nhiên, nghiên cứu này chủ yếu giới thiệu phần quan quách, huyệt mộ và di vật tuỳ táng là đồ phẩm phục (cân đai, trang sức vàng trên mũ...), không đề cập đến kết cấu và trang trí kiến trúc lăng. Trong danh mục hồ sơ đề nghị Liệt hạng cổ tích ở Đông Dương năm 1925, tại thứ tự số 9 có đề xuất xếp hạng ngôi mộ này cùng với hình ảnh chụp với nhan đề “Mausoleé du Général Trần Văn Học à Bà Chiểu (Gia Định)” cho chúng ta nhận biết được đặc điểm kiến trúc và trang trí kiến trúc lăng mộ Khâm sai Giám thành sứ Trần Văn Học thuộc loại hình lăng mộ hợp chất, mặt bằng hình chữ nhật, kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong gồm: cửa lăng, bình phong tiền, sân tế lễ, cửa mộ, nấm mộ, cuối cùng là bình phong hậu, toàn bộ khu lăng được bao quanh bời một lớp tường thành kết hợp với các trụ biểu, với nhiều đặc điểm thống nhất với hệ thống lăng mộ các quan lại đại thần thời Nguyễn hiện tồn.
Năm 1942, tại vị trí hiện nay thuộc khuôn viên Viện Pasteur (Thành phố Hồ Chí Minh), một lăng mộ quan đại thần triều Nguyễn không rõ danh tính bị người dân thực hiện bốc mộ di dời. Tư liệu về lăng mộ này được Vương Hồng Sển hồi cố trong tác phẩm “Sài Gòn năm xưa” [Vương Hồng Sển 2013: 165-169]. Hiện Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh còn lưu giữ Hồ sơ mang ký hiệu Hồ sơ 31, mục XIV – phông lưu trữ với nội dung: “Tài sản ở Phú Nhuận – Gia Định”. Đây là tập hợp hồ sơ gồm 56 văn bản bằng tiếng Pháp và hình ảnh liên quan đến nhóm di vật vàng là đồ trang sức trên mũ quan đại thần thời Nguyễn phát hiện trong lăng mộ do Lousi Malleret lập vào ngày 18-9-1842. Tuy nhiên, không có ghi chép nào liên quan đến việc khảo tả phần kiến trúc của lăng mộ.
Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà cũng đã giải toả một số lăng mộ nằm trong các khu quy hoạch xây dựng của chế độ cũ, trong đó nổi bật là cuộc khai quật di dời lăng mộ Thống chế Thần sách Lê Văn Phong (Phó tổng trấn Bắc Thành, em trai Tả quân Lê Văn Duyệt) nằm trong khu vực Bộ chỉ huy Quân sự Quân đội Việt Nam Cộng Hoà, Quận Phú Nhuận vào năm 1961; Khai quật khu mộ cổ Bình Thới (Quận 11) năm 1962, Chợ Quán năm 1963 (Quận 5)… Hiện nay hồ sơ và nhóm di vật tuỳ táng các lăng mộ này đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, không có phần ghi chép về kiến trúc lăng mộ.
Đánh giá một cách khách quan, giai đoạn trước năm 1975, chính quyền của chế độ cũ đã thực hiện khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hoá lăng mộ. Nhiều hồ sơ lưu giữ cho thấy phần lớn các lăng mộ có giá trị nghệ thuật kiến trúc, gắn với chủ nhân có tên tuổi trong lịch sử đều được đưa vào danh sách “liệt hạng cổ tích” với những quy định bảo vệ nghiêm ngặt, có đầy đủ các hồ sơ lưu giữ. Một số di sản lăng mộ khi thực hiện việc di dời cũng đều thực hiện việc khai quật với sự tham gia của nhiều cơ quan phụ trách và đặc biệt là toàn bộ các loại hình di vật tuỳ táng đều thực hiện việc chuyển giao cho Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh) lưu giữ, có hồ sơ lý lịch rõ ràng và đều được đưa ra trưng bày phát huy giá trị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau bởi thời đại và chiến tranh loạn lạc, một số sưu tập hiện vật đã bị mất, thất lạc. Đặc biệt là chưa thực hiện công tác bảo tồn, phục dựng nguyên kiến trúc lăng mộ khi khai quật như giai đoạn sau này.
3. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ từ năm 1975 đến nay
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật một số lăng mộ các quan đại thần triều Nguyễn, trong đó nổi bật là cuộc khai quật lăng mộ Huỳnh Công Lý – Phó tổng trấn Thành Gia Định ở Vườn Chuối (Quận 3 – TP Hồ Chí Minh) năm 1977 [Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật 1977: 84-89].
Trong những năm 1994 -1995, Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với các chuyên gia khảo cổ học thực hiện khai quật hàng trăm mộ cổ nằm trong các khu vực Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận 9, Quận Thủ Đức… nhằm phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình dân sinh, hạ tầng, đô thị. Kết quả khai quật giai đoạn này hầu như không được bảo tồn và phát huy giá trị, ngoại trừ trường hợp phát hiện các nhóm di vật tuỳ táng trong lăng mộ của bà Trần Thị Hiệu (Quận 5) hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh; một số loại hình di vật trong mộ hợp chất ở Phú Thọ (Quận 10) hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá Nam Bộ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Năm 2005, lăng mộ bà Thục nhân họ Vũ (Phu nhân của Tham tri bộ Hộ, tước Hầu họ Lê) toạ lạc trong khuôn viên Viện Pasteur, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khai quật khảo cổ học. Kết quả khai quật làm rõ được nhiều đặc điểm kiến trúc và trang trí kiến trúc cũng như di vật tuỳ táng của lăng mộ gắn với thân quyến của một vị quan lại đại thần thời Nguyễn ở Nam Bộ [Phạm Đức Mạnh 2006: 56-75]. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc và di vật tuỳ táng hiện đang được phục dựng và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP HCM) nhằm bảo tồn kiến trúc, hình thức táng tục, nhằm giới thiệu, quảng bá và là tư liệu trực quan sinh động góp phần nghiên cứu và phục vụ đào tạo cho khối ngành khoa học xã hội nói chung về quá trình hình thành và phát triển các loại hình mộ táng cổ của các lớp cư dân Việt trong hành trình khai phá vùng đất Nam Bộ.
Trong những năm 2006-2007, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hoá và Thể thao TP Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lập đề án điều tra, khảo sát, nghiên cứu mộ cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra cơ bản đã thống kê được hàng trăm các loại hình mộ táng cổ trên địa bàn Thành phố, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố thực hiện phương án các di sản lăng mộ cần bảo tồn và xếp hạng di tích căn cứ vào giá trị lịch sử, văn hoá của các loại hình di tích mộ cổ.
Trong năm 2011, một số mộ cổ bằng chất liệu hợp chất và đá xanh nằm trong nội đô các quận Phú Nhuận (mộ Nhiêu Tứ), Quận 1 (mộ cổ đường Trần Đình Xu) cũng được Thành phố chỉ đạo phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện khai quật nhằm giải phóng mặt bằng trong khu dân cư phục vụ dân sinh. Đáng chú ý là toàn bộ phần kiến trúc và di vật tuỳ táng đều được thực hiện bảo tồn phục dựng (kiến trúc phục dựng tại Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; lưu giữ trưng bày di vật tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm 2014, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hoá và Thể thao TP Hồ Chí Minh) đã giao cho Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thực hiện đề án quy hoạch khảo cổ trên đại bàn TP Hồ Chí Minh theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong đó có các loại hình di sản lăng mộ được đề nghị đưa vào quy hoạch khảo cổ học. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố vẫn chưa triển khai việc thực hiện đề án quy hoạch này.
Năm 2014, để giải phóng mặt bằng xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chúng tôi đã thực hiện khai quật di dời lăng mộ của vị quan thời Nguyễn không rõ danh tính, được tôn làm Thành hoàng làng Thủ Thiêm toạ lạc trong khuôn viên Đình thần An Khánh (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả khai quật cho thấy đây là lăng mộ đơn táng, xây dựng bằng hợp chất, bình đồ kiến trúc hình chữ nhật, nhiều kết cấu, trang trí kiến trúc cũng như những di vật tuỳ táng thống nhất với hệ thống lăng mộ thời Nguyễn. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc và gắn với yếu tố tâm linh của chủ nhân là vị tướng được tôn làm Thành hoàng làng Đình thần An Khánh nên Uỷ ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện công tác khai quật gắn với bảo tồn, phục dựng lại kiến trúc lăng mộ trong quần thể khu công viên mộ cổ Gò Quéo, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP Hồ Chí Minh [Phạm Hữu Mý 2014].
Tiếp đến trong năm 2015, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện việc khai quật quần thể mộ cổ trong khu dự án An Phú, Quận 2. Theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân Thành phố, toàn bộ kiến trúc mộ song táng 05-06 đã được phục dựng nguyên gốc tại Khu công viên mộ cổ Gò Quéo – Bình Trưng Đông, Quận 2, TP Hồ Chí Minh, được đông đảo nhân dân, các cơ quan truyền thông đại chúng và các nhà khoa học đánh giá cao công tác khai quật, phục dựng, bảo tồn di sản kiến trúc mộ táng của dự án này. [Hoàng Anh Tuấn 2015]
Năm 2016, trên cơ sở nguồn kinh phí được vận động từ xã hội hoá, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu thành công việc bào chế hợp chất cổ, đáp ứng được yếu tố khoa học và nguyên gốc của di tích trong việc thực hiện tu bổ di tích mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh (Quận Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh). Kết quả tu bổ được các cơ quan truyền thông đại chúng và các nhà khoa học đánh giá cao, góp phần phục nguyên các yếu tố gốc của di tích, tạo cho di tích các yếu tố tốt nhất cho việc bảo tồn và phát huy giá trị [Hoàng Anh Tuấn, Lương Chánh Tòng 2016].
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh một số di tích đã được khai quật, phục dựng và phát huy giá trị như đã trình bày ở trên, thì một số các công trình kiến trúc lăng mộ đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng bảo tồn và phát huy các giá trị như: Lăng Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh), Lăng Trương Tấn Bửu, Lăng Võ Di Nguy (Phú Nhuận), Mộ Phan Châu Trinh (Tân Bình); Mộ cổ họ Lâm (trong Công viên văn hóa Tao Đàn - quận 1), Mộ ông Nghị viên Địa hạt Đặng Tân Xuân (trong khuôn viên Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II - Quận 9), Mộ ông Lý Tường Quang và bà Nguyễn Thị Lâu, Mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên (Tân Phú), Mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh (Thủ Đức),... Ngoài ra, còn một số công trình kiến trúc mộ cổ nằm trong danh mục kiểm kê di tích theo quyết định của Uỷ ban nhân dân Thành phố như: khu mộ cổ Gò Quéo (Q2); khu mộ dòng họ Lý (Tân Phú), mộ cổ trong khuôn viên trường tiểu học Giồng Ông Tố (Quận 2),...
Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá lăng mộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng so với giai đoạn trước năm 1975. Bên cạnh việc thực hiện khai quật di dời và phục dựng, bảo tồn các di tích kiến trúc mộ cổ để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang thực hiện việc nghiên cứu quy hoạch “công viên mộ cổ” tại huyện Củ Chi, Quận 2,… Các sưu tập di vật tuỳ táng được chỉnh lý nghiên cứu, phục dựng như việc phục dựng 02 chiếc mão quan thời Nguyễn của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong và Thống chế ở Biên Hoà năm 2014 của Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Đồng thời từng bước đưa các sưu tập di vật tuỳ táng tìm thấy trong các loại hình di sản lăng mộ ra trưng bày và phát huy giá trị như bộ di vật tuỳ táng của Đô thống chế Thần sách Lê Văn Phong; bộ sưu tập di vật tuỳ táng tìm thấy trong lăng mộ quan văn Nhất phẩm ở Bình Thới (Quận 11) trong trưng bày chuyên đề “Vàng son nhung gấm – Phẩm phục cung đình triều Nguyễn) vào năm 2016 tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh…
Một số chương trình giáo dục truyền thống lịch sử trên địa bàn Thành phố trong các trường học cũng được triển khai tại khu Lăng Ông (Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt). Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này còn khó khăn do ít có di tích có điều kiện về không gian để phát huy giá trị.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy gái trị di sản lăng mộ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn có một số hạn chế nhất định như sau:
- Hiện nay, do chưa có bản đồ quy hoạch khảo cổ học, nên việc đánh giá giá trị để có phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ nói riêng và mộ táng cổ trên địa bàn Thành phố nói chung gặp nhiều khó khăn. Nhiều loại hình di sản mộ cổ có nguy cơ bị giải toả; nhiều khu dự án không thực hiện việc thăm dò, khai quật các loại hình mộ táng cổ trong khi triển khai dự án, dẫn tới loại hình di sản văn hoá này có nguy cơ mai một cả về kiến trúc và tư liệu.
- Việc quy hoạch các dự án “công viên mộ cổ” trên địa bàn Thành phố hiện chưa được thực hiện một cách đồng bộ nên việc bảo tồn các loại hình di tích mộ táng khi thực hiện khai quật giải phóng mặt bằng còn để tản mạn ở nhiều nơi, thiếu thống nhất trong việc phục dựng và phát huy giá trị một cách tổng thể.
- Các sưu tập hiện vật tuỳ táng hiện còn lưu giữ ở nhiều cơ quan khác nhau: Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử - Văn hoá (Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia TP HCM) cho nên chưa có phương án phát huy tổng thể các bộ sưu tập hiện vật này để giới thiệu đến với công chúng những giá trị lịch sử văn hoá, đặc biệt là các hình thức táng tục và giá trị đặc sắc của hiện vật gốc.
- Các công trình mộ cổ sau khi đã xếp hạng được giao lại cho địa phương hoặc hậu duệ đại diện làm chủ sở hữu quản lý trực tiếp, rất khó khăn trong vấn đề phát huy giá trị di tích, không đủ nguồn kinh phí tu bổ. Ví dụ ngôi mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh (Thủ Đức) do Ủy ban nhân dân phường Linh Chiểu trực tiếp quản lý, sau một thời gian dài xuống cấp nghiêm trọng, đến năm 2016 mới được tu bổ theo hình thức nguồn vốn xã hội hóa.
- Các ngôi mộ cổ có niên đại khá xưa (trên 100 năm) vật liệu xây dựng gồm: hợp chất cổ, hợp chất cổ kết hợp với đá ong, đá xanh,... kỹ thuật xây dựng mộ đã mai một, thất truyền do đó trong quá trình tu bổ hoặc phục dựng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu thay thế tương đồng. Đặc biệt là khi tiến hành tu bổ, phục dựng các các họa tiết, hoa văn trang trí (bình phong tiền, bình phong hậu, trụ cột) đa dạng, phong phú như: phong cảnh, linh thú, rồng, phượng, hoạt cảnh cổ tích,… khi tu bổ, phục dựng rất khó khăn trong việc đảm bảo đúng yếu tố gốc, đòi hỏi nghiên cứu công phu trong khi nguồn kinh phí cho các dự án này rất hạn chế.
- Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng chưa được trùng tu, tôn tạo bởi thiếu kinh phí và các thủ tục hành chính như trường hợp Lăng Trương Tấn Bửu (quận Phú Nhuận), Lăng Phạm Quang Triệt, Phạm Duy Trinh (Quận 2). Hay như bị xâm lấn, phá vỡ cảnh quan như trường hợp Lăng Phan Tấn Huỳnh, Võ Di Nguy (quận Phú Nhuận),… chưa được giải quyết một cách triệt để.
- Hầu hết hiện nay, ngoại trừ khu di tích Lăng Ông được phát huy giá trị tổng thể gắn với yếu tố tâm linh, thì các loại hình di tích khác không được phát huy giá trị một cách tốt nhất, nhiều di tích ở trong tình trạng “cửa đóng then cài” như trường hợp Lăng Trương Tấn Bửu, Lăng Võ Di Nguy,… Nhiều khu di tích do chưa được xếp hạng và thiếu phương án bảo tồn và phát huy giá trị dẫn tới các hoạt động mê tín hoặc xâm hại như trường hợp khu mộ cổ Gò Quéo (Lăng Phạm Quang Triệt, Phạm Duy Trinh).
Hiện nay công tác tu bổ các công trình kiến trúc mộ cổ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, chủ yếu áp dụng các Thông tư, Quy chế khai quật khảo cổ từ những năm trước đó (ví dụ: Thông tư 20/2007/TT-BTC ngày 14/3/2007 về hướng dẫn lập dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng chi phí thăm dò, khai quật khảo cổ khi cải tạo, xây dựng công trình; Thông tư liên tịch số 104/2007 ngày 30/8/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn mức chi cho công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách Nhà nước; Văn bản hợp nhất số 3210/VBHN-BVHTTDL ngày 3/9/2013 của BVHTTDL Quyết định Ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ...) và các quy định chung của Luật Di sản, Luật Xây dựng.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh một cách tốt nhất, thiết nghĩ Thành phố cần có một đề án tổng thể nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản lăng mộ trên địa bàn Thành phố. Cần thực hiện triển khai việc quy hoạch khảo cổ học trên toàn địa bàn Thành phố. Cần quan tâm đầu tư nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với các nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu các phương án phục dựng, phương án bảo tồn và phương án phát huy giá trị di sản lăng mộ gắn với hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giáo dục một cách tổng thể.
Đối với việc di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án xây dựng và quy hoạch, cần thiết phải thực hiện việc nghiên cứu khai quật khảo cổ học để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị, không để tình trạng xoá sổ di tích mà không có nghiên cứu khảo cổ học.
Trên đây là phần trình bày đôi nét về thực trạng và một số vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ cổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng, với việc nhìn nhận thực trạng và một số khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản lăng mộ cổ trên địa bàn Thành phố của mình, Thành phố sẽ có các quyết sách và phương án tốt nhất để thực hiện công tác này trong tương lai, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể di sản văn hoá Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chu Đạt Quan, 2006, Chân Lạp phong thổ ký, Hà Văn Tấn dịch, Phan Huy Lê giới thiệu, Nguyễn Trọng Phúc chú thích, NXB Thế Giới, Hà Nội.
- Lương Chánh Tòng, 2015, “Lăng mộ thời Nguyễn ở Nam Bộ, Kiến trúc và trang trí”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, tr.70-92.
- Nguyễn Hữu Thông (cb), 2014, Mỹ thuật thời chúa Nguyễn – Dẫn liệu từ di sản lăng mộ, NXB Thuận Hoá, Huế.
- Trần Văn Giầu (cb), Trần Bạch Đằng, Lê Trung Khá, Võ Sĩ Khải, Nguyễn Đình Đầu, 1987, Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1 – Lịch sử, NXB TP HCM.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, Tập 1, bản dịch Viện Sử học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Lê Quang Định, 2005, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
- Vương Hồng Sển, 2013, Sài Gòn năm xưa, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.165-169.
- Lê Xuân Diệm, Đỗ Đình Truật, 1977, Khai quật mộ Vườn Chuối, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Khảo cổ học số 4, tr.84-89.
- Phạm Đức Mạnh, 2006, “Mộ hợp chất trong khuôn viên Viện Pasteur”, Tạp chí Khảo cổ học, số 5, tr.56-75.
- Phạm Hữu Mý, Lương Chánh Tòng, Nguyễn Thị Đăng Kha, 2014, Báo cáo kết quả khai quật lăng đình thần An Khánh, Quận 2, TP Hồ Chí Minh, Tư liệu Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá TP HCM.
- Hoàng Anh Tuấn, Phạm Hữu Công, Lương Chánh Tòng, Phạm Hữu Mý, 2015, Báo cáo kết quả khai quật và phục dựng quần thể mộ cổ phường An Phú, Quận 2, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
- Hoàng Anh Tuấn, Lương Chánh Tòng, 2016, Báo cáo Khoa học kết quả tu bổ di tích mộ Tiền hiền Tạ Dương Minh – Quận Thủ Đức, TP Chí Minh, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”