logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • Văn hóa Nam Bộ
Saturday, 12 April 2008 23:14

Nguyễn Thị Phương Duyên. Cây cầu trong văn hóa Nam Bộ

Người post bài:  TT VHH

 

CÂY CẦU TRONG VĂN HÓA NAM BỘ

Nguyễn Thị Phương Duyên

Bộ môn Văn hóa học

Trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM

(Bài đã đăng ở kỷ yếu hội thảo "Đồng bằng sông Cửu Long: thực trạng và giải pháp để trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế giai đoạn 2006-2010". NXB Đại học Quốc gia Tp.HCM, 2006)

ImageCầu là một loại phương tiện giao thông đường bộ phổ biến trên thế giới. Bắc cầu để đi lại là một hình thức ứng phó với tự nhiên của con người. Mỗi dân tộc, vùng đất đều có những kinh nghiệm ứng phó riêng nhưng bất kỳ cây cầu nào do con người tạo ra cũng đều là sản phẩm của trí tuệ và khát vọng chinh phục tự nhiên của con người. Với những đặc điểm của cư dân trên vùng đât trẻ, người Nam Bộ đã sáng tạo nên những cây cầu mang đậm tính chất văn hóa vùng.

 

1. Vùng văn hóa Nam Bộ

Về mặt văn hóa vùng, từ khái niệm rằng "vùng văn hoá là một vùng lãnh thổ, một khu vực địa lý mà trên đó cộng đồng cư dân có những nét khá tương đồng về kinh tế - văn hoá - xã hội, tương đồng về môi trường tự nhiên và lịch sử xã hội. Trong quá trình chung sống, giữa cộng đồng người này có quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá lẫn nhau hình thành nên đặc trưng văn hoá của vùng, có thể phân biệt với vùng văn hoá khác" thì Nam Bộ là vùng văn hóa có những đặc trưng văn hóa vùng rõ nét.

Nam Bộ là một vùng đất trẻ, mới được con người thực sự khai phá từ khoảng thế kỷ XVII trở lại đây nhưng trước đó, thời sơ sử, cùng thời với nền văn hoá Đông Sơn ở Bắc Bộ, Nam Bộ đã từng là không gian tồn tại của nền văn hoá Đồng Nai. Do có sự phát triển đứt gãy về lịch sử nên mãi đến thế kỷ XVII, Nam Bộ mới được khai phá trở lại. Sự khai phá bởi một lực lượng hùng hậu cộng đồng các tộc người Việt-Khmer-Hoa-Chăm đã biến vùng đất hoang vu đầm lầy sớm trở thành nơi trù phú, phong phú về vật chất và đa dạng về tinh thần. Quá trình cộng cư của các tộc người ở Nam Bộ đã tạo cho vùng đất này một nền văn hoá đa dạng, hỗn dung văn hoá giữa các tộc người Việt-Khmer-Hoa-Chăm, trong đó người Việt là tộc người chủ thể. Người Việt đến Nam Bộ là những con người "tứ xứ", "tứ chiếng", "tứ trấn"...vốn ra đi từ cái nôi văn hoá Bắc Bộ. Khi đến Nam Bộ, họ như những "hạt mầm" được gieo trồng trên đất mới, ít nhiều đã phai nhạt đi những đặc điểm văn hóa được dưỡng nuôi từ vùng đất cội nguồn.

Cư dân nơi đây là dân "tứ chiếng" nên không còn sự ràng buộc như ở không gian làng xã Bắc Bộ. Họ không cư trú khép kín trong làng xã mà ở dọc theo bờ kênh, ruộng lúa, sông nước bao quanh. Đất mới và giao tiếp với những con người mới đã tạo cho họ những đặc trưng tính cách mới: thẳng thắn, bộc trực, phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài...v.v.

Nam Bộ là không gian của sông ngòi kênh rạch. Đây là một vùng đất cửa sông giáp biển, chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều, khí hậu hai mùa mưa nắng. Sông ngòi điều hoà thuận lợi cho giao thông đường thuỷ. Khác với không gian thường gặp ở Bắc Bộ là ao hồ và hệ thống đê bao, không gian Nam Bộ là mạng lưới kênh rạch chằng chịt, gồm cả kênh rạch tự nhiên và hệ thống kênh rạch do con người chủ động đào xẻ để phục vụ nông nghiệp và đi lại. Không gian địa lý đặc thù của vùng đất này đã sớm tác động và hình thành nên tập quán ưa đi lại bằng đường thủy của cư dân nơi đây. Yếu tố này có ảnh hưởng không ít đến đặc điểm, tính chất  của những cây cầu ở Nam Bộ.

2. Phương thức giao thông đường thủy

1.1. Nam Bộ có quy mô hệ thống sông ngòi đồ sộ: sông Đồng Nai dài 500km cùng với các sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ tạo thành một mạng lưới sông ngòi chằng chịt ở khu vực Đông Nam Bộ. Sông Cửu Long ở Tây Nam Bộ dài 220km, chia làm hai nhánh: sông Tiền và sông Hậu đổ ra biển Đông theo chín dòng.

1.2. Ngoài hệ thống sông ngòi rộng khắp còn có mạng lưới kênh rạch chi chít dài trên 5700km, gồm cả kênh rạch tự nhiên và nhân tạo, được sinh ra do sự chủ động đào xẻ của con người để dẫn nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sinh sống. Từ năm 1816 đến 1859, dưới triều Nguyễn, người nông dân Nam Bộ đã đào hàng chục con kênh. Có nhiều con kênh đào lớn, có tên tuổi do triều đình đứng ra đốc suất như kênh Vĩnh Tế, Tam Khê, An Thông, Đông Xuyên...v.v. Ngoài ra do nhu cầu của đời sống, dân chúng trong từng địa phương cũng thường tổ chức nhau lại, đứng ra đào rất nhiều con kênh nhỏ khác [Hội thảo khoa học "Tác động của những nhân tố văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" 2005: 204].

Trong công cuộc khai thác thuộc địa của mình, người Pháp cũng theo kinh nghiệm của ông cha ta, cho đào kênh, nạo vét trục giao thông thuỷ.  Người Pháp đào kênh bằng máy xúc gọi là kênh xáng. Chỉ từ năm 1880-1890, Pháp đã đào hơn 2 triệu mét khối đất về kênh rạch ở Nam Bộ. Ngoài ra, còn huy động nhân dân đào kênh bằng tay. Đến khi kết thúc chế độ thực dân Pháp (tháng 8-1945), Nam Bộ đã khai thác được 2,5 triệu ha đất canh tác từ công cuộc đào kênh làm thuỷ lợi [Hội thảo khoa học "Tác động của những nhân tố văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" 2005: 204-206].

Khi nhìn về xứ sở thuộc địa của mình, người Pháp đã nhận định: "trong các công trình giao thông công chính ở Đông Dương từ 1886-1925, số đất đào kênh ở Nam kỳ vượt hơn khối lượng đất đào kênh của Suez. Ở đồng bằng Mêkông thuộc xứ Nam kỳ, các đường sông trùng với kênh đào thủy lợi. Việc chia cắt nhỏ do sông rạch tự nhiên gây nên, việc tăng thêm các kênh đào đủ loại mặt cắt đã tạo cho xứ Nam kỳ một hệ thống đường sông đặc biệt quan trọng" [Pouyanne A.A 1998: 24-25].

Có thể thấy, kiểu đào kênh, xẻ rạch dẫn nước của người Nam Bộ đã làm dày thêm hệ thống kênh rạch vốn đã chi chít, dày đặc ở vùng đất này. Vì thế mà người Nam Bộ được gọi là cư dân của "văn minh kênh rạch".

1.3. Đặc điểm địa lý thủy văn của sông ngòi Nam Bộ rất thuận lợi cho đi lại bằng đường thủy.

Những con sông ở Nam Bộ không có độ dốc như sông ngòi Bắc Bộ, tốc độ dòng chảy vì thế cũng không cao bằng. Các sông lớn trong hệ thống sông Đồng Nai và sông Cửu Long ( sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu...) đều được nối với nhau qua nhiều kênh tự nhiên và nhân tạo làm cho sự phân lũ được dễ dàng hơn. Điều đó cũng góp phần làm cho dòng chảy của các sông rạch trở nên hiền hòa hơn, cư dân nơi đây có thể len lỏi khắp sông lớn, rạch nhỏ với ghe xuồng. Chính phủ Pháp ở Đông Dương cũng nhận định rằng "ở đồng bằng sông Hồng thuộc Bắc kỳ, hệ thống đường sông không rộng bằng ở Nam kỳ...Vận chuyển đường sông ở đây không quan trọng bằng ở Nam kỳ [Pouyanne A.A 1998: 24-25].

Độ rộng của kênh rạch ở đây không quá thách thức khả năng vượt sông của con người. Thậm chí khi không có ghe xuồng, người ta cũng có thể bơi lội qua sông: Không xuồng nên phải lội sông/Đói lòng nên phải ăn ròng bẹ môn (ca dao Bến Tre).

1.4. Cư dân Nam Bộ sớm tích lũy được kinh nghiệm tận dụng chế độ nước của các con sông để đi lại. Đây là một trong những hình thức tận dụng thiên nhiên thông minh của người Nam Bộ.

Sông ngòi Nam Bộ theo chế độ nước bán nhật triều. Ở đây, mỗi ngày con nước lên xuống hai lần. Nếu vào sáu giờ sáng, con nước bắt đầu lên thì lúc đứng bóng, nước tới mức lớn nhất, lúc này gọi là nước đầy; rồi bắt đầu ròng, tới chập tối thì ròng sát, tức là nước xuống mức thấp nhất. Cho nên ở đây hầu như kênh rạch nào mỗi ngày cũng có hai con nước. Bất kỳ đi về hướng nào cũng có thể xuôi dòng. Chỉ cần đợi nước, gặp nước ngược thì nghỉ lại chờ con nước sau; dù thế nào một ngày đêm cộng lại cũng đi được mười hai giờ; và dĩ nhiên, nếu con nước về đêm thì người ta vẫn sẵn sàng đi đêm cho thuận dòng xuôi nước. Ở Gia Định, "trước đây lúc mới dựng lên hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, đường bộ Bình Đồng chưa mở, người khách qua lại, đều phải đáp đò dọc...Phàm khởi trình ở Trấn Biên thì phải chờ nước xuống, thuận dòng mở thuyền đến cửa Ngã ba, đi sang sông Tân Bình thì bị ngược nước, phải đậu thuyền để chờ nước triều rồi mới thuận chiều mà tiến đi" [Gia Định thành thông chí 1998: 28].

Thuỷ chế bán nhật triều khiến con nước và ghe xuồng trở thành những yếu tố thiết thân của người Nam Bộ. Trong phương ngữ nơi đây, có hàng loạt từ nói về động thái của thuỷ triều và dòng chảy như : nước cường, nước ròng, nước lũ, nước kém, nước trôi, nước dênh, nước sụt, nước giựt, nước bò, nước chảy, nước đứng, nước nằm, nước chững, nước ương, nước sình, nước chết, nước sát, nước rặt, nước lớn, nước cạn, nước rong v.v và gần cả trăm từ chỉ các loại ghe xuồng khác nhau ở Nam Bộ [Nguyễn Công Bình và... 1990:322].

1.5. Cư dân Nam Bộ quen sống chung với lũ lụt. Do hệ thống sông rạch vùng này chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều, một năm có đến vài tháng nước dâng ngập toàn bộ vùng đồng bằng châu thổ (đặc biệt ở những vùng trũng, gần nơi đầu nguồn như Đồng Tháp, tứ giác Long Xuyên...v.v). Nước dâng cao đến tận mái nhà, cư dân ở đây phải lấy ghe xuồng làm nhà ở. Trong điều kiện như thế, đường thuỷ là phương tiện giao thông quan trọng và tiện lợi hơn cả.

Khi hiểu được quy luật thuỷ văn của kênh rạch nơi đây, mới thấy đời sống của người dân Nam Bộ gắn bó với sông nước đến dường nào, mới hiểu tại sao nhiều làng mạc, phố xá, thị trấn ngoảnh mặt ra sông, coi mặt sông là mặt tiền, còn đường bộ chỉ đưa vào mặt hậu, vào ngõ sau" [Phan Quang 1985: 78], mới hiểu vì sao Trịnh Hoài Đức ghi: "đất ở Gia Định có nhiều sông ngòi, bãi biển, mười người thì chín người giỏi lội nước, quen chở thuyền", "ở Gia Định thuyền ghe đầy sông, đi lại đêm ngày, mũi thuyền đuôi thuyền liền nhau. Cho nên có nhiều khi va chạm nhau làm nát hỏng thuyền rồi đem nhau đi kiện" [Gia Định thành thông chí 1998: 147-148].

1.6. Nhịp điệu sinh hoạt sông nước của cư dân Nam Bộ gắn bó với chu kỳ của con nước. Làm gì, đi đâu, thậm chí thờ cúng, vui chơi, người ta cũng tùy thuộc vào con nước lớn hay ròng. Người ta "sắm xuồng là để làm chân". Xuồng ghe trở thành phương tiện đi lại phổ biến vì nó vừa thuận tiện, vừa rẻ về giá thành vận chuyển. "Đi xóm thăm bạn bè, mua trà mua bánh, đám cưới, đám ma, rước bà mụ, rước thầy thuốc vẫn dùng ghe xuồng. Thậm chí kẻ trộm, kẻ cướp cũng dùng đường sông rạch để đến đột ngột rồi bôn tẩu cho nhanh. Xuồng có thể chở nặng, gặp nước xuôi, người đi bộ chạy nhanh chưa ắt theo kịp" [Sơn Nam 1985].

Sự kết hợp giữa yếu tố con nước và kênh rạch đã tạo nên hệ thống giao thông đường thủy đầy năng động. Trong địa hình kênh rạch chằng chịt này, người Nam Bộ ưa đi lại bằng đường thuỷ hơn là sử dụng đường bộ. Tâm lý quen đi lại bằng đường thủy khiến người Nam Bộ khi chỉ hành động đi lại trên bộ cũng có yếu tố sông nước lẫn vào, ví dụ như "lội bộ". Tâm lý đi lại này theo suốt lịch sử phát triển của cư dân Nam Bộ và thể hiện ra thành phương thức đi lại chủ yếu: đi lại bằng đường thủy.

Phương thức đi lại cơ bản này chính là tiền đề có liên quan đến mọi biểu hiện phong phú, đa dạng của những cây cầu ở vùng văn hóa Nam Bộ.

3. Đặc điểm văn hóa của cầu ở Nam Bộ trên bình diện vật chất

3.1. Vật liệu xây dựng

Cư dân Nam Bộ tận dụng vật liệu sẵn có trong vùng như tre, dừa, tràm, đước...v.v để tạo ra những chiếc cầu bắc qua bờ mương, con rạch. Ngoài những vật liệu sẵn có tại vườn, tại nhà ra, người Nam Bộ không có tâm lý tìm tòi nhiều vật liệu đa dạng khác để tạo nên những cây cầu kiên cố. Hơn nữa ở Nam Bộ lại không có môi trường phường hội, làng nghề phát triển để có thể tận dụng những sản phẩm thủ công (gạch, đá, gỗ...) làm phong phú thêm những công trình cầu. Ngoài cầu làm bằng tre, bằng ván và các loại cây thô sơ như cau, dừa, tràm, đước...v.v, khoảng thời gian sau, thời Pháp thuộc, ở Nam Bộ mới xuất hiện một số cầu làm bằng xi măng (còn gọi là cầu đúc) hay bằng sắt (còn gọi là cầu sắt).

Kiểu tận dụng này vừa phản ánh trữ lượng dồi dào của các loại vật liệu là cây gỗ thô sơ ở Nam Bộ vừa thể hiện được tính cách phóng khoáng, tự nhiên của con người ở vùng đất này, ứng xử với tự nhiên theo kiểu "Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn".

3.2. Kiểu dáng cầu phổ biến: cầu khỉ

Thói quen sử dụng vật liệu xây dựng thô sơ của người Nam Bộ đã tạo nên hệ thống cầu khỉ được xem như một thứ công trình giao thông đặc thù của vùng, mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ví dụ như ở xã Vĩnh Hoà Hưng (tỉnh Kiên Giang), theo sông Cái lớn từ Uỷ ban xã đến ấp Vĩnh Anh, phải qua 241 cây cầu lớn nhỏ, đơn sơ, bắc qua cống rạch, mương mà mỗi nhà đều đào. Con đường quanh co đó, tính đường chim bay chỉ có 7 km [Sơn Nam 1993].

Sống chung với lũ nên người Nam Bộ không có tâm lý bắc những cây cầu kiên cố quanh nhà. Chính vì thế mà kiến trúc cầu ở Nam Bộ không phổ biến kiểu cầu lợp mái cầu kỳ như ở Bắc Bộ mà đa số là "cầu ván đóng đinh" và "cầu tre lắt lẻo".

* Cầu ván đóng đinh: là loại cầu bắc qua các con kênh rộng vài ba chục mét trên trục lộ liên xã, liên thôn nên thường có mố trụ tương đối vững chắc đỡ dầm dọc, dầm ngang và có mặt ván bằng phẳng để đi.

* Cầu tre lắt lẻo: là loại cầu đơn giản, thô sơ, bắc tạm bợ bằng mấy cây tre hoặc cây tràm đóng chéo, buộc chụm lại làm trụ, một vài cây tre hoặc tràm khác được gác dọc qua các đầu trụ làm thân cầu. Ở độ cao ngang hông người, các đoạn tre ngọn hoặc tràm loại nhỏ được buộc thành "lan can" để người đi có chỗ vịn tay giữ thăng bằng khi chân lần từng bước qua cầu. Người qua cầu phải thận trọng men theo thân cây sao cho bàn chân khỏi bị chệch hướng, trong khi một tay vịn "lan can" và tay kia mang vác, gánh gồng....Nhìn từ xa, hình ảnh con người bước qua cầu gợi chúng ta liên tưởng đến cảnh loài khỉ leo trèo trên cành cây. Có lẽ bởi vậy mà có ai đó đã gọi cầu này một cách hài hước là "cầu khỉ" [Trường Giang 2004]. Loại "cầu khỉ" này cũng là hình thức cầu tre thường gặp ở vùng hạ châu thổ Bắc Bộ trước đây, chỉ khác là người Việt vùng đồng bằng sông Hồng không gọi nó là "cầu khỉ" , chỉ riêng người Nam Bộ với óc khôi hài và đặc tính "nghĩ sao nói vậy" mới quen gọi cái tên này. Có thể nói, kiểu cầu khỉ ở Nam Bộ ít nhiều mang dáng dấp của những cây cầu nguyên thủy, thô sơ đầu tiên của nhân loại.

3.3. Chức năng phổ biến: Đi gần.

- Cầu bắc qua sông ở Nam Bộ chính là những cây cầu tre, cầu khỉ thô sơ nơi kênh rạch nhỏ để tiện cho việc đi lại trong khoảng cách gần, muốn đi lại không cần phải lội sông hay bơi xuồng qua lại mất công. Đó cũng là những cây cầu bằng thân gỗ mộc thô sơ bắc ngang qua mương liếp để tiện cho việc đi thăm vườn tược. Với hình thức đi lại phổ biến là giao thông thủy, những cây cầu ở Nam Bộ được bắc chủ yếu để cho bàn chân con người đi qua mà không dùng cho những phương tiện vận chuyển khác bởi đi đâu xa hoặc cần chuyên chở, vận chuyển thì đã có ghe xuồng "làm chân".

- Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại trong khoảng cách gần, những cây cầu bắc trước bến nước dọc theo hai bờ kênh rạch cũng có chức năng quan trọng không kém trong đời sống cư dân Nam Bộ. Đó là những cây cầu thang được bắc với nhiều bực để buộc ghe xuồng, cũng là nơi lên xuống giặt quần áo, tắm rửa. Những cây cầu ở bến sông trước nhà này vừa là một hình thức gắn bó với giao thông đường thuỷ, vừa thể hiện chức năng phục vụ sinh hoạt gia đình như cầu ao Bắc Bộ, nhưng khác ở chỗ nó được sử dụng theo con nước lên xuống. Khi nước đầy thì người dân tranh thủ tắm giặt, gội rửa; khi nước cạn thì cầu là nơi lên xuống bến bãi dễ dàng hơn.

3.4. Lực lượng xây dựng mang tính cá nhân

- Cầu ở Nam Bộ thường gắn với sinh họat của gia đình hơn là của làng xã, đó là những cây cầu bắc trước bến nước, bắc qua mương liếp, rạch xẻo của mỗi nhà chứ không phải là những cây cầu dành để họp chợ, hóng mát cho cộng đồng như ở Bắc Bộ. Đó cũng là loại cầu được bắc đơn giản bằng cây mộc thô sơ, một kiểu bắc cầu giản tiện, "bắc cho có" của những cư dân quen đi lại bằng môi trường sông nước. Cho nên "tác giả" của những cây cầu tre, cầu khỉ thô sơ không ai khác chính là từng người nông dân Nam Bộ.

- Phải đến khi nhà Nguyễn chính thức tổ chức khai khẩn Nam Bộ thì vùng đất này mới có những công trình cầu mang tính công cộng. Theo Trịnh Hoài Đức thì "vào năm Đinh Mão đời Lê Cảnh Hưng Hiển Tông năm thứ 8 (1747), ở Đại Phố châu (cù lao Phố),  ngang sông Sa Hà (tục danh là rạch Cát) đã có cầu gỗ bắc ngang, rộng rãi bằng phẳng, thông đến tỉnh lỵ" [Gia Định thành thông chí 1998: 23, 27, 30].

Tuy nhiên, công trình giao thông cầu theo đúng nghĩa công cộng, thể hiện rõ ý thức phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân thì đến Thoại Ngọc Hầu mới có. Cùng với kỳ công đào kênh, xẻ rạch, năm 1826 ông đã cho đắp đường từ Châu Đốc lên núi Sam. Con đường này được làm gần 7 tháng với hơn 440.000 nhân công, có bắc 4 cây cầu gỗ đủ để người, xe cộ qua lại không sụp đổ. Công trình này đã được ông cho dựng bia lưu lại dấu tích,  gọi là bia "Châu Đốc tân lộ kiều lương ký" [Nguyễn Văn Hầu 1972].

- Với tập quán ưa đi lại bằng đường sông hơn đường bộ, cư dân nơi đây không quan tâm nhiều đến việc bắc cầu nên ngoài những công trình cầu mang tính công cộng do triều đình xây dựng, việc bắc cầu qua sông lớn ở Nam Bộ hầu như chỉ trông chờ vào vai trò của những cá nhân nổi trội. Đó là những vị mạnh thường quân có tiền của nên "bắc cầu làm phước" như ở Bắc Bộ. Tên tuổi và công đức của những vị này không những được lưu vào hậu thế, thành những tiền hiền, hậu hiền; không những được thờ cúng nơi đình chùa mà còn được đặt tên cho những cây cầu mà các vị đã cho xây dựng (ví dụ cầu Thị Nghè (Sài Gòn), cầu Hương Lễ (Gò Công) và còn có rất nhiều địa danh cầu mang tên ông, bà ở Nam Bộ [Lê Trung Hoa 1981; Nam Bộ xưa và nay 2003; Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Ngữ Văn 1999; Vương Hồng Sển 1960].

- Ngoài những công trình cầu do tư nhân bỏ tiền ra xây dựng, từ đầu thế kỷ XX trở đi, Nam Bộ xuất hiện những cây cầu lớn với kỹ thuật tiên tiến hơn trước, được chính phủ thực dân cho xây ở một số tuyến đường trọng điểm. Viết về xứ Nam Kỳ khoảng giữa thế kỷ XIX, chính quyền thực dân miêu tả "Vào năm 1866, Chợ Lớn có 500 nhà mái ngói, hai kênh đào, năm cây cầu sắt được xây dựng. Thành phố được thắp sáng bởi những chiếc đèn dầu dừa; một hệ thống nước máy kiểu Trung Quốc được đặt ở trung tâm thành phố là những yếu tố thu hút người qua lại [La Cochinchine 1931 : 33].

- Sau những cây cầu được xem là sản phẩm của công nghệ xây dựng châu Âu từ thời Pháp thuộc, phải đến những năm cuối thế kỷ XX với sự kiện cầu Mỹ Thuận, Nam Bộ mới có thế hệ cầu công nghệ hiện đại tiếp theo. Chiếc cầu này lại là một minh chứng tốt đẹp cho sự hợp tác giữa lực lượng xây cầu trong nước và quốc tế.

- Ở Nam Bộ, hiện nay lực lượng xây cầu đang thoát dần tính chất cá thể và chuyển sang tính cộng đồng xã hội. Chính quyền và nhân dân cùng "xóa cầu" và xây cầu: xóa cầu khỉ, xây cầu bê tông. Bến Tre, vùng đất cù lao ba bề sông nước, người ta tính rằng nếu mỗi năm Bến Tre xây dựng được một cây cầu hiện đại, đáp ứng được sự qua lại của xe cơ giới, thì phải mất 100 năm nữa mới xong việc bắc cầu qua sông, rạch trong nội tỉnh [Thạch Phương-Đoàn Tứ 2001:1015]. Năm 2004, mục tiêu phấn đấu của Bến Tre đến hết năm 2005 sẽ xoá hơn 2.600 cây cầu khỉ. Dân gian ở đây có câu: "Làm cầu rồi lại làm cầu. Làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong".

Hiện nay, công cuộc xóa cầu khỉ không còn là kế hoạch riêng lẻ của từng địa phương ở Nam Bộ mà trở thành dự án của cả khu vực. Từ năm 2004, dự án xây dựng mới 1000 cầu nông thôn thay thế cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long đã được Trung ương Đoàn phát động và sớm đi vào thực hiện. Ngay từ đầu, dự án này đã "thắng lớn" nhờ có sự đồng hành của "chiến dịch Mùa hè xanh". Trong chiến dịch, ở những tỉnh có nhiều cầu tre, cầu khỉ như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau... ngày nào cũng có thanh niên đi làm cầu. Dự án xóa cầu khỉ được thực hiện song song với chương trình xóa đói giảm nghèo, vì "chiếc cầu là đầu con lộ", phải xóa cầu khỉ và xây dựng giao thông nông thôn thì mới đưa kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long đi lên được. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những tỉnh có nhiều cầu khỉ. Ở Bến Tre, một trong những tỉnh có hệ thống sông rạch chằng chịt nhất Nam Bộ, nhân dân và chính quyền nơi đây đang quyết tâm xóa cầu khỉ. Người ta dùng nhiều cách để giải quyết vấn đề tài chính: huy động vốn bằng cách đóng góp theo diện tích đất canh tác, hay tính trên từng chiếc xe máy. Hộ khá góp nhiều, hộ nghèo góp ít hơn hay góp công lao động, ai ai cũng muốn sớm "dẹp ba cái cây cầu khỉ" này đi.

Dự án xóa cầu khỉ cũng đã làm xuất hiện nhiều mạnh thường quân trong lĩnh vực này. Mạnh thường quân ấy có thể là vị giám đốc thành đạt có lòng hảo tâm với quê hương nhưng cũng có thể là anh nông dân chưa học xong cấp một trường làng. Ở An Giang, ai ai cũng biết danh "vua cầu treo Sáu Quý". Dù chỉ mới học đến lớp ba, là "nông dân thứ thiệt" với áo bà ba, tóc búi "củ hành" nhưng người đàn ông 42 tuổi này đến nay đã dựng dược hơn 50 chiếc cầu treo cho xứ sở. Mạnh thường quân cũng có thể là một "ông Tây xây cầu" ở tận bên trời Tây xa lắc (Toni Ruttimann, công dân Thụy Sĩ) nhưng lại tìm đến xứ sở lầy lội của Việt Nam để "xóa cầu khỉ" cùng những người dân "tay lấm chân bùn", để cùng "bắc nhịp cầu hữu nghị" giữa các dân tộc trên thế giới [http://www.vnexpress.net].

3.5. Yêu cầu thẩm mỹ: không chú trọng

Với những biểu hiện về chất liệu, kiểu dáng như  trên, dễ thấy rằng cư dân Nam bộ không chú trọng đến yêu cầu thẩm mỹ khi họ bắc cầu.

- Vì sự chi phối của môi trường tự nhiên: tạo ra những cây cầu kiên cố và chăm chút tỉ mỉ về kiểu dáng cho nó là điều không thể thực hiện vì mỗi năm, cư dân nơi đây phải sống chung với lũ hàng tháng trời, mùa nước nổi thì có cầu cũng như không có. Những cây cầu thô sơ ấy, sau mỗi mùa nước nổi cũng sẽ bị cuốn trôi, người ta lại tìm những cây mới trong vườn để bắc cầu.

- Vì sự sinh tồn của cư dân trên vùng đất mới: với người nông dân khẩn hoang, nhu cầu sinh hoạt ban đầu "chỉ cần chiếc xuồng ba lá để đi lại, chiếc phảng để phát cỏ vỡ hoang, và chiếc nóp để đêm ngủ chống muỗi mòng" [Huỳnh Khái Vinh- Nguyễn Thanh Tuấn 1995] hơn là tất cả những vấn đề khác, kể cả nhà ở thì việc tạo chăm chút thẩm mỹ cho những cây cầu bắc vội qua kênh rạch là điều không cần thiết. Huống chi, với người Nam Bộ, ngay cả kiến trúc nhà ở cũng không thực sự chú trọng. Trong suốt thời gian dài, nhà ở của cư dân nơi đây được xây cất tạm bợ bằng các loại cây mộc có sẵn theo kiểu "nhà đá", "nhà đạp".

- Vì nhu cầu đi lại trên bộ trong khoảng cách gần: những cây "cầu ván đóng đinh" và "cầu tre lắt lẻo" ở Nam Bộ không quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ bởi chỉ phục vụ cho việc qua lại của con người. Với các kiểu cầu thô sơ này, người bắc cầu không nhất thiết phải là nghệ nhân hay "thợ thầy", không cần phải "khéo tay hay nghề". Chỉ cần có vật liệu, sức lao động và có kinh nghiệm thì một người cũng có thể bắc được cầu qua mương liếp, rạch nhỏ; một nhà cũng có thể bắc được cầu qua xẻo, rạch lớn; một xóm cũng có thể bắc cầu qua kênh, sông nhỏ...v.v. Cho nên, có thể nói, ở Nam Bộ, người dân nơi đây đã tạo nên những kiến trúc cầu mang chức năng thực dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng là chủ yếu. Thậm chí khi bắc những cây cầu thô sơ bằng tre, bằng ván, người Nam Bộ cũng không đặt yêu cầu cao về chức năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của con người, bởi như đã nói những cây cầu mà người Nam Bộ bắc nên chủ yếu để đáp ứng nhu cầu đi lại trong khoảng cách gần. Cư dân ưa đi lại bằng đường thủy không đặt nặng vai trò đáp ứng đi lại cho những cây cầu mà mình tạo ra. Trong nhu cầu đi lại, đối với họ, cầu chỉ là yếu tố "đủ", ghe xuồng mới là yếu tố "cần", bởi chỉ cần vào mùa lũ thì đi lại bằng cầu đã là một "hiện thực" khó thực hiện: Chiều chiều vịt lội bờ sông/Cầu trôi ván nổi ai bồng em qua (ca dao Bến Tre [Thạch Phương-Đoàn Tứ 2001]).

4. Đặc điểm văn hóa của cầu ở Nam Bộ trên bình diện tinh thần

4.1.Trong văn hóa dân gian

Mỗi cây cầu dù ít hay nhiều đều liên quan đến đời người bởi cây cầu, trước hết, là không gian quê hương, đất nước, là cảnh vật quen thuộc nơi làng xã, thôn xóm. Không gian này đã tác động trực tiếp đến con người, được con người phản ánh vào trong đời sống của mình thông qua nhiều phương diện sinh hoạt tinh thần như thần thoại, ca dao - dân ca, tục ngữ, câu đố, lễ hội, trò chơi...v.v.

*Ca dao-dân ca:                       

Hình ảnh cầu là không gian thiên nhiên thân thuộc: Cô kia bới tóc đuôi gà/Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?/Nhà tôi ở giữa đám dâu/Phía trên đám đậu, đầu cầu ngó qua/Ngó qua thấy bắp trổ cờ/Thấy  dưa trổ nụ, thấy cà trổ bông[Bảo Định Giang và...1984]

Là không gian giao duyên trữ tình trong tình yêu đôi lứa nhưng không đến nỗi phi thực tế: Trong ca dao về tình yêu đôi lứa, cây cầu được nhắc đến nhiều hơn hết.  Ở Nam Bộ, những cây cầu thô sơ tồn tại trong môi trường tự nhiên như thế nào thì khi trở thành yếu tố tồn tại đời sống tình cảm cũng như thế ấy: Bằng lăng chặt khúc bắc cầu/Đặng anh qua lại giải sầu cho em[Đỗ Văn Tân 1984]. Rất hiếm khi hình ảnh cây cầu trong ca dao tình yêu Nam Bộ được thể hiện xa với hình ảnh thực tế, nếu "bay bổng" hơn thì cũng chỉ đến mức này thôi: Sông cách sông, thuỷ cách thủy/Anh thương em anh xe sợi chỉ anh bắc cây cầu/Để em qua lại giải sầu với anh[Đỗ Văn Tân 1984], khác xa với những cây cầu "dải yếm", "cành hồng", "chiếc đũa"v.v trong ca dao về tình yêu đôi lứa Bắc Bộ.

Thường thể hiện sự trắc trở, khó vượt qua trong tình yêu đôi lứa: Bước lên cầu ván cong vòng/Thấy em ở bạc trong lòng hết thương ;  Bước xuống cầu, cầu oằn cầu oại/Bước xuống thuyền, thuyền chích thuyền nghiêng/Cả tiếng kêu người nghĩa Phong Điền/Người nghĩa ơi, duyên đây không kết, còn tìm nơi đâu? [Bảo Định Giang và...1984]

Sự trắc trở đó, vốn dĩ được phán ánh từ "sự khó đi" của những cây cầu tre lắt lẻo, cầu ván đóng đinh, cầu ván long đinh...v.v hay nói cách khác chính là bắt nguồn từ thực tế lắm kênh rạch, cầu khỉ ở Nam Bộ. Những cây cầu này rất gần gũi với cuộc sống nhiều nỗi gian truân, vất vả của con người:Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/Khó đi mẹ dắt con đi/Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

*Ở Nam Bộ có lưu truyền một số câu đố về cầu theo kiểu thai đố. Sơn Nam trong "Đồng bằng sông Cửu Long-nét sinh hoạt xưa" kể rằng hình ảnh cây "cầu tre lắt lẻo" từ lâu đã đi vào trong sinh hoạt tinh thần của người Nam Bộ. Trẻ con thời xưa thuộc nằm lòng câu hát "Ví dầu cầu ván đóng đinh". Câu hát trở thành câu thai đố. Khi cúng đình, nghe đố "Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi" thì hàng chục trẻ con nhốn nháo lên, đứa nào cũng muốn lấy phần thưởng, tranh nhau đáp là "cái bánh bò", vì cầu tre khó đi nên nhiều người phải bò, để giữ thăng bằng [Sơn Nam 1985]. Từ cầu tre, cầu ván mà liên tưởng đến bánh bò, đó là cách nghĩ của óc khôi hài Nam Bộ. Cũng tương tự vậy, khi đố "Cầu cao, ván yếu, gió run. Anh qua chẳng đặng, cậy cùng có em", người Nam Bộ giải rằng đó là câu đố về cái kệ (ở đây liện hệ theo kiểu chơi chữ, "kệ" là thây kệ, mặc kệ) [Nguyễn Văn Trung 1986].

* Sự góp mặt của cầu trong các hoạt động lễ hội, vui chơi ở Nam Bộ, tuy có nhưng không phổ biến. Tuy có sự hiện diện của cầu nhưng thưa thớt và mờ nhạt bên cạnh nhiều trò chơi sông nước khác như đi cà khêu, đẩy cây, thả bắt vịt trên sông, đua thuyền...v.v. Trò vượt cầu tre, cầu khỉ có mặt trong hoạt động lễ hội, vui chơi Nam Bộ nhưng tính phổ biến của trò chơi tuỳ thuộc vào từng địa phương chứ không đặt thành tục lệ, không nhất thiết phải có và "đến ...hội lại lên" như ở hội hè Bắc Bộ.

Hiện nay, các hoạt động lễ hội - trò chơi có liên quan đến những cây cầu tre, cầu khỉ đang trở nên vô cùng có ý nghĩa trong việc tái hiện và bảo lưu văn hóa truyền thống dân tộc. Đối với những du khách quốc tế, khi nói đến vùng đất Nam Bộ ngày nay, yếu tố hấp dẫn đầu tiên và cũng là hình ảnh còn lại sau cùng đối với họ sau một chuyến du lịch sông nước là những "monkey bridge", những cây cầu khỉ độc đáo. Do đó, song song với công nghệ "xoá cầu khỉ" trong thực tế thì người Nam Bộ lại phải đối mặt với công nghệ "xây cầu khỉ" trong tâm thức văn hoá của con người, trong bản sắc văn hoá của vùng, để đến một thời điểm nhất định nào đó trong lịch sử, con người không phải hình dung hai tiếng "cầu khỉ" là "cầu" và "khỉ" hay "cầu khỉ là trên cầu có một con khỉ".

 Để bảo lưu hình ảnh "cầu ván đóng đinh", "cầu tre lắt lẻo" nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá Nam Bộ, cần lồng ghép một cách có ý thức hình ảnh này vào trong không gian  văn hoá Nam Bộ thông qua các hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí....được tổ chức rộng rãi của vùng hoặc địa phương. Năm 2005, trong trò chơi "Sóng nước Phương Nam" của đài truyền hình Việt Nam, văn hóa  Nam Bộ được tái hiện lại  sinh động thông qua trò chơi "cầu Kiều miệt vườn", "qua cầu khỉ hái dừa"... Trò chơi đã cuốn hút người chơi lẫn người xem vì cái cảm giác "chinh phục cầu khỉ", vì tinh thần đồng đội: bạn nam biến thân mình thành nhịp cầu tre cuối cùng để bạn nữ vượt qua.  Những hình thức chuyển tải văn hoá như thế cần được phát huy nhằm góp phần gìn giữ "văn hóa cầu khỉ" ở Nam Bộ.

4.2.Trong tâm thức văn hóa người Nam Bộ

- Cầu là biểu tượng của đường đời.

Cầu tượng trưng cho đường đời khó khăn. Qua cầu là vượt qua khó khăn, thử thách. Trong tư duy của người Nam Bộ, tồn tại một ý nghĩa biểu tượng cầu như vậy. Ý nghĩa biểu tượng này có cội rễ từ thực trạng cầu đường của vùng văn hoá.

Ý nghĩa về biểu tượng cầu như trên đã được khẳng định trong một số công trình nghiên cứu về ca dao. Công trình "Biểu trưng trong ca dao Nam Bộ" [Trần Văn Nam 2004] đã chỉ ra sự khác biệt giữa biểu tượng cầu trong ca dao Bắc Bộ và Nam Bộ. Theo đó, biểu tượng cầu ở Nam Bộ là một biểu tượng không gian. Nhưng ngoài không gian thân thuộc, không gian tình cảm, chứng kiến tình yêu đôi lứa, thể hiện tính bắc cầu trong tình cảm như ở Bắc Bộ thì biểu tượng cầu ở Nam Bộ còn có ý nghĩa khác, đó là ý nghĩa biểu tượng về đường đời, về cuộc sống nhiều nỗi gian truân, qua hình ảnh cầu tre lắt lẻo, cầu ván đóng đinh, cầu ván long đinh. Biểu tượng cầu ở Nam Bộ không bắt nguồn từ những tư duy sâu xa mà bắt nguồn từ cái gần gũi, quen thuộc, gắn bó với sinh hoạt gia đình, sinh hoạt xã hội, sinh hoạt lao động, gắn bó với thực tế lắm kênh rạch, cầu khỉ. Đó là loại biểu tượng nảy sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, từ nhận thức và tình cảm của con người.

Biểu tượng về sự khó khăn, khó vượt qua đó đã đi vào trong đời sống tâm linh người Nam Bộ qua hình ảnh cầu Nại Hà. Cầu Nại Hà là một điển tích cầu về cõi chết, về âm phủ của thần thoại Trung Quốc nhưng đã được đạo Cao Đài, một tôn giáo bản địa Nam Bộ tiếp thu và biến thành cây cầu trong tâm linh dân gian Nam Bộ.

Đạo Cao Đài giải thích về cầu Nại Hà như sau:•

"Nại: Làm sao? Thế nào? Hà: tiếng dùng để hỏi.

Nại hà?: Làm sao? Làm thế nào?

Nại Hà kiều: Cầu Nại Hà, là cây cầu bắc ngang sông lớn mà người đi đến đó không biết cách nào để đi qua cầu cho khỏi té xuống sông, nên hỏi nhau: Nại hà? Làm sao?

Tương truyền, nơi cõi Âm phủ có một cây cầu rất mỏng manh, bắc ngang một con sông lớn, ván lót gập ghềnh, trơn trợt, rất khó lên cầu để đi qua sông. Hơn nữa, dưới cầu là sông lớn có đủ các thứ rắn độc, cua kình hung dữ, đợi người nào lọt xuống thì chúng xúm lại xé thây ăn thịt.

Các linh hồn nơi Âm phủ, khi đến cầu nầy, muốn lên cầu qua sông, nhìn thấy cảnh tượng như thế thì nản lòng thối bước, không biết làm thế nào để đi qua cầu cho được an toàn. Nhiều kẻ cố đi qua, nhưng đến giữa cầu thì bị té xuống sông, rắn rít cua kình giành nhau phanh thây ăn thịt, thật là kinh khiếp.

Do đó, để răn người đời, tôn giáo Cao Đài có Kinh sám hối: Cầu Nại Hà bắc giăng sông lớn/Tội nhơn qua óc rởn rùng mình/Hụt chơn, ván lại gập ghềnh/Nhào đầu xuống đó, cua kình rỉa thây... (Cao Đài từ điển).

Biểu tượng cây cầu như là một thử thách khó khăn mà con người cần phải vượt qua ở Nam Bộ cũng là một biểu tượng mang tính phổ biến, tính nhân loại. Trong luân lý của tôn giáo Ba Tư cổ do Zoroastre sáng lập từ thế kỷ VII trước công nguyên khi nói về ngày phán xử cuối cùng, có hình ảnh cây cầu phân chia thiện ác như cầu Nại Hà: vào ngày phán xử cuối cùng (ngày tận thế), mọi người phải đi qua cây cầu mảnh như sợi tóc và bén như thanh gươm, nhỏ hẹp như lưỡi dao cạo, như dây leo đung đưa run rẩy. Truyền thuyết về cầu Chinvat cua người Iran cũng tương tự như vậy [Chevalier Jean 1997].

Trong phong tục hôn nhân, người Latvia có tục cô dâu-chú rể qua cầu: ngày cưới, cô dâu và chú rể phải cùng đi qua cầu Đơnhép bảy nhịp. Mọi người cho rằng việc làm này rất có ý nghĩa và có tính chất triết học. Chiếc cầu có thể chinh phục được dòng sông. Cô dâu và chú rể cùng nhau vượt qua cầu, sau này khi họ chung sống với nhau, họ có thể vượt qua mọi trở ngại khó khăn [Viết An 2003] .

Ở tiếng Anh, một ngôn ngữ mang tính quốc tế, trong động từ  "vượt khó" cũng dùng "to bridge over the difficulties" nghĩa là "bắc  cầu qua những khó khăn" [Từ  điển Lạc-Việt 2002].

Biểu tượng cầu ở Nam Bộ, ngay cả trong lớp văn hoá khó nhận diện nhất là tôn giáo,  cả khi là một "hình ảnh thể hiện bản chất mơ hồ, nghi hoặc của tâm linh", cả lúc là hình ảnh thể hiện những ý niệm trừu tượng nhất, cũng cho người ta một cảm nhận dễ hiểu về biểu tượng, bởi nó chính là hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của con người, nhất là cuộc sống ấy tồn tại phổ biến những "...cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi".

Ở Nam Bộ, cũng không thấy phổ biến kiểu cầu gắn với kiến trúc đình chùa, kiểu cầu có ý nghĩa "con đường thiêng" trong kiến trúc Phật giáo như ở Bắc Bộ. Hà Thúc Minh khi nói về đặc tính con người Nam Bộ đã nhận định: "Một trong những đặc điểm nổi bật của con người đồng bằng sông Cửu Long là tính thiết thực. Hình như cuộc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên làm cho họ không có nhiều thời gian để bàn về những vấn đề lý luận "siêu hình". Nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Đạo giáo đều có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng người dân ở đây lại đến với những tôn giáo này theo cách riêng của mình. Hình như những tôn giáo này không làm cho con người ở đây quay lưng lại hiện thực, không kéo con người từ dưới đất lên trời mà chính con người ở đây lại kéo tôn giáo trở về với hiện thực, lại kéo tôn giáo từ trên trời xuống đất để sát cánh với họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn......Điều đó càng thuyết minh cho tính thiết thực của người dân đồng bằng sông Cửu Long mà thôi" [Hà Thúc Minh 2004]. Phải chăng tính thiết thực ấy cũng chính là yếu tố làm cho ý nghĩa "con đường thiêng" không còn gắn với ở những cây cầu trên đất Nam Bộ.

5. Kết luận

Cầu là một loại phương tiện giao thông gắn liền với đường bộ. So với thuyền - loại phương tiện giao thông đường thủy truyền thống thì cầu là phương tiện đi lại tiện lợi và an toàn hơn. Xây dựng cầu vượt sông đã là mơ ước từ bao đời nay. Cầu là minh chứng cho sức mạnh của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội của mình. Tuổi của cầu không tính bằng năm bằng tháng mà hàng thế kỷ, vì thế nó trở nên thân quen và gắn bó với cuộc sống con người. Tồn tại cùng thời gian, mỗi cây cầu đã mang trên mình không biết bao nhiêu kỷ niệm của con người và chứng kiến không biết bao nhiêu biến đổi của lịch sử.

Đối với vùng văn hoá Nam Bộ, xây dựng một hệ thống cầu đường hoàn thiện lại là một thách thức lớn.

Từ những cư dân đầu tiên đến khai phá đất này, ghe xuồng và đường sông đã trở thành mạch máu giao thông của vùng văn hoá Nam Bộ. Tập quán đi lại bằng đường thuỷ cứ thế mà phát huy theo sự gia tăng dân số và sự mở mang diện tích đất khai phá. Ở vùng đất cửa sông giáp biển, lũ đến hàng năm, kênh rạch chằng chịt, bắc cầu để đi lại bằng đường bộ là một việc "xa xỉ" đối với cư dân đất này.

Có thể bắc những cây cầu sơ sài bằng tre, bằng tràm, bằng đước...v.v theo kiểu "cầu tre lắt lẻo" qua những con mương, con rạch nhỏ để qua lại cho tiện, khỏi mất công bơi xuồng hay lội sông trong những trường hợp đi lại ở khoảng cách gần; "sang trọng" hơn thì có thể bắc những cây "cầu ván đóng đinh" cho tiện bàn chân đi lại. Nhưng cầu đúc, cầu bê tông vẫn là niềm mơ ước của bao người.

Nói đến vùng sông nước Nam Bộ là nói đến xứ sở của những cây cầu khỉ. "Khó đi" và "lắt lẻo" trong cuộc sống hàng ngày đến mức khi đi vào tâm thức của người Nam Bộ, cây cầu của vùng đất này cũng vẹn nguyên tính đặc trưng ấy. Hình ảnh cây cầu trong tâm thức người Nam Bộ gần với những khó khăn, trắc trở của đường đời hơn là vẻ thơ mộng, đáng yêu của hình ảnh những chiếc cầu ở Bắc Bộ.

Khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, giao thông đường bộ ở Nam Bộ nói chung và vận mệnh những cây cầu nói riêng càng trở thành những vấn đề cấp thiết mà vùng đất này cần giải quyết. Chỉ với cầu khỉ thôi, làm thế nào để xóa đi sự tồn tại của những cây cầu này trong thực tế giao thông nhưng lại bảo lưu  tốt hình ảnh của nó trong văn hóa Nam Bộ?

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1.  Bảo Định Giang - Nguyễn Tấn Phát - Trần Tấn Vĩnh - Bùi Mạnh Nhị 1984: Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB thành phố Hồ Chí Minh.

2. Chevalier Jean 1997: Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới - Dictionnaire des symboles, NXB Đà Nẵng.

3. Chu Xuân Diên 1999: Cơ sở văn hoá Việt Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

4. Đỗ Văn Tân 1984: Ca dao Đồng Tháp Mười, Sở Văn hoá-Thông tin Đồng Tháp.

5. Gia định thành thông chí 1998: NXB Giáo dục.

6. Hà Thúc Minh 2004: "Đặc tính con người đồng bằng sông Cửu Long", Tạp chí Xưa và Nay, (226).

7. Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng 2003: Cao Đài từ điển

8. Hội thảo khoa học "Tác động của những nhân tố văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" 2005: Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

9. Huỳnh Khái Vinh- Nguyễn Thanh Tuấn 1995: Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10. La Cochinchine 1931: P. Gastaldy.

11. Lê Trung Hoa 1981: Cách đặt tên cầu ở thành phố Hồ Chí Minh, Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh (11/12/1998).

12. Nguyễn Công Bình-Lê Xuân Diệm-Mạc Đường 1990: Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học xã hội.

13. Nguyễn Thị Ngọc Điệp 2002: Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

14. Nguyễn Văn Hầu 1972: Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen.

15. Nguyễn Văn Trung 1986: Câu đố Việt Nam, NXB thành phố Hồ Chí Minh.

16. Phan Quang 1985: Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Cửu Long-NXB Mũi Cà Mau.

17. Pouyanne A.A. 1998: Các công trình giao thông công chính Đông Dương, NXB Giao thông vận tải.

18. Sơn Nam 1985: Đồng bằng sông Cửu Long-nét sinh hoạt xưa, NXB thành phố Hồ Chí Minh.

19. Sơn Nam 1993: Đất Gia Định xưa, NXB thành phố Hồ Chí Minh.

20. Thạch Phương-Đoàn Tứ 2001: Địa chí Bến Tre, NXB Khoa học xã hội.

21. Trần Văn Nam 2004: Biểu trưng trong ca dao Nam Bộ, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

22.Từ điển Lạc-Việt 2002 (LAC VIET mtd2002-EVA) :Công ty Lạc-Việt, thành phố Hồ Chí Minh.

23. Viết An 2003: Phong tục cổ truyền Việt Nam và các nước, NXB Văn hóa dân tộc.

24. Vương Hồng Sển 1960: Sài Gòn năm xưa, Cơ sở báo chí và xuất bản Tự Do

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Nguyen-Marshall. Hoạt động chính trị của Công Giáo miền Nam giai đoạn 1954-1975

  • Nguyễn Hoàng Tuấn. Di sản văn hóa ở Trà Vinh - thực trạng và giải pháp

  • Huỳnh Văn Sinh. Giá trị di sản văn hóa tinh thần tại các xã nông thôn mới TP. Hồ Chí Minh

  • Trần Thị Lan. phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa những lợi thế cho phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh

  • Nguyễn Thị Đăng Kha, Mai Thúy Hằng. Thực trạng và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị loại hình di tích khảo cổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 415
  • Tổng :
  • 3 7 7 3 5 7 3 3
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

Văn hóa Nam Bộ