logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • VHVN: Những vấn đề chung
Friday, 15 May 2009 07:00

Lý Tùng Hiếu - Nguyễn Văn Huệ. Lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt nam

Người post bài:  Lý Tùng Hiếu

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÔN NGỮ HỌC

NHÂN HỌC Ở VIỆT NAM: CÁI NHÌN TỔNG QUAN

 

TS. Lý Tùng Hiếu - TS. Nguyễn Văn Huệ

(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM)

 

Chúng tôi theo đuổi đề tài này từ năm 1996, và đã từng bước công bố các kết quả thu được trong luận án thạc sĩ Từ vựng và đặc trưng từ vựng tiếng Bru (Vân Kiều) (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, 1997), luận án tiến sĩ Đặc điểm về cấu tạo từ và về văn hoá Brũ và Việt qua sự so sánh từ vựng của hai ngôn ngữ này (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, 2007), và trong các vựng tập Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1999), Những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ Đổi mới (NXB Khoa học Xã hội, 2003). Năm 2007, với sự cộng tác của TS. Nguyễn Văn Huệ, chúng tôi đã thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Viện Ngôn ngữ học nhân học - phác thảo lịch sử, đối tượng, phương pháp, giá trỊ ứng dụng. Ngày 18/2/2008, Đề tài đã được Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nghiệm thu; và sau đó phần 3 của Đề tài đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Xã hội số 7 (119) - 2008 với tiêu đề Lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam: Cái nhìn tổng quan. Chúng tôi cho đăng lại ở đây bài báo nói trên để cung cấp thông tin đồng thời thu thập thêm ý kiến của các nhà khoa học và những bạn đọc khác quan tâm đến hướng tiếp cận văn hoá bằng các phương pháp và tư liệu liên ngành.

Nội dung bài có thể tóm tắt như sau: Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc nhằm mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá và những thông điệp văn hoá thông qua ngôn ngữ, là công việc thường xuyên của các nhà Đông phương học, ngôn ngữ học, dân tộc học Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy, cũng như trên thế giới, có thể nói việc nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất lâu trước khi chuyên ngành này thật sự hình thành. Và bất cứ công trình tổng thuật nào về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam cũng không thể bỏ qua những thành tựu nghiên cứu của các chuyên ngành liên quan là tiền đề, tiền thân hoặc là bạn đồng hành của nó. Dựa trên quan điểm đó và căn cứ vào những tư liệu thu thập được, chúng tôi phân chia lãnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá ở nước ta thành bốn khuynh hướng chính: khuynh hướng ngôn ngữ học tiếp xúc, khuynh hướng dân tộc-ngôn ngữ học, khuynh hướng văn hoá-ngôn ngữ học, khuynh hướng ngôn ngữ học nhân học và nhân học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem xét và phân loại những công trình không thuộc các khuynh hướng nêu trên nhưng có chung mục đích nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, với đối tượng và phương pháp ít nhiều có tính chất liên ngành.

{{{

 1. QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI TỔNG THUẬT

Với tư cách một chuyên ngành khoa học, ngôn ngữ học nhân học chỉ mới bắt đầu bén rễ ở Việt Nam chừng một thập niên. Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn xa lạ đối với các nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, nhân học Việt Nam. Bởi trước đó, từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc với những mục đích khác nhau trong đó có mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá và những thông điệp văn hoá thông qua ngôn ngữ, là công việc thường xuyên của đông đảo các nhà Đông phương học, ngôn ngữ học, dân tộc học Việt Nam và nước ngoài. Các cơ sở khoa học danh tiếng như Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp, Viện Ngữ học Mùa hè của Mỹ, Viện Đông phương học của Liên Xô, Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học của Việt Nam, Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, v.v. đều rất quan tâm và có nhiều công trình nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam và Đông Dương, mà mục đích, đối tượng, phương pháp rất gần gũi với ngôn ngữ học nhân học. Và giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu đó cũng cực kỳ to lớn, là tiền đề khoa học vững chắc của chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học Việt Nam. Vì vậy, cũng như trên thế giới, có thể nói việc nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất lâu trước khi chuyên ngành này thật sự hình thành ở Việt Nam. Và bất cứ công trình tổng thuật nào về lịch sử hình thành chuyên ngành này ở Việt Nam cũng không được phép bỏ qua những thành tựu nghiên cứu của các nhà Đông phương học, ngôn ngữ học, dân tộc học vừa nêu, vì đó chính là tiền đề, tiền thân hoặc là bạn đồng hành của ngôn ngữ học nhân học ngày nay.

Tuy nhiên, ở đây cũng cần hạn định. Mặc dù tất cả các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc, về nhân chủng, về dân tộc... nói trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam, nhưng không phải bất cứ công trình nào trong số đó cũng có thể quy vào hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học. Xét về mục đích, đối tượng, phương pháp và nguồn tư liệu, chỉ một phần trong số đó thật sự là những công trình nghiên cứu có tính chất liên ngành, trực tiếp liên quan đến sự hình thành ngôn ngữ học nhân học và các chuyên ngành tương tự. Do số lượng, quy mô các công trình nghiên cứu thuộc các lãnh vực nói trên là cực kỳ to lớn, việc tổng thuật về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam chỉ nên giới hạn trong phạm vi những công trình liên quan trực tiếp đó mà thôi.

Dựa trên quan điểm lịch sử nói trên, chúng tôi xác định việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá ở nước ta đã có tuổi đời gần một trăm năm, và bao gồm một số khuynh hướng khác nhau, phản ánh ảnh hưởng của các khuynh hướng học thuật khác nhau đối với ngôn ngữ học Việt Nam. Đại thể, có tất cả bốn khuynh hướng liên quan: khuynh hướng ngôn ngữ học tiếp xúc (contact linguistics) hay khuynh hướng tiếp cận dựa trên lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ (theory of contact language), khuynh hướng dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistics), khuynh hướng văn hoá-ngôn ngữ học (culturolinguistics) hay ngôn ngữ học văn hoá (cultural linguistics), khuynh hướng ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) và nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology).

Dĩ nhiên, trên thực tế không có ranh giới nghiêm ngặt giữa các khuynh hướng đó ở Việt Nam. Không phải nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam khi tiến hành một công trình ngôn ngữ học liên quan đến văn hoá, dân tộc hay nhân học cũng có ý thức rằng mình hay công trình của mình thuộc về khuynh hướng này hay khuynh hướng nọ. Nhưng theo hình dung của chúng tôi thì bốn khuynh hướng nghiên cứu nêu trên là có thật. Và sự phân loại như vậy là cần thiết để chúng ta dễ dàng nắm bắt được các cội nguồn của ngôn ngữ học nhân học Việt Nam, đồng thời chỉ ra những nguồn sinh lực mà chuyên ngành khoa học này cần phải thu nạp để làm giàu cho hành trang nghiên cứu của mình.

Ngoài bốn khuynh hướng ấy, chúng tôi cũng ghi nhận những công trình khác có chung mục đích nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, với đối tượng và phương pháp ít nhiều có tính chất liên ngành.

Dưới đây xin lần lượt điểm qua các khuynh hướng đó và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu theo ghi nhận của chúng tôi.

 

2. KHUYNH HƯỚNG NGÔN NGỮ HỌC TIẾP XÚC (CONTACT LINGUISTICS) HAY KHUYNH HƯỚNG TIẾP CẬN DỰA TRÊN LÝ THUYÊT TIẾP XÚC NGÔN NGỮ (THEORY OF CONTACT LANGUAGE)

Lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ đã được manh nha từ thế kỷ 19 với H. Schuchargt (1842-1927), nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức, là người đầu tiên nghiên cứu về ngôn ngữ pha trộn (mixed language), về Pidgin và Creole. Sau đó lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ (language contact) trở nên phổ biến từ những năm đầu của thập niên 1950 với công trình Language in contact (1953) của U. Weinreich.

Ở Việt Nam, ý tưởng về một ngôn ngữ pha trộn đã được Henri Maspéro nhắc đến khi nói về nguồn gốc tiếng Việt trong công trình "Études sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales" (BEFEO, Vol. 12, no. 1, 1912).

G. Coedès cũng đề cập đến tiếp xúc ngôn ngữ khi bàn về các ngôn ngữ ở Đông Dương trong bài "Les langues de l'Indochine" (Extrait des conférences de l'Institut de Linguistique de l'Université de Paris, T.VIII, année 1940-1948).

Tương tự là S.E. Jakhontov trong bài "Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á" (tiếng Nga, 1973, bản dịch Nguyễn Văn Lợi, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991).

Một số công trình khác gián tiếp đề cập đến tiếp xúc ngôn ngữ qua khảo sát các từ vay mượn gốc Hán, gốc Pháp...

Cột mốc đánh dấu việc giới thiệu đầy đủ và áp dụng một cách có hệ thống lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ vào việc nghiên cứu nguồn gốc tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á là công trình Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á của hai tác giả Phan Ngọc và Phạm Đức Dương (1983).

Tiếp xúc ngôn ngữ cũng là chỗ dựa lý thuyết để nhà nghiên cứu Bùi Khánh Thế bàn về các vấn đề về chính sách ngôn ngữ, tình hình song ngữ, ngôn ngữ văn hoá các dân tộc thiểu số, v.v. trong một loạt báo cáo khoa học: "Một vài cứ liệu về song ngữ và vấn đề nghiên cứu song ngữ ở Việt Nam" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1979); "Ngôn ngữ văn hoá các dân tộc thiểu số từ góc nhìn quan hệ ngôn ngữ ở Việt Nam" (Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số phía Nam, 1993); "Problems of language contact in Vietnam (The main features of language change)" (Pan-Asiatic Linguistics - Proceeding of 4th ISSL, Bangkok, 1996); "Lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ và vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam (trường hợp TP. Hồ Chí Minh)" (Tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, 2005); "Tiếp xúc ngôn ngữ và việc vận dụng tiêu chuẩn về đặc trưng ngôn ngữ trong khi nghiên cứu các vấn đề dân tộc ở Việt Nam" (Tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam, 2005); "Từ ngòi bút sắt đến chiếc máy tính và những vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay" (Tạp chí Khoa học Xã hội, số 08 (96) - 2006)...

Nhìn chung, mặc dù ra đời đã gần một thế kỷ và có khả năng mở ra những khám phá mới về nguồn gốc ngôn ngữ, về những thay đổi của ngôn ngữ, về tình hình song ngữ và song văn hoá (biculturalism), nhưng những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá theo hướng tiếp cận của lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam chưa nhiều, hãy còn tản mạn. Đặc biệt, việc nghiên cứu về sự hình thành và cách thức sử dụng của các ngôn ngữ pha trộn (mixed languages), về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá trong môi trường xã hội đơn ngữ và song ngữ ở Việt Nam hầu như chưa được tiến hành một cách có bài bản.

Những đề tài nghiên cứu nêu trên có thể được tiến hành sâu hơn và có những đóng góp thiết thực hơn nếu được đặt trong phạm vi rộng lớn của chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học.

3. KHUYNH HƯỚNG DÂN TỘC-NGÔN NGỮ HỌC (ETHNOLINGUISTICS)

Ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ 19, tiếng Bahnar, tiếng Chăm đã được người Pháp nghiên cứu, xây dựng chữ viết hoặc biên soạn từ điển. Thời kỳ 1954-1975, các công trình nghiên cứu, lý luận và các chính sách liên quan đến các ngôn ngữ thiểu số được triển khai hàng loạt ở cả miền Bắc lẫn miền Nam. Hàng chục bộ chữ viết sử dụng mẫu tự La Tinh dành cho các ngôn ngữ chưa có chữ viết đã được xây dựng và triển khai phổ cập ở những mức độ khác nhau. Từ sau ngày thống nhất đất nước, các công trình nghiên cứu, lý luận và các chính sách đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ra đời ngày càng nhiều.

Trong quá trình đó, việc nghiên cứu các dân tộc trên hai bình diện dân tộc học và ngôn ngữ học luôn luôn liên quan mật thiết với nhau. Các nghiên cứu dân tộc học thường dành một tỷ lệ thích đáng để mô tả ngôn ngữ của dân tộc liên quan. Các công trình nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc cũng thường sử dụng hoặc cung cấp những thông tin dân tộc học liên quan. Do đó, như một quy luật tất yếu, khuynh hướng nghiên cứu liên ngành dân tộc-ngôn ngữ học đã dần dần được hình thành, và có sự đóng góp cả từ hai phía các nhà dân tộc học và các nhà ngôn ngữ học.

Năm 1945, R.F. Spencer đã công bố bài "The Annamese kinship system" ("Hệ thống từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng An Nam", SJA, 1.284-310, Southwestern Journal of Anthropology, Albuquerque N.N).

Năm 1973, Ján Mucka công bố bài "Kinship system and terminology in Vietnam" ("Hệ thống thân tộc và các từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Việt", AASB, 7 : 33-9).

Năm 1978, nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas xuất bản công trình Không gian xã hội vùng Đông Nam Á bằng tiếng Pháp, tập hợp các bài biên khảo do ông thực hiện ở Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1953 đến năm 1976. Hướng tiếp cận chung của công trình này là hướng tiếp cận liên ngành, và nó cho thấy tác giả rất am tường về các "không gian xã hội" mà mình nghiên cứu, trên cả ba bình diện dân tộc học, xã hội học và ngôn ngữ học. Năm 1997, bản tiếng Việt của công trình đặc sắc này đã có mặt ở Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, công tác điều tra cơ bản các dân tộc thiểu số Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành. Và đến năm 1978 và 1984, lần lượt hai công trình Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) và Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam) của Viện Dân tộc học đã ra đời. Trong hai công trình đó, một số nhà dân tộc học đã chú ý thu thập và khai thác thông tin liên quan đến văn hoá, lịch sử tiềm tàng trong ngôn ngữ các dân tộc liên quan.

Từ đó đến nay, hướng tiếp cận liên ngành dân tộc-ngôn ngữ học vẫn tiếp tục được một số nhà dân tộc học vận dụng khi khảo sát những vấn đề đòi hỏi những tri thức và phương pháp liên ngành. Chẳng hạn các công trình của Đặng Nghiêm Vạn: "Tên gọi các tộc người ở Việt Nam - một phản ánh xã hội" (Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, 1986), của Mạc Đường: Dân tộc học và vấn đề xác định thành phần dân tộc (1997), của Tạ Đức: Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn (1999), v.v.

Về phía các nhà ngôn ngữ học, kể từ thập niên 1970, Phạm Đức Dương đã chọn hướng tiếp cận liên ngành để khảo sát các vấn đề ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử của các dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á. Những công trình liên quan đến hướng tiếp cận này của ông có thể kể: "Một số cứ liệu ngôn ngữ về sự thân thuộc giữa các dân tộc thuộc nhóm Tạng Miến ở miền Bắc Việt Nam" (Thông báo Dân tộc học, số 3, 1973); "Về mối quan hệ thân thuộc giữa các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường ở miền Tây Quảng Bình" (Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, 1975); "Về ngôn ngữ Tiền-Việt Mường" (cùng với Hà Văn Tấn, Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1978); "Về quan hệ Việt Mường - Tày Thái qua tư liệu dân tộc ngôn ngữ học" (Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1978); "Một số vấn đề dân tộc-ngôn ngữ học ở nước ta" (Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1978); "Về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ nhóm Việt Mường" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1979); "Từ vấn đề ngôn ngữ Việt Mường góp phần tìm hiểu nguồn gốc dân tộc" (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3, 1981); "Vấn đề Proto-Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại" (Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, 1986); Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á (2000); Bức tranh ngôn ngữ - văn hoá tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á (2007); ...

Đặc biệt, chính nhờ sử dụng phương pháp tiếp cận liên ngành dân tộc-ngôn ngữ học, phối hợp với những tư liệu khảo cổ và thư tịch cổ Việt Nam mà vào năm 1978, Phạm Đức Dương cùng với nhà sử học Hà Văn Tấn trong bài "Về ngôn ngữ Tiền-Việt Mường" (Tạp chí Dân tộc học số 1, 1978) đã xác lập được một giả thiết có tính thuyết phục cao về nguồn gốc hình thành dân tộc Việt và tiếng Việt trên địa bàn trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, khối Tiền-Việt Mường là một trong những nhóm Mon-Khmer cổ nằm ngoài biên của dòng này đã di chuyển xuống đồng bằng Bắc Bộ và tiếp xúc với nhóm Tày cổ, một nhóm ngoài biên về phía Nam của dòng Đồng Thái lúc dó đã phân bố ở quanh vịnh Hà Nội. Quá trình này bắt đầu từ 2000 năm trước Tây lịch, tương ứng với giai đoạn mở đầu của thời đại Hùng Vương trong truyền thuyết của dân tộc Việt.

Về sau này, trong các bài giảng về Văn hoá Đông Nam Á và về Đông Nam Á học Việt Nam tại các trường đại học, Phạm Đức Dương cũng sử dụng cách tiếp cận liên ngành nói trên và nhờ đó đã đem lại những kiến giải sâu sắc, thấu đáo về lịch sử hình thành các dân tộc và các nền văn hoá ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Từ thập niên 1990, lại có thêm một số nhà ngôn ngữ khác tham gia hướng nghiên cứu thú vị này, như Nguyễn Văn Lợi với bài "Tộc danh của một số dân tộc ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Vấn đề tên gọi Giao Chỉ" (Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993), Nguyễn Đức Tồn với bài "Nghiên cứu đặc trưng văn hoá - dân tộc qua ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ" (Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993), v.v.

Các công trình nghiên cứu có tính chất liên ngành của các nhà dân tộc học và ngôn ngữ học đã tạo ra được nền móng ban đầu cho chuyên ngành dân tộc-ngôn ngữ học Việt Nam. Và riêng về phía các nhà ngôn ngữ học thì sự tham gia của họ đã bước đầu đem lại cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam một tiếng nói độc lập và có căn cứ đối với việc tìm hiểu văn hoá, lịch sử của các cộng đồng dân tộc.

4. KHUYNH HƯỚNG VĂN HOÁ-NGÔN NGỮ HỌC (CULTUROLINGUISTICS) HAY NGÔN NGỮ HỌC VĂN HOÁ (CULTURAL LINGUISTICS)

Khuynh hướng này hình thành trong thập niên 1990 và bước đầu đã tạo lập được một số cơ sở về mặt phương pháp luận cho sự ra đời một môn học hoặc một chuyên ngành mà những người đề xuất gọi là "văn hoá-ngôn ngữ học", "ngôn ngữ học văn hoá", hoặc "ngôn ngữ-văn hoá học".

Đề xuất thành lập môn học mới với tên gọi "văn hoá-ngôn ngữ học" hay "ngôn ngữ học văn hoá" là nhà ngôn ngữ học, văn hoá học Trần Ngọc Thêm, trong các công trình nghiên cứu như: "Đi tìm ngôn ngữ của văn hoá và đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ" (Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993), "Ngữ dụng học và văn hoá-ngôn ngữ học" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999). Theo ông, đây là một môn học nằm ở ranh giới giữa ngôn ngữ học với văn hoá học, và có thể chia thành hai bộ phận: văn hoá-ngôn ngữ học trong phạm vi một dân tộc, và văn hoá-ngôn ngữ học trong phạm vi nhiều dân tộc.

Năm 2000, nhà từ vựng - ngữ nghĩa Đỗ Hữu Châu, trong bài "Tìm hiểu văn hoá qua ngôn ngữ" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 10-2000), cũng vạch ra "một đề cương phương pháp luận" chưa đầy đủ cho việc nghiên cứu "ngôn ngữ-văn hoá học". Theo ông, mỗi từ ngữ cố định của ngôn ngữ, của tiếng Việt là một tên gọi của một yếu tố của văn hoá. Mỗi từ, mỗi ngữ cố định tự mình là một yếu tố của văn hoá. Và ông cũng phác thảo các phương pháp giúp phát hiện ra các hiểu biết văn hoá trong ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ.

Cũng thuộc khuynh hướng này là Nguyễn Văn Chiến, với các công trình như: "Danh từ thân tộc Việt trong hai loại hình ngôn ngữ đối chiếu: Khơme, Lào và Nga, Tiệp, Anh" (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3/1992), "Nước - một biểu tượng văn hoá đặc thù trong tâm thức người Việt và từ nước trong tiếng Việt (Nghiên cứu Ngôn ngữ - Văn hoá học)" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 15/2002), v.v.

Đặc sắc nhất trong số đó là công trình Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt (Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá) (2004). Trong cuốn sách dày 356 trang, chia làm sáu chương này, Nguyễn Văn Chiến đã khảo sát tương đối toàn diện cả về mối quan hệ "văn hoá và ngôn ngữ", và về việc "tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt". Mỗi chương sách đều đem lại những phát hiện mới hoặc tổng hợp, hệ thống hoá những phát hiện đã có mà tác giả thu thập được trong quá trình nghiên cứu về "ngôn ngữ-văn hoá học" và về vốn từ vựng văn hoá Việt. Chẳng hạn trong Chương hai khảo sát về "Các từ biểu thị mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền Việt Nam", tác giả đã xác lập được 21 nhóm từ biểu thị mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền của người Việt: tên gọi cây lúa, tên gọi các bộ phận cây lúa, các giống lúa, thời vụ canh tác, hệ thống canh tác, hệ thống thuỷ lợi, công đoạn canh tác, cách thức làm sạch lúa, kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật làm sạch lúa, cách thức xử lý đất trồng (công việc), kỹ thuật xử lý đất trồng (động tác), quá trình chế biến từ cây lúa đến các món ăn cơ bản, các sản phẩm từ cây lúa, các món ăn chế biến từ cây lúa, quá trình nấu / chế biến gạo thành cơm, những yếu tố cần thiết cho nghề trồng lúa, tên vật nuôi gắn bó với nghề trồng lúa, những khái niệm về cơ cấu cây trồng, cơ cấu bữa ăn của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền Việt Nam, phức hợp sản xuất nông nghiệp lúa nước. Mỗi nhóm từ như vậy lại bao gồm nhiều tiểu nhóm. Mặc dù tác giả đã nhầm khi cho rằng mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền Việt Nam là một vấn đề mà "chưa một ai làm sáng tỏ nó trên cứ liệu và theo tinh thần nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá học", và việc phân loại trên đây cũng có chỗ cần xem lại, nhưng bản danh mục rất dài mà tác giả đưa ra đã góp phần chứng minh sự gắn bó mật thiết và vốn hiểu biết phong phú, tinh tế, sâu sắc của người Việt đối với cây lúa và nghề trồng lúa. Tóm lại, có thể nói đây cũng là một công trình có vị trí quan trọng trên cả hai phương diện phương pháp luận và ứng dụng đối với việc nghiên cứu nội dung phản ánh văn hoá, lịch sử của từ vựng các ngôn ngữ ở Việt Nam.

Cũng có thể xếp vào khuynh hướng ngôn ngữ học văn hoá là một số công trình khác, như Từ vựng và đặc trưng từ vựng tiếng Bru (Vân Kiều) (Luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, 1997), "Ngôn ngữ học văn hoá với nhiệm vụ tìm hiểu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc" (Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục, 1999) của Lý Tùng Hiếu; Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hoá Việt Nam (luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, 1997) của Nguyễn Thị Thanh Phượng, v.v.

5. KHUYNH HƯỚNG NGÔN NGỮ HỌC NHÂN HỌC (ANTHROPOLOGICAL LINGUISTICS) VÀ NHÂN HỌC NGÔN NGỮ (LINGUISTIC ANTHROPOLOGY)

Thời kỳ 1954-1975, khoa nhân chủng học (anthropology) đã được giới thiệu ở Việt Nam, trên cả hai miền Nam Bắc. Có công giới thiệu ngành khoa học này ở miền Nam là Giáo sư Bửu Lịch, với các công trình xuất bản ở Sài Gòn như Vấn đề thân tộc (1966), Nhân chủng học và Lược khảo thân tộc học (1970). Từ năm 1968, nhân chủng học đã được đưa vào giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Phân khoa Khoa học Xã hội của Viện Đại học Vạn Hạnh. Trong công trình Nhân chủng học và Lược khảo thân tộc học (1970) dài 448 trang, Bửu Lịch đã trình bày chi tiết không những về đối tượng, phương pháp của nhân chủng học, mà cả về ngôn ngữ và ngôn ngữ học, nhằm "mục-đích giải-thích thêm vị-trí đặc-biệt của Ngữ-học đối với Nhân-chủng-học, nhất là theo quan-điểm của Sapir và Lévi-Strauss". Tính chất liên ngành trong phương pháp tiếp cận của công trình này rất rõ, và đây có thể xem là công trình mở đường về phương pháp luận của ngôn ngữ học nhân học và nhân học ngôn ngữ Việt Nam.

Một số nhà ngôn ngữ học thuộc Viện Ngữ học Mùa hè của Mỹ cũng có bài biên khảo về văn hoá các dân tộc thiểu số ở miền Nam từ góc độ liên ngành, như John D. Miller nghiên cứu về "Bru kinship" ("Quan hệ thân tộc Bru", Southeast Asia, số 2/1972), E. Fuller nghiên cứu về "Cross-cousin marriage and Chru Kinship terminology" ("Hôn nhân giữa anh chị em họ và thuật ngữ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Chru", Notes from Indochina on ethnic minority cultures, 1980), v.v.

Một số nhà nghiên cứu người Việt cũng theo hướng tiếp cận liên ngành nhằm mục đích ứng dụng như trên. Tiêu biểu là Bình Nguyên Lộc với cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971), xuất bản ở Sài Gòn. Trong cuốn sách dày 894 trang này, tác giả có một nỗ lực đáng ghi nhận là vận dụng khá nhiều tư liệu nhân chủng học, khảo cổ học, sử học và đặc biệt là tư liệu ngôn ngữ học mà mình tích luỹ được để cố gắng truy tìm cội nguồn của dân tộc Việt trong nhóm Indonésien mà ông gọi là nhóm Mã Lai. Những điểm hạn chế của công trình này là tư liệu không đầy đủ, phương pháp nghiên cứu không rõ ràng, lẫn lộn giữa hai bình diện ngôn ngữ học và nhân chủng học.

Ở miền Bắc, thành tựu nhân chủng học trong giai đoạn này cũng rất phong phú, cả trên hai phương diện lý thuyết và ứng dụng. Nổi bật là các công trình nghiên cứu của Nguyễn Đình Khoa mà số lượng lên đến hàng chục cuốn sách và bài báo: "Giới thiệu đại thể ngành nhân học" (Tin tức Hoạt động Khoa học, Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, số 7-1964); Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam - Dẫn liệu nhân chủng học (1976), v.v. Đặc biệt là công trình Nhân chủng học Đông Nam Á (1983), dài 216 trang, cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản về đối tượng, phạm vi nghiên cứu các cứ liệu, phương pháp tiếp cận, và những kiến giải mới về mặt nhân chủng học, góp phần vào việc nghiên cứu cội nguồn lịch sử cư dân và các dân tộc ở Đông Nam Á. Hạn chế trong công trình này cũng như các công trình khác của Nguyễn Đình Khoa là không phối hợp các tư liệu và phương pháp nhân chủng học, khảo cổ học với các tư liệu và phương pháp ngôn ngữ học để giải quyết các vấn đề theo phương thức tiếp cận liên ngành.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học và nhân học ngôn ngữ đã bị gián đoạn khá lâu. Phải đến cuối thập niên 1990, hướng nghiên cứu này mới được chú ý trở lại. Một số công trình nghiên cứu liên quan của nước ngoài đã được biên dịch và giới thiệu đến người đọc, như bài "Giới thiệu giả thuyết ‘Tính tương đối ngôn ngữ' của Sapir-Whorf" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999) của Lý Toàn Thắng, cuốn Ngôn ngữ văn hoá & xã hội. Một cách tiếp cận liên ngành (2006) do Vũ Thị Thanh Hương và Hoàng Tử Quân biên dịch, v.v.

Tiếp nối các thành tựu đó, từ năm 2000, Lý Tùng Hiếu đã xúc tiến một số công trình nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng theo hướng phối hợp tư liệu và phương pháp của các ngành ngôn ngữ học, nhân học, khảo cổ học, sử học..., trên cơ sở ngôn ngữ học. Các công trình nghiên cứu theo hướng liên ngành của tác giả này gồm có:

- "Vấn đề ý thức họ tộc, họ-thị tộc danh và họ-nhân danh ở các dân tộc Sedang, Bahnar, Brũ, Việt - tiếp cận từ nhân loại-ngôn ngữ học" ("The problems of family line conciousness, clan name, and last name in the Sedang, Bahnar, Brũ, and Viet ethnic groups - an anthropological-linguistic approach", Kỷ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, 2000; Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc, 2002).

- "Nhân học ngôn ngữ học ở Việt Nam - quá trình hình thành, đối tượng và phương pháp" (Những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ Đổi mới, 2003).

- "Hình thức tổ chức cộng đồng cơ sở của các dân tộc Mon-Khmer, từ góc nhìn ngôn ngữ học nhân học" (Hội thảo khoa học "Tiếng Việt - tiếp xúc ngôn ngữ, giao lưu văn hoá", 2006; Tập san Ngoại ngữ - Tin học & Giáo dục, Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh, số 9 bộ mới, 2007).

- Đặc điểm về cấu tạo từ và về văn hoá Brũ và Việt qua sự so sánh từ vựng của hai ngôn ngữ này (Luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu, 2007).

Tính cho đến trước khi công trình nghiên cứu này được tiến hành thì luận án tiến sĩ Đặc điểm về cấu tạo từ và về văn hoá Brũ và Việt qua sự so sánh từ vựng của hai ngôn ngữ này nói trên là công trình nghiên cứu bằng tiếng Việt khảo sát sâu hơn cả về quá trình nghiên cứu văn hoá, lịch sử bằng ngôn ngữ học trên thế giới và ở Việt Nam, cũng như về các đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu mà chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học có thể vận dụng để nghiên cứu các ngôn ngữ và các nền văn hoá ở Việt Nam. Về mặt ứng dụng, luận án đã cung cấp ngữ liệu và biện luận để làm rõ hai nhân tố chính của nền văn hoá truyền thống phản ánh trong từ vựng Brũ là tổ chức xã hội (lấy thị tộc - buôn làm cấu trúc nền) và hoạt động kinh tế (phát triển nông nghiệp lúa rẫy, tự cung cấp là chính, thương mại và đo lường còn sơ khai); cung cấp ngữ liệu, biện luận và thông qua so sánh với tiếng Brũ để làm rõ hai nhân tố chính của nền văn hoá truyền thống phản ánh trong từ vựng tiếng Việt là tổ chức xã hội (lấy dòng họ - làng làm cấu trúc nền) và cơ sở kinh tế (phát triển nông nghiệp lúa nước và thương mại); so sánh và chứng minh sự tương đồng về tổ chức xã hội (dòng họ - buôn làng) và hoạt động kinh tế (nông nghiệp trồng lúa) giữa các nhóm Katuic và Việt-Chứt, là cơ sở tạo nên tiềm năng hoà hợp giữa các nhóm này, vượt trên những khác biệt do tiến hoá và tiếp xúc văn hoá về sau. Tuy nhiên, do thông tin, tư liệu chưa đầy đủ, công trình này vẫn còn một số điểm hạn chế, chẳng hạn về việc đánh giá sự đóng góp của các nhà khoa học của thế giới và Việt Nam trong lãnh vực này, về việc đề xuất các đối tượng và phương pháp nghiên cứu mà chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học cần vận dụng để nghiên cứu các ngôn ngữ và các nền văn hoá ở Việt Nam.

Đồng thời với sự ra đời của các công trình nghiên cứu và dịch thuật, việc đào tạo về ngôn ngữ học nhân học cũng đã được khởi động ở Việt Nam. Ngày 23/10/2007, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký các Quyết định ban hành khung chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngôn ngữ học, trong đó "Một số vấn đề hiện đại của ngôn ngữ học nhân học" và các môn học khác liên quan đến ngôn ngữ học nhân học đã trở thành những môn học lựa chọn thuộc khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành của các bậc học trên. Hiện nay Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch đưa ngôn ngữ học nhân học thành một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo cao học về ngôn ngữ học mà trường này dự định tổ chức trong thời gian tới.

Theo cỗ máy dò tìm Google ngày 12/2/2008, hiện nay có 4 địa chỉ trên Internet cung cấp thông tin về từ khoá "ngôn ngữ học nhân học" bằng tiếng Việt, trong đó một địa chỉ liên quan đến luận án tiến sĩ nói trên, và ba địa chỉ liên quan đến các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngôn ngữ học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Gần như song hành với sự hình thành hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học, hướng nghiên cứu nhân học ngôn ngữ cũng được khởi động cùng với việc thành lập các khoa và bộ môn nhân học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vào cuối thập niên 1990. Đóng góp đáng kể vào quá trình này là Giáo sư Lương Văn Hy, Chủ nhiệm Khoa Nhân học Đại học Toronto, Canada. Không chỉ mang về Việt Nam nhiều tài liệu nhân học giá trị, vào năm 2000, Giáo sư Lương Văn Hy còn chủ biên và xuất bản cuốn Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt, một công trình phản ánh đúng hướng quan tâm của chuyên ngành nhân học ngôn ngữ là khảo sát vị trí của ngôn ngữ trong đời sống của các cộng đồng người. Một số sách biên khảo, sách giáo khoa về nhân học trong đó có nội dung nói về vai trò của ngôn ngữ và ngôn ngữ học, đã được các khoa và bộ môn nhân học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh biên soạn và dịch thuật. Chẳng hạn cuốn Một số vấn đề về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học (NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2006) của nhiều tác giả, do Vũ Thị Phương Anh, Phan Ngọc Chiến, Hoàng Trọng dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn và dịch thuật, việc giảng dạy chuyên ngành nhân học ngôn ngữ cũng được triển khai tại các khoa và bộ môn nhân học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ở hai cấp đại học và cao học, do Giáo sư Lương Văn Hy và một số nhà ngôn ngữ học Việt Nam phụ trách.

Theo cỗ máy dò tìm Google ngày 12/2/2008, hiện nay có 290 địa chỉ trên Internet cung cấp thông tin về từ khoá "nhân học ngôn ngữ" bằng tiếng Việt.

Là những chuyên ngành khoa học tương đối mới ở Việt Nam, cả hai hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học và nhân học ngôn ngữ đều đang gặp phải nhiều vấn đề khó cần giải quyết. Về mặt nghiên cứu, khó khăn hiện nay là: (1) Tình trạng thiếu thốn tư liệu, vì những tư liệu liên quan đã biên dịch và xuất bản thì số lượng không nhiều, còn nguồn tư liệu trên Internet thì đòi hỏi rất nhiều thời gian chọn lọc, biên dịch và tổng hợp. (2) Tình trạng không thống nhất về danh pháp và về ranh giới khả hữu giữa ngôn ngữ học nhân học với nhân học ngôn ngữ, cả trong quan niệm và trong thực tế nghiên cứu, giảng dạy của một số nhà khoa học Việt Nam.

Về mặt đào tạo, khó khăn hiện nay là: (1) Các nhà nhân học, dân tộc học Việt Nam và các sinh viên, học viên cao học theo đuổi hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học hoặc nhân học ngôn ngữ vốn không được trang bị những kiến thức chính quy về ngôn ngữ và ngôn ngữ học, nên rất khó tiếp thu và vận dụng các tri thức, phương pháp của ngôn ngữ học. (2) Với vị thế đang lên của nó, chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học cần phải được triển khai giảng dạy ở các khoa ngôn ngữ học, Việt ngữ học chứ không chỉ ở các khoa nhân học, dân tộc học, nhưng do các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và các sinh viên, học viên cao học theo đuổi hướng nghiên cứu này vốn không được trang bị những kiến thức chính quy về nhân học và dân tộc học, nên cũng khó tiếp thu và vận dụng các tri thức, phương pháp của nhân học và dân tộc học.

6. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ NHƯNG KHÔNG THUỘC CÁC KHUYNH HƯỐNG NÊU TRÊN

 

Trên đây là kết quả phân loại trong khả năng hiểu biết của chúng tôi đối với các công trình nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá ở Việt Nam, nhằm cung cấp một cái nhìn có tính hệ thống về lịch sử hình thành và về các nguồn dưỡng chất mà chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học Việt Nam cần tiếp nhận để trưởng thành. Tuy nhiên, không phải tất cả các công trình nghiên cứu có liên quan đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã được phân loại hết. Thực tế vẫn còn rất nhiều công trình khác không thể hoặc không cần thiết phải xếp vào khuynh hướng này hay khuynh hướng nọ, nhưng cũng là những công trình nghiên cứu liên ngành hữu ích mà những người theo đuổi hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học không thể bỏ qua.

Xét theo nội dung, các công trình nghiên cứu loại này có thể tạm chia thành ba tiểu nhóm:

(1) Nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá, đặc trưng văn hoá dân tộc trong các ngôn ngữ cụ thể:

 

- Hồng Dân. 1983. "Tiếng Việt với những cơ sở của nền văn hoá truyền thống Việt Nam", Tập san Thông báo Khoa học (phần khoa học xã hội), Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, số 1/1983.

- Nguyễn Kim Thản. 1983. Tiếng Việt của chúng ta. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Thị Tuyết Ngân. 1993. "Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá trong các lối chửi của người Việt", Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1993.

- Nhiều tác giả. 1993. Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hà Nội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

- Hoàng Anh Thi. 1995. "Một số đặc điểm văn hoá Nhật - Việt qua việc khảo sát hệ thống từ xưng hô", Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1995.

- Hoàng Tuệ. 1996. Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hoá. NXB Giáo dục.

- Nguyễn Văn Khang chủ biên. 1996. Ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt. Hà Nội: NXB Văn hoá - Thông tin.

- Hữu Đạt. 2000. Văn hoá và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt. Hà Nội: NXB Văn hoá - Thông tin.

- Đỗ Thị Bích Lài. 2000. "Ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp và vấn đề ngôi, số trong tiếng Việt (khảo sát qua lớp từ xưng hô)", Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, số đặc biệt Kỷ yếu tập II Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, số 15/2000.

- Nguyễn Thanh Tùng. 2000. "Research on the cultural and linguistic characteristics of words for plants and animals in Vietnamese (compared with English)", Kỷ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 16-17/11/2000.

- Trần Trí Dõi. 2001. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. NXB Văn hoá Thông tin.

- Trịnh Thị Kim Ngọc. 2002. "Tiềm năng ngôn ngữ trong nghiên cứu con người và văn hoá", Tạp chí Ngôn ngữ, số 14/2002.

- Nguyễn Đức Tồn. 2002. Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Nguyễn Thanh Tùng. 2003. Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của nhóm từ chỉ động thực vật tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh), luận văn tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Văn Độ. 2004. Tìm hiểu mối liên hệ ngôn ngữ - văn hoá. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Nguyễn Thiện Giáp. 2005. "Việc nghiên cứu đặc trưng văn hoá - dân tộc của tiếng Việt", Lược sử Việt ngữ học, tập một. NXB Giáo dục.

- Mai Thị Kiều Phượng. 2006. "Đặc trưng văn hoá dân tộc trong nghĩa hàm ẩn của phát ngôn hỏi khi giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt", Tạp chí Ngôn ngữ, số 9 (208)/2006.

- V.v.

(2) Nghiên cứu ứng dụng các tri thức về đặc trưng văn hoá dân tộc trong ngôn ngữ vào lãnh vực dạy tiếng:

- Bùi Khánh Thế. 1999. "Bản sắc văn hoá - tiếp cận từ ngôn ngữ học", Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

- Trịnh Thị Kim Ngọc. 1999. Ngôn ngữ và văn hoá: Tri thức nền và việc giảng dạy tiếng nước ngoài. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

- Phạm Thị Hoà. 2008. "Dạy thành tố văn hoá trong dạy - học ngoại ngữ", Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (149) - 2008.

- V.v.

(3) Nghiên cứu địa danh và nhân danh:

- Lê Trung Hoa. 1991, 2003. Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh). NXB Khoa học Xã hội.

- Bùi Đức Tịnh. 1999. Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ. TP. Hồ Chí Minh: NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Văn Âu. 2000. Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Lê Trung Hoa. 2002, 2005. Họ tên người Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội.

- Lê Trung Hoa. 2002, 2005. Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học. NXB Khoa học Xã hội.

- Từ Thu Mai. 2004. Nghiên cứu địa danh Quảng Trị, luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Trần Văn Dũng. 2004. Những đặc điểm chính của địa danh ở Dak Lăk, luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành lý luận ngôn ngữ, Trường Đại học Vinh, TP. Vinh.

- Tôn Nguyệt Hoa. 2005. Tên hay kèm điều tốt. NXB Văn hoá Dân tộc.

- Lê Trung Hoa. 2006. Địa danh học Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội.

- V.v.

Đây là những tài liệu có giá trị cả về mặt lý thuyết và ứng dụng đối với việc nghiên cứu các ngôn ngữ và các nền văn hoá ở Việt Nam từ góc độ liên ngành. Xin giới thiệu một vài tài liệu trong số đó.

Bài "Tiếng Việt với những cơ sở của nền văn hoá truyền thống Việt Nam" (TS Thông báo Khoa học (phần khoa học xã hội), Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, số 1/1983) của Hồng Dân là một công trình nghiên cứu súc tích. Bằng cách tập hợp và phân tích các nhóm từ ngữ được dùng làm tên gọi các giống lúa, các thời kỳ phát triển, các bộ phận của cây lúa, các sản vật chế biến từ lúa gạo, các từ ngữ xưng hô và cách xưng hô... vốn rất phong phú trong tiếng Việt, tác giả đã làm sáng tỏ hai cơ sở chủ yếu của nền văn hoá truyền thống Việt Nam: một là truyền thống văn hoá nông nghiệp trồng lúa nước, và hai là tinh thần gia đình như một nhân tố trung tâm quán xuyến trong hầu hết các mối quan hệ xã hội, phát triển cùng với quá trình hình thành cơ cấu gia đình - họ hàng - làng xã - quốc gia của dân tộc Việt. Được đăng tải năm 1983, có thể nói đây là một trong những công trình nghiên cứu sớm nhất vận dụng tri thức ngôn ngữ học để nghiên cứu nền văn hoá của dân tộc Việt.

Cuốn Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội xuất bản năm 1993, là một vựng tập các tham luận của các nhà ngôn ngữ học và một số nhà sử học, dân tộc học tham dự cuộc Hội thảo khoa học cùng tên do hai cơ quan trên tổ chức một năm trước đó: Nguyễn Lai, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Đức Tồn, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Cao Cương, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Chí Hoà, Đào Thản, Dương Kỳ Đức, N.V. Xtankevich, Phan Mậu Cảnh, Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Hoàng Tuệ, Vương Toàn, Võ Xuân Trang, Tạ Văn Thông, Trương Đông San, Nguyễn Ngọc Hùng, Bùi Khánh Thế, Hoàng Anh Thi, Nguyễn Văn Chiến, Hà Văn Tấn, Lê Sĩ Giáo... Với nội dung chính là thảo luận về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá và việc nghiên cứu những đặc trưng văn hoá dân tộc qua ngôn ngữ, có thể nói đây là một công trình đánh dấu bước phát triển mới của các khuynh hướng tiếp cận văn hoá, lịch sử bằng con đường ngôn ngữ học ở Việt Nam trong thập niên 1990.

Cuốn Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác) dày 392 trang, xuất bản năm 2002, là một công trình nghiên cứu đặc biệt công phu, đúc kết thành quả nghiên cứu, giảng dạy và hướng dẫn khoa học nhiều năm của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn. Được tiến hành theo hướng lý thuyết tâm lý ngôn ngữ học tộc người, nội dung của cuốn sách là tìm hiểu về đặc trưng văn hoá - dân tộc của sự phạm trù hoá và định danh thế giới khách quan, của ngữ nghĩa và tư duy ngôn ngữ ở người Việt, có so sánh với những dân tộc khác, trên cơ sở một số trường từ vựng ngữ nghĩa cơ bản. Có thể nói đây là một công trình đặc sắc, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và cung cấp tri thức về đặc trưng văn hoá dân tộc thể hiện qua ngôn ngữ và tư duy người Việt.

Bài "Đặc trưng văn hoá dân tộc trong nghĩa hàm ẩn của phát ngôn hỏi khi giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 9 (208)/2006) của Mai Thị Kiều Phượng là kết quả của một công trình khảo sát điền dã ngôn ngữ học sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành. Qua khảo sát 500 cuộc thoại thu âm được ở một số chợ tại Hà Nội, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh có sử dụng câu hỏi khi mua bán, tác giả cho biết 80% các câu hỏi khi mua bán đều có sử dụng các danh từ thân tộc để xưng hô. Trong một cuộc thoại mua bán việc xưng hô có thể được sử dụng nhiều lần, mỗi lần có thể có sự thay đổi từ ngữ xưng hô tuỳ theo chiến lược giao tiếp. Kết quả cụ thể: khi xưng có đến 86% trường hợp (430/500) người ta sử dụng các danh từ thân tộc thuộc hàng dưới hoặc bậc dưới như em, con, cháu, còn lại mới dùng các danh từ thuộc hàng trên như bác (bác gái, 6%, 30/500), thím (4,6%, 23/500), me, bu, má, u, bầm, mạ, mệ, mợ (4%, 20/500), cậu (3%, 15/500), bố, ba, cha, thầy, tía, bọ (2,4%, 12/500), mợ (1,8%, 9/500), dượng (0,06%, 3/500); còn khi gọi có đến 40,4% (202/500) trường hợp dùng các danh từ thân tộc thuộc hàng trên hoặc bậc trên như chị, cô, o, dì, còn lại mới dùng em, con, cháu (14%, 70/500), bà (10%, 50/500), anh, bác, chú (7,2%, 36/500), ông (4%, 20/500), và đặc biệt có 2% (10/500) dùng ngoại, nội. Những kết luận này tuy không mới, nhưng nó đã đem lại những chứng cứ ngôn ngữ học thuyết phục về các quy tắc xưng hô của người Việt mà một số công trình nghiên cứu trước đó đã nêu ra. Do đó, công trình này đã chứng tỏ hiệu quả của việc nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở ngôn ngữ học kết hợp với tri thức và phương pháp của các ngành khoa học tiếp giáp.

{

Tóm lại, căn cứ vào những tư liệu thu thập được, có thể phân chia lãnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá ở nước ta thành một số khuynh hướng, tương ứng với các chuyên ngành khoa học mà sự hình thành chính thức thường diễn ra rất muộn về sau: khuynh hướng ngôn ngữ học tiếp xúc hay khuynh hướng tiếp cận dựa trên lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ, khuynh hướng dân tộc-ngôn ngữ học, khuynh hướng văn hoá-ngôn ngữ học hay ngôn ngữ học văn hoá, khuynh hướng ngôn ngữ học nhân học và nhân học ngôn ngữ. Ngoài ra còn có nhiều công trình khác nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, với đối tượng và phương pháp ít nhiều có tính chất liên ngành, nhưng không thuộc các khuynh hướng nêu trên.

Trong số đó, khuynh hướng ngôn ngữ học nhân học đã được phôi thai từ thập niên 1970 và được quan tâm trở lại từ cuối thập niên 1990, nhưng vẫn đang trong giai đoạn hình thành chứ chưa thật sự trở thành một chuyên ngành khoa học.

 

Việc phân giới giữa ngôn ngữ học nhân học với các khuynh hướng, chuyên ngành tương cận nói trên như thế nào, là tuỳ theo quan điểm, mục đích phân loại của nhà nghiên cứu hoặc người tổng thuật. Nếu lấy nguồn gốc và danh xưng làm trọng, người ta buộc phải tách rời các khuynh hướng, chuyên ngành tương cận ấy ra, vì chúng có nhiều chỗ khác nhau. Theo đó, không thể xem khuynh hướng, chuyên ngành dân tộc-ngôn ngữ học như một bộ phận hữu cơ của ngôn ngữ học nhân học hiện đại. Cũng không thể xem nhân học ngôn ngữ và ngôn ngữ học nhân học chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một khuynh hướng, chuyên ngành, v.v.

Ngược lại, nếu như lấy nội dung, lấy những điểm chung về mục đích, đối tượng và phương pháp làm trọng, người ta vẫn có thể, trong khi theo đuổi một khuynh hướng, chuyên ngành nhất định, tiếp thu những tinh hoa của các khuynh hướng, chuyên ngành tương cận để bổ sung, phát triển hướng nghiên cứu của mình. Quả nhiên, cho dù nguồn gốc, đối tượng, phương pháp, thuật ngữ có chỗ khác biệt thì giữa các nhà khoa học liên quan đến lãnh vực nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá ở nước ta vẫn có những điểm chung cơ bản. Chẳng hạn, quan niệm xem ngôn ngữ vừa là một thành tố văn hoá vừa là một phương tiện chuyển tải bản sắc văn hoá của cộng đồng nói ngôn ngữ ấy. Trên cơ sở đó, ngôn ngữ mới được xem là một nguồn sử liệu quý báu để nghiên cứu văn hoá, lịch sử các dân tộc và các cộng đồng người, v.v.

Trong công trình này, chúng tôi theo quan điểm thứ hai.

Nguồn: Tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

*  Tiếng Việt:

1.      Belik, A.A. 1998. "Nhân học là gì", Bách khoa thư văn hoá học thế kỷ XX, của A.A. Belik & L.P. Voronkova, Saint-Peterburg. Từ Thị Loan dịch. http://www.vanhoanghethuat.org/.vn, 9/12/2005.

2.      Bình Nguyên Lộc. 1971. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Sài Gòn: Bách Bộc. 894 trang.

3.      Bùi Đức Tịnh. 1999. Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ. TP. Hồ Chí Minh: NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. 108 trang.

4.      Bùi Khánh Thế. 1979. "Một vài cứ liệu về song ngữ và vấn đề nghiên cứu song ngữ ở Việt Nam". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1979.

5.      Bùi Khánh Thế. 1986. "Một vài giả thuyết về các trạng thái biến đổi ngôn ngữ ở khu vực Đông Dương (vấn đề và triển vọng)", Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông. Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

6.      Bùi Khánh Thế. 1993. "Ngôn ngữ văn hoá các dân tộc thiểu số từ góc nhìn quan hệ ngôn ngữ ở Việt Nam", Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số phía Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7.      Bùi Khánh Thế. 1995. Nhập môn ngôn ngữ học. NXB Giáo dục.

8.      Bùi Khánh Thế. 1999. "Bản sắc văn hoá - tiếp cận từ ngôn ngữ học", Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 552-564.

9.      Bùi Khánh Thế. 2002. Đề cương chi tiết bài giảng môn học Lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ và vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. (Tài liệu lưu hành nội bộ).

10.   Bùi Khánh Thế. 2005. "Lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ và vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam (trường hợp TP. Hồ Chí Minh)", Tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội.

11.   Bùi Khánh Thế. 2005. "Tiếp xúc ngôn ngữ và việc vận dụng tiêu chuẩn về đặc trưng ngôn ngữ trong khi nghiên cứu các vấn đề dân tộc ở Việt Nam", Tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội.

12.   Bùi Khánh Thế. 2006. "Từ ngòi bút sắt đến chiếc máy tính và những vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay". Tạp chí Khoa học Xã hội, số 08 (96) - 2006, tr. 27-37.

13.   Bửu Lịch. 1966. Vấn đề thân tộc. Sài Gòn: Viện Khảo cổ.

14.   Bửu Lịch. 1970. Nhân chủng học và Lược khảo thân tộc học. Sài Gòn: NXB Lửa thiêng. 448 trang.

15.   Condominas, Georges. 1997. Không gian xã hội vùng Đông Nam Á. Nguyên tác tiếng Pháp xuất bản năm 1978, bản địch của Ngọc Hà & Thanh Hằng & Hồ Hải Thuỵ. Hà Nội: NXB Văn hoá.

16.   Đặng Nghiêm Vạn. 1986. "Tên gọi các tộc người ở Việt Nam - một phản ánh xã hội", Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.

17.   Đặng Nghiêm Vạn. 1991. "Cảm nghĩ về A.G. Haudricourt và G. Condominas". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991, tr. 8-12.

18.   Đặng Nghiêm Vạn. 2003. Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 400 trang.

19.   Đặng Nghiêm Vạn chủ biên & Ngô Văn Lệ & Nguyễn Văn Tiệp. 1998. Dân tộc học đại cương. NXB Giáo dục. 256 trang.

20.   Đỗ Hữu Châu. 2000. "Tìm hiểu văn hoá qua ngôn ngữ", Tạp chí Ngôn ngữ, số 10-2000.

21.   Đỗ Thị Bích Lài. 2000. "Ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp và vấn đề ngôi, số trong tiếng Việt (khảo sát qua lớp từ xưng hô)", Tập san Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, số đặc biệt Kỷ yếu tập II Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, số 15/2000.

22.   Hoàng Anh Thi. 1995. "Một số đặc điểm văn hoá Nhật - Việt qua việc khảo sát hệ thống từ xưng hô", Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1995.

23.   Hoàng Tuệ. 1991. "André Georges Haudricourt, cuộc hành trình khoa học gian khó và phong phú để hiểu con người". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991, tr. 2-7.

24.   Hoàng Tuệ. 1996. Ngôn ngữ và đời sống xã hội - văn hoá. NXB Giáo dục.

25.   Hồng Dân. 1983. "Tiếng Việt với những cơ sở của nền văn hoá truyền thống Việt Nam", Tập san Thông báo Khoa học (phần khoa học xã hội), Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, số 1/1983.

26.   Hữu Đạt. 2000. Văn hoá và ngôn ngữ giao tiếp của người Việt. Hà Nội: NXB Văn hoá - Thông tin. 196 trang.

27.   Jakhontov, S.E. 1973. "Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á". Nguyên bản tiếng Nga, bản dịch Nguyễn Văn Lợi. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991, tr. 73-77.

28.   Lê Đức Trọng. 1993. Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học (Việt - Anh - Pháp - Nga). NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

29.   Lê Sỹ Giáo chủ biên. 1995. Dân tộc học đại cương. NXB Giáo dục.

30.   Lê Trung Hoa. 1991, 2003. Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (Địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh). NXB Khoa học Xã hội. 184 trang.

31.   Lê Trung Hoa. 2002, 2005. Họ tên người Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. 300 trang.

32.   Lê Trung Hoa. 2002, 2005. Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học. NXB Khoa học Xã hội. 300 trang.

33.   Lê Trung Hoa. 2006. Địa danh học Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. 312 trang.

34.   Lương Văn Hy chủ biên. 2000. Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ thực tiễn tiếng Việt. NXB Khoa học Xã hội.

35.   Lý Toàn Thắng. 1999. "Giới thiệu giả thuyết ‘Tính tương đối ngôn ngữ' của Sapir-Whorf", Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999, tr. 23-31.

36.   Lý Toàn Thắng. 2002. Mấy vấn đề Việt ngữ học và ngôn ngữ học đại cương. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. 444 trang.

37.   Lý Tùng Hiếu. 1997. Từ vựng và đặc trưng từ vựng tiếng Bru (Vân Kiều), Luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

38.   Lý Tùng Hiếu. 1999. "Ngôn ngữ học văn hoá với nhiệm vụ tìm hiểu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc", Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

39.   Lý Tùng Hiếu. 2000, 2002. "Vấn đề ý thức họ tộc, họ-thị tộc danh và họ-nhân danh ở các dân tộc Sedang, Bahnar, Brũ, Việt - tiếp cận từ nhân loại-ngôn ngữ học" ("The problems of family line conciousness, clan name, and last name in the Sedang, Bahnar, Brũ, and Viet ethnic groups - an anthropological-linguistic approach"), Kỷ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 16-17/11/2000, tr. 113-115 (tóm tắt); Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông và các ngôn ngữ dân tộc, NXB Khoa học Xã hội, 2002, tr. 269-305 (toàn văn).

40.   Lý Tùng Hiếu. 2002. "Xây dựng và phát triển các khoa học liên ngành bậc đại học và sau đại học để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Liên kết và hợp tác để phát triển giáo dục đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, do Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, TP. Hồ Chí Minh, 10/10/2002, trang 201-205.

41.   Lý Tùng Hiếu. 2003. "Nhân học ngôn ngữ học ở Việt Nam - quá trình hình thành, đối tượng và phương pháp", Những thành tựu khoa học xã hội và nhân văn ở các tỉnh phía Nam trong thời kỳ Đổi mới, NXB Khoa học Xã hội, tr. 633-652.

42.   Lý Tùng Hiếu. 2004. "Liên kết lực lượng nghiên cứu, phát triển các khoa học liên ngành - phương án cấp thiết để thúc đẩy công cuộc nghiên cứu Tây Nguyên", Hội thảo khoa học Những vấn đề cơ bản và cấp bách về khoa học xã hội và nhân văn ở Tây Nguyên, do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức, TP. Buôn Ma Thuột, 19-20/2/2004.

43.   Lý Tùng Hiếu. 2006, 2007a. "Hình thức tổ chức cộng đồng cơ sở của các dân tộc Mon-Khmer, từ góc nhìn ngôn ngữ học nhân học", Hội thảo khoa học "Tiếng Việt - tiếp xúc ngôn ngữ, giao lưu văn hoá", Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông (Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh), Khoa Việt Nam học (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) đồng tổ chức, TPHCM, 17/6/2006; Tập san Ngoại ngữ - Tin học & Giáo dục (Trường Đại học Dân lập Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh), số 9 bộ mới, 2007, tr. 117-126.

44.   Lý Tùng Hiếu. 2007b. Đặc điểm về cấu tạo từ và về văn hoá Brũ và Việt qua sự so sánh từ vựng của hai ngôn ngữ này, Luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, 6/10/2007. 311 trang.

45.   Mạc Đường (1997), Dân tộc học và vấn đề xác định thành phần dân tộc, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 396 trang.

46.   Mai Thị Kiều Phượng. 2006. "Đặc trưng văn hoá dân tộc trong nghĩa hàm ẩn của phát ngôn hỏi khi giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt", Tạp chí Ngôn ngữ, số 9 (208)/2006.

47.   Nguyễn Duy Quý. 2002. "Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc", Tạp chí Khoa học Xã hội, số 2 (54) - 2002.

48.   Nguyễn Duy Thiệu chủ biên. 1997. Các dân tộc ở Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Văn hoá Dân tộc. 338 trang.

49.   Nguyễn Đình Hoà. 1962. Bài giảng ngữ-học nhập-môn, Tập I. Sài Gòn: Nhà in Bình minh.

50.   Nguyễn Đình Khoa. 1964. "Giới thiệu đại thể ngành nhân học", Tin tức Hoạt động Khoa học (Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước), số 7-1964.

51.   Nguyễn Đình Khoa. 1976. Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam - Dẫn liệu nhân chủng học. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

52.   Nguyễn Đình Khoa. 1983. Nhân chủng học Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.

53.   Nguyễn Đức Tồn. 1993. "Nghiên cứu đặc trưng văn hoá - dân tộc qua ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ", Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hà Nội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, tr. 17-21.

54.   Nguyễn Đức Tồn. 2002. Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 392 trang.

55.   Nguyễn Kiên Trường chủ biên & Lý Tùng Hiếu hiệu đính. 2005. Tiếp xúc ngôn ngữ ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. 306 trang.

56.   Nguyễn Kim Thản. 1983. Tiếng Việt của chúng ta. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

57.   Nguyễn Lai. 1997. Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương, Tập I (Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy). Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 248 trang.

58.   Nguyễn Thanh Tùng. 2003. Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của nhóm từ chỉ động thực vật tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh), luận văn tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

59.   Nguyễn Thị Thanh Phượng. 1997. Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hoá Việt Nam, luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

60.   Nguyễn Thị Tuyết Ngân. 1993. "Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá trong các lối chửi của người Việt", Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1993.

61.   Nguyễn Thiện Giáp chủ biên. 2005. Lược sử Việt ngữ học, tập một. NXB Giáo dục.

62.   Nguyễn Văn Âu. 2000. Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 156 trang.

63.   Nguyễn Văn Chiến. 1992. "Danh từ thân tộc Việt trong hai loại hình ngôn ngữ đối chiếu: Khơme, Lào và Nga, Tiệp, Anh", Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3/1992.

64.   Nguyễn Văn Chiến. 2002. "Nước - một biểu tượng văn hoá đặc thù trong tâm thức người Việt và từ nước trong tiếng Việt (Nghiên cứu Ngôn ngữ - Văn hoá học)", Tạp chí Ngôn ngữ, số 15/2002.

65.   Nguyễn Văn Chiến. 2004. Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt (Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá). Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. 356 trang.

66.   Nguyễn Văn Diệu. 1999. "Bảo tồn văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số", Tạp chí Khoa học Xã hội, số 40 - II/1999.

67.   Nguyễn Văn Độ. 2004. Tìm hiểu mối liên hệ ngôn ngữ - văn hoá. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

68.   Nguyễn Văn Khang chủ biên. 1996. Ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt. Hà Nội: NXB Văn hoá - Thông tin. 190 trang

69.   Nguyễn Văn Lợi. 1993. "Tộc danh của một số dân tộc ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Vấn đề tên gọi Giao Chỉ", Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hà Nội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, tr. 35-44.

70.   Nhiều tác giả. 1993. Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hà Nội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. 160 trang.

71.   Nhiều tác giả. 2006. Ngôn ngữ văn hoá & xã hội. Một cách tiếp cận liên ngành, nguyên bản tiếng Anh, bản dịch của Vũ Thị Thanh Hương & Hoàng Tử Quân. Hà Nội: NXB Thế giới. 360 trang.

72.   Nhiều tác giả. 2006. Một số vấn đề về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nhân học, nguyên bản tiếng Anh, bản dịch của Vũ Thị Phương Anh & Phan Ngọc Chiến & Hoàng Trọng. TP. Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

73.   Phạm Đức Dương. 1973. "Một số cứ liệu ngôn ngữ về sự thân thuộc giữa các dân tộc thuộc nhóm Tạng Miến ở miền Bắc Việt Nam", Thông báo Dân tộc học, số 3, 1973.

74.   Phạm Đức Dương. 1975. "Về mối quan hệ thân thuộc giữa các ngôn ngữ thuộc nhóm Việt Mường ở miền Tây Quảng Bình", Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

75.   Phạm Đức Dương. 1978a. "Về quan hệ Việt Mường - Tày Thái qua tư liệu dân tộc ngôn ngữ học", Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1978.

76.   Phạm Đức Dương. 1978b. "Một số vấn đề dân tộc-ngôn ngữ học ở nước ta", Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1978.

77.   Phạm Đức Dương. 1979. "Về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ nhóm Việt Mường", Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1979.

78.   Phạm Đức Dương. 1981. "Từ vấn đề ngôn ngữ Việt Mường góp phần tìm hiểu nguồn gốc dân tộc", Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3, 1981.

79.   Phạm Đức Dương. 1986. "Vấn đề Proto-Việt Mường trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại", Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông. Hà Nội: Viện Ngôn ngữ học.

80.   Phạm Đức Dương. 2000. Văn hoá Đông Nam Á. Bài giảng môn học Văn hoá Đông Nam Á tại Khoa Đông Nam Á, Trường Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh.

81.   Phạm Đức Dương. 2000. Đông Nam Á học Việt Nam. Bài giảng chuyên đề Đông Nam Á học Việt nam tại Khoa Đông Nam Á, Trường Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh.

82.   Phạm Đức Dương. 2000. Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội. 376 trang

83.   Phạm Đức Dương. 2002. Từ văn hoá đến văn hoá học. Hà Nội: Viện Văn hoá & NXB Văn hoá Thông tin.

84.   Phạm Đức Dương. 2007. Bức tranh ngôn ngữ - văn hoá tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 384 trang.

85.   Phạm Đức Dương & Hà Văn Tấn. 1978. "Về ngôn ngữ Tiền-Việt Mường", Tạp chí Dân tộc học, số 1, 1978.

86.   Phạm Thị Hoà. 2008. "Dạy thành tố văn hoá trong dạy - học ngoại ngữ", Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (149) - 2008.

87.   Phan Hữu Dật. 1998. Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 720 trang.

88.   Phan Ngọc & Phạm Đức Dương. 1983. Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á. Hà Nội: Viện Đông Nam Á.

89.   Tạ Đức. 1999. Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc - biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn. Hà Nội: Hội Dân tộc học Việt Nam. 432 trang.

90.   Tạp chí Ngôn ngữ. 1991. "Công trình của A.G. Haudricourt". Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991, tr. 13-18.

91.   Tôn Nguyệt Hoa. 2005. Tên hay kèm điều tốt. NXB Văn hoá Dân tộc. 480 trang.

92.   Trần Ngọc Thêm. 1993. "Đi tìm ngôn ngữ của văn hoá và đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ", Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá. Hà Nội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam & Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

93.   Trần Ngọc Thêm. 1999. "Ngữ dụng học và văn hoá-ngôn ngữ học", Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999, tr. 32-37.

94.   Trần Thị Ngọc Lang. 1995. Phương ngữ Nam Bộ. NXB Khoa học Xã hội.

95.   Trần Trí Dõi. 1999. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

96.   Trần Trí Dõi. 2001. Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá xã hội. NXB Văn hoá Thông tin. 268 trang.

97.   Trần Văn Dũng. 2004. Những đặc điểm chính của địa danh ở Dak Lăk, luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành lý luận ngôn ngữ, Trường Đại học Vinh, TP. Vinh. 202 trang.

98.   Trịnh Thị Kim Ngọc. 1999. Ngôn ngữ và văn hoá: Tri thức nền và việc giảng dạy tiếng nước ngoài. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

99.   Trịnh Thị Kim Ngọc. 2002. "Tiềm năng ngôn ngữ trong nghiên cứu con người và văn hoá", Tạp chí Ngôn ngữ, số 14/2002.

100. Từ Thu Mai. 2004. Nghiên cứu địa danh Quảng Trị, luận án tiến sĩ ngữ văn chuyên ngành ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 299 trang.

101. Viện Dân tộc học. 1978. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc). Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

102. Viện Dân tộc học. 1984. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam). Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

*  Tiếng Anh, tiếng Pháp:

103. Bui Khanh The. 1996. "Problems of language contact in Vietnam (The main features of language change)", Pan-Asiatic Linguistics - Proceeding of 4th ISSL, Bangkok.

104. Coèdes, G. 1948. "Les langues de l'Indochine", Extrait des conférences de l'Institut de Linguistique de l'Université de Paris, T.VIII, année 1940-1948, pp. 63-81.

105. Fuller, E. 1980. "Cross-cousin marriage and Chru Kinship terminology" ("Hôn nhân giữa anh chị em họ và thuật ngữ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Chru", Notes from Indochina on ethnic minority cultures, ed. by Marilyn Gregerson and Dorothy Thomas, 113-23, Summer Institute of Linguistics, Museum of Anthropology Publication 6. Dallas: Summer Institute of Linguistics, Museum of Anthropology.

106. Haudricourt, André-Georges. 1968. "Linguistique et ethnologie", Ethnologie générale, Vol. XXIV, Paris.

107. Haudricourt, André-Georges. 1971. "Ethnoscience et ethnolinguistique, Annuaire 1970-1971, Ecole pratique des Hautes Etudes.

108. Haudricourt, André-Georges. 1975. "Ethnoscience et ethnolinguistique", Annuaire 1974-1975, Ecole des Hautes en Sciences sociales.

109. Jukes, Anthony & Pejros, Ilia. 1996. "A Katuic cultural reconstructrion", Proceedings of the Fourth International Symposium on Languages and Linguistics, Volume III, Institute of Language and Culture for Rural Development, Mahidol University at Salaya, Thailand, 8-10/1/1996.

110. Maspéro, Henri. 1912. "Études sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales", BEFEO, Vol. 12, no. 1, 1912, pp. 1-127.

111. Miller, John D. 1972. "Bru kinship", Southeast Asia, 2/1972.

112. Mucka, Ján. 1973. "Kinship system and terminology in Vietnam" ("Hệ thống thân tộc và các từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Việt"), AASB, 7 : 33-9.

113. Nguyễn Thanh Tùng. 2000. "Research on the cultural and linguistic characteristics of words for plants and animals in Vietnamese (compared with English)", Kỷ yếu Hội nghị quốc tế lần thứ năm về ngôn ngữ học và ngôn ngữ học liên Á, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 16-17/11/2000.

114. Spencer, R.F. 1945. "The Annamese kinship system" ("Hệ thống từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng An Nam"), SJA, 1.284-310, Southwestern Journal of Anthropology, Albuquerque N.N.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Bùi Hoài Sơn, Đỗ Thị Thanh Thủy. Cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

  • Joseph Caspermeyer. Nghiên cứu mới cho thấy sự đa dạng di truyền của người Việt Nam

  • Nguyễn Chu Hồi. Biển, đảo Việt Nam - Bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc

  • Nguyễn Huy Phòng. Thách thức trong kiến tạo hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

  • Nguyễn Văn Thanh. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 776
  • Tổng :
  • 3 7 8 0 5 4 4 2
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

VHVN: Những vấn đề chung