logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • VHVN: Những vấn đề chung
Sunday, 25 October 2009 16:10

Phan Thu Hiền. Hệ giá trị đạo đức Phật giáo…

Người post bài:  TT VHH

HỆ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

(Qua CA DAO, TỤC NGỮ)

 

PGS.TS. PHAN THU HIỀN

[Báo cáo đã trình bày và đăng kỷ yếu Hội thảo khoa học Hệ giá trị văn hóa truyền thống và sự chuyển đổi hệ giá trị trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, Biên Hòa, Đồng Nai, 9 - 2009].

            Phật giáo đã có chừng hai ngàn năm sống trong lòng dân tộc. Khi đóng vai trò tôn giáo quốc gia, được triều đình bảo trợ trong thời kỳ đầu của văn hóa Đại Việt cũng như sau này khi lui về thôn quê, ở cùng quảng đại quần chúng, Phật giáo luôn là một thành tố quan trọng tạo dựng nền tảng đạo đức Việt Nam:

 

           

            Mái chùa che chở hồn dân tộc

            Nếp sống muôn đời của tổ tông

(Huyền Không)

Tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam không thể không nghiên cứu kỹ lưỡng những mạch nguồn Phật giáo. Tuy nhiên, có thể thấy Phật giáo Việt Nam chưa được quan tâm xứng tầm vóc, nếu so trong tương quan với Nho giáo Việt Nam. Báo cáo này của chúng tôi xin đi vào một khía cạnh nhỏ: Hệ giá trị Phật giáo trong văn hóa đạo đức Việt Nam.  

            Xác định khái niệm "giá trị" (values), trong Từ điển hàn lâm về Văn hóa học (The sage dictionary of Cultural studies), Chris Barker viết: "Một thứ có giá trị là thứ được chúng ta xem đáng giá và có tầm quan trọng tương đối so với những thứ khác" [Chris Barker 2004: 206]. Như vậy, giá trị là vấn đề của quan hệ có tính định hướng giữa chủ thể với đối tượng. Giá trị mang tính chủ quan, cái mà người này xem là giá trị, người khác có thể thấy không. Hơn nữa, giá trị không phải một đại lượng tự quy chiếu mà chỉ hiện ra trong đối sánh, giá trị được xác định do thao tác lựa chọn của chủ thể, tách biệt nó so với những cái khác ít giá trị hơn, phản giá trị, phi giá trị, vô giá trị...

            Triết gia E. Kant từng phân biệt giữa khái niệm "giá trị" và "giá": "Vật nào có thể đem trao đổi được đều có một giá, duy có một số vật không lấy gì thay thế được thì có một giá trị. Ví dụ: Chiếc đồng hồ có một giá, còn tình bạn, tình yêu, lòng yêu nước, tinh thần hy sinh vì đại nghĩa, kiệt tác nghệ thuật, tín ngưỡng thần linh... là những cái vô giá, tức là những giá trị văn hóa". [Dẫn lại theo Phan Quốc Anh]. Thực ra, đây là sự phân biệt giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị đạo đức thuộc về những giá trị tinh thần.

            Có giá trị mang tính cá nhân. Nhưng quan trọng hơn là những giá trị được đa số thừa nhận, tin tưởng, trở thành chuẩn mực chung của cộng đồng. Những giá trị này có chức năng định hướng đối với sự phấn đấu của các thành viên trong cộng đồng nhắm tới tiêu chuẩn Chân - Thiện - Mỹ, nhắm tới sự hoàn thiện, tiến bộ.

            Phan Ngọc đã hiểu văn hóa từ đặc trưng về tính giá trị khi ông viết: "Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng với thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân nọ so với một tộc người, một cá nhân khác." [Phan Ngọc 1994: 105]. Định nghĩa văn hóa của Trần Ngọc Thêm tỏ ra thấu đáo, đích đáng hơn khi xác định rõ đặc trưng về tính giá trị gắn với đặc trưng về tính hệ thống và đặc trưng về tính lịch sử: "Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình" [Trần Ngọc Thêm 2004: 25]. Có thể tìm hiểu bản sắc riêng của một nền văn hóa qua hệ giá trị của nó, hệ giá trị không phải chỉ là tập hợp những giá trị đơn lẻ nào đó mà cả những quan hệ, những nguyên tắc cấu trúc các giá trị ấy thành hệ thống hữu cơ. Hệ giá trị của một cộng đồng, một dân tộc không nhất thành, bất biến. Qua quá trình hoạt động thực tiễn, đáp ứng những điều kiện, đòi hỏi của xã hội trong những thời kỳ lịch sử nhất định, trong sự tương tác chủ yếu với môi trường xã hội, giao lưu tiếp xúc với văn hóa khác của những cộng đồng, dân tộc khác, hệ giá trị của một cộng đồng, một dân tộc có thể được bổ sung, điều chỉnh.

            Báo cáo của chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam qua hệ giá trị Phật giáo mà dân tộc đã xây dựng trên cơ sở tiếp biến ảnh hưởng Ấn Độ và Trung Quốc. Trong ảnh hưởng Phật giáo bao trùm nhiều lĩnh vực, báo cáo này tập trung vào hệ giá trị đạo đức, và chỉ đề cập các khía cạnh tôn giáo - triết học có ý nghĩa nền tảng thế giới quan, nhân sinh quan cho hệ giá trị đạo đức.   

Tư liệu nghiên cứu giới hạn ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ - vốn liếng văn hóa hun đúc bao đời của quần chúng nhân dân. Cụ thể chúng tôi khảo sát qua hợp tuyển Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam do Lệ Như Thích Trung Hậu biên soạn (từ đây xin viết tắt CDTNPGVN). 775 trang in, công trình này đã sắp xếp các đơn vị ca dao, tục ngữ, một mặt, theo trình tự alphabet, mặt khác theo các chủ đề nên khá thuận tiện cho những người nghiên cứu. Khó khăn của người nghiên cứu cũng chính là khó khăn mà người biên soạn đã phải đương đầu: trong những câu ca dao, tục ngữ có vẻ thể hiện những luận điểm Phật giáo, dùng những thuật ngữ Phật giáo, nhiều trường hợp không dễ dàng xác định rạch ròi giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo; triết lý Phật giáo và kinh nghiệm dân gian... Lệ Như Thích Trung Hậu theo hướng thà chọn dư còn hơn bỏ sót, như GS Cao Huy Thuần đã viết đầy đồng cảm trong "Lời giới thiệu": "Chọn lựa của tác giả quả là ray rứt, bỏ thì thương vương thì tội. Tác giả đành mang tội, đành gánh tội nghiệp trên vai, gánh mọi phê bình chỉ trích mà tác giả biết trước. Bù lại, mọi người được thưởng thức hoa thơm cỏ lạ mà tác giả đã hái trong nhiều chục năm qua..." [Lệ Như Thích Trung Hậu 2002: 13]. Với tư cách người nghiên cứu, chúng tôi nghiêng theo khuynh hướng ngược lại: thà bỏ sót hơn chọn dư. Khi dựa trên CDTNPGVN, chúng tôi cân nhắc để chỉ khảo sát những đơn vị (câu / bài) có độ thuyết phục (tương đối) cao. Tất nhiên, lựa chọn như vậy cũng là "đành mang tội" theo một cách khác, nhưng chúng tôi cho rằng cách này có thể chấp nhận được, dựa vào một tiền đề mà Propp đã giới thuyết trong phần mở đầu công trình Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ, đại ý: vì một cấu trúc loại hình thể hiện nhất dạng qua thiên hình vạn trạng các cá thể thuộc loại hình đó nên việc nghiên cứu cấu trúc loại hình có thể bắt đầu ngay cả khi chúng ta chưa thể tập hợp được đầy đủ đến cạn kiệt tất cả số lượng các cá thể thuộc loại hình. Về thao tác nghiên cứu, chúng tôi dựa trên tư liệu ca dao tục ngữ để khái quát - ưu tiên quy nạp hơn là diễn dịch. Chúng tôi dùng "chính thể" và "biến thể" (cả hai đều đặt trong ngoặc kép biểu đạt tính quy ước của những khái niệm công cụ dùng trong báo cáo này) để phân biệt những trường hợp thể hiện sự kế thừa tương đối trung thành quan niệm đạo đức Phật giáo Ấn Độ với những trường hợp có độ điều chỉnh nhất định (hay "độ khúc xạ", nếu mượn cách nói của Phan Ngọc) cho thấy nét riêng của văn hóa dân gian Việt Nam trong tiếp biến ảnh hưởng ngoại nhập. 

* *

*

1. Những quan niệm đạo đức gắn với nền tảng triết lý Nghiệp báo - Luân hồi

Thể hiện rõ nét nhất ảnh hưởng Phật giáo và cũng xuất hiện đậm đặc nhất qua ca dao, tục ngữ là những quan niệm đạo đức gắn với nền tảng triết lý Nghiệp báo - Luân hồi.

1.1. Trước hết về tư tưởng Nghiệp báo. Triết học Phật giáo Ấn Độ thể hiện phạm trù này qua thuật ngữ Karma, nguyên nghĩa là Hành động. Hành động là tiến trình 3 giai đoạn kế tiếp nhau trong đó tác ý (dự định hành động) điều khiển hành vi của thân, khẩu, ý (thực hiện hành động) dẫn đến (kết quả của hành động) không chỉ thay đổi đối tượng, môi trường bên ngoài mà còn thay đổi chính chủ thể của hành động qua sự tạo tác một tâm tính nhất định. Phật giáo Ấn Độ nhấn mạnh kết quả tuyệt đích với giá trị nội hướng của hành động hơn là kết quả ngoại hướng, cụ thể, trực tiếp. Cái tôi / tâm tính / nhân cách của ta quyết định những tác ý, những hành động của bản thân ta và đồng thời cũng được nhào nắn, khuôn đúc từ chính những tác ý, những hành động của bản thân ta. Đức Phật từng dạy trong kinh Majjhima Nikaya: "Chúng ta là chủ nhân những hành động của mình, là người thừa tự hành động của mình; ta sinh ra từ hành động của mình, chúng là quyến thuộc, là nơi nương tựa của ta." [Dẫn lại theo Andrew Olendzki 2008: 87]. Hành động (tốt / xấu) tạo tác nên nhân cách tương ứng, đến lượt mình, nhân cách (tốt / xấu) tạo nên vận mệnh tương ứng. Nghiệp báo (Karma), như vậy, không gì khác hơn chính quan hệ tương ứng giữa những hành động ta chọn làm với sự tạo tác nên con người ta từ những hành động ấy và cuối cùng, với số phận của chúng ta. Không có Định mệnh do một thế lực bên ngoài sắp đặt mà số phận bản thân, nói đến cùng, đã được tạo tác bởi chính những hành động của chúng ta.

Cốt lõi giản dị của phạm trù Karma là tư tưởng Nhân quả: Mọi hành động (tốt / xấu) đều tạo ra một kết quả (số phận) tương ứng, và người nhận chịu kết quả ấy chính là chủ thể của hành động. Ai gieo, người đó gặt và gieo gì gặt nấy. Hệ quả là người ta phải nỗ lực theo thiện tránh ác, bằng cách đó có được số phận tốt đẹp. Phật giáo dân gian Việt Nam tiếp thu triết lý Nghiệp báo ở cốt lõi giản dị nhất này.

Trong CDTNPGVN, có 47 đơn vị thể hiện tư tưởng Nhân quả Ai gieo người đó gặt và gieo gì gặt nấy với nhiều lối diễn đạt phong phú:

-          gieo / cấy / trồng A - gặt / ăn quả A' [Gieo gió gặt bão - Cấy gió chịu bão - Trồng cây chua ăn quả chua, trồng cây ngọt ăn quả ngọt...]

-          hành động A - gặp / phùng kết quả A' [Ở hiền gặp lành - ở ác gặp dữ - Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc - Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác...]

-          hành động A - kết quả A' đến / lai / quy / báo / đáo đầu [Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay - Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai - Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình - Đạo trời báo phúc chẳng lâu, hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai - Tội hữu sở quy, ai làm nấy chịu...]

-          hành động A - sinh / sanh kết quả A' [Thiện sanh phước chung...]

-          hành động A - kết quả A' (dành cho) [Ở hiền thì lại gặp lành, hễ ai ở ác tội dành vào thân...]

-          hành động A - kết quả A' [Mưu thâm, họa diệc thâm - Sinh sự, sự sinh...]

-          tương báo / quả báo / trả báo [Oan oan tương báo - Quả báo nhỡn tiền - Lên yên khó nỗi dục yên, tiền căn báo hậu nhãn tiền thấy chưa - Đời xưa trả báo thì chầy, đời nay trả báo thấy ngay nhỡn tiền...]

-          ai hành động A - người ấy / nấy (nhận kết quả) A' [Ai ăn mặn người ấy khát nước...]

-          mình làm mình chịu [Mình làm mình chịu, chẳng ông tổ, ông tông nào làm - Trách thân chẳng dám giận trời, trách thân lắm lắm giận trời bao nhiêu...]

-          làm hành động A với (đối tượng) B, (chủ thể) B làm hành động A' trở lại [Hại nhân, nhân hại...]

Ngoài dạng thức "chính thể" này, trong ca dao tục ngữ Việt Nam xuất hiện hai dạng thức "biến thể".

"Biến thể" thứ nhất: Triết lý Nghiệp báo của Phật giáo giao thoa với triết lý Thiên mệnh của Nho giáo hoặc ý niệm về ông trời trong dân gian ("trời có mắt", "lưới trời lồng lộng"...) để hình thành tư tưởng Nhân quả theo kiểu Trời thưởng / phạt tương ứng. Hình ảnh một ông Trời có nhân cách cầm cân công lý như vậy vốn không có trong Phật giáo Ấn Độ. CDTNPGVN có 5 đơn vị diễn đạt quan niệm này, với hàm lượng ảnh hưởng Phật giáo rõ hơn ảnh hưởng Nho giáo hoặc dân gian:

-  Nghĩa nhân Trời Phật thưởng ban,

 Ai hành ác nghiệp bạo tàn nát thây

Trong những câu thuộc loại này, vế Trời thưởng người thiện thường đề cập khá chung chung, trừu tượng trong khi vế Trời phạt kẻ ác lại thường cụ thể, chi tiết, hãi hùng. Những bức tranh trên chùa cũng vậy, cảnh địa ngục cho kẻ ác thường được "tả thực" hơn nhiều so với cảnh thiên đàng. Hiệu quả cảnh báo, răn đe được nhấn mạnh.

"Biến thể" thứ hai: Trong khi phạm trù Karma của Ấn Độ chỉ nhấn mạnh kết quả hành động báo về chính chủ thể của hành động, ai gieo người ấy gặt (A gieo A gặt), CDTNPGVN có 15 đơn vị thể hiện tư tưởng cha mẹ / tổ tiên / đời trước / tiền nhân gieo - con cháu / đời sau / hậu bối gặt (A gieo B gặt). Người ta càng phải thận trọng lựa chọn hành động (tốt / xấu) vì mỗi hành động tạo nghiệp báo ứng không chỉ trở lại chính bản thân mà đến con cháu mấy đời.  

-          Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con

-          Đời cha ăn mặn, đời con khát nước

-          Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ

-          Một đời làm hại, bại hoại ba đời

-          Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời về sau

-  Có tiền thì hậu mới hay

 Có trồng cây đức mới dày nền nhân

Thành ra, ông bà, cha mẹ luôn phải tâm niệm làm việc thiện để tạo phúc đức cho con cháu; con cháu nên người nên nghiệp không được quên nhờ hưởng đức của mẹ cha, ông bà. Quan niệm chịu ảnh hưởng Nho giáo thường nhấn mạnh sự thừa kế địa vị quyền thế chính trị, tài sản kinh tế, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống thi thư của gia đình, dòng tộc, từ ông / cha đến cháu / con trai; còn quan niệm nghiêng về ảnh hưởng Phật giáo lại quan tâm chủ yếu đến sự tu nhân tích đức của thế hệ trước, trong đó nổi bật vai trò người mẹ (Phúc đức tại mẫu / Con nhờ phúc mẹ...).  

1.2. Với phạm trù Luân hồi (Samsara), triết học Phật giáo Ấn Độ trình bày tư tưởng về chuỗi kế tiếp của các kiếp sống: Kiếp hiện tại của mỗi cá thể là sự nối tiếp của vô vàn những kiếp sống đã trải qua trong quá khứ và sẽ còn được kế tiếp bởi vô vàn những kiếp sống tương lai. Karma-Samsara (Nghiệp báo-Luân hồi) gắn kết thành một cặp phạm trù, quan hệ giữa các kiếp Luân hồi chính là quan hệ Nghiệp báo: gieo gì trong kiếp trước thì gặt nấy trong kiếp sau. Hệ quả là người ta càng phải nỗ lực theo thiện tránh ác vì hành động trong kiếp hiện tại còn tạo tác cả số phận trong kiếp vị lai.  

Chịu ảnh hưởng triết học Nghiệp báo, ca dao, tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nhắc đến nghiệp ["nghiệp báo", "tội nghiệp", "nghiệp chướng"...], kiếp ["kiếp trước" ("tiền kiếp") - "kiếp này" - "kiếp sau" ("kiếp tái sinh"), "quả kiếp", "mạt kiếp"...] và quan hệ tiếp nối, trả báo giữa các kiếp.

-          Làm ác kiếp sau chịu tội

-          Bởi chưng kiếp trước vụng tu

Kiếp này tu để đền bù kiếp sau

-          Kiếp này trả nợ cho xong

Làm chi để nợ một chồng kiếp sau

            Trở đi trở lại khá nhiều là ý nguyện "trả nợ", "đền bù" kiếp trước, trong đó, đặc biệt là đáp đền ơn nghĩa, ân tình đối với mẹ cha, đối với người yêu của một mối tình dang dở... Những câu này trong nội dung bề sâu kỳ thực đã mang nét "biến thể": cấu trúc hình thức của tư tưởng Luân hồi nhiều khi chỉ để nhấn mạnh lòng biết ơn sâu nặng, nghĩa tình tha thiết, ước nguyện gắn bó thủy chung son sắt, chân thành:

-          Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong

-          Kiếp sau nguyện làm thân trâu ngựa mà trả nghĩa này

-          Khuyên ai ăn ở cho lành

Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau

-          Đây anh không giận, đó em cũng chớ hờn

Kiếp tái sanh ta sẽ nối phím đờn tri âm

-          Đôi ta là nợ là tình

Là duyên kiếp trước đôi mình kết giao

Tư tưởng Nghiệp báo - Luân hồi thấm sâu vào tâm thức dân gian, trở thành xung lực tinh thần mạnh mẽ cho phấn đấu hướng thiện, tích đức tu nhân.

2. Những quan niệm đạo đức gắn với nền tảng triết lý Tứ diệu đế

Ảnh hưởng Phật giáo cũng sâu đậm trong những câu ca dao, tục ngữ chuyên chở quan niệm đạo đức gắn với nền tảng triết lý Tứ diệu đế. Tuy nhiên, những trường hợp này thường không có cấu trúc hình thức dễ nhận diện như đối với cặp phạm trù Nghiệp báo - Luân hồi.   

Theo lời Đức Phật, cũng như nước của bốn đại dương hùng vĩ chỉ có một vị mặn, tất cả những thuyết pháp của Người chỉ có một vị duy nhất là giải thoát, giải thoát con người khỏi đau khổ.

Tứ diệu đế đã khởi đầu từ Khổ đế, nhận diện bản chất cuộc đời con người là khổ. Thuật ngữ Khổ (Dukkha) trong cách dùng của Đức Phật thường được diễn đạt qua 3 tầng nghĩa. Thứ nhất, Khổ khổ (Dukkha - dukkha) tương đương với nghĩa thông thường khi ta nói về khổ, khổ đau. Thứ hai, Hoại khổ (Viparinàma - dukkha) nghĩa là nỗi khổ, là tình trạng bị thời gian biến đổi và hủy hoại. Thứ ba, Hành khổ (Samkhàra - dukkha) là nỗi khổ, là tình trạng bị quy định và bị phụ thuộc. Do đó, khi Đức Phật khái quát "đời là bể khổ" thì không có nghĩa đơn giản rằng đời chỉ là khổ khổ (chỉ toàn đau khổ không có niềm vui) mà còn rằng đời có bản chất hoại khổ (vạn sự đều vô thường) và hành khổ (vạn pháp đều vô ngã). Thế giới quan Phật giáo không bi quan cũng chẳng lạc quan. Khổ đế soi sáng một thực tế rằng chúng ta cũng như mọi thứ trong đời này đều bị thời gian biến đổi và làm hủy hoại; rằng cái tôi của mỗi chúng ta không có tự tính, không độc lập, mà bị phụ thuộc, bị quy định bởi những cái không phải là nó.

Trên cơ sở đó, Đức Phật tiếp tục phân tích Tập đế (Nguyên nhân đau khổ), Diệt đế (Đau khổ có thể trừ diệt) và Đạo đế (Con đường để thoát khổ). Nói vắn tắt thì do không hiểu bản chất vô thường, vô ngã của đời sống, người ta tham dục vô minh, và vì vậy mà đau khổ. Muốn giải thoát đau khổ, đạt được Niết Bàn, phải tu dưỡng theo Bát Chính Đạo (tám con đường chân chính).

2.1. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, nhiều không kể xiết những câu về "khổ", phần lớn là khổ theo nghĩa dùng thông thường (khổ khổ). Ảnh hưởng Phật giáo có thể cảm nhận rõ nét trong những trường hợp

-          kết nối "khổ" với "thân" [Có thân có khổ / Hữu thân hữu khổ - Có thân phải khổ...],

-          kết nối "khổ" với "nhân duyên" [Đa nhân duyên nhiều đường phiền não...].

Ở đây thường thấy thể hiện thái độ chấp nhận đau khổ, có khi mang giọng ngậm ngùi:

- Có thân phải khổ vì thân

 Than ôi! Thân biết mấy lần gian nan!

-          Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai

nhưng cũng không thiếu khi vượt lên cứng cỏi, xem khổ đau, gian khó ở đời như thử thách rèn giũa con người trưởng thành:

-          Có thân phải khổ, có khổ mới nên thân

Trong câu tục ngữ này, vế trước "có thân có khổ" thuộc "chính thể", nhưng vế sau "có khổ mới nên thân" đã bước sang "biến thể", cho thấy quan niệm sống nhập thế, khỏe khoắn của người lao động.

2.2. Bản chất hoại khổ, bản chất vô thường của đời sống được ca dao, tục ngữ diễn đạt qua so sánh cuộc đời với những hình tượng mong manh, giòn yểu:

-          Đời người khác nữa là hoa

Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn

-          Đời người khác thể phù du

Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng

qua những cấu trúc thể hiện quan hệ quy luật giữa sinh - tử, tụ - tán, sắc - không...:

- có A (thì) có - A / hữu A hữu - A [Hữu tử hữu sinh - Hữu hình hữu hoại...]

- A như - A [Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn...]

- Sống gửi thác về / Sinh ký tử quy ...

- Sắc sắc không không

Ở đây cũng vậy, có giọng chán nản thở than cuộc đời ngắn ngủi, nhưng nhiều hơn vẫn là thái độ an nhiên xem sinh - tử, tụ - tán, sắc - không... như quy luật, thái độ tích cực phấn đấu sống cuộc đời đầy ý nghĩa để khi ra đi không phải tiếc nuối:

- Người đời hữu tử hữu sinh

Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm

Câu ca dao bộc lộ nét "biến thể" qua mối quan tâm "nhập thế" trong thái độ ứng xử với vô thường (sống cho tròn bổn phận cũng như để lại danh thơm được xã hội thừa nhận).

Nhìn ra quan hệ nhân sinh, nếu đời sống vô thường, không ai biết được số kiếp vắn dài, người ta nay còn mai mất, thì cái còn lại là ăn ở nghĩa tình đầy đặn với nhau:

-          Ăn đời ở kiếp chi đây

Coi nhau như bát nước đầy thì hơn

Tư tưởng vạn sự vô thường, của cải, danh vọng uy quyền đều hư huyễn được dân gian diễn đạt giản dị song rất thuyết phục:

-          Của phù vân không chân hay chạy

-          Vua Ngô băm sáu tàn vàng

Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì

   Chúa chổm uống rượu tì tì

Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô

Từ đó mà thấy tham lam chỉ dẫn đến tàn mạt:

-          Tham thì thâm

Phật đã bảo thầm rằng chớ có tham

-          Tham lầm, thâm mạt

-          Tham thì thâm, giàu đâm đầu vào lửa

-          Sinh không, tử lại hoàn không

Khó ta ta chịu, đừng mong giàu người

-          Vô tham, họa bất xâm

Trong CDTNPGVN cũng có những câu đề cập ái dục như nguyên nhân đau khổ. Nhưng chúng tôi cho rằng những câu đó không phải ca dao vì dễ dàng nhận thấy chúng, nhìn chung, không quen thuộc và nghe rất ít chất dân gian: không phải thể lục bát, dùng nhiều từ Hán Việt, nhiều thuật ngữ tôn giáo quá chuyên biệt, khó hiểu, nhất là thường xuất hiện hô ngữ "Chúng sinh ơi!" cho thấy chủ thể phát ngôn thuộc giới tu hành:  

- Bội giá hiệp trần là nguyên nhân đau khổ

 Quay đầu giác ngộ là Mục đế Như Lai

 Vì yêu thương nên chi nghiệp báo dài dài

 Chi bằng gắng công tu niệm để được hoa khai kiến phù

- Cảnh Tây thiên là miền cực lạc

 Cõi Ta bà ngũ trọc đau khổ trần ai

 Chúng sanh ơi! Mau mau theo gót Phật Như Lai

 Lánh nơi dục giới qua đài Tây phương

- Ái hà thiên xích lãng

 Khổ hải vạn trùng ba

 Chúng sinh ơi! Mau mau ly chốn Ta bà

 Về nơi Tịnh độ có đức Di đà chờ trông

- Hữu ái tất sinh

 Ái tần tất diệt

 Vậy cho nên biết yêu thương là oan nghiệt chừng nào

 Phen này gắng công tu luyện để khỏi sa vào trầm luân

 Có thể nói, tư tưởng bể ái là bể khổ, "tu là cõi phúc, tình là dây oan", về cơ bản, xa lạ với quan niệm của quần chúng nhân dân.

Tương tự, những câu diễn đạt tư tưởng về lòng trần, mùi trần, bụi trần ô trọc, rời bỏ trần gian tìm kiếm sạch trong, nếu có:

-          Ai mô mộ cảnh ưa Thiền

Lòng trần rũ sạch nhơn nhơn ra về

-          Sông Lô một dải trong ngần

Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên

cũng ít và không tiêu biểu cho quan niệm giá trị của quần chúng nhân dân.

2.3. Tư tưởng về hành khổ, tư tưởng vạn pháp vô ngã ít được quan tâm luận bàn ở cấp độ triết lý trong ca dao, tục ngữ. Đây đó chỉ có một đôi câu cho thấy sự hàm hồ, giả ngụy trong phân biệt "ta" và "tha nhân", "của ta" và "của người":

- Đến ta mới biết của ta

Nghìn trăm năm trước biết là của ai

Tuy nhiên lại có khá nhiều ca dao tục ngữ đề cập sự thể hiện cụ thể tư tưởng vô ngã ở cấp độ đạo đức qua thái độ không sân hận, ganh ghét, tranh giành:

-          Ở đây có cảnh có chùa

Sớm hôm nghe Pháp, hơn thua làm gì

-          Đấng trượng phu đừng thù mới đúng

Đấng anh hùng đừng oán mới hay

-          Lấy hận thù đáp hận thù

Hận thù không mất, nghìn thu vẫn còn

đề cao sự nhịn nhường, hạnh nhẫn nhục:

-          Một câu nhịn, chín câu lành

-          Tới đây lạ xứ, lạ người

Trăm bề nhẫn nhịn đừng cười chê tôi

-          Chữ nhẫn là chữ tượng vàng

Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu

hơn nữa, lấy tình yêu thương, đức từ bi mà báo trả oán thù:

-          Dĩ đức báo oán

-          Lấy oán thù đáp oán thù

Oán thù không dứt, niềm từ lại tiêu

   Lấy tình thương gọi tình thương

Sóng lên một dợn, thủy triều liền dâng

và cao nhất, là lẽ sống quên mình vì người:

-          Xả kỷ vị tha

-          Xả thân cứu thế / Xả thân độ thế

2.4. Liên quan đến Tập đế, trong tam độc là nguyên nhân của Khổ, bao gồm Tham (tham lam) - Sân (thù hận) - Si (lầm lạc), ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu phê phán Tham và Sân hơn là Si. Có lẽ vì tham lam, thù hận là những thói xấu đạo đức phổ biến với biểu hiện phơi bày cụ thể hơn, tác hại xã hội rõ ràng hơn trong khi si mê, u tối, lầm lạc như một hạn chế về năng lực hiểu biết chân lý thì tương đối trừu tượng hơn.

Những thành ngữ liên quan đến khái niệm Si khá hiếm và cũng ít quen thuộc [U đồ, U mê ám chướng...]. Có 1 câu tục ngữ có thể xem là liên quan rõ nét nhất đến Si đã ngầm đặt đối sánh giá trị khôn - dại thế gian thường tình với giá trị hiền minh - vô minh thực sự. Những kẻ mưu cao, kế sâu tranh quyền đoạt vị, cướp bóc của cải... tưởng "khôn thế gian" nhưng chính là những kẻ si mê, u tối đang xây địa ngục cho mình:

- Khôn thế gian làm quan địa ngục,

  Dại thế gian làm quan thiên đường.

 2.5. Đạo đế - con đường đưa đến đạo quả, con đường giải thoát khỏi đau khổ, chính là theo Bát  Chánh đạo (tám con đường chân chính),   tu dưỡng cả về Giới (Sila - kỷ luật đạo đức), Định (Samadhi - kỷ luật tinh thần), Tuệ (Panna - trí tuệ). Ngũ giới (Giới) gồm không giết hại, không trộm cắp, không gian dâm, không nói dối, không uống rượu. Trong ngũ giới, ba tội đầu tiên có thể bị xem là rất nặng, nên cũng khá hãn hữu trong xã hội Việt Nam truyền thống; còn lỗi cuối cùng, đối với phần đông quần chúng thế tục có thể chỉ thuộc vấn đề sinh hoạt. Ca dao tục ngữ Việt Nam đề cập nhiều hơn đến tội lỗi nói dối (mở rộng ra là dối trá, lọc lừa), ngược lại với đạo đức thật thà, lương thiện:

- Một điều nói dối, sám hối bảy ngày

- Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối

- Ai ơi, chớ có ăn lời

Bụt kia có mắt, ông Trời có tai

- Thật thà, ma vật không chết

- Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng

2.6. Cũng có thể xếp về những quan niệm đạo đức trên nền tảng triết lý Tứ diệu đế là Tứ vô lượng tâm cần được vun bồi, gồm Từ [Metta: làm cho chúng sinh vui sướng, an lạc (ban vui)] - Bi [Karuna: giúp cho chúng sinh thoát khổ (cứu khổ)] - Hỉ [Mudita: vui vẻ, hân hoan với thành công, may mắn của người] - Xả [Upekkha: bình thản, tự tại, thư thái, trầm tĩnh, vô tư]. Trong Tứ vô lượng tâm, một cách tương đối, Hỉ và Xả chủ yếu liên quan những khía cạnh tu dưỡng trạng thái tinh thần của bản thân, trong khi Từ và Bi hướng quan tâm tới tha nhân. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, Từ Bi (không tách rời Từ - Bi mà gắn kết thành một) được xưng tụng nhiều hơn Hỉ, Xả.

Phẩm chất Đại từ đại bi gắn với hình tượng Đức Phật, Bồ Tát đã là mẫu mực cao đẹp cho lẽ sống tăng chúng, tín đồ Ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi và khiến chùa chiền thành thế giới của niềm nhân ái Sen hồng nở cửa Từ bi, tỏa rạng tới thế gian:

- Đến với ma phải quỷ quyệt, đến với Phật phải từ bi

GS Vũ Khiêu từng nhận xét rất xác đáng: "Hệ thống giá trị ở Phật giáo bắt đầu là đức Từ bi" [Vũ Khiêu 1996: 86].

Ca dao tục ngữ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tình yêu thương, niềm trắc ẩn trong những hành động làm phúc thiết thực, cụ thể cứu giúp con người đau khổ, hoạn nạn:

-          Dù xây chín bậc thù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người

-          Cứu một người phúc đẳng hà sa

-          Làm phúc nơi nao cầu ao chẳng bắc

-          Anh tu cho bạc tóc mai

Sao bằng em lượm cành gai giữa đường

Và hạnh bố thí, sẵn sàng sẻ chia, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau:

-          Thí một chén nước, phước chất đầy non

-          Có thóc cúng thóc, có tiền cúng tiền

-          Có câu tích đức tu nhân

Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri

Tứ diệu đế, mà căn cốt là Tam pháp ấn - Vô thường, Vô ngã, Niết Bàn - đã xây dựng nền tảng triết lý cho thái độ sống an nhiên, buông bỏ buộc ràng nô lệ với vật dục, buông bỏ ý thức vị kỷ, phấn đấu cho những giá trị tinh thần, những quan hệ nhân sinh cao đẹp. 

3. Cấu trúc hệ giá trị đạo đức Phật giáo Việt Nam

Từ đầu đến đây, qua khảo sát sự thể hiện những phạm trù, những khái niệm triết học - đạo đức Phật giáo Ấn Độ trong ca dao tục ngữ Việt Nam, có thể thấy những giá trị luân lý đã được dân tộc ta ưu tiên lựa chọn, nhấn mạnh, những khía cạnh đã được điều chỉnh qua bộ lọc tinh thần dân tộc. Nhưng, như ở trên đã trình bày, hệ giá trị không chỉ là tập hợp của những giá trị đơn lẻ. Còn cần phải làm sáng tỏ cấu trúc của hệ thống những giá trị đạo đức Phật giáo Việt Nam.

Trục chính của hệ giá trị ấy là tư tưởng theo Thiện tránh Ác. CDTNPGVN có nhiều đơn vị thể hiện tư tưởng này qua nhiều cách diễn đạt khác nhau.

STT

Cặp Giá trị-Phản giá trị

Số lần x.hiện

Thí dụ

Giá trị

Phản giá trị

1

Thiện

Ác

26

Thiện giả thiện lai, ác giả ác báo

2

Chánh / Chính

Tà

2

Cải tà quy chánh

3

Lương

Ác

2

Cải ác hoàn lương

4

Hiền

Ác / Dữ

8

Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ

5

Lành

Ác / Dữ

13

Làm lành tránh dữ

6

(ở) Hậu

(ở) Bạc

2

Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc

7

Nghĩa nhân / Nhân đức / Phúc đức

Ác / vô nhân bạc nghĩa

5

Nghĩa nhân Trời Phật thưởng ban, Ai hành ác nghiệp bạo tàn nát thây

Có thể thấy, Ác trong quan niệm dân gian Việt Nam được đồng nghĩa với dữ, gian tà, vô nhân bạc nghĩa, ngược lại, Thiện được cụ thể hóa trong các khái niệm lương thiện, chính nghĩa, nhân đức, ăn ở đầy đặn, thủy chung (có hậu), và nhất là hiền, lành.

Gắn với hình tượng Đức Phật như mẫu mực đạo đức lý tưởng là các thành ngữ Hiền như Bụt - Lành như Bụt - Nhà rách có Bụt hiền... Đối lập Bụt - Ma cũng xoay quanh tiêu chí hiền / dữ, lành / dữ:

-          Phật hiền không thờ, quỷ dữ phải cúng

-          Lành với Bụt, chẳng ai lành với ma

Và phụng thờ Đức Phật không gì bằng noi gương Người:

-          Lễ Phật thì đặng việc hiền

Bao nhiêu nghiệp chướng, não phiền đều tan

Dân gian cũng nói Im như Bụt. Chính Đức Phật được tôn xưng như Sakya Muni - "Đấng Im Lặng của bộ tộc Sakya", "Đấng Im Lặng" với ý nghĩa là "bậc hiền triết", "bậc đại sư thuyết giảng bằng niềm im lặng". Tuy nhiên, hàm ý trong cách nói dân gian dường như không chạm tới nghĩa triết học cao sâu ấy mà chỉ giản dị thể hiện thái độ im lặng, nhún nhường, không tranh cãi, nhưng là sự im lặng đầy năng lực.   

-          Im lặng như Chánh Pháp

-          Im như Bụt mọc trên chùa

Con vào chánh điện đừng đùa với sư

 -  Cúi lạy con phải từ từ

Đừng có vội vã mà hư thân mình

Bên cạnh Đức Phật / Bụt, ca dao tục ngữ Việt Nam nhắc nhiều đến Bồ Tát (Boddhisattva) trong khi hầu như không thấy hình tượng La Hán (Arahat). La Hán chủ yếu tự tu dưỡng bản thân trong khi Bồ Tát nỗ lực cứu nhân độ thế. Điều này cho thấy rõ tính chất Đại thừa trong Phật giáo Việt Nam, đề cao hạnh tu vì người hơn vì mình.

Mẫu mực đạo đức lý tưởng nơi Bồ Tát cũng được nhấn mạnh ở phẩm chất hiền, lành, từ bi, vị tha:

-          Xin mở lòng Bồ Tát, tỏ đức hiếu sinh ra tay cứu độ

đối lập với những kẻ dữ, kẻ ác, ích kỷ hại nhân:

-          Của người Bồ Tát, của mình lạt buộc

-          Miệng Bồ Tát, giấu dao mác sau lưng

            Hai trụ cột của Phật giáo là Trí huệ và Từ bi. Phật giáo dân gian Việt Nam nhấn mạnh hơn ở Từ bi. Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, Quan Thế Âm, vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh, xuất hiện khá nhiều trong khi hầu như không thấy Văn Thù Sư Lợi, vị Bồ Tát tiêu biểu cho Trí huệ.

Nói đến Đức Phật, Bồ Tát, ca dao, tục ngữ Việt Nam ngợi ca mẫu mực của Tâm: Tâm Phật - Tâm bồ đề - Tâm Bồ Tát - Lòng Bồ Tát... Khái niệm Tâm có trường hợp thể hiện ảnh hưởng Thiền tông nhưng phần lớn mang nghĩa rộng lớn của tinh thần tỉnh thức, giác ngộ, tâm hồn cao thượng, thanh sạch, đạo đức ngời sáng:

-          Phật tại tâm trung / Phật tại tâm

-          Chân tâm tức Phật

-           Phật tức tâm, tâm tức Phật

Vì thế, tu theo Phật cốt ở Tu tâm, thờ Phật thì Trước Phật đài, tâm hương một nén, Lễ bạc (nhưng) tâm thành.

Tâm bao gồm cả hiểu biết, tâm sáng cho người ta thấu suốt chân lý đời sống - hiền minh của tâm sáng vượt trên khôn ngoan, khôn khéo cạn cợt của thế gian:  

-          Khôn dại tại tâm

Tâm trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá con người:

-          Ở lâu mới biết con người có tâm

Giữa Ở lâu mới biết con người có tâm và Ở lâu mới biết con người có nhân, khó xác định câu nào phổ biến hơn, câu nào là dị bản. Tâm và Nhân có thể dùng đắp đổi, như đồng nghĩa với nhau. Tâm và Từ Bi có phần cũng như vậy, gắn kết thành một: Tâm từ, Từ tâm. So với chữ Nhân Nho giáo, sắc thái riêng của chữ Nhân Phật giáo có lẽ là ở trong quan hệ với Tâm và Từ Bi. Nhân - Tâm - Từ bi Phật giáo thể hiện tình yêu thương vị tha, không chỉ tình yêu thương giữa người và người mà đối với tất cả chúng sinh.

Tình thương yêu ấy bắt đầu từ những quan hệ gia đình, họ hàng, bè bạn gần gũi nhất. Trong đó, đặc biệt nổi bật một chữ Hiếu. Hiếu là một phạm trù lớn của Phật giáo, được dân gian Việt Nam tiếp thu một cách nhiệt thành. CDTNPGVN có đến 38 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao thể hiện chữ Hiếu mang ảnh hưởng Phật giáo.

-          Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật

-          Phật dạy chữ hiếu làm đầu

Mà ai giữ được đạo mầu mới trao

-          Vai mang bức tượng Di Đà

Hiếu Trung ta giữ, gian tà mặc ai

Hiếu với cha mẹ được đề cao như con đường tu tập chân chính nhất - tu nhà còn hơn tu chùa:

-          Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu

-          Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ bằng ba tu chùa

-          Ai về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha

Mẹ cha chính là Bồ Tát, là Phật trong nhà, "Bụt nhà"[1]:

-          Chuối chát măng khô bốn mùa chịu khổ

Em tu hành anh chỉ chỗ em tu

Kìa kìa hai vị Phật sinh

     Cha già mẹ yếu em bỏ đành đi tu

-          Cha già là Phật Thích Ca

Mẹ già đích thị Phật Bà Quan Âm

-          Trong nhà đầu bạc phơ phơ

Tây sinh Bồ Tát phượng thờ vi tiên

-          Bụt nhà không thiêng, thờ Thích Ca ngoài đường

Trong CDTNPGVN có 17 bài ca dao về tâm tình của những người con mùa Vu Lan, nguyện cầu cho cha mẹ, người trong kiếp sống hiện tiền được an lành, người rời cõi thế được sinh về Lạc thổ:

-          Lên chùa dự lễ Vu Lan

Cầu cho cha mẹ thoát đàng tử sinh

-          Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lên chùa lạy Phật đền ơn sinh thành

Nếu trong chữ Hiếu Nho gia, hình ảnh người cha đóng vai trò chủ đạo thì chữ Hiếu mang ảnh hưởng Phật giáo lại có phần hướng về người mẹ. Vu Lan gắn với câu chuyện cảm động của "Hiếu thân Bồ Tát" Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi địa ngục.

Chữ Hiếu Nho gia đòi hỏi con cái vâng lời, phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ. Người con hiếu theo quan niệm đạo đức Phật giáo còn phải biết hướng mẹ cha về niềm tin Chánh Pháp:

-          Sắc thân hiếu dưỡng ân cần

Đâu quên giáo đạo tinh thần mẹ cha

-          Dốc lòng niệm Phật không lơi

Cầu cho cha mẹ thác thời siêu sanh

   Khuyên mẹ niệm Phật cho chuyên

Thì hoa sen đợi ở bên Liên trì

Hiếu với cha mẹ trong đạo đức Phật giáo còn mở rộng thành tình thương yêu muôn loài chúng sinh bởi theo triết lý Luân hồi, qua vô vàn những kiếp sống, tất cả chúng sinh có thể đều từng là cha mẹ ta:

-          Song thân đâu phải một đời

Vậy nên thương cả muôn loài mới hay

            Chữ Hiếu đã kết hợp tinh thần Chánh pháp cùng những gốc rễ luân lý nhân bản sâu xa trong truyền thống tình nghĩa của dân tộc. Có thể xem chữ Hiếu như vậy tiêu biểu cho cách thức cấu trúc hệ giá trị đạo đức Phật giáo Việt Nam.

            Cuối cùng, xin trở lại vấn đề trục chính của hệ giá trị đạo đức Phật giáo Việt Nam là tư tưởng Theo Thiện tránh Ác. Trong khi bên Nho gia, Mạnh Tử hùng hồn tuyên bố: Nhân chi sơ tính bản thiện thì bên Pháp gia, Tuân Tử dứt khoát khẳng định: Nhân chi sơ tính bản ác. Xa lạ với thái độ cực đoan siêu hình, Phật giáo nhìn sự hình thành, phát triển tâm tính / nhân cách con người một cách biện chứng. Tự Ngã thường được hình dung như thỏi đất sét, mềm dẻo, không ngừng được nhào nắn, khuôn đúc qua mỗi tác ý, mỗi hành động của người ta. Phân chia tuyệt đối hai phe người thiện - kẻ ác khó tránh khỏi sai lầm định kiến, bởi đúng hơn, trong chính mỗi chúng ta đều có ánh sáng cùng bóng tối, cao cả cùng thấp hèn... và luôn luôn là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực đối lập ấy. Đức Phật từng dạy: Thắng hàng vạn quân, hàng vạn lần trên chiến địa không khó khăn bằng chiến thắng chính bản thân mình, không khó khăn bằng tự thắng. Dân gian Việt Nam thấm nhuần triết lý đó, và diễn đạt một cách giản dị:

-          Phật với ma như cha với con

-          Dầu cho Phật, Bồ Tát cũng phải sa

-          No nên Bụt, đói ra ma

   Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta

Lời cảnh tỉnh người ta luôn phải cầm giữ nhân cách đạo đức của mình vang lên, từ tốn mà thấm thía.

* *

*

Qua ca dao, tục ngữ, có thể nhận thấy ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo trong văn hóa đạo đức Việt Nam. Dân gian thường không quá băn khoăn với những phạm trù triết học cao sâu mà chủ yếu quan tâm ý nghĩa đạo lý làm người. Tiếp biến ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ, Việt Nam đã lựa chọn và cấu trúc nên một hệ giá trị đạo đức mang tinh thần Phật giáo đồng thời đậm nét bản sắc riêng, hệ giá trị đạo đức góp phần hun đúc nên một dân tộc nhân ái, hiếu hạnh, hiền hòa, vị tha. 

   

Tp. Hồ Chí Minh, Mùa Vu Lan 2009

P.T.H.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHỦ YẾU

  1. Barker, Chris 2004: The sage dictionary of Cultural studies. Sage Publications. London, Thousand Oaks, New Delhi.
  2. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tập) 2002: Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Olendzki, Andrew 2008: "Chúng ta là những việc mình làm" (Nguyễn Duy Nhiên dịch). Pháp luân, số 58.
  4. Phan Ngọc 1994: Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. NXB. Văn hóa Thông tin.
  5. Phan Quốc Anh: "Hệ giá trị và chuẩn mực của văn hóa". http://www.phanquocanh.com
  6. Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB. Tổng hợp Tp. HCM.
  7. Vũ Khiêu 1996: Bàn về văn hiến Việt Nam (Tập I). NXB. Khoa học xã hội.

 


[1] Người chồng cũng được xem như "Bụt nhà" mà người vợ dốc lòng thờ phụng: Chẳng thiêng cũng thể Bụt nhà / Dẫu rằng vụng dại cũng là chồng em. Tuy nhiên, chỉ có 1 bài ca dao thể hiện ý này.

 

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Bùi Hoài Sơn, Đỗ Thị Thanh Thủy. Cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

  • Joseph Caspermeyer. Nghiên cứu mới cho thấy sự đa dạng di truyền của người Việt Nam

  • Nguyễn Chu Hồi. Biển, đảo Việt Nam - Bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc

  • Nguyễn Huy Phòng. Thách thức trong kiến tạo hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

  • Nguyễn Văn Thanh. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 41
  • Tổng :
  • 3 8 2 7 6 9 1 3
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

VHVN: Những vấn đề chung