logo

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Thư ngỏ
    • Khái quát về Trung tâm
    • Nhân lực Trung tâm
      • Thành viên Trung tâm
      • Cộng tác viên
    • Giới thiệu Khoa Văn hóa học
      • Khái quát về Khoa
      • Nhân lực của Khoa
  • Tin tức
    • Tin nhà (Trung tâm)
    • Tin ngành
    • Tin liên quan
  • Đào tạo - Huấn luyện
    • Các chương trình
    • Tổ chức và Hiệu quả
    • Đào tạo ở Khoa VHH
      • Chương trình đào tạo
      • Kết quả đào tạo
  • Nghiên cứu
    • Lý luận văn hóa học
      • LLVHH: Những vấn đề chung
      • VHH: Phương pháp nghiên cứu
      • VHH: Các trường phái - trào lưu
      • Loại hình và phổ quát văn hóa
      • Các bình diện của văn hóa
      • Văn hóa học so sánh
      • Vũ trụ quan phương Đông
      • Văn hóa và phát triển
      • VHH và các khoa học giáp ranh
    • Văn hóa Việt Nam
      • VHVN: Những vấn đề chung
      • Văn hóa cổ-trung đại ở Viêt Nam
      • Văn hóa các dân tộc thiểu số
      • Văn hóa Nam Bộ
      • Văn hóa nhận thức
      • Văn hóa tổ chức đời sống tập thể
      • Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân
      • Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
      • Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
    • Văn hóa thế giới
      • VH Phương Đông: Những vấn đề chung
      • VH Phương Tây: Những vấn đề chung
      • Quan hệ văn hóa Đông - Tây
      • Văn hóa Trung Hoa và Đông Bắc Á
      • Văn hóa Đông Nam Á
      • Văn hóa Nam Á và Tây Nam Á
      • Văn hóa châu Âu
      • Văn hóa châu Mỹ
      • Văn hóa châu Phi và châu Úc
    • Văn hóa học ứng dụng
      • VHƯD: Những vấn đề chung
      • VHH nghệ thuật
      • Văn hóa đại chúng
      • Văn hóa giao tiếp
      • Văn hóa du lịch
      • Văn hóa đô thị
      • Văn hóa kinh tế
      • Văn hóa quản trị
      • Văn hóa giáo dục - khoa học
    • Tài liệu phổ cập VHH
      • Văn hóa Việt Nam
      • Văn hóa thế giới
      • VHH ứng dụng
    • Tài liệu tiếng nước ngoài
      • Theory of Culturology
      • Vietnamese Culture
      • Applied Culturology
      • Other Cultures
      • 中文
      • Pусский язык
    • Thư Viện Số (Sách - Ảnh - Video)
      • Tủ sách Văn hoá học
      • Thư viện ảnh
      • Thư viện video
    • Các nhà văn hóa học nổi tiếng
  • Tiện ích
    • Dịch vụ Văn hóa học
    • Dịch vụ ngoài VHH
    • Trợ giúp vi tính
    • Từ điển Văn hóa học
    • Thư viện TT và Khoa
    • Tổng mục lục website
    • Tủ sách VHH Sài Gòn
    • Giải đáp thắc mắc
  • Thư giãn VHH
    • Văn chương Việt Nam
    • Văn chương nước ngoài
    • Nghệ thuật Việt Nam
    • Nghệ thuật thế giới
    • Hình ảnh vui
    • Video vui
  • Diễn đàn
  • Liên hệ
  • Trang chủ
  • Nghiên cứu
  • Văn hóa Việt Nam
  • VHVN: Những vấn đề chung
Thursday, 12 March 2015 09:10

Hồ Sĩ Quý. Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam

Người post bài:  Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Additional Info

  • Tiêu đề:

    MẤY VẤN ĐỀ VỀ HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM

  • Tác giả:

    GS.TS. Hồ Sĩ Quý

  • Chức danh:

    Viện Thông tin Khoa học xã hội

Hồ Sĩ Quý. Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam

Nói đến hệ giá trị Việt Nam người ta thường hiểu đó là hệ giá trị của người Việt - người Việt Nam nói chung, gồm tất cả 54 dân tộc với 8 nhóm ngôn ngữ chủ yếu. Nhưng lại chẳng có gì sai nếu ai đó gọi đó là hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Điều này do sự thống nhất nội tại giữa văn hóa và con người quy định. Nói đến văn hóa là nói đến con người. Không có thứ văn hóa nào không thuộc về con người, không liên hệ gì với con người. Ở giá trị, sự thống nhất giữa văn hóa và con người đạt đến độ rất cao, nếu không muốn nói là cao nhất. Giá trị thể hiện mặt văn hóa của sự đánh giá. Hay - dở, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn, thành đạt - thất bại, tiến bộ - tụt hậu… đó không chỉ là những phẩm chất nằm trong đối tượng, là thuộc tính của đối tượng, mà còn là cái nằm giữa đối tượng và con người, người đánh giá. Nhu cầu và lợi ích khác nhau giữa những người đánh giá, giữa các cộng đồng khác nhau, cho phép đối tượng đánh giá hiện ra trước mắt con người với những diện mạo có thể khác nhau.

 

Tuy nhiên nói như vậy lại không có nghĩa rằng, đánh giá là cái gì đó có thể tùy tiện hay vô nguyên tắc. Sự tiến bộ của cộng đồng thế giới ngày nay sinh ra những nguyên tắc chung, những quy luật chung và cả những mực thước chung. Thoát ly khỏi nhu cầu chung, mực thước chung của cộng đồng hay của toàn nhân loại, con người có thể tuột ra khỏi văn hóa. Điều này vô cùng hệ trọng đối với việc xác định hệ giá trị Việt Nam.

I. Hệ giá trị, giá trị quan, giá trị

1. Hệ giá trị hay Bảng giá trị (Value System, trong khá nhiều trường hợp Values Code, Ethics Code, Core Values cũng được hiểu tương đương là Hệ giá trị, Bảng giá trị trong tiếng Việt). Với đa số các tài liệu, hệ giá trị được hiểu là thuật ngữ / khái niệm dùng để chỉ một tập hợp các giá trị, được thể hiện dưới dạng các phẩm chất, các nguyên tắc, các lý tưởng, và cả các triết lý… định hướng cho hoạt động của một công ty, một hãng, một doanh nghiệp, một viện nghiên cứu, một trường đại học, một khách sạn, hay một ngành hoạt động… thuộc các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ, sản xuất và đôi khi cả trong các lĩnh vực thuộc xã hội, giáo dục, quân sự, chính trị, tôn giáo…

Chẳng hạn, hệ giá trị của quân đội Mỹ được ghi là Trung thành, nghĩa vụ, Tôn trọng, Danh dự, Chuẩn mực, Dũng cảm (Loyalty, Duty, Respect, Selfless Service, Honor, Integrity, Personal Courage) [The Army Values]. Hệ giá trị của hãng Accenture là: Có chiến lược quản lý, Thu hút nhân tài, Xây dựng hệ thống khách hàng đẳng cấp, Một mạng thống nhất toàn cầu, Tôn trọng cá nhân, Toàn vẹn (Stewardship, Best People, Client Value Creation, One Global Network, Respect for the Individual, Integrity) [Accenture]. Hay chẳng hạn hệ giá trị của Hãng Toyota là: Chấp nhận thách thức, luôn cải tiến; Tìm kiếm và xem xét; Tôn trọng; Làm việc theo nhóm (Challenge, Kaizen (improvement), Genchi genbutsu (go and see), Respect, Teamwork) [The Toyota Way].

2. Hệ giá trị với nghĩa là bảng giá trị lý tưởng, chính thống, chủ yếu hay cơ bản của một dân tộc - quốc gia hay một vùng văn hóa được dùng ít phổ biến hơn.

Hệ giá trị cốt lõi Mỹ được Robin Williams xác định năm 1970 gồm: Bình đẳng về cơ hội, Thành tựu và thành công, Tiện lợi về vật chất, Hoạt động và công việc, Thực dụng và hiệu quả, Tiến bộ, Khoa học, Dân chủ và sáng kiến, Tự do (Equal Opportunity, Achievement and Success, Material Comfort, Activity and Work, Practicality and Efficiency, Progress, Science, Democracy and Enterprise, Freedom) [Macionis, John J. 2005]. Bên cạnh quan niệm của Robin Williams, các giá trị cốt lõi Mỹ cũng được nhiều học giả khác xác định và trình bày (thường không giống nhau). Chẳng hạn, Cá nhân, Bình đẳng, Duy vật, Khoa học và công nghệ, Tiến bộ và thay đổi, Cạnh tranh, Năng động, Thiện nguyện, Hoạt động và thành tựu hướng đích (Individualism, Equality, Materialism, Science and technology, Progress and change, Competition, Mobility, Volunteerism, Action and achievement oriented) [US Values].

Với Singapore, năm quan điểm chung định hướng giá trị văn hóa đạo đức của quốc gia này được xác định là: 1/ Quốc gia trên hết, xã hội đầu tiên; 2/ Gia đình là gốc, xã hội là thân; 3/ Quan tâm giống nhau, đồng cam cộng khổ; 4/ Tìm cái đồng, gạt cái bất đồng, hiệp thương cùng hiểu biết; 5/ Chủng tộc hài hòa, tôn giáo khoan dung [Trần Ngọc Thêm 2011].

Với khối EU, Hệ giá trị cốt lõi của Liên minh Châu Âu là: Đoàn kết, Bền vững, Trách nhiệm, An ninh, Thúc đẩy các giá trị của Châu Âu ra thế giới, (Solidarity, Sustainability, Accountability, Security, Promoting Europe’s values in the world. Tự do cá nhân, Indivudal Freedom - được coi là giá trị trung tâm xuyên qua tất cả các giá trị này) [Values of EU].

3. Nhắc lại hai cách sử dụng khái niệm hệ giá trị như trên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, thực ra khái niệm này cũng khá tương đối, không thật chặt chẽ, không nhất thiết là phản ánh chính xác giá trị thực, khách quan của đối tượng. Hơn thế nữa, giá trị nào cũng là cái thể hiện quan hệ chủ - khách quan giữa người đánh giá và đối tượng được đánh giá, nên mới có tình trạng với các quan niệm khác nhau, giá trị của cùng một quốc gia - dân tộc lại thường được khái quát thành những hệ giá trị với các giá trị cụ thể không giống nhau.

Do vậy, trong việc xác định hệ giá trị của một quốc gia - dân tộc như Việt Nam, khái niệm hệ giá trị có thể được hiểu theo mấy nghĩa như sau:

a) Chỉ bao gồm các giá trị đang tồn tại thực trong thực tế. Việc xác định hệ giá trị trước hết là gọi tên cho chính xác các giá trị thực đó.

b) Bao gồm các giá trị lý tưởng, kỳ vọng, có ý nghĩ định hướng đối với hành vi của con người, đối với hoạt động của các thiết chế xã hội và đối với chiều hướng phát triển của một dân tộc - quốc gia.

c) Bao gồm các giá trị vừa tồn tại thực trong thực tế, vừa là thiêng liêng, lý tưởng để định hướng hành động.

4. Với bất cứ hệ giá trị của một quốc gia - dân tộc nào, câu hỏi phản bác hóc búa bao giờ cũng là, tại sao lại coi những giá trị đó là thuộc hệ giá trị của dân tộc - quốc gia đó; lẽ nào các quốc gia - dân tộc khác không có những giá trị như vậy. Chẳng hạn, khi nói người Việt Nam yêu nước, cần cù, hiếu học, thương người…, các lý lẽ phản bác thường là, dân tộc nào mà chẳng yêu nước, yêu lao động, trách nhiệm, nhân văn...

Trong cuốn sách “Về giá trị và giá trị châu Á” xuất bản năm 2005, tái bản năm 2006 chúng tôi đã chỉ ra, sự khác biệt ở đây không phải là khác biệt về giá trị, mà là khác biệt về “giá trị quan” (Valueview,價值觀) - quan điểm về giá trị, vị trí các giá trị trong bảng giá trị, hệ giá trị [Hồ Sĩ Quý 2006].

Nghĩa là, với các nền văn hóa khác nhau, thông thường, bảng giá trị hay hệ giá trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, các giá trị cụ thể trong mỗi hệ thống giá trị phần nhiều lại thường giống nhau. Rất hiếm có giá trị đặc thù nào về tính cách con người lại chỉ riêng có ở một dân tộc. Trừ những đặc tính liên quan tới ẩm thực, tập tục, điều kiện sống quá đặc biệt, còn lại chẳng có giá trị nào là “phẩm chất riêng” của con người ở một quốc gia - dân tộc nào đó. Điều gì Việt Nam tôn vinh thì về đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh. Cần cù, hiếu học, tôn trọng gia đình, đề cao trách nhiệm cộng đồng… là những đức tính chung của toàn nhân loại. Chẳng lẽ chỉ có người Việt Nam là hiếu học và yêu lao động còn ở những nơi khác tính cách con người lại kém cỏi hơn hay sao.

Vấn đề là ở chỗ, cái khác nhau giữa các bảng giá trị, trước hết là khác nhau về vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị. Người Đông Á coi cần cù, yêu lao động là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi tinh thần tự lực cánh sinh mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân. Nói rằng người Đông Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác, người Mỹ thực dụng, người Việt Nam yêu nước... nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác trong hệ giá trị. Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cần cù còn người nơi khác lười biếng, chỉ có người Mỹ mới thực dụng còn người nơi khác thì viển vông, chỉ có người Do Thái là khôn ngoan còn lại là kém thông minh hay ngốc nghếch...

5. Trong cuốn sách vừa nhắc tới ở trên, chúng tôi đã dẫn ra khá nhiều nghiên cứu định lượng về giá trị của các học giả trong và ngoài nước. Những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng, sự giống nhau hay tương đương nhau giữa các giá trị trong các hệ giá trị của các nước khác nhau là khá phổ biến. Càng chọn nhiều giá trị đưa vào bảng giá trị, số lượng các giá trị giống nhau càng nhiều. Tuy nhiên, điều lưu ý chỉ là, cùng một giá trị, nhưng vị trí có thể khác nhau ở các bảng giá trị khác nhau ở các nước khác nhau. Hiếu học có thể giữ vị trí là giá trị hàng đầu trong bảng giá trị của các nước Đông Á, nhưng lại không có vị trí quan trọng như thế trong bảng giá trị của Mỹ hoặc Mỹ Latinh. Cùng một giá trị, nhưng trong các nền văn hóa khác nhau, giá trị đó lại có thể được đánh giá theo những thang bậc khác nhau. Đây là sự khác nhau về giá trị quan (giá trị quan chứ không phải giá trị; giá trị có thể giống nhau, nhưng giá trị quan thì thường là khác nhau). Chúng tôi đã định nghĩa khái niệm giá trị quan như sau:

“Giá trị quan - đó là hệ thống các giá trị cá nhân và giá trị xã hội đã định hình và tạo thành quan điểm, quan niệm, tâm thế... có ý nghĩa nhìn nhận, đánh giá và định hướng đối với con người và cộng đồng trong quá trình điều chỉnh cách sống, lối sống và hành vi. Giá trị quan của mỗi cộng đồng được thể hiện trong tương quan vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị; tương quan đó thường là sản phẩm lâu dài của lịch sử sinh tồn và phát triển của mỗi nền văn hóa. Giá trị quan của mỗi cộng đồng tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi thành viên cộng đồng; nó chi phối việc xác định ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của sự làm người đối với mỗi thành viên cộng đồng” [Hồ Sĩ Quý 2006: 161].

6. Như vậy, trong vấn đề xác định hệ giá trị Việt Nam, về phương diện lý thuyết, ngoài khái niệm công cụ quan trọng nhất là Giá trị, cần thiết phải tính đến khái niệm Giá trị quan. Về khái niệm Giá trị, chúng tôi cho rằng định nghĩa tốt nhất là định nghĩa của Từ điển bách khoa triết học Nga mà hiện nay nhiều từ điển khác đều dùng lại. Định nghĩa này rõ, dễ hiểu, có căn cứ dễ nhận biết cả nội hàm và ngoại diên: “Giá trị là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu triết học và xã hội học dùng để chỉ ý nghĩa văn hóa và xã hội của các hiện tượng. Về thực chất, toàn bộ sự đa dạng của hoạt động người, của các quan hệ xã hội, bao gồm cả những hiện tượng tự nhiên có liên quan, có thể được thể hiện là các “giá trị khách quan” với tính cách là khách thể của quan hệ giá trị, nghĩa là, được đánh giá trong khuôn thước của thiện và ác, chân lý và sai lầm, đẹp và xấu, được phép và cấm kỵ, chính nghĩa và phi nghĩa, v.v. Khi định hướng đối với hoạt động của con người, phương thức và tiêu chuẩn được dùng làm thể thức đánh giá sẽ định hình trong ý thức xã hội và trong văn hóa thành các “giá trị chủ quan” (bảng đánh giá, mệnh lệnh và những điều cấm, mục đích và ý đồ... được thể hiện dưới hình thức các chuẩn mực). Giá trị khách quan và giá trị chủ quan là hai cực của quan hệ giá trị của con người với thế giới” [ценность 1989: 732-733].

II. Hệ giá trị Việt Nam: những tư tưởng chỉ dẫn

1. Trong nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, lâu nay, giới nghiên cứu thường không mấy chú ý đến ý kiến của các nhà nghiên cứu đương đại, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ. Tư tưởng của các nhà nghiên cứu thế hệ trước, ý kiến của các học giả nước ngoài cùng những quan điểm chỉ đạo vĩ mô, được quan tâm khai thác nhiều hơn, do vậy, trở thành các chỉ dẫn, gợi ý quan trọng. Điều này có lý do hợp lý của nó.

Bởi vậy, để xác định hệ giá trị người Việt, chúng tôi thấy cần thiết phải một lần nữa nhắc lại, lưu ý và nhấn mạnh những tư tưởng có ý nghĩa, những chỉ dẫn quan trọng, bao gồm các chỉ dẫn trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước và các tư tưởng chỉ dẫn của các học giả có uy tín.

2. Những chỉ dẫn của các nhà nghiên cứu đi trước:

-   Theo học giả Đào Duy Anh viết trong “Việt Nam văn hóa sử cương” xuất bản lần đầu 1938, thì: 1/ Người Việt Nam thông minh, nhưng “ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường”. “Giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn lý luận”. “Ham học, song thích phù hoa hơn thực học”. 2/ Chịu khó, thiết thực. 3/ “Khi hữu sự thì cũng biết hy sinh về đại nghĩa”. 4/ Ít sáng tạo, ưa bắt chước. 5/ “Trọng lễ giáo, song cũng hay bài bác chế nhạo” [Đào Duy Anh 2000].

-   Học giả Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam”, tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, cho rằng, về phương diện tinh thần, người Việt do được giáo dục bởi “nền học vấn cổ lỗ, chưa bao giờ có phương pháp”, nên “lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy”. Đôi khi “sa vào thói chơi ngông cũng tinh tế, nhưng dễ làm cạn kiệt năng lực phát minh cũng như năng lực lập luận khoa học”. “Chẳng thấy nơi nào trên thế giới một dân tộc cần cù như vậy. Khả năng chịu đựng của họ rất cao, ít kêu ca về nỗi đau đớn của mình”. “Có đầu óc thực tế có khi đến lạ lùng, quyết định chiều hướng tâm hồn của họ”. “Người Việt có chất nghệ sỹ nhiều hơn khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính” [Nguyễn Văn Huyên 2003: 763-770].

-   GS. Trần Văn Giàu trong “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” đã khái quát những phẩm chất tinh thần truyền thống tốt đẹp của người Việt thành bảy giá trị tinh thần cốt lõi: “Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa” [Trần Văn Giàu 2011]. 

-   GS. Nguyễn Hồng Phong trong “Tìm hiểu tính cách dân tộc” chỉ ra các giá trị cốt lõi của người Việt gồm: 1/ Tính tập thể - cộng đồng. 2/ Tính trọng đạo đức, cần kiệm - giản dị. 3/ Óc thực tiễn. 4/ Tinh thần yêu nước bất khuất. 5/ Lòng yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, lạc quan [Nguyễn Hồng Phong 1963].

-   GS. Trần Đình Hượu trong cuốn “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” cho rằng, người Việt Nam “ít có tinh thần tôn giáo mà cũng không say mê tranh biện triết học”. “Họ lo cho con cho cháu hơn là linh hồn của mình”. “Ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao”. “Ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người”. “Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng”. “Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ. Ðâu đâu cũng có đền thờ những người có công đức - chủ yếu là có công chống ngoại xâm - nhưng không một anh hùng xuất chúng, một võ sĩ cao cường nào được lưu danh”. “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo”. “Ðối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng”. “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực linh hoạt, dung hoà. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn” [Trần Đình Hượu 1994: 149-164].

-   GS. Phan Ngọc chỉ ra một số đặc trưng nổi trội của người Việt [Phan Ngọc 1999: 144-150] là 1/ Ham học, thông minh và tháo vát, nhạy bén với mọi thay đổi. 2/ Cần cù, chịu khó, thích nghi với hoàn cảnh. 3/ Gắn bó với Tổ quốc, họ hàng, bà con. 4/ Thích sống một cuộc sống giản dị; không bị những đòi hỏi vật chất dày vò; lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình. 5/ “Nhân cách Việt Nam trước hết tiêu biểu ở tinh thần trách nhiệm... Trách nhiệm với người sống và với người chết, với hiện tại, quá khứ và tương lai. Ý thức trách nhiệm ấy biểu lộ thành dư luận, kết tinh thành đạo lý, thể hiện thành truyền thống, đọng lại thành tâm tư” [Phan Ngọc 1994: 34].

3. Những chỉ dẫn trong các văn kiện của Đảng:

-   Tại Hội nghị TW 4 khoá VII năm 1993 về văn hóa văn nghệ, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới đất nước, mau chóng bắt kịp xu thế phát triển của thời đại” [Đảng CSVN 1993].

-   Trong nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998, “những giá trị bền vững, tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước”, được xác định rõ là: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái; lòng khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; đức tính cần cù; sự sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống” [Đảng CSVN 1998]. Văn bản này được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động văn hóa ở Việt Nam hơn hai thập niên qua.

-   Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết TW 5, tháng 6/2014, Nghị quyết TW 9 khóa XI một lần nữa khẳng định: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước…. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” [Đảng CSVN 2014].

III. Hệ giá trị Việt Nam: những vấn đề cần thảo luận

1. Việc xác định hệ giá trị Việt Nam, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu chủ trương sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng, bên cạnh những nghiên cứu định tính. Về nguyên tắc, nếu muốn xác định giá trị thực của người Việt thì việc đo đạc thực tế xem người Việt nghĩ gì, có thái độ như thế nào và thực hiện hành vi ra sao trong đời sống thực tế là vô cùng quan trọng và là căn cứ tối thượng để có thể kết luận. Từ đầu những năm 1990 đến nay, đã có không ít những nghiên cứu định lượng về giá trị được tiến hành, trong đó nhiều công trình đo đạc khá công phu cả ở phạm vi vĩ mô lẫn vi mô, có những nghiên cứu mà số người được phỏng vấn lên tới hơn 7000 người, thậm chí cả tổ chức WVS (World Values Survey, Chương trình điều tra giá trị thế giới) đầu những năm 2000 cũng đã tiến hành điều tra ở tất cả các tỉnh thành Việt Nam. Nhưng những gì mà các nghiên cứu đó công bố, trên thực tế, chỉ có ý nghĩa rất vừa phải đối với quốc kế dân sinh và cả đối với khoa học. Tất cả những kết luận về giá trị Việt Nam, đến giờ này, vẫn có thể bị tranh cãi mà khó phản bác. Rất cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc hơn.

2. Với những tư tưởng chỉ dẫn của các văn kiện quan trọng và của các học giả đi trước đã nói ở phần trên, việc xác định hệ giá trị Việt Nam quả thực vừa thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi vì có hành lang lý luận, có định hướng phương pháp luận, có bài học kinh nghiệm nghiên cứu. Nhưng khó khăn vì khung logic cho bảng giá trị Việt Nam về cơ bản đã được xác định, những nghiên cứu tiếp theo khó có thể thoát ly để nêu thêm được điều gì mới về những giá trị của người Việt được coi là đã định hình và thử thách qua hàng nghìn năm lịch sử.

3. Theo tinh thần Nghị quyết TW 5 năm 1998 thì hệ giá trị Việt Nam gồm 1/ Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2/ Tinh thần đoàn kết; 3/ Ý thức cộng đồng (cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); 4/ Nhân ái; khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; 5/ Cần cù; sáng tạo; 6/ Tinh tế trong ứng xử; Giản dị trong lối sống.

Nghị quyết TW 9 năm 2014 khẳng định lại: 1/ Yêu nước; 2/ Nhân ái, Nghĩa tình; 3/ Trung thực; 4/ Đoàn kết; 5/ Cần cù, Sáng tạo.

Tổng hợp lại, hệ giá trị Việt Nam trong diễn đạt của hai văn bản có những nội dung giống nhau là: 1/ Yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; 2/ Nhân ái, Nghĩa tình, khoan dung, đạo lý; 3/ Đoàn kết; 4/ Cần cù, sáng tạo.

Những nội dung khác nhau giữa hai văn bản: 1/ Ý thức cộng đồng (cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); 2/ Trung thực; 3/ Tinh tế trong ứng xử; Giản dị trong lối sống.

Không khó để có thể thừa nhận, đó là những giá trị cốt lõi trong hệ giá trị Việt Nam. Những giá trị đó, ngoài việc giữ vị trí hàng đầu trong bảng giá trị, còn chứa đựng những biểu hiện đặc thù so với các dân tộc khác về chính các phẩm chất đó.

4. Chẳng hạn, giá trị yêu nước - lòng yêu nước, tinh thần yêu nước, hay chủ nghĩa yêu nước và ý chí tự cường dân tộc.

Không rõ có dân tộc nào mà tinh thần yêu nước không quan trọng bằng các phẩm chất khác hay không. Nhưng với người Việt Nam thì yêu nước đúng là một giá trị phổ biến và thiêng liêng, mặc dù cũng dễ thấy là người Mỹ, người Nhật, người Trung Quốc, người Nga, người Do Thái… cũng yêu nước khá cuồng nhiệt. Sự thật là, trong suốt chiều dài lịch sử, với tất cả các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, không có ngoại lệ, dân tộc Việt Nam đều giành chiến thắng, phần nhiều là những chiến thắng vĩ đại đối với những kẻ thù lớn hơn, mạnh hơn gấp nhiều lần, để lại những bài học lịch sử quý giá về nhiều mặt, trong đó nổi lên là bài học về giá trị của con người, giá trị của dân tộc, ý chí tự cường dân tộc.

Điểm nhấn mà chúng tôi muốn nói đến là ý chí dân tộc. Giá trị yêu nước có thể được chứng minh bằng vô vàn chứng cứ từ hiện tượng đời thường đến các sự biến vĩ đại. Yêu quê hương xứ sở, xây dựng thương hiệu quốc gia, học hành đỗ đạt, thậm chí yêu bóng đá… cũng là yêu nước. Nhưng nhìn vào những hiện tượng như thế có lẽ khó thấy được thực chất của giá trị yêu nước Việt Nam. Theo chúng tôi, ý chí dân tộc, ý chí không chịu khuất phục, ý chí độc lập tự do, ý chí hy sinh vì Tổ quốc… trên thực tế, là phẩm chất đặc trưng cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Phẩm chất này gần như liên tục được đánh thức trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Về điều này, GS. Trần Văn Giàu khi đọc hồi ký của Robert S. Mc. Namara, nguyên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, đã viết: “Cần phải gắng mà nghiên cứu con người Việt Nam, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao mà người Việt Nam lại thắng Pháp rồi lại tiếp tục thắng Mỹ. Khó lắm, đề tài này rất khó. Bởi vì, tôi cũng đồng ý với Mc. Namara, Mỹ là cường quốc bậc nhất trên thế giới, là nước giàu nhất thế giới, khôn nhất thế giới. Đừng ngây thơ mà nói Mỹ dại; Mỹ không hề dại, ngược lại, rất khôn, khôn lắm. Khôn thế, giỏi thế mà lại dành những 20 năm tiến hành chiến tranh với Việt Nam; rồi thua. Thua con người Việt Nam, thua văn hóa Việt Nam, thua cái “chất Việt Nam”... Vấn đề là ở chỗ, trên thế giới này hay gần hơn là các nước quanh ta, ai chỉ ra được, hay ai trả lời được câu hỏi: có dân tộc nào phải đương đầu nhiều lần nhất với những nước lớn mạnh hơn gấp 10 lần, 20 lần, 30 lần... và rốt cuộc đều đứng vững, không bị đồng hóa, giữ được bản sắc của mình và nếu phải tiến hành chiến tranh thì đều kết thúc bằng những chiến thắng oanh liệt? Hãy thử tìm một nước, một dân tộc, không phải một lần, mà hai lần trong lịch sử hiện đại đánh bại hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Lần thứ nhất là chiến thắng Pháp, lần thứ hai là chiến thắng Mỹ” [Trần Văn Giàu 2002].

Ý chí tự cường dân tộc toát lên qua ý kiến GS. Trần Văn Giàu là khá rõ. Yêu nước với tính cách là giá trị cốt lõi Việt Nam, theo chúng tôi, thể hiện sâu sắc ở nội dung này và vì vậy, trong xác định hệ giá trị Việt Nam, cũng nên nhấn ở nội dung này.

5. Nói đến ý chí dân tộc, dĩ nhiên chúng tôi cũng không quên, ý chí dân tộc luôn có hai mặt, luôn là con dao hai lưỡi đối với sự phát triển. Nước Nhật với “chủ nghĩa Sovanh Đại Đông Á”, nước Đức thời Hitler, Trung Quốc trong cơn khát “Trung Hoa mộng”… là những thí dụ.

Tuy nhiên, trong lịch sử hiện đại với khoảng 200 năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, ý chí dân tộc Việt Nam, theo chúng tôi, luôn mang lại những điều tích cực cho sự phát triển tiến bộ của cộng đồng thế giới. Vấn đề là ở chỗ, hiện nay, một lần nữa ý chí tự cường dân tộc Việt Nam lại chịu thử thách. Lần này, việc gìn giữ hòa bình và hữu nghị để phát triển, việc bảo vệ vững chắc chủ quyền ở Biển Đông, việc đảm bảo an ninh quốc gia trên mọi miền của đất nước, lại là bài toán vừa cổ điển vừa chưa từng gặp với những khó khăn gấp bội.

Trong cuốn sách “Vạc dầu Châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của Thái Bình dương yên tĩnh” mới xuất bản 2014, Robert D. Kaplan[1], chuyên gia nổi tiếng của Hội đồng Chính sách Quốc phòng Mỹ, khi cảm nhận và có ý sẻ chia với tâm thức của người Việt về mối đe dọa từ phương Bắc, đã đưa ra một so sánh thú vị giữa Mỹ và Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam. Ông viết: “Mỹ chỉ là một cấu thành bên lề của quá khứ Việt Nam, trong khi đó Trung Hoa lại là một thành tố cốt tử”. Ông tán đồng với Robert Templer, một học giả Mỹ đã có thời tham chiến ở Việt Nam về “nỗi lo sợ bị đô hộ là bất biến và vượt qua mọi khác biệt về hệ tư tưởng” ở người Việt[2]. Theo Kaplan, “nỗi lo sợ của Việt Nam là một tất yếu sâu sắc vì Việt Nam không thể chạy trốn khỏi sự vây tỏa của người láng giềng khổng lồ phương bắc, có dân số đông gấp 15 lần. Người Việt Nam hiểu rằng vị trí địa lý đã quy định cách thức quan hệ của họ với Trung Hoa… Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng Việt Nam” (The fact is, no country is as threatened by China’s rise as much as Vietnam. - Chúng tôi nhấn mạnh) [Kaplan, Robert D. 2014]. Đây là một nhận xét sâu sắc, đặc biệt thú vị và được đánh giá là tinh tường.

Đáp trả mối đe dọa này, vũ khí nào cũng là không đủ, nếu không gắn với giá trị yêu nước, ý chí tự cường dân tộc.

IV. Kết luận

Chúng tôi cố ý phân tích thêm chỉ một giá trị trong hệ giá trị Việt Nam – yêu nước, ý chí tự cường dân tộc để thấy thêm ý nghĩa của vấn đề. Với tính cách là giá trị, phẩm chất được đặt trong bảng giá trị, tự nó mang thêm ý nghĩa, đôi khi ý nghĩa đó còn được nhân lên đến mức thiêng liêng. Bởi chức năng xã hội của giá trị là điều chỉnh và định hướng tư tưởng, thái độ và hành vi con người. Nếu đạo đức và pháp luật chủ yếu chỉ điều chỉnh hành vi, thì giá trị lại có khả năng điều chỉnh con người cả trong tư tưởng và thái độ. Việc điều chỉnh và định hướng bằng giá trị được thực hiện thông qua cả các tác nhân văn hóa, pháp lý và đạo đức, nên tác động khá sâu và bền vững. Do giá trị có khả năng ngấm sâu vào từng người, vào các ngõ ngách của đời sống tinh thần xã hội, nên ngay cả việc hoạch định chính sách, nhu cầu phát triển kinh tế, hay sự biến cải về đạo đức… cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng và tác động của giá trị.

Hệ giá trị của một dân tộc, trước hết, là sản phẩm được chắt lọc từ đời sống, từ thực tế.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

  1. 1.Accenture: Our Core Values. http://www.accenture.com/us-en/company/overview/values/Pages/index.aspx
  2. 2.Đảng CSVN 1998: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khoá VIII. – H.: NXB CTQG.
  3. 3.Đảng CSVN 2014: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI. - http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nghi-quyet-Hoi-nghi-Trung-uong-9-khoa-XI/201435.vgp
  4. 4.Đào Duy Anh 2000: Việt Nam văn hóa sử cương. – H.: NXB Hội Nhà văn.
  5. 5.Hồ Sĩ Quý 2006: Về giá trị và giá trị châu Á. – H.: NXB CTQG.
  6. 6.Kaplan, Robert D. 2014: Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific. –N.Y:Random House.
  7. 7.Nguyễn Hồng Phong 1963: Tìm hiểu tính cách dân tộc. – H.: NXB KHXH.
  8. 8.Nguyễn Văn Huyên 2003: Văn minh Việt Nam, tập 2. – H.: NXB KHXH.
  9. 9.Phan Ngọc 1994: Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. – H.: NXB Văn hóa - Thông tin.
  10. 10.Templer, Robert 1999: Shadows and Wind: A View of Modern Vietnam. - Penguin Books, 384 p.
  11. 11.Values of EU: The 5 core values of the European Union. http://sisyphosmount.blogspot.com/2007/01/5-core-values-of-european-union.html

12. Trần Đình Hượu 1994: Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc. – In trong: “Đến hiện đại từ truyền thống”. - KX07 xuất bản.

  1. 13.Trần Ngọc Thêm 2011: Giá trị và sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. – Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, số 319 (tháng 1), tr. 4-8 + số 320 (tháng 2), tr. 4-9; http://tranngocthem.name.vn/nghien-cuu-vhh/vhh-viet-nam/30-gia-tri-va-su-chuyen-doi-he-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-viet-nam.html
  2. 14.Trần Văn Giàu 2002: Con người Việt Nam: một số vấn đề cần nghiên cứu. - Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2.
  3. 15.Trần Văn Giàu 2011: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. – H.: NXB CTQG.

Nguồn: Bài viết tham gia hội thảo “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo in thành sách “Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”



[1]     Robert D. Kaplan, Giám đốc cơ quan phân tích địa chính trị Stratfor, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ CNAS (Center for a New American Security), chuyên gia Hội đồng Chính sách Quốc phòng, Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về quan hệ quốc tế, như “Cuộc báo thù của địa lý: những gì bản đồ nói với chúng ta về các xung đột sắp tới và cuộc chiến chống lại định mệnh” (The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and The Battle Against Fate)NXB. Random House, 2012, & 2013; “Những bóng ma Balkan: hành trình qua lịch sử (Balkan Ghosts: A Journey Through History. NXB. Picador, 1993, 2005)… Năm 2011 và 2012 Kaplan được “Foreign Policy” xếp hạng thuộc “Top 100” Nhà tư tưởng toàn cầu (“Global Thinkers”). Thomas Friedman gọi R. Kaplan là một trong bốn tác giả được đọc nhiều nhất sau Chiến tranh lạnh (cùng với Francis Fukuyama - Đại học Johns Hopkins, Paul Kennedy - Đại học Yale và Samuel Huntington - Đại học Harvard). (Theo: http://www.cnas.org/people/experts/
staff/robert-kaplan//
http://www.robertdkaplan.com/robert_d_kaplan_bio.htm).

[2]     Cuốn sách mà Kaplan trích dẫn: Robert Templer (1999). Shadows and Wind: A View of Modern Vietnam. Penguin Books. 384 p. ISBN-13: 978-0140285970.

Lên trên

Cùng chủ đề

  • Bùi Hoài Sơn, Đỗ Thị Thanh Thủy. Cơ hội và thách thức đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

  • Joseph Caspermeyer. Nghiên cứu mới cho thấy sự đa dạng di truyền của người Việt Nam

  • Nguyễn Chu Hồi. Biển, đảo Việt Nam - Bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc

  • Nguyễn Huy Phòng. Thách thức trong kiến tạo hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

  • Nguyễn Văn Thanh. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thông báo

Tư vấn khoa học và kỹ năng nghiên cứu…

Tủ sách văn hoá học Sài Gòn

  • Thư viện ảnh
  • Thư viện video
  • Tủ sách VHH

Phóng sự ảnh: Toạ đàm khoa học: Xây dựng…

Hình ảnh văn hóa Tết xưa (sưu tầm)

Phóng sự ảnh: Lễ hội truyền thống VHH 2011

Phóng sự ảnh Lễ hội truyền thống VHH 2010

Thành phố Sankt-Peterburg, Nga

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi 2

Tranh Bùi Xuân Phái

Bộ tem tượng Phật chùa Tây Phương

Bộ ảnh: Đá cổ Sapa

Bộ ảnh: Phong cảnh thiên nhiên

Bộ ảnh: Việt Nam quê hương tôi

"Biển, đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời":…

Con dê trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Văn hóa Tết ở Tp.HCM (Chương trình truyền…

Văn hóa Tp. HCM: Một năm nhìn lại và động…

Phong tục Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Bánh tét và Tết phương Nam

Con ngựa trong văn hóa và văn hóa Việt Nam

Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi

Nhìn lại toàn cảnh thế giới từ 1911-2011…

Tọa độ chết - một bộ phim Xô-Việt xúc động…

Video: Lễ hội dân gian Việt Nam

Văn hoá Việt từ phong tục chúc Tết

Văn hoá Tết Việt qua video

Tết ông Táo từ góc nhìn văn hoá học

“Nếp nhà Hà Nội” trên “Nhịp cầu vàng”: tòa…

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội qua video: từ…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm…

Hướng về 1000 năm TL-HN: Người Thăng Long…

Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà…

Default Image

Hướng về 1000 năm TL-HN: "Chuyện tử tế" -…

Sách “Di sản Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam”

Nguyễn Văn Bốn. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người…

Sách: Quản lý và khai thác di sản văn hóa…

Hồ Sĩ Quý. Con người và phát triển con người

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 3

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 2

Alonzo L. Hamby. Khái quát lịch sử Mỹ. Phần 1

Hồ Sỹ Quý. Tiến bộ xã hội: một số vấn đề về…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á (Phụ…

Hồ Sỹ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Hồ Sĩ Quý. Về Giá trị và Giá trị Châu Á…

Sách: Chuyên đề Văn hoá học

Sách: Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam…

FitzGerald. Sự bành trướng của Trung Hoa…

Hữu Đạt. Đặc trưng ngôn ngữ và văn hoá giao…

Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu)

Gs. Mai Ngọc Chừ. Số phận & Tâm linh

Trần Văn Cơ. Những khái niệm ngôn ngữ học…

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết)

Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2)

Các nhà VHH nổi tiếng

Julian Haynes Steward

Wen Yi'duo (Văn Nhất Đa)

Leslie Alvin White

Huang Wen'shan (Hoàng Văn Sơn)

Radcliff-Brown, Alfred Reginald

Sapir, Edward

Margaret Mead

Thăm dò ý kiến

Bạn thích cuốn "Cơ sở văn hoá VN" của tác giả nào nhất?

Chu Xuân Diên - 4.8%
Lê Văn Chưởng - 0.9%
Trần Diễm Thuý - 1%
Trần Ngọc Thêm - 37.4%
Trần Quốc Vượng - 53%
The voting for this poll has ended on: 26 06, 2020

Tổng mục lục website

tong muc luc

Tủ sách VHH Sài Gòn

tu sach VHH SG

Thống kê truy cập

  • Đang online :
  • 475
  • Tổng :
  • 3 7 7 2 3 5 0 6
  • Đại học quốc gia TPHCM
  • Đại học KHXH&NV
  • Tran Ngoc Them
  • T.c Văn hóa-Nghệ thuật
  • Tc VHDG
  • Viện NCCN
  • Khoa Văn hóa học
  • Khoa Đông phương học
  • Phòng QLKH
  • Khoa Việt Nam học
  • Khoa Hàn Quốc học
  • BM Nhật Bản học
  • Khoa Văn học - Ngôn ngữ
  • Khoa triết học
  • Khoa Quan hệ quốc tế
  • Khoa Xã hội học
  • Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa
  • viettems.com
  • myfaifo.com
Previous Next Play Pause

vanhoahoc.vn (các tên miền phụ: vanhoahoc.edu.vn ; vanhoahoc.net)
© Copyright 2007-2015. Bản quyền thuộc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM
ĐT (028) 39104078; Email: ttvanhoahoc@hcmussh.edu.vn; ttvanhoahoc@gmail.com. Giấy phép: số 526/GP-BC, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27-11-2007
Ghi rõ nguồn vanhoahoc.vn khi phát hành lại các thông tin từ website này.

Website được phát triển bởi Nhà đăng ký tên miền chính thức Việt Nam trực thuộc Trung Tâm Internet VNNIC.

VHVN: Những vấn đề chung