Những ngày gần đây, khi đọc báo hay “lướt” trên mạng tôi thấy xôn xao chủ đề “mở rộng Hà Nội”, có một số thông tin chính thức về HĐND thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận bỏ phiếu tàn đồng đề nghị này, nhưng tôi cũng chưa hiểu cái gì đang xảy ra. Tuy nhiên do bận việc, với lại không hiểu sao câu chuyện này nó cứ mù mờ, mang tính đồn thổi, nên tôi có ý bỏ qua.
Nhưng mấy ngày nay, tôi luôn nhận đươc những điện thư của các bạn nước ngoài, đã sống ở Hà Nội và yêu quý Hà Nôi, họ tỏ vẻ hốt hoảng: “Các ông đang làm gì với Hà Nội thế?”, tôi mới thực sự chú tâm vào vấn đề này. Tuy nhiên, cũng không rõ, nếu muốn tìm hiểu việc này thì sẽ tìm hiểu ở đâu để có thông tin chính xác, để mà mình cùng suy nghĩ đóng góp với tư cách là một công dân của Hà Nội và tâm trạng trong mấy ngày nay của tôi vừa buồn bực vừa khó chịu, giống như không rõ ai đó đang làm gì với người thân yêu, ruột thịt của mình mà mình không được biết vậy!

Trong quá trình tham gia chương trình nghiên cứu cấp nhà nước “Một nghìn năm Thăng Long-Hà Nội”, trên diễn đàn hội thảo hay trên báo chí tôi có đưa ra “4 quan điểm phương pháp luận trong nghiên cứu Thăng Long – Hà Nội”, trong đó có hai quan điểm liên quan trực tiếp tới kế hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô, đó là Hà Nội đang và cần phải “ tái cấu trúc” để trở thành Thủ đô hiện đại, trong đó có tái cấu trúc về không gian địa lý, về dân cư, về xã hội, và nhất là về văn hoá. Và trong quá trình tái cấu trúc như vậy, Hà Nội luôn phải đóng “vai trò trung tâm”, mà theo lý thuyết “trung tâm và ngoại vi”, thì trung tâm luôn phải giữ vai trò thu hút tinh hoa từ ngoại vi, lên khuôn, định hình rồi lan toả ảnh hưởng ra ngoại vi. Một nghìn năm qua, Hà Nội ít nhất đã qua hai lần tái cấu trúc, đó là khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và khi Hà Nội trở thành trung tâm của Đông Dương thuộc Pháp, thì Hà Nội luôn luôn giữ vai trò là trung tâm của cả nước. Lần này, để trở thành Thủ đô của nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020, thì Hà Nội rõ ràng sẽ phải trải qua việc “tái cấu trúc” mạnh mẽ, sâu sắc như thế nào, ngày càng phải đóng vai trò trung tâm thu hút và lan toả như thế nào, để có được một Hà Nội luôn được mọi người con đất Việt coi đó là nơi hun đúc “khí thiêng sông núi”, là không gian linh thiêng để người phương xa luôn “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”!
Tuy nhiên, “Hà Nội tái cấu trúc” thế nào? đóng vai trò trung tâm thế nào? là điều to lớn, quan trọng cần phải suy nghĩ, bàn bạc, thảo luận rộng khắp trong lãnh đạo, trong nhân dân Hà Nội và cả nước. Tôi là người đưa ra quan điểm “Hà Nội tái cấu trúc”, “Hà Nội đóng vai trò là trung tâm”, nhưng hoàn toàn bất ngờ về một dự định mở rộng Hà Nội bằng cách người ta định may cho Hà Nội một “cái áo rộng thùng thình”, chứ không phải chủ yếu là tự nâng tầm cao trí tuệ và văn hoá của Hà Nội! Tôi chưa nói chủ trương đó đúng sai, tuy nhiên ai cũng kinh ngạc về sự vội vã, áp đặt và trong tâm tư của nhiều người thầm nghĩ là người ta đang làm một cái gì đó vì một động cơ nào đó?
Tôi xin kể lại một câu chuyện mà qua đó nói lên một quan niệm, một cách “mở rộng” Hà Nội. Vào nhưng năm 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Bộ Văn hoá Thông tin và Hà Nội lập phương án thành lập “Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam” với ý đồ đó là công trình văn hoá lớn phục vụ cho cả nước và trước mắt đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hoá của người Hà Nội. Sau một thời gian khoảng vài năm, Bộ Văn hoá thông tin và Hà Nội đã đưa ra phương án thành lập “Làng văn hoá-du lịch các dân tộc Việt Nam” đặt tại Sóc Sơn (Hà Nội). Qua anh Vũ Quốc Tuấn, lúc đó là trợ lý của Thủ tướng, chúng tôi ở Viện nghiên cứu văn hoá dân gian (nay là Viện nghiên cứu văn hoá) “nghe lỏm” được thông tin đó, bèn “phát hoảng” lên, không hiểu sao người ta lại đặt làng văn hoá này ở Sóc Sơn chứ không phải ở nơi khác?
Vì trách nhiệm trước công trình văn hoá lớn của đất nước, mặc dù chẳng ai giao cho mình, chúng tôi báo cáo việc này với GS. Nguyễn Duy Quý lúc đó là Gián đốc trung tâm KHXH&NV quốc gia đề xuất về việc Viện chúng tôi muốn cùng với Hà Tây lập phương án tìm địa điểm cho làng văn hoá du lịch này ở Ba Vì - Đồng Mô (thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Tây). Anh Quý tán thành và chi cho chúng tôi một triệu rưỡi (1.500.000 đ) làm kinh phí lập dự án trình Thủ tướng. Rất may, chúng tôi được Tỉnh Uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây nhiệt liệt hưởng ứng và cùng vào cuộc. Chúng tôi đã viết thư tay, qua anh Vũ Quốc Tuấn kính chuyển lên Thủ tướng Chính Phủ. Rất kinh ngạc là chỉ sau vài ngày, Thủ tướng đã trả lời và cho phép chúng tôi chuẩn bị phương án này.
Sau khoảng một tháng, chúng tôi cùng tỉnh Hà Tây chuẩn bị sơ bộ xong dự án về Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam ở Ba Vì Đồng Mô. Tôi vẫn nhớ, hôm Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng phó thủ tướng Nguyễn Khánh chủ trì cuộc họp để nghe Bộ Văn hoá thông tin và Hà Nội trình bày phương án Làng văn hoá du lịch ở Sóc Sơn và chúng tôi trình bày phương án Làng văn hoá du lịch ở Ba Vì - Đồng Mô, sau khi nghe cả hai phương án, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kết luận chấp nhận phướng án thành lập Làng văn hoá du lịch tại Ba Vì - Đồng Mô với những phân tích sắc sảo, đầy thuyết phục. Tôi còn nhớ như in, sau khi Thủ tướng phát biểu kết luận, Bộ trưởng bộ Văn hoá thông tin Trần Hoàn “cãi” lại một câu: Thưa Thủ tướng, Thủ tướng giao cho chúng tôi thành lập làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam trước nhất cho Hà Nội thì nó phải ở trên địa bàn hành chính của Hà Nội chứ, còn Ba Vì - Đồng Mô là thuộc Hà Tây? Nghe xong, Thủ tướng đã bình tĩnh trả lời: Sao anh Hoàn lại nghĩ cái gì cho Hà Nội, của Hà Nội lại cứ phải trên đất Hà Nội, mà không phải là ở Hà Tây? Cả cuộc họp cười ồ lên vui vẻ.
Sau lần gặp đầu tiên và trực tiếp cùng báo cáo công việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi thầm cảm phục Ông về tầm hiểu biết, sự trải nghiệm và quyết đoán!
N.Đ.T.
Nguồn: tác giả cung cấp.